Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .

Quan niệm về Đạo Pháp và Dân tộc

    Qua cuộc đời hoạt động của Thích Thiện Chiếu

TS. Trần Hồng Liên

       Đã hơn 30 năm qua kể từ ngày một nhà nghiên cứu-nhà sư- nhà cách mạng Nguyễn Văn Tài, bí danh Xích Liên vĩnh viễn ra đi! Nhưng những gì ông để lại, từ các tác phẩm viết về Phật giáo đến những hoạt động cho đạo pháp và cho dân tộc Việt Nam đã và sẽ còn nhiều người quan tâm tìm hiểu. Một con đường trong lòng thành phố Hồ Chí Minh đã mang tên ông. Điều gì đã làm nên nét son đó? Không chỉ là tính chiến đấu hăng say cho công cuộc chấn hưng Phật giáo Việt Nam đầu thế kỷ XX?  Không chỉ là những đóng góp thiết thực của ông cho công cuộc giải phóng dân tộc?  Mà đó phải chăng chính  à tư tưởng biết kết hợp hài hoà giữa những tinh hoa trong giáo lý nhà Phật, tinh thần nhập thế, đem đạo vào đời của các thiền sư Việt Nam với đặc trưng tộc người Việt-tinh thần  yêu nước, thương dân- để thể hiện được trọn vẹn bản sắc của đạo pháp và dân tộc Việt Nam? 

Có thể lần lượt tìm hiểu thêm về hai tính chất : tính nhập thế của Phật giáo Việt Nam ( Đạo pháp) và tinh thần yêu nước thương dân (Dân tộc) được Thiện Chiếu  thể hiện  như thế nào trong suốt  cuộc đời mình?

        1. Tinh hoa trong Phật giáo Việt Nam là  nét  nổi bật nhất mà Thiện Chiếu đã nêu lên  trong nhiều tác phẩm viết về đạo Phật của ôngđó là tinh thần nhập thế của Phật giáo Việt Nam. Do điều kiện lịch sử và xã hội của đất nước, trong suốt quá trình xây dựng và phát triển, dân tộc Việt Nam thường xuyên hứng chịu nhiều cuộc chiến tranh xâm lược.Tình hình đó đã un đúc trong mỗi người con nước Việt một tinh thần đấu tranh mạnh mẽ, một ý chí chiến đấu kiên cường, bất khuất! Vì vậy, dù là nhà sư, hay nhà hoạt động cách mạng,  những người con đất Việt này vẫn luôn thể hiện nét đặc thù mang tính chung nhất của dân tộc Việt Nam. Đó là những giá trị tinh thần truyền thống của dân tộc mà tiêu biểu nhất là lòng yêu nước, thương dân! Tinh thần đó lúc nào cũng được Thiện Chiếu sử dụng như sợi chỉ xuyên suốt mọi hoạt động của mình và vì vậy, nó vừa thể hiện tính nhập thế của một thiền sư,  lại vừa bộc lộ tính chiến đấu của một nhà cách mạng!  

       Bàng bạc trong nhiều tác phẩm đề cập đến giáo lý Phật giáo, Thiện Chiếu đều lưu tâm đến việc làm thế nào chỉ ra được nét đặc thù đó qua quan niệm, qua phân tích, đánh giá và thậm chí đôi khi bằng những từ ngữ khá nặng nề để chỉ trích một hiện tượng, một thái độ xa rời với tính chất đem đạo vào đời, một đặc tính nổi bật của Phật giáo Việt Nam. Đặc biệt là trong giai đoạn đầu thế kỷ XX, sự sa sút về nhiều mặt trong hoạt động Phật giáo Việt Nam cũng góp phần làm lu mờ tinh thần nhập thế này. Vì vậy, tham gia tích cực trong việc phô bày những hiện tượng thoái hoá, biến chất trong suy nghĩ, trong hành động của khá đông tu sĩ thời bấy giờ qua các tác phẩm của mình cũng chính là ông đã góp phần làm sống lại một đạo Phật mang tính nhập thế, một nền Phật giaó biết đem tinh thần của đạo  áp dụng vào cuộc sống!

Trong “ Phật học tông yếu” ông đã kết thúc bài viết của mình bằng đoạn văn “Than ôi! Nếu những người đã đọc bài này mà còn trông đông ngóng tây, tìm nam kiếm bắc để cho luốn qua một đời, thì chẳng những là hạng ký sanh trùng,  mà cũng là một loại trùng đáng thương xót!(1: 13)

       Do vậy, kêu gọi tinh thần chấn hưng Phật giáo, làm thay đổi hoạt động Phật giáo Việt Nam những năm 1920-30 qua các điểm cơ bản nhất như : Chỉnh đốn tăng già, kiến lập Phật học đường, diễn dịch kinh sách Hán ra Việt ngữ….thì  cuối cùng cũng chỉ là  làm thế nào để thể hiện cho được tính trong sáng, thực tiển trong giáo lý Phật giáo Việt Nam ; cũng chỉ là làm thế nào hiển lộ cho được tính năng động, tinh thần nhập thế của các thiền sư Việt Nam mà tiêu biểu cho đỉnh cao phát triển đó là giai đoạn Phật giáo thời Lý-Trần.

