Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .

PHẬT GIÁO LÀ ĐẠO LÝ PHỤC VỤ TOÀN DIỆN

Thích Lệ Thọ


Phật giáo, hai từ rất gần gũi đối với bất cứ ai trên mảnh đất có hình cong chữ S này từ hai ngàn năm qua cho đến bây giờ và mãi tận ngàn sau. Bởi vì Phật giáo đã hòa quyện cùng dân tộc như nước với sữa, nên chuyện của dân tộc là chuyện của Phật giáo: “Mái chùa che chở hồn dân tộc, nếp sống muôn đời của tổ tông[1]. Cho nên khi dân tộc chuyển sang thời hội nhập để phát triển bền vững cùng thế giới thì vai trò của Phật giáo cũng nâng lên một tầm cao mới trong cách hành đạo và truyền đạo để cùng dân tộc bước lên đỉnh cao Công nghiệp hóa và Hiện đại hóa đất nước.

I. Nhập thế:

a) Không thụ động, nhập thế là chủ đích bao đời của đạo lý Phật giáo: Thông thường, người ta nghĩ đã tu hành là người xuất gia sống một thế giới riêng biệt, kể cả người theo Phật giáo cũng sống nhàn; tức là cuộc sống làm ăn càng ngày càng thu hẹp “sống biết đủ”, bởi đã tu rồi còn gì mà tranh đua với cuộc đời! Đó là quan điểm sai lệch, Phật giáo không chủ trương sống tiêu cực như thế cho người Phật tử bao giờ.

Thực tế cho thấy, Tăng sĩ từ ngàn xưa đã trở thành những vị danh tăng: Vạn Hạnh[2], Đỗ Thuận[3], Khuông Việt[4]… mà đặc biệt là sư Vạn Hạnh khi thấy Vua Lê Ngọa triều bạo ngược làm cho trăm họ oán giận, mong một vua mới có đức, có tài lên trị vì. Trong bối cảnh đó, sư Vạn Hạnh đã làm các bài thơ cho lan truyền trong dân gian, như đồng dao:

“Tột Lê trầm Bắc thủy
Lý tử thụ Nam thiên
Tứ phương can qua tĩnh
Bát biểu hạ bình an”.

Dịch nghĩa:

Gốc Lê chìm bể Bắc
Chồi Lý mọc trời Nam
Bốn phương tan giáo mác
Tám cõi được bình an”.

Đúng như lời bài thơ, năm 1009 Lý Công Uẩn lên ngôi vua lấy niên hiệu Thuận Thiên. Từ đó mở ra kỷ nguyên mới của nước Đại Việt.[5] Điều đó cho thấy rằng, từ ngàn xưa tăng sĩ Việt Nam đã hội nhập theo từng góc độ và từng thời kỳ. Vào ngày 25/8/1945 đất nước chúng ta lật sang trang mới chấm dứt chế độ quân chủ chuyển sang xã hội dân chủ.

Ngày nay, con người hiện đại và nhận thức dân tộc ở tầm cao mới nên tăng sĩ cũng đã thay đổi cách đóng góp như, giảng dạy không còn nhận thức trừu tượng mà đã có minh họa theo từng chủ đề qua băng đĩa, hoặc trình chiếu màn hình rộng, hay giảng thuyết không còn độc thoại mà đã có nhiều giảng sư tham gia một chủ đề. Như mấy năm gần đây Phật giáo Kiên Giang đã tiên phong trong lĩnh vực này rất thành công. Cách tụng niệm cũng dần chuyển tải tiếng Hán-Việt ra thuần Việt để đáp ứng nhu cầu cho quần chúng Phật tử lên một tầm cao mới qua nhận thức và tu tập.

 

b) Sự hòa quyện giữa đạo và đời: có thể nói khó mà phân biệt được đâu là đạo lý Phật giáo và đâu là nhận thức của xã hội tự nhiên. Vì vậy, ngày nay lại được sự phát huy hơn nữa nên Đạo không phải chỉ nơi Chùa, Tịnh Thất, Niệm Phật Đường…, còn đời không phải chỉ ở nơi quan trường, chính sự, doanh thương sản nghiệp, gia đình, và cuộc sống. Hai thứ ấy đã hòa quyện tạo nên một xã hội Việt Nam đặc thù, không tìm đâu trên thế giới. Ngoài ra, các tôn giáo sống với nhau thoải mái, thậm chí trong một đình có đến 4 tôn giáo. Điều đó cho thấy dân tộc Việt Nam luôn biết chọn lọc cái hay cái đẹp, để hướng thiện nhằm tạo cho mình một đời sống có sự thăng bằng giữa vật chất và tinh thần.

Đời và đạo có thể được xem như hai trạng thái có liên hệ mật thiết với nhau trong một thực thể thống nhất. Đời có thể hình dung như thế giới vật chất hữu hình sinh động bên ngoài, còn đạo lại bao hàm cảnh giới tâm tinh thần trầm mặc bên trong nội thể con người. Cho nên, dù là vật chất hay tinh thần đều không độc lập tách rời nhau, mà phải nhịp nhàng hỗ tương qua lại.

