Phật Tính
Nguồn: Báo Giác Ngộ số 452
Chúng ta đã thấy tính cách hệ
phược và tình trạng khổ đau cứ tái diễn liên tục trong dòng sinh hóa này.
Chúng ta cũng xác định được nguyên nhân của tình trạng đó là do tham ái,
si mê chi phối và thúc đẩy mọi hành vi của chúng ta. Vậy vấn đề đặt ra ở
đây là: Con người với hệ lụy si mê và tham ái có đạt được chứng ngộ và
giải thoát không? Có con đường nào dẫn ra khỏi vòng hệ lụy đó không? Nếu
có, thì đó là gì?
Giải trừ tình trạng khổ đau cứ
tái diễn bất tận trong vòng luân hồi là điều có thể. Chúng ta có khả
năng giải thoát và đạt hạnh phúc tối hậu là vì mỗi chúng ta đều có Phật
tính. Con đường dẫn ra khỏi vòng hệ lụy khổ đau sanh tử là trở về thể
nhập với bản thể Phật tính trong mỗi chúng ta.
Bạn có bao giờ đứng trên một
ngọn núi cao và ngắm nhìn không gian bao la rỗng lặng và thanh tĩnh chưa?
Một cảm giác thật yên bình và an lành. Nhưng khi đứng giữa lòng thành
phố, tầm nhìn của chúng ta bị giới hạn bởi những tòa nhà chọc trời bao
quanh, bị những đám mây và ô nhiễm khói bụi che khuất, chúng ta không
thể thấy được bầu trời bao la. Nhưng dù đứng ở đâu, bầu trời vẫn trong
xanh và rỗng lặng. Bản chất tâm chúng ta cũng vậy, tuyệt đối vô nhiễm và
thuần tịnh. Cái che khuất không cho chúng ta thấy bản chất tâm đích thực
là những đám mây si ái tham dục và sân hận.
Bầu trời và mây là hai thực thể
biệt lập. Chúng không phải là một tổ hợp bất khả phân. Mây chỉ che khuất
nhất thời, một khi chúng tan ra thì bầu trời hiển lộ với đầy tính năng
quang minh và rỗng lặng của nó. Cũng vậy tham ái, si mê , sân hận và
những nghiệp cảm ô trược do chúng tạo ra không phải là bản chất thật của
tâm chúng ta. Chúng có thể được đoạn trừ và chuyển hóa thành những chất
liệu tích cực của tâm.
Hiểu thế nào là tham ái, si mê,
sân hận và những nghiệp cảm ô trược do chúng tạo ra không phải bản chất
thật của tâm chúng ta. Chẳng hạn nếu sân hận là bản chất chân thật của
tâm thì chúng ta mãi mãi là sân hận. Nhưng không phải vậy sân đến rồi
thôi, sinh rồi diệt. Vì vậy nó được gọi là “khách trần phiền não”. Chúng
ta hoàn toàn có thể đoạn trừ vĩnh viễn sân hận, vì nó là thái độ lệch
lạc của tâm dựa trên nhận thức sai lầm. Sân được tạo ra khi chúng ta
phóng chiếu hình ảnh tiêu cực trong tâm chúng ta lên con người và sự
vật. Vì vậy, chúng ta giận là giận cái hình ảnh ta gán cho chúng, chứ
không phải bản chất của chúng. Khổ đau chính là chúng ta không nhận ra
được điều này. Nhưng nhờ phát triển tuệ giác, chúng ta nhận ra được và
khẳng định rằng kẻ thù của chúng ta chính là những tri giác sai lầm của
chúng ta. Vì vậy, nếu tuệ giác được phát triển liên tục thì sân hận
phiền não hoàn toàn bị đoạn trừ.
Chúng ta có khả năng giải thoát
và thành Phật, vì mỗi chúng ta đều có Phật tính thể hiện qua hai phương
diện. Một là tâm thể tuyệt đối, nền tảng cho mọi tâm lý hoạt dụng, như
nước là nền tảng cho sóng hoạt động. Đây là mặt tiêu cực của Phật tính,
vắng bặt mọi tư duy khái niệm. Hai là tâm lý thường nghiệm, gồm những
tính chất của tâm. Đây là mặt tích cực của Phật tính.
Tâm
thể tuyệt đối gọi là Phật tính tự nhiên, như hư không trong suốt và rỗng
lặng, nghĩa là bản tính tâm rỗng không mọi tư niệm huyễn hoặc, mọi nhận
thức điên đảo về thường, về đoạn, về tự ngã của các pháp.
Phật tính tự nhiên không bị pha
tạp hay ô nhiễm bởi phiền não. Nó vô thủy vô chung. Không gì có thể hủy
diệt nó. Không ai có thể tách nó khỏi chúng ta. Phật tính tự nhiên này
là gia bảo của chúng ta. Hiểu được điều này chúng ta tự tin vào khả năng
thành Phật của mình.
Hiện tại Phật tính tự nhiên bị
phiền não che khuất. Khi chúng ta loại bỏ chúng ngang qua con đường thực
hành tâm linh, Phật tính sẽ hiển lộ.
Một dạng khác là Phật tính đang
thành, gồm những tính chất của tâm như tỉnh giác, sáng suốt và những
trạng thái tâm tích cực như từ bi, vô tham, vô sân.
