- PHẬT VÀ THÁNH CHÚNG
- Xuất bản: Phật Học
Viện Nha Trang, Phật lịch 2513
PHẬT GIÁO HÓA hay PHẬT
CHUYỂN PHÁP LUÂN
******
NGƯỜI ĐẦU TIÊN GẶP
PHẬT
Trên đường từ gốc
Bồ đề đến thành Ca Thi, Phật gặp một người từ xa đi lại. Ông này
thấy tướng mạo trang nghiêm của Phật thì bất giác tâm hồn rúng động,
liền quỳ mọp bên vệ đường, bạch rằng:
- Ngài có phải
là người không? Sao tướng ngài đẹp đẽ từ hòa đến thế? Nhìn ngài,
sao tôi tự nhiên thấy vừa rờn rợn ớn lạnh, vừa phơi phới hoan hỷ mà
tâm hồn lại yên tỉnh khác thường? Ngài là thiên thần chăng? Ưu Ba Ca này
kính mong Ngài khai thị.
- "Này Ưu
Ba Ca! Phật bảo. Ta không phải thiên thần. Ta cũng không theo học với thầy
nào hết. Không có bạn bè nào cùng học chung với ta. Nhờ tự lực, ta đã
giác ngộ được diệu pháp mà trên thế gian này chưa ai đạt được.
Này Ưu Ba Ca!
phiền não là kẻ thù đáng sợ nhất. Muốn hàng phục kẻ thù ấy, nhất
định phải có gươm báu trí tưệ. Trí tuệ ấy, ta đã chứng được. Đến
thành Ca Thi phen này, ta nhất quyết phải dóng trống chánh giác, khua chuông
trí huệ, để thức tỉnh thế gian đang chìm đắm trong cơn ác mộng triền
miên.
Này Ưu Ba Ca!
Lòng ta hiện rất thanh thản. Không kiêu ngạo cũng không nô dịch vì bất
cứ một lý do nào. Ta chỉ chuyên chú một việc: lưu bố chánh pháp cứu
giúp chúng sanh chìm đắm trong biển khổ. Trong một kiếp trước, ta đã từng
phát nguyện làm thuyền trưởng cứu vớt kẻ trầm luân chơi vơi trong khổ
hải. Nay điều kiện này đã đầy đủ, ta quyết thực hiện thệ nguyện
xưa. Bất cứ ai có thiện căn và nhân duyên sẽ đều được ta cứu vớt.
Ta phải thực hiện cho kỳ được sứ mạng của đấng đại trượng phu và
đấng đại y vương.
Này Ưu Ba Ca!
Không phải nhân vì có bóng tối mà dèn phát ra ánh sáng. Khu trừ hết
bóng tối thì ánh sáng tự nhiên của đèn hiện ra. Đèn ấy là đèn trí
huệ. Ta đốt đèn ấy lên là làm một việc thuận với tự nhiên để chiếu
phá bóng tối ngu si của chúng sanh.
Này Ưu Ba Ca!
Cưa gỗ thì có lửa. Không khí chuyển động thì thành gió. Đào đất thì
phải được nước. Đó là những việc đương nhiên. Việc ta sắp làm đây
cũng vậy"
Lắng tai nghe
Phật nói, Ưu Ba Ca tán thán không ngớt. Nghe xong, hứa trong tương lai sẽ tìm
gặp Phật và sẽ xin làm đệ tử. Sau đó hai người chia tay.
I.- GIÁO ĐOÀN ĐẦU TIÊN
Đến vườn Lộc
Uyển trong rừng Khổ hạnh, Phật gặp ngay nhóm năm người Kiều trần Như
vẫn còn ở đấy. Xa trông thấy Phật uy nghi bước đến, thoạt tiên năm
ông tưởng Phật hối hận muốn trở lui xin sám hối để cùng tiếp tục
tu. Cả năm người ước hẹn cùng nhau tảng lờ, nhắm mắt giả bộ như
không trông thấy, để xem Phật xử sự ra sao. Nhưng khi Phật đến gần,
không ai bảo ai, tất cả đều bất giác phát sợ và cùng quỳ xuống đảnh
lễ.
- Sao các ông
không thực hành lời giao ước không đón tiếp ta? Phật bảo.
- Thái tử Tất
Đạt Đa! Chúng tôi đâu dám nghĩ thế!
- Các ông từ
nay không nên gọi ta bằng tục danh. Hiện ta đã thành tựu chánh giác. Hãy
gọi ta là Phật. Phật chính là ánh sánh của vũ trụ. Muốn thành thành Phật
đâu cần phải tu khổ hạnh! Trái lại có bỏ lối tu ấy đi thì mới mong
thành Phạât được.
Này Kiều trần
Như! Năm ông hiện đang mắc phải một cái bệnh hiểm nghèo là bệnh chấp
chặt một phía. Bắt nhục thể chịu khổ chỉ càng khiến tâm thần thêm
rối loạn. Trái lại, cho thân tâm hưởng lạc thì lại khiến nó say đắm
ái trược. Tu hành mà thiên trọng bên này hay bên kia, đều không thể nào
thành tựu đại đạo căn bản. Vấn đề này, ta đã thấu rõ khi còn ở
trong vương cung và khi ta cùng các ông tu khổ hạnh sáu năm.
Xa lìa cả khổ lẫn
lạc, đó là con đường tu hành trung đạo chân chánh, đưa đến giác ngộ
tối cao.
Muốn đi đến
đó, cần phải thực hiện tám điều:
1.- Kiến giải
phải chính xác (chánh kiến)
2.- Tư tưởng
phải thuần chơn (chánh tư duy)
3.- Nói phô phải
hiền hòa thanh tịnh (chánh ngữ)
4.- Việc làm
phải chánh đáng (chánh nghiệp)
5.- Mưu sinh phải
hợp lý (chánh nghiệp)
6.- Tinh thần
phải tích cực (chánh tinh tấn)
7.- Tín ngưỡng
phải hợp chơn lý (chánh niệm)
8.- Sinh hoạt
tâm linh phải quy nhất (chánh định)
Tu học phải
theo đúng tám hướng này mới giải thoát được khổ đau của phiền não
tích tụ từ lâu đời lâu kiếp. Có giải thoát đau khổ mới đạt được
cảnh giới tịch tịnh an vui.
Này Kiều trần
Như! Trên thế gian này, tất cả chúng sanh không ai thoát khỏi khổ đau do
sanh,già, bệnh, chết gây nên. Đã thế, lại còn dồn dập bao nhiêu tai
ương của tự nhiên giới như hỏa tai, thủy tai, phong tai, chấn tai v.v...
Ái ân mà phải xa lìa cũng khổ. Oán cừu phải gặp gỡ cũng khổ. Ham muốn
không được cũng khổ. Năm ấm thiêu đốt ngày đêm cũng khổ. Tất cả các
nổi KHỔ đau ấy đều bắt gốc từ cái ảo tưởng Ngã. Do ảo tưởng ngã
ấy mà tham, sân, si dấy khởi triền miên, tích lũy đời nọ qua kiếp kia
thành TẬP. Muốn giải trừ khối tham, sân, si tích tập ấy, cần phải tu
ĐẠO. Có tu đạo mới tiến nhập được cảnh giới tịch DIỆT.
Này Kiều trần
Như! Ta cần chỉ cho các ông biết:
·Đó là Khổ, vì tánh
nó hay bức bách.
·Đó là Tập, vì tánh
nó thường chiêu cảm.
·Đó là Diệt, vì tánh
nó có thể chứng được.
·Đó là Đạo, vì tánh
nó có thể tu được.
Này Kiều trần
Như! Ta khuyên các ông hãy tích cực:
·Vì nó là Khổ, các
ông cần phải biết.
·Vì nó là Tập, các
ông cần phải trừ.
·Vì nó là Diệt, các
ông cần phải chứng.
·Vì nó là Đạo, các
ông cần phải tu.
Này Kiều trần
Như! Hãy xem gương ta thì rõ:
·Đó là Khổ, ta đã biết
rồi.
·Đó là Tập, ta đã trừ
xong.
·Đó là Diệt, ta đã chứng
được.
·Đó là Đạo, ta đã tu
thành.
Bốn sự thật
căn bản Khổ, Tập, Diệt, Đạo chỉ có thánh trí mới hội thông, nên gọi
là Bốn Thánh đế. Nếu không rốt ráo thấu hiểu Bốn Thánh đế ấy thì
không thể nào giải thoát. Các ông nghe rõ chưa?
Này Kiều trần
Như! thân năm uẩn này là thường chăng? Là không thường chăng? Là khổ
chăng? Là không khổ chăng? Là không chăng? Là không không chăng? Là ngã chăng?
Là vô ngã chăng?
- Bạch Phật!
Năm uẩn sắc, thọ, tưởng, hành, thức đích thực là vô thường, khổ,
không và vô ngã.
- Hay thay! Các
ông đã lãnh hội được giáo pháp ta.
Sau khi nghe Phật
dạy, năm ông Kiều trần Như, A Xả Bà Thệ, Bạt Đề, Thập Lực Ca Diếp
và Ma Nam Câu Ly (con trưởng Học Phạn Vương) đều xin nguyện quy y Phật.
Đây là năm đệ tử đầu tiên. Với lời thuyết giáo trên là bài giảng
đầu tiên cho năm đệ tử dầu tiên ấy (1). Đến đây ngôi Tam Bảo đã
đầy đủ với đức Thích Ca là Phật bảo, Bốn Thánh đế là Pháp bảo
và năm đệ tử đầu tiên là Tăng Bảo.
******
(1) Phê bình bài giảng này, các tư tưởng gia Đông
Tây kim cổ đều cho đây là tinh túy của Phật giáo, là đóa hoa thơm của
nhân loại, lâu lâu mới thấy nở một lần. Bảo đây là tinh túy, vì
toàn bộ hệ thống giáo triết của nền tư tưởng Phật giáo đều bắt rễ,
nẩy mầm, đâm chồi, trổ hoa, kết trái trên Bốn Thánh đế này.
Với Bốn
Thánh đế và Năm đệ tử đầu tiên, Phật giáo từ đây đã viết được
trang sử đầu tiên của chính mình.
******
II.- CƯ SĨ VÀ TÍN NỮ
ĐẦU TIÊN
Sau khi lập xong giáo
đoàn, hàng ngày Phật cùng đệ tử đi hành hóa dọc theo ven sông Phược
Ra Ca.
Một hôm trời
hừng sáng, Phật xuống sông rửa mặt thì bổng thấy một thanh niên từ
bên kia thành Ca Thi lội bộ qua, mặt mày hốt hoảng, tinh thần thác loạn,
mồm không ngớt kêu khổ. Hỏi ra mới biết thanh niên ấy giữa đêm thức
giấc, thấy vợ (vốn là một vũ nữ), trong lúc ngủ mê hiện rõ chân tướng
xấu xí, bèn nổi khùng, lén bỏ nhà ra đi lang thang vô định. Kịp đến sáng
thì gặp Phật, Phật đem giáo lý vô thường ra giảng dạy. Bừng tỉnh ngộ,
thanh niên nằng nặc xin Phật xuất gia. Đây là đệ tử thứ sáu của Phật
tên là Da Xá, con của trưởng giả Câu lê Da, người thành Ca Thi.
Sau khi Phật
chấp nhận Da Xá làm đệ tử thì Câu lê Da trên bước đường tìm con, cũng
gặp Phật, được Phật giảng dạy về những nỗi khổ đau của kiếp nhân
sanh vô thường, như bọt nước, như sương sa. Để chế ngự khổ đau, Phật
nói công đức trì giới, bố thí. Sau đó, Câu lê Da phát nguyện quy y làm
đệ tử tại gia. Đó là vị Ưu bà tắc đầu tiên.
Hôm sau Câu
lê Da mời Phật và đệ tử về thọ trai tại nhà. Vợ Câu lê Da thấy Phật
tướng mạo trang nghiêm, trong lòng vô cùng phấn chấn, cũng theo gương chồng
xin quy y. Đây là vị Ưu bà di đầu tiên.
Tiếp theo, năm
mươi thanh niên bạn của Da Xá thấy Da Xá xuất gia đầu Phật, được Phật
cảm hóa tánh tình khác xưa, nhân đó cũng xin xuất gia. Giáo đoàn giờ đây
lên đến trên năm mươi người, hàng ngày chia nhau đi bố giáo các vùng
lân cận.
1.- BA ANH EM CA DIẾP QUY
CHÁNH
Ngay trong vùng Phật
và đệ tử hoằng hóa, có một đạo sĩ nổi tiếng tên là Ưu Lâu Tần
Loa Ca Diếp (Uruvilvà Kàsyapa) cầm đầu năm trăm đệ tử theo đạo Bái Hỏa
(thờ thần lửa). Phật quyết đưa ông này về nẻo chánh, lập tâm đến
nhiếp phục cho được.
Trên đường
đi đến đền thờ thần Lửa của Ca Diếp, tình cờ Phật gặp ba mươi
thanh niên đương tìm kiếm một cô gái, trước kia vốn là gái điếm,
nhưng được cả nhóm mua về làm vợ cho một gã trong bọn họ. Lý do tìm
kiếm là vì dâm nữ ấy, đêm vừa rồi thừa lúc trong nhà ngủ say, đánh
cắp tiền bạc quần áo bỏ trốn. Thấy thanh niên mất vợ, vẻ mặt thiểu
não u sầu, Phật giảng giải đạo lý nhân sanh vô thường cho nghe, xong ngài
hỏi: "Anh thử nghĩ kỹ, nên đi tìm tự ngã anh hơn hay đi tìm người
đàn bà ấy hơn".
Thanh niên chợt
tỉnh ngộ, rồi cùng với hai mươi chín người bạn kia xin quy y theo Phật
làm đệ tử.
Khi đến gặp
Ca Diếp thì trời gần tối. Ông này tỏ ý khinh khi cao ngạo, tự coi mình
là một thánh nhân. Quả thật, ông cũng thuộc hạng bác học đa văn và nhất
là ông đang được vua quan và dân chúng quanh vùng thành kính tôn sùng.
Phật biết vậy,
bèn mượn cớ là người lữ hành đi nhỡ độ đường, xin cho tạm trú một
đêm. Ca Diếp cho ngủ trong đền dành riêng để chứa những khí cụ bái hỏa,
trong đó có một con độc long rất dữ. Ca Diếp có ác ý muốn cho độc
long hại Phật. Chính Phật cũng biết thâm ý ấy. Nhưng bằng những huyền
năng siêu nhiên, Phật hàng phục độc long một cách dễ dàng, khiến Ca Diếp
và nhóm đệ tử trở lại khiếp phục. Hôm sau tại đền Bái Hỏa có lễ
lớn, đông đảo dân cư quanh vùng quy tụ về xem Ca Diếp thi thố thần
thông. Ca Diếp có lòng đố kỵ, không muốn Phật hiện diện trong buổi lễ
ấy, định kiếm cách mời Phật ra khỏi đền để Ca Diếp khỏi áy náy.
Phật biết ý tránh mặt. Nhưng sau khi tan lễ, Ca Diếp vô cùng kinh dị, thấy
Phật còn y nguyên ở chổ cũ trong đền. Kết quả của chuyến gặp gỡ kỳ
thú này là Ca Diếp và năm trăm đệ tử đều vứt hết khí cụ bái hỏa
xuống sông, dẹp đền thờ thần lửa và xin quy y theo Phật.
Hai em của Ưu
Lâu Tần Loa Ca Diếp là Nan Đềø Ca Diếp (Nadi Kàsyapa) và Già Da Ca Diếp
(Gayà Kàsyapa) cũng thờ thần lửa và hai người thống lãnh hai trăm năm
mươi đồ chúng tu gần đấy, nghe tin anh mình quy y Phật, rất đổi ngạc
nhiên, tìm đến can ngăn, nhưng sau khi nghe anh ca tụng Phật và chính tự mắt
được nhìn thấy phong độ của Ngài, cũng bị nhiếp phục mà tình nguyện
xin theo luôn. Do sự quy chánh của ba anh em Ca Diếp, đệ tử Phật tăng thêm
được một ngàn người.