Vì vậy,  trong 25 năm qua Tăng Ni, Phật tử đã đạt được nhiều thành tựu Phật sự quan trọng, công tác hoằng dương chánh pháp phát triển rộng khắp, làm sáng tỏ giáo lý trong cuộc sống nhân gian; công tác từ thiện xã hội được thực hiện kịp thời, góp phần tích cực cùng toàn dân giải quyết những vấn đề xã hội, khắc phục hậu quả thiên tai; quan hệ của Phật giáo trong cộng đồng thế giới được củng cố và rộng mở. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Những đóng góp thiết thực của Phật giáo Việt Nam đã chứng tỏ Phật giáo hoàn toàn là tôn giáo nhập thế, luôn đồng hành cùng dân tộc, góp phần xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp, đồng thời cũng cho thấy vai trò quan trọng của đời sống Phật giáo trong đời sống xã hội ngày nay.[6]

 

II. KINH TẾ:

Liên quan đến vấn đề được gọi là kinh tế, đức Phật đã dạy thực tiễn, khả dĩ góp phần cho một giải pháp toàn diện về những vấn nạn của con người xưa cũng như nay.

Những định nghĩa đầu tiên về kinh tế - chính trị của thế gian chỉ đơn giản là sự nghiên cứu về tài sản. Sự tiếp cận mang tính khoa học đầu tiên về đề tài này đã được bắt đầu bởi Aristotle, người vẫn còn ảnh hưởng đến ngày nay với sự hiện hữu của trường phái Austrian. Adam Smith, tác giả của quyển sách có ảnh hưởng lớn The Wealth of Nations và được một số người xem là “cha đẻ của kinh tế hiện đại”. Nhìn chung, những định nghĩa về kinh tế là làm sao lưu thông cho được hàng hoá giữa cung và cầu.  Họ không đả động gì đến những hậu quả đạo đức của những hoạt động kinh tế hay giai đoạn sau khi đáp nhu cầu. Chẳng hạn, nhà sản xuất hoặc buôn bán rượu chỉ nghĩ là làm sao bán cho được càng nhiều rượu càng tốt và họ không cần biết đến hậu quả của sự tiêu thụ rượu đó có thể là tai nạn giao thông, bạo hành gia đình...

Đạo Phật với pháp môn thiền định cùng những kỹ thuật quán chiếu nội tâm ngày càng được biết nhiều ở phương Tây. Nhưng đồng thời, một hình ảnh về đạo Phật luôn gắn bó với khổ hạnh hoặc xuất ly thế gian để nhập vào một cảnh giới tịch mịch, ẩn dật và riêng tư vẫn còn khá phổ biến trong suy tư của nhiều người. Tuy nhiên, những lời Phật dạy có liên hệ đến nhiều lĩnh vực của đời sống và chỉ cho ta cách hành xử thế nào để được hoà hợp và an vui trong một thế giới đầy bất ổn.

Mục đích của đạo Phật là nhằm đem lại lợi ích, làm giảm khổ đau và mang lại sự bình an nội tâm cho con người. Tuy nhiên, chỉ tụng đọc kinh điển thôi thì không đủ. Và, phải ngang qua hành thiền, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp người ta mới thật sự đạt được sự hoà hợp giữa nội tâm và ngoại cảnh.

Đức Phật tuyên bố rằng, thế giới là thiếu thốn, khao khát và nô lệ cho tham ái (ta).[7] Và chính nó là nguyên nhân cho mọi bất an của xã hội trên nhiều lĩnh vực bao gồm cả kinh tế.

Về kinh tế ngày nay, đất nước đã đạt được những thành tựu cho nhu cầu mình. Tuy nhiên, những thành tựu đó như con dao hai lưỡi, có thể giúp ích và cũng có thể làm hại con người.

Đức Phật rất quan tâm đến môi trường sống, ngài dạy các vị tăng là chớ làm hại các hột giống và các loại cây cỏ, không nhận các hạt sống, không nhận thịt sống[8].

Đức Phật thừa nhận rằng thật khó để có một đời sống ổn định trong một hoàn cảnh nghèo khó. “Đối với những gia chủ trên thế gian này, nghèo là khổ đau.”[9]  “Khổ đau trên cuộc đời này là nghèo và nợ nần.”[10]  Nghèo khó, giống như lòng tham, góp phần vào tội phạm và bất ổn xã hội.[11]  Do đó, ở góc độ nhà nước cần phải thấy được nhu cầu của những người nghèo khó và phải xua đuổi nghèo khó ra khỏi đất nước.

Và ngài đã có những lời dạy thực tế: “Có bốn điều kiện này đưa đến hạnh phúc và lợi ích trong hiện tại. Đó là nỗ lực, thận trọng, bạn tốt và nếp sống cân bằng”:

1/ Nỗ lực: Nghề nông, buôn bán, chăn nuôi, binh nghiệp hay nghệ thuật, vị ấy nỗ lực, tự thích ứng và thiện xảo. Vị ấy không lười biếng trong công việc mà trái lại, lanh lẹ và có ý thức. Vị ấy biết cách quản lý công việc, có khả năng và có tinh thần trách nhiệm: đây được gọi là thể nhập sự nỗ lực.

2/ Thận trọng: Đề phòng tài sản này khỏi bị nhà vua tịch thu, khỏi bị kẻ trộm cướp, khỏi bị lửa đốt, khỏi bị lũ lụt cuốn trôi hay bị chiếm đoạt bởi những người thân không xứng đáng? Đây được gọi là thể nhập sự thận trọng.

3/ Bạn tốt: Những người có niềm tin, đạo đức, lòng bố thí, và trí tuệ. Vị ấy học và thi đua những ai có bố thí; những ai có trí tuệ, đạo đức và niềm tin… Đó là bạn tốt.

