NIẾT
BÀN
Thích Thông Huệ
Niết bàn, phạn ngữ là
Nirvàna, pàli ngữ là Nibbàna, là pháp ấn thứ ba trong Tam Pháp An. Trong
Đại Trí Độ Luận, quyển thứ 22, tổ Long Thọ viết : "Chư hành vô thường,
Chư pháp vô ngã, Niết bàn tịch tịnh". Kinh Tạp A Hàm của thượng tọa
bộ Bắc phương, quyển thứ 10, bản chữ Hán cũng có đề cập đến Tam Pháp Ấn
như trong Đại Trí Độ Luận. Theo Hán dịch thì Niết bàn được chuyển dịch
là Diệt, Tịch diệt, Diệt độ, Tịch, Bất sanh, Vô vi, Giải thoát... Ngoài
ra, Niết bàn còn được giải thích khác nhau theo lập trường của Nam Tông
và Bắc Tông Phật Giáo.
Niết bàn được xem là
mục đích cứu cánh của đạo Phật, chỉ trạng thái tâm thức đã gột sạch hết
mọi vô minh phiền não, sự giải thóat khỏi các kiết sử tùy miên, sự đọan
diệt hòan tòan mọi tham ái, sự dập tắt tham sân si. Trạng thái an tịnh
tuyệt đối không còn bị bốn tướng sanh lão bệnh tử chi phối nữa.
Rất nhiều đoạn Kinh Đức
Phật hay dùng phương pháp phủ định để hiển thị Niết bàn, như đoạn sau:
"Đồng nghĩa với Niết
bàn giới, này các Tỷ kheo, là nhiếp phục tham, nhiếp phục sân, nhiếp
phục si. Cũng được gọi là đoạn tận các lậu hoặc."
"Đoạn tận tham, đoạn
tận sân, đoạn tận si, này các Tỷ kheo, được gọi là bất tử. Con đường
Thánh đạo tám ngành là con đương đưa đến bất tử."
(Tương ưng V -
một Tỷ kheo khác (2) - 7 )
Có hai loại Niết bàn
thường được biết đến, đó là Hữu dư Niết bàn và Vô dư Niết bàn.
Hữu dư Niết bàn là chỉ người đã đạt đến giải thoát khỏi vòng luân hồi,
nhưng phần nhục thể vẫn còn tồn tại; Vô dư Niết bàn là cảnh giới vĩnh
viễn khi xả ly phần nhục thể. Hai lọai Niết bàn này của Phật giáo có
phần tương tự với hai loại giải thoát của Vedanta là hữu thân giải thoát
và vô thân giải thoát.
Đức Phật với pháp thoại,
giải thích về Niết bàn Hữu dư y và Vô dư y:
"Này các Tỷ kheo,
thế nào là Niết bàn giới có dư y ? Ở đây này các Tỷ kheo, Tỷ kheo là Bậc
Alahán, các lậu hoặc đã tận, phạm hạnh đã thành, đã giải thoát nhờ chánh
trí. Trong vị ấy năm căn còn tồn tại, ngang qua năm căn ấy, vị ấy hưởng
thọ khả ý, không khả ý, vì rằng tự ngã không có thương hại cảm giác lạc
khổ. Với vị ấy, tham diệt, sân diệt, si diệt. Này các Tỷ kheo, đây gọi
là Niết bàn có dư y."
"Này các Tỷ kheo,
thế nào gọi là Niết bàn giới không có dư y? Ở đây, này các Tỷ kheo, Tỷ
kheo là bậc Alahán, các lậu hoặc đã tận, phạm hạnh đã thành, việc nên
làm đã làm, đã đặt gánh nặng xuống, đã đạt được mục đích, hữu kiết sử đã
diệt, đã giải thoát nhờ chánh tri. Ở đây đối với vị ấy, mọi cảm thọ đều
không có hoan hỉ ưa thích, sẽ được lắng dịu. Này các Tỷ kheo, Đây gọi là
Niết bàn không có dư y."
(Phật
thuyết như vậy, Duk III, 7 - 443)
Quả Hữu dư và Vô dư còn
được giải thích, từ sơ quả đến tam quả Bất hoàn được gọi là Hữu dư. Quả
Alahán thứ tư được gọi là Vô dư.
Niết bàn Hữu dư y hay
Vô dư y thường là y cứ vào hữu thân hay vô thân, nhưng cả hai lọai Niết
bàn này đều khiến cho cái nguyên động lực đưa đến một đời sống khác đã
bị chặt đứt :
"Này các Tỷ kheo!
