Người đầu tư Tâm linh
Nguồn: Báo Giác Ngộ số 453
Có một doanh nhân quyết định
dùng mười mấy tỷ đồng xây dựng tịnh thất
với mục đích duy nhất: để tu học và khuyến tấn mọi người cùng tu. Người
doanh nhân – Phật tử ấy là anh Nguyễn Văn
Lợi – Pháp danh Minh Lộc. Giám đốc công ty May túi xách Tân La Sài Gòn.
Tịnh thất lấy tên Minh Lộc ở số 56-58 đường 7A, khu dân cư An Lạc, Bình
Trị Đông B, Q.Bình Tân, TP.HCM
Ước mơ thời áo vũ cơ hàn
Năm 24 tuổi,
Nguyễn Văn Lợi đã quyết định vào chùa tập
tu, học Phật với tâm niệm “đi trên con đường chân chính mà Đức Phật đã
dạy”. Và anh Lợi đã vào chùa Pháp Vỡ (Nhà Bè) làm công quả và được Ni sư
trụ trì dạy bảo, dắt dìu tụng kinh, niệm Phật... Gần hai năm công quả,
anh được Ni sư đưa về chùa Giác Huệ (Q.7) quy y, học đạo với Hòa thượng
Viên Giác. Thế nhưng nhân duyên rong ruổi khiến anh không được tiếp tục
đi trên con đường của một người tu. Lý do là hoàn cảnh gia đình quá cơ
cực anh phải trở ra để cán đáng việc nhà. Nghịch duyên bước đầu ấy không
đánh gục lý tưởng tu hành của Nguyễn Văn
Lợi mà càng làm anh quyết tâm hơn. Vừa học, vừa nuôi dưỡng tâm Bồ đề của
mình lớn dần trong gian khó. Cho đến khi Nguyễn
Văn Lợi đường đường trở thành một Giám đốc của công ty (từ năm 1998) ,
nhưng tâm Bồ đề ngày nào vẫn “cháy” trong anh. Và cứ thế, nghĩ là làm,
anh đã quyết định xây dựng tịnh thất để thực hiện tâm niệm mà mình đã ấp
ủ từ lâu: Xây dựng Tam bảo, góp phần hoằng
truyền giáo pháp của Như Lai.
Không dừng lại ở đó, anh Minh
Lộc còn mong rằng đây sẽ trở thành nơi để nhiều người đến nghe pháp,
tụng kinh khi anh có dịp thỉnh quý Hòa thượng, Thượng
tọa có tâm, có đức độ về giảng dạy giáo
pháp. Với anh, tâm nguyện còn là: “Có thể ba năm nữa tôi cũng sẽ lui về
không làm gì thêm nữa, không bon chen nữa để chuyên tâm với kinh kệ và
chia sẻ Phật pháp với những ai có duyên với mình”. Nghĩ đến điều đó bởi
vì theo anh Minh Lộc: “Tiền thì ai cũng cần nhưng nó chỉ là phương tiện,
còn quá bon chen vì nó thì mình sẽ bị kẹt lại biến đến khi nào mới vượt
thoát khỏi sinh tử luân hồi?".
Cùng nhau tu tập...
Là giám đốc, ở cương vị ông chủ,
anh Nguyễn Văn Lợi có khoảng 500 công
nhân, anh luôn đối đãi với họ bằng tình anh em, chú cháu. Có những em ở
quê xa, nhà nghèo lên làm công nhân anh đã đưa về cưu mang và hướng dẫn
cho các em phương pháp niệm Phật, công phu... Đến thăm tịnh thất Minh
Lộc vào lúc 19g hàng ngày ai cũng sẽ cảm được không khí và nghe được âm
thanh thiền vị, thanh tịnh của đạo tràng. Tiếng kinh kệ cùng công phu
thực tập những nội quy của chùa đã giúp nhiều em là công nhân hiền và
ngoan lên. Cách chào đầy cung kính khi có khách, cách đi đứng nhẹ nhàng
của các bạn trẻ là công nhân ở tịnh thất Minh Lộc cho chúng tôi một cảm
nhận rất riêng về hình ảnh của những người công nhân. Sự khác biệt ấy cớ
lẽ nhờ vào sự dụng công thực tập của các bạn dưới sự hướng dẫn của anh
Minh Lộc.
Đến bây giờ, dù chưa phải là đã
hết khó khăn nhưng làm được một nơi như thế này để Phật tử gần xa biết
đến và về tu tập đồng thời cũng là nơi để tôi được cùng tu tập với những
người mà tôi có duyên đã là một “sự mầu nhiệm”. Với tâm niệm ấy anh Minh
Lộc đã luôn luôn phát nguyện rằng sẽ cố gắng để làm cho nơi này thành
nơi thanh tịnh, mang được năng lượng từ bi, hiểu biết đến với nhiều
người. Đồng thời anh còn mơ ước Tịnh thất Minh Lộc sẽ trở thành nơi giúp
cho các thanh niên Phật tử trẻ hữu duyên học tu, làm việc tốt để thoát
nghèo, góp phần xây dựng đất nước. Đó cũng là một cách đầu tư - mà theo
người viết là sự đầu tư tâm linh, góp phần hoằng
dương giáo pháp Phật đà, quả thật là một công đức lớn.
phatphap.wordpress.com &
phatphapnhiemmau.com
***