4/ Nếp sống cân bằng: Những ai tự nuôi sống một cách điều độ, không phung phí cũng không keo kiệt. Vị ấy biết những nguyên nhân đưa đến sự gia tăng hay tổn giảm tài sản; vị ấy biết công việc kinh doanh nào sẽ mang lại lợi tức nhiều hơn sự tiêu dùng khác hơn là sự tiêu dùng vượt quá lợi tức.

Nếu vị ấy có lợi tức lớn nhưng keo kiệt thì có thể vị ấy sẽ chết như một kẻ nghèo túng. Nhưng vị ấy tự nuôi sống một cách tiết độ nên vị ấy được gọi là có nếp sống cân bằng.

Đồng thời ngược lại, có bốn con đường dẫn đến suy giảm. Đó là tiêu dùng vào đường trụy lạc, say xỉn, cờ bạc và giao du bạn ác. Ví như một hồ nước lớn với bốn ống dẫn vào và bốn ống dẫn ra được mở van, và trời không mưa, hồ nước lớn ấy chỉ suy giảm, không tăng…[12]

Rồi, đức Phật tiếp cho người triệu phú Anāthapiṇḍika năm lý do này để gầy dựng tài sản:

1/ Được tài sản nhờ nỗ lực tinh tấn, kiếm được tiền do đổ mồ hôi ra, tự làm mình an lạc, hoan hỷ và chơn chánh duy trì sự an lạc. Làm cho vợ con, người phục vụ, các người làm công được an lạc, hoan hỷ và chơn chánh duy trì sự an lạc. Đây là lý do thứ nhất để gầy dựng tài sản.

2/ Làm cho bạn bè thân hữu an lạc, hoan hỷ và chơn chánh duy trì sự an lạc. Đây là lý do thứ hai để gầy dựng tài sản.

3/ Khéo điều hòa vật chất với cuộc sống vị đó tránh được các tai hoạ từ lửa, từ nước, từ vua, từ ăn trộm, từ kẻ thù hay từ các người thừa tự không xứng đáng được chận đứng, và nó giữ tài sản được an toàn.

4/ Hiến cúng cho bà con, khách, tổ tiên, vua, chư Thiên.

5/ ly kiêu mạn, ly phóng dật, an trú nhẫn nhục nhu hoà, nhiếp phục tự mình, an tịnh tự mình, làm lắng dịu tự mình, đối với những Sa môn, Bà la môn như vậy, vị ấy tổ chức sự cúng dường tối thượng, đưa đến cảnh giới chư thiên, được quả dị thục, đưa đến cõi trời.[13]7

đức Phật cũng nhấn mạnh đến việc mở rộng công việc kinh doanh, “Tài sản cần chia làm bốn phần:

1/ Một phần để ăn uống và làm các bổn phận,

2/ Hai phần để đầu tư mở rộng doanh nghiệp,

3/ Phần ba để dành lúc khó khăn.

4/ Phần còn lại bố thí cúng dường.[14]8

Từ đây ta có thể nhìn thấy bài pháp của Ngài rất phù hợp với nền kinh tế Việt Nam hiện đang phát triển. Nhưng chúng ta nên nhớ và vận dụng những lời dạy của đức Phật, những vấn đề kinh tế cần được gắn liền với đạo đức và an sinh xã hội. Hạnh phúc chân thật của con người phải là mục đích và kinh tế chỉ là phương tiện. Nói một cách khác, kinh tế phải có tính nhân bản. Với sự đóng góp của đạo Phật – sự giác tĩnh, kinh sách và người giác tĩnh – thì sự phát triển kinh tế mới toàn diện và con người mới thật sự hạnh phúc.

 

III. CHÁNH TRỊ:

Thế kỹ thứ XXI như một thế kỷ của tôn giáo, nghĩa là các tôn giáo có tổ chức sẽ vừa năng động hơn trong nỗ lực biến nội dung Phật học thành định hướng học thuật chủ đạo quốc gia, vừa chủ động hơn trong việc cụ thể đi vào tiến trình phát triễn xã hội.

          5 năm qua, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã đồng hành cùng nhân dân cả nước tiếp tục sự nghiệp đổi mới, từng bước phát triển trên các lĩnh vực, nhất là kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội và ngoại giao, mở ra một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên xây dựng dân giàu, nước mạnh, hòa bình, hợp tác và hữu nghị với các nước trên thế giới.

Hiện nay, những công tác trọng tâm của Giáo hội, công tác từ thiện xã hội mang tính tích cực và trong sáng, đậm nét từ bi cứu khổ của đạo Phật được tăng ni, phật tử cả nước tích cực tham gia và đạt hiệu quả cao. Trong cả nước, các tăng ni, phật tử đã xây dựng hơn 126 Tuệ Tĩnh đường và phòng phát thuốc từ thiện, hơn 1.000 lớp học tình thương, gần 40 cơ sở nuôi dạy trẻ mồ côi, khuyết tật… với hơn 20.000 em được nuôi dưỡng. Giáo hội Phật giáo đã vận động, quyên góp được trên 400 tỷ đồng vào các hoạt động từ thiện xã hội.