Thân của đức Như lai còn tồn tại, nhưng cái khiến đưa đến một đời sống
khác đã bị chặt đứt. Khi thân của vị này tồn tại thời Chư Thiên và loài
người có thể thấy thân ấy. Khi thân hoại mạng chung thời Chư thiên và
loài người không thể thấy được."
(Trường
Bộ I, Phạm Võng - 46)
Trạng thái tâm
vắng lặng mà thường biết là đương thể của Niết bàn.
Thế nên, Niến bàn chính là bản tâm thanh tịnh xưa nay. Nhờ cái đương thể
của Niết bàn mà thế gian sinh diệt mới có chổ dựa tối hậu. Niết bàn hay
sinh tử rốt cùng cũng chỉ là cái tâm của chúng ta, vì sinh tử (mê) và
Niết bàn (giác) chỉ là biểu tượng hai mặt của tâm. Có khi người ta hiểu
Niết bàn là một cảnh giới, nhưng là một cảnh giới vi diệu mà ở đây tất
cả dục vọng vô minh của cá thể không còn tồn tại nữa, vì thế những người
đệ tử Phật muốn biết Niết bàn là gì chỉ có thể kinh nghiệm một cách trực
tiếp vào nguồn tâm của chính mình. Và khi nào ý niệm về TA và
CỦA TA không còn năng lực hoạt động trong tâm, thì tự nhiên hành giả
sẽ kinh nghiệm được cái "một" cái "Thuần nhất bất
tạp" của muôn loài vạn vật. Có thể nói, Niết bàn là chân lý
tuyệt đối nó vượt ngoài nhị nguyên và tương đối. Người đạt được Niết bàn
là người phục vụ kẻ khác một cách trong sạch nhất, vì họ không còn nghĩ
về mình, họ đã thoát khỏi mọi sai lầm về Ngã và lòng khát
khao muốn trở thành. Trong Niết bàn không có thái độ thiên chấp và bưng
bít. Niềm vui chân thật chỉ xuất hiện khi nào ta thoát khỏi mọi thành
kiến ngã chấp và ý niệm có sẵn. Những người có lối sống phàm thường, đam
mê trong dục lạc thật khó mà biết được sự an lạc nội tâm của các nhà tu
hành đắc lực. Nhất là thời đại hôm nay, người ta đã xem nhẹ truyền thống
tâm linh và đạo đức, lại xem trọng tri thức và vật chất. Và chính đó là
mầm móng thác loạn trong đời sống nội tâm và đời sống xã hội loài người
hôm nay. Giáo dục của thời đại không còn là giáo dục đạo đức nữa, mà
giáo dục đã thiên về tri thức và hướng ngoại.
Cũng cần lưu ý, Niết
bàn không thuộc về những tạo tác hữu vi. Tạo nhiều việc lành thì sinh về
các thiên giới, còn mức trung bình thì sinh vào thân giới để hưởng thọ
quả báo khổ vui. Cỏi người có những vận mệnh khác nhau vì trong những
nhân lành có lẫn lộn nhân ác nhiều hay ít. Và tột cùng các thiện sự chỉ
đạt được cao lắm sinh vào các cõi trời dục để hưởng phước báu hữu vi.
Thế nên không thể dùng thiện sự trước tướng mà mong đạt đến cứu cánh
Niết bàn (Vô vi). Muốn đến cõi sắc và vô sắc mà còn phải tu nhân thiền
định, huống nữa là muốn thoát khỏi luân hồi.
Đức Phật thuyết giảng
pháp thoại liên tưởng đến Niết bàn:
"Này các Tỷ kheo, có
xứ này tại này, không có đất, không có nước, không có lửa,, không có
gió , không có hư không vô biên … không có phi phi tưởng xứ; không có
đời này, không có đời sau; không có cả hai mặt trăng mặt trời. Do vậy,
này các Tỷ kheo ! Ta tuyên bố không có đến, không có đi, không có trú,
không có diệt, không có sanh, không có an trú, không có chuyển vận,
không có sở duyên. Đây là sự đoạn tận khổ đau."