Nhân ba anh em
Ca Diếp thờ thần lửa, Phật khai thị cho họ biết về tai họa của lửa.
Ngài dạy họ rằng những cảm giác của chúng sanh bừng cháy đêm ngày như
lửa đốt. Đó là lửa tham, sân, si, lửa ảo mộng, lửa sanh tử v.v.. Các
thứ lửa ấy dấy khởi vốn có thủy tất phải có chung. Tiêu diệt các thứ lửa ấy khiến cái quá trình hữu thủy
hữu chung của nó ngưng lại, thì sẽ đạt được tịch diệt và bất tử
ở cõi an lạc tối cao.
2.-VUA TẦN BÀ SA LA QUY
Y
Nhớ lời kết
ước xưa, Phật dẫn đồ chúng đến gặp vua Tần Bà Sa La (Bimbisara) tại
thành Vương Xá, nước Ma kiệt đà. Dọc đường ngài dừng lại ở núi
Linh Thứu cách thành khoảng vài ba dậm, thiết lập đạo tràng tại đấy
xong rồi mới tiến vào thành sau.
Dân trong
thành, khi nghe tin đồn ba anh em Ca Diếp đầu Phật, đã vô cùng kinh ngạc,
nay lại nghe Phật quang lâm đến Vương Xá có ba anh em ấy theo hầu, không
ai bảo ai, tất cả đều thiết lập hương án chưng hoa xông trầm, quỳ mọp
hai bên vệ đường đợi Phật và chúng đệ tử đi qua để chiêm bái.
Riêng vua Tần Bà Sa La thì cho sứ giả đến tận núi Linh Thứu nghênh đón.
Đích thân nhà vua ra tận ngoài thành đảnh lễ. Thoạt nhìn thấy Phật với
diện mạo uy nghi rực rỡ bội phần hơn xưa, nhà vua biết rằng Phật đã
chứng quả đích thực rồi.
Đáp lời nhà
vua hỏi: "Nếu không có ngã thì ai thọ quả báo", tại vương cung
Phật dạy rằng:
- Ngã này chỉ
là một ảo tưởng của chúng sanh. Quả báo mà chúng sanh thọ lãnh cũng là
ảo tưởng nốt. Ảo tưởng nọ dấy khởi ảo tưởng kia. Phá được ảo
tưởng ngã thì đồng thời phá luôn được ảo tưởng quả báo mà giải
thoát.
Nếu bảo rằng
nhất định phải có ngã để thọ quả báo thì hà tất phải tu khổ hạnh?
Nếu bảo rằng nhất định không có gì hết thì cầu giải thoát làm gì?
Trên thế gian này, thật không có sở tác của ngã. Cũng không có ngã làm
chủ tể. Chỉ có tự nghiệp lưu chuyển mà thôi.
Vì nghiệp
nên hình như có ngã. Hết thảy phiền não tham, sân, si đều bắt gốc từ
cái giả ngã ấy. Hiện tượng giống như đá chọi đá. Đá chọi đá có
khi phát tia lửa, có khi không phát . Khi đá không chọi đá, thì không thể
nói rằng đá là lửa. Sự kiện đó, trải qua những năm tu hành, ta đã thấu
rõ. Nhờ đó mà ly khai được ảo tưởng ngã (tức ngã chấp). Nhưng ly
khai ngã chấp không phải việc dễ. Hễ chưa ly khai được ngã chấp thì
còn đầy rẫy mê lầm, ngu si, điên đảo.
Muốn phá trừ
ảo tưởng ngã (tức ngã chấp), phải quên nó đi và thay vào đó, tạm lấy
chung sanh làm ngã. Tiếp theo, lại phải quên luôn chúng sanh mà đi vào lãnh
vực của tâm bất động. Đem tâm bất động ấy thể nhập vũ trụ, hoà
đồng với vũ trụ trong một bản thể chung cùng rộng lớn; đó mới
chính là thật ngã, mà cũng tức là Niết bàn bất sanh bất diệt vậy. Thật
ngã ấy hay Niết bàn chính là thật tướng bản lai của vũ trụ. Trong thật
tướng bản lai ấy, đâu còn sanh tử nữa.
Nghe Phật dạy
xong về vô ngã và thật ngã, vua Tần Bà Sa La và tất cả thính chúng đều
phát nguyện quy y.
Để đền đáp
ơn Phật, nhà vua cho xây cất tại vườn trúc Ca Lan Đà ở cạnh thủ đô
Vương Xá, một ngôi tịnh thất lấy tên là Trúc lâm tịnh xá, gồm mười
sáu ngôi nhà, mỗi ngôi gồm sáu chục phòng, năm trăm lầu gác, bảy mươi
hai giảng đường. Cất xong, nhà vua mời Phật và chúng tăng về thường
trú tại đó.
Sau khi Phật
tiếp nhận Tịnh xá Trúc lâm, tiếng đồn vang khắp đó đây. Bấy giờ
có hai đạo sĩ cự phách thuộc môn phái San Xa Dạ (Sanyaya, một trong số
sáu phái Luận sư ngoại đạo), là Ưu Ba Thất Sa (Upatisya) tức Xá Lợi Phất
(Sariputra) và Câu Luật Đà, cũng gọi là Câu Ly Ca (Kolita) tức Mục Kiền
Liên (Maudgalyayana hay Maudgalaputra), mỗi người lãnh đạo khoảng một trăm
đồ chúng, do môi giới của A Xả Bà Thệ, đem tất cả đồ chúng đến
xin đầu Phật.
Hai vị này về
sau đều là cao đệ của Phật, thuộc nhóm Thập Thánh chúng. Xá Lợi Phật
là Trí tuệ đệ nhất, Mục Kiền Liên là Thần thông đệ nhất.
Xá Lợi Phất
có người cậu ruột gọi là Trường Trảo phạn chí (đạo sĩ Bà la môn
để móng tay dài), nghe tin cháu mình đã theo Phật, kinh ngạc bèn tìm đến
xem sự tình ra sao, bị khiếp phục rồi cũng xin quy y làm đệ tử. Đó là
Ma Ha Câu Hy La, cũng gọi là Câu Sắc Chỉ La (Maha Kausthila) mà đoạn mở đầu
các kinh thường nhắc đến.
Một hôm, Phật
nhuốm bệnh, vua Tần Bà Sa La phái ngự y tên là Kỳ Bà đến chăm sóc điều
trị. Nhân thấy Phật đắp tấm y quá cũ, Kỳ Bà đem phép vệ sinh ra thuyết
giải và dâng Phật một tấm y mới do một quốc vương láng giềng trao tặng
để tạ ơn ông đã có công trị liệu cho chính quốc vương ấy, nhưng Kỳ
Bà tiếc không mặc, cất giữ đã lâu ngày. Phật lãnh thọ. Từ đó, nhân
dân thành Vương Xá noi gương, đua nhau dâng cúng y cho chư tăng. Và cũng do
đó, lần đầu tiên, Phật chế pháp phục cho tăng đoàn.
Phong trào
dâng cúng lan tràn. Tiếng đồn tới tai một vị đại phú hào, giàu địch
quốc tên là Ma Ha Ca Diếp (Maha Kàsyapa) người ở thôn Sa lan đà, không xa
thành Vương Xá lắm. Ông này là một nhân vật cự phách thuộc dòng Bà la
môn, học rộng tài cao, thông minh quán chúng, nghe tin đồn đãi, ông tìm đến
Vương Xá xin yết kiến Phật. Cảm phục đức độ tài năng cửa Phật,
sau mấy lần tiếp xúc, ông dẹp bỏ việc nhà, xin Phật thâu nạp làm đệ
tử. Về sau, ông trở thành vị Đầu đà đệ nhất, thuộc nhóm Thập
Thánh chúng. Ông còn là người thừa kế Phật thống lãnh tăng đoàn sau
khi Phật nhập diệt. (Nên biết rằng, bấy giờ Xá Lợi Phất và Mục Kiền
Liên đều đã thị tịch rồi).
Sau khi nhiếp
phục được Ma Ha Ca Diếp, tiếng tăm Phật thật là lẫy lừng rực rỡ.
Trí thức trong toàn cõi nước Ma kiệt đà đều đổ xô về xin thọ giáo.
Cơ sở Phật giáo của nước Ma kiệt đà như vậy là đã thành tựu viên
mãn. Tịnh xá Linh Thứu hoàn thành cũng chính lúc này.
Từ đây sắp
sau, Phật giáo bành trướng sang nước Kiều Tát La (Kosala) (1) với thủ đô
là Xá Vệ, do môi giới của cư sĩ Tu Đạt tức trưởng giả Cấp Cô Độc.
Kiều Tát La là một trong hai trung tâm văn hóa sáng chói bậc nhất của
toàn cõi Ấn Độ thời bấy giờ (trung tâm kia là Ma Kiệt Đà).
******
(1) Kosala này là Kosala ở vùng trung châu sông Hằng,
nơi về sau Bồ tát Long Thọ đặt cứ địa xiển dương Đại thừa, khác
với Kosala ở Nam Ấn và Bắc Ấn.
******
3.-TỊNH XÁ KỲ VIÊN
VÀ CƯ SĨ TU ĐẠT
Lúc Phật ở
tịnh xá Trúc lâm, một hôm có một đệ tử tại gia là trưởng giả Thủ
La (Cùda) thiết trai mời Phật và chúng Tăng thọ cúng tại nhà. Trước đó
một hôm, có trưởng giả Tu Đạt (Sudatta) biệt hiệu là Cấp Cô Độc
(người thành Xá Vệ, nước Kiều Tát La, ở phía Tây Bắc Ma Kiệt Đà) đến
dạm hỏi con gái Thủ La cho người con thứ bảy của ông. Trong khi hai bên
đàm đạo, Tu Đạt rất ngạc nhiên thấy trong nhà rộn rịp treo đèn giăng
hoa cực kỳ linh đình rực rỡ, kẻ đi người lại trang trọng tấp nập.
Hỏi thì được biết toàn gia đang chuẩn bị cuộc tiếp rước Phật và
chúng Tăng vào hôm sau. Thủ La còn cho Tu Đạt biết rất tận tường về
tư
cách, phong độ và
trí tuệ siêu đẳng của Phật.
Ngay đêm hôm
đó, Tu Đạt tìm đến gặp Phật tại Trúc lâm. Cuộc gặp gỡ tay đôi xảy
ra dưới vầng trăng thanh, trong bầu không khí tịch mịch tuyệt đối yên
lặng.
Phật giảng
cho Tu Đạt nghe về pháp bố thí (chí tâm thí, tinh tấn thí, thời thí, tịch
mịch thí, vô úy thí v.v...), về quan hệ nhân duyên, về sức chiêu cảm quả
báo của nghiệp nhân.
Nghe xong,Tu Đạt
đại hoan hỷ, đảnh lễ xin quy y làm đệ tử tại gia và thỉnh cầu Phật
cùng chúng Tăng đến Xá Vệ (Sràvasti) hoằng truyền chánh pháp. Tu Đạt
cũng phát nguyện xin vì Phật và chúng Tăng, kiến lập tại đấy một tịnh
xá như Trúc lâm, để làm cơ sở hoằng hoá Phật giáo tại Kiều tát La.
Hôm sau, Tu Đạt
vội vàng trở về Xá Vệ.
Bấy giờ, vua
nước Kiều Tát La là Ba Tư Nặc (Prasenajit) có người con trưởng là thái
tử Kỳ Đà (Jeta), có một khu vườn rất rộng ở sát ngay thủ đô Xá Vệ,
phong cảnh kỳ tú an nhàn, trồng đầy kỳ hoa dị thảo, bốn mùa chim hót
hoa cười. Tu Đạt đến thương lượng xin mua, Thái tử trong lòng không muốn
bán, nhưng vì nể tình trưởng giả là người có địa vị, có danh phận
trong nước, nên nói đùa rằng, ai muốn mua thì đem vàng đến lót khắp rừng.
Nói đùa như thế, khôngngờ hôm sau Tu Đạt cho người chở vàng đến thật,
Kỳ Đà rất đổi ngạc nhiên, không hiểu Phật là người thế nào mà khiến
Tu Đạt hoang phí cả gia tài của ông như thế. Sau khi nghe Tu Đạt tỏ rõ
hết nguồn cơn, Kỳ Đà bèn giao ước lại, là chỉ bán đất mà không
bán cây. Số cây trong rừng, Kỳ Đà xin lưu lại để tự mình cúng riêng
Phật.
Mua xong khu rừng,
Tu Đạt lại trở qua Vương Xá báo cáo tự sự với Phật và thỉnh thị
ý kiến Phật về kiểu mẫu tịnh xá mới. Phật dạy từ nay đổi tên khu
rừng ấy là Kỳ Thọ Cấp Cô Độc Viên (vườn của Cấp Cô Độc, cây của
Kỳ Đà) và phái trưởng lão Xá Lợi Phất cùng đi theo Tu Đạt qua Xá Vệ
trong nom việc xây cất.
Tịnh xá Kỳ
Viên này, sau khi hoàn thành, so với tịnh xá Trúc lâm, còn huy hoàng và
trang nghiêm hơn bội phần. Phòng ở, phòng ngủ kể đến mấy trăm; ngoài
ra lại còn có lễ đường, giảng đường, tụ hội đường, nhà dưỡng bệnh,
nhà tắm, nhà đọc sách .v... Nhà cao sân rộng không thua gì trong vương
cung của vua Ba Tư Nặc.
Trong thời
gian đang xây cất, có ngoại đạo thấy thế ganh ghét, tìm đến gặp Xá Lợi
Phất, nói giọng trịch thượng và đòi tranh biện. Trí tuệ và tài hùng
biện của Xá Lợi Phất đã khiến cả trăm luận sư ngoại đạo chịu
thua. Chính ngài Xá Lợi Phất đã đưa số ngoại đạo ấy về với Phật,
trước khi Phật chưa đích thân đến giáo hóa. Vì vậy, khi kiến thiết
xong tịnh xá này, ngày Phật và chúng Tăng tiến vào Xá Vệ, nhân dân trong
thành tấp nập đón rước linh đình.
Từ đấy, Phật
giáo bành trướng ở trung tâm văn hóa thứ hai của Ấn Độ: Kiều Tát La.
4.-VUA BA TƯ NẶC QUY Y
Việc làm kỳ
đặc của Tu Đạt và sự hưởng ứng nồng nhiệt của nhân dân Xá Vệ đồn
đến tai vua Ba Tư Nặc (Prasenajit). Một hôm, vua dẫn bá quan đến yết kiến
Phật tại Kỳ Viên.
Vua hỏi:
"Tôi được nghe nhiều kẻ tu hành xưa nay, thường phải trải qua nhiều
năm khổ hạnh trong rừng núi thâm u, mãi cho đến khi tóc bạc răng rụng mà
có rất nhiều người vẫn chưa chứng đạo quả. Ông nay tuổi mới trên dưới
bốn mươi mà đã chứng quả rồi sao?".
Đáp:
"Tâu Đại vương! rất nhiều người xua nay có thói quen miệt thị tuổi
trẻ. Đại vương nên biết rằng trên thế gian này có bốn điều không thể
khinh thị được. Một là vương tử hài nhi; hai là rồng con mới đẻ; ba
là tàn lửa cỏn con (tinh linh chi hỏa); bốn là tu sĩ thiếu niên. Vì sao vậy?
Vương tử tuy nay là hài nhi, nhưng mai sau khôn lớn sẽ là đại vương thống
trị cả một quốc gia. Rồng con mới đẻ tuy nay không ra gì, nhưng về sau
quyết sẽ thành rồng lớn. Tàn lửa cỏn con tuy nhỏ, nhưng gặp gió có thể
thiêu rụi cả lâu đài thành quách và rừng lớn cây cao. Tu sĩ mới xuất
gia nay tuy còn non dại, nếu tinh tấn tu hành, mai sau chắc chắn sẽ đạt
đến quả vị vô thượng chánh giác. Đại vương tàng ẩn trong vương tử
hài nhi. Rồng lớn tàng ẩn trong rồng con mới đẻ. Lửa lớn tàng ẩn
trong tàn lửa cỏn con. Chánh giác tàng ẩn trong chú tiểu non dại.
