- PHẬT VÀ THÁNH CHÚNG
- Xuất bản: Phật Học
Viện Nha Trang, Phật lịch 2513
ĐỨC PHẬT
Giáo chủ sáng lập
Phật giáo là Đức Phật Thích Ca Mâu Ni (Sàkya Muni).
Ngài giáng
sanh tại nước Ca Tỳ La (Kapilavastu) ở miền bắc xứ Ấn độ, dưới chân
Hy Mã Lạp sơn, nay thuộc lãnh thổ nước Népal với thủ đô là Katmandou.
Népal là một quốc gia riêng biệt không thuộc Liên bang Cộng hòa Ấn độ.
Khi mới sanh
ra, Ngài mang tên là Tất Đạt Đa (Siddhàrta) do chữ Sarvàrthasiddha, Tàu dịch
là "Nhất thế nghĩa thành" (mọi sở nguyện đều thành tựu). Phụ
vương ngài là Tịnh Phạn (Suddhodana) vua thành Ca Tỳ La. Mẫu hậu ngài là
Ma Da phu nhân (Màyà). Ngài thuộc dòng Cồ Đàm (Gautama), nên đời thường
gọi Ngài là Tất Đạt Đa Cồ Đàm (Siddharta Gautama), thuộc chi phái Thích
ca (Sàkya), Tàu dịch là "Năng nhân". Lại nhân Ngài đi tu, nên đời
tôn xưng Ngài là Mâu Ni (Muni), Tàu dịch là "Tịch Mặc". Thích Ca
Mâu Ni có nghĩa là người ẩn dật của dòng họ Thích Ca.
Sự xuất hiện
của Thái tử Tất Đạt Đa Cồ Đàm đánh dấu một bước tiến quyết định
vĩ đại của lịch sử nhân loại, mà giáo điển Phật giáo gọi là
"Phật vị nhất đại sự nhân duyên, xuất hiện ư thế, khai ngộ chúng
sinh nhập Phật tri kiến" (Phật vì một nhân duyên lớn mà xuất hiện
ở đời, đó là khai thị cho chúng sanh ngộ nhập tri kiến Phật).
Để hiểu tầm
quan trọng của lời xác quyết trên đây, ta hãy tìm hiểu Phật ra đời
trong hoàn cảnh nào và ảnh hưởng của Ngài đối với đương thời cũng
như đối với hậu thế ra sao.
- XÃ HỘI ẤN ĐỘ THỜI
PHẬT
Khoảng tam
thiên niên trước Tây lịch, giống người du mục A Lỵ A (Àrya) từ Trung
Á (có thuyết cho rằng từ vùng Caucase) làm một cuộc di dân vĩ đại tràn
vào Ba Tư và Bắc Ấn Độ. Người A Lỵ A thuộc giống dân da trắng,
thông minh, thể chất cường tráng, và nhờ ở thể chế hữu hiệu, đã
chinh phục rất lẹ thổ dân Ấn Độ là giống người Đạt La Tỳ Đồ
(Dravida). Dân Dravida vốn người nhỏ thó, da đen, thể chất yếu đuối, nên
mặc dù có một truyền thống tâm linh khá vững chải, đã phải quy hàng
trong tủi nhục.
Sau khi chinh phục
xong Ấn Độ, giai cấp lãnh đạo tinh thần của giống người A Lỵ A là
đạo sĩ Bà la môn bèn cho công bố pháp điển Mã Nỗ (Bộ luật Manu), căn
cứ vào đó, kẻ chiến thắng xây dựng trật tự xã hội mới.
Luật Mã Nỗ
chia toàn thể lãnh thổ Ấn độ của người Dravida thành Ngũ Ấn và chia
toàn thể dân chúng sống trên lãnh thổ ấy thành bốn giai cấp, trong đó
có hai giai cấp thống trị là Bà la môn và Sát đế lỵ, còn hai giai cấp
Phệ xá và Thủ đà la là hai giai cấp bị áp bức.
Để củng cố
địa vị, giáo sĩ Bà la môn (Bràhman), tác giả pháp điển Mã Nỗ, tự liệt
mình vào hạng nhất, nắm độc quyền về học thuật tư tưởng, buộc ba
giai cấp kia phải răm rắp tuân theo. Và để ràng buộc ba giai cấp kia, họ
xử dụng nhiều thần chú bí hiểm và giữ độc quyền chủ trì tế lễ.
Trong khi độc
quyền tôn giáo văn hóa nằm trọn trong tay Bà la môn, thì độc quyền chánh
trị lại nằm trọn trong tay giai cấp Sát đế lỵ (Ksatriya). Giai cấp này
gồm những tay thiện xạ, chủ trì việc cai trị, được hưởng quyền thế
tập cha truyền con nối, có toàn quyền sanh sát đối với nhân dân và xem
lãnh thổ cai trị như tư hữu riêng của họ.
Giai cấp thứ
ba là Phệ xá (Vaisya) gồm các giới nông, công, thương không được quyền
học hỏi, sống nai lưng làm việc để cung phụng hai giai cấp giáo quyền
và chánh quyền trên và tha hồ bị áp bức.
Giai cấp thứ
tư là Thủ đà la (Sùdra) gồm các thổ dân tiền trú và giống người
Dravida bại trận. Đây là giai cấp hạ tiện bi đát và khốn cùng nhất.
Luật Mã Nỗ, chương 8, tiết 270 - 272 quy định rằng Thủ đà la là giai cấp
trời sanh ra để làm nô lệ, rằng nếu Thủ đà la kêu tên Bà la môn thì
bị cắt lưỡi, rằng nếu không tuân lệnh của giai cấp thống trị thì nấu
dầu đổ vào lỗ tai v.v...
Hận thù vì bị
nước mất nhà tan vốn đã cao độ, chế độ xã hội bất công càng nung
nấu thêm hận thù ấy. Xung đột giữa hai phe, khi ngấm ngầm, khi bộc phát,
là một ung nhọt thường trực của xã hội Ấn thời bấy giờ. Nhưng bất
cứ một xung đột nào xảy ra cũng đều vị dập tắt một cách tàn nhẫn.
Hai giai cấp Thủ đà la và Phệ xá sống trong uất hận của địa ngục trần
gian.
Giữa lúc ấy,
Phật xuất hiện, Ngài làm một cuộc cách mạng xã hội vĩ đại, tuyên
chiến với chế độ giai cấp bất công cao độ này. Ngài thẳng tay xóa bỏ
hết mọi giai cấp.
Ngay khi còn ngồi
tọa thiền dưới gốc cây Bồ đề, Ngài đã dõng dạc nêu nguyên lý cuộc
cách mạng ấy bằng một tuyên ngôn dứt khoát: "Đại
địa chúng sanh giai hữu Như lai trí tuệ đức tánh" (Hết thảy
chúng sanh đều có đức tánh trí tuệ Như lai).
Đến khi ra hành
hóa, Ngài đã thực hiện nguyên lý ấy bằng phương châm: "Tứ tánh xuất
gia, đồng qui Thích thị" (Bốn giai cấp xuất gia đều mang tên họ
Thích). Đó là trường hợp của Ưu Bà Ly, thuộc giai cấp Thủ đà la vốn
xuất thân làm nghề thợ cạo và đổ thùng, về sau trở thành một trong mười
vị đại đệ tử của Phật, đứng đầu về giới luật. Đó là trườnfg
hợp của dâm nữ Ma Đăng Già cũng thuộc giai cấp Thủ đà la, về sau tu
chứng quả A la hán. Đó còn là trường hợp của nhiều vị khác nữa
trong thánh chúng của Ngài, vốn sống bằng những nghề ty tiện và tủi nhục
nhất trong xã hội Ấn Độ trước khi xuất gia.
TƯ TƯỞNG ẤN ĐỘ THỜI
PHẬT
Giống người
A Lỵ A sau khi du nhập Ấn Độ, nhờ lưu vực phì nhiêu sông Hằng và bản
chất thông minh sẵn có, đã phát triển được tại đây một nền văn
minh cực thịnh.