(Phật
tự thuyết, UD 80 - 381)
Đây là pháp thoại thứ
hai liên tưởng đến Niết bàn:
"Này các Tỷ kheo, có
cái không sanh, không hiện hữu, không bị làm, không hữu vi. Này các Tỷ
kheo, nếu không có cái không sanh, không hiện hữu, không bị làm, không
hữu vi, thời ở nay không thể trình bày sự xuất ly khỏi sanh, hiện hữu,
bị làm, hữu vi. Vì rằng, này các Tỷ kheo, có cái không sanh, không hiện
hữu, không bị làm, không hữu vi, nên có thể trình bày sự xuất ly khỏi
sanh, hiện hữu, bị làm, hữu vi."
(Phật
tự thuyết, UD 80 - 382)
Và đây là pháp thoại
thứ ba liên tưởng đến Niết bàn:
"Cái gì có nương tựa,
cái ấy có giao động; cái gì không nương tựa, cái ấy không giao động.
Không có giao động thời có khinh an, có khinh an thời không có thiên về,
không có thiên về thời không có đến và đi, không có đến và đi thời không
có diệt và sanh, không có diệt và sanh thời không có đời này, không có
đời sau, không có đời giữa. Đây là sự đoạn tận khổ đau."
(Phật
tự thuyết, UD 81 - 382)
Vì Niết bàn được diễn
tả bằng những từ ngữ phủ định, nên nhiều người hiểu lầm đó là trạng thái
tự hủy diệt. Nếu hủy diệt, chỉ là sự hủy diệt dục vọng và mọi ý tưởng
sai lầm về Ngã. Niết bàn không thuộc về có, vì không có tướng mạo. Niết
nàn không thuộc về không, vì hằng tri hằng giác. Đây là trạng thái thoát
ly năm thủ uẩn, là cảnh giới "Phi nhị biên, ly tứ cú, tuyệt bách
phi". Trạng thái tâm vắng lặng mà rỏ biết là đương thể của Niết
bàn. Cái đương thể này đầy đủ bốn đặc tính Thường, Lạc, Ngã, Tịnh thì
làm sao là hư vô đoạn diệt được ? Thế nhưng, nhiều học giả Phật tử đã
coi Niết bàn là hư vô tuyệt diệt. Là đệ tử Phật mà hiểu Niết bàn là cảnh
hư vô tuyệt diệt là đã rơi vào kiến chấp đoạn diệt, bèn thành tà kiến,
và dĩ nhiên là tự mình đã phản bội lại với đức Phật rồi.
Điểm nổi bật của Phật
Giáo nguyên thủy coi Niết bàn là "Tĩnh". Ngược lại, nét
đặc sắc của Phật Giáo phát triển coi Niết bàn là "Động".
Nhưng thực ra tĩnh và động chỉ là hai mặt của cái Một tuyệt đối mà thôi.
Đến thời đại A Tỳ Đạt Ma Luận Thư (Thời đại bộ phái) đã quan niệm Niết
bàn là một cảnh giới vĩnh tịch. Thắm đượm một màu sắc vô cùng tiêu cực.
Phật Giáo phát triển đến thời hưng khởi đã quan niệm Niết bàn mang tính
hoạt dụng tích cực hơn. Các vị Bồ tát vì mang đại nguyện độ sinh nên
vĩnh viễn hoạt động mà lòng không nhiễm trước thế gian, cái tâm không
nhiễm trước đó được mệnh danh là Bất trụ Niến bàn.
Tất cả mọi công hạnh độ
sanh của chư Bồ tát cũng từ quan điểm "Chủ động" ở trên mà được
an lập. Các Ngài nguyện vĩnh viễn nơi bể sinh tử mà vĩnh viễn nơi bờ
Niết bàn, vì sanh tử tức là Niết bàn, một loại Niết bàn rất sinh động.
Niết bàn này của Phật giáo phát triển, thực ra cũng chỉ là thừa kế Niết
bàn của Phật Giáo nguyên thủy trên phương diện tích cực nhập thế độ sanh
mà thôi.
Tất cả pháp hữu vi sinh
diệt trong từng sát na. Quá khứ đã trôi qua, vị lai thì chưa đến, sự tồn
tại chân chính chỉ có thể tìm thấy trong từng sát na hiện tại. Vì thế,
Niết bàn chỉ có ở sát na hiện tại, ngay tại đây và bây giờ. Niết bàn
cũng là chổ tiềm ẩn của thế giới hiện thực, song song tồn tại với thế
gian vô thường, và vô thường chính là dụng lực của Niết bàn vô vi.
Có một thiền khách hỏi:
- Thế nào là Đại Niết
bàn?
Sư đáp:
- Hãy nơi sanh tử mà
nhận lấy.
***