Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .

Thiền Định và Trị Liệu

Minh Phúc, Ph. D

                                                                 

Phật Thích Ca , 2500 năm xưa, đã nguyện ngồi thiền dưới cội Bồ Đề cho đến khi chứng đạt Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác hay thành Phật. Thiền định gồm có nhiều phương pháp nhằm phát triển chánh niệm, tập trung, thanh tịnh, tỉnh giác và tột đỉnh đạt giác ngộ giải thoát. Những kỹ thuật hành thiền cơ bản được ghi chép trong nhiều kinh sách, cũng như được truyền thừa và đa dạng hóa qua hàng ngàn năm.

Trên phương diện sức khỏe, thiền định được xem như một nghệ thuật thư giãn, trong cố gắng giảm thiểu sự căng thẳng bức xúc, đau đớn, tạo cảm giác an lạc, giúp quân bình thân tâm và trị liệu các chứng bệnh.

Chỉ riêng trong Phật giáo cũng đã có hơn 8 vạn 4 ngàn pháp môn tu tập và số lượng phương pháp hành thiền cùng những chứng bệnh nan y cứ tiếp tục leo thang theo đà phát triển của khoa học kỹ thuật.

Trong 5 thập niên qua khoa học và y học càng ngày càng chú ý đến thiền, với nhiều nghiên cứu, để được xem như là phương pháp trị liệu bổ sung-thay thế đối với nhiều  bệnh trạng khác nhau như trầm cảm, căng thẳng, lo sợ, mất trí nhớ, đau nhức, mệt mỏi, mất ngủ, cảm cúm, ung thư, AIDS (Sida), tê khớp, tim mạch, viêm gan, tiểu đường, suyễn, nghiện ngập, tăng tiến tuổi thọ, vân vân. Ngay chính những tư tưởng tiêu cực, căng thẳng, xúc động và ưu phiền trong cuộc sống làm cho bệnh trạng càng thêm trầm trọng và nguy hiểm.Thiền định chú trọng và có tác dụng làm cho thân tâm được lắng dịu thanh tịnh, từ đó những trăn trở khổ đau do bệnh tật gây nên cũng được thiên giảm hay tiêu trừ.

Đức Phật cũng là bậc y sư khi thuyết về câu chuyện người trúng mũi tên độc, không lo nhổ mũi tên, hút máu độc và dùng thuốc rịt vết thương cho lành, mà cứ bâng khuâng muốn tìm hiểu ai đã bắn mình và vì sao bị bắn, v.v.. thì e đã quá trể, không còn cứu được sinh mạng. Thật ra trong câu chuyện ẩn dụ này, Đức Phật muốn khuyên nhủ một tỳ kheo nên chuyên chú tu hành hơn là mất thì giờ để tâm vào những tìm hiểu khoa học viễn vông như thế giới này là hữu biên hay vô biên, nguồn gốc phát sinh loài người, v.v.

Trong thời buổi văn minh tiến bộ này, không phải tất cả mọi sự kiện đều được khoa học giải thích rõ ràng, hoặc những gì được khoa học chứng minh đều là đúng.Tuy vậy “nói có sách mách có chứng” hay căn cứ vào những gì đã được nghiên cứu và công nhận thì vẫn được nhiều người nghe hơn.

 

 

CƠ CHẾ THIỀN ĐỊNH

Những tác dụng và ảnh hưởng của thiền định có thể được thể hiện dưới 3 cơ chế sau đây.

 

Cơ Chế Tín Ngưỡng

Tư tưởng Phật giáo không chủ trương thần thánh hóa, tôn thờ một thần linh hay đấng thượng đế nào. Do đó nhiều khi Đao Phật được xem không phải là một tôn giáo để tín đồ cầu xin phép lành, ân huệ, hay cứu rỗi như trong các đạo khác. Giáo lý nhà Phật rất thực tiển và thấu triệt: mọi sự vật đều bị chi phối bởi vô thường biến đổi, nhân qủa nghiệp duyên và trầm luân sinh tử. Thiền định được xem như trái tim của nhà Phật và là trung tâm của đời sống đạo hạnh giúp đạt đến mức độ cao xa của tỉnh giác. Từ trạng thái vô minh hay tiêu cực mê mờ của tâm tiến lên trạng thái tích cực sáng suốt hay minh tâm kiến tánh. Mọi chúng sanh đều có Phật tánh (chơn tâm, bản lai diện mục) hay cái tâm thuần khiết trong sáng, nhưng bị những phiền não tham sân si che lấp như án mây đen phủ kín bầu trời. Thiền định có công năng giúp tâm được thanh lọc dứt trừ mọi cấu nhiễm, đạt an lạc thanh tịnh và giác ngộ giải thoát như trời quang mây tạnh, trăng sáng rỡ ràng. Cũng chính là lúc ông Phật hiện ngay trong tâm mình không phải tìm kiếm đâu xa. Đó là ý niệm “tức Tâm tức Phật” của Đạo Nhất Mã Tổ, hay hiện tượng đại ngộ “ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” (Kinh Kim Cang) của Lục Tổ Huệ Năng, trụ tâm đến không chỗ trụ mà sanh được tâm kia, cái tâm tĩnh tịch – tròn đầy – trong sáng.

Vạn pháp do tâm tạo, những bệnh tật khổ đau là do tâm duyên theo trần cảnh, môi sinh ô nhiễm độc hại và cuộc sống bon chen hỗn tạp đầy căng thẳng bức xúc, thì cũng chính tâm sẽ chữa trị chúng qua thiền định.

Trong Đạo Thiên Chúa, căn bản thần học trong thiền định được xem là nằm tận đáy lòng con chiên, là tâm của Giêsu – người đang cầu nguyện trong con chiên, với con chiên và cho con chiên. Đây là sự quán chiếu diễn tả tột đỉnh đời sống tâm linh và trí thức một cách tích cực trong trạng thái tỉnh giác hoàn tòan.

Ấn Độ là xứ có truyền thống lâu đời về thiền định, ngay cả trước thời Phật Thích Ca. Theo Ấn Giáo, danh từ thiền định được hiểu như là một trạng thái tĩnh lặng, tỉnh táo và tập trung một cách ráo riết, qua đó tri thức và tỉnh giác được đánh thức dậy từ bên trong, khi chú tâm vào một sự vật hay một dòng tư tưởng cho đến lúc đạt đến và hòa nhập vào sư bình yên thánh thiện, đồng nhất với vũ trụ và thượng đế.

Trong phép thiền quán niệm hơi thở (Anapana Sati), Đức Phật đã chỉ dạy trong Đại Tạng Kinh Pali (Mahasatipatthana Sutta): Tỳ kheo tìm đến khu rừng, dưới gốc cây hay nơi trống vắng, ngồi tréo chân, giữ lưng thẳng, chú ý hơi thở ra vào nơi chóp mũi và khởi lên chánh niệm trước mình.

Khi chánh niệm được duy trì, hơi thở càng trở nên nhẹ nhàng lặng lẻ, thân thể được êm dịu thanh thản như có cơn gió nhẹ thoáng qua. Với sự tĩnh lặng của tâm, hơi thở càng trở nên vi diệu cho đến lúc có cảm giác như ngừng thở, kéo dài trong nhiều phút, nhưng thật sự hơi thở vẫn tồn tại. Dần dà tâm được giải phóng khỏi 5 triền cái (ham muốn, giận hờn, hôn trần, trào hối và nghi hoặc). Hành gỉa càng đạt thêm sự bình thản và an lạc. Các thiền tướng bắt đầu xuất hiện báo hiệu thành qủa của chánh định. Hành gỉa bắt dầu vào cận định (upacara samadhi) và khi chánh định phát triển thêm nữa sẽ đạt đến toàn định (appana samadhi). Đến đây khai thông cho sự chứng đạt nhất thiền, và tiếp tục miên mật sẽ vào các qủa thiền cao hơn: nhị thiền, tam thiền và tứ thiền. Hành giả tiếp tục phát triển chánh niệm qua tuệ quán (Vipassana). Ở mức độ cao hơn, tâm trạng như được thoát tục và bắt đầu vào giai đoạn nhập lưu, rồi tiến lên các qủa vị thanh văn khác trong chánh định. Khi mọi xiềng xích trói buộc không còn dính mắc, dứt sạch ngã chấp, chứng quả vi thanh văn thứ tư - A La Hán, ra khỏi luân hồi sanh tử. Hầu hết những đệ tử lớn của Phật đều chứng đạt qủa vị này, ngoại trừ Đề Bà Đạt Đa mưu toan giết Phật để được làm Phật.