Bắt đầu với
bộ Rig Veda gồm những thánh ca lời tươi ý đẹp, xuất hiện cách đây
trên bốn ngàn năm, về sau giáo sĩ Bà la môn lại bổ túc thêm bằng ba bộ
Yajur Veda, Sama Veda, Atharva Veda quy định các nghi thức tế lễ, tạo thành bốn
bộ thánh thư đầu tiên gọi là Tứ Phệ đà. Với bộ Tứ Phệ đà, giáo
sĩ Bà la môn giữ độc quyền hoàn toàn cả về tư tưởng và tôn giáo. Tiếp
theo, giáo nghĩa Tứ Phệ đà lại được phát triển thêm trong bộ Áo nghĩa
thư (Upanishad) với văn cú tường mật tinh vi và nghĩa lý vô cùng uyên áo.
Ba đặc điểm của Áo nghĩa thư là giáo nghĩa bất nhị, giáo nghĩa luân hồi
nghiệp báo và giáo nghĩa giải thoát, tổng hợp được hai dòng tư tưởng
của hai giống người Arya và Dravida mà hoàn thành vũ trụ quan tự ngã
trên căn bản nhất thần giáo. Giáo lý vốn đã thâm uyên, cách truyền bá
lại mang đầy tính chất thần bí và phiền toái (không bao giờ chịu giải
thích), đã tạo được cho giai cấp Bà la môn một địa vị tối cao tha hồ
nhân danh "Đấng sáng thế" mà hoành hành. Giai đoạn phát triển của
Áo nghĩa thư kéo dài khoảng hai trăm năm, từ 750 đến 550 trước Tây lịch.
Tư tưởng Áo nghĩa thư cực kỳ phong phú, nhưng rồi cũng vì thế mà về
sau phân hoá kinh khủng.
Vì giáo sĩ Bà
la môn quyết tâm giữ độc quyền tư tưởng và tâm linh, nên các giới có
học ngoài Bà la môn không cách gì tìm hiểu được. Do đó, phản ứng kịch
liệt của các giới này, muốn chống đối lại đành phải hướng về các
môn học duy lý. Các môn phái triết học tự nhiên đua nhau ra đời, nghiên
cứu và thuyết minh phương diện vật chất của vũ trụ. Có hai xu hướng
chính: một cụ thể và một trừu tượng. Xu hướng thứ nhất thuyết minh
phương diện cụ thể của vũ trụ, cho ra các bộ đại luận như: Điạ luận,
Thủy luận, Hỏa luận v.v... Xu hướng thứ hai cho ra các bộ đại luận
như: Thời luận, Phương luận, Hư không luận v.v...
Bấy giờ, tư
tưởng Ấn độ phồn tạp đến cực độ. Và trước sự phồn tạp rối
ren ấy, quần chúng không còn biết tin ai, hoang mang cũng đến cực độ. Quần
chúng bắt đầu nghi ngờ chân lý của giáo lý truyền thống Tứ Phệ đà
và Áo nghĩa thư. Kết quả của tình trạng này là hai xu hướng đối nghịch
về nhân sinh được quần chúng nhắm mắt hùa theo. Xu hướng thuận thế
hưởng lạc thì thiên về vật chất chủ nghĩa với chủ trương hữu kiến
triệt để. Xu hướng trốn đời vào núi tu khổ hạnh thì thiên về yếm
thế chủ nghĩa với chủ trương không kiến cũng triệt để.
Nhu yếu tối
cần thiết lúc bấy giờ hiện ra quá rõ ràng: Phải tìm cho ra mối đạo lớn
để khai thông chân lý, làm nơi nương tựa thích hợp cho một nhân sinh
quan lành mạnh. Tình thế đòi hỏi một tôn giáo cách mạng về tư tưởng
hội đủ hai yếu tố nhất quán và viên mãn.
Giữa lúc ấy
Phật xuất hiện, Ngài làm một cuộc cách mạng tư tưởng vĩ đại, bài
xích tất cả các xu hướng cực đoan để qui hướng về một mối là :
Trung đạo Duyên khởi. Từ đó, Ngài khai triển thành một hệ thống giáo
lý mới nhằm tự cứu mình, cứu dân tộc Ấn độ đương thời và cứu hết
thảy nhân loại muôn đời về sau.
Phật xuất hiện
như một viên ngọc "Định thủy châu" gạn trong cả một ao nước
đương bị quấy động đục ngầu, và mở một lối thoát chung cho tư tưởng
giới Ấn độ bấy giờ.
GIA PHỔ PHẬT
Khi người A Lỵ
A thiết lập Ngũ Ấn, toàn thể lãnh thổ Ấn Độ được chia thành nhiều
vương quốc (Thị tộc). Lãnh thổ của dòng họ Thích Ca là một trong những
vương quốc ấy. Vị vua đầu tiên của dòng họ này tên là "Chúng sở
hứa" (Được mọi người ưa thích). Từ viễn tổ Chúng sở hứa truyền
đến đời Đại Thiện Sanh Vương là tổ bảy đời của thái tử Tất Đạt
Đa. Hệ thống thừa kế như sau: Đại Thiện Sanh Vương - Sư Ma Ý - Ưu Đà
La - Cồ La - Sư Tử Giáp - Tịnh Phạn Vương - Tất Đạt Đa.
A.- PHỤ HỆ
THÁI TỬ TẤT ĐẠT ĐA
Sư Tử Giáp cưới Kiến
Già Na (Em gái A Noa Thích Ca) sanh được năm người con:
1.- Tịnh Phạn Vương
cưới Ma Da phu nhân sanh ra Tất Đạt Đa sau bảy ngày thì từ trần, sau đó
Tịnh Phạn Vương cưới Ma Ha Ba Xà Ba Đề sanh ra Nan Đà.
2.- Bạch Phạn Vương
có hai người con là Đề Bà Đạt Đa và A Nan.
3.- Cam Lộ Phạm Vương
có hai người con là Ma Ha Nam và A Na Luật.
4.- Học Phạn Vương có
hai người con là Bà Sa và Bạt Đề.
5.- Cam Lộ Vương Phi lấy
Thiện Giác Vương sanh Da Du Đà la.
B.- MẪU HỆ CỦA
THÁI TỬ TẤT ĐẠT ĐA
A Noa Thích Ca Vương
vua thành Thiện Tý nước Kosala, cưới Da Du Đà La (Em gái Sư Tử Giáp) sanh
được ba người con:
1.- Thiện Giác Vương
cưới Cam Lộ Vương Phi sanh ra Đề Bà và Da Du Đà La. Da Du Đà La là vợ của
thái tử Tất Đạt Đa.
2.- Ma Da phu nhân lấy
Tịnh Phạn Vương sanh ra Tất Đạt Đa cưới Da Du Đà la.
3.- Ma Ha Bà Xa Ba Đề
cũng lấy Tịnh Phạn Vương (Di mẫu của Phật) sanh ra Nan Đà.
ĐẢN SANH PHẬT
Theo phong tục
Ấn Độ, Ma Da phu nhân trước khi hạ sanh con đầu lòng phải về quê mẹ
để ở cử.
Nhưng, khi gần
mãn nguyệt khai hoa, phu nhân lại xin phép Tịnh Phạn Vương được ra ngoài
thành du ngoạn, rồi mới về quê sau. Nhà vua lo ngại, bèn đích thân cùng
với một đoàn thị nữ đi theo hộ tống. Đến vườn Lâm tỳ ni (Lumbini)
ở phía ngoài thành Ca Tỳ La, phu nhân cảm thấy trong người khó chịu, vừa
mới vịn tay vào một cành cây Vô ưu thì đản sanh vương tử tại đây.
