Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .

Những Đóng Góp Của Đạo Bụt Cho Nền Đạo Đức Toàn Cầu

Thiền Sư Thích Nhất Hạnh

            Đầu năm tôi xin chúc các thầy, các sư cô, và toàn thể quý Phật tử một năm mới tu tâp tinh chuyên, hạnh phúc và đem lại hạnh phúc cho nhiều người. Hôm giao thừa Tết tây, tôi có nói về đề tài tiếp xúc với sự sống, tiếp nhận sự sống và ban bố sự sống. Sự sống hết sức mầu nhiệm, tuệ giác của đạo Bụt cho thấy mình có thể hiến tặng sự sống cho người khác, cho những loài khác một cách rất rõ ràng.

            Sinh diệt nương nhau. 

Một hôm đi thiền hành xuống chùa Sơn Hạ, tôi đã tiếp xúc sâu sắc với những chiếc lá sồi trên đường đi. Những chiếc lá sồi đó đã rụng xuống từ hai tháng nay bắt đầu mục ra thành đất. Nếu để ý một chút thì sẽ thấy rằng trong một thời gian ngắn nữa tất cả những lá sồi đó sẽ trở thành đất rồi thì mình không còn thấy lá sồi nữa, mà chỉ nhìn thấy đất thôi. Nếu có con mắt quán chiếu ta có thể thấy được trong đất có lá sồi. Nhìn cho kỹ sẽ thấy đất ôm ấp rất nhiều thứ, đất không chỉ có lá sồi mà còn có xương, có da, có thịt của những loài động vật khác nữa. Khi lá sồi rơi xuống, nó không buồn đau vì nó biết rằng nó sẽ trở về lại với đất. Người Việt mình có câu: “Lá rụng về cội”. Cội tức là cái gốc cây. Nên lá sồi rụng xuống là nó đi về cội nguồn của nó, nó là cuộc trở về. Mình có thể nói cội nguồn của nó là đất và nó sẽ hoà nhập thành đất, trở thành những chất dinh dưỡng nuôi lại cây sồi để rồi mùa xuân sang năm, cây sồi sẽ cho ra những lá sồi mới. Nhìn vào những lá sồi mới mình thấy sự tiếp nối của những lá sồi cũ từ lòng đất đi lên. Đối với những người biết quán chiếu, khi nhìn vào một cái có thể thấy được nhiều cái. Nhìn vào lòng đất mình có thể thấy được những lá sồi, nhìn vào những lá sồi mình thấy được đất và lá sồi năm xưa. Không có gì mất đi hết. Cái này ôm lấy cái kia, chúng tương túc với nhau, cái này cũng là cái kia. Đất là đất, lá sồi là lá sồi. Nhưng mà đất cũng là lá sồi và lá sồi cũng là đất. Khi nhìn vào bản thân, mình thấy mình là con của bố mẹ. Nhưng mình cũng chính là bố mẹ. Tại vì bố mẹ vào tổ tiên cũng ở trong mình. Mình không thể lấy bố mẹ, tổ tiên ra khỏi mình được, không thể tách rời được. Đi đâu đứa con cũng mang cha mẹ tổ tiên đi theo. Vì vậy cho nên bố mẹ cho mình sự sống, nhưng kỳ thực bố mẹ đã trao bản thân bố mẹ cho mình. Người cho, người nhận và vật được cho chỉ là một. Cái này ôm lấy cái kia. Không co cái này thì không có cái kia. Một người không có con thì không ai gọi người đó là mẹ được. Người đó chỉ có thể là là mẹ khi người ấy có con thôi. Cho nên có con thì mới có mẹ và có mẹ thì chắc chắn phải có con. Nếu mình nghĩ con là con, mẹ là mẹ thì không đúng. Con và mẹ nương nhau.

 

Ta tưởng rằng cái trái đối chọi với cái phải như mặt trăng với mặt trời. Nhưng nhìn kỹ thì cái này ôm lấy cái kia, chỗ nào có trái thì chỗ đó có phải, và ngược lại chỗ nào có phải thì chỗ đó có trái. Ta tưởng rằng trái và phải đối lập nhau nhưng thật ra chúng nương nhau mà có. Và mình đi đến kết luận là giữa cái sống và cái chết cũng như vậy. Cái sống và cái chết liên hệ với nhau mật thiết. Cái sống ôm lấy cái chết. Và nhìn trong cái chết thì thấy cái sống. Vì vậy cho nên nhìn cái chết cho sâu thì thấy rõ ràng nếu không có nó thì không có sự sống. Cũng như khi nhìn vào hồ sen ta thấy cả bùn lẫn sen. Trong bùn có sen và trong sen có bùn. Không có bùn thì không có sen và không có sen thì không có bùn. Nên khi thấy bùn thì đừng sợ mà hãy biết rằng bùn này có thể trở thành sen.

 

Cái chết và cái sống tưởng chừng chống đối nhau, là kẻ thù của nhau. Nhưng kỳ thực trong tuệ giác của đạo Bụt, cái sống và cái chết tương tức với nhau. Không có cái chết thì không bao giờ có cái sống. Và không thể có cái sống nếu không có cái chết. Biết được điều đó chúng ta sẽ không có sợ hãi nữa.

 

Khi quán chiếu chiếc lá sồi rơi xuống, rồi lá sồi sinh trở lại trên cây, cũng như quán chiếu sự có mặt của bố mẹ ở trong mình và mình thấy rằng mình chính là bố mẹ thì tất cả những cái thấy sai lầm, những tà kiến không còn nữa. Và chánh kiến mà mình đạt được làm cho mình không còn buồn đau, không còn sợ hãi nữa. Nếu trân quý sự sống thì mình biết rằng sự chết là một phần của sự sống, nó là một nguyên tố để làm ra sự sống. Giống như cánh hoa phải chết đi để cho quả lớn lên. Cái vỏ cứng phải vỡ ra thì hạt mới nảy mầm. Chúng ta biết rằng trong cơ thể chúng ta có rất nhiều tế bào, các tế bào sinh diệt không ngừng. Ngày nào cũng có các tế bào cũ chết đi  để các tế bào mới sinh ra. Lúc đó, mình thấy mình ôm hết cả cái chết và cái sống ở trong lòng. Khi mình thấy cần phải trân quý sự sống thì không có nghĩa là mình sợ chế. Và sự thực tập ở Làng Mai là chánh niệm. Trong mỗi bước đi, mỗi hơi thở mình đều thấy được rằng mình đang có mặt.