 

Cơ Chế Tâm Lý

Tâm lý chung là khi những căng thẳng hay phiền não dấy lên báo hiệu sự giày vò tâm trí, người ta có khuynh hướng làm cho chúng lắng dịu thay vì phải chịu đựng. Khi một chuỗi tư tưởng loạn động gây ra biến cố bức rức tâm trí, hành giả an trú trong thiền định qua sự tập trung hay quán chiếu vào một đề mục làm cho chúng tan biến đi. Từ đó đem tâm trở về trạng thái bình yên, tạo dựng thái độ không còn sợ hãi khiếp nhược, là hiệu quả và đặc tính căn bản của thiền định.

Một cơ chế khác về tâm lý là sự thiếu lưu thông giữa các cơ năng tâm thần, gây nên sự bức bách ứ đọng bên trong. Rất thường xuyên, các hiện tượng như lời nói, tưởng tượng, xúc cảm là những ngăn kín chật hẹp mà thiền định là nhịp cầu giúp chúng được thông   thoáng hòa hợp với nhau. Chẳng hạn thường xuyên đặt sự chú ý của tâm vào những tác động lên thân-khẩu- ý là một phương cách thông thoáng hữu hiệu nhất.

Trái lại, nếu lạm dụng thiền định như một hành vi đè nén - ức chế tâm thì có khi phải gánh chịu những hậu quả khốc hại, như trong trường hợp qúa cuồng tín theo một phép thiền sai lêch. Chẳng hạn khi hành giả niệm tên các vị thần linh hay các thần chú vô nghĩa cả hàng ngàn lần, cho đến khi trở thành nhàm chán, tâm trí mờ mịt, lạc vào thế giới mộng du ảo tưởng, không còn lý luận hay phán đoán được gì. Từ đó phát sinh những cảm thọ hỉ lạc giả tưởng, không thể phân biệt qúa khứ-hiện tại-vị lai hoặc ngay cả sự chết. Đây là trường hợp bị “tẩu hỏa nhập ma” mà chính đương sự không hề hay biết, chỉ có người ngoại cuộc mới nhận thấy những hành vi bất thường - điên dại của mình qua sinh hoạt hàng ngày. Do vậy, trong lúc ngồi thiền, phải luôn cảnh giác, tỉnh thức, và giữ chánh niệm. Nếu cảm thấy qúa si mê hôn trầm thì nên đứng lên hay rời khỏi bồ đoàn.

Có một hiện tượng tâm bệnh xảy ra cho một tu sĩ trẻ tuổi tại ngoại ô Lhasa - Tây Tạng. Tu sĩ này sinh tâm không thích ngôi chùa mình đang tu tập, nằm ngay dưới chân một ngọn đồi, mà lại phóng tâm ưa thích một ngôi trường kế cận. Từ đó tu sĩ khởi sinh một ý tưởng là mong cho ngọn đồi trượt xuống và đè bẹp lên ngôi chùa trong khi ngôi trường thì vẫn còn nguyên vẹn. Thế rồi cái tâm bất thiện này cứ bủa vây trong đầu óc người tu sĩ, đến nổi biến thành chứng nhức đầu bức rức và thần kinh khủng hoảng. Cuối cùng tu sĩ  thú thật và xin vị trụ trì ngôi chùa cứu giúp. Thầy trụ trì khuyên từ đây luôn luôn quán niệm cho ngọn đồi thật sự đè nát ngôi chùa, đè bẹp mọi thứ trong chùa kể cả thân mạng của chính mình. Người tu sĩ trẻ làm y lời thầy và chỉ trong một thời gian ngắn thì hết chứng đau đầu và không còn ảo tưởng này nữa.

Chung qui, điểm căn bản trong tiến trình hành thiền là sư chú tâm, và quan trọng hơn hết, chú tâm là một sự thực hành trong kiên nhẩn chứ không phải lý thuyết gì xa xôi. Có một thiền sinh cảm thấy rất khổ sở vì không đạt được thành qủa trong công phu hành thiền nên đến yết kiến thiền sư của mình và nhờ chỉ cho cách vượt qua chướng ngại. Vị thiền sư đang trong thời kỳ tịnh khẩu nên chỉ viết ra trên giấy chữ “chú tâm”. Thiền sinh không hiểu nên nhờ thầy giảng thêm. Thiền sư lại viết thêm “chú tâm, chú tâm”và trao cho đệ tử. Người đệ tử vẫn không đạt được ý thầy mình muốn nói gì nên đòi giải thích thêm nữa. Cuối cùng thiền sinh nhận đươc toàn bài học trên giấy: “chú tâm, chú tâm, chú tâm…có nghĩa là chú tâm”.

  

Cơ Chế Sinh Lý

Thật hết sức khó khăn khi phải sử dụng các kỹ thuật và dụng cụ khoa học đề đo lường và kiểm nghiệm những biến chuyển của cơ thể trong lúc hành thiền, nhưng người ta vẫn có thể thực hiện và chứng minh được những tác dụng hữu ích của thiền.

Cơ thể con người có những phản ứng tự động không qua ý thức để thích ứng với môi trường sống như các phản ứng run rẩy khi rét lạnh, tim đập nhanh khi chạy nhảy, toát mồ hôi khi trời nóng nực, v.v. Tuy nhiên với những cố gắng có ý thức như qua thiền định người ta cũng có thể điều khiển được những phản ứng tự nhiên này.

Hành giả lần đầu tiên khi thâm nhập sâu vào thiền định, hơi thở trở nên chậm rãi, nhẹ nhàng, và có khi ngưng trệ hoàn toàn, chính lúc này có thể trải nghiệm đối diện qua cơn sợ hãi bị ngừng thở và sự chết. Nhưng mối nghi được xóa tan ngay qua sự chú tâm vào hơi thở và giữ vững chánh niệm.

Sự hô hấp giảm thiểu hoặc ngừng trệ gây nên tình trạng “hypoxia” - lượng oxy trong máu giảm hạ, có tác dụng làm phóng thích các hormone (endorphins) gây mê và tạo cảm giác êm ái dễ chịu. Những chứng nghiệm cho thấy các đạo sĩ yogi Ấn Độ có thể điều chỉnh lượng oxy trong máu theo ý muốn của mình và tự chôn sống trong một thời dài mà không hề hấn gì. Các thiền sư Nhật Bản cũng có thể làm giảm nồng độ oxy 20% trong lúc hành thiền. Với thiền tiên nghiệm TM, lượng oxy có thể giảm đến 40% và tỷ lệ hô hấp chỉ còn 50%, nhiều hơn gấp bội so với lúc ngủ mê. Điều này chứng tỏ tác dụng hiệu qủa của thiền định trong tiến trình biến hoá của thân-tâm.

Những khóa thiền kéo dài 30-40 phút cho thấy lượng lactate giảm hạ và lượng phenylalanine tăng lên 20% trong các cơ mô. Hành thiền cũng làm cho lượng máu đến thận và gan giảm đi trong khi lượng máu đến não gia tăng, huyết áp gia giảm tạo ảnh hưởng tốt cho các bệnh tim mạch. Tính đối kháng của da cũng gia tăng làm giảm hoạt động giao cảm và nhờ đó đem lại trạng thái thư giãn.

Những kết qủa thực nghiệm cũng cho thấy việc hành thiền làm giảm những kích thích tố gây căng thẳng như cortisol và ATCH, hormone kích thích tuyến giáp TSH và hormone tăng trưởng; trong khi gia tăng hormone thư giãn serotonin và hợp chất arginine vasopressin giúp cho trí nhớ và sự học tập.

Kỹ thuật điện não đồ EEG (ElectroEncephaloGraphy) khám phá một điều mới lạ qua hành thiền là làm giảm thiểu các sóng não kích động như beta và delta trong khi gia tăng các sóng có tác dụng êm dịu như alpha, gamma và theta.

Khoa học gia thần kinh Richard Davidson công bố kết quả nghiên cứu vào đầu năm 2005, khi sử dụng EEG để đo sóng não các vị sư Tây Tạng trong lúc hành thiền từ bi quán. Kết qủa cho thấy các nhà sư luôn luôn có sự hoạt động rất cao của sóng gamma so với người bình thường. Trong thiền định, sự hoạt động của não bộ tập trung ở vùng não phía trước (prefrontal cortex), nơi đây các sóng liên hệ có tác dụng tạo nên sự an lạc và tỉnh giác rất sâu và lâu bền.

Vài kỹ thuật tinh vi hơn như  fMRI (functional magnetic resonance imaging), cho biết kết quả ngay trong một thời gian ngắn,  được sử dụng đo dòng máu trong não và sự hoạt động của não, cho thấy thiền định không có tác dụng như khi ngủ nghỉ mà là một trạng thái thư giãn trong tỉnh thức.

 

 

NHỮNG PHÉP THIỀN TRỊ LIỆU

Hiện tại có rất nhiều phương pháp hành thiền khác nhau của các tôn giáo và trong dân gian, nhưng được nghiên cứu và áp dụng trị liệu nhiều nhất là thiền Tập Trung CM (Concentrative Meditation) và thiền Chánh Niệm MM (Mindfulness Meditation).