Giáo điển
ghi chép rằng sau khi đản sanh, Thái tử đứng dậy ngoãnh mặt nhìn bốn
phương, rồi bước bảy bước, một tay chỉ lên trời, một tay chỉ xuống
đất, mà nói rằng: "Trên trời dưới trời chỉ có ngã là chí
tôn". Tiếp theo, Ngài nói : "Từ vô lượng kiếp kiếp đến nay,
phen này là hết". Nói xong, Thái tử trở lại như mọi trẻ sơ sinh bình
thường khác. Trong khi đó, Tịnh Phạn Vương vừa sung sướng vừa âu lo đứng
hầu bên phu nhân và thái tử, mắt đăm chiêu nhìn theo không sót một cử
chỉ nào. Quần chúng nghe tin vui cũng đổ xô đến chiêm ngưỡng thái tử.
Trong số người
đến xem có một thầy tướng Bà la môn tên là A Tư Đà (Asita) bác học
đa văn, thoạt nhìn thái tử, thì nằng nặc xin nhà vua cho phép xem tướng
thái tử. Sau một hồi ngắm nghía, A Tư Đà tỏ vẻ hết sức ngạc nhiên,
tâu với vua rằng: "Đây là một vị cứu tinh của nhân loại vừa
giáng trần. Nếu làm vua thì đó là một vị Chuyển luân thánh vương, đem
lại an lạc cho thế gian về mặt chánh trị. Nếu xuất gia thì sẽ thành bậc
đại giác tối cao, thành tựu trí tuệ chân thật, giải thoát cho cả nhân
loại về mặt tôn giáo".
Năm Thái tử
đản sanh cách đây vào khoảng trên hai mươi lăm thế kỷ. Ngài đản sanh
nhằm ngày trăng tròn tháng Vesak lịch Ấn độ, tức là đúng ngày rằm
tháng tư âm lịch của ta. Về năm sanh, có nhiều thuyết khác nhau, tựu
trung có hai thuyết đáng tin cậy nhất. Kết quả của hai thuyết cũng gần
sát nhau.
Theo
"Chúng Thánh Điểm Ký" tính cho đến ngày nay thì Phật nhập diệt
vào năm 485 trước Tây lịch, tức sanh năm 565 trước Thiên chúa, hay cách
đây 2533 năm (tính đến 1968 dương lịch).
Theo khảo chứng
của các nhà khảo cổ Tây phương thì Phật nhập diệt vào năm 483 trước
Tây lịch, tức sanh vào năm 563 trước Thiên chúa, hay cách đây 2531 năm (tính
đến 1968 dương lịch).
Nếu hai thuyết
trên đây gần đúng thì Đức Phật ra đời trước Khổng Tử khoảng 12
năm hoặc 14 năm. Nhưng theo Hội Phật giáo Thế giới sau khi tham khảo nhiều
sử liệu, đã phán quyết rằng Đức Phật nhập Niết bàn cách đây (1968)
1512 năm, như vậy Ngài giáng sanh cách đây 2592 năm, hay trước Tây lịch
642 năm. So với Khổng Tử, Phật ra đời trước 73 năm (1).
Tại chỗ
Ngài đản sanh (vườn Mâm tỳ ni), năm 1896, nhà khảo cổ ngưới Anh
Cuningham đã khai quật được một trụ đá (một trong bốn trụ đá của
vua A Dục chôn để ghi dấu bốn nơi gắn liền với lịch sử Đức Phật
gọi là Tứ Động Tâm), trên trụ đá có khắc năm dòng chữ:
1.- Năm Thiên
Ái Thiên Kiến thứ 25, A Dục đích thân đến đây chiêm bái.
2.- Đức Phật
Đà, dòng họ Thích Ca đi xuất gia, đản sanh nơi dây.
3.- Vua sắc dựng
thạch trụ để kỷ niệm nơi Ngài đản sanh.
4.- Thôn
Lumbini nơi Phật đản sanh được miễn thuế.
5.- Đó là hồng
ân Phật đối với nơi Ngài đản sanh.
Tây phương mệnh
danh trụ đá ấy là "bản khai sanh của đức Phật". Và từ đó,
Tây phương mới chịu tin rằng Đức Phật là một nhân vật lịch sử. Và
cũng từ đó Tây phương lại càng chú trọng đổ xô vào nghiên cứu tư
tưởng Phật hơn trước. Vì trước kia họ cho rằng Phật là một nhân vật
thần thoại và học thuyết được gán cho Ngài chỉ là một sáng tác tập
thể của nhiều đời kết hợp lại.
(1) Trong thư dịch Phật giáo, về niên đại Phật
giáng sanh có các thuyết sau đây và chia thành hai phe:
a.- Theo Chúng
Thánh Điểm Ký thì năm đản sanh là năm 565 trước Tây lịch.
Theo
bia Phật ở Miến Điện thì là năm 561 trước Tây lịch.
Theo
luật Thiện Kiến thì là năm 559 trước Tây lịch.
b.- Theo bia
Buddhagaya ở Bồ Đề Đạo Tràng thì năm dản sanh là năm 623 trước Tây lịch.
Theo
Phật sử Tích Lan thì là năm 624 trước Tây lịch.
Theo
Phật sử Tây Tạng thì là năm 626 trước Tây lịch.
Nếu so sánh
các niên đại trên đây với niên đại dịch kinh của các Tổ người Ấn
qua Trung hoa thì Phật sử Tích Lan hoàn toàn phù hợp. Vì vậy Hội Phật
giáo Thế giới phán quyết rằng Phật đản sanh trước Tây lịch 624 năm.
******
I.- GIÁO DỤC THỜI THƠ ẤU
Theo giáo điển
thì liên tiếp trong bảy ngày sau khi Thái tử đản sanh, nhiều điềm lạ
xuất hiện. Đến cuối ngày thứ bảy, một đại biến cố xảy ra: Ma Da
phu nhân từ trần. Di mẫu Ma Ha Ba Xà Ba Đề (Mahà Prajàpati) đảm nhiệm nuôi
nấng Thái tử cho đến khôn lớn. Bà đặc biệt thương yêu Thái tử, và
mặc dầu về sau chính bà hạ sanh Nan Đà (Nanda), nhưng tình thương của bà
luôn luôn đặt nặng vào Thái tử hơn chính con đẻ mình.
Một đoàn ba
mươi hai cung nữ được tuyển chọn để giúp bà trong việc chăm sóc Thái
tử: tám người phụ trách bồng ẩm, tám người phụ trách tắm rửa, tám
người phụ trách bú mớm, tám người phụ trách bày trò chơi vui. Tuổi
ấu thơ trôi qua nhẹ nhàng trong an lạc hoàn toàn.
Dần dần lớn
khôn, Thái tử tỏ ra thông minh , lanh lợi hoạt bát và rất dễ thương.
Tuy còn trẻ thơ, thái độ Thái tử trang nghiêm phi thường, tánh tình
không giống bất cứ một chú bé nào khác. Sống trong cảnh nhung lụa cao
sang, tâm hồn Thái tử như gởi vào một cõi xa xăm, dáng mặt luôn luôn
đăm chiêu suy nghĩ. Những cuộc vui do cung nữ bày ra trước mắt hàng ngày
không đem lại cho Thái tử mảy may hứng thú và hoan lạc.
Khi Thái tử
lên bảy tuổi, vua cha cho mời danh sư khắp các nước về dạy. Tất cả
kho học thuật tối cao của Ấn độ thời bấy giờ là Tứ Phệ Đà và Ngũ
minh, Thái tử đều được truyền dạy đầy đủ.
·Ngũ minh gồm có:
1.- Thanh minh,
tức ngữ học và văn học.
2.- Công xảo
minh, tức công kỷ nghệ học.
3.- Y phương
minh, tức y dược học.
4.- Nhân minh,
tức luận lý học.
5.- Nội minh,
tức đạo học.
·Tứ Phệ Đà gồm có:
1.- Ly câu Phệ
đà (Rig Veda) tuyển tập những thánh ca tươi đẹp của giống người A Lỵ
A, mang nhiều tính chất thần thoại, rất phong phú về cảm nghĩ, có công
năng luyện phép dưỡng sanh.