 

 

Ăn mừng sự sống

 

 

Thường thường chúng ta hay chạy đi tìm những hạnh phúc không đâu trong tương lai xa xôi mà không thấy thỏa mãn trong giây phút hiện tại. Vì vậy chúng ta không có cơ hội để nhận diện những mầu nhiệm của sự sống đang có mặt trong giây phút hiện tại. Đức Thế Tôn dạy rằng chúng ta có thể sống hạnh phúc được ngay trong phút giây hiện tại mà không cần phải phóng tâm về tương lai tìm cầy một cái gì khác nữa. Giáo lý đó được gọi là giáo lý vô nguyện hay vô đắc. Giáo lý đó cũng không có gì khó hiểu lắm và cũng không khó thực tập lắm. Vô đắc, vô nguyện tức là không chạy theo một bóng dáng hạnh phúc ở tương lai hoặc ở nơi khác mà có thể sống hạnh phúc liền ngay trong giây phút hiện tại. Đầu năm mình nên quyết tâm học và sống cho được như vậy.

 

Hạnh phúc là những gì có được ngay bây giờ, và ngay ở đây. Trước hết là với hơi thở, với bước chân chánh niệm. Mình thấy được rằng sự sống đang có mặt với tất cả những mầu nhiệm của nó. Sự sống đang có mặt ở trong cơ thể của mình, ở trong tâm hồn của mình. Sự sống đang có mặt ở chung quanh mình và mình phải tiếp xúc với sự sống. Tiếp xúc sự sống bằng năng lượng chánh niệm của một người tỉnh thức. Không có chánh niệm thì mình không tiếp xúc được với sự sống  và những mầu nhiệm của sự sống. Khi đã nhận diện được sự sống với những mầu nhiệm của nó rồi thì mình thấy rằng mỗi giây phút rất là quý giá. Buổi sáng sớm, khi hít thở mình thấy không khí rất trong lành và điều đó đem lại hạnh phúc liền lập tức, đó chính là tiếp xúc với sự sống nhiệm mầu.

 

Chúng ta nên biết rằng giờ phút chúng ta sinh ra từ bụng mẹ ra là giờ phút rất khó khăn. Ở trong bụng mẹ, chúng ta ấm áp và êm ái lắm. Thai nhi nằm trong nước nên rất êm, một cái đệm bằng nước thật là tuyệt. Trong bụng mẹ thì không bao giờ là quá nòng, cũng không bao giờ quá lanh.Mẹ thở cho mình, mẹ ăn cho mình, mình khỏi làm gì hết, chỉ cần nằm yên ở trong đó thôi. Đó là những tháng tuyệt vời ở trong cung điện của đứa con (tử cung tức là cung điện của con).

 

Đến khi sinh ra hài nhi bị sốc rất lớn, đang từ chỗ rất êm ái, nó đi ra một nơi buộc phải đụng chạm đến những cái cứng và điều quan trọng nhất là phải thở, phải tự mình thở. Khi ấy trong phổi của em bé có những chất nước và nó phải hắt hơi để cho nước từ trơng phổi đi ra. Bé bắt đầu thở vào hơi thở đầu tiên. Đó là giây phút quan trọng nhất của đời nó. Nếu lúc ấy nó không thở được thì nó sẽ chết. Đây là giây phút rất khó khăn. Để thở được hơi thở đầu tiên thì phải hắt hơi, đẩy ra những chất nước có sẵn ở trong phổi. Lúc đó em bé phải tự thở lấy. Bây giờ ta đã vượt qua giai đoạn đó rồi, giai đoạn đó chỉ diễn ra trong vài giây thôi. Ta sống hay chết tùy thuộc vào mấy giây đó, nay thì mình có thể tự thở bằng hai lá phổi của mình, chỉ nội chuyện được thở không khí trong lành thơm tho thôi đã đem lại hạnh phúc rồi.

 

Mỗi khi bước đi, mình bước những bước chân nhẹ, tiếp xúc được với cỏ, với cây, với sỏi, với đá. Rồi tiếp xúc được với màu sắc, với những hình ảnh, âm thanh. Và những mầu nhiệm của sự sống mình vẫn chưa thể giải nghĩa được. Mỗi cọng cỏ, mỗi cành hoa, trăng, sao, mây, suối… tất cả những cái đó đều rất là mầu nhiệm. Nếu quên lãng, không có chánh niệm, thì mình không nhận diện được những điều kỳ diệu ấy, rồi mình tự giam mình trong những cái vỏ của sự buồn khổ, giận hờn, lo lắng, tuyệt vọng. Mình đánh mất hết tất cả những mầu nhiệm đó của sự sống tại vì mình không tiếp xúc được. Cho nên giáo pháp hiện pháp lạc trú của đạo Bụt rất hay và quan trọng. Mình không cần phải chạy về tương lai để đuổi bắt một hạnh phúc xa xôi. Hạnh phúc vốn có sẵn trong mình trở về và tiếp xúc với nó bằng chánh niệm thì hạnh phúc sẽ xuất hiện ngay trước mặt mình. “This is it”. Tức là cái mà mình đang tìm kiếm cái nó đang sờ sờ ở trước mặt đó.