Vua Ba Tư Nặc
vốn là người cống cao ngã mạn, nhưng sau khi nghe xong, tâm thần liền
rúng động. Nhân đó Phật giảng đạo lý giải thoát cho nghe, vua bèn phát
tâm quy y và trở thành một trong những đệ tử hộ pháp đắc lực và
trung thành của Phật.
PHẬT TRỞ VỀ CA TỲ LA
Thành Xá Vệ
không cách thành Ca Tỳ La bao xa. Nhìn trên bản đồ thì Ca Tỳ La ở về đông
bắc Xá Vệ, cách Xá Vệ khoảng hơn một kinh tuyến, nghĩa là phỏng chừng
trăm cây số. Vì hai thành gần nhau nên tin tức qua lại không khó lắm.
Một hôm, vua
Ba Tư Nặc cho sứ giả đến yết kiến Tịnh Phạn Vương, hết lòng ca ngợi
công đức của Phật. Sau ngót mười mấy năm xa cách, Tịnh Phạn Vương
cũng đang nóng lòng muốn gặp lại con, bèn sai đại thần là Ưu Đà Di
sang Xá Vệ đáp lễ vua Ba Tư Nặc, và nhân tiện dò thăm ý kiến Phật có
muốn trở về thăm quê không. Phật cho biết sẽ về một ngày nào đó
xét ra thuận tiện. Tịnh Phạn Vương chuẩn bị đón tiếp. Nhưng không ngờ
khi Phật về, Phật chẳng chịu báo tin trước. Thình lình một buổi sáng
nọ, khắp thành Ca Tỳ La xuất hiện vô số cà sa vàng rực, bước từng
bước chậm rãi, chia thành từng đoàn vào khất thực từng nhà bất kể
quý tiện.
Tịnh Phạn Vương
nghe tin, lấy làm kinh hoàng. Điều mà lâu nay ông chờ đợi là được thấy
con vinh quy võng trước lọng sau, dè đâu lại đi mang bình bát xin ăn khắp
xóm, ngay cả ở những nhà ty tiện Thủ đà la.
Nhà vua cấp tốc
xa giá đến yêu cầu Phật mau mau lên xe nhập cung, Phật từ chối:
- Tâu Phụ vương,
bần đạo nay không còn là thái tử Tất Đạt Đa nữa. Xin phụ vương chiếu
theo nề nếp tổ truyền của bần đạo mà xưng hô cho phải lẽ.
- Tổ tiên
nhà ngươi à! Tổ tiên nhà ngươi làm vua ở trong cung cấm. Tổ tiên nhà ngươi
đâu có đi lang thang khất thực ở đầu đường cuối ngõ như vậy.
- Tâu Phụ vương,
khi nói đến tổ tiên là bần đạo muốn nói đến chư Phật, tổ tiên của
người xuất gia; nay vì bần đạo đã chứng Phật quả và đang thừa kế
pháp thống chư Phật.
Tịnh Phạn Vương
ngao ngán, không hiểu sau mười lăm năm xa cách, giờ đây con mình đang
nghĩ gì.
Phật tiếp:
"Phụ vương đã cho bần đạo một cái thể xác. Điều đó bần đạo
không chối cải. Bần đạo cũng không chối cải rằng buổi thơ ấu và
ngay cả đến ngày nay, bần đạo được phụ vương thương yêu tột mức.
Ân đức cao dày ấy, bần đạo những mong có ngày đền đáp xứng đáng.
Theo bần đạo nghĩ, đền đáp như thường tình thế gian dù trọng hậu đến
đâu, cũng chỉ là lấy vô thường nọ đáp ứng vô thường kia. Vàng bạc
châu báu có tụ thì có tán. Quyền cao chức trọng một ngày nào đó rồi
cũng tiêu ma. Bần đạo chỉ muốn dùng của báu cam lồ thù thắng hy hữu
để báo đáp công ơn sanh thành dưỡng dục của phụ vương, khiến phụ
vương trở thành bất tử.
Tâu phụ vương!
trên thế gian này, mọi người đều vì tranh sống mà tự giết mình. Họ
tự giết bằng cách gây nên nguyên nhân luân hồi trong ba cõi sáu đường,
với kết quả tất nhiên là phải đem đến những khổ đau. Gốc khổ đau
bắt rễ từ Ái và Dục. Trừ khử gốc Ái dục vị kỷ đó đi, thì thanh
tịnh hóa được ba nghiệp thân, khẩu, ý, tích tụ được mười nghiệp lành,
khiến niệm niệm thuần thiện tiếp nối nhau ngày đêm không xen hở. Nhờ
đó, lục trần mới không nhiểu động tâm tư, vô minh mới không mê hoặc
lý trí, và tự do giải thoát thật sự mới thực hiện được. Đó là lợi
ích lớn lao nhất.
Tâu phụ vương!
cảnh giới tự do giải thoát là cảnh giới vô ngã. Cảnh giới vô ngã ấy
chắc chắn không còn niệm ái dục của ba cõi. Ba cõi giống như nhà lửa.
Lại cũng giống như biển sâu không đáy. Đâu có gì là vui sướng? Ra khỏi
ba cỏi, một cảnh giới khác hiện ra, bấy giờ tâm chúng sanh quang minh chiếu
diệu như ánh sáng mặt trời mặt trăng soi khắp vũ trụ không giây phút
nào ngừng nghĩ. Đó là niềm hoan lạc chân chánh và thường tại. Đó là
Niết bàn vĩnh cửu mà người con hiếu này muốn đền đáp công ơn phụ
vương".
Nghe Phật nói
và nhất là nhìn gương mặt vừa điềm đạm từ hòa vừa lộng lẫy sáng
ngời của Phật, Tịnh Phạn Vương cảm thấy con mình hẳn đã thật sự
chứng một cái gì đó cao siêu xa vời lắm, khác với Tất Đạt Đa xưa
kia, nên tự nhiên lửa lòng cũng dìu dịu lắng xuống mà trở nên thoải
mái nhẹ nhàng, mặc dù lòng chưa hẳn tin.
Sau cuộc gặp
gỡ kỳ đặc này, Phật cùng Tịnh Phạn Vương dắt tay nhau tiến về
vương cung. Theo sau là chúng tăng đội ngũ chỉnh tề, tiếp theo nữa là
bá quan văn võ.
Tại vương
cung, sau phút tái ngộ mừng mừng tủi tủi giữa cha con, chồng vợ, anh em,
quyến thuộc, Phật tiến lên pháp tòa nói cho cả nhà biết lý do ngài xuất
gia và đem giáo pháp truyền giảng cho cả vương tộc và bá quan cùng nghe.
Ma Ha Ba Xà Ba
Đề, Da Du Đà La, La Hầu La và ngay cả Tịnh Phạn Vương, sau khi lãnh hội
đều hoan hỷ tán thán. Trong lúc cả gia đình đang hoan lạc đến tột bực
đó, Tịnh Phạn Vương đứng dậy bạch Phật: "Nay phụ vương đã rõ
mục đích của Phật. Mục đích ấy là cứu khổ ban vui. Vậy vì mục đích
cao cả ấy và nhớ lại nỗi đau khổ của chính bản thân suốt mười
lăm năm qua, thỉnh cầu Phật từ rày về sau đừng chấp thuận cho bất cứ
một ai xin xuất gia mà không được cha me cho phép trước".
Phật cười và
chấp nhận lời thỉnh cầu ấy.
1.- CÁC VƯƠNG
TỬ VÀ ƯU BÀ LY XUẤT GIA
Sau khi được
Phật giáo hóa, các vương đệ, con của Bạch Phạn Vương là Đề Bà Đạt
Đa (Devadatta) và An Nan (Annanda); con của Cam Lộ Vương Phi là A Na Luật
(Anirudha); con của Học Phạn Vương là Bà Sa (?) đều xin xuất gia. (Chú ý:
Mahà NàMa tức Ma ha Nam, anh của A Na Luật, và Mahà Bhadrika tức Ma Ha Bạt
Đề anh của Bà Sa đều đã xuất gia từ trước, trong nhóm Kiều trần Như).
Hăng hái nhất trong số vương đệ là A Na Luật. A Na Luật cho gọi ngay người
thợ cạo tên là Ưu Ba Ly (Upàli) vốn là nô lệ hầu hà Bạt Đề ngày trước,
đến cạo đầu cho mình. Ưu Ba Ly thấy cảnh xuất gia vui vẽ của các vương
tử thì khóc nức nở, tủi hổ cho thân phận mình, vì giai cấp mà ngay cả
việc muốn thoát tục xuất gia cũng không được phép.
Nhân gặp Xá
Lợi Phất, Ưu Ba Ly đem tâm sự trình bày, được Xá Lợi Phất chuyển
trình lên Phật và Phật chấp thuận ngay. Đây là người nô lệ Thủ Đà
La đầu tiên xuất gia. Vì Ưu Ba Ly lớn tuổi hơn Bạt Đề, và để thể
hiện giáo pháp bình đẳng của mình. Phật muốn Bạt Đề phải đảnh lễ
Ưu Ba Ly. Cách đối xử này khiến Ưu Ba Ly vô cùng xúc động và dõng mãnh
tinh tấn tu hành, về sau được dự vào hàng Thập Thánh chúng, Trì giới
đệ nhất. Trong đại hội kiết tập lần đầu dưới quyền chủ tọa của
Ma Ha Ca Diếp, chính Ưu Ba Ly là vị chủ trì kiếp tập Luật tạng từ đó
mà có bộ Bát Thập Tụng Luật căn bản đầu tiên.
Trong số các
vương tử cùng xuất gia một lần với Ưu Ba Ly, về sau có hai người cũng
được dự vào hàng Thập Thánh chúng là A Na Luật, Thiên nhãn đệ nhất và
A Nan, Đa văn đệ nhất.
Ở trong vương
cung chỉ mấy hôm, sau đó Phật dẫn đệ tử ra ngoài thành, trú đóng tại
rừng Ni Câu Đà (Niagirdha), Phật thấy Tịnh Phạn Vương càng ngày càng
già yếu mà các lân quốc bốn phía đều là những nước lớn có ý dòm
ngó Ca Tỳ La, trong khi ấy La Hầu La (Rahula) còn non dại, và vương đệ Nan
Đà (Nanda) lại chỉ say mê tửu sắc, suốt ngày mãi mê quấn quýt bên cô
vợ đa tình là Tôn Đà Lỵ (Sundari). Bất nhất nếu phụ vương trăm tuổi,
vận mệnh dân chúng Ca Tỳ La thật như trứng để đầu đẳng. Nghĩ đến
tương lai đen tối ấy, Phật bèn phương tiện bày kế dỗ La Hầu La và
Nan Đà tạm thời xuất gia ít lâu để rèn luyện đức tánh trước khi kế
vị cha ông.
Trước tiên,
Phật cho gọi La Hầu La đến rừng Ni Câu Đà, bảo Xá Lợi Phất làm lễ
thế phát cho La Hầu La thọ giới sa di. Đây là vị sa di đầu tiên, vì
hoàn cảnh nên Phật phương tiện chế ra giới pháp cho nhập chúng. Nhưng
nhờ túc duyên, về sau La Hầu La quyết chí tu hành và được dự vào hàng
Thập Thánh chúng, Mật hạnh đệ nhất.
Sau khi La Hầu
La xuất gia, một hôm Phật mang bình bát đến khất thực trước cổng nhà
của Nan Đà, dụ Nan Đà vào rừng Ni Câu La, đem những lạc thú cỏi trời
nói cho Nan Đà nghe, khiến Nan Đà say mê, đành hy sinh người đẹp trần
gian là Tôn Đà Lỵ để mong về sau được hưởng lạc thú thiên giới với
vô số tiên nữ đẹp hơn ở cõi trời. Sơ phát tâm của Nan Đà vốn chỉ
nhằm mỗi mục đích ấy. Nhưng nhờ Phật khéo giáo hóa, về sau Nan Đà nhất
quyết tu luôn và cũng chứng quả A la hán. Vì vậy mà vương vị Ca Tỳ La
kế tiếp Tịnh Phạn Vương đáng lý phải về tay, hoăïc của Nan Đà hoặc
của La Hầu La, thì về sau thuộc về Ma Ha Nam tức là Ma Nam Câu Ly, một
trong năm đệ tử đầu tiên của Phật và đồng thời cũng là con trưởng
của Cam Lộ Phạn vương.
2.- TỲ KHEO NI
ĐẦU TIÊN
Tịnh Phạn Vương
thọ 93 tuổi thì băng hà. Nhận thấy Nan Đà không đủ sức kế vị mà La
Hầu La thì còn nhỏ tuổi, nên sau khi tang ma xong, Phật đề nghị với hội
đồng vương tộc đưa Ma Ha Na Ma tức Ma Ha Nam, con trưởng của Cam Lộ Phạn
Vương, anh ruột của A Na Luật lên nhiếp chánh. Sắp đăït xong đâu vào
đấy, Phật và chúng đệ tử rút ra ngoài thành Ca Tỳ La, trú đóng tại rừng
Ni Câu Đà.
Một hôm Ma Ha
Ba Xà Ba Đề dẫn 500 phụ nữ trong dòng Thích Ca đến rừng bái yết Phật
và dâng cúng Phật hai tấm y mới do chính tay bà dệt. Phật tán thán công
đức bố thí của bà và bảo bà nên đem dâng cúng chư Tăng thì công đức
ấy sẽ lớn lao hơn. Bà tỏ ý không hài lòng. Để làm vui lòng Bà, Phật
nhận lấy một tấm nhưng với tư cách là một thành phần của tăng chúng
mà thọ cúng. Tấm còn lại Phật bảo bà cúng đường một vị tăng khác.
Nhân việc
dâng y này, Ma Ha Ba Xà Ba Đề thỉnh cầu Phật cho phép bà và 500 phụ nữ
được xuất gia và thọ cụ túc giới như phái nam. Ba lần thỉnh cầu, ba
lần bị cự tuyệt.
Sau đó, Phật
và chúng đệ tử rời Ni Câu Đà đi du hóa khắp vùng lưu vực sông Hằng,
khi thì ở giảng đường Lộc Mẫu, khi thì ở giảng đường Trùng Các,
khi thì ở giảng đường Cù Sư v.v... nhưng trung tâm hoạt động chính vẫn
luôn luôn là tịnh xá Kỳ Viên nước Ma Kiệt Đà (Kosala) hoặc tịnh xá
Trúc Lâm và tịnh xá Linh Thứu nước Ma Kiệt Đà (Magadha).
Tương truyền
rằng Ma Ha Ba Xà Ba Đề và 500 phụ nữ nói trên, sau ba lần bị cự tuyệt,
một hôm nảy ra sáng kiến ngộ nghỉnh là tạo việc đã rồi để tỏ thiện
chí và quyết tâm sắt đá của mình: tự xuống tóc, khoác cà sa, bà và
500 phụ nữ ấy kéo nhau đến tịnh xá Na Ma Đề Kiện Ni là chỗ bấy giờ
Phật đương giáo hóa. Đến trước cổng tịnh xá, cả đoàn mệt lã người,
nhất quyết ngồi lỳ tại đấy. Tình cờ gặp ông A Nan đi ra, Ma Ha Ba Xà
Ba Đề năn nỉ với A Nan xin trình lại sự tình cho Phật biết.