2.- Tha mã Phệ
đà (Sama Veda) dạy về nghi thức tế tự.
3.- Dạ nhu Phệ
đà (Yajur Veda) dạy về binh pháp.
4.- A thát bà
Phệ đà (Atharva Veda) dạy về văn hiến chú thuật.
Trong thời
gian năm năm, từ bảy đến mười hai tuổi, Thái tử hiểu thông suốt và
tường tận mọi môn khoa học trong Ngũ minh cũng như tất cả kiến thức
triết học của Tứ Phệ Đà. Với tuổi thơ ấu mà học mau như thế, vì
Thái tử là một con người đặc biệt phi thường, nghe một biết trăm, trên
thế gian xưa nay chưa từng có. Sau năm năm, các danh sư không còn gì để dạy
nữa, nên tất cả đều xin tự động rút lui. Tiếp đó, qua năm mười ba
tuổi, Thái tử chuyên luyện võ thuật. Bản chất cường tráng, Thái tử học
tất cả bá ban võ nghệ và chiến thuật chiến lược trong một thời gian
kỷ lục. Nhứt nhứt Thái tử đều thông suốt thuần thục.
Bấy giờ
trong Ngũ Ấn, các nước đương chia rẽ trầm trọng và cùng đua tranh bá
đồ vương. Trong các nước mạnh có hai nước ở phía nam Ca Tỳ La là Kiều
Tát La (Kosala thủ đô Xá Vệ) và Ma Kiệt Đà (Magadha thủ đô Vương Xá)
là hai nước hùng cường bậc nhất và không ngớt dòm ngó lãnh thổ các
lân bang. Tịnh Phạn Vương nay có con văn võ toàn tài như thế cũng xây mộng
về sau Thái tử sẽ là vị Thánh Vương chắc chắn thống nhất được toàn
thể lãnh thổ Ấn độ để quy về một mối cho dòng họ Thích Ca.
Nhằm súy đồ
ấy, nhà vua hạ lệnh cho tất cả các vương tử thuộc họ Thích Ca phải
luyện tập võ thuật. Một hôm, nhà vua triệu tập đại hội để tỷ thí
tài cao thấp, Đề Bà Đạt Đa, em con chú, bắn một mũi tên xuyên luôn ba
lớp trống đồng. Nan Đà, em ruột cũng với một mũi tên và cũng thành
công không kém. Khán chúng vổ tay reo vang. Đến lượt Thái tử, ngài bảo
thị giả vào võ khố mang cung nõ tổ truyền ra cho ngài dùng, vì cung nõ của
thanh thiếu niên đương thao dượt không đủ mạnh. Một mũi tên buông ra,
bảy lớp trống đồng đều bị xuyên thủng. Khán chúng vổ tay như sấm
vang. Sau cuộc tỷ thí này, toàn thể dòng họ Thích Ca mở đại yến ăn mừng.
Mọi người đều sung sướng vững tin ở đế nghiệp rực rỡ tương lai của
dòng họ mình. Nhất là Tịnh Phạn Vương.
II.- NỖI BUỒN CỦA THÁI TỬ VÀ BIỆN PHÁP GIẢI
TỎA
Mộng lớn của
nhà vua được vuốt ve như thế, nhưng riêng Thái tử thì càng ngày càng
kém vui. Sực nhớ lời tiên đoán của A Tư Đà, Tịnh Phạn Vương rùng
mình lo sợ. Ngày ngày nhà vua cho mở đại hội ca vũ nhạc linh đình để
mong Thái tử đổi sầu làm vui. Không một biện pháp nào xét ra có thể phục
vụ cho mục đích ấy mà không được nhà vua đem ra xử dụng, từ dụ dỗ
bằng của cải châu báu, bằng gái đẹp rượu ngon, cho đến bằng cung điện
bốn mùa thiết lập riêng cho Thái tử ở. Nhưng tất cả đều vô hiệu.
Nỗi buồn của
Thái tử không khuây được, là vì bản chất Thái tử là bản chất thánh
nhân, mà hàng ngày từ trong triều cho đến ngoài quận, đâu đâu Thái tử
cũng chứng kiến thường trực những cảnh tượng bất bình đẳng nghẹt
thở của xã hội Ấn độ thời bấy giờ.
Sử liệu ghi
chép rằng, lúc còn ấu thơ, một hôm Thái tử theo phụ vương đi thị sát
tình hình nông thôn, chứng kiến cảnh lầm than của nông phu, tay lấm chân
bùn, mồ hôi nhễ nhại, làm việc đầu tắt mặt tối suốt ngày cho đến
đêm khuya mà chưa được nghỉ ngơi, trong khi ấy thì phụ vương và mình
ngất ngưởng trên ngựa xe với lọng tía tán vàng, tiêu dao tùy thích. Hai
cảnh trái ngược nhau ấy khiến Thái tử không chịu nổi. Lại thêm, nhìn
xuống đám ruộng, cảnh sâu bọ côn trùng hiện ra theo luống đất cày,
đang lô nhô lúc nhúc một cách thê thảm thì tiếp liền theo hàng trăm quạ
diều chim chóc trên trời xà xuống tranh ăn. Cảnh mạnh hiếp yếu phơi bày
ra một cách vô tình và tàn khốc như thế, khiến Thái tử bồi hồi đau xót.
Chúng sanh đau
khổ, xã hội bất công. Đó là những hình ảnh đã dứt khoát in đậm nét
vào tâm khảm bé bỏng của Thái tử. Những chứng kiến kế tiếp về sau
chỉ tô thêm nét in ấy mỗi ngày một đậm hơn, không sao tẩy xoá được.
Trước tình
trạng mỗi ngày mỗi đem lại nhiều âu lo cho mình, Tịnh Phạn Vương nghĩ
đến kế cưới vợ cho con càng sớm càng hay, ý những mong rằng đó là sợi
dây thần hiệu nhất để ràng buộc Thái tử. Năm Thái tử mười bảy tuổi,
công chúa Da Du Đà La (Yasodharà), người đẹp con vua Thiện giác
(Suprabuddha) thành Thiện Tý (Devadarsita), được kén chọn làm vợ Thái tử.
Ngoài Da Du, phụ vương còn cưới thêm cho hai phu nhân khác nữa, với rất
nhiều cung phi mỹ nữ túc trực chầu hầu.
Nỗi buồn
không vì thế mà vơi.
Khi Da Du hạ
sanh con đầu lòng là La hầu La (Ràhula), Tịnh Phạn Vương nghĩ rằng từ
đây chắc Thái tử sẽ phải vì thương con mà không nghĩ đến việc xuất
gia.
Nhưng bệnh của
Thái tử là bệnh nan y. Mọi cuộc truy hoan chỉ có tác dụng trong chốc
lát. Sau đó, đâu lại trở về đấy. Nỗi buồn vẫn không vơi.
Tương truyền
rằng, để giải tỏa nỗi buồn, Thái tử xin xuất thành du ngoạn, có Xa Nặc
(Chandaka) theo hầu. Ba lần ra khỏi ba cửa thành, Thái tử chứng kiến ba cảnh
nhân sinh thống khổ bi đát. Lần đầu gặp một cụ già dị dạng, thân
hình tiều tụy, mặt mày thiểu não, dáng dấp bạc nhược, đi đứng không
vững. Lần nhì, gặp một người bệnh, bụng phồng to như cái trống, hơi
thở thoi thóp, chân tay gầy đét, miệng rên bi ai, mắt đầy ngấn lệ. Lần
ba, gặp một cổ quan tài, theo sau là những thân nhân, đầu bù tóc rối, gương
mặt sầu não, từng cơn rú lên những tiếng nấc dài đâm thủng buồng
tim lá phổi người nghe.