 

Khi chúng ta trở về được với giây phút hiện tại, thì chúng ta sẽ tiếp xúc được với biết bao mầu nhiệm của sự sống, và biết bao những điều kiện hạnh phúc mà chúng ta đang có. Ví dụ như là chúng ta đang được thở, thở ra, thở vào dễ dàng, không có nguy hiểm như cái thời mới sinh nữa, đó là một điều kỳ diệu. Chúng ta có thể bước những bước chân bình an trên thảm cỏ xanh. Chúng ta có thể ngồi uống trà, có thể ngắm nhìn những đám mây trắng bay, thấy trái trăng vàng huyền diệu lơ lửng trên bầu trời. Chúng ta có thể mỉm cười nhìn nhau. Tất cả những cái đó là những cái mình đang có và mình có thể sử dụng được để đạt tới hạnh phúc. Mình đã sẵn có một kho tàng hạnh phúc trước mặt. Tuy rằng sức khỏe của mình không tuyệt hảo (thật ra thì không có gì là hoàn hảo hết), nhưng mình có dư sức để có hạnh phúc trong giây phút hiện tại. Mình có thể ăn mừng sự sống.

 

Mỗi bước chân thiền hành là mình đang ăn mừng sự sống, mỗi hơi thở bình an là mình đang ăn mừng sự sống, mỗi khi nâng ly nước lên uống là mình đang ăn mừng sự sống, khi rửa bát, nấu cơm đó đều là những hành động ăn mừng sự sống, ăn mừng sự sống trong mỗi giây phút của đời sống hằng ngày. Sướng quá, mình đang có mặt, sự sống đang có trong mình và chung quanh mình. Sống được như vậy thì tự nhiên đời sống hàng ngay của mình trở thành một cái gì rất là thiêng liêng. Mình không cần phải trở thành người khác, không cần phải thành Phật hay thành tiên, không cần có bằng cấp, hay một địa vị nào cả. Chỉ cần tỉnh dậy, tiếp xúc với những mầu nhiệm của sự sống thì tự nhiên mình có được cái mà mình đang mải miết rong ruổi kiếm tìm. Phải sống như thế nào để mỗi phút giây trở thành một huyền thoại cho con cháu của mình. Đó, ông bà của các con ngày xưa sống như vậy đó. Giây phút nào cũng vui, giây phút nào cũng hạnh phúc. Và điều này có thể làm được với giáo lý của Thế Tôn. Ai cũng có khả năng sống hạnh phúc và khả năng sống hạnh phúc là cái đức hạnh, cái quý nhất nơi một con người. Người nào mà có khả năng sống hạnh phúc, người đó là người có giá trị cao nhất. Có những người rất giàu, có những người rất quyền thế, có những người nhan sắc rất mặn mà nhưng mà họ không có khả năng sống hạnh phúc thì tất cả những thứ đó: quyền hạnh, tiền bạc, nhan sắc cũng bằng không. Thành ra có khả năng sống hạnh phúc đó là cái quý giá nhất. Và cái đó chúng ta có thể tập được.

 

Khi sống hạnh phúc rồi thì một cách tự nhiên, mình làm hạnh phúc cho những người chung quanh thật dễ dàng. Mỗi nụ cười, mỗi ánh mắt, mỗi lời nói của mình đều tỏa chiếu bình an và mình trở thành một nguồn suối hạnh phúc cho những người khác. Năm mới mình nên phát tâm sống như thế nào để mình có thể có hạnh phúc ngay ngày hôm nay. Mình vốn có đủ hết rồi, không cần thêm một điều kiện nào nữa.

 

 

Tiêu chuẩn về đạo đức

 

 

Đạo đức học là môn học có mục đích tìm ra cái gì là cái cần làm, cái gì là cái không nên làm, không được làm. “What is the right thing to do?”. Khi nói đến đạo đức học tiêu chuẩn “normative ethics”, thì chúng ta phải nói tới tiêu chuẩn khổ - vui. Những cái gì đem lại cái khổ thì chúng ta không nên làm. Những cái gì đem lại cái vui thì ta có thể làm. Đó là một trong những tiêu chuẩn. Nhưng tiêu chuẩn đó không tuyệt đối. Có những cái nhìn qua thì tưởng là khổ nhưng kỳ thực nó không phải là khổ. Tùy theo cách nhìn của mình mà cái đó là khổ hay không khổ. Ví dụ như chuyện đi học. Có nhiều đứa trẻ con nó đặt câu hỏi rằng: “Tại sao ngày nào cũng phải đi học? Chán quá!”. Nhưng đứa khác lại nói: “Ôi, được đi học, sướng quá!”. Thành ra cái khổ và cái vui không có giá trị tuyệt đói, nó tùy theo cái tâm của mình.

 

Khi uống rượu hay sử dụng ma túy thì có vui đấy chứ. Nó đem lại cảm giác khoái lạc. Cái đó là vui. Nhưng mà cái đó mình có nên làm hay không? Tại vì cái đó sẽ đem tới đau khổ trong tương lai. Vì vậy tiêu chuẩn về cái vui cần phải xét lại. Chữ khổ và chữ vui chỉ có nghĩa tương đối.

 

Có những học thuyết đạo đức nói rằng cái gì đem lại hạnh phúc, thì hành động đó là hành động đúng, còn cái gì mà đem lại những khổ đau thì hành động đó là sai, không nên làm. Chuyện khổ vui là như vậy. Nhưng nội một chuyện định nghĩa thế nào là khổ, thế nào là vui cũng khó. Rồi còn cái khổ, chính bản thân cái khổ cũng là một yếu tố, làm nên cái vui. Chúng ta đã học về lý thuyết tương tức rồi. Làm sao mà có cái vui nếu không có cái khổ? Làm sao có cái phải nếu không có cái trái? Làm sao có cái sống nếu không có cái chết? Không có bùn thì không thể có sen. Vì vậy cho nên cái khổ đau đóng một vai trò khá là quan trọng để tạo ra niềm vui. Ví dụ như không bị đói thì mình không thể nào thấy được cái hạnh phúc khi ngồi vào mâm cơm có đầy thức ăn ngon. Phải đói ăn mới ngon.