Trước nhiệt
tâm hăng hái và ý chí tự nguyện cao độ ấy, Phật mới chịu đáp ứng
cho họ xuất gia. Phật còn buộc họ phải chấp nhận một số điều kiện
tiên quyết, căn cứ theo đó, Phật phương tiện chế thêm một số giới
luật riêng. Trong số các giới này, đứng đầu là Bát kỉnh pháp:
a.- Tỳ kheo ni phải y chỉ chúng
Tỳ kheo mà cầu thọ giới cụ túc.
b.- Tỳ kheo ni cứ mỗi nữa
tháng phải đến trú sở của chúng Tỳ kheo mà làm lễ. Thỉnh thầy giáo
thọ.
c.- Tỳ kheo ni mỗi năm một lần
kiết hạ an cư. Nếu trong vùng không có chúng Tỳ kheo nào thì tuyệt đối
không được phép tự lập kiết hạ riêng.
d.- Tỳ kheo ni không được cử
tội hay nói lỗi lầm của Tỳ kheo. Ngược lại, Tỳ kheo có quyền nói lỗi
lầm của Tỳ kheo ni.
e.- Tỳ kheo ni nếu lỡ phạm tội
tăng tàng, phải tự mình xin sám hối trước hai bộ chúng Tỳ kheo và Tỳ
kheo ni trong kỳ bố tát hàng tháng gần nhất.
f.- Tỳ kheo ni dù đã thọ giới
cụ túc lâu 100 trăm năm, nhưng đối với một Tỳ kheo mới thọ giới vẫn
phải cung kính đảnh lễ chắp tay vái chào.
g.- Tỳ kheo ni sau mùa an cư phải
đến trước Tỳ kheo xin chỉ những việc bất xứng ý của mình, bất luận
việc ấy đã được hoặc mắt thấy tai nghe hay ngờ vực.
h.- Tỳ kheo ni có điều gì cần
hỏi Tỳ kheo mà nếu vì một cớ nào đó Tỳ kheo không đáp, không được
hỏi gặn thêm (Luật Tứ phần: Ni không được phỉ báng Tăng).
Tám kĩnh pháp
trên đây được Phật phương tiện chế ra, vì ngài e ngại sự hiện diện
của nữ giới trong giáo hội có thể làm cho chánh pháp biến thể hoặc
điên đão.
Ma Ha Ba Xà Ba
Đề và 500 phụ nữ sau khi nghe Phật giao ước, thảy đều hoan hỷ chấp
thuận. Đây là những Tỳ kheo ni đầu tiên của Phật, mà đứng đầu là
Ma Ha Ba Xà Ba Đề. Một số trong nhóm này về sau cũng chứng quả rực rỡ
không thua gì nam giới.
Sau đó không
bao lâu, Da du Đà La theo gương di mẫu cũng đi xuất gia và cũng được Phật
chấp thuận.
3.- NHÂN DUYÊN
CHẾ GIỚI LUẬT
Trong một thời
gian nọ, Phật đến giáo hóa tại nước Tỳ Xá Ly (Vaisàli) trên sông Di Hầu
(một chi nhánh sông Hằng), ở mạn bắc thị trấn Patna. Bấy giờ, đức
Phật trú tại giảng đường Trùng Các. Một hôm có một thanh niên tên là
Tu Đề Na, người thôn Ca Lan Đà, đã có vợ nhưng chưa có con, nhân đến
nghe Phật thuyết pháp mấy lần tại Trùng Các, được Phật nhiếp hóa, liền
xin theo Phật xuất gia. Phật đòi phải có sự ưng thuận của cha mẹ,
nhưng cha mẹ Tu Đề Na không khứng chịu vì lẽ y là con một, nếu cho đi
tu, sợ không có kẻ nối dõi tông đường. Tu Đề Na tuyệt thực sáu ngày
liền. Cực chẳng đã, cha mẹ y phải chấp thuận.
Sau khi Tu Đề
Na xuất gia không lâu, toàn vùng Tỳ Xá Ly gặp năm mất mùa, nhân dân lâm
vào tình trạng đói kém trầm trọng, Tu Đề Na đề nghị đưa một số Tỳ
kheo về sinh hoạt tại thôn nhà, vì Ca Lan Đà là vùng trù phú. Nhân dịp
này, Tu Đề Na gặp lại vợ cũ. Sau những ngày khắc khổ sống với chúng
tăng, giờ đây trở về gian nhà xưa, niềm ân ái trước kia vốn chưa tắt
hết lại được dịp sống dậy trong lòng. Trước lời cám dỗ đường mật
đầy khêu gợi của vợ, Tu Đề Na giao động tâm thần, bèn bị sa ngã.
Sự việc đã
lỡ, có người đem tâu trình Phật biết. Nhân đó, Phật cho triệu tập tất
cả chúng tăng và chế định giới luật, Ngài giảng cho chúng tăng nghe về
ý nghĩa của giới luật và sự lợi ích của sự trì giới: Phàm xuất gia
làm sa môn, không thể không giữ giới luật. Giữ giới có mười điều lợi
ích như sau:
1.- Được hòa
hợp Tăng đoàn.
2.-Chúng Tăng
được hoan hỷ.
3.- Điều phục
được người ác.
4.- Biết tàm
quý và nhớ đó được an vui.
5.- Không có
điều phiền muộn trong đời hiện tại.
6.- Không có
điều phiền muộn trong đời vị lai.
7.- Khiến kẻ
vô đạo khởi được tín tâm.
8.- Khiến kẻ
đã có tín tâm được tăng tiến.
9.- Khiến
chánh pháp trụ thế lâu dài.
10.- Khiến
tâm trở nên thanh tịnh mà không thối thất.
Năm giới căn
bản do Phật chế định trong dịp này là: không giết hại sanh mạng (bất
sát); không lấy của mà không có sự ưng thuận của người (bất dữ thử);
không giao dâm (bất dâm); không nói dối (bất vọng ngữ); không uống rượu
(bất ẩm tửu). Năm giới này cũng gọi là năm đại giới. Và đây là lần
đầu tiên từ khi thành lập tăng đoàn, Phật chế định giới luật răn cấm
đệ tử.
Mặc dù đã
có giới luật quy định, một số ít trong tăng chúng thỉnh thoảng vẫn vấp
phải. Tùy theo tánh chất nặng nhẹ của từng tội, tùy trường hợp giảm
khinh của từng hoàn cảnh, về sau Phật triển khai thành bốn giới Ba la
di, mười ba giới tăng tàn, hai giới bất định, ba mươi giới Ni tát kỳ
ba dật đề, chín mươi giới Ba dật đề, bốn giới Ba la di đề xá ni, bảy
giới diệt tránh, một trăm giới chúng học, cộng thành hai trăm năm mươi
giới của Tỳ kheo. Nếu là Tỳ kheo ni lại còn phải giữ thêm một trăm
giới nữa, cộng thành ba trăm năm mươi giới của Tỳ kheo ni.
Trong các giới
trên, nhẹ nhất là một trăm chúng học. Đây chẳng qua là những giới quy
định về các tế hạnh lặt vặt hàng ngày trong lúc đứng, đi, nằm, ngồi
v.v... Nặng nhất duy chỉ có một tội Ba la di mà đứng đầu là tội gian
dâm, thứ đến là tội trộm cắp, tiếp theo là tội giết người, cuối cùng
là tội nói lời hư dối. Phạm phải một trong bốn tội này thì không có
trường hợp giảm khinh, nhất thiết phải bị tẩn xuất khỏi đoàn thể
tăng chúng, nên gọi là Ba la di. Ba la di, Tàu dịch là Khí nghĩa là vứt bỏ.
Giới là chế
tài sanh hoạt của tăng đoàn, là mạng sống của Phật giáo, nhờ đó mà
giáo hội được thanh tịnh và thiện tâm của chư tăng mỗi ngày một trưởng
dưỡng. Vì vậy Phật dạy hễ giới còn là Phật còn, và tăng chúng phải
lấy giới làm thầy chỉ đạo, lấy giới làm đuốc soi đường. Lại
cũng vì vậy mà Phật còn quy định cho tăng chúng cứ mỗi tháng một lần,
phải tập hợp để thuyết giới và tụng giới, gọi là lễ bố tát.
Trên đường
tu hành, Phật triệt để khuyên răn đệ tử không nên tranh biện nhằm mục
đích thủ thắng. Vì tranh biện chỉ là một hình thức lý luận và càng
lý luận thì lại càng xa rời thực chất hồn nhiên. Chỉ có nhẫn nhục mới
là biện pháp thủ thắng chân chánh.
Giá trị siêu
việt sống động của biện pháp thủ thắng độc nhất vô nhị này được
Phật gói ghém trong lời di chúc của Trường Thọ Vương dặn con là Trường
Sinh đồng tử, trước khi bị Phạn Dự Vương hành hình:
"Nhẫn! Nhẫn!
Đó mới là đạo hiếu chân chánh mà người con hiếu phải theo. Không nên
kết oán, khiến nhân chuyền quả nối không bao giờ dứt. Điều tối khẩn
mà con phải ghi lòng tạc dạ là thực hành đại nguyện từ bi. Ngậm chứa
hung ác (Hàm hung), cưu mang nọc độc (Hoài độc), kết buộc hận thù (Kết
hận), mua chuốc oán cừu (Nhạ oán) là vun trồng họa hoạn thêm bền chặt
gốc rễ, muôn đời không nhổ lên được. Kẻ làm việc ấy không phải
là người con hiếu của cha. Con nên phải biết rằng từ bi của chư Phật
bao hàm cả trời đất, trong đó oán và thân đều bình đẳng. Trên hành
trình tầm đạo dấn thân và xả thân cứu chúng, cha còn áy náy lo sợ
không đạt được đạo hiếu. Nay giả sử con vì cha mà báo thù kết oán,
việc làm của con rõ ràng trái nghịch với hạnh nguyện của cha. Bất luận
bằng hình thức nào, cha cũng không thể chấp nhận cho con được lưu tồn
ý nghĩ cừu oán trong lòng. Con hãy ghi nhớ lời di ngôn này. Được như thế,
con mới xứng đáng là người con hiếu của cha".
Sở dĩ Nhẫn
được Phật không tiếc lời cổ xúy là vì chỉ có nhẫn mới dập tắt
được phiền não tranh chấp. Chỉ có nhẫn mới tạo được nếp sống an
tịnh hòa vui, khiến chúng sanh siêu phàm nhập thánh mà hòa đồng với bản
thể chân thật của vũ trụ.
4.- TỲ XÁ KHƯ
PHÁT ĐẠI TÂM BỐ THÍ
Trưởng giả
Tu Đạt (Sudatta, cg. Anàthapindika) biệt hiệu là Cấp Cô Độc, vốn là một
hộ pháp vô cùng đắc lực của Phật như đã nói trong một đoạn trên,
thế mà ông lại có bà vợ vô cùng keo kiết tên là Tỳ Xá Khư (Visàkhà),
thường gọi là Lộc Mẫu. Hàng ngày thấy chồng lo cung phụng Phật và
chúng đệ tử, bà cho rằng Phật mê hoặc chồng bà để bòn rút của cải,
bèn lập tâm cương quyết không nhìn mặt Phật và chúng tăng. Mạt Lợi
phu nhân (vợ vua Ba Tư Nặc) biết được việc này, cho mời Tu Đạt vào
cung bàn mưu tính kế hóa giải. Tương truyền rằng việc hóa giải này
được giao phó cho La Hầu La, vì giữa Phật và Tỳ Xá Khư vốn không có
thiện duyên từ các kiếp trước.
Sau khi hoá giải
xong, Phật muốn thử lòng, một hôm mang bình bát đến khất thực trước
cổng nhà Tỳ Xá Khư. Tỳ Xá Khu đem cơm ra đơm đầy bình bát cho Phật.
Phật nói:
- Gieo một gặt
mười, gieo mười gặt trăm, gieo trăm gặt ngàn. Nhờ công đức bố thí
bát cơm này, nhà ngươi sẽ gặp được vô lượng phước báo.
Tỳ Xá Khư hỏi:
Kẻ ngu phụ này không hiểu vì sao chỉ bố thí một bát cơm mà lại được
phước báo nhiều như thế?
- Nhà ngươi có
thấy cây đại thọ Ni câu đà kia không? Thân cao ngất nghễu, cành lá xum
xuê, che phủ cả bốn năm dặm đường, mỗi năm hạt nó rụng xuống đất,
lấy hộc mà đong hàng vạn lần vẫn không hết, thế mà ban sơ chỉ do một
hạt nẩy mầm ra mà thôi!
Ví dụ đơn
giản này đã khiến được Tỳ Xà Khư lãnh hội trọn vẹn công đức bố
thí. Từ đó Tỳ Xá Khư và tất cả nhân dân trong thành Xá Vệ nô nức
đua nhau phát tâm hoan hỷ bố thí cúng dường Phật và chư tăng.
Từ bản chất
vô cùng keo lẫn, Tỳ Xá Khư trở thành vô cùng hào phóng, tìm đến Kỳ Viên
năn nỉ Phật xin được làm tám việc bố thí. Để kiểm chứng lại thành
tâm của bà, ban đầu Phật từ chối. Qua mấy hôm sau, Phật vặn hỏi lý
do của mỗi sự việc bố thí do bà yêu cầu và xét thấy quả thật bà đã
giác ngộ, Phật mới chuẩn nhận.
Tám việc bà
yêu cầu được làm là:
a.- Được bố thí tơi đi mưa
cho tăng chúng, vì mỗi khi đi khất thực lỡ gặp phải trời mưa, về đến
tịnh xá nếu không có y khô thay liền, đành phải thoát y để hong, thân
mình trần truồng khó coi.
b.- Được bố thí các Tỳ kheo
mới gia nhập tăng đoàn, vì thí chủ chưa quen mặt các vị này nên việc
khất thực rất gian khổ.
c.- Được bố thí vật thực
và tiền bạc cho các Tỳ kheo đi du hóa phương xa, phòng lỡ độ đường
không có gì chi dụng.
d.- Được bố thí thuốc men cho
Tỳ kheo lâm bệnh, vì lâm bệnh mà không chạy chữa kịp thời, dễ biến
thành nguy kịch.
e.- Được bố thí vật thực
thích đáng cho Tỳ kheo lâm bệnh, vì nhờ đó mà bệnh có thể mau thuyên
giảm.
f.- Được bố thí vật thực
cho Tỳ kheo săn sóc bệnh nhân, vì săn sóc bệnh nhân thì không có thì giờ
để đi khất thực.
g.- Được dâng lúa mạch
cho Tỳ kheo.
h.- Được bố thí áo tắm
cho Tỳ kheo ni, để khi ra sông tắm, thân thể khỏi trần truồng, khác biệt
với các hạng dâm nữ thường thấy tắm ở sông Hằng.
Mỗi việc bố
thí nêu ra đều có viện dẫn lý do xác đáng, Phật biết rằng Tỳ Xá Khư
quả thật đã phát tâm một cách chơn thành, bèn hoan hỷ chấp thuận:
"Nầy Tỳ
Xá Khư! Đến nay thì ngươi đã hiểu rõ công đức bố thí rồi đấy.
Ngươi không xả ly của cải thì khi chết, của cải cũng xả ly ngươi. Sao
bằng xả ly của cải để làm công đức, khiến cho của cải lại càng dồi
dào bền chắc hơn!"
Nhờ công đức
bố thí, về sau cả hai vợ chồng Tu Đạt đều nổi tiếng là Bố thí đệ
nhất, chồng đứng đầu trong hàng Ưu bà tắc, vợ đứng đầu trong hàng
Ưu bà di, và cặp vợ chồng này vẫn an hưởng phú quý trọn đời.