Trong Chương trình hoạt động Phật sự nhiệm kỳ VI (2007-2012), GHPGVN chỉ rõ sẽ tiếp tục xây dựng, phát triển Giáo hội trên nguyên tắc phát huy tinh thần đoàn kết, hòa hợp vì đạo pháp, dân tộc và xã hội chủ nghĩa; Hoằng dương chính pháp, truyền bá đạo đức Phật giáo, góp phần xây dựng xã hội an vui, hạnh phúc, phù hợp với đạo đức, văn hóa, truyền thống dân tộc; mở rộng và đẩy mạnh việc nghiên cứu Phật học và học thuật Phật giáo đồng thời tiếp tục phát huy tinh thần của Phật giáo Việt Nam đối với Phật giáo các nước trên thế giới, nhằm góp phần xây dựng hòa bình, ổn định nếp sống thân thiện ở mọi nơi.

Khi hiện tượng giao thoa thuận chiều, nghĩa là nhà nước và tôn giáo cùng mục tiêu, cùng đối tượng, và cùng quyền lợi thì dân giàu nước mạnh, xã hội văn minh, công dân có văn hóa một cách bền vững. Khi hiện tượng đó ngược chiều thì nó sẽ trở thành một đại họa cho quốc gia.

Triều đại nhà Trần của nước ta đã thể hiện một cách nhuần nhuyễn nội dung của giáo lý đạo Phật trên cả hai mặt nội trị và ngoại giao, làm cho nước ta trở nên hùng mạnh mà vẫn hiếu hòa, dân nước ta nhu thuần mà vẫn phú cường trong gần 3 thế kỳ . Những vị vua Phật tử khai sáng như Trần Thái Tông và Trần Nhân Tông đã xây dựng một cơ sở tinh thần để từ đó và trên đó, vận dụng tinh thần dung hợp và khai phóng của Phật giáo, đoàn kết và thống nhất toàn bộ nổ lực tri thức và nguồn lực vật chất xã hội để vừa có thể đánh bại các đạo quân xâm lược hung bạo phương Bắc, vừa mở mang bờ cõi về phương Nam, lại đặc biệt vừa tiếp thu một cách có đãi lọc và sáng tạo các nền văn hóa ngoại nhập hầu súc tích hóa và hiện đại hóa nền văn hóa bản địa đương thời của nước ta. Những chính sách quân phân điền thổ, lương bổng và thuế khóa, cải tạo tù binh và hàng binh, giáo dục và thi cử để tuyển chọn nhân tài, ... đều bắt nguồn từ tính bình đẳng, hạnh bồ tát, và lý duyên khởi của giáo lý nhà Phật.

Phật giáo lấy chủ đạo là nhân bản, nên các trường phái và học thuyết điều xoay quanh đối tượng con người là chính. Nên chúng ta có thể nói giáo pháp của đức Phật là “hiện sinh” nó đúng mọi mọi hoàn cảnh. Vì vậy, Albert Einstain-một triết gia vĩ đại người Đức nhận định một cách hùng hồn tiên đoán như sau:

“Tôn giáo của tương sẽ là một tôn giáo toàn cầu, vượt trên mọi thần linh, giáo điều và thần học. Tôn giáo ấy phải bao quát cả phương diện tự nhiên lẫn thiên nhiên, đặt trên căn bản của ý thức đạo lý phát xuất từ kinh nghiệm tổng thể gồm mọi phương diện trong cái nhất thể đầy ý nghĩa. Chỉ có đạo Phật đáp ứng đủ các điều kiện ấy.”

Mặc dù, ông sống ở thế kỷ 20, nhưng thông qua sự nghiên cứu kinh điển Phật giáo và sự hiểu biết về lĩnh vực Triết học, khoa học mà ông đã cống hiến cho nhân loại học thuyết Tương đối, một sự khám phá đầy ấn tượng, giúp cho con người nhận ra một chân trời mới về nhận thức!

          Điều đó cho chúng ta thấy, sự phát triển của xã hội ngày nay không thể tách rời Phật giáo. Mà xã hội nên lấy tiêu chuẩn đạo đức Phật giáo để  làm phương châm cho sự phất triển bền vững. Nhìn lại những sự cố gần đây cho thấy: các công trường xây dựng liên tục xảy ra tai nạn lao động chết người do vô trách nhiệm. Công trình xây dựng thì lún sụt và chỉ có đặc biệt ngành giao thông ở ta mới có mấy tấm biển “đang theo dõi lún” tại sao những công trình vốn nước ngoài xây dựng cầu và các tuyến đường không để bảng chờ lún? Phải chăng hệ quả rút ruột công trình? Vệ sinh thực phẩm, người kinh doanh chỉ nghĩ đến làm giàu mà bất chấp mạng sống người tiêu dùng. môi trường cũng đang bị suy thối nghiêm trọng, có đến 89% mẫu nước không đạt[15]. Thậm chí Hồ Linh Quang, nằm giữa Tp Hà Nội đã nhiễm vi khuẩn tả do ô nhiễm nghiêm trọng[16]. Rau xanh dư chất độc tố…  đó là kết quả của bao nhiêu mầm bệnh và sự thất thoát đang chờ đón người dân. Sự việc cứ liên tục xãy ra hết nơi này đến nơi khác làm nhức nhói chính phủ…Phải chăng, đó chính là do thiếu ý thức sống cộng đồng, thiếu đạo đức và tầm nhìn trong quản lý cấp cơ sở.