 

Có những thanh niên lớn lên chưa biết chiến tranh là gì, nên không biết sợ chiến tranh, thành ra sẵn sàng để gây chiến. Nhưng những người đã đi qua chiến tranh rồi thì thấy rõ ràng rằng chiến tranh là một cái không bao giờ nên có. Và những người ấy họ rất trân quý hòa bình. Vì vậy cho nên mỗi khi đi ngang qua một khổ đau thì người ta lớn lên một chút và người ta có khả năng nhận diện được hạnh phúc. Cho nên cái khổ cũng có giá trị tích cực của nó. Khổ đau cho ta những bài học rất giá trị. Chính nhờ khổ đau mà mình có thể phát khởi hiểu biết và thương yêu. Nếu không có hiểu và không có thương thì không thể nào có hạnh phúc được. Đó là cái thấy tương tức của đạo Bụt. Do đó, tiêu chuẩn về khổ vui không đủ để tạo dựng một nền đạo đức vững chãi.

 

 

Lợi và hại

 

 

Tiếp đến chúng ta bàn tới tiêu chuẩn lợi và hại. Cái gì nó có hại tới sức khỏe, có hại tới niềm an vui của mình thì cái đó không nên làm. Có phải chúng ta nghĩ như vậy không? Trong đạo Bụt, khi nói tới lợi hại tức là nói tới cái lợi và cái hại cho chuyện tu học. Ví dụ hoàn cảnh giúp cho mình có được chánh niệm, chánh định, có trí tuệ thì được gọi là lợi. Còn sống trong hoàn cảnh khiến cho mình bị thất niệm, làm cho mình chất chứa những tà kiến thì đó gọi là hại. Thành ra tiêu chuẩn lợi và hại tới có thể bổ túc được cho tiêu chuẩn khổ và vui. Nếu cái khổ đó có lợi cho mình thì tại sao mình không chấp nhận nó? Khi mình chấp nhận nó rồi thì cái khổ không có làm gì cho mình bị khổ nữa.

 

Ví dụ như chuyện leo núi. Có những người không thích, họ nói: tại sao phải đày đọa thân mình như thế, tại sao phải bỏ thời gian leo lên tận đỉnh ngọn núi, mệt phờ cả người, áo quần rách, mình mẩy lấm lem. Sao không ở nhà mà xem ti-vi cho khỏe? Đối với những người ấy thì leo núi là không có lợi. Ở nhà có lợi hơn. Nhưng đối với những người ấy thì leo núi là không có lợi. Ở nhà có lợi hơn. Nhưng đối với những người thích leo núi thì họ lại hạnh phúc vô cùng. Tại vì tuy mệt như vậy nhưng họ thấy khỏe khoắn trong người. Đối với họ thì leo núi là có lợi.

 

Ban đầu thấy ăn chay khổ quá, tại sao phải ăn chay? Nhưng nếu ăn chay với trí tuệ thì mình thấy ăn chay hạnh phúc hơn ăn mặn nhiều. Khi ăn chay ta bảo vệ được sinh mạng, bảo vệ được trái đất, thấy như vậy thì ăn chay không cảm thấy khổ nữa, mà ăn chay lại là một niềm vui, một điều may mắn. Hơn nữa, khi ăn chay một thời gian mình quen với thức ăn chay, khi ấy mình lại thấy thức ăn mặn rất là tanh và mình không thể ăn được. Thành ra tất cả mọi tiêu chuẩn đạo đức học đều tương đối, tiêu chuẩn lợi hại tới bổ túc cho tiêu chuẩn khổ vui.

 

 

Mê và ngộ

 

 

Bây giờ mình nói đến tiêu chuẩn mê – ngộ. Đây là những tiêu chuẩn của đạo Bụt đưa ra. “Mê” tức là mình đang không tỉnh táo, sáng suốt. Khi không tỉnh táo, sáng suốt thì những quyết định của mình có thể là sai lầm. Ví dụ có lần giận con quá, mình đã làm di chúc là sau khi mình chết đứa con này sẽ không được hưởng một chút gia tài nào của mình hết. Nếu mình viết di chúc trong cơn thịnh nộ như vậy thì đó là một quyết định mù quáng và con mình sẽ lãnh đủ. Cho nên không được đưa ra một quyết định nào trong lúc nóng giận hết. Hoặc nếu mình không đang giận thì mình đang đam mê, vì đam mê cờ bạc mặc cho tương lai vợ con sẽ ra đường. Những quyết định trong lúc không tỉnh táo ấy sẽ làm hại cả cuộc đời mình.

 

Khi đang ở trong trạng thái mê thì cái thấy của mình về lợi – hại, khổ - vui sai lầm vô cùng. Vì vậy chúng ta phải lấy tư tưởng này làm một tiêu chuẩn quan trọng. “Ngộ” tức là khi mình tỉnh táo, mình có chánh kiến, thấy biết sự thật một cách rõ ràng, khách quan. Đây là một tiêu chuẩn, nó tới, giúp bổ túc cho hai tiêu chuẩn đầu là khổ - vui và lợi – hại.

 

 

Khai và giá

 

 

“Khai” tức là mở cửa ra. “Giá” tức là chặn đường lại. Hai chữ này là những thuật ngữ trong đạo Phật. Bất cứ một luật lệ nào, một tiêu chuẩn đạo đức nào cũng không thể tuyệt đối được. Vì vậy phải có “Khai”, tức là dành cho những trường hợp đặc biệt. Ví dụ như không nói dối là tiêu chuẩn đạo đức. Nhưng nếu có tên sát nhân hỏi mình “có thấy người đó trốn ở đây không?”. Nếu mình nói là biết và chỉ cho tên sát nhân thì người kia đã bị giết rồi. Cho nên trong trường hợp này nếu nói ra sự thật như vậy thì không đúng về đạo đức. Thành ra, tuy thật thà là tiêu chuẩn về đạo đức, nhưng thỉnh thoảng cũng phải “Khai”, đối với những trường hợp đặc biết là mình cũng phải nói dối.