GIÁO PHÁP PHẬT TRONG SỨ
MẠNG
KHẢI MINH SỰ SỐNG NHƯ THẬT
Suốt đời Phật từ
sau khi thành đạo, trọng tâm giáo hóa của Ngài luôn luôn đặt ở một
điểm xuất phát duy nhất: SỰ SỐNG. Có thể nói rằng cái thường được
mệnh danh là thành đạo, trong bản chất chính là sự sống hiện thực, hồn
nhiên và tròn đầy. Từ sự sống ấy tỏa chiếu dàn trải ra, đúc thành
cả một kho giáo lý sống động hàm súc và phong phú, trong đó không một
lời nói nào mà không phải là một lời nói như thật. Sự sống như thật
có khải minh được, thì mới đặt được con người nói riêng, chúng sanh
nói chung trở về trong quỷ đạo đích thực của nó, không để cho bất cứ
một thành kiến nào - dù là thành kiến được ngụy trang dưới danh xưng
chân lý - làm bế tắc mạch nguồn, mà khai thông cho dòng sống tràn tuôn
triền miên bất tận. Sư sống như thật ấy, Phật đã khải thị và minh
xác trong nhiều trường hợp khác nhau:
1.- TRƯỜNG HỢP
MANG ĐỒNG TỬ
Mang Đồng Tử
(Malunkyaputra) đệ tử Phật, một hôm đang tĩnh tọa tư duy dưới gốc cây
trong vườn Cấp Cô Độc thì bổng vụt nảy ra ý nghĩ: "Có một vấn
đề tối quan trọng mà lâu nay Phật không hề đề cập đến và chính ta
cũng quên không gạn hỏi. Đó là vấn đề thế giới này là thường hay vô
thường, là hữu biên hay vô biên. Lại nữa, trong thế giới ấy, đức
Như Lai sau khi diệt độ, là còn có hay không còn có, hoặc là cũng có cũng
không? Thế nào ta cũng phải gạn hỏi xem Ngài có biết không? Có giải quyết
được thắc mắc này, ta mới có thể yên tâm theo Ngài tu học. Bằng
không, ta sẽ cổi áo hoàn tục không tu làm gì nhọc công vô ích!" Suy
nghĩ như thế rồi tự cho là đắc sách, Mang Đồng Tử liền đến xin Phật
khai thị.
Phật nghiêm sắc
mặt, vặn hỏi lại Mang Đồng Tử:
- Trước khi
theo ta tu học, có bao giờ ông đặt những điều đó làm điều kiện tiên
quyết buộc ta có giải quyết được thì ông mới tu không? Và có bao giờ
ta hứa với ông rằng ta sẽ dạy các ông những điều ấy không?
Sau khi quở
trách Mang Đồng Tử, Phật cho gọi đại chúng lại, dạy rằng:
- Này chư Tỳ
kheo! Giả sử có kẻ ngu si nghĩ rằng nếu Phật không nói rõ cho biết thế
giới này là thường hay vô thường, là hữu biên hay vô biên v.v... thì kẻ
ấy không chịu gia công tu hành cho là vô ích; quan niệm như thế, các ông
nghĩ sao? Phải chăng là kẻ ngu ấy đã chết trước khi chưa kịp biết gì
hết không? Cuộc giải thoát của mỗi con người ra khỏi kiếp đọa đày
này, liên quan gì đến thế giới hữu biên hay vô biên hoặc Như lai còn
hay không còn sau khi báo thân Như lai diệt độ. Điều kiện kẻ ngu si ấy
đặt ra giống hệt như điều kiện của một kẻ ngu khác đương bị trúng
tên độc mà nhất quyết đòi phải tìm cho ra ai là người bắn tên độc
ấy, tung tích lý lịch ra sao, bắn tứ phương hướng nào lại v.v... chứ
chưa chịu để cho thầy thuốc rút ngay mũi tên ra và cấp tốc băng bó điều
trị vết thương cho kịp thời.
Này chư Tỳ
kheo! Dù thế giới này là hữu biên hay vô biên, là thường hay vô thường
v.v... thì chúng sanh cũng không vì thế khỏi bị ràng buộc bởi muôn ngàn
ưu bi của kiếp sống đọa đày trong sanh khổ, già khổ, bệnh khổ, chết
khổ. Nhằm mục đích tối thượng giải cứu kiếp sống đày ải ấy, ta
mới nói rõ bốn sự thật căn bản là Khổ đế, Tập đế, Diêït đế,
Đạo đế. Bốn sự thật căn bản ấy là đầu mối của phạm hạnh, cảnh
tĩnh chúng sanh và mở cho chúng sanh lối thoát đưa đến trí tuệ chân thật,
giác ngộ chân thật, giải thoát chân thật, mà khơi nguồn cho mạch sống
lành mạnh tràn tuôn.
2.- TRƯỜNG HỢP
LY XA BỘ TỘC
Bộ tộc Ly Xa
(Licchavi) là một bộ tộc thuộc dòng Sát đế Lỵ, lãnh chúa vùng đất phì
nhiêu Tỳ Xá Ly (Valsali) ở phiá bắc thành Ba Liên Phất (Pataliputra) bên kia
tả ngạn sông Hằng.
Một hôm, Phật
đến giáo hóa vùng này, đích thân chứng kiến một cảnh tượng chém giết
rùng rợn giữa hai phe tranh chấp một dòng nước. Hai phe có ruộng nằm hai
bên dòng nước ấy, phe nào cũng muốn chận riêng dòng nươc lại, cho chảy
vào cánh đồng có ruộng của phe mình. Không phe nào chịu nhường nhịn
phe nào. Cả hai, tay dao tay gậy hò reo xáp chiến, đánh nhau u đầu lỗ trán.
Một số chiến nạn đã chết nằm phơi thây sóng sượt bên dòng nước,
chẳng ai đoái hoài đến, vì tất cả còn mãi mê hăng say đánh nhau. Giữa
lúc ấy thì Phật đi đến, gạn hỏi nguyên do vụ tranh chấp lưu huyết. Cả
hai phe cùng trả lời với nội dung giống nhau. Phe nào cũng nói vì sự sống
riêng của phe mình mà quyết dành cho được dòng nước chung. Phật giải
thích cho tất cả nghe tánh chất trái thường nghịch lý của cuộc tranh chấp
ấy rồi giảng hòa cho hai phe:
- Không ai tạo
được sự sống cả, Ngài dạy. Thế mà ai cũng nhân danh sự sống để trở
lại tiêu diệt sự sống của nhau. Trong khi dòng nước chứa giúp các ông
điều kiện củng cố sự sống, thì chính các ông đã tự giết chết sự
sống của mình rồi. Mấy mạng người nằm sóng sượt kia là bằng chứng.
Hãy để cho dòng sống tự nhiên vương lên. Đừng ai dành riêng cho mình hết
thì mạch sống tự nó mới hoạt hiện một cách hồn nhiên.
3.-TRƯỜNG HỢP
CỦA TẦN BÀ SA LA
Một hôm vua Tần
Bà Sa La (Bimbisara) nghe lời xúi dục của giáo sĩ Bà la môn, sắp cho giết
cừu tại giáo đường, cạnh cung vua để tế thần chuộc tội. Hay tin ấy,
Phật vội vàng đến tìm gặp nhà vua để khuyên can.
Trước sân
giáo đường, một con cừu đực bị dùng làm vật hy sinh tế lễ, đã bị
buộc chặt vào cọc, đương kêu la bi thiết. Chung quanh cừu cái và cừu
con khiếp đảm, cũng cất tiếng kêu theo. Cạnh đó, một giáo sĩ Bà la
môn thản nhiên ngồi cặm cụi mài dao. Phật tiến đến hỏi giáo sĩ thì
được ông này giảng giải cho nghe lý do thiêng liêng giết cừu và nghi thức
tế lễ. Ngài đi tìm nhà vua, viện mọi lý lẽ chánh đáng can ngăn không
nên tin nhãm:
- Phàm tội lỗi,
ai làm nấy chịu, không thể bắt súc vật chịu thay cho mình. Muốn tránh tội
lỗi, phương sách duy nhất là đừng gây ra nghiệp dữ. Đã lỡ gây ra, chỉ
còn một cách là chí thành sám hối. Có như thế mới gạn lọc tâm mình
trong sạch và không để cho tái phạm. Phi cách ấy ra, không còn cách chuộc
tội nào khác linh nghiệm hơn.
Quay sang giáo
sĩ Bà la môn, Ngài bảo họ rằng:
- Ai cũng tham
sống. Thế mà ai cũng thích giết hại. Ai cũng có thể giết hại một
cách dễ dàng. Mà có ai tạo được sự sống đâu? Dẫu muôn loài có khác
nhau, sự sống chỉ là một. Mình gây nên nhân thì cũng lại chính mình thọ
quả. Không thể lấy máu thú vật để rửa tội cho mình.
Theo Phật dạy,
sự sống có giá trị tối thượng và tuyệt đối thiêng liêng... Đó là lời
minh thị thiết tha nhất của Phật. Thiêng liêng, vì không có sự sống
thì không có gì hết. Và một khi sự sống đã bị đánh mất, cũng chẳng
ai cứu chữa nổi để hồi sinh trở lại. Câu chuyện Phật bảo người đàn
bà có đứa con mới chết, đang gào thét điên loạn, hãy đi xin cho ra một
nắm tro bếp của gia đình nào chưa có người chết đem về Phật làm
phép cứu sống cho, là một ngụ ý sâu xa rằng không ai không chết, và một
khi đã chết rồi thì gào khóc cũng vô ích, không cách gì làm sống trở lại
được. Vì vậy, khi sự sống đang phơi phới vươn lên, tuyệt đối không
được phép xâm phạm đến. Và để khỏi đánh mất nó, trong ngụ ngôn
khác về việc con chim bị Đề Bà giết hụt bay đến tìm sự che chở
trong lòng thái tử Tất Đạt Đa rồi bị Đề Bà đến tranh dành lại, Phật
đã hạ một lời phán quyết rõ ràng:
- Nếu sự sống
có giá trị thật, thì người đã cứu sống một con vật, đáng giữ gìn
hơn là người định tâm giết nó. Chỉ có người cứu sống nó mới có
quyền chăm sóc nuôi dưỡng.
Trên thế gian
này, ngoài sự sống và những gì nhằm mục đích phục vụ sự sống, chẳng
có gì đáng gọi là thiêng liêng cao cả. Nên Phật đã khẳng định một cách
dứt khoát:
"AI
CŨNG THAM SỐNG, AI CỦNG SỢ CHẾT
CHỚ GIẾT, CHỚ BẢO GIẾT"
GIÁO
PHÁP PHẬT TRONG SỨ MẠNG
XÂY
DỰNG ĐỜI SỐNG THUẦN LƯƠNG
Hiệu năng của giáo
pháp Phật không chỉ riêng nhằm một mục đích tối cao duy nhất là khai
thông dòng sống mà mưu cầu giải thoát chúng sanh ra khỏi ràng buộc của
sanh tử luân hồi. Trọng tâm thứ hai của giáo pháp Phật là nhằm thuần
lương hóa đời sống xã hội trên bình diện luân lý. Phong tục tập quán
của xã hội Ấn độ trong thời Phật, chính nhờ giáo pháp Ngài mà cải
đổi rất nhiều. Nhân tâm cũng nhờ đó mà trở nên thanh khiết hơn. Có
ba trường hợp điển hình rất đáng ghi nhớ:
1.- TRƯỜNG HỢP
ƯU ĐÀ DI
Ta còn nhớ
Ưu Đà Di (Udàyin) là vị đại thần sủng ái của Tịnh Phạn Vương. Ông
là một tay đắm say hoa nguyệt, nổi tiếng ăn chơi. Thời Phật còn là
thái tử, chính ông đã hiến kế cho Tịnh Phạn Vương bày trò hoa nguyệt
tại rừng Ni Câu Đà ở ngoài thành Ca Tỳ La để mê hoặc thái tử. Cũng
chính ông phụng mạng Tịnh Phạn Vương sang Xá Vệ dò la tin tức để rước
Phật về thăm quê. Sau khi Tịnh Phạn Vương băng hà, ông xin theo Phật xuất
gia làm đệ tử, đổi danh hiệu là Ca Lưu Đà Di (Kàlodayin). Quen thói đàng
điếm ăn chơi, ông nhiều phen phạm tội ghẹo nguyệt trêu hoa. Lợi dụng
tình bằng hữu với vua Ba Tư Nặc, ông ra vào vương cung tự do, lén nhìn
trộm Mạt Lợi phu nhân thay quần áo buổi sáng, rồi ra khoe với chúng tăng.
Ông dang díu với một cô gái Bà la môn nhưng sau vì sợ công việc bại lộ
bèn kiếm cách lánh mặt, bị phụ thân cô gái này tập hợp dân chúng
trong thôn lại vây đánh ở bờ sông v.v...
Tiếng đồn tới
tai Phật, ông bị Phật quở trách rất nặng. Tuy nhiên Phật vẫn rất thương
mến ông và tận tình giáo hóa ông, không cho ông rời Phật nữa bước. Nhờ
đó về sau, ông cải đổi tánh tình hoàn toàn. Hành chánh và ngoại giao vốn
là nghề riêng của ông trước kia, nay xuất gia, ông giúp Phật rất đắc
lực trong việc tổ chức nền móng tăng đoàn và thuyết phục quần chúng
bình dân theo Phật. Ở đâu có rắc rối, ông cũng thân hành đi giải quyết
và sau khi được ông giải quyết là mọi việc êm xuôi. Gia đình nào có
việc lộn xộn, ông cũng đến phân xử và sau khi được ông phân xử là
gia đình trở lại hòa thuận. Ông rất lanh lợi mẫn tiệp, nhưng đáng tiếc
vì nghiệp nhân đàng điếm quá khứ của ông quá sâu dầy, nên về sau
ông chết dưới tay một gian phu chỉ vì thiện chí của ông muốn cứu dâm
phụ ra khỏi tội ác.
2.- TRƯỜNG HỢP
NGỌC DA
Ngọc Da là
con trưởng giả Thủ La, người thành Vương Xá được trưởng giả Tu Đạt
cưới làm vợ cho người con thứ bảy của ông. Gia đình Thủ La là gia đình
Phật hóa. Gia đình Tu Đạt, sau khi Tỳ Xá Khư (vợ Tu Đạt) được Mạt Lợi
phu nhân khéo léo sắp đặt để bà quy ngưỡng Phật, cũng là gia đình Phật
hóa. Cả nhà hai vợ chồng, bảy trai và sáu dâu đều thâm tín Phật, duy
chỉ Ngọc Da là cô dâu thứ bảy cương quyết chống báng.
Thể theo lời
yêu cầu của Tu Đạt, Phật dẫn chúng tăng đến tận nhà mở hội thuyết
pháp để giáo hóa Ngọc Da. Nàng biết ý lánh mặt trốn vào xó tường.
Nhưng âm vang giọng nói từ hòa của Phật, hào quang rực rỡ của Phật đã
soi thấu tâm cang của Ngọc Da khiến nàng lần hồi tỉnh ngộ, cuối cùng
buộc lòng phải xuất đầu lộ diện.
Để đối trị
tánh cao ngạo của Ngọc Da, Phật dạy:
- Làm thân phụ
nữ dù đẹp đến đâu (Ngọc Da nổi tiếng đẹp) cũng không có lý do gì
để cao ngạo, vì phụ nữ có ba điều khuyết hãm và mười món nghiệp chướng.
Ba điều khuyết
hãm là : khi chưa lấy chồng thì bị cha mẹ gò bó, không được tự do
như nam giới; lớn lên đi lấy chồng thì phải tùy thuận chồng, riêng
mình không có tự do; về già tóc bạc răng long thì thường bị dâu con tiếng
nặng tiếng nhẹ, cũng chẳng có gì là tự do.
Mười món
nghiệp chướng tập trung xung quanh quan niệm trọng nam khinh nữ của xã hội
nông nghiệp, xung quanh sứ mạng sanh đẻ thiên nhiên của phụ nữ, và nhất
là xung quanh bản chất đa cảm nông nỗi và yếu đuối của thân tâm phụ
nữ. Vì vậy đối với chồng, người đàn bà đẹp là người đàn bà biết
làm tròn bổn phận của người mẹ, của bề tôi, của em gái, của nô tỳ
và của người vợ. Người phụ nữ phải thương yêu chồng như cha mẹ
thương yêu con; phải ăn ở trọn nghĩa với chồng như bề tôi thờ chúa;
phải dịu dàng kính trọng chồng như em gái kính trọng anh ruột; phải tận
tâm phục vụ chồng như kẻ hầu hạ phục vụ chủ nhà và tân khách; phải
xem gia đình chồng là gia đình mình, vì phải trọn đời cùng nhau ăn ở,
chung vui chung buồn. Có như thế mới mưu cầu được hạnh phúc gia đình.