 

Thiền Tập Trung

Thiền tập trung thường được sử dụng như là phương pháp căn bản cho hành giả mới bắt đầu và cũng dành cho bệnh nhân. Người tập thiền chỉ cần chú tâm vào một sự vật như hơi thở, âm thanh, lời niệm, vân vân. Một kỹ thuật đơn giản là có thể ngồi hay nằm (bệnh nhân) thoải mái ở một nơi yên tĩnh, không khí trong lành, mắt nhắm hay mở và chú ý theo dõi hay đếm hơi thở ra vào, tiếng tí tách của đồng hồ, hoặc niệm một vài chữ hay lời kinh mình ưa thích. Khi chú mục như vậy, vọng tưởng lắng dịu, nhịp điệu hơi thở dần dà trở nên chậm rãi nhẹ nhàng, giúp thân tâm được thanh tịnh và an ổn.

Những phép tụng niệm như tụng kinh - niệm chú, thì hầu như các tôn giáo đều áp dụng tương tự như nhau. Pháp môn niệm Phật cho đến “nhất tâm bất loạn” cũng chẳng khác gì một phương pháp hành thiền đạt đến sự định tâm. Nhiều Phật tử theo phép Thiền-Tịnh song tu hay vừa tham thiền vừa tụng kinh niệm Phật. Bên Thiền Tông cũng thường tụng Bát Nhã Tâm Kinh trong các khóa thiền. Một thiền sư Việt Nam cho biết có lần mình ngồi thiền niệm “Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật” thì tự nhiên cứ thấy phải niệm liên tục như vậy trong suốt cả buổi sáng, không dừng lại được. Từ đó thiền sư này bắt đầu chú trọng về phép niệm Phật. Các thiền đường Lâm Tế ở Nhật cũng thường cho thiền sinh một thoại đầu hay công án để quán tưởng. Như trong công án “vô”, thiền sinh trong lúc ngồi thiền niệm thành tiếng kéo dài “mu…”  Một công án khác là “tiếng vỗ của một bàn tay”. Có một thiền sinh nhận công án này rồi cứ phải suy tưởng là tiếng gì, sau đó đem trình thầy những đáp án như tiếng chuông ngân, trẻ khóc, chó sủa, chim hót, ngựa hí, còi hụ, v.v. nhưng đều bị từ khước và bắt phải cố gắng nhiều hơn nữa. Thiền sinh tiếp tục quán chiếu đến lúc tâm tư mệt mỏi chán chường, không còn sức phấn đấu muốn bỏ cuộc, thì đột nhiên khởi lên một ý niệm và vội vã tìm đến trình thầy… đó là tiếng vọng của sự im lặng, tương hợp với ý thầy.

Trong thiền tông Trung Quốc cũng có những thiền sư thích niệm một cái gì trong lúc ngồi thiền như “Tĩnh tĩnh lặng lặng, Liễu liễu thường tri” (Tĩnh tĩnh lặng lặng, Rõ ràng thường biết) để nhắc nhở tâm luôn được tỉnh giác. Phật tử trong môn phái Nhật Liên chỉ chú trọng vào Kinh Pháp Hoa và niệm một câu duy nhất “Namu Myo Ho Len Ge Kei” (Nam Mô Diệu Pháp Liên Hoa Kinh). Trong phép niệm Phật thì “Namu Amita Buddha” (Nam Mô A Di Đà Phật) hay niệm danh hiệu các vị Bồ Tát như Quan Âm, Địa Tạng, v.v. Trong Mật Tông Tây Tạng và Mông Cổ, người tu niệm sâu trong cổ họng âm thanh nghe rất trầm hùng câu chú “Om Mani Pad Me Hong” (Án Ma Ni Bát Di Hồng).

Trong Thiên Chúa Giáo, các con chiên cũng hành thiền khi tụng kinh cầu nguyện vào mỗi tối trước khi ngủ.

Có một số Phật tử Việt Nam tu theo phép thiền xuất hồn (thiền Ông Tám), hiện tại được gọi là “Pháp Lý Vô Vi Khoa Học Huyền Bí Phật Pháp”. Theo nguyên văn ghi trong website chỉ dẫn về phép thiền này “tập trung trí ý lên đỉnh đầu, với ý thầm nguyện xuất hồn lên đảnh lễ Phật. Chỉ chú tâm lên xoáy óc một chút thôi, rồi sau đó nhìn thẳng trung tâm giữa 2 chân mày lâu chừng nào tốt chừng nấy, ý chí thả lỏng, tâm phẳng lặng và ý dỗ cho ngủ. Ngồi càng lâu càng tốt. Khi thiền định, ngứa mình, tê chân hay có ý động loạn thì chỉ niệm Nam Mô A Di Đà Phật ngay trung tim bộ đầu”.

Trong Tịnh Độ Tông cũng có rất nhiều phương pháp giúp tâm không bị vọng động như niệm Phật theo hơi thở, niệm liên tục không gián đoạn, tai lắng nghe âm thanh tiếng niệm, lần theo chuỗi hột, tụng kinh theo tiếng mõ, quán tưởng hình ảnh chư Phật-Bồ Tát, v.v..nhưng mục đích tối hậu là để đến phút giây lâm chung được Tây Phương Tam Thánh (A Di Đà, Quan Âm, Thế Chí) đến rước về Cửu Phẩm Liên Hoa miền cực lạc.

Đặc biệt trong 50 năm qua, các nước phương tây đã áp dụng thiền tiên nghiệm TM (Transcendental Meditation) cho nghiên cứu y học và ứng dụng trị liệu tại nhiều trung tâm thiền, bệnh viện, công tư sở và học đường.

Thiền tiên nghiệm TM do đạo sĩ Ấn Độ Maharishi Mahesh Yogi (1917-2008), theo truyền thống Vệ Đà, mang đến Âu Mỹ từ năm 1958. Chủ trương của Maharashi là tạo ra một trung tâm thiền TM cho mỗi một triệu người. Ông đã đào tạo gần 10,000 giảng viên ở khắp nơi. Nhờ kỹ thuật đơn giản trong ứng dụng nên loại thiền này rất được phổ biến. Cho đến nay đã có chừng 600 nghiên cứu khoa học và y học về thiền TM liên quan đến trị liệu đối với nhiều loại bệnh trạng khác nhau. Ngay trên đất Mỹ có một đại học mang tên Mahashiri.

Phương pháp chung là mỗi ngày hành thiền 2 lần, mỗi lần 15-20 phút, truớc bửa ăn (bụng trống dễ hành thiền hơn) với mắt nhắm lại. Phải do một người thầy hay giảng viên trực tiếp chỉ dạy và đặc biệt truyền cho câu mật chú mantra, để hành giả có thể niệm thầm hay niệm thành tiếng trong lúc hành thiền. Chương trình gồm có 7 thứ mục với 2 bài học giới thiệu, một cuộc phỏng vấn, và 4 buổi học (2 giờ) cho 4 ngày kế tiếp. Phương pháp thiền TM được cho là khá giản dị, thiên nhiên và không gượng ép. Qua tiến trình hành thiền, hành giả sẽ đạt đến một ý thức tiên nghiệm được gọi là trạng thái chính yếu thứ 4 của ý thức, một trạng thái tỉnh thức hoàn toàn, khác biệt với 3 trạng thái: thức tỉnh, nằm mơ và ngủ say.

Thiền tiên nghiệm đã được đăng ký và bảo vệ với thương hiệu (trademark) TM, nên đã trở thành một loại sản phẩm thương mại. Vào thời điểm năm 2007, có nơi học viên phải đăng ký và đóng học phí đến 2.500 đô la cho một khóa học, kèm theo điều kiện không được tiết lộ câu mật chú mà người thầy đã truyền cho, với lý do là mật chú sẽ mất linh nghiệm nếu bật mí cho người khác biết. Tuy trung thành với chủ trương của hệ thống huấn luyện thiền TM, nhưng một số giảng viên khi viết tài liệu hay nghị luận cũng hé mở một số chi tiết về phép thiền này. Ví dụ chọn một nơi yên tịnh, ngồi nhắm mắt, giữ hơi thở tự nhiên, và tự chọn lựa cho mình một vài chữ mantra, có tính cách nhẹ nhàng và trung tính, ví dụ như “tỉnh thức”, “thư giãn”, v.v.. hay bất kỳ lời kinh câu kệ ưa thích nào của mình. Có thể niệm thầm hay tụng lớn tiếng mantra này bằng cách lập đi lập lại trong suốt thời gian hành thiền 15-20 phút. Khi tâm xao động cần nhớ trở về với mantra và tiếp tục niệm như trước. Chỉ giản dị vậy thôi, nhưng cũng có tác dụng thư thái dễ chịu như một giấc nghỉ trưa 1-2 giờ.