 

Có nhiều trường hợp như những căn bệnh không thể chữa được, bệnh nhân phải sống hết sức đau đớn trong những cơn đau đớn trong những cơn đau kéo dài khổ sở khôn cùng và họ muốn chấm dứt đau khổ, họ muốn được chết mau, chết không đau đớn. Nhưng mà mình theo luật gọi là bất sát nên mình nhất định không giết. Vấn đề là vấn đề “Khai”, có nên mở cửa không? Có nên để người đó chết hay không? Đây là vấn đề đang xảy ra ở nhiều nước. Bây giờ trên thế giới chỉ có ba đến bốn nước cho phép điều đó thôi. Tất cả các nước khác đều không cho phép chích thuốc để bệnh nhân chết không đau đớn. Tại vì họ sợ rằng khi mở ra như vậy người ta sẽ lợi dụng và đi quá đà.

 

Đối với vấn đề phá thai. Giáo hội Cơ Đốc giáo, Giáo hội La Mã vẫn có một lập trường rất vững chãi về chuyện phá thai. Tại vì phá thai tức là giết người. Có một giai đoạn Giáo hội Công giáo nghĩ ra rằng khi cái thai còn nhỏ chưa hẳn là một con người thì có thể phá được. Nhưng tới một giai đoạn khác người ta bắt đầu nghĩ, tuy cái thai mới tượng hình nhưng đã có con người trong đó rồi, cho nên phá thai tức là giết người. Hiện tại lập trường của Giáo hội là phá thai tức giết người, là không thể được. Trong khi đó thì đi lính, đi ra trận để tham dự cuộc chiến trang thì lại không bị cấm? Ra trận cũng là chuyện giết người. Còn chuyện kiểm soát sinh nở thì nói là chống lại ý muốn của Chúa, của Thượng đế. Thượng đế muốn thì phải để tự nhiên. Vì vậy có một thời, chính ngay bây giờ cũng có rất nhiều người chống lại chuyện kiểm soát sinh nở. Và chúng ta biết rằng nạn nhân chính là những đứa con sinh ra không được thừa nhận. Rồi khi chúng lớn lên bị xã hội hắt hủi, ghẻ lạnh. Những người con trai Mỹ đi công tác ở các nước châu Á để lại rất nhiều đứa con vô thừa nhận ở Cao Ly, ở Nhật Bản, ở Việt Nam và ở các nước khác. Ngay ở trên đất Mỹ, mỗi năm có hàng trăm ngàn đứa trẻ sinh ra không được thừa nhận. Bố nó không thừa nhận mà mẹ nó cũng không muốn giữ lại nuôi. Có thể từ 250.000 đến 350.000 mỗi năm. Trong khi đó thì cấm không có được kiểm soát sinh nở? Thành ra tất cả những vấn đề đó là những vấn đề có thật trong thế giới của mình. Và đạo đức học của mình phải làm sao áp dụng được vào đời sống để làm giảm thiểu những khổ đau chứ không chỉ là những lý thuyết suông.

Ngày xưa có chế độ đa thê. Tức là một ông có nhiều bà. Ở Tây phương thì theo nguyên tắc hình thức hơn, tức là một ông chỉ có một bà. Nhưng mà có thể năng lượng tình dục mạng quá, sự thực tập không đàng hoàng, cho nên có những người có những liên hệ vợ chông, những liên hệ tình dục không chính thức. Vì vậy có rất nhiều những đức con vô thừa nhận. Những đứa trẻ không được bố công nhận, không được mẹ nuôi dạy mà phải sống trong cô nhi viện rất nhiều.

Trong chế độ đa thê, nếu người vợ không sinh được con, hoặc không sinh được con trai thì bà phải cưới cho chông một người vợ thứ hai, thứ ba… Tuy là đứng về phương diện hình thức nó mang tính cách đa thê. Nhưng ở đây không có những đứa trẻ vô thừa nhận. Đó là những vấn đề có thật trong xã hội mà đạo đức học của mình phải trực tiếp giải quyết. Gọi là đạo đức học ứng dụng. Tức là đạo đức học đem ứng dụng vào những trường hợp cụ thể như vậy.

 

Ví dụ trong giải quyết vấn đề những người đồng tính luyến ái. Lâu nay, Giáo hội Công giáo có một lập trường rất cứng. Cho rằng tình dục giữa những người đồng tính là một cái gì rối loạn. Theo cái thấy của nhà thờ thì những người đồng tính luyến ái không nên có có tình dục đó. Quan niệm gần nhất của nhà thờ là những người đồng tính từ khi sinh ra đã thế rồi và họ đâu có muốn như vậy. Thành ra mình phải chấp nhận họ. Phía nhà thờ mới đi được tới chỗ đó thôi. Còn chuyện những người đồng tính quan hệ tình dục với nhau thì nhà thờ chưa chấp nhận. Khi những người đồng tính nói tới một cái quyền là những người đồng tính có thể cưới nhau, có thể làm hôn thú đang hoàng thì Giáo hội nói rằng không, cái đó là không có đạo đức. Mà không có đạo đức thì không có quyền làm. Lập trường của Giáo hội Công giáo hiện bây giờ là đang như vậy.

 