Ngọc Da vở lẽ,
từ đó hết cao ngạo, xin Phật cho thọ giới Ưu bà di, khiến toàn gia đình
trưởng giả Tu Đạt được sống trong cảnh gia đình hạnh phúc hòa vui.
3.- TRƯỜNG HỢP
THIỆN SANH
Thiện Sanh là
con trưởng giả giàu có ở trong thành Vương Xá (còn gọi là La duyệt kỳ).
Theo di ngôn của cha mẹ, mỗi sáng Thiện Sanh ra vườn, quay mặt về sáu hướng
mà làm lễ Lục phương. Công việc hàng ngày ấy, Thiện Sanh làm như cái
máy, tuyệt nhiên không hiểu ý nghĩa ra sao.
Phật nhân
lúc mang bình bát đi khất thực, chợt trông thấy bèn gọi Thiện Sanh dạy
vẽ mọi điều. Ngài khai thị cho Thiện Sanh biết về lẽ đắc thất, trường
đoản của bốn loại kiết nghiệp (sát, đạo, dâm, vọng) và sáu loại tổn
tài ( rượu chè, ăn chơi, phóng đảng, múa hát, bạn xấu, biếng nhác)
v.v... Phật bảo Thiện Sanh nên tiếp tục làm lễ Lục phương như lời cha
mẹ y trăn trối, nhưng lồng vào việc hành lễ ấy một ý nghĩa luân lý
có tác dụng giáo dục rõ ràng. Như lạy phương đông là cốt để tỏ lòng
hiếu kỉnh cha mẹ; lạy phương tây là cốt để tỏ lòng tri ân thầy bạn;
lạy phương nam là cốt để tỏ lòng kính yêu và nhường nhịn giữa vợ
chồng; lạy phương bắc là cốt để tỏ lòng mến phục lân mẫn đối với
thân bằng; lạy phương hạ là cốt để tỏ lòng thương xót nô bộc; lạy
phương thượng là cốt để tỏ lòng ngưỡng mộ sa môn. Mỗi lần lạy
là một lần niệm ân để nhắc nhủ mình cư xử thế nào cho hợp lẽ.
Từ phép lạy
Lục phương của Bà la môn có lẽ với dụng ý cầu tài cầu lợi, Phật
đã phương tiện chuyển đổi ý nghĩa thành một phép tu mà không cải đổi
mảy may hình thức, khiến tục lệ khỏi bị xáo trộn. Thật là phương tiện
thiện xảo. Từ đó Thiện Sanh quy y theo Phật và trở nên người gương mẫu
trong xã hội.
NGHỊCH CẢNH ĐẦU TIÊN
CỦA PHẬT
Sự đời vốn
vô thường. Có thịnh thì có suy, có đầy thì có vơi. Từ ngày Phật
thành đạo và khởi chuyển pháp luân lần đầu tiên tại vườn Lộc Uyển,
giáo pháp Ngài lan truyền với một tốc độ phi thường khắp miền Trung
Ấn, từ Ma Kiệt Đà đến Kiều Tát La, nghĩa là khắp vùng trù phú của lưu
vực sông Hằng. Đây cũng chính là chốn chôn nhau cắt rún của nền văn
minh Ấn Độ có từ ngàn xưa, trước khi Phật ra đời. Đệ tử Phật, cả
xuất gia lẫn tại gia, gồm đủ bốn giai cấp Bà la môn, Sát đế lỵ, Phệ
Đà và Thủ Đà la. Tín đồ kể có hàng ức ngàn người, trên từ vua
chúa quyền quý cao sang nhất đời như Tần Bà Sa La và Ba Tư Nặc, dưới
phổ cập đến bần dân ty tiện như chàng hốt phân Ni Đề hay cô gái điếm
Liên Hoa Sắc (sẽ nói trong mục Thánh Chúng).
Với một sức
sống mãnh liệt như nước nguồn trào tuôn, giáo pháp Phật cuốn phăng tất
cả rác rưới của xã hội Ấn Độ hậu Phệ Đà mà nghiễm nhiên chiếm
địa vị ưu thế, chi phối gần trọn hết mọi hoạt động tư tưởng của
Ấn Độ thời bấy giờ. Ngoại trừ Kỳ Na giáo của giáo chủ Mahavira, tất
cả ngoại giáo Ấn Độ đều bị đánh bại. Bi đát nhất là Bà la môn
giáo, một tôn giáo đã từng chiếm địa vị độc tôn tuyệt đối ở Ấn
độ trải qua hàng chục thế kỷ trước đó.
Tình hình bắt
đầu nguy kịch và nghẹt thở đối với họ là khi có vị đạo sĩ Ba la môn
đầu tiên xé rào qua theo Phật giáo. Đạo sĩ ấy tên là Bà Tư Tra. Mưu
gian hãm hại Phật manh nha nẩy sinh bắt đầu từ đấy.
Các lãnh tụ
Bà la môn trong thành Xá Vệ dùng tiền bạc, vải vóc mua chuộc một thiếu
nữ tên là Chiến Già (Cinca), sắp đăït mưu kế cho cô ta hàng ngày theo
gót chúng tín nữ đến nghe Phật thuyết pháp tại tịnh xá Kỳ Viên. Một
hôm, sau khi nghe giảng đến chiều tối, Chiến Già cùng với chúng tín nữ
trở về thành Xá Vệ, nhưng vừa về đến nhà lại thay đổi xiêm y cực
kỳ rực rỡ rồi lén quay trở lại hướng Kỳ Viên, vào tá túc tại một
tu viện ngoại đạo gần đấy. Sáng hôm sau chúng tín nữ trong thành Xá Vệ
đến Kỳ Viên nghe Phật thuyết pháp thì gặp Chiến Dà từ Kỳ Viên đi
ra. Hỏi đi đâu sớm thế, thì cô ả bảo hôm qua ngủ trong hương điện của
Phật, giờ đây cần đi ra ngoài có việc.
Từ đó về
sau, bụng cô ả cứ mỗi ngày mỗi thấy nhô to lên. Cách đó bảy tám
tháng, một hôm Chiến Già đang cùng chúng tín nữ ngồi nghe Phật giảng dạy,
bỗng vụt đứng dậy tiến tới trước mặt Phật mà nói rằng:
- "Phật
có biện tài vô ngại, nói pháp rất hay, nhưng không làm được tích sự
gì. Trách vụ người chồng là phải lo toan kiến lập một cái nhà riêng
cho vợ ở cử, thế mà hẹn hoài vẫn chưa thấy gì cả. Nay vợ bụng mang
dạ chửa như thế này mà nhà đẻ vẫn chưa có, thật là người bạc tình".
Thính chúng
nghe nói rất đổi xôn xao kinh hoàng. Phật vẫn ngồi an nhiên bình thản
nhìn Chiến Già mà nói rằng:
- "Này cô
em! những lời cô em thổ lộ ra đó, thật hay giả, chỉ có cô em và ta biết
mà thôi".
Chiến Già cũng
bình thản trả lời:
- "Thật vậy,
chỉ có đôi ta mới rõ thấu sự tình mà thôi".
Mọi người xô
nhau đứng dậy. Giữa cuộc náo loạn, một cục gỗ lép từ bụng cô ả rơi
xuống đất. Tất cả chú mục nhìn vào cô ả, thấy bụng cô ả lép xẹp.
Mưu gian bị bại lộ, cô ả xấu hổ chạy trốn và Phật tiếp tục thuyết
pháp như không có gì xảy ra.
Một lần
khác, Bà la môn lại cho một cô gái tên là Tôn Đà Lỵ, cũng hằng ngày đến
nghe Phật thuyết pháp, rồi thuê một số dũng phu vô lại ám sát cô ta.
Chúng lợi dụng đêm tối, vác xác cô mai táng bên hông Kỳ Viên. Tôn Đà
Lỵ là con một đạo sĩ Bà la môn cao cấp, bị cha hy sinh dùng làm lợi
khí đấu tranh. Hôm sau, cha cô trình nhà chức trách về sự mất tích bí mật
ấy. Sau khi điều tra và phát giác tử thi, Bà la môn bèn tuyên truyền rằng
tăng đoàn của Phật có kẻ dan díu bậy bạ với cô gái, nhưng rồi sợ
việc làm bất chinh bị đổ bể, nên mới nhẫn tâm hạ sát để ém nhẹm.
Việc này đồn tới tai vua Ba Tư Nặc. Nhà vua biết ngay là mưu gian, ráo riết
cho điều tra, phanh phui ra sự thật, bắt được kẻ chủ mưu (chính cha cô
ấy) và hung thủ, đem ra pháp trường ngoài thành trừng trị.
Lại một lần
khác, Phật đến giáo hóa tại thành Câu Lỵ, thủ phủ của vua Thiện
Giác. Gặp Phật đang mang bình bát đi khất thực, Thiện Giác nổi dóa,
dùng lời thô bạo mạ lỵ Phật không tiếc lời:
- Ông còn dám
vác mặt đến thành này khất thực nữa à? Ta sẽ hạ lệnh cho nhân dân
trong thành không cung cấp cho ông một hột cơm. Ông không nghĩ đến quốc
gia, không đoái hoài cha mẹ, không thương xót vợ con. Ông hãy mau mau ra khỏi
địa phương của ta.
Trước những
lời thóa mạ của vua Thiện Giác, Phật vẫn an nhiên tự tại và từ hòa
đáp lại:
- Yêu cầu
ngài không nên nhục mạ tôi một cách sai lầm như thế. Tôi xuất gia học
đạo không phải vì không nghĩ đến quốc gia, không đoái hoài cha mẹ,
không thương xót vợ con. Tôi lấy cả vũ trụ làm quốc gia, lấy tất cả
chúng sanh làm cha mẹ, anh em, vợ con. Ngày nay tôi đã thành tựu chí nguyện
ấy. Tôi đã thành Phật, nghĩa là đã hòa đồng với vũ trụ thành một
thể, đem từ bi bao trùm khắp tất cả, không phân biệt kẻ thân người
sơ. Ngài là chủ thành Câu Ly; tôi là Phật của nhân gian. Ngài yêu thương
dân chúng trong thành ngài thế nào thì tôi cũng yêu thương tất cả chúng
sanh của tôi như thế ấy. Ngài có dụng tâm của ngài; tôi có dụng tâm của
tôi. Dụng tâm của ngài là ở nơi tình thương yêu riêng tư. Tôi cảm
thông và cũng rất tán đồng dụng tâm ấy. Nhưng đối trước chân lý
thì dụng tâm ấy đành phải xả bỏ. Ngài hãy nghĩ kỹ thì hẳn sẽ rõ
vì sao. Thành này không phải vĩnh viễn của ngài. Lương thực trong thành
không phải sở hữu riêng của một người. Chỉ có một điều duy nhất mà
ngài phải nhận là sở hữu riêng của ngài. Đó là hạnh nghiệp thiệc
ác do chính ngài gây ra. Nhân dân, lương thực, có ngày ngài phải ly khai. Hạnh
nghiệp thiện ác do ngài gây ra, sẽ luôn luôn theo sát gót chân ngài.
Vua Thiện
Giác nói qua, Phật đáp lại, chẳng ai nghe ai. Sau đó bảy hôm, Thiện Giác
Vương mắc phải bạo bệnh rồi chết.
1.- ĐỀ BÀ ĐẠT
ĐA PHẢN NGHỊCH
Đệ tử xuất
gia của Phật có nhiều hạng. Có hạng thánh giả như Xá Lợi Phất, Mục
Kiền Liên, Đại Ca Diếp cầm đầu chúng Tỳ kheo hoặc Ma Ha Ba Xa Ba Đề cầm
đầu chúng Tỳ kheo ni, đủ sức nhiếp phục hai chúng tại gia, bất cứ
là quốc vương, đại thần, học giả và thường dân. Đối với hàng
thánh giả ấy không ai là không mến phục. Nhưng trong số đệ tử xuất
gia cũng có hạng người kém cỏi, bất tiếu. Bất tiếu nhất trong hạng
sau là Đề Bà Đạt Đa, là con trưởng của Bạch Phạn Vương, anh ruột của
A Nan, em con chú của Phật, cùng xuất gia trong số bảy vương tử (Đề Bà,
An Nan, A Na Luật, Bà Sa, Bạt Đề, Nan Đà, La Hầu La) trong ngày Phật về
thăm thành Ca Tỳ La lần đầu tiên. Đề Bà có dã tâm mưu đoạt tăng đoàn
của Phật và thay Phật lãnh đạo tăng đoàn ấy. Y thường quá ngôn lộng
ngữ, bài xích Phật. Tuy nhiên, Phật vẫn một lòng từ ái khuyên bảo, nhưng
tánh nào tật ấy vẫn không bỏ.
Một hôm, Đề
Bà yêu cầu Phật dạy cho y luyện phép thần thông, Phật bảo y nên luyện
nhân cách cho hoàn bị đã, rồi sẽ dạy cho luyện thần thông sau. Y không
bằng lòng, bèn đến cầu học với Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên. Hai
ngài này cũng không chịu dạy mà chỉ khuyên y nên quán sát khổ, vô thường,
vô ngã. Từ đó, y khởi tâm âm mưu phá hoại giáo đoàn và hãm hại Phật.
Một hôm, Phật
đang tọa thiền trong động Khâm bà la dạ xoa trên núi Kỳ Xà, ngoài thành
Vương Xá, Đề Bà dùng tiền lung lạc một sốn thanh niên lực lưỡng, thuê
họ đến ám sát Phật. Các thanh niên này vào động, thấy Phật bỗng nhiên
lòng sanh sợ hãi, nhắm mắt phủ phục trước mặt Phật rồi lấy dao dâng
nạp và xin quy y.
Mấy hôm sau,
Phật từ núi Kỳ Xà trở về thành Vương Xá, Đề Bà sai đệ tử của mình
tay dao tay gậy đón đánh Phật. Nhưng khi Phật đến gần, chúng không dám
động thủ, Phật gạn hỏi bọn họ lý do vì sao tập họp đông đảo, bọn
họ đáp rằng được nghe Đềø Bà cho người ám sát Phật, nên đến đây
để bảo vệ Phật. Phật cười bảo họ nên giải tán, vì dao gậy không
bảo vệ được sanh mạng của Phật mà chỉ có giới luật thanh tịnh mới
bảo vệ nổi mà thôi.
Một lần
khác, Phật và A Nan cùng đi dưới chân núi Kỳ Xà. Đề Bà rình từ trên
núi cao trông thấy bèn xô một tảng đá xuống, quyết hại cho được Phật.
A Nan kinh hoàng chạy tránh nhưng Phật cứ điềm nhiên tiếp tục tản bộ
như không có việc gì xảy ra. Tảng đá lớn rơi ngay bên cạnh Phật mà
không hề hấn gì.
Lại một
hôm, Phật và A Nan đang đi bộ, bỗng thấy Đề Bà dẫn đầu đệ tử của
y xăm xăm tiến tới nói là để nghênh tiếp Phật. Phật bỏ tránh đi qua
lối khác. A Nan ngạc nhiên hỏi, được Phật trả lời rằng, không phải
ngài sợ Đề Bà, nhưng nên tránh y như tránh chó dữ cắn càn.
Bao nhiêu âm mưu
hãm hại Phật của Đề Bà thảy đều thất bại. Y bèn nghĩ rằng, phải
dựa vào thế lực chánh trị mới phá nổi Phật mà cướp lấy tăng đoàn.