Ngay cả ngành y xưa nay được tôn trọng và người ta đã dùng năm chữ vàng để ca ngợi “lương y như từ mẫu”, thế mà vẫn có những Bác sĩ, y tá, đã làm thương tổn do vô cảm, và thiếu phẩm chất đạo đức để xãy ra mất mát bao sinh mạng vì tắt trách…

 Có thể nói hiện nay, mọi ngành nghề đều luôn được báo động về chất lượng nguyên nhân chính vẫn là cái TÂM, thiếu đạo lý sống từ cái gốc, dĩ nhiên phần ngọn sẽ bị sâu thối!

 

IV. XÃ HỘI:

Theo lời Phật dạy, một xã hội lý tưởng không nhất thiết có nghĩa là mọi thành viên đều sống cùng một phương tiện, nỗ lực cho cùng những mục đích và đối tượng, và đạt đến cùng một mục tiêu. Trong đạo Phật, xã hội lý tưởng là một xã hội trong đó sự bình đẳng, dân chủ và những quyền con người được tôn trọng, tiến bộ đạo đức và tâm linh được khuyến khích và người dân quan tâm đến đời sống đạo đức.

Đó là một xã hội giúp đỡ cho người thiếu thốn, làm mạnh mẽ những kẻ yếu đuối, đem hoà hợp lại cho những người không hoà hợp, mang hạnh phúc và ánh sáng lại cho những kẻ đau khổ và tăm tối.

Những điều Đức Phật dạy là nhắm vào sự lợi lạc thiết thực cho hết thảy mọi chúng sinh. Mối quan tâm chính của Ngài là xoá bỏ bệnh tật vì đau khổ của con người, mang lại từ bi cho mình và cho người. Ngài dạy cho mọi người sự tịnh hoá tư tưởng lời nói và hành động của họ, dạy họ cách diệt trừ đau khổ và buồn phiền, cách vượt qua sầu muộn, cách đạt đến con đường đạo và chứng ngộ niết-bàn. Do vậy Ngài được mô tả là một người xuất hiện trên thế gian vì phúc lợi, an lạc và hạnh phúc cho nhiều người, vì lòng từ bi đối với thế gian, vì điều tốt đẹp và lợi ích cho cả chư thiên và loài người.

Sau đây là những đặc điểm quan trọng của một xã hội lý tưởng đã được khắc hoạ trong những lời Phật dạy:

Một Xã Hội Lý Tưởng. Toàn bộ giáo lý Đức Phật có thể được tóm tắt hay nhất trong ba điều đạo đức sau đây: “tránh làm điều ác, tu tập điều lành và tịnh hoá tâm mình; đây là lời Phật dạy.” Ngài khuyến khích mọi thành viên trong xã hội tuân giữ năm điều đạo đức hay mười con đường thiện nghiệp (dasakusalakammapatha), và sống một đời phù hợp với tám đạo thánh để xây dựng một xã hội có căn bản đạo đức. Mỗi công dân của xã hội này được khuyên nên nghĩ và làm những điều gì tốt cho mình và cho người, đưa đến phúc lợi, an lạc và hạnh phúc cho toàn xã hội và loài người.

Một Xã Hội Hợp Lý. Lời dạy của đức Phật được xem là siêu việt thời gian, kêu gọi con người đến để thấy và kiểm chứng, đưa con người đi lên, và được chính người trí chấp nhận. Điều Đức Phật dạy cho đệ tử của Ngài ngày nay được biết đến trong tam tạng kinh điển, là những điều hợp lý và gắn liền với thực tế. Nó mang đến lợi lạc, tốt đẹp, nhân từ, lợi ích và có liên quan đến những vấn đề của con người. Ngài khích lệ chúng ta tu tập ý chí tự do, sống một đời hợp lý, để nhìn mọi sự vật hiện tượng đúng như chúng là. Giá trị con người, ý chí, nỗ lực, tiềm năng, trách nhiệm và phẩm giá con người nằm ngay trong chính họ. Ngài khuyên con người nên đến với giáo lý của Ngài chỉ sau khi đã xem xét kỹ lưỡng tính chất và giá trị của nó, và thấy nó đem đến an lạc và hạnh phúc.

Một Xã Hội Có Văn Hoá. Chắc chắn giáo lý Đức Phật nhằm mang lại sự phát triển hay làm tăng tiến nhân cách con người. Đức Phật đưa ra sự giáo huấn về thân và tâm, làm lợi lạc cho cá nhân con người cũng như cho toàn xã hội trong đó con người sinh sống. Qua cách giáo huấn về thân, tức chế phục các giác quan, trong khi giáo huấn về tâm, tức là tu tập tâm và những điều thuộc về tâm (tâm sở), đạt tới trạng thái điềm tĩnh, mà mọi cảm xúc quấy nhiễu, vui hay buồn, và những chấp thủ vào cảm xúc đều được hoàn toàn loại bỏ.

Một Xã Hội Công Bằng. Sự công bằng và phúc lợi xã hội là hai nét chính của xã hội lý tưởng Phật giáo. Đó là một xã hội trong đó mọi hoạt động gồm nông nghiệp và công nghiệp sẽ công bằng nhờ vào những phương thức chính đáng. Tất cả các nhóm người trong xã hội như là cha mẹ và con cái, vợ và chồng, thầy và trò, chủ và tớ, bạn bè, đồng nghiệp, người cư sĩ và người lãnh đạo tôn giáo, đều thực hiện tốt những bổn phận và trách nhiệm của bản thân. Ngay cả vì vua hay nhà lãnh đạo đất nước cũng tự mình trau dồi trong mười bổn phận của vua quan, để mang đến phúc lợi, hạnh phúc và hoà bình cho thần dân và vương quốc của mình. Trong khuôn khổ một xã hội công bằng này, mọi người đều có một cuộc sống chính đáng một cách chân thành, lương thiện và tránh mọi phương tiện sinh sống bất chánh . Mọi người kiếm sống hay làm giàu bằng năng lực, sự cố gắng và sức mạnh của chính mình theo con đường hợp pháp và chân chánh. Đức Phật dạy rằng: “ sự chân chánh là điều tốt nhất cho mọi người trong kiếp này và kiếp sau.”