Người tây phương hành thiền TM tự do rất thích các danh từ, một hình thức mantra, như “peace” (hòa bình) và “love” (yêu thương). Nhưng cũng có khi đang niệm “love, love, love..” giữa chừng bất chợt thành ra “I love candy” (tôi thích ăn kẹo) thì phải làm sao?  Đến lúc này chỉ cần nhớ lại mantra “love” và bắt đầu niệm trờ lại cho tâm khỏi nhảy lăng xăng như con khỉ, “tâm viên ý mã” là như vậy.

Một loại thiền tân thời được gọi là thiền giải tỏa Avrassana của nhóm Theohumanity do Daniel Stacy Barron - người Đức- sáng lập, đang còn trong thời kỳ thử thách. Nhóm này chủ trương sự giải thoát cảm thể (Emotional Body Enlightnment): những gì khởi lên trong lúc hành thiền được làm cho tan biến đi trước khi rơi chạm vào người, tương tự như những vẩn thạch hay sao rơi bị tan loãng trong bầu trời trước khi va chạm vào trái đất.    

 

 

Thiền Chánh Niệm

Danh từ chánh niệm (sati) cũng được biết là phát xuất từ chi thứ 7 trong Bát Chánh Đạo (bao gồm đầy đủ Giới Định Huệ) thuộc phần Đạo Đế của Tứ Diệu Đế (Khỗ Tập Diệt Đạo) mà Phật Thích Ca sau khi chứng đạt dưới cội bồ đề đã tìm đến vườn Lộc Uyển khai thị và hóa độ cho năm anh em Kiều Trần Như. Thiền chánh niệm đặt căn bản trên ý niệm về sự hiện diện đầy đủ của tâm trong tỉnh giác khi nương theo hơi thở ra vào. Tâm luôn nhận thức dòng cảm thọ, tư tưởng, âm thanh, mùi vị, v.v.. mà không gắn bó và liên lụy với chúng. Hành gỉa ngồi thiền trong yên lặng và tỉnh táo, quan sát một cách vô tư những gì đang xảy ra xuyên qua tâm; không phản ứng và dính mắc với những kỷ niệm, hồi tưởng về quá khứ hay những suy tư, toan tính đến tương lai. Hậu qủa là tâm đạt được trạng thái tĩnh lặng, trong sáng và an ổn. Tuy lúc mới khởi đầu hành giả cũng cần trải qua một thời gian thực hành phép thiền tập trung để luyện tâm cho thuần thuật, rồi dần dà không còn chú mục vào một đề mục duy nhất nào. Trên thực tế việc ứng dụng trị liệu của thiền chánh niệm được giản dị hóa đi nhiều, không bó buộc phải tuân thủ triệt để các phép thiền chỉ (Samatha) và thiền quán (Vipassana) của giới tu sĩ.

Kỹ thuật thông thường là tự tìm một nơi yên tịnh, thoáng sạch, vào sáng sớm hay chiều tối, ngồi xếp bằng thẳng lưng trên sàn nhà có kê gối đệm (bồ đoàn), hoặc cũng có thể ngồi trên ghế và đặt 2 chân thoải mái trên sàn nhà. Hai bàn tay chồng ngửa lên nhau trên đùi với 2 ngón cái chạm nhau, mắt có thể nhắm lại hay hé mở tùy nghi. Nếu ngồi được theo thế kiết gìa hay bán gìa thì càng tốt, nhưng rất dễ bị đau chân cho người mới tập. Bắt đầu hít thở một cách tự nhiên và đều hòa. Nếu tâm bị chi phối do vọng tưởng khởi lên thì nên tập trung vào hơi thở bằng cách đếm hay theo dõi hơi thở, hoặc niệm một vài chữ như “chánh niệm”, “tỉnh giác”, v.v..Trong những ngày  đầu chỉ cần tập 5-10 phút, sau đó tăng lên từ từ 15-20-30 phút hay nhiều hơn tùy theo khả năng. Khi tâm trở nên ổn định hơn, chỉ cần quan sát ghi nhận một cách khách quan những gì đang xảy ra. Hãy để cho những vọng tưởng, hình ảnh, âm thanh, v.v.. khơi dậy, lưu lại và biến đi một cách tự nhiên, không kích động, không đè nén hay xua đuổi chúng, không thêm không bớt và không quan tâm gì đến chúng. Sau khi xả thiền nên làm những vận động cơ thể nhẹ nhàng như các thế tập hatha-yoga, khí công, taichi hoặc đi kinh hành, để giúp thân trở lại trạng thái bình thường và máu huyết lưu thông.

Kiên nhẩn thực tập sau vài ba tháng thì có thể hội nhập được với thiền tùy căn cơ của mỗi người. Hành giả có thể chia làm 2 thời hành thiền khác nhau: (1) chính thức nên dành một thời biểu nhất định cho việc ngồi thiền hàng ngày, (2) bán chính thức là thực tập theo tuệ quán tứ niệm xứ (Vipassana) vào bất cứ lúc nào thuận tiện. Ví dụ như khi ăn chỉ chú ý vào việc ăn, biết mình đang gắp thức ăn, nhai, nuốt, mỗi động tác đều biết rõ ràng như vậy. Khi đi để ý theo những bước chân, khi nằm chú tâm vào hơi thở ra vào theo sư phồng xệp lên xuống của bụng, vân vân. Nên bỏ dần những thói quen làm nhiều việc cùng một lúc như vừa ăn cơm, vừa xem tivi, vừa nghe điện thoại. Thêm vào đó lúc thuận tiện cũng có thể tập xen kẻ thêm phép quán từ bi hay trải lòng thương của mình đến người khác, bắt đầu từ bản thân mình rồi vươn dần ra đến những người thân, bạn bè, bà con họ hàng, kẻ thù, muôn loại chúng sanh.

Đối với những nghiên cứu khoa học và y học, người ta thường thực hành thiền chánh niệm theo phương pháp 8 tuần lễ thư giãn của tiến sĩ Jon Kabat-Zinn trong chương trình MBSR (Mindfulness Based Stress Reduction), được phát họa từ năm 1979 tại đại học Massachusetts - nước Mỹ. Học viên tham gia khóa thiền 2 gìờ mỗi tuần, nhưng về nhà tự thực tập 45 phút mỗi ngày theo hướng dẫn trong đĩa ghi âm, và sau cùng tham dự một ngày dài thảo luận về kết quả. Có trên 250 cơ sở như bệnh viện, trường học, trung tâm cộng đồng, v.v.. ở khắp nơi, hoặc làm công tác nghiên cứu, hoặc ứng dụng trị liệu, hoặc cho cả hai theo phương pháp này.

 

 

TRỊ LIỆU  

Những triệu chứng và bệnh trạng sau đây đã được nghiên cứu và trị liệu qua ứng dụng thiền định như một phương pháp bổ sung – thay thế.

 

AIDS (Sida)

Bệnh AIDS là do vi khuẩn HIV (human immunodeficiency virus) tấn công và giết hại những tế bào hồng huyết cầu lymphocytes (CD4T) - giữ nhiệm vụ bảo vệ hệ miễn nhiễm (immune system). Loại vi khuẩn này dần dà làm cho cơ thể mất khả năng kháng lại sự nhiễm trùng và vài loại ung thư. Nhiều biến chứng do HIV gây ra gồm cả tử vong là do hậu quả của nhiễm trùng chứ không phải trực tiếp từ HIV. Khi số lượng tế bào CD4T giảm sút dưới mức 200 hay với những triệu chứng phát khởi rõ ràng là bệnh nhân đã thực thụ nhiễm bệnh.Vi khuẩn có thể được truyền nhiễm qua máu hay dịch thể giao cấu, rồi phát triển, lây lan, phá hoại các tế bào, mà nhiều khi bệnh nhân không hề hay biết trong vòng vài tháng cho đến nhiều năm. Có chừng 40 triệu bệnh nhân niễm bệnh AIDS trên toàn cầu.

Kết qủa nghiên cứu mới đây (7/2008) tại đại học California – Los Angeles cho biết một kẻ thù khác của AIDS là sự căng thẳng bức xúc (stress) càng làm tăng tốc sự giảm sút các tế bào hữu ích CD4T. Ứng dụng thiền chánh niệm có tác dụng gia tăng số lượng tế bào này, do đó làm chậm lại hay chận đúng tiến trình bệnh AIDS.

Những bệnh nhân AIDS được chia thành 2 nhóm: nhóm tập thiền theo chương trình 8 tuần lễ MBSR của Kabat-Zinn và một nhóm khác không tập thiền để so sánh. Kết quả đạt được là bệnh nhân nhóm tập thiền trung bình tăng thêm 20 CD4T trong khi bệnh nhân nhóm kia mất đến 185 CD4T. Những chương trình huấn luyện thiền chánh niệm cho tập thể được xem là ít tốn kém và có triển vọng trở thành một phương pháp trị liệu bổ sung – thay thế cho những bệnh nhân AIDS.