Vì vua Tần Bà Sa La là đệ tử rất trung thành của Phật, ngày nào nhà
vua còn trị vì thì y chưa thi thố được mưu độc, y vụt nghĩ ra một kế
đại gian ác, là kết giao thân mật với A XàThế (con vua Tần Bà Sa La) rồi
xúi dục và sắp đặt cho A Xà Thế giết cha để cướp ngôi. A Xà Thế đối
với Đề Bà tỏ ra rất mực cung kính, xây cất cho Đề Bà một tăng viện
nguy nga trong vùng phụ cận thành Vương Xá. Hằng ngày, A Xà Thế cho xe chở
mọi thứ vật thực đến cúng dường Đề Bà. Nhờ thế lực đó, Đề Bà
mộ được một đội chúng lớn lao gồm năm trăm đệ tử, rồi khiến họ
tôn mình lên ngôi giáo chủ. A Xà Thế và Đề Bà trù tính với nhau rằng
sau khi kế hoạch thành tựu, A Xà Thế thừa kế vua cha canh tân lại nền
chánh trị nước Ma Kiệt Đà, còn Đề Bà thì thừa kế Phật, đứng lên
canh tân nền đạo giáo và thống lãnh giáo đoàn của Phật.
Sau khi A Xà Thế
lừa bắt được vua cha đem tống ngục giam đói, Đề Bà xúi A Xà Thế thả
voi điên ra hại Phật trong khi Phật đang mang bình bát đi khất thực trong
thành Vương Xá. Chúng tăng nhìn thấy voi điên từ xa xồng xộc chạy đến,
thảy đều kinh hoàng, tán loạn chạy tránh. Riêng Phật vẫn điềm nhiên bất
động. Khi voi điên vừa thấy Phật, nó liền dừng lại, quỳ gối xuống
đất, Phật thọ pháp tam qui cho nó, vỗ về nó rồi tiếp tục hành trình.
Sau khi A Xà Thế
chính thức lên ngôi và biết chắc rằng Tần Bà Sa La đã chết đói trong
ngục tối, Đề Bà dương dương tự đắc, trân tráo dẫn chúng đệ tử của
y đến yết kiến Phật, yêu cầu Phật triệu tập tăng đoàn lại cho y
tuyên cáo. Y nói Phật nay tuổi già sức yếu, cần phải bảo trọng thân
thể, vì vậy Phật nên thối ẩn, trách nhiệm lãnh đạo tăng đoàn từ đây
sẽ do y phụ trách. Phật từ hòa đáp lại:
- Đề Bà lo
âu cho ta, việc ấy rất phải đạo.Vậy sau khi ta thối ẩn, các cao đệ Xá
Lợi Phất, Mục Kiền Liên và Đại Ca Diếp sẽ lần lượt thừa kế ta lãnh
đạo tăng đoàn, vì chỉ có các vị này mới đủ sức. Còn nhà ngươi nên
đem tất cả không tâm ra mà tiếp tục học tập với các vị ấy.
Thất bại keo
này, Đề Bà bày keo khác. Cùng với đệ tử thân tín là Câu Ca Lỵ, y đề
xướng giáo pháp năm điều nhằm cải tạo toàn bộ sinh hoạt tăng đoàn:
a.- Tỳ kheo mặc áo may bằng giẻ
rách vá lại.
b.- Tỳ kheo mỗi ngày ăn một bửa.
c.- Tỳ kheo không ăn mặn
d.- Tỳ kheo không tới nhà thí
chủ thọ cúng.
e.- Tỳ kheo mùa hè ở ngoài trời,
mùa đông về am tranh.
Có A Xà Thế
làm hậu thuẩn với giáo pháp khổ hạnh do y đề ra, Đề Bà tin rằng phen
này chắc chắn sẽ hạ được Phật mà thủ thắng. Y không hiểu rằng
tinh túy của giáo pháp Phật nằm ở Trung đạo, xa lìa hai cực đoan khổ hạnh
và khoái lạc. Đói ăn khát uống là việc tự nhiên. Ăn gì cũng được ,
ở sao cũng được, miễn không chấp trước. Tinh thần Trung đạo thể hiện
ngay nơi sự không chấp trước ấy, chớ không phải ở nơi hình thức cứng
đờ khô chết.
Đa số đệ tử
Phật đã thấm nhuần tinh thần Trung đạo, nên năm điều của Đề Bà khởi
xướng chẳng ai thèm nghe. Đề Bà xoay lại hỏi em ruột mình là A Nan, thì
bị A Nan thóa mạ không tiếc lời. Uất ức vì bị chính em ruột cự tuyệt,
y dẫn đệ tử bỏ đi. Từ đó mất tích luôn, có thuyết cho rằng y chết
một cách thê thảm, nhưng không rõ chết như thế nào. Có thuyết cho rằng
y bị đọa xuống địa ngục Vô gián vì tội đại nghịch của y.
2.- A XÀ THẾ
SÁM HỐI
A Xà Thế
(Ajàtasatru) và Đề Bà Đạt Đa giao du thân mật với nhau đến thế, mà
khi Đề Bà chết, A Xà Thế vẫn không tỏ ra bi ai. Rồi với ngày tháng
trôi qua, mọi sự cũng lắng quên dần.
Một hôm, A
Xà Thế nằm mộng thấy cha y hiện hồn về, đôi mắt đăm chiêu từ ái
nhìn y. Không những hồn vua cha không tỏ ra mảy may oán hận mà lại còn
như van nài năn nỉ y nên cải ác tùng thiện, sớm hối ngộ theo chánh đạo
quang minh. Tỉnh dậy, A Xà Thế suy tư về giấc mộng, so sánh cảnh vừa thấy
trong giấc chiêm bao và cảnh mình tàn nhẫn giết cha, lòng vô cùng bàng
hoàng bức rứt khó chịu.
Một hôm
khác, cùng ngồi ăn với mẹ là bà Vi Đề Hy (Vaidchi), đợi mãi không thấy
con trai đầu lòng ngồi vào bàn ăn, A Xà Thế cho người đi tìm thì được
biết cậu đang chơi với chó và nhất định không chịu ăn, nếu không
được phép đem chó vào ngồi bàn cùng ăn. Chiều con, A Xà Thế chấp nhận.
Ăn xong, A Xà Thế than với mẹ rằng người ngồi ăn chung với chó trông
thật là kỳ.
- Việc ấy
có gì lạ! Vi Đề Hy nói. Nhà ngươi vì thương con mà ngồi ăn với chó,
chưa bằng cha nhà ngươi khi xưa vì thương
nhà ngươi mà hút mủ. Nhà ngươi nên biết lúc còn nhỏ, nhà ngươi đau lóng
tay sưng vù. Đau lóng tay là một bệnh nhức nhối ác liệt lắm vì cái nhọt
nằm dưới móng cứng không cương mủ được. Suốt ngày đêm, nhà ngươi
khóc lóc gào thét không chợp mắt. Cha nhà ngươi bế ngươi để lên đầu
gối, dùng miệng mút tay nguơi để chuyền hơi ấm qua, khiến cho cái ung nhọt
chóng cương mủ và lóng tay đở đau. Mút tay để ủ nóng như thế trong
nhiều ngày, mủ mới chịu cương; rồi khi mủ chín, cha ngươi lại mút mủ
ra. Nhờ đó nhà ngươi mới lành bệnh. Nên biết rằng bệnh đau lóng tay
không nặng, nhưng hành hạ thân xác con bệnh chịu không nổi. Ai có đau lóng
rồi mới biết nổi đau đớn ấy. Kể lại câu chuyện cũ để nhà ngươi
biết lòng cha ngươi xưa kia thương yêu ngươi đến mức nào! Chắc chắc
còn hơn nhà ngươi ngày nay vì thương con mà phải chấp nhận ngồi ăn
chung với chó!
Nghe xong câu
chuyện, A Xà Thế thấy lòng mình như có một tảng đá lớn ngàn cân đè
lên buồng tim lá phổi. Sau đó ít lâu, A Xà Thế mắc phải bệnh ghẻ, lở
lói đầy mình, ngứa ngáy không ngủ được. Ông nghĩ rằng đây chắc là
vì nghiệp báo giết cha mà khiến phát sanh ra. Trong số đại thần, có
nhóm Lục sư ngoại đạo như bọn ông Nguyệt Xưng tìm cách trấn tỉnh
nhà vua rằng bệnh ấy do khí huyết sở sanh, chứ không dính dáng vì đến
nghiệp báo vớ vẫn. Nhưng mọi lời an ủi đều vô hiệu. A Xà Thế đau
khổ vì bệnh ghẻ thì ít, mà đau khổ vì hối hận thì nhiều. Ông bèn
cho gọi ngự y Kỳ Bà đến. Kỳ Bà một mặt lo chữa trị thân bệnh, một
mặt khuyên nhà vua nên tìm Phật chữa trị tâm bệnh. Nhớ lại những sự
cấu kết độc ác xằng bậy với Đề Bà khi xưa, ông ngần ngại không
dám đến, sợ Phật cự tuyệt. Nhờ Kỳ Bà ra công thuyết phục ráo riết,
A Xà Thế mới vững tâm chịu nghe theo, nhưng lại ngại rằng tội nghiệp
mình quá sâu dày, e Phật cũng không cứu nổi. Kỳ Bà lại ra công khuyến
dụ, nói cho A Xà Thế biết chỉ có hạng xiển đề (hạng người không
tin nhân quả, đã đoạn thiện căn) thì quả tình Phật không cứu được.
Nhà vua nay biết hối hận đến mức ấy thì tức là không phải thuộc hạng
xiển đề.
Do lời thuyết
dụ của Kỳ Bà, A Xà Thế sau một thời gian suy tính hơn thiệt, đến xin
yết kiến Phật:
- Bạch Phật,
xin ngài soi xét tâm tôi. A Xà Thế nói.
- Tốt! Ta đợi
đại vương từ lâu rồi.
A Xà Thế thất
kinh, phủ phục dưới chân Phật, đem tất cả tội lỗi mình ra trần
tình, không sót mảy may và xin Phật từ bi cứu độ. Phật dạy:
- Trên thế
gian này chỉ có hai hạng người đạt được hạnh phúc chân thật. Một
là hạng người chuyên tu thiện nghiệp không tạo tội ác. Hai là hạng người
tuy đã tạo tội ác, nhưng chí thành sám hối. Đã chí thành sám hối thì
không còn tạo tội mới nữa. Hai bên không khác gì nhau. Tội nghiệp không
có thật thể. Nếu quả lòng chí thành thì đạt được không tâm, mà tâm
đã không thì tội cũng tiêu. Hiểu rõ tâm và tội vốn hư huyễn không thật,
đó là sám hối chân thật. Từ nay, đại vương hãy từ bỏ phi pháp và chỉ
nên lấy chánh pháp trị dân. Không nên thi hành chánh sách bạo ngược mà
chỉ nên dùng đức hóa dân. Thực hiện chánh trị nhân ái, tiếng lành đồn
xa, đức tốt nhuần thấm, nhân dân an lạc, trăm họ đề huề, đó là nguồn
khoái lạc chân chánh của bậc thánh vương. Tiến thêm một bước nữa, nếu
chịu khó tu học pháp môn trung đạo của ta, nhà vua còn có thể chứng
được giải thoát.
Từ đấy, A Xà
Thế quy y Phật, bệnh mỗi ngày thuyên giảm rồi lành hẳn. Ông trở nên vị
đệ tử hộ pháp đắc lực không kém gì vua cha là Tần Bà Sa La hoặc vua
Ba Tư Nặc. Và cũng từ đấy, ông luôn luôn nghe lời Phật khuyên răn trong
việc trị nước an dân. Ông thương yêu Phật như người con hiếu thương
yêu cha. Đêm Phật niết bàn, ông nằm mộng thấy mặt trời mặt trăng
rơi rụng ngã nghiêng. Tỉnh giấc, ông nghĩ đến Phật và khóc rú lên rất
thảm thiết. Linh tinh báo cho ông biết chắc Phật đã tịch. Hôm sau, ông tức
tốc cho người đi dò la tìm kiếm. Sau khi Phật niết bàn, tám quốc vương
đến Câu Thi Na tranh dành xá lợi; chính ông đứng ra phân xử điều giải
và phân chia xá lợi làm tám phần cho tám nước đem về xây tháp phụng thờ.
Lại cũng chính ông sắp đăït mọi việc ngoại hộ cho lần kiết tập
kinh điển dầu tiên của ngài Ca Diếp, ba tháng sau khi Phật niết bàn.
3.- BI VẬN
THÀNH CA TỲ LA
Theo giáo pháp
Phật, về nhân sanh quan thì không một chúng sanh nào trên thế gian này
thoát khỏi bốn tướng luân hồi: sanh , già, bệnh, chết; về vũ trũ quan
thì không một vật nào trên thế gian này thoát khỏi bốn tướng tương tục:
thành, trụ, hoại, không. Đó là định luật dĩ nhiên và bất di bất dịch.
Ca Tỳ La hưng
thạnh từ ngày lập quốc đến đức Phật cũng đã quá dài lâu. Bi vận của
Ca Tỳ La tất nhiên không thể tránh khỏi. Nguyên nhân khiến xảy ra tai họa
chỉ nhỏ bằng cái mảy mà nảy thành cái nia. Đó là nguyên nhân gần.
Còn nguyên nhân xa thì ngoài túc trái tiền khiên ra, tưởng khó có cách
nào khác hơn đủ để giải thích một cách công bằng và hợp lý.
Nguyên từ trước
khi vua Ba Tư Nặc chưa quy y Phật, nhà vua đã cho sứ giả qua Ca Tỳ La cầu
hôn với dòng họ Thích Ca. Các thân vương của dòng họ này tự cao tự đại
cho rằng dòng họ mình là cao quý nhất đời, không nên hạ mình kết hôn
với vua nước Kiều Tát La. Tuy nói huênh hoang như thế, nhưng họ lại sợ
uy thế của vua Ba Tư Nặc, vì Kiều Tát La bấy giờ là một cường quốc
như Ma Kiệt Đà trong vùng châu thổ sông Hằng. Do đó, dòng họ Thích Ca mới
dùng một nữ tỳ nô lệ hầu hạ trong cung là Mạt Lỵ (Malika), tráo thành
vương nữ đem gả cho Ba Tư Nặc. Mạt Lỵ tuy là gái nô lệ, nhưng tư chất
rất thông minh mà dáng mạo lại cực kỳ xinh đẹp, nên được vua Ba Tư Nặc
sủng ái, phong làm đệ nhất phu nhân.
Mạt Lỵ phu
nhân sanh con đầu lòng là Tỳ Lưu Ly (Virùdhaka), về sau mệnh danh là Ác
Sanh Vương. Năm Tỳ Lưu Ly lên tám, vua cha cho sang quê ngoại để luyện tập
bắn cung, vì Ca Tỳ La vốn nổi tiếng về môn xạ thuật.
Bấy giờ,
trong thành Ca Tỳ La mới kiến thiết xong một đại giảng đường nguy nga
dành để đón tiếp Phật mỗi khi Phật về thuyết pháp. Dòng họ Thích Ca
cho đây là chốn thiêng liêng, cấm không cho kẻ ty tiện bước vào. Không
dè Tỳ Lưu Ly nhân thả bộ rong chơi trong cung, lạc vào chốn cấm địa
ấy, bị các thân vương bắt gặp, xỉ mạ không tiếc lời, bảo rằng con
của gái nô lệ Mạt Lỵ đã làm ô uế thánh địa. Họ đuổi Tỳ Lưu Ly
ra và lập tức truyền lệnh cho gia nhân cấp tốc đến bới đất cũ trong
giảng đường lên rồi chở đất mới về thay thế.
Tỳ Lưu Ly nộ
khí xung thiêng, bèn phát lời thề độc rằng: "Khi nào lên ngôi vua, ta
thề quyết tiêu diệt sạch dòng Thích Ca mới hả giận".
