PHẬT GIÁO VỚI TUỔI TRẺ
Thích Phước Hạnh
Phật
giáo cần Thanh niên. Thanh niên cần Phật giáo.
Thật vậy! Không phải ngẫu nhiên mà một số nước – Phật giáo được xem là
quốc giáo, như: Thái Lan, Lào, Campuachia, Miến Điện . . . lại trang bị
hành trang vào đời cho tầng lớp Thanh niên là những tháng ngày lưu trú
và tu học dưới mái chùa. Nếu ai đó bảo rằng Đạo Phật là bi quan, yếm thế,
chán đời, . . . thì thật là tội ngiệp! Đạo Phật càng không phải là một
“Viện dưỡng lão” chỉ dành cho những ai không còn sức đấu tranh vật lộn
với đời, khô khan nhựa sống mới tìm đến gởi gắm nương nhờ tấm thân “về
chiều” nơi cửa Phật thì quả là một sự hiểu lầm đáng tiếc! Đạo Phật là
hiện thân của sự Giác ngộ và Trí tuệ.
Tuổi trẻ – mùa xuân của đời người: Thể lực và sức khỏe sung mãn; thể xác
và tâm hồn luôn rạo rực cháy bổng với những nhu cầu hết sức tự nhiên của
con người. Nhưng người trẻ tuổi giác ngộ giáo lý Phật Đà sẵn sàng gác
lại tất cả những nhu cầu dục vọng tầm thường của con người để đi xuất
gia học đạo là một hành động hết sức dũng mãnh, rất quý và đáng được
khích lệ. Vì người trẻ tuổi đi xuất gia mang trái tim đầy nhiệt huyết,
một trái tim phụng sự hết mình cho lý tưởng thiêng liêng cao đẹp. Tha
thiết tầm cầu học đạo trên tinh thần “Pháp môn vô lượng thệ nguyện học”.
Tất cả điều kiện thuận duyên đó, tạo nên những tiền đề buổi ban đầu hết
sức tốt đẹp giúp hòan thiện phẩm hạnh và đạt được những giá trị tuyệt
đối đích thực cho cuộc đời người xuất gia. Song, với xu hướng phát triển
về tất cả mọi phương diện đến “chóng mặt” của thời đại đã phần nào làm
xói mòn đi lý tưởng cao đẹp buổi ban đầu của một bộ phận người xuất gia
trẻ tuổi. Ơû đây, chúng ta không mang tâm thế quy cán xã hội. Nhưng phải
xác định rằng, quá trình xã hội hóa ngày càng cao, chất lượng cuộc sống
ngày càng tiện nghi hiện đại chính là những sự cám dỗ có ma lực hấp dẫn
thật cao, có thể đánh gục bất cứ ai không giữ vững lập trường chí nguyện
xuất gia của mình.
Một sự nguy hại vô cùng, nếu để cái sơ tâm xuất gia buổi ban đầu bị “dị
bản” bị vong thân. Phải luôn sống tĩnh thức và nghiêm khắc với chính
mình, đừng bao giờ quá dễ dãi và “vô tư” đối với chính bản thân để chúng
mặc nhiên chịu sự chi phối của những dục vọng thấp hèn, để rồi một đời
lẩn quẩn mãi trong dòng xoáy của quỹ đạo “lục dục thất tình” oan uổng.
Như chúng ta đều biết, một cuộc sống không xác định được mục đích,
phương hướng, lý tưởng để tôn thờ và trung thành thì có khác chi một
“đời sống thực vật”? Tuy rằng, họ vẫn còn hằng hữu, còn sinh hoạt nói
cười . . . nhưng thật ra họ đã “chết” từ lâu. “Chết chưa được chôn!”.
Vì chính năng lượng Bồ đề tâm hao hụt của họ không đủ năng lực cứu lấy
một “linh hồn phẩm hạnh” quá vãng!.
Tổ Quy Sơn dạy: “Phụ mẫu bất cung cam chỉ, Lục thân cố dị khí ly; Bất
năng an quốc trị bang; Gia nghiệp đốn huyên kế tự . . . “. Trên tinh
thần đó, chúng ta đã chối bỏ tất cả những sứ mệnh thiêng liêng của tạo
hóa ban tặng; Khướt từ đi nhiệm vụ cao cả của quốc dân; Bỏ lại đằng sau
những trọng trách lớn lao đối với cha mẹ, gia đình và xã hội giũ áo ra
đi nhằm hướng tới và đạt được mục đích cao thượng tối hậu của người xuất
gia: Sự nghiệp giải thoát. Với sự nghiệp thiêng liêng thánh thiện như
thế thì lẽ nào ta lại run rủi phó thác cho số phận . . . ?. Để xứng
đáng là Trưởng tử của Như Lai, người con đắc lực của Giáo hội ta cần
phải sống có lý tưởng, có mục đích, phải dũng mãnh – tinh tấn và trí tuệ.
Đã sinh ra trong Phật pháp,
Phải có công gì với chúng sanh.
Đúng vậy! Hãy thật sự sống đúng nghĩa lý tưởng xuất gia. Đừng bao giờ
dùng mục đích cứu cánh để biện minh phương tiện. Thà đốt một que diêm
còn hơn đồng tình thỏa thuận với bóng đêm. Lý tưởng của tuổi trẻ là phải
dấn thân, phải phục vụ hết mình xả thân vì Đạo pháp. “Đừng hỏi Đạo pháp
làm gì cho ta, mà hãy hỏi ta đã làm được gì cho Đạo pháp”. Hãy thổi
kèn Chánh pháp; đánh trống Từ bi; khêu đèn Trí tuệ và treo cao ngọn
cờ Giải thoát để một ngày mai trên khắp tất cả mọi nẻo đường hòan vũ –
nơi nào cũng in bóng dấu chân người con Phật.
***