Một Xã Hội Bình Đẳng. Đức Phật chủ trương một xã hội bình đẳng, trong đó tất cả mọi người đều bình đẳng về đạo đức, tâm linh và xã hội. Ngài dạy giáo thuyết bình đẳng giữa người với người. Ngài thiết lập một cơ chế dân chủ trong tăng đoàn. Ngài loại trừ sự phân chia giai cấp và đánh giá con người không theo giai cấp họ sinh ra hay địa vị xã hội, dòng giống, màu da hay giới tính, mà đánh giá con người theo cách cư xử đạo đức của họ. Tăng đoàn của Ngài là tổ chức hoà hợp đầu tiên trong lịch sử loài người, chấp nhận tất cả thành viên thuộc bốn giai cấp mà không có sự kỳ thị nào.

Một xã hội nhân bản. Theo đạo Phật, con người là một phối hợp của các thành phần tâm lý và vật lý và không phải là một sản phẩm của cái gọi là “người tạo ra vũ trụ.” Con người là tạo chủ duy nhất và tác giả của chính đời mình và thế giới, chịu sự chi phối của luật nhân quả nghiêp báo. Đức Phật thiết lập nên xã hội, ở đó sự đau khổ của con người được giảm thiểu hay chấm dứt. Lời dạy của Ngài liên quan đến lòng từ, bi , bố thí và công bằng giữa loài người.

Một xã hội vị tha. Cấu trúc lý tưởng của đạo Phật được đặt căn bản trên việc coi trọng đạo đức, ở đó mọi tư tưởng động cơ và hành động ích kỷ vì mình đều được xoá bỏ. Xã hội mà đức Phật muốn đưa ra là xã hội “vì sự lợi lạc cho nhiều người và hạnh phúc cho nhiều người” phù hợp với nguyên tắc chánh pháp của đạo Phật. Đạo Phật nhắm vào việc xây dựng một xã hội không có quyền lợi riêng tư. Xã hội lý tưởng của đạo Phật là một xã hội không có sự xung đột quyền lợi riêng tư và quyền lợi cộng đồng. Ở đây quyền lợi cộng đồng nên được đặt trước quyền lợi riêng tư cá nhân. Nên lưu ý sự hy sinh quyền lợi riêng tư không giống với sự huỷ bỏ quyền tự trị của con người.

Xã Hội Hoà Hợp. Đối với một xã hội hoà hợp và thịnh vượng, đức Phật đặt ra bảy nền tảng cho cộng đồng cư sĩ, và bảy nền tảng cho tăng đoàn. Ngài dạy rằng, con người nên sống với đồng loại của mình trong cung cách hoà hợp, bằng cách tránh sự dèm pha người khác khi đề cao mình. Mặt khác, Ngài khuyên nên kính trọng, tôn vinh và hỗ trợ những người sống phù hợp chánh pháp. Ở đây trong bất kỳ đoàn thể nào mọi thành viên nên sống trong hoà hợp, nhã nhặn, không tranh cải, giống như sữa hoà với nước, nhìn nhau với cặp mắt thân ái.

Một Xã Hội Quân Bình. Xã hội được đức Phật đề cao là xã hội tránh được hai lối sống cực đoan. Một cực đoan là tự hành xác thường được các người tu ẩn dật thực hành, họ tin lầm rằng sự chịu đựng đau đớn căng thẳng của thân thể sẽ dẫn đến giải thoát, trong khi cực đoan kia là sự phóng dật quá độ trong dục lạc thường thấy ở người phàm. Họ không nhìn thấy những hình thức hạnh phúc cao cả hơn, như hạnh phúc của những cấp thiền định. Mọi thành viên trong xã hội nên sống cuộc đời trung đạo, gồm tám yếu tố để mang lại an lạc, hạnh phúc và sự giải thoát thực sự cho mình và cho người khác. Trong một xã hội lý tưởng như thế, con người được khuyên nên sống một đời có sức khoẻ tốt, có được một khả năng tiêu hoá tốt những điều đã học và với một đường lối trung đạo thích hợp cho sự nỗ lực, và tất cả những hình thái kiểm thúc thân tâm, đặc biệt trong việc ăn uống, trong khi đó những hình thái thuộc chủ nghĩa cực đoan đều bị bác bỏ.

Với tư cách là một nhà cải cách xã hội trong ý nghĩa đạo đức, đức Phật loại bỏ hệ thống xã hội dựa trên giai cấp của bà-la-môn, một hình thái xã hội bốc lột kinh tế đối với quần chúng của những nhà làm tôn giáo và những nhóm chính trị. Tách rời địa vị xã hội của con người khỏi nguồn gốc sanh ra, đức Phật kết hợp nó với nghiệp báo đạo đức có chủ tâm của con người. Theo lý thuyết này, chính sự phát triển đạo đức và tâm linh của con người làm cho họ trở nên đạo đức và xứng đáng; và chính cái động cơ xấu xa và những việc làm ác độc của con người làm cho họ trở thành một kẻ cùng đinh chứ không phải do nguồn gốc sanh ra, bối cảnh gia đình hay địa vị xã hội.

