Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .

Ta Thương Mình Nhất

Quảng Tánh

Một thời, Thế Tôn trú tại Sàvatthi. Lúc bấy giờ vua Pasenadi nước Kosala có mặt với hoàng hậu Mallika, trên lầu thượng (hoàng cung). Rồi vua Pasenadi nước Kosala nói với hoàng hậu Mallikà:

 

-         Này Mallikà, có ai khác thân ái với hoàng hậu hơn là tự ngã của hoàng hậu?

 

-         Thưa đại vương, không có ai thân khác thân ái với thiếp hơn là tự ngã của thiếp. Nhưng thưa đại vương, có ai khác thân ái với đại vương hơn là tự ngã của đại vương?

 

-         Này Mallika, không có ai khác thân ái với ta hơn là tự ngã của ta.

 

Rồi vua Pasenadi đi đến đảnh lễ, bạch Thế Tôn:

 

-         Bạch Thế Tôn, con có nói với hoàng hậu Mallika:

 

Này Mallika, có ai khác thân ái với hoàng hậu hơn là tự ngã của hoàng hậu?

 

Khi được nói vậy, bạch Thế Tôn, hoàng hậu Mallika trả lời với con:

 

Thưa Đại vương, không có ai khác thân ái với thiếp hơn là tự ngã của thiếp. Nhưng thưa Đại vương, có ai khác thân ái với đại vương hơn là tự ngã của đại vương? Được nói vậy, bạch Thế Tôn, con trả lời với hoàng hậu Mallika:

 

Này Mallika, không có ai khác thân ái với ta hơn là tự ngã của ta.

 

Rồi Thế Tôn, sau khi biết rõ, nói lên bài kệ này:

 

Tâm ta đi cùng khắp

Tất cả mọi phương trời

Cũng không tìm thấy được

Ai thân hơn tự ngã

Tự ngã đối mọi người

Quá thân ái như vậy

Vậy ai yêu tự ngã

Chớ hại tự ngã người

 

( ĐTKVN, Tương Ưng Bộ 1, chương III, phẩm 1,

Phần Mallika, VNCPHVN ấn hành, 1993, tr. 193)

 

LỜI BÀN

           

Thường thì trong những lần gần gũi, tâm sự với những người mình yêu thương như cha mẹ, vợ chồng, con cái v.v… chúng ta thường hay nói rằng ta thương yêu họ nhất. Dẫu rằng, những lời yêu thương ấy hầu hết là thật lòng, phát xuất từ tình cảm chân thành, nhưng nếu bình tâm suy xét tận cùng trong sâu thẳm của lời ái ngữ kia sẽ thấy rõ rằng chúng ta vẫn chưa thương được người ngoài bằng chính bản thân mình.

 

Ta thương mình nhất là một sự thật. Ta cũng thương những người thân của mình nhưng ít hơn thương mình và động cơ của tình thương ấy cũng vì chính ta. Hiếm hoi lắm ta mới mở rộng được biên giới của tình thương, yêu thương tất cả mọi người, mọi loài mà không có điều kiện. Vì chấp ngã là một tập khí sâu dày của chúng sanh. Chấp thủ về ta và của ta được thiết lập từ cái vô thỉ, cùng với ta du hành trong vạn nẻo luân hồi.

 

Nhận thức rõ ràng về tình thương của ta như thế để thấy rằng ngã ái vốn rất nặng nề đồng thời đây là cơ hội để ta xem lại tình thương của mình dành cho những người thân (và những người thật đáng thương) đã thực sự vì họ hay chỉ vì ta? Mặt khác, nhờ sự quán sát này mà ta nghiệm ra rằng mình yêu thương bản thân mình nhiều nhất và biết người khác cũng như vậy nên tôn trọng và bảo vệ sự sống của họ.

 

Ai cũng yêu quý thân mạng của mình nên nguyện không giết hại, làm tổn hại đến sự sống của mọi người, mọi loài khác.

 

Nguồn: Báo Giác Ngộ số  463

--- Cám ơn Tịnh Tú đã gởi bài này ---

***

 

  http://www.buddhismtoday.com/viet/phatphap/tathuongminhnhat.htm

 


Vào mạng: 20-03-2009

Trở về mục "Đức Phật và Phật pháp"

Đầu trang