Sau ba lần
Thái tử chứng kiến ba cảnh già, đau, chết, Tịnh Phạn Vương hạ lệnh
trang hoàng một chốn viên lâm ở cách xa ngoài thành, phái nhiều cung nữ
đến đấy múa hát, rồi mời Thái tử ra dạo chơi. Tịnh Phạn Vương sai
một mưu thần tên là Ưu Đà Di (Udàyin) điều khiển đám cung nữ ấy và
cho phép toàn quyền dùng mọi mưu thuật, miễn sao cám dỗ được Thái tử.
Ưu Đà Di chọn một mỹ nữ xinh đẹp nhất lên là Tôn Đà Lỵ dạy cho
phép yêu thuật mê hoặc và quyến rủ Thái tử. Sau suốt một ngày tác động
vô hiệu, Ưu Đà Di ra lệnh cho cung nữ rút lui. Rồi trong cảnh vắng lặng
tuyệt đối của hoàng hôn đương xuống, Ưu Đà Di cùng Thái tử ngồi
chung chiếu, đàm đạo về ba nỗi thống khổ của nhân sinh là già, bệnh,
chết, và mối đại họa của ngũ dục. Ưu Đà Di đã chiến bại.
Ít lâu sau,
Thái tử xin xuất thành lần nữa, cũng đến viên lâm cũ. Thình lình, ngài
gặp một vị sa môn từ xa đi đến dáng dấp thanh thoát khác đời. Thái tử
hân hoan tiến đến đón tiếp.
Hỏi: "Xem
trang phục của ngài sao không giống ai hết? Thế ngài có phải là người
không?"
Đáp:
"Tôi là người như tất cả mọi người, nhưng đã ly khai ràng buộc của
gia đình, làm sa môn. Vì muốn rời bỏ khổ não của cảnh già, bệnh, chết,
tôi chỉ mong cầu được đạo lớn đem lại tự do giải thoát hoàn toàn.
Đối với tôi hiện giờ, không có gì đáng gọi là sầu lo, cũng không có
gì đáng gọi là hoan hỷ. Tôi không ham của, không ham sắc, trọn ngày ở
trong rừng núi u tịch, dứt lìa mọi ràng buộc danh lợi thế gian, không
nghĩ đến cái "tôi", cũng không nghĩ đến cái "của tôi".
Không có cái gì là uế hay tịnh để lựa chọn, cũng không có cái gì là
xấu hay tốt để phân biệt. Tôi đi lang thang khất thực ở các thị trấn,
hay ở các thôn trang chỉ là để nuôi sống cái thân giả hợp này mà
thôi. Gặp ai bị tai ách khổ não, tôi tìm cách giải cứu họ. Tôi không sợ
người khác báo thù, cũng không mong có kẻ ghi nhớ công đức. Tôi chỉ biết
chúng sanh đau khổ đang cần được giải cứu!"
Nghe xong, Thái
tử thấy lòng mình vô cùng sảng khoái, rồi tự nghĩ sao tư tưởng của
sa môn kia rất giống tư tưởng mình. Thái tử cúi xuống đảnh lễ để tỏ
lòng ngưỡng mộ, nhưng khi ngẩng dậy thì không thấy sa môn đâu nữa.
Từ đó, Thái
tử quyết tâm tìm cho ra đạo cả giải thoát.
Một đêm trăng
tròn, sau một cuộc ca vũ kéo dài và cung phi mỹ nữ mỏi mệt lăn đùng ra
ngủ say mê. Thái tử chán ngán đứng ngắm cảnh ô trược hiện nguyên
hình ấy rồi lén vào phòng nhìn mặt vợ con lần cuối cùng, xong xuống
chuồng ngựa bảo Xa Nặc dắt con ngựa Kiền trắc (Kanthaka) ra, rồi hai thầy
trò cùng thoát khỏi cung điện dưới ánh trăng vằng vặc. Đến một khu rừng
cách thành khoảng mười dặm thì xa xa hiện ra bóng một đạo sĩ đương
ngồi tu ở dưới một gốc cây. Đạo sĩ tên là Bạt già và khu rừng ấy
gọi là Khổ hạnh lâm. Thoạt thấy bóng đạo sĩ, Thái tử bảo Xa Nặc dừng
cương xuống ngựa và ra lệnh cho Xa Nặc đem ngựa trở về thành tâu rõ tự
sự cho phụ vương biết. Xa Nặc không chịu và nhất quyết đòi xin theo. Sử
liệu còn ghi chép cuộc đối thoại giữa Thái tử và Xa Nặc từ khi còn
trong chuồng ngựa cho đến phút từ giả này. Cuộc đối thoại dai dẳng với
nhiều chi tiết lâm ly bi thiết, lột hết tình nghĩa thầy trò, đạo nghĩa
cha con vợ chồng. Nhưng trước hoài bảo cứng rắn như kim cương của Thái
tử, cuối cùng Xa Nặc đành phải trở về, mang theo nắm tóc và áo mão của
Thái tử về tâu trình phụ vương.
Xong đâu đấy,
Thái tử choàng mảnh cà sa vào, tiến tới trước mặt đạo sĩ Bạt già
xin cùng tu.
Từ đây, một
cuộc đời mới bắt đầu khác hẳn với cuộc đời vương giả cũ. Một
cuộc chuyển mình toàn diện đương lớp lớp xảy ra, đưa đến cuộc thoát
xác vĩ đại bi hùng nhất của lịch sử con người mà Thái tử sẽ thực
hiện được sáu năm sau.
Năm Thái tử
xuất gia, theo sử liệu Bắc phương thì đó là năm ngài mười chín tuổi.
Nhưng theo sử liệu Nam phương, thì năm ấy ngài hai mươi chín tuổi. Niên
đại sau tưởng rằng hợp lý hơn, và nếu niên đại này đúng, thì năm
ngài xuất gia tức là năm 531 trước Tây lịch hay cách đây (1968) là 2502 năm.
Nếu theo công nguyên Phật giáo hiện nay thì năm ấy là năm 595 trước Tây
lịch, hay cách đây 2563 năm.
III.- TU HÀNH VÀ CHỨNG QUẢ
Khi Thái tử
tiến tới thì nhiều đạo sĩ trong nhóm Bạt già thấy tướng mạo siêu
phàm của ngài bèn tranh nhau ra tác lễ. Thái tử trình bày mục đích của
mình, được họ đáp rằng ở đây họ chỉ tu cầu lên cõi trời, chứ
không cầu giải thoát và giác ngộ.
Theo phép tu của
nhóm này thì về trang phục họ mặc áo kết bằng lá cây; về thức ăn, hằng
ngày họ chỉ ăn rêu xanh, rễ cây, da cây, hoa quả để khỏi đói. Tuyệt
đối không dùng vật thực còn tươi tốt. Thỉnh thoảng có đi khất thực
thì đem bố thí cho người khác, riêng họ chỉ ăn chút ít đồ thừa, quý
hồ đủ cầm hơi mà duy trì sanh mạng. Khi ăn thì bắt chước chim, dùng
hai chân kẹp thức ăn đút vào miệng.
Trong nhóm tu
khổ hạnh này, có kẻ từ sáng đến chiều dội nước lạnh vào mình từ
đầu xuống chân. Có kẻ mỗi ngày hai hoặc sáu lần ngồi trên tảng băng.
Có kẻ nằm ngủ sát bên bếp lửa hồng để ướp mình trong tia lửa
nóng. Có kẻ suốt ngày lặn dưới nước, cầu đảo ánh quang minh của mặt
trời mặt trăng nhiếp vào mình. Thôi thì đủ trò đủ lớp vô cùng kỳ dị.
Tất cả các khổ hạnh ấy, theo họ, sẽ chiêu cảm kết quả an vui về
sau ở các cõi trời.
Thái tử nghe
qua, lấy làm đau xót cho họ, khuyên họ bỏ lối tu ấy đi, viện lẽ rằng:
giả sử các phép tu ấy có đem lại khoái lạc ở cõi trời đi nữa thì
sau khi hưởng hết quả vui, vẫn phải trở lại chịu khổ như trước khi
chưa tu, như vậy khổ nọ chiêu tập khổ kia, chứ không lợi ích gì hết.