Mô hình xã hội lý tưởng của đạo Phật dựa trên sự bình đẳng, chân chánh và đạo đức. Những khó khăn và những tội ác trong xã hội được coi như là sinh ra từ sự tham ái và những điều kiện không tốt đẹp của đời sống.

Do đó, để xây dựng một xã hội Việt Nam với khẩu hiệu “công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước”-Tức là vững mạnh về kinh tế, chính trị, quốc phòng, văn hóa, giáo dục… trước tiên theo đức Phật phải giáo dục con người trước nhất. Bởi chính con người bao gồm nhiều yếu tố: vật lý, tâm lý, sinh lý, cho đến ý chí tình cảm và trí tuệ. Nên cần phải hội đủ sáu mối tương quan để xây dựng một xã hội tốt đẹp.

1/ Đó là mối tương quan giữa cha mẹ

2/ con cái

3/ Thầy và trò

4/ vợ và chồng;

5/ cá nhân và bà con láng giềng, bạn bè, chủ và thợ.

6/ tu sĩ và cư sĩ[17].

Điều này cho chúng ta thấy, đức Phật đã tìm ra con số chung, dù ở Ấn Độ, Việt Nam hay bất cứ quốc gia nào trên thế giới này, hể ở đâu có con người, thì ở đó phải có những mối quan hệ mật thiết qua sáu yếu tố liên hệ trong một xã hội, nên cần phải xây dựng những hạt nhận đó lại trước tiên, nếu không quan tâm đúng mức thì xã hội phát sinh tiêu cực.

Chúng ta gặp gỡ lời dạy của Ngài qua một bài kinh khác: “sở dĩ có người trộm cắp, hung ác, cướp bóc là do họ nghèo đói… Muốn chấm dứt nạn đó thì phải cải thiện đời sống cho họ, cấp hạt giống cho người dân, đầu tư cho các thương gia và phải trả công thích đáng cho người làm thợ. Ngoài ra, còn phải  nên thay đổi chi phí cúng tế thần linh để cứu trợ cho người dân nghèo…”[18] Như vậy chúng ta thấy cách giải quyết vấn đề của Phật giáo trực quan sinh động, chuyển hóa bản thân và xã hội, trên cơ sở tự lực của mỗi người.

Từ đó suy ra, những hiện tượng của xã hội Việt Nam ngày nói riêng và cả thế giới nói chung, không thể dựa trên quyền lực, hoặc chính sách thiếu thực tế và luật pháp chưa đi vào đời sống thì xã hội sẽ đi từ biến động này sang biến động khác. Giống như giải pháp kẹt xe hiện nay của ngành giao thông, dời điểm kẹt này sang điểm khác chứ chưa có giải pháp triệt để. Vì vậy, một chính phủ có giỏi đến đâu đi nữa cũng không thể nào bù đắp nỗi cả một xã hội đang tiêu xài, vắt kiệt tài nguyên thiên nhiên, đẩy đất nước khó kiềm chế căn bệnh lạm phát hiện nay. Dĩ nhiên ngoài những vấn đề xã hội còn có nhiều mặt khách quan của những yếu kém nền kinh tế và trong cơ cấu kinh tế của nước ta bộc lộ sâu sắc hơn trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế, tạo ra những thách thức gay gắt cho việc quản lý và điều hành phát triển kinh tế. Nên và qua Chính phủ đã kêu gọi toàn xã hội: “Cơ quan nhà nước cắt giảm 10% chi tiêu hành chính, doanh nghiệp phải rà soát các khoản chi nhằm hạ giá thành và phí lưu thông. Mọi gia đình, cá nhân triệt để tiết kiệm tiêu dùng, nhất là nhiên liệu, năng lượng.”[19]. Trong khi đó lại có ít bàn tay xây dựng bởi những người có tâm có tầm. Nếu không sớm đánh giá lại giáo dục, kiên quyết lập lại trật tự xã hội bằng nền tảng đạo đức dân tộc và đạo lý Phật giáo thì xã hội vẫn bất ổn. Công cuộc kiềm chế lạm phát lại càng khó khăn hơn, và biện pháp phòng chống tham nhũng lại là chuyện khó khả thi.