 

Ung Thư

Nguyên nhân của ung thư là do một nhóm tế bào bộc phát bất bình thường vươt qúa giới hạn, xâm nhập phá hủy các mô kế cận và lan truyền đến những nơi khác của cơ thể tạo thành các bướu ung thư. Bệnh ung thư ảnh hưởng mọi lứa tuổi ngay cả bào thai, nhưng thường gia tăng với tuổi tác. Chứng ung thư gây tử vong 13% trên tổng số các loại bệnh trạng khác.

Những nghiên cứu y học đã xác minh thiền định giúp giảm thiểu lo lắng, bức xúc, đau nhức, huyết áp, mất ngủ và từ đó có thể được áp dụng giúp bệnh nhân ung thư vượt qua những cơn đau, căn thẳng, hoảng sợ, v.v..cũng như tăng cường sức phòng thủ và đề kháng của hệ miễn nhiễm hầu bảo vệ cơ thể người bệnh.

Có những phương pháp trị liệu hiện đại như sử dụng các kỹ thuật đốt bằng tia phóng xạ hay qua phẫu thuật cắt bỏ phần mô ung thư, nhưng đây là loại bệnh trạng chí mạng cần được phát hiện sớm sủa và chữa trị kịp thời.

Bác sĩ tâm thần người Úc, Ainslie Meares, với những nghiên cứu riêng của mình được tường trình từ năm 1976, đã đề nghị sử dụng thiền định hoặc riêng rẽ hoặc cùng chung với các phép trị liệu khác cho các chứng ung thư. Qua đó thiền định không những làm tăng cường sức đề kháng của hệ miễn nhiễm mà quan trọng hơn cả là giảm hạ những căn thẳng từ những cơn đau cũng như những ưu phiền, lo toan, sợ hãi, số phận hẩm hiu của bệnh nhân. Phép hành thiền gồm 3 yếu tố: thân an tịnh, niệm mantra và vận động nhẹ, ít nhất tập một giờ mỗi ngày. Đăc biệt tránh cho bệnh nhân sự giao tiếp qua chữ viết, âm thanh hay lời nói có tính cách lý luận hay học hỏi, hầu tránh làm nhiễu loạn tâm trí người bệnh. Ông ta tiến hành trị liệu cho 17 bệnh nhân ung thư trong giai đoạn bệnh đã phát triển khá cao hay ở giai đoạn cuối. Các bệnh nhân hoặc không hề có sự trị liệu chính thống hoặc đã nhận sự trị liệu từ thuốc hay phóng xạ vài tháng trước đó. Kết qủa cho thấy họ đã có thể sống thêm trung bình một năm, trong khi các phép trị liệu khác phải chịu bó tay và cho biết là chỉ chờ ngày chết.

Vào tháng 11 năm 1979, trên tạp chí Medicine Journal Australia, bác sĩ Mearses báo cáo về một trường hợp ung thư ruột kết (colon) của một người đàn ông 64 tuổi, một nhà tâm ly học. Ông ta không chịu giải phẫu mà thích hành thiền trung bình 3 giờ mỗi ngày. Chỉ sau 2 tuần lễ đã thấy có sự cải thiện. Sau 6 tuần  thì chấm dứt sự trợ lực bôm thụt vào hậu môn – giúp lưu thông ruột kết. Sau 2 tháng không còn chứng thức giấc giữa đêm. Sau 6 tháng phân trở lại kích thước bình thường và sau 1 năm thì dứt hẳn chứng ung thư.

Phương pháp ứng dụng thiền chánh niệm trong chương trình thư giãn MBSR của Jon Kabat-Zinn đã được sử dụng khá nhiều trong nghiên cứu ung thư, trong số đó một thí nghiệm trên 90 bệnh nhân cho thấy giảm được 31% các triệu chứng căng thẳng bức xúc và 67% tính khí bất thường khi so sánh với các bệnh nhân không hành thiền.

Nhiều nghiên cứu y học về thiền định cho đến nay thường chỉ giới hạn thời gian hành thiền rất ngắn, nên không có cường độ tác dụng lớn như thời gian 3 giờ hay nhiều hơn. Một điều dễ hiểu là những bệnh nhân ung thư, tuy có nhiều thì giờ, nhưng lại không còn đủ ý chí vững mạnh, kiên nhẩn và sức chịu đựng với thời gian hành thiền quá dài nếu không nhận được sự khuyến khích và chỉ bày thích đáng.

 

Tim Mạch

Bệnh tim bao gồm nhiều hình thức khác nhau, là bệnh gây tử vong nhiều nhất ở các nước phát triển, như ở Mỹ cứ 34 giây là có một ngươì chết về bệnh này. Nguyên nhân thông thường là những mạch máu bị thu hẹp hay tắc nghẽn do chất mỡ tích tụ bên trong thành mạch, gây khó khăn cho máu lưu thông và cung cấp oxy đến tim. Các cơ thịt của tim bị thiệt hại do một nguyên nhân nào đó làm giảm sút khả năng bôm máu của tim đến các nơi khác trong hệ tuần hoàn. Khi tín hiệu nội điện (internal electrical signal) của tim bị xáo trộn làm tim không thể bôm máu một cách bình thường, nhịp tim trở nên rối loạn lúc nhanh lúc chậm gây vấn đề cho tim.

Sự bất thường của van tim là một nguyên nhân khác, 4 van tim thay nhau điều khiển lưu lượng máu vào hay rời khỏi tim. Van tim bị hẹp làm tim khó đẩy máu đi và nếu van tim bi hở làm máu bị rò rỉ trở lại, không bôm hết lượng máu.

Các triệu chứng thông thường của bệnh tim là thở gấp, hồi hộp đánh trống ngực, yếu đuối, chóng mặt, mệt mỏi, buồn nôn, ra mồ hôi, cảm giác muốn ngất xỉu, vùng tim ngực bị đè ép, nặng nề, đau nhói và có khi lan ra kế cận đến lưng, quai hàm và tay.

Có 2 cuộc thử nghiệm ở Mỹ ứng dụng thiền tiên nghiệm TM vào những thập niên 1980 và 1990 cho thấy những người bị bệnh tim có thể giảm tỉ lệ tử vong xuống 30%. Bác sĩ Robert Schneider thuộc đại học Maharishi đã lên tiếng rằng đây là sự kiện phát hiện có ý nghĩa đáng kể, chứng tỏ thiền định có thể được sử dụng như một phương pháp trị liệu hữu hiệu cho bệnh tim.

Một thử nghiệm khác (3/2007) tại đại học Pennsylvania qua tập thiền TM trong 3 tháng và 6 tháng đối với bệnh nhân sung huyết tim (congestive heart failure) cũng cho thấy rõ những cải thiện về phẩm chất đời sống, chứng trầm cảm, và sự giảm bớt số lần trở lại bệnh viện. Thiền định giúp giảm hạ tác động của hệ giao cảm (gây căng thẳng bức xúc) trong khi tăng cường khả năng của hệ phản giao cảm với tác dụng ngược lại.

Tương tự, tại trung tâm y khoa Cidars-Sinai, Los Angeles, Paul-Labrador hướng dẫn một thử nghiệm khác với 103 bệnh nhân vành mạch tim (coronary heart disease). Trong số này, 52 bệnh nhân tập thiền TP trong 16 tuần lễ và 51 bệnh nhân khác không tập thiền để so sánh. Trước và sau cuộc thử nghiệm, bệnh nhân được thử máu, xét lý lịch y khoa, thử chức năng mạch máu, và sự biến đổi nhịp tim. Kết qủa là những bệnh nhân tập thiền giảm hạ huyết áp rất đáng kể, cải thiện lượng đường và insulin trong máu, cũng như ổn định chức năng của hệ thần kinh tự động. Ngoài ra còn có những nguyên nhân phụ thuộc ảnh hưởng bệnh tim như thiếu vận động, thức ăn không lành mạnh, sự béo phì, sư căng thẳng búc xúc trong xã hôi đa tạp, tạo ra những kích thích tố có hại như cortisol và những chất tác động truyền dẫn thần kinh, rất tai hại cho hệ tim mạch. Việc hành thiền có tác dụng điều hợp hữu hiệu những căng thẳng, giảm hạ sự tiết ra các kích thích tố này. Thêm vào đó, phương pháp từ bi quán (compassion mediattion), hay trải tình thương đến những chúng sanh khác, được xem là có công năng tác động lên hệ phản giao cảm (parasympathetic) giúp tim chậm lại và gia tăng hệ số biến đổi của nhịp tim, nhờ đó tim được khỏe mạnh hơn và giảm nguy hiểm bị bệnh.