Về sau, khi trở
về Xá Vệ, Tỳ Lưu Ly ngày đêm mưu tính việc rửa hận. Một hôm, nhân
vua Ba Tư Nặc cùng Mạt Lỵ phu nhân xuất thành tuần thú, Tỳ Lưu Ly cùng
nghịch thần Ca Lê Da Na tập họp quân đội lại, chặt đầu thị vệ của
vua cha, đoạt lấy vương miện và bảo kiếm. Nghe tin, Ba Tư Nặc hết sức
kinh hoàng, Mạt Lỵ khuyên nhà vua nên tạm lánh nạn lưu vong bên Ca Tỳ La,
chờ dịp khôi phục. Nhưng không bao lâu, ông chết tại bên ấy thọ tám mươi
tuổi.
Tỳ Lưu Ly
nghe tin vua cha băng hà, hạ lệnh cô lập thái tử Kỳ Đà, rồi tự tuyên
bố thừa kế vương vị. Bi vận Ca Tỳ La bắt đầu.
Một hôm nhân
đại triều, Tỳ Lưu Ly truyền hỏi bá quan:
- Nếu kẻ
nào xỉ nhục đấng quốc vương tôn quý của mình, khinh thị đấng quốc
vương ấy là con dòng hạ tiện, tội ấy các khanh nghĩ nên xử trị như
thế nào?
Muôn miệng đáp
rằng tội ấy đáng tru di
- Dòng họ
Thích Ca tự cao tự đại, Tỳ Lưu Ly nói tiếp. Họ cho rằng ta là con của
một gái nô lệ, vậy nay phải hưng binh tru diệt họ.
Ba lần xuất
quân, ba lần Tỳ Lưu Ly gặp Phật cản đường tìm cách ngăn trở. Nhưng
đến lần thứ tư, biết rằng không ngăn đón được nữa vì nghiệp nhân
quá khứ của dòng họ Thích Ca quá nặng, Phật xót xa báo trước cho A Nan
hay rằng trong bảy ngày nữa thì dòng họ Thích Ca sẽ tuyệt diệt. Tự
mình tạo nghiệp dữ, không cách gì cứu gỡ nổi.
Khi Tỳ Lưu Ly
vây hãm thành Ca Tỳ La, nhân dân trong thành bít kín cửa lại và bắn tên
ra như mưa. Trong thành có một dũng sĩ mười lăm tuổi tên là Xa Ma, y là một
tay xạ thủ cừ khôi bách phát bách trúng, khiến địch quân bên ngoài phải
chạy tán loạn. Ngay cả Tỳ Lưu Ly cũng phải chui xuống hầm núp. Nhưng vì
trong dòng họ Thích Ca có người phê bình Xa Ma, cho rằng y chỉ là một
tên dũng phu nên y tức giận đào ngũ tìm đường hầm trốn ra ngoài
thành. Tỳ Lưu Ly tiếp tục công hãm thành rất gấp và cuối cùng hạ được.
Sai khi vào thành, y hạ lệnh bắt lính giữ thành gồm năm trăm người đem
giết hết. Còn nhân dân trong thành ước chừng ba vạn người kể cả già
trẻ lớn bé, y bắt chôn chân xuống đất để cho voi dữ chạy qua chà
nát. Ma Ha Na Ma nghe tin này lấy làm kinh hoàng đau xót, bèn xin với Tỳ Lưu
Ly cho ông và nhân dân được chết toàn thây. Tỳ Lưu Ly mới đổi lệnh
giết bằng voi chà ra lệnh giết bằng trầm nịch. Thế là cả thành bị
lùa xuống sông cho chết đuối. Tỳ Lưu Ly lại hạ lệnh vớt xác Ma Ha Na
Ma lên, chặt đầu treo lên gốc cây.
Sau khi tiêu diệt
dòng họ Thích Ca và sát nhập thành Ca Tỳ La vào lãnh thổ Kiều Tát La, Tỳ
Lưu Ly cho thi hành một chánh sách vô cùng bạo ngược và giết luôn anh là
thái tử Kỳ Đà. Vì vậy, đời mới gọi ông là Ác Sanh Vương. Không bao
lâu, cung thành Xá Vệ bị một trận hỏa hoạn khủng khiếp, Tỳ Lưu Ly và
tất cả vợ con đều bị chết cháy trong trận hỏa hoạn này.
Nước Kiều Tát
La dần dần suy yếu, khiến A Xà Thế sau khi quy y Phật, cất quân sang đánh,
chiếm được Kiều Tát La, rồi sát nhập Kiều Tát La và Ca Tỳ La vào bản
đồ nước Ma Kiệt Đà.
PHẬT GIÁO HÓA TẠI HAI NƯỚC VIỆT KỲ VÀ TỲ
XÁ LY
Việt Kỳ và
Tỳ Xá Ly là hai nước ở bên sông Hằng, về phía Bắc nước Ma Kiệt Đà.
Về già, Phật
ít ở Kỳ Xà Quật, ngài thường đi du hóa, hoăïc ở bên này sông Hằng
là nước Việt Kỳ, hoặc sang bên kia sông là nước Tỳ Xá Ly. Phật và
chúng đệ tử chia nhau đi khắp thôn xóm, vượt qua khắp các thị trấn.
Trung tâm hoằng hóa hoặc là thành Ba liên Phất (Pàtaliputra), hoặc là
thành Tỳ Xá Ly (Vaisali).
Một hôm, lúc
Phật đang trú đóng tại thành Ba liên Phất, A Xà Thế cho đại thần là Vũ
Xá đến yết kiến. Lý do nêu lên bên ngoài là đến thỉnh an Phật, nhưng
lý do thầm kín bên trong là điều tra tình hình nước Việt Kỳ. A Xà Thế
sau khi chiếm được Kiều Tát La, muốn thôn tính luôn các vương quốc khác,
bắt đầu là Việt Kỳ. Phật soi biết thâm ý ấy bèn giả bộ hỏi ý kiến
A Nan về tình hình Việt Kỳ trước mặt Vũ Xá. A Nan bạch Phật rằng hiện
tại nhân dân Việt Kỳ trên từ vua quan xuống đến thứ dân, bất luận
gái trai già trẻ, đều có tinh thần cầu học, đời sống ấm no, an cư lạc
nghiệp, trên dưới một lòng đoàn kết, khí thế rất mạnh, ví phỏng nước
ngoài có kẻ dòm ngó muốn xâm lấn, tưởng cũng không làm gì được.
Ý Phật bày
ra cuộc đàm đạo nầy, cốt để gián tiếp nói với Vũ Xá về bảo lại
A Xà Thế không nên dấy động can qua vô ích.
Sau khi việc bố
giáo tại thành Việt kỳ đã thành tựu, Phật và chúng đệ tử vượt sông
Hằng, tiến lên hướng Bắc, đến triển khai giáo pháp tại thành Tỳ Xá
Ly. Trong thành này có một kỹ nữ tên là Am Ma La (Ambapala) rất đẹp mà cũng
lại rất giàu. Nghe Phật sắp đến, Am Ma La thắng kiệu hoa, trang sức lộng
lẫy, dẫn một đoàn thị nữ cũng xinh đẹp như y, đến đón Phật và
chúng tăng. Phật vốn đã nghe danh Am Ma La từ lâu, ngài rất e ngại sức
công phá của sắc đẹp, căn dặn chúng tăng trong khi tiếp xúc phải luôn
luôn cảnh giác, đem công phu nội tỉnh quán sát chân lý vô thường, khổ,
không, vô ngã, để khỏi bị sa đọa.
Am Ma La ỷ
vào sắc đẹp của mình và chúng thị nữ, khi mới gặp Phật, có vẻ dương
dương tự đắc, nhưng từ dung dịu dàng của ngài đã chinh phục nàng một
cách dễ dàng, khiến nàng sụp lạy và bỏ hết niệm thế gian. Nàng xin
quy y và trở nên đệ tử thuần thành của Phật. Tại Tỳ Xá Ly, ngoài Am
Ma La còn có một đệ tử thứ hai nữa cũng vô cùng thuần thành. Đó là
trưởng giả Sư Tử, người cầu đầu bộ tộc Ly Xa. Bộ tộc này và Am
Ma La thường tranh nhau cái vinh hạnh được rước Phật và chúng tăng về
nhà thọ cúng. Cả hai cùng lo chu cấp Phật và chúng tăng không thiếu một
món cần thiết nào.
Trước khi Phật
rời Tỳ Xá Ly, Am Ma La phát nguyện hiến cúng một hoa viên rộng rãi đẹp
đẻ. Phật cho chúng tăng lưu lại đây tiếp tục thuyết pháp độ sanh, riêng
Phật và A Nan rời Tỳ Xá Ly tiến lên hướng Bắc. Bấy giờ Phật gần tám
mươi tuổi.
ĐỆ TỬ CUỐI CÙNG VÀ
LỜI GIÁO HUẤN CUỐI CÙNG
Trên đường
tiến lên hướng Bắc, một hôm Phật và An Nan dừng chân tại nhà ông Thuần
Đà (Cunda) làm nghề thợ rèn, ở bên mép rừng gần thành Câu thi Na
(Kusinagara), cách Patna (thủ phủ tiểu bang Bihar ngày nay) một trăm tám mươi
dậm về hướng bắc. Sau khi tiếp thụ giáo pháp và được Phật cho quy y,
Thuần Đà cúng dường Phật một bát cháo nấm chiên đàn nhĩ. Kinh sách Tiểu
thừa nói rằng Thuần Đà cúng Phật và A Nan một bửa cơm với thịt heo rừng
khô. Ăn xong, đêm ấy Phật cảm thấy trong người khó chịu, vì tuổi
ngày đã già mà thức ăn lại khó tiêu.
Mặc dù bất
an, sáng hôm sau Phật dõng mãnh lên đường tiếp tục cuộc hành hóa. Đến
rừng Sa La song thọ (Sala), Phật bảo A Nan giăng võng móc giữa hai cây Sa la
cho Phật nằm nghỉ. Phật nằm gối đầu về hướng bắc, xây mặt về hướng
tây.
Bấy giờ, A
Nan thấy từ thân Phật tỏa ra ánh hào quang rực rỡ. Hỏi thì được Phật
cho biết, trong đời ngài có hai lần xảy ra hiện tượng kỳ lạ ấy, một
là lúc Phật thành đạo và một là lúc Phật sắp nhập Niết bàn. A Nan
nghe nói òa lên khóc, Phật an ủi và khuyên bảo A Nan không nên quyến luyến
hình hài, vì hữu hình hữu hoại là lẽ đương nhiên.
A Nan quỳ xuống
hỏi Phật:
- Sau khi Phật
niết bàn, chúng đệ tử lấy ai làm thầy? Nương tựa vào đâu? Làm sao
điều phục kẻ dữ? Kiết tập kinh điển như thế nào để khiến người
đời tin theo?
Phật dạy rằng:
- Hãy lấy Ba
la đề mộc xoa (giới) làm thầy.
- Hãy nương tựa
vào Tứ niệm xứ (thân bất tịnh, thọ thị khổ, tâm vô thường, pháp
vô ngã).
- Hãy dùng phương
pháp mặc tẩn (làm lơ đừng giao thiệp cãi vả) dể điều phục kẻ dữ.
- Hãy bắt đầu
bằng "Như thị ngã văn" (tôi nghe như vầy) mà kiết tập mọi kinh
điển.
Này A Nan! sau
khi Phật niết bàn, các Tỳ kheo hãy nương vào ánh sáng chánh pháp và nương
vào ánh sáng của chính mình mà đi (dĩ chánh pháp vi quang, dĩ tự kỷ vi
quang). Còn nếu Tỳ kheo nào thật tình thương nhớ Phật thì thân phải thường
hành từ bi, miệng phải thường nói từ bi, ý phải thường nghĩ từ bi.
Đó là cách tưởng niệm Phật chân chánh duy
nhất...
Bấy giờ có
một đạo sĩ Bà la môn, tuổi đã trên trăm, học vấn rất uyên bác, tên
là Tu Bạt Đà La (Subhadra) tu gần đấy, được nghe Phật sắp nhập niết
bàn, đến xin Phật quy y, Phật chấp nhận. Đây là vị đệ tử cuối cùng.
Phật bảo Tu
Bạt Đà La:
- Này Tu Bạt
Đà La! Chân lý được nhận diện do ba pháp ấn mà các ngoại đạo không
hề biết. Ba pháp ấn ấy là: tâm vô thường, pháp vô ngã, niết bàn tịch
tịnh. Vì không thấu rõ ba pháp ấn ấy, nên họ không nhận thức được
căn bản các pháp, họ không tu học đạo Bát chánh là chánh kiến, chánh tư
duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm,
chánh định. Họ không phải là kẻ chân chánh tu hành, do đó họ không bao
giờ đạt được tự tại và giải thoát.
Sau khi được
Phật giảng giải cho nghe giáo pháp giác ngộ và giải thoát. Tu Bạt Đà La
liền chứng được đạo quả A La Hán.
PHẬT NIẾT BÀN
Nói xong bài thuyết
pháp cuối cùng cho người đệ tử cuối cùng, Phật mĩm cười vui vẽ trút
bỏ xác phàm. Bây giờ ngài đúng tám mươi tuổi. Theo tài liệu khảo chứng
Tây phương, năm ấy là năm 483 trước Tây lịch. Theo Chúng Thánh điểm ký
thì năm ấy là năm 485 trước Tây lịch. Nhưng theo công nguyên của hội Phật
giáo thế giới hiện đang áp dụng chung cho mọi nước Phật giáo, thì năm
ấy là năm 544 trước Tây lịch. Chỗ ngài nhập diệt là rừng Sa La song thọ
gần thành Câu Thi Na, cách thủ đô Patna của tiểu bang Bihar là180 dậm Anh
(1609 x 180) tức phỏng 300 cây số về hướng bắc.
Sau khi Phật
thị tịch, các trai tráng trong cùng thuộc bộ tộc Mạt La (Malla) chạy đến
phụ lực với A Nan, lo tắm rửa cho Phật, tẩm liệm và làm lễ trà tỳ.
Tương truyền
rằng, các đệ tử bấy giờ đang du hóa ở phương xa, nghe tin Phật niết
bàn đều vội vã vân tập đông đủ. Ngài Đại Ca Diếp thấy áo quan Phật,
khóc lóc thảm thiết, nguyện được trông thấy bàn chân Phật một lần
chót. Đang chí thành cầu nguyện thì Phật để lòi một chân ra khỏi áo
quan cho thấy.
Sau lễ trà tỳ,
xá lợi Phật thuộc về tay bôï tộc Mạt La. Quốc vương tám nước trong
vùng lưu vực sông Hằng nghe tin, liền cử đại binh đến Câu Thi Na để
quyết tranh dành lại xá lợi. Vua A XÀ Thế nước Ma Kiệt Đà (bấy giờ mạnh
nhất) đứng ra điều giải, bèn phân chia xá lợi thành tám phần, mỗi quốc
vương lãnh một phần mang về nước xây tháp phụng thờ.
Phật nhập diệt
được ba tháng thì ngài Đại Ca Diếp (Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên đã
thị tịch trước Phật) triệu tập chúng tăng đến động Kỳ Xà Quật
trên núi Linh Thứu, mở cuộc kiết tập kinh điển lần đầu tiên. Trong đại
hội này chỉ có thánh chúng (1250 người) mới được tham dự. Ngài Đại
Ca Diếp chủ tọa, ngài A Nan tụng kinh, ngài Ưu Ba Ly tụng luật cho toàn thể
thánh chúng nghe. Lần kiết tập này chỉ mới có hai tạng là tạng Kinh (A
Hàm, Pháp Cú v.v...), còn tạng Luật thì chỉ có một quyển, ấy là quyển
Bát Thập Tụng Luật (bộ luật đọc 80 lần). Ngoại hộ đắc lực cho cuộc
kiết tập này là vua A Xà Thế.
Lời giới
thiệu | Đức Phật | Phật
giáo hoá | Thập Đại Đệ Tử | Thánh Chúng