 

       2. Không chỉ là qua những tác phẩ , mà người ta còn thấy ông thể hiện tính dân tộc, lòng yêu nước, thương dân này ngay trong hành động của mình. Những hoạt động đó chính là sự kết hợp hài hoà tinh hoa Phật giáo Việt Nam với những giá trị tinh thần truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Nắm vững và vận dụng nó tùy lúc, tùy thời, để sao cho mỗi một lời nói, một ý nghĩ thể hiện trong tác phẩm của mình, một hành động tham gia kháng chiến của ông… đều góp phần mang lại lợi lạc cho đất nước, cho đạo pháp và cho dân tộc Việt Nam!

 

       Khi đất nước chịu sự đô hộ thống trị của ngoại bang, ông đã nhanh chóng cỡi áo cà sa khoác chiến bào. Đó cũng là một hành động thể hiện tính thực nghiệm trong giáo lý nhà Phật! Ông đã chứng minh tính chất vì mọi người, tinh thần vô ngã vị tha rõ rệt trong giáo lý nhà Phật qua hành động tham gia kháng chiến. Và khi đã và đang thực hiện điều đó, ông không quên đúc kết đặc điểm xuyên suốt của nó chính là tinh thần nhập thế trong giáo lý nhà Phật, trong hành động của các tu sĩ Phật giáo ở Việt Nam. Cặp đối ở chùa Linh Sơn vì vậy đã làm chấn động nhiều người,  đã cho thấy đó là  một sự khẳng định và một thực tế đầy tính thuyết phục: Đạo Phật là đạo nhập thế chứ không phải  yếm  thế; Từ bi là sát sinh để cứu độ chúng sinh!    

                  

       Đi sâu phân tích những tác phẩm của ông để lại cho đời, nếu chỉ chấp chặt vào từng sự kiện nhỏ ông nêu ra trong từng chương sách của mình, thì khó có thể thấy hết được ý nghĩa quan trọng, tinh thần bao quát, khát vọng cũng cố và phát huy những giá trị tinh thần truyền thống cho đạo pháp và dân tộc của Thiện Chiếu! Khi đề cập đến những thoái hoá, biến chất trong hoạt động của các tu sĩ  Phật giáo Việt Nam, không chỉ là để nêu lên, vạch trần cái xấu xa, cặn bã trong hoạt động Phật giáo Việt Nam như một số nhà nghiên cứu đã đánh giá, mà quan trọng và lớn lao hơn chính là qua đó ông muốn sữ dụng những hình tượng đối lập đó để cuối cùng thấy được rằng cái bao trùm, xuyên suốt, chất liệu cơ bản và là bản sắc của dân tộc, của đạo pháp chính là những tinh hoa trong giáo lý nhà Phật, những giá trị tinh thần truyền thống trong bản sắc của dân tộc Việt Nam. Nói về tính độc lập, sáng tạo của dân tộc, ông viết: “ Tính độc lập tích cực và sáng tạo là yếu tố quyết định sức sống mãnh liệt của dân tộc Việt Nam trong đấu tranh giữa cái mới và cái cũ,  cái tốt và cái xấu, thiện và ác, chính và tà, ngay và gian, chơn và ngụy, bình đẳng và bất công, tiến bộ và bảo thủ, dân chủ và độc tài, tự do và áp bức, bác ái và bạo tàn, chính nghĩa và phi nghĩa, nhân đạo và vô nhân đạo.v.v. tính độc lập tích cực và  sáng tạo đó loại bỏ một cách không thương tiếc tất cả những gì ngăn trở bước tiến của dân tộc ta” ( 3: 2-3)

Tuy nhiên, để có thể thấy hết được giá trị về tư tưởng, về hành động mà Thiện Chiếu đã góp phần cho đời chính là  cần thấy được việc ông biết kết hợp hài hoà các yếu tố trên.

 

3. Sự kết hợp hài hoà giữa hai yếu tố  Đạo pháp và Dân tộc  trong tư tưởng và hành động của Thiện Chiếu:  Điểm lại toàn bộ suy nghĩ, hành động, những việc mà thiền sư Thiện Chiếu đã làm, nhà cách mạng Xích Liên đã thực hiện trong suốt cuộc đời của mình thì phải thừa nhận rằng khó mà tách bạch ra từng yếu tố riêng lẻ! Cái nào ông làm là vì đất nước, cái nào ông làm là cho đạo pháp! Quả thật trong suốt cuộc đời ông, những tinh hoa trong giáo lý nhà Phật đã được ông tiếp thu, kế thừa, vận dụng nó một cách nhuần nhuyễn. Ông biết kết hợp những yếu tố này  trong từng thơì điểm lịch sử cụ thể để sao cho những tinh hoa trong giáo lý ấy hiển lộ rõ ràng nhất, đầy đủ nhất và phục vụ đắc lực nhất cho cộng đồng mình!  Ở vào giai đoạn mà trong suy nghĩ và trong hành động của khá nhiều thiền sư –do nhiều tác động của xã hội đương thời- đã xa lìa chánh pháp, theo đuổi và bám giữ một đạo Phật mang tính yếm thế, bảo thủ, thoái hoá, biến chất! Chính đó là lúc ông cảm thấy cần thiết hơn lúc nào hết  phải vạch trần cái xấu xa, cái lệch lạc trong tư duy, trong hành động của tăng sĩ, phật tử .. để đem lại sự ngời sáng cho chánh pháp như nó vốn có ở Việt Nam. Và vì vậy, hiểu tư tưởng, tinh thần, thái độ của ông chính  là phải  nắm được cái lý tưởng rốt ráo vì đạo pháp, cho đạo pháp của ông. Đó là một nền Phật giáo nhập thế năng động đã từng tồn tại trong lịch sử, đã một thời vàng son rực rỡ trong quá khứ, chứ không chỉ là sự kêu gọi chấn hưng bằng những hình ảnh chỉ trích cái xấu, cái ác, cái lệch lạc trong suy nghĩ, trong nhận thức của nhiều lớp tu sĩ đương thời!