Riêng Phật giáo có thể nói là chịu một phần trách nhiệm, do không cố vấn cho các ban ngành xã hội hữu hiệu. các cấp cơ sở giáo hội  chưa thay đổi đủ nhanh trong cách truyền bá giáo lý, vẫn cứ thuyết giảng độc thoại, vẫn cứ mỗi năm vài lễ hội truyền thống, và những khóa tu Bát Quan Trai, niệm Phật… chưa đánh giá đúng mức tầm phát triển chung cuả xã hội hiện nay. Trong khi xã hội đã thay da đổi thịt quá nhanh, thế hệ trẻ đang bị sự đồng hóa của toàn cầu, bị những cơn bão giải trí bắn giết, bị những cuộc đổ bộ của các chất gây nghiện và hệ thống vũ trường hoàn toàn văn hóa ngoại lai, nếu không có sự chăm lo của toàn xã hội thì…những thứ đó đang và sẽ gặm nhấm thế hệ chủ nhân của đất nước này trong tương lai. Một khoảng trống quá lớn đang cần rất nhiều bàn tay vá lại. Rất cần những buổi lễ kỳ siêu của Hòa Thượng Nhất Hạnh, Đại lễ Phật Đản liên hiệp quốc, những bộ phim Lý Công Uẩn hay kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long, những loại hình văn hóa:Chèo, Khoan họ vọng cổ của từng địa phương… Hãy đẫy mạnh hơn nữa những mô hình xã hội, du lịch tâm linh, lễ hội về nguồn như thế thì giá trị của 2 khẩu hiệu Công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; và mái chùa che chỡ hồn dân tộc hòa quyện như thế mới thật sự là chúng ta hội nhập cùng thế giới. Có như thế chúng ta mới hộ trợ chính phủ làm tốt vai trò Chủ Tịch Hội đồng bảo an liên hiệp quốc[20]. Chứ nội lực chúng ta hiện nay sau một năm hòa nhập WTO quả chưa đủ để chơi một sân lớn, đã bị hòa tan cùng thế giới lạm phát. Nếu không sớm thoát ra khỏi vòng xoáy hiện này của những cường quốc thì khó có thể đưa đất nước đi lên. Chứ đừng nói là phát triển bền vững. Nhân mùa An cư Kiết hạ, xin hướng về đãnh lễ đức Thế Tôn, và đoàn thể tăng già hòa hợp, để mùa Hạ tình thương và trí tuệ vang mãi trong mỗi người con Phật chúng ta nói riêng và dân tộc nói chung để nhìn lại chính mình đang ở đâu trên bản đồ Thế giới? đồng thời chúng ta nên nhớ và vận dụng những lời dạy của đức Phật, một đạo lý phục vụ toàn diện mà nhất là nền kinh tế hiện nay cần được gắn liền với đạo đức và an sinh xã hội. Hạnh phúc chân thật của con người phải là mục đích còn nền kinh tế chỉ là phương tiện. Nói một cách khác, Xã hội, Kinh tế, Chính trị, Văn hóa… phải có tính nhân bản thì mọi góc độ của đất nước mới toàn diện và con người mới thật sự hưởng niềm vui-phát triển bền vững!

Sài gòn ngày, 10.07.2008
 

 

 

 

 


 

[1] Nhớ Chùa, Thi sĩ Huyền không

[2] Sư Vạn Hạnh (?-1025), Tiền Lê, họ Nguyễn, Quê ở làng Cổ Pháp, phủ Từ Sơn, nay là Đình Bảng, tỉnh Bắc Ninh.

[3] Thiền Sư Pháp Thuận (914 - 990) Đời thứ 10, dòng Tỳ-ni-đa-lưu-chi.

[4] Khuông Việt (匡越, 933-1011) tên là Ngô Chân Lưu (吳真流), tu chùa Phật Đà, làng Cát Lợi, Thường Lạc. thế hệ thứ 4, dòng Vô Ngôn Thông. Sư là vị Tăng thống đầu tiên của Phật giáo Việt Nam.

[5] Lịch Sử Phật Giáo Việt Nam  Từ khởi nguyên đến thời Lý Nam Đế, Tiến sĩ Lê Mạnh Thát, Nhà Xuất Bản Thuận Hóa Huế 1999.

[6] Chủ Tịch Nguyễn Phú Trọng khẳng định tại lễ khai mạc Đại hội Phật giáo toàn quốc lần thứ VI, sáng  (13/12/2007) tại Hà Nội.

 

[7] Trung Bộ Kinh (Majjhima Nikāya), II, Thích Minh Châu dịch, Đại học Vạn Hạnh, 1974, tr. 72 – 73.

[8] Trung Bộ Kinh (Majjhima Nikāya), I, Thích Minh Châu dịch, Đại học Vạn Hạnh, 1973, tr. 268.

[9] Anguttara Nikaya 

[10] Ibid., 325.

[11] Digha Nikāya, III, 65, 70

[12] Anguttara Nikāya, IV, p.241.

[13] Tăng Chi Bộ Kinh (Anguttara Nikāya), II, Thích Minh Châu dịch, Hồ Chí Minh, 1988, tr. 49-51A.

[14] Digha Nikāya, III, 188.

[15] BS Lê Thanh Hải-GĐ Trung Tâm Y Tế Dự Phòng Tp.HCM, Báo Tuổi Trẻ thứ Bảy 04.04.2008.

[16] Đại diện lãnh đạo 5 Bộ: Y tế, Kế hoạch và Đầu tư, Tài Chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương đã tiến hành thanh tra tình hình vệ sinh an toàn thực phẩm trên quy mô toàn quốc nhằm báo cáo tình trạng sử dụng thực phẩm hiện nay của người dân. Trong hai ngày 4 và 5/4, thanh tra liên ngành

 

[17] Kinh Thiện Sanh- Kinh Trường Bộ số 16.

18 Kinh Du Hành số 2- Trường A Hàm I.

 

[19] Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Trong phiên họp thường kỳ cuối tháng 3 năm 2008

20 Ngày 1-7-2008, Việt Nam khởi sự nhiệm kỳ Chủ tịch luân phiên Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc

 

 

 

 

***

 

  http://www.buddhismtoday.com/viet/phatphap/pgladaolyphucvutoandien.htm

 


Vào mạng: 11-07-2008

Trở về mục "Đức Phật và Phật pháp"

Đầu trang