Hơn nữa, chim chóc cũng ăn trái cây, đâu có vì thế mà sanh lên cõi trời
được?
Bên nói qua,
bên bác lại, không ai nghe ai. Cuối cùng họ yêu cầu Thái tử nếu chịu
ở lại với họ, họ sẽ tôn Thái tử lên bạc trưởng lão tối cao và
được tôn kính như trời Đế Thích, tức như Đấng Sáng thế của họ. Dĩ
nhiên, Thái tử không chấp nhận.
Trong nhóm Bạt
già có một đạo sĩ đang tu phép nằm lăn giữa đất, được nghe Thái tử
nói liền đứng dậy giới thiệu đến tiên A La Lam (Arada Kalama) mà đương
thời tôn lên ngang hàng thánh giả, hiện đang điều khiển một đạo tràng
lớn tại núi Tần đà.
Thái tử ở lại
đây chỉ một hôm. Qua hôm sau, lên đường tìm gặp A La Lam.
Trong khi ấy,
kinh thành Ca Tỳ La náo loạn vì được tin Thái tử bỏ đi tu, Tịnh Phạn
Vương cho hai đại thần cấp tốc đuổi theo đến Khổ hạnh lâm. Được
đây mách bảo, hai đại thần ấy lên đường rượt theo nữa, gặp Thái tử
ở dọc đường.
Hai ông viện
đủ mọi lý lẽ để thuyết phục Thái tử trở về, nhưng vô hiệu. Cuối
cùng vì quá cảm phục ý chí sắt đá của Thái tử, họ đành rút lui và
hứa sẽ xin chọn một nhóm đạo sĩ theo hầu bầu bạn tu học, hầu giúp
Thái tử trên bước đường cầu đạo. Đó là nhóm năm người Kiều Trần
Như (Ajnata-Kaundinya), A Xả Bà Thệ (Asvajit), Ma Ha Bạt Đề (Bhadrika), Thập
Lực Ca Diếp (Dasabala-Kasyapa), Ma Nam Câu Lỵ (Mahanama-Kulika) về sau cùng tu với
nhau ở vườn Lộc Uyển và cũng chính là năm đại đệ tử đầu tiên của
Phật.
Sau cùng hai vị
đại thần cáo biệt. Thái tử vượt sông Hằng, băng qua núi Linh thứu (tiếng
Pháp gọi là Pic des Vautours), rồi vào thành Vương Xá, thủ đô nước Ma Kiệt
Đà (Magadha).
Dân trong
thành này thấy diện mạo khôi ngô của Thái tử thì đổ xô đến xem. Tiếng
đồn tới tai nhà vua Ma Kiệt Đà là Tần Bà Sa La (Bimbisara). Nhà vua xa giá
đến yết kiến. Trước kia đã từng nghe đồn về tài năng quán chúng của
Thái tử cả văn lẫn võ, nay được chính mắt trông thấy diện mạo oai
nghi kỳ vĩ, trong lòng nhà vua cảm thấy mến phục và thương tiếc vô hạn.
Thương tiếc là vì theo ông nghĩ, một người như Thái tử sao không chịu
làm vua cho thần dân được nhờ. Hay là vì Ca Tỳ La là nước nhỏ chăng?
Nghĩ thế, ông liền đề nghị với Thái tử xin nhường nữa phần lãnh thổ
nước ông cho Thái tử cai trị. Thấy Thái tử lắc đầu, ông lại đề
nghị xin nhường hẳn ngôi vua của ông lại cho Thái tử, và chính ông chỉ
xin làm bề tôi phục vụ, hầu mong nước Ma Kiệt Đà nhờ tài đức của
Thái tử mà trở nên thạnh trị phú cường hơn. Nhất nhất Thái tử đều
từ chối. Lời cuối cùng của nhà vua trước khi tiển biệt là cầu nguyện
Thái tử sớm đắc đạo, và sau khi đắc đạo, trước tiên hãy đến cứu
độ nhà vua. Thái tử chấp nhận lời thỉnh nguyện này.
Ra khỏi thành
Vương Xá, Thái tử tiếp tục hành trình đi tìm đạo sĩ A La Lam.
Buổi đầu mới
gặp, Thái tử hết sức hoan hỷ vì A La Lam quả tình là một nhà thông
thái bác học đa văn, Ông thông suốt mọi tư tưởng học thuật Bà la
môn. Không những thế, ông còn tinh thông cả giáo điển của Số luận (Sámkhya).
Những gì ông biết, ông đều tận tình giải bày cho Thái tử nghe. Chính
trong thời gian này, Thái tử luyện tập các phép tu Thiền, từ sơ thiền
đến thiền phi tưởng phi phi tưởng. Thái tử chỉ học trong một thời
gian rất ngắn là thâu nhiếp hết yếu pháp của A La Lam.
Đến khi luyện
xong phép thiền phi tưởng phi phi tưởng mà A La Lam cho như thế là đã đạt
cứu cánh giải thoát, Thái tử thắc mắc hỏi: "Trong định ấy, còn
có tướng ngã không? Nếu không, thì sao gọi được là phi tưởng, phi phi
tưởng? Nếu còn, thì ngã ấy có tri giác không? Nếu không tri giác, làm
sao tránh khỏi bị cảnh giới nhiễm trước trói buộc? Như vậy chưa phải
cảnh giới cứu cánh giải thoát mà tôi mong cầu!".
A La Lam nghe
Thái tử cật vấn như trên, một mặt lòng tự thấy hổ thẹn, nhưng mặt
khác lại càng cảm phục Thái tử bội phần.
Trên bước
đường cầu đạo, sau A La Lam, Thái tử còn được gặp một đạo sĩ lừng
danh khác nữa là Uất Đầu Lam Phất, còn gọi là Uất Đà
(Udraka-Ramaputra). Uất Đà kiến thức tuy có phần rộng hơn A La Lam, nhưng
hướng tu không khác nhau, vì ông này cũng thuộc phái Số luận.
Sau khi từ giả
Uất Đà, Thái tử còn đi vân du nhiều nơi khác. Cuối cùng khi đi đến bờ
phía đông sông Ni liên thiền (Nairaujanà), một chi nhánh của sông Hằng,
Thái tử định lên núi Bạt La Cấp Bồ Đề gần đấy để tịnh tu.
Nhưng khi leo lên, thấy núi ấy không phải chốn tịch mịch thanh tịnh.
Thái tử lại trở xuống, vượt sông Ni liên thiền, nhắm hướng núi Già
Da (Gaya) tiến tới. Gần đấy, có một khu rừng mà các đạo sĩ thường tụ
tập để tu khổ hạnh, nên cũng gọi là Khổ hạnh lâm. Vườn Lộc uyển
chính ở trong khu rừng này. Rừng Khổ hạnh này thuộc lãnh thổ Ma Kiệt
Đà, nằm trong địa phận thôn Ưu lâu tần đà (Uruvilva), cạnh núi Già Da,
khoảng giữa sông Hằng và sông Ba la nại, mặt trước nhìn ra sông Ni liên
thiền. Phiá bắc sông này lại có núi Tượng Đầu ( núi đầu voi), phong cảnh
toàn vùng thật tịch mịch, rất thuận tiêïn cho việc tĩnh tu. Sau khi quyết
định chọn nơi này làm đạo tràng, Thái tử thề cương quyết không rời
bỏ trước khi chưa đắc đạo. Tại đây, hiện có tháp kỷ niệm gọi là
tháp Phật đà Già da (Buddha-Gaya), tiếng Việt gọi là Bồ đề đạo tràng.
Ở đây không
bao lâu thì năm người trong nhóm Kiều Trần Như do hai đại thần chiêu mộ
cũng đến khẩn cầu xin Thái tử cho phép kết bạn cùng tu.