Ngày xưa Aristote khởi xướng lý thuyết gọi là Luật lệ thiên nhiên – Natural law. Ông nói, bất kỳ cái gì ở trong vũ trụ cũng đều có một công dụng hết. Ví dụ trời sinh ra cái răng để nhai thức ăn, sinh ra cái lưỡi để nếm, sinh ra con mắt để nhìn. Sau này Giáo hội đã chấp nhận lý thuyết đó. Nói rằng đó chính là Thượng đế đã sanh ra như vậy. Hỏi: “Thượng đế sinh ra tình dục để làm gì?”. Trả lời một cách rất là dĩ nhiên: “Sở dĩ con người có năng lượng tình dục là để có con, để có sự nối dõi. Tại vì bất cứ một hiện tượng nào trong vũ trụ đều phải có một mục đích hết…Đó là ý muốn của Thượng đế”. Vì vậy cho nên tình dục chỉ là để có con thôi. Còn đối với những người đồng tính luyến ái bị lên án. Đó là lý luận của nhà thờ trong một giai đoạn nào đó, của lịch sử. Và họ căn cứ trên cái gọi là “luật tự nhiên”. Luật tự nhiên là bất cức một hiện tượng nào trong vũ trụ đều có một mục đích, có một công dụng rõ ràng. Cái răng để nhai, con mắt để thấy thì tình dục để tạo ra em bé. Mà nếu tình dục không phải để tạo ra em bé thì đó là sử dụng sai. Nhưng có những người họ lý luận như thế này: con mắt là để thấy, nhưng có nhiều người dùng con mắt trừng lên một cái để cấm đoán thì con mắt đó đâu phải để thấy, mà là để cấm. Con mắt còn dùng để đưa tình, chứ con mắt đâu phải chỉ để thấy không thôi. Vậy thì tình dục cũng thế. Tình dục, mục đích nó là làm ra những đứa con nhưng mà tình dục cũng có thể dùng để bày tỏ tình cảm của mình đối với một người mà mình rất thương yêu, coi người đó là người mình tin tưởng nhất trên đời. Những người nghĩ như vậy họ chấp nhận chuyện tình dục giữa những người đồng tính luyến ái. Cũng như là con mắt cũng có thể để háy, để nguýt, để trừng trừng, để ngăn cấm… Cho nên trong đạo Phật có rất nhiều không gian tại vì đạo Phật có chữ “Khai”. Khai tức là khai mở, có những trường hợp đặc biệt mình có thể khai mở. Trong những trường hợp đặc biệt mình có thể phá thai kiểm soát sinh nở được. Có những trường hợp mà mình có thể giúp người kia chết một cách an lành, có những trường hợp mình có thể nói dối. Nhưng tất cả những cái đó đều phải làm trên căn bản của tình thương. Nếu không có tình thương, nếu không theo tiêu chuẩn mê – ngộ, lợi – hại, khổ - vui thì mình không thể làm được.

 

Có những triết gia như là Kant không chịu như vậy. Kant nói rằng có những mệnh lệnh, những nguyên tắc tuyệt đối phải tuân theo. Ví dụ không nói dối là tuyệt đối không nói dối, không thể lấy cớ này, cớ nọ để nói dối được. Mọi trường hợp đều phải nói thật 100%. Tại vì mình muốn làm như thế nào để tất cả những người khác đều làm như mình hết.

 

Quan điểm đó cho rằng, cái đúng và cái sai, cái chánh và cái tà là do Thượng đế quyết định chứ không phải do con người quyết định. Cái đó nó đúng vì Thượng đế bảo nó đúng. Cái đó sai vì Thượng đế bảo nó sai. Mình chỉ đi theo thôi. Thượng đế là tạo hóa còn mình là tạo vật. Khi tạo hóa dựng ra con người, dựng ra vạn vật thì tạo hóa bỏ cái đúng và cái sai vào trong đó. Vì vậy cho nên cái đó gọi là mệnh lệnh của Thượng đế. Và nó có tính cách tuyệt đối.

 

Đạo Phật thì không cứng ngắc như vậy, nền đạo đức của đạo Phật có phương tiện quyền xảo gọi là “Khai”, đó là sự sinh động. Một mặt là “Khai”, một mặt là “Giá”. Giá tức là ngăn lại. Ngăn lại cái hành động đó, tuy là nó không gây ra khổ đau, nhưng nếu để cho đi quá đà thì nó sẽ gây ra tai hại. Ví dụ như có rất nhiều vụ tai nạn giao thông xảy ra do tài xế đã uống quá nhiều rượu trước khi lái xe. Khi uống rượu mà lái xe thì rất nguy hiểm cho tính mạng của mình và những người khác. Cho nên Bộ giao thông mới cấm người điều khiển xe có lượng cồn trong máu quá mức cho phép.

 

Vì vậy cho nên khi uống ly rượu đầu tuy là không tai hại, nhưng ly đầu có thể dẫn đến ly thứ hai, rồi ly thứ ba và lúc ấy thì tai nạn sẽ xảy ra. Sự thật là nếu không có ly thứ nhất thì làm gì có ly thứ hai, ly thứ ba? Vì vậy cho nên đừng có uống ly thứ nhất. Cái đó gọi là “Giá” tức là ngăn chặn.

 

Tuy mình làm điều đó không nguy hiểm gì nhưng điều đó sẽ kéo mình đi xa hơn và một khi đã đi xa rồi thì tai nạn sẽ xảy tới. Có một bà người Anh, sau khi được nghe trình bày về năm giới, bà nói tôi xin thọ 4 giới thôi, còn giới thứ 5 là không uống rượu thì tôi không thể thọ được, vì mấy chục năm nay ngày cuối tuần nào tôi cũng uống một ly rượu mà không làm sao hết. Tại sao tôi phải thọ giới thứ năm để bỏ đi thú vui uống một ly rượu cuối tuần của mình? Khi ấy tôi nói với bà ta rằng: Tôi công nhận là trong 30 năm nay mỗi cuối tuần bà đều uống một ly rượu và không có chuyện gì xảy ra cho bà hết. Đứng về phương diện sức khỏe cũng như đứng về những phương diện khác. Nhưng bà nên biết rằng, những đứa con của bà khi thấy bà uống thì nó cũng uống, có thể nó có hạt giống của sự say sưa. Bà có thể uống mỗi tuần một ly nhưng các con bà khó có thể được như bà, chúng có thể đi vào con đường nghiện ngập. Vì vậy bà ngưng ly rượu đó không phải là vì bà mà là vì các con của bà. Tại thường thường, cha mẹ làm gì thì con cái sẽ bắt chước làm theo. Cha mẹ hút thuốc thì con hút thuốc. Tôi nói với bà ta như vậy và thật may mắn là bà ta đã ngộ ra, hôm sau bà quyết định thọ cả năm giới. Cái đó gọi là “Giá”, tức là nó có tác dụng ngăn ngừa những hậu quả có thể xảy ra trong tương lai. “Khai” và “Giá” là một tiêu chuẩn trong đạo Phật.