Bác sĩ Vermon Barnes cũng hướng dẫn một thử nghiệm trên 111 trẻ vị thành niên và tìm thấy những em tập theo những khóa thiền TM -15 phút có khả năng làm tăng sự mở rộng huyết quản thêm 21% trong khi những em không tâp thiền lại bị giảm đi 4%. Do đó đi đến kết luận rằng hành thiền có thể thay thế cho các liều thuốc làm giảm hạ lượng mỡ trong cơ thể.

Liên hệ đến bệnh tim có các chứng cao huyết áp và đột qụy (tai biến mạch máu não).

Trung bình cứ trong 8 người là có một người bị cao huyết áp, loại bệnh âm thầm thường không có triệu chứng rõ ràng nhưng lại rất nguy hiểm, có thể dẫn đến suy tim hay đột qụi bất ngờ. Huyết áp do sức ép của máu lưu thông lên thành mạch khi tim co thắt đẩy máu đi. Số đo huyết áp bình thường là 120/80. Huyết áp trên giới hạn 135-140/85-90 được xem như bắt đầu có triệu chứng cao huyết áp. Bệnh này thường do các chất kết tụ bên trong mạch máu như cholesterol làm nghẽn sự lưu thông và do đó làm tăng huyết áp. Cũng cần kể thêm các yếu tố di truyền hay môi trường và hoàn cảnh sống dễ gây căng thẳng làm cơ thể tiết ra những kích thích tố bất lơị làm tăng huyết áp. Một trong những nghiên cứu cho thấy tập thiền TM có thể làm giảm huyết áp đến 10.7/6.4 (ví dụ 140/90 – 10.7/6.4 = 129.3/83.4).

Chứng đột qụy là do một hay nhiều mạch máu trong não bị tắc nghẽn vì các chất như cholesterol tích tụ, gây bán thân bất toại hoặc, tàn tật suốt đời hay tử vong.

Những nghiên cứu và ứng dụng thiền định trong y học, nhất là cho chứng cao huyết áp, trực tiếp ảnh hưởng đến bệnh tim và đột qụi, mang lại kết quả rất hữu ích và khích lệ.

 

Tê Khớp (Thấp Khớp)

Có hàng trăm thứ bệnh tê khớp, nhưng tổng quát có 3 loại chính yếu là do khớp xương có mô sụn bị vỡ, viêm khớp do mô sụn bị xóa mòn gây sưng nhức và chấn thương khớp xương do tai nạn gây nên. Những triêu chứng đau nhức có thể thường xuyên hay cách quảng. Cơn đau thường xảy ra trong lúc di động nhưng cũng có thể vào lúc nghỉ ngơi. Người bệnh cảm thấy đau nhức chỉ một nơi hay lan tỏa khắp cơ thể, các khớp xương có vẻ như cứng lại và mất sự uyển chuyển. Vùng da trên khớp xương đau có thể sưng đỏ lên. Bệnh tình thường gây mệt mỏi chán nản và đi đứng vận động khó khăn.

Y học hiện đại không có phương cách điều trị dứt căn bệnh mà chỉ có thể làm giảm hạ các triệu chứng đau nhức như dùng các loại thuốc chống đau, chống viêm và thuốc an thần, tập luyện các môn vận động nhẹ giúp cơ thể linh hoạt, giảm đau và sau cùng là dùng phẫu thuật.

Một thí nghiệm nghiên cứu ứng dụng thiền chánh niệm trên chứng tê khớp kinh niên (rheumatoic anthritis) tại đại học Maryland tháng 10/2007 cho thấy rằng mức độ căng thẳng và trầm cảm của bệnh nhân giảm hạ 35% sau 6 tháng tập thiền.

Ứng dụng thiền chánh niệm bằng cách ngồi thoải mái ở một nơi yên tĩnh, mắt nhắm, chú ý vào sự phập phồng của bụng theo hơi thở ra vào (bụng phồng khi hít vào và bụng xệp khi thở ra) với cảm giác như đang trôi theo dòng hơi thở, nếu tâm giao động, chỉ đơn thuần trở về chú ý vào hơi thở. Ví dụ như bất chợt nghe một âm thanh, tiếng nhạc, chuông điện thoại, v.v.  chỉ cần biết như vậy, nghe như vậy mà không suy nghĩ phán đoán gì thêm. Cần chú tâm vào sự im lặng giữa các âm thanh xảy ra. Cách hành thiền chánh niệm như vậy có thể giúp làm mất tác dụng của sự căng thẳng và cơn đau nhức.

Một thí nghiệm khác được thực hiện ở trung tâm y khoa đại học Massachusetts trên 90 người mang chứng đau nhức kinh niên. Sau 10 tuần lễ tập thiền, các cơn đau, việc sử dụng thuốc và các triệu chứng lo buồn giảm hạ trong khi sự tự tin, hoạt bát và lạc quan gia tăng. Những phản ứng thuận lợi này còn được duy trì cho đến 15 tháng sau, trong khi nhóm những người không tập thiền không cho thấy dấu hiệu cải tiến nào.

 

Tiểu Đường

Hầu hết thức ăn được hấp thu vào máu dưới dạng thức glucose, chất đường hữu dụng trong máu, như là nguồn năng lượng cho sự phát triển tế bào. Nhưng để glucose có thể thấm nhập vào các tế bào cần có sự tác động của kích thích tố insulin.

Tiểu đường loại I xảy ra khi những tế bào beta trong tụy tạng bị phá hủy và không thể sản xuất được insulin. Loại này chỉ chiếm 5-10 %.

Tiểu đường loại II chiếm đến 90-95%. Tụy tạng sản xuất đủ lượng insulin, nhưng vì một lý do nào đó cơ thể không thể dùng được insulin một cách hiệu qủa. Sau nhiều năm, tình trạng cũng giống như loại I, luợng đường tích tụ trong máu gia tăng và gây triệu chứng. Loại II thường có liên hệ với tuổi cao, béo phì, di truyền, sử dụng thuốc, v.v.

Bệnh nhân hay khát nước, tiểu tiện thường xuyên, mệt mỏi, mắt mờ; có thể làm suy tim, suy thận và mù mắt, bất lực và tàn tật ở chân.

Trong bệnh tiểu đường, sự căng thẳng bức xúc làm gia tăng lượng đường trong máu và ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Thêm vào đó, người ta có khuynh hướng thích ngồi ỳ một chỗ, không chịu vận động và ăn những thực phẩm chứa nhiều chất carbohydrate – nguồn cung cấp lượng đường cao cho cơ thể. Khi lo âu buồn bực, người ta thường bê tha, buông xuôi không còn lưu ý đến bản thân mình và do đó càng làm cơn bệnh thêm trầm trọng.

Hành thiền đều đặn và tự săn sóc chứng tiểu đường đòi hỏi phải có sự cam kết và  kỷ luật với chính mình, không những giúp điều khiển được cơn bệnh mà còn được hưởng thêm những lợi ích thiết thực khác cho sức khỏe như hạ huyết áp, giảm luợng đường trong máu, tỉnh táo hơn, giao tế xã hôi tốt hơn, chú tâm tốt hơn vào công việc và ít lo âu phiền muộn hơn, từ đó phát sinh thái độ lạc quan, tự tin và tự kiểm soát được chính mình.

 

Suyễn và Dị Ứng

Chứng suyễn (asthma) có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi do đường hô hấp bị viêm, gây những trở ngại như khí quản thu hẹp và đờm nhớt tiết ra làm nghẽn sự hô hấp. Suyễn thường tạo ra các triệu chứng như ho hen, hơi thở khò khè, ngộp thở, cảm giác bức rức chật chội trong ngực. Cơn suyễn thường thay đổi bất chợt và hay xảy ra về đêm.

Tập san Respiration (32/1975) công bố một thí nghiệm nghiên cứu trong 6 tháng , ứng dụng thiền TM trên 21 bệnh nhân suyễn (cuống phổi) đã đi đến kết luận rằng thiền TM có khả năng giúp giảm hạ chứng suyễn. 

Cũng giống như trường hợp các bệnh trạng khác, bệnh suyễn thường trở nên trầm trọng do căng thẳng bức xúc, chính yếu là sự hoảng hốt của chính bệnh nhân. Người giữ được tâm trí bình thản thì dễ dàng điều khiển được cảm xúc của mình và hiệu qủa dương tính này gia tăng giúp máu và dưỡng khí lưu thông dễ dàng.