Nhưng ông không chỉ dừng lại trên việc đưa ra giới thiệu tinh hoa của giáo lý nhà Phật.  Đó chỉ là phương tiện, còn mục đích cứu cánh cuối cùng của ông chính là làm thế nào để vận dụng những tinh hoa trong giáo lý ấy, dùng nó phục vụ thiết thực cho con người, cho dân tộc Việt Nam.  Chính vì vậy, không phải ngẫu nhiên mà trong lời di cảo của ông, ông  đã dành khá nhiều trang để bộc lộ quan niệm cuối đời của mình.: “ Trong phong trào yêu nước chống quân xâm lược(…) sư sãi và tín đồ Phật giáo cũng đã và đang cùng với toàn dân anh dũng đấu tranh (…) Phải như thế chứ ! Vì họ là những người con dân tộc của Việt Nam…” (3: 14).

 

       Tóm lại, tìm hiểu tư tưởng, hành động, những đóng góp  của Thiện Chiếu cho Phật giáo ở Việt Nam, cho dân tộc Việt Nam chính  là thấy được sự kết hợp nhuần nhuyễn của ông, sự vận dụng những tinh hoa trong giáo lý nhà Phật với những truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Để thực hiện điều đó, ông đã  đấu tranh để loại trừ cái xấu, cái bảo thủ trong giáo lý  bị đa số tu sĩ đương thời duy trì, làm trì trệ và ngăn cản bước tiến lên của đất nước, của dân tộc. Ông cũng đã sữ dụng ngòi bút của mình để ca ngợi những giá trị tinh thần truyền thống của dân tộc, đặc biệt là tinh thần yêu nước, thương dân. Ông đã biết vận dụng,  kết hợp những yếu tố nào, tinh hoa nào trong từng thơì điểm cụ thể nào, để dùng nó phục vụ tốt nhất cho đất nước và dân tộc Việt Nam! Và trên con đường đấu tranh không mệt mõi đó,  chính ông, bằng hành động tích cực và hăng say của cả cuộc đời mình, đã thể hiện những suy nghĩ và hành động đó, thể nghiệm chân lý đó qua những hoạt động tích cực cho công cuộc đấu tranh và bảo vệ, duy trì và phát huy chân lý ngời sáng ấy! Để thực hiện được lý tưởng cao cả này, trong từng giai đoạn của cuộc đời ông, tùy lúc, tùy thời, khi thì ông  mang hình dáng một nhà sư ; lúc thì trở thành một người chiến sĩ cách mạng! Rồi khi những điều xấu, điều ác, cái lỗi thời, cái bảo thủ … đã dần bị khống chế, ông  lại trở về với con người thật của chính mình, làm một nhà nghiên cứu triết học! Ông  đã dùng ngòi bút để ca ngợi và truyền bá cho cái đẹp, cho chân lý, cho bản sắc của dân tộc Việt Nam !

 

Tưởng nhớ công lao, đóng góp to lớn của ông cho đất nước và dân tộc, chính là thấy được tư tưởng dung hợp, sáng tạo của ông đã được thể hiện ngay trong chính cuộc đời ông và là phương châm hành động, không chỉ cho riêng ông mà còn là phương châm của cả giáo hội Phật giáo Việt Nam ngày nay, đó là tinh thần kết hợp giữa Đạo Pháp và Dân tộc. Lý tưởng ấy của hoà thượng Thiện Chiếu, của nhà cách mạng Xích Liên, nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Tài sẽ còn được nhiều lớp người kế tục, noi theo và thực hiện! 

 

 

Tài liệu tham khảo của Thiện Chiếu

1.      Phật học tông yếu

2.      Phật giáo vấn đáp.

3.      Lời di cảo của sư Thiện Chiếu và thế nào là đạo Phật. Chùa Pháp Hoa 2000

   

***

 

  http://www.buddhismtoday.com/viet/phatphap/quanniemvedaophap.htm

 


Vào mạng: 07-08-2008

Trở về mục "Đức Phật và Phật pháp"

Đầu trang