 

Theo giới luật hiện thời của Làng Mai thì mỗi khi một thầy, hay một sư cô cần phải lên internet thì luôn phải có một thầy hay một sư cô khác ngồi một bên để làm đệ nhị thân. Có thể là thầy đó, sư cô đó lên internet một mình nhiều lần cũng không sao hết. Nhưng mà có một người đi theo bảo hộ để ngăn ngừa cái chuyện có thể xảy ra, cái đó gọi là “Giá”. Tại vì trong mạng lưới internet có thể có những vùng nguy hiểm. Không biết là các bậc làm cha, làm mẹ có thể áp dụng chuyện này với con cái mình được không? Cấm nó chắc cũng không được. Nhưng giới luật đưa ra là mỗi lần con lên mạng internet thì phải có mẹ hoặc bố ngồi cùng. Không biết cái đó quý vị có thể làm được không? Cũng như khi uống rượu say có thể quý vị lái xe mà không gặp phải một tai nạn nào hết. Nhưng đó là may mắn thôi. Vì vậy cho nên không uống rượu vẫn hay hơn.

 

 

Trì và Phạm

 

 

Trì và phạm là nói về giới. Khi giữ giới thì gọi là trì giới, khi không giữ giới thì gọi là phạm giới. Trì là giữ cho nó còn nguyên vẹn. Còn phạm tức là để nó vỡ nát. Giới nói là không được làm cái đó mà mình cứ làm là “phạm giới”, còn khi mình tuân theo giới, mình không làm thì gọi là “trì giới”. Những người trì giới là những người rất hạnh phúc, rất thanh tịnh. Khi mình không uống rượu, không sử dụng ma túy tức là mình trì giới, nhờ vậy mà thân tâm mình khỏe mạnh an vui. Còn nếu mình cứ sử dụng, mình phạm giới thì mình bị nô lệ cho sự nghiện ngập, sự nô lệ ấy làm mình mất tự do và làm khổ cả những người xung quanh.

 

Trong trường hợp nói dối. Nếu một tên sát nhân đi kiếm người ta để thủ tiêu mà tới hỏi mình anh có thấy người đó không. Mình biết nhưng mình phải nói dối. Mà trong trường hợp này mình nói dối tức là mình trì. Nếu mình không nói dối tức là mình phạm. Nếu mình không nói dối thì mình gián tiếp giết người rồi. Vì vậy cho nên có những trường hợp vì tình thương mình bắt buộc phải nói dối. Ví dụ khác, khi thấy một người đang đau khổ, đang gặp hiểm nghèo mà mình không ra tay giúp, thì tuy rằng mình không giết người đó những mà mình đã phạm giói. Khi thấy một người đang đàn áp, đang giết người kahsc mà mình ngồi yên, bình chân như vại, không tới can ngăn thì mình cũng phạm giới như thường.

 

Cho nên, có khi trên hình thức là phạm nhưng kỳ thực là mình đang trì, có khi trên hình thức là trì nhưng mà mình đã phạm giới. Đạo đức học trong đạo Bụt là rất linh động, nó phải có tính cách khế cơ tức là phải phù hợp với từng hoàn cảnh. Mình có đạo đức học tiêu chuẩn nhưng mà phải đi tới đạo đức học ứng dụng. Và tất cả những cái đó đều phải dựa trên tuệ giác gọi là tuệ giác tương tức, tuệ giác bất nhị.

 

Bất nhị tức là không có hại. Khi chúng ta nói chánh và tà, khổ và vui, lợi và hại, theo cách nhìn của đạo Bụt thì hai cái đó nương nhau mà thành. Cái này làm nên cái kia, cái kia làm nên cái này. Vì vậy đạo Bụt có một quan niệm rất mềm dẻo.

 

Khi nói Bụt và chúng sinh thì mình có một cặp đối lập nhau giống như lợi và hại, hay là mê và ngộ. Như bùn và sen, nhưng bùn và sen vốn ôm lấy nhau, chúng nương vào nhau mà có, không có bùn thì không có sen, không có sen thì không có bùn. Bụt và chúng sinh cũng như vậy. Bụt ôm lấy chúng sinh và chúng sinh ôm lấy Bụt. Tìm Bụt ở trong chúng sinh và tìm chúng sinh ở trong Bụt. Bụt và chúng sinh không thể tách rời. Cho nên ở trong đạo Bụt có giáo lý gọi là “Bụt và chúng sinh bất nhị”. Bụt và chúng sinh không thể tách rời ra được gọi là bất nhị. Nếu mà không nắm  được điều này thì không thể nắm được nền đạo đức Phật giáo. Nếu mình muốn đi tìm Bụt thì phải tìm ngay ở chúng sinh, vì ngoài chúng sinh ra không thể nào có Bụt. Khi đã thành Bụt rồi không phải mình hết làm chúng sinh. Do đó Bụt và chúng sinh không phải là hai cái đối lập. Cũng như hoa sen và bùn không phải là hai cái gì đối lập. Vì vậy cho nên cái thấy lưỡng nguyên là cái ngăn ngừa không cho mình thấy được nền tảng của đạo đức Phật giáo.

 

Khi tụng Tâm kinh, ta có chữ “Không”. Trong ánh sáng của Tâm kinh, trong ánh sáng của cái không, thì những cặp đối lập như là sanh - diệt, thêm – bớt, có – không, còn – mất đều là những cái gì tương đối hết. “Nghe đây Xá Lợi Tử, sắc chẳng khác gì không, không chẳng khác gì sắc”. Thấy rõ ràng là tính tương tức của vạn vật. Sắc nó ôm lấy không, không nó ôm lấy sắc. Ngoài sắc không có không, ngoài không không có sắc. Thọ, tưởng, hành, thức cũng đều như vậy. Ngoài không không có thọ, ngoài thọ không có không. Thọ ôm lấy không, không ôm lấy thọ. “Nghe đây Xá Lợi Tử, sắc chẳng khác gì không, không chẳng khác gì sắc. Xá Lợi Tử nghe đây, thể mọi pháp đều không, không sinh cũng không diệt, không nhơ cũng không sạch, không thêm cũng không bớt”. Không tức là cái thấy vượt thoát tất cả mọi cặp đối lập. Vì vậy cho nên trong ánh sáng của cái không, nó vượt thoát chánh tầ, vượt thoát khổ vui, vượt thoát lợi hại, vượt thoát mê ngộ, cái này ôm lấy cái kia, cái kia nó ôm lấy cái này. Mà khi thấy được như vậy rồi thì mình mới có khả năng thiết lập một nền đạo đức. Lĩnh vực này ở ngoài đời gọi là “siêu đạo đức học”, gọi là meta-ethics. Và siêu đạo đức học sẽ trở thành rất quan trọng trong thời đại hiện nay.