Một nghiên cứu được thực hiện trên một số bệnh nhân với những triệu chứng suyễn từ trung bình đến trầm trọng mà không có tác dụng hữu hiệu với các loại thuốc. Nhóm đầu tiên được trị liệu với thuốc đặc biệt của bệnh suyễn. Nhóm thứ 2 vừa dùng thuốc này vừa hành thiền. Kết qủa thí nghiệm cho thấy nhóm thứ 2 có tập thiền đáp ứng thích hợp với thuốc và không cần một liều lượng cao, cũng như có tâm được ổn định hơn. Nhưng sau 2 tháng không tập thiền, nhóm này được khảo sát lại và người ta tìm thấy rằng kết qủa của họ cũng giống như nhóm không tập thiền. Điều này nêu rõ việc tập thiền liên tục rất quan trọng cho bệnh suyễn.

Phương thức điều hòa hơi thở được xem như là một phần hữu ích của tiến trình hành thiền, có tác dụng trợ lực cho phổi và đường hô hấp, nhờ đó có thể ngăn chận được cơn suyễn bộc phát. Yếu tố thư giãn trong tiến trình hành thiền giúp bệnh nhân cảm thấy dễ chịu thư thái hơn khi cơn suyễn nổi lên. Sự chú tâm vào hơi thở giúp giảm nhẹ mức độ hốt hoảng vì phải chống trả với sự khó thở khi đợt suyễn hoành hành, nhờ đó thoát ra được cái vòng lẩn quẩn của suyễn. Với việc hành thiền 15-30 phút đều đặn mỗi ngày, những đợt tấn công của suyễn sẽ bớt trầm trọng hơn, số lần xảy ra ít hơn, cũng như dễ dàng dung hợp các phương thuốc trị suyễn.

Các bệnh dị ứng là do phản ứng của hệ miễn nhiễm qua tác động thái quá của bạch huyết cầu trong khi chống trả lại các tác nhân xâm nhập như phấn hoa, buị, khói thuốc, thức ăn, mùi vị, v.v..làm tiết ra histamine gây viêm tính và những dị ứng như ngứa mắt, chảy mũi, hắt hơi, mệt nhọc, cảm giác khó chịu, v.v.. Tùy theo bản chất mỗi cá nhân, có người không hề hấn gì khi  tiếp xúc với những tác nhân gây dị ứng này; nhưng cũng có những trường hợp trầm trọng do thức ăn, thuốc uống hay nọc độc của côn trùng chích có thể gây mạng vong.

Sự giảm thiểu cortisol - kích thích tố gây căng thẳng, qua hành thiền, sẽ giúp tuyến thượng thận (adrenal gland) được mau bình phục và nhờ đó chống lại các chứng viêm do suyễn gây nên.

 

Viêm Gan

Ba loại vi khuẩn phổ thông gây viêm gan là Hepatitis A, B và C. Loại A chỉ gây nhiễm trong một thời gian và được miễn nhiễm (không tái phát), trong khi 2 loaị kia có thể gây ảnh hưởng lâu dài và tác hại khốc liệt. Những triệu chứng thông thường là ăn mất ngon, buồn nôn, ói mửa, sốt, mỏi mệt, suy yếu và đau bụng. Các loại vi khuẩn thường được lây lan từ người khác hay từ các điều kiện môi sinh ô nhiễm, v.v.

Sự bùng phát các triệu chứng viêm gan xảy ra sau một cơn căng thẳng và nhiều nghiên cứu đã xác minh sự căng thẳng bức xúc có liên quan mật thiết với viêm gan.

Một số kết luận và những biện minh cho việc ứng dụng thiền định đối với trị liệu viêm gan như sau.

-  Bệnh nhân viêm gan C thuộc dạng người có cá tính bồng bột nóng giận, khác biệt với người có cá tính thư thái trầm tỉnh do hiệu quả tập thiền.

-  Trong lúc căng thẳng, những tế bào sát thủ thiên nhiên sinh sôi nảy nỡ trong gan. Chúng có thể hủy diệt tế bào gan và làm cho chứng bệnh trở nên trầm trọng.

-  Bằng cách theo dõi bộ phận não điều khiển gan, người ta quan sát được rằng sự căng thẳng gây thiệt hại cho máu và do đó dẫn đến ảnh hưởng tai hại cho gan.

-  Thực hành thiền định kích thích thần kinh phản giao cảm, giúp làm dịu những cơn bực dọc nóng giận.

-  Với công năng tăng cường hệ miễn nhiễm, thiền định làm giảm hoạt động của vi khuẩn tấn công các tế bào gan.

 

Hiệu Ứng Thơì Mãn Kinh (Hot Flashes)

Hot flashes thường xảy ra trong thời kỳ mãn kinh của phụ nữ. Nguyên nhân chưa được xác minh rõ ràng nhưng có lẽ do sự giảm sút kích thích tố estrogen khi lớn tuổi. Tuy không thuộc dạng nguy hiểm đến tính mạng nhưng cũng gây những triệu chứng trăn trở khó chiụ như mất ngủ, mệt mỏi chán chường, toát mồ hôi, nhức đầu, buồn nôn, khó tập trung làm việc, đỏ rân trên mặt - cổ - ngực, và cảm giác nóng ran loan khắp hay máu chạy rân trong người. Bệnh trạng có thể kéo dài trong 5-10 năm và tạo thêm rắc rối nếu có những bệnh khác.

Chỉ trong gần đây, người ta đã sử dụng phương pháp thay thế hormone HRT (hormone replacement therapy) cho người bệnh hot flashes. Tuy nhiên phương pháp này cũng có thể gây ung thư vú và bệnh tim.

Theo một kết qủa nghiên cứu được thực hiện tại Đại Học Massachsetts năm 2006, thiền định xoa dịu những căng thẳng và giúp hạ nhiệt những cơn hot flashes, giúp cuộc sống được thư thái dễ chịu hơn. Trong nghiên cứu này các phụ nữ theo dõi và ghi lại nhật ký trong suốt qúa trình tập thiền chánh niệm. Chương trình gồm có 8 tuần lễ hành thiền, 2.5 giờ mỗi tuần, và nhận 2 đĩa ghi âm thực tập tại nhà mỗi ngày 45 phút, với các đề mục:

- Quán thân: di chuyển sự chú ý trên thân từ chân lên đầu để nhận thức những cảm giác của thân trong tư thế nằm ngửa thoải mái.

- Ngồi thiền: Lưng thẳng, chú tâm vào dòng hơi thở ra vào, những cảm giác của thân, ý nghĩ và xúc cảm.

- Vận động nhẹ nhàng: giúp phát triển tỉnh giác trong lúc chuyển động cơ thể.

Kết qủa thí nghiệm cho thấy số lần bị hot flashes hoành hành giảm xuống 39% và cường độ trầm trọng giảm đi 40%. Triển vọng của nghiên cứu này khuyến khích ứng dụng thiền chánh niệm để chế ngự các triệu chứng thời mãn kinh, cũng như đặt kỳ vọng vào những nghiên cứu kế tiếp.

Phương pháp thở sâu theo dõi hơi thở ra vào với nhịp điệu phồng xệp nơi bụng rất hiệu nghiệm giúp trị liệu các chứng nhức đầu (thay vì tập trung tư tưởng trong đầu thì đem tâm về đan điền hay vùng dưới rốn) và chứng mất ngủ (sử dụng thiền nằm trước khi ngủ).

 

Tâm Bệnh

Các bệnh về tâm là những hiện tượng hay triệu chứng tâm lý thường gây nên những hệ lụy buồn khổ và tàn tật. Trạng thái này làm nhiễu loạn ý nghĩ, cảm giác, khả năng giao tiếp và những hoạt động hàng ngày. Những hình thức thông thường gồm có trầm cảm, mất trí, phát cuồng, bị ám ảnh, hốt hoảng, căng thẳng do chấn thương và điên khùng. Điều quan trọng là các trạng thái này có thể được hồi phục. Nhiều người rất sợ và hiểu lầm về các chứng tâm thần nên hay có thành kiến và kỳ thị, vì không hiểu rõ vấn đề. Nhưng thật sự các chứng bệnh này rất phổ thông, ví dụ ở Anh quốc cứ trong 4 người thì có một người bất thường như vậy. Nếu được chữa chạy thích đáng, bệnh nhân vẫn có thể tiếp tục cuộc sống bình thường, tuy rằng y học hiện đại chỉ có thể trị liệu cho một số bệnh nhân, và không hiệu qủa cho những người khác. Cũng do những khó khăn này mà một số trung tâm thiền không muốn thu nhận các bệnh nhân tâm thần.

Thiền tứ niệm xứ Vipassana được sử dụng trong các trại tù ở Ấn Độ đã chứng tỏ rất hữu ích đối với các tù nhân nghiện ngập, bệnh tâm thần và lãnh cảm; với mục đích giúp họ tâm trí được sáng suốt, định hướng hoàn cảnh của mình và giao tế tốt với người khác.

Sự thành công cũng tương tự tại các trại tù cải tạo ở Canada và Mỹ.