Tại đây
trong sáu năm liền, Thái tử không theo phép tu kỳ quái của nhóm Bạt già
trước kia, nhưng những khổ hạnh mà Thái tử trải qua còn vượt xa khổ
hạnh của nhóm ấy rất nhiều. Suốt ngày đêm, Thái tử chỉ chuyên lo giử
giới tham thiền, quên ăn bỏ ngủ. Thời gian tu như thế kéo dài khá lâu,
càng ngày sức khỏe càng giảm sút, mắt trỏm, mũi nhô, xương lớn xương
nhỏ lòi ra. Thân hình Thái tử chỉ còn là một bộ xương với lớp da mỏng
bao bọc bên ngoài. Thỉnh thoảng voi hay vượn đến tiếp tế cho một ít
hoa quả hoặc vài hạt đậu để ăn. Thậm chí về sau mỗi ngày Thái tử
chỉ còn ăn một hạt mè hoặc một hạt lúa mạch, cốt chỉ để cầm
hơi. Thâm tâm Thái tử nghĩ rằng có chịu kham khổ như vậy mới khắc phục
được xác thịt, diệt trừ được phiền não. Nhưng trải qua nhiều năm
kham khổ như thế, phiền não vẫn không tiêu, mà thân thể thì không còn
gì được gọi là hình dáng con người nữa.
Thử phương
pháp này không được, Thái tử đi tìm phương pháp khác. Bịt kín cả mũi
lẫn miệng Thái tử luyện phép nín thở, đình chỉ hô hấp. Nhưng kết quả
đem lại là: mắt hoa, tai ù, trên trán như có dao đâm, trên đỉnh đầu
nhu có roi da quất xuống.
Sáu năm trôi
qua, phiền não, vọng tưởng vẫn không đoạn diệt, tình dục, sanh tử vẫn
không tiêu trừ. Con đường giải thoát càng mịt mù xa thẳm.
Trong khi ấy,
nhóm Kiều Trần Như thấy nhiệt tâm cầu đạo cao độ của Thái từ, hết
thảy đều tôn thờ ngài như trời Đế Thích, luôn luôn chầu hầu bên cạnh.
Cũng trong khi ấy, Tịnh Phạn Vương nhớ con thỉnh thoảng cho người đến
dò la tin tức. Được nghe Thái tử tu khổ hạnh quá sức cực khổ, nhà
vua bất giác rú lên khóc. Quá thương con, vua sai A Nặc đem trân tu mỹ vị
đến cho Thái tử dùng. Ma Ha Ba Xà Ba Đề và Da Du thương xót không kém, cũng
gởi theo tặng phẩm của mình và căn dăïn Xa Nặc phải cố hết sức năn
nỉ Thái tử thâu nhận để phụ vương và thân quyến an tâm.
Khi Xa Nặc gặp
Thái tử thì Thái tử nhất mực từ chối, viện lẽ rằng làm như thế trở
ngại đường tu, Xa Nặc lại kể cho Thái tử nghe những việc xảy ra tại
hoàng cung từ ngày Thái tử ra đi, nhưng vừa mới bắt đầu thì bị Thái
tử chận lại, bảo Xa Nặc phải cấp tốc lùi bước, để Thái tử yên
tâm tu hành.
Sau sáu năm khỗ
hạnh, một hôm Thái tử bổng nghĩ rằng: "Đại sự giải thoát đâu cần
bắt buộc nhục thể phải chịu khổ? Đói ăn khát uống là việc dĩ nhiên.
Điều cần thiết là : không nên để ý đến nhục thể và nên quên nó
đi. Vì nếu không quên nó thì tâm không thể thanh tịnh. Mà tâm không thanh
tịnh thì ô uế không thể tiêu trừ. Ô uế không tiêu trừ, làm sao đến
được đạo lớn giải thoát".
Nghĩ thế
xong, Thái tử rời chỗ ngồi, xuống sông Ni liên thiền tắm rửa sạch sẽ.
Tắm xong trở lên, chân lê không nổi vì đã kiệt sức. Ngã quỵ bên bờ
sông, Thái tử phải dang tay lên vịn một cành cây mới đứng dậy được.
Gượng thêm vài bước nữa lại ngã quỵ.
Bấy giờ tại
bên bờ sông có một cô gái chăn bò tên là Nan Đà Ba La, còn gọi là Tu Xa
Đa (Sujata) thấy tình cảnh thảm não như thế bèn vắt một bát sữa bò tươi
đem dâng, Thái tử lãnh thọ. Uống xong giây lát sau thấy trong người sảng
khoái, khí lực dần dần hồi phục.
Nhóm Kiều trần
Như thấy Thái tử tiếp nhận cúng dường của một cô gái chăn bò thì
lòng đầy kinh dị, vì cho như thế là ô uế và nghĩ rằng Thái tử đã thối
chí sa đọa. Cả năm người không muốn nhìn Thái tử nữa vì sợ ô uế
lây. Thái tử đến với họ, họ bỏ chạy.
Rời bỏ năm
người, một mình một bóng, Thái tử lửng thửng nhắm núi Già da thẳng
tiến. Dưới một gốc cây Bồ đề, kìa một tòa kim cang cũ của ai bỏ trống
mà nay không còn lưu lại dấu vết, Thái tử bứt cỏ non (1) trải lên đó,
rồi ngồi kiết già, xong phát thệ rằng: "Nếu phen này không đạt
được chánh giác để giải thoát khỏi sanh tử thì thề quyết không đứng
dậy rời khỏi nơi đây".
Chính đêm
hôm đó, Thái tử ngộ đạo.
Sử liệu ghi
chép rằng, trước khi sắp thành đạo, Thái tử bị Ma vương quấy phá dữ
dội. Cả ma trong lẫn ma ngoài. Ma trong có ma phiền não, ma vọng tưởng. Ma
ngoài có ma thanh sắc, ma uy lực. Đủ các loại ma thường hằng khống chế
thế gian mà từ ngàn xưa chưa ai khắc phục nổi, để bước vào con đường
giác ngộ chân thật.
Một trận giặc
lòng khủng khiếp đã xảy ra trước khi Thái tử thành đạo.
Sau khi hàng phục
xong ma vương, Thái tử thấy lòng mình tuyệt đối vắng lặng bằng phẳng
như mặt nước hồ thu, tâm hồn rực sáng như ánh mặt trời giữa trưa.
Nhờ đó chí nguyện càng thêm kiên cố, trong lòng càng thêm bình tỉnh.
Nhập định
tam muôi, Thái tử thả tâm tư tiêu dao các cảnh giới vô niệm vô tưởng.
Một thế giới sáng ngời bừng dậy lên trước mắt, trong đó hiện ra cả
một dòng sanh tử lưu chuyển của chính mình: khi làm cha, làm con, làm thầy,
làm tớ. Khi khóc, khi cười, khi sanh ở địa phương này, lúc sanh ở địa
phương khác, không nhất định. Trong dòng sanh tử ấy, lô nhô lúc nhúc,
còn vô số chúng sanh khác, khi bạn, khi thù, khi quyến thuộc, khi giao tranh.
Tất cả đều bị trói buộc bởi quan hệ nhân duyên sanh khởi. Chính quan
hệ nhân duyên này mê hoặc và giam hãm chúng sanh cùng năm mãn kiếp trong
ái dục lợi danh, vô phương giải thoát. Nhìn cảnh tượng oan thân bình đẳng
ấy, Thái tử cảm thấy xót xa vô hạn và bất giác rơi lệ lúc nào không
hay.
Trong cảnh giới
bình đẳng ấy, sanh và tử hiện ra không hai. Sanh là đầu mối của tử,
mà tử cũng lại là đầu mối của sanh. Sanh tử, tử sanh tiếp nối nhau
không cùng tận. Dòng sanh mạng cứ thế khuếch đại ra thêm nữa, cuối
cùng đồng hóa hẳn với vũ trụ.