Tâm vô hình, không phải do vật
chất tạo thành. Nó có tính chất sáng suốt là vì nó có thể tự soi sáng và
soi sáng các đối tượng khác. Nó có tính chất tỉnh giác là vì nó có khả
năng nhận biểt hay nhận diện được đối tượng.
Cả sân nhuế và từ bi đều là các
trạng thái của tâm. Do vậy chúng đều có tính chất sáng suốt và tỉnh
giác. Tính chất tỉnh giác và sáng suốt này là một trong những Phật tính
đang thành. Tuy nhiên, bản thân sân nhuế không phải là một phần của Phật
tính, vì nó dựa trên những tri kiến sai lầm có thể bị đoạn trừ.
Mặt khác, từ bi không dựa trên
những tri kiến sai lầm ấy và vì vậy có thể phát triển đến vô cùng. Các
tâm lý khác xuất phát từ chánh kiến như tín, tấn, hỷ, ly tham, kiên
nhẫn.v.v... cũng không có giới hạn cho sự phát triển của chúng. Những
tâm lý thiện này, ngay bây giờ và ở đây chúng hiện hữu trong ta và sẽ
tiếp tục phát triển cho đến khi chúng ta tu tập hoàn mãn, chúng chuyển
thành tâm Phật. Vì lý do này chúng được gọi là Phật tính đang thành.
Ngài Pháp Xứng (Dharmakirti), bậc Thánh và nhà luận lý học ấn Độ nổi
tiếng, đã nói:
Bản chất tâm là thanh tịnh trong
sáng.
Sự che khuất chỉ là tạm thời.
Ngài Pháp Xứng khẳng định lại
khả năng thành Phật của chúng ta bằng xác quyết rằng bản chất tâm là
thanh tịnh trong sáng. Điều này có hai nghĩa, tương ứng với hai dạng
Phật tính. Thứ nhất, tâm thanh tịnh trong sáng là tâm vắng bặt mọi tư
duy hư vọng. Khi tuệ giác chúng ta trực nhận bản tâm thanh tịnh trong
sáng và tính không của mọi tồn tại thì chúng ta có khả năng cắt đứt tận
gốc rễ mọi phiền não.
Thứ hai, tâm chúng ta thanh tịnh
trong sáng là vì bản chất của nó là luôn tỉnh thức và sáng suốt. Phiền
não và nghiệp cảm ô trược không thể pha tạp với tính chất tỉnh thức và
sáng suốt đó. Hay nói cách khác, bản chất chúng ta không phải là những
tính chất xấu xa, bất thiện. Mọi tính chất xấu ác ngăn che đều có thể bị
đoạn trừ.
Học thuyết Phật tính rất thâm
sâu vi diệu. Chúng ta bước đầu học đạo không dễ lĩnh hội hết được. Nhưng
chúng ta có thể cảm nhận được tiềm năng tối hảo và vẻ đẹp thánh thiện
nội tâm của mình. Tiềm năng và vẻ đẹp ấy sẽ dần khai mở và hiển lộ một
khi chúng ta đi trên con đường thực hành tâm linh. Luận Kim Cang nói:
Mọi chúng sanh đều có Phật tính
Nhưng hiện thời bị quấn chặt bởi
nhiễm ô
Khi nhiễm ô bị đoạn trừ, chúng
là Phật.
Câu đầu nói mọi chúng sanh đều
có Phật tính nhưng không có nghĩa chúng ta đã là Phật. Khi chúng ta tháo
gỡ mọi sợi dây ái nhiễm thì bản tâm hiện tại của chúng ta chuyển thành
tâm Phật.
Như vậy, đạo Phật có cái nhìn
hết sức tích cực và lạc quan về cuộc đời và con người. Mỗi chúng ta đều
có những hạt giống tối thắng, Phật tính tự nhiên và Phật tính đang thành.
Những hạt giống này không bao giờ bị đánh cắp hay hủy diệt. Không có lý
do gì để chúng ta thất vọng và bất lực. Phật tính luôn hiện hữu trong
chúng ta và đó là nền tảng cho sự tự tin và những khát vọng tích cực
vươn lên.
Hiện tại Phật tính bị ủ kín
trong chúng ta, bị vây bọc bởi những đám mây phiền não và nghiệp cảm ô
trược. Đôi khi Phật tính được ví như ổ mật bị vây kín bởi những con ong
hung dữ, như thỏi vàng bị bao bọc bởi bùn lầy rác rưởi. Những con ong và
bùn lầy ấy giống như phiền não và nghiệp cảm nhiễm ô, chỉ là sự ngăn che
tạm thời.
Chúng ta đoạn trừ phiền não và
nghiệp cảm ô trược như thế nào? Theo lời Phật dạy, chúng ta tu tập từ bi
và trí tuệ. Trí tuệ thấy được tánh không của mọi hiện hữu thì thấy được
Phật tính, cái rỗng không hay vắng bặt mọi tính chất huyễn mộng. Từ bi
là tâm ước muốn thiết tha mọi người thoát khỏi niềm đau, nỗi khổ. Quyết
định thoát khỏi vòng hệ lụy khổ đau là bước đầu vào đạo. Đến giai đoạn
phát triển từ bi và trí tuệ thì Phật tính chúng ta sẽ đơm hoa. Thông qua
học tập lời Phật dạy, chúng ta có thể áp dụng các phương pháp tịnh hóa
và phát triển thân tâm.
phatphap.wordpress.com &
phatphapnhiemmau.com
***