 

 

Siêu đạo đức học

 

 

Người ta đã nói về tiêu chuẩn đạo đức học normative ethics và tìm cách nói rõ ra cái gì đáng làm, cái gì không nên làm để có hạnh phúc. Nhưng mà siêu đạo đức học đặt lại tất cả các vấn đề. Anh nói chánh thì thế nào là chánh? Anh nói tà thì thế nào là tà? Anh nói khổ thì thế nào là khổ? Anh nói vui thì thế nào gọi là vui? Anh nói mê thì cái gì gọi là mê? Anh nói ngộ thì thế nào gọi là ngộ? Vì vậy đòi hỏi nền siêu đạo đức học này thế nào cũng phải đưa tới cái thấy bất nhị, cái thấy tương tức của đạo Bụt. Đứng về phương diện siêu đạo đức học thì có những nhận thức là ngữ nghĩa học – semantics. Có ngành gọi là nhận thức luận – epistemology. Nó là ngành bản thể học – ontology. Cho nên trong đạo Bụt có rất đầy đủ. Đạo Bụt nói về cái danh, tức là danh từ. Đạo Bụt nói về nhận thức luận, tức là cái đó mình có thể nhận thức được không hay là không nhận thức được, nhận thức bằng lý luận hay nhận thức bằng trực giác? Cái đó là bản thể học, nó là nền tảng của tất cả mọi cái. Khi đọc Tâm Kinh Bát Nhã vào mỗi buổi sáng là mình đang tiếp xúc với cái bản thể học. Nếu không nắm vững được cái thấy bất nhị, cái thấy tương tức của Tâm Kinh thì mình không thể thiết lập được một nền đạo đức dựa trên tuệ giác của đạo Phật được. Cho nên khi nghiên cứu về đạo đức học Phật giáo mình cũng có thể trình bày theo cái thấy của các nhà triết học bên ngoài. Tức là mình phải trình bày cái meta ethics (tương tức) của đạo Bụt, mình phải trình bày cái normative ethics (tiêu chuẩn đạo đức học) của đạo Bụt. Khi tân tu lại bổn 5 giới  hay là 14 giới thì mình phải sử dụng cái thấy của mình về cả 3 lĩnh vực đó. Mình sẽ cố gắng làm thế nào để cho 5 giới hay là 14 giới được trình bày mà những người không phải là Phật tử cũng có thể chấp nhận, có thể hiểu được. Đây là công trình mà Đức Thế Tôn muốn chúng ta tiếp nối. Tại vì nền đạo đức Phật giáo mà Ngài đã xướng xuất cách đây đã 2.500, Ngài chưa hoàn tất, Ngài chỉ có 45 năm để làm việc ấy. Trước khi Ngài mất, Ngài dặn lại thầy A Nan là phải tiếp tục công trình đó. Chúng ta đang sống trong thời đại có rất nhiều vấn đề. Chúng ta phải làm công việc này, tu bổ lại giới bổn, và chúng ta không thể nào làm được nếu chúng ta không nắm được bản ý của Đức Thế Tôn. Vì vậy cho nên khóa tu này là một cơ hội để cho tất cả chúng ta có thể ngồi lại với nhau, để làm thử công việc đó. Cống hiến cho thế giới một đề nghị về nền đạo đức toàn cầu.

 

Mình phải trở về với hiện thực của thế giới, xét xem cái gì có thể đưa thêm vào để bổ túc cho văn bản đó. Trong giới thức ba mà mình đang tân tu đó, giới thứ ba nói về vấn đề quan hệ bất chính. Buổi giảng kỳ trước mình phải nhắc lại một sự thật là trong thời đại chúng ta, tình dục quá nhiều mà tình yêu lại quá ít. Giới thứ ba có liên hệ tới tình dục và liên hệ tới tình yêu. Vì vậy trong giới thức ba chúng ta phải đưa vào Bốn tâm vô lượng, tức là tình yêu đích thực như trong đạo Bụt dạy. Tình yêu là phải có từ, phải có bi, phải có hỷ và phải có xả. Chúng ta phải làm sống dậy tình yêu và làm giảm thiểu tình dục. Đó là đối tượng của giới thứ ba. Từ, bi, hỷ, xả là những năng lượng tạo ra rất nhiều hạnh phúc. Năng lượng thứ tư, năng lượng xả là năng lượng hết sức mầu nhiệm. Xả có nghĩa là không có kỳ thị, không phân biệt. Mở lòng ra để ôm lấy tất cả mọi người, mọi loài. Tình yêu đích thực là tình yêu lớn lên mỗi ngày. Tình yêu càng lớn thì hạnh phúc càng lớn. Xả cũng là không bị kẹt vào cái ngã, không bị kẹt vào cái ích kỷ của mình. Tức là mình muốn cho người nào cũng được như vậy. Mình ôm lấy tất cả, mình không cho mình là đặc biệt.

 

Tân tu giới bản làm sao để khi đọc tụng phải thấy được cái tuệ giác và từ bi trong đó, để người trì giới tiếp xúc được với cái bất khả nhị, cái thấy tương tức. Nó làm nền tảng cho hành động của chúng ta. Cố nhiên 5 giới mới nó phải dài hơn 5 giới cũ nhưng nó thật sự phản chiếu được tuệ giác của đạo Bụt và sự thực tập của đạo Bụt.

 

Nguồn: Báo Giác Ngộ số  472, 473, 474 & 475

--- Cám ơn Tịnh Tú đã gởi bài này ---

***

 

  http://www.buddhismtoday.com/viet/phatphap/nhungdonggop.htm

 


Vào mạng: 20-03-2009

Trở về mục "Đức Phật và Phật pháp"

Đầu trang