Mọi phiền
não tiêu tan, lòng tràn ngập hoan hỷ, Thái tử thấy xung quanh Ngài không
còn gì đáng gọi là không gian hay thời gian nữa. Mọi phân biệt đều tan
biến, Thái tử tự hỏi đấy phải chăng là giấc mơ? Không! những hiện
tượng thấy trước mắt là những hiện tượng sờ mó được. Đó là những
hiện tượng xảy ra trong một cơn cảnh giác cao độ, Ngài đã chứng được
quả vô thượng bồ dề: NGÀI ĐÃ THÀNH PHẬT.
Sau khi ngộ
được chánh pháp duyên khởi, Phật quán sát chi ly mọi hiện tượng thế
gian thì thấy hết thảy đều lưu chuyển kinh qua mười hai nhân duyên,
trong đó Khổ đóng vai trò chủ thể. Từ chủ thể ấy triển khai ra mới
có các hiện tượng lão, bệnh, tử.
·Vì đâu có Lão, Bệnh,
Tử? Vì có Sanh ra.
·Sanh do đâu mà khởi?
Do lòng ham muốn tồn tại. Tức Hữu hay nghiệp lực.
·Tồn tại vì nguyên
nhân gì phát sanh? Vì có truy cầu nắm bắt. Tức Thủ.
·Truy cầu vì nguyên
nhân gì khởi. Vì say đắm dục lạc. Tức Ái.
· Say đắm vì nguyên
nhân gì phát sanh? Do có cảm giác khổ vui. Tức Thọ.
· Cảm giác khổ vui vì
nguyên nhân gì phát sanh? Vì có đụng chạm xúc tiếp, mở đường cho mọi
nhận thức. Tức Xúc.
· Tiếp xúc do đâu phát
sanh? Do sáu căn. Tức Lục nhập.
· Sáu căn nương vào đâu
mà có? Nương vào các yếu tố tạo nên tinh thần và thể xác loài hữu
tình. Tức Danh sắc.
· Tinh thần và thể xác
nương vào cái gì để hiện thực? Nương vào chủng tử nghiệp lực quá
khứ. Tức Thức.
· Chủng tử nghiêïp lực
do đâu mà có? Do tạo tác kiên tục từ quá khứ. Tức Hành.
· Tạo tác liên tục nương
vào đâu sanh khởi? Nương vào phiền não mê hoặc. Tức Vô minh.
· Phiền não hay Vô minh
chính là nguồn gốc của đau khổ sanh tử vậy.
Do Vô minh khởi
Hành.
Do Hành có Thức.
Do Thức triển
khai có Danh sắc.
Do Danh sắc
có sanh Lục nhập.
Do Lục nhập
có Cảm xúc.
Do Cảm xúc
có Thọ.
Do Thọ sanh
Ái.
Do Ái nên Chấp
thủ.
Do Chấp thủ
nên tạo Nghiệp (Hữu).
Do Nghiệp có
Sanh.
Do Sanh tất
có Lão, Tử.
Tất cả
chúng sanh sở dĩ có chết đi sanh lại, luân hồi lưu chuyển không dứt là
chỉ vì cái vòng lẩn quẩn này.
Quan trọng nhất
trong mười hai nhân duyên là ba chi đầu: Vô minh, hành, thức. Chính ba chi
đầu này là đầu mối, là nguyên nhân căn bản chi phối mọi hiện tượng
không những của riêng nhân sinh, mà còn chung cho cả vũ trụ.
Muốn phá tan
cái vòng duyên khởi lẩn quẩn ấy, biện pháp công hiệu nhất là con đường
Bát chánh gồm: chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiêïp, chánh mạng,
chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định.
Chỉ có con đường Bát
chánh mới tiêu diệt được tà kiến chấp trước. Tà kiến chấp trước
tiêu diệt, ví như củi hết thì lửa tự tắt.
Từ mười hai
nhân duyên, Phật triển khai hệ thống giáo lý Tứ diệu đế: Khổ, Tập,
Diệt, Đạo.
Với thập nhị
nhân duyên, Bát chánh đạo và Tứ diệu đế, Phật hoàn thành chân lý
Trung đạo siêu tuyệt của Ngài. Chính ngài đã thực hiện chân lý ấy
ngay trên bản thân mà thành tựu tự ngã vô ngã tuyệt đối của con người
với một nhân cách vĩ đại, từng được truyền thống tư tưởng Phệ đà
hằng mơ ước.
Đã là chân
lý thì không vướng mắc, không câu chấp. Xả bỏ tất cả, nhưng trên thực
tế không một pháp nào thực sự bị xả bỏ. Đó là Đệ nhất nghĩa đế,
đó là Trung đạo Bất nhị hoàn thành con người đích thực muôn thuở.
Nói Phật là
tự ngã chân thật, vậy tự ngã ấy là gì?
- Chính là vạn
pháp.
- Vạn pháp do
đâu mà ra?
- Do nhân
duyên sanh khởi.
- Nhân duyên
ở đâu?
- Chính ngay nơi
cái tâm bình thường của mỗi chúng sanh.
Thập nhị
nhân duyên thuyết minh lý duyên khởi ấy.
Bát chánh đạo
chế ngự quá trình duyên khởi ấy.
Từ đế trình
bày hệ thống dịch biến cả thuận lẫn nghịch của hiện tượng duyên
khởi ấy.
Đặc trưng của
sự ngộ đạo của Phật là ở điểm TRUNG ĐẠO DUYÊN KHỞI, và chỉ ở mỗi
điểm ấy mà thôi. Tất cả đạo phong đều xây dựng trên đó. Tất cả
đạo học về sau cũng do ở đó khai triễn ra.
Sau khi đắc
đạo, Phật cảm thấy lòng lâng lâng nhẹ nhàng, không chút vướng bận. Hồi
tưởng lại kiếp tử sanh ô trược xưa, Ngài hân hoan tự nói với mình: "Ta lang
thang trong vòng luân hồi qua bao kiếp sống, tìm mãi mà không gặp kẻ làm
nhà. Đau khổ thay kiếp sống cứ tái diễn mãi. Hởi kẻ làm nhà! Nay ta đã
tìm được ngươi rồi, ngươi không còn làm nhà được nữa. Bao nhiêu rui
và mè của ngươi đều đã gãy hết, kèo cột của ngươi đều đã tan vụn
rồi. Trí ta đã đạt đến vô thượng Niết bàn, bao nhiêu dục vọng ta đều
dứt sạch".
Giáo điển Phật
giáo còn ghi chép rằng, hôm Phật ngồi tại dưới gốc cây Bồ đề, gặp
phải một trận mưa to gió lớn, có Long vương tên là Mucalinda hiện lên lấy
mình quấn bảy vòng thân Phật, dương bảy đầu lên che, nhờ đó Phật khỏi
ướt. Tiếp đó có đoàn xe hai thương gia tên là Đề Lê Phú Bà (Tripussa)
và Bạc Ca Lê (Bhallika) đi qua cúng đường, được Phật chúc phước và
ban cho ít tóc và móng tay để kỷ niệm. Cũng chính tại đấy, lần đầu
tiên, Tứ Thiên vương dâng bình bát để Phật đựng đồ cúng dường. Sau
hai thương gia nầy đến kinh doanh tại Miến Điện, dựng tháp thờ hai bảo
vật ấy. Nhờ đó, vua Miến và các vua kế cận lúc đó mới biết đến
Ấn độ và tìm đến ra mắt Phật. Tháp thờ tóc và móng tay Phật hiện vẫn
còn tại kinh đô Rangoon gọi là tháp Shwedagon.
Tìm ra mối đạo
rồi, Phật còn ngần ngừ suy tư mãi, không biết có nên đem ra truyền bá
ngay được chưa? Sau khi ý đã quyết, Ngài liền rời tòa Kim cang, nhắm hướng
thành Ca Thi (Kasi) thẳng tiến. Ca Thi tức là thành Ba la nại (Bénarès) ngày
nay vậy.
******
(1)
Có
thuyết nói rằng: giữa đường, ngài gặp Tô đế gia (Sothiga) hiến tám lọn
cỏ tốt để ngài lót làm tòa ngồi. Nhưng tra cứu thì không tìm ra xuất
xứ chính xác.