Gần đây vào cuối mùa hè 2008, tại Trung Tâm Tâm Thần và Phòng Chống Nghiện Ngập Toronto-Canada, giáo sư tâm lý học Zindel Segal đã hướng dẫn thực hiện thí nghiệm 8 tuần lễ hành thiền chánh niệm cho 177 bệnh nhân vừa hồi phục qua các loại thuốc an thần đối với những chứng trầm cảm và lo sợ. Mục đích thí nghiệm là ứng dụng thiền định để kiểm soát và trị liệu những ý nghĩ và cảm xúc phiền toái, so sánh với phương pháp chữa trị bằng thuốc, và nhấn mạnh ở điểm có ngăn ngừa được sự tái phát các triệu chứng hay không.

Thí nghiệm này nằm trong dự án nghiên cứu trị liệu  2,5 triệu đô la do chính phủ tài trợ. Thiền sinh được hướng dẫn ngồi tĩnh lặng, nhắm mắt, theo dõi hơi thở qua sự phồng xệp của bụng và những cảm giác của thân tâm. Khi thấy sự chú tâm bị sao lãng liền quay về với sự tập trung hơi thở của mình. Chỉ làm được như vậy hành giả đã có thể chú tâm vào một ý tưởng rắc rối nào đó – ví dụ về sự đổ vỡ tỉnh cảm. Cần kiên nhẫn và chấp nhận những cảm xúc như vậy mà không cố tình làm chúng thay đổi hay biến dạng, chỉ đơn thuần quan sát một cách khách quan mà thôi. Các bệnh nhân được phân chia thành 3 nhóm: (1) tiếp tục dung thuốc an thần, (2) dùng thuốc giả tưởng (placebo) và (3) hành thiền trong 8 tuần lễ. Kết qủa đang được kiểm chứng.

Cho đến nay do sự phức tạp của bệnh trạng, chưa có nhiều nghiên cứu ứng dụng thiền định vào trị liệu các bệnh trạng tâm thần, tuy nhiên vẫn có những quan tâm và cố gắng thực hiện đang diễn tiến.

 

 Những Loại Bệnb Trạng Có Thể Ứng Dụng Thiền Định

Tổng quát, qua những nghiên cứu trị liệu, thiền định có thể đươc ứng dụng cho những thể loại bệnh trạng như sau.

-  Hệ thần kinh: nhức đầu, phiền muộn, mất ngủ, xơ cứng, đột qụy, động kinh.

-  Hệ tiêu hóa: bệnh viêm ruột, đau bụng, ung nhọt, buồn nôn,

-  Nghiện ngập: hút thuốc, ma túy, uống rượu.

-  Hô hấp: bệnh hen suyễn

-  Cơ quan sinh dục: mãn kinh, tiền kinh nguyệt, bất lực.

-  Da: mụn, nhiễm trùng.

-  Hệ miễn nhiễm: cảm cúm, dị ứng, bệnh AIDS

-  Hệ liên-thân (inter-bodily): ung thư.

 

Hay là

-  Tâm: phát triển trí thông minh, gia tăng sáng tạo, nhận thức rộng rãi, cải thiện tri giác, và trật tự thứ lớp, giảm lo âu phiền muộn, an tâm.

Thân: hạ huyết áp-nhịp tim, cải thiện sức khỏe, giảm nhu cầu về trị liệu, thư giãn, hồi xuân, cải thiện hô hấp, an thân.

-  Thái Độ: tăng hiệu suất làm việc, cư xử tốt, giảm thiểu lạm dụng thuốc, cảm giác thư thái dễ chịu.

 Xã Hội: cải thiện phẩm chất đời sống, giảm tội phạm, giảm bạo hành và xung đột.

 

 

TRIỂN VỌNG

        

Việc tập thiền đang đến dần với nhiều người bởi vì bất cứ cá nhân nào cũng có thể thực hành một cách an toàn và không tốn kém bao nhiêu. Mỗi người có thể hành thiền một mình hay cùng với người khác ngay tại nhà. Trong thời buổi cạnh tranh bon chen với những hoạt động dễ gây căng thẳng và bệnh tật, người ta tìm đến thiền để giải tỏa những nổi bực dọc lo sợ hay cơn đau hành hạ, nâng cao trí tuệ, làm trẻ trung hóa cơ thể và tăng tiến cuộc sống.

Tại Thái Lan người ta dùng phương pháp trị bệnh thiên nghiệm (holistic), nhấn mạnh những yếu tố thiên nhiên ảnh hưởng đến cơ thể con người, sự quan trọng của những tiến trình tâm thức và hành thiền, sử dụng các thức ăn thiên nhiên như là những biện pháp an toàn nhằm giảm nhẹ những phiền lụy trong cuộc sống. Đặc biệt qua thiền định, tâm sẽ xuất sinh những tư tưởng tích cực lạc quan giúp cơ thể khỏe mạnh và sức đề kháng bệnh tật cao hơn. Thay vì nếu để nảy sinh những tâm tư tiêu cực buồn khổ thì chẳng khác gì những rỉ sắt xói mòn cơ thể và gây tử vong nhanh hơn.

Theo kết qủa nghiên cứu mới nhất vào cuối năm 2008 của Linda Nguyễn và đồng sự tại Đại Học Toronto-Canada, hầu hết mọi bệnh trạng đều có liên hệ đến phiền muộn, lo âu, sợ sệt và đau đớn. Bệnh nhân chỉ cần tập thiền chánh niệm trung bình 17 phút mỗi ngày cũng đủ cảm nhận được thân tâm an lạc và cuộc sống thăng tiến..

Trong cuộc sinh hoạt thường ngày, hành giả không những chỉ thường xuyên tập thiền với phương pháp thích hợp (ví dụ hiệu qủa của phép thiền giúp cảm thấy thư thái yên lành) mà cần biết cách sống thiền. Ngoài sự thích nghi với hoàn cảnh công việc, nên gần gũi thiên nhiên, tập nếp sống lành mạnh (ngủ giới), theo các phép ẩm thực và vận động dưỡng sinh, gìn giữ thân tâm gắn bó với những tư tưởng và hành động lạc quan, tránh những căng thẳng bực dọc hay suy tư yếm thế sầu thảm, không lo sợ và biếng nhác.

Người viết với trải nghiệm bản thân, đã từng cảm nhận những hiệu qủa hữu ích của thiền đối vài triệu chứng như cảm cúm, tim mạch, tê khớp, cũng như luôn được thân tâm an ổn và cơ thể lành mạnh. Xin nêu ra đây một câu chuyên thật để kết thúc bài viết dài dòng này. Trong một thử nghiệm máu, kết qủa cho thấy lượng kích thích tố TSH (thyroid stimulating hormone) tăng cao và lượng T3, T4 giảm hạ so với mức bình thường nên

người viết đã được gửi đến chuyên khoa để trị chứng hypothyroidism hay bướu cổ nhu tính. Y học giải thích bệnh trạng này là do tuyến giáp (thyroid gland) ở cổ suy thoái nên không còn đủ khả năng sản xuất các kích thích tố quan trọng như T3 và T4. Do đó tuyến yên (pituitary gland) nằm dưới đáy não phải tiết ra kích thích tố TSH nhiều hơn nhằm kích thích tuyến giáp. Tác động này gây sức ép và tạo ra bướu cổ nhu tính ở tuyến giáp. Riêng vị bác sĩ chuyên khoa thì cứ 3 tháng bắt thử máu một lần và cứ tăng dần liều thuốc trong toa lên từ màu trắng, rồi đến xanh, vàng và đỏ. Người viết thì nhất quyết không bao giờ uống một viên thuốc nào, cũng như bao nhiêu năm nay không hề đụng đến thuốc tây, nhưng  không cho bác sĩ biết điều này. Tuy vậy luôn tuân thủ đúng những lần thử nghiệm máu để biết kết quả. Trong lúc đó, tự trị liệu theo phương cách bình dị là ăn gạo lức muối mè với rong biển và vài món dinh dưỡng khác, tập thiền, khí công, tản bộ hay chạy bộ đều đặn mỗi ngày. Điều lý thú là sau những lần kết qủa thử máu kế tiếp, lượng TSH, T3 và T4 đã trở lại mức bình thường. Vị bác sĩ chuyên khoa hoan hỉ tuyên bố nhờ tác dụng của thuốc, chứng bệnh đã được ổn định, nhưng phải liên tục mỗi ngày uống đều đặn một viên Levothyroxine (hormone nhân tạo T4) theo toa cho đến trọn đời.

Đương nhiên cần phải tôn trọng những người có lương tâm và ý thức trách nhiệm, nhưng thực tế phần lớn nhà bào chế thuốc và giới y dược trước hết nghĩ về lợi nhuận thu nhập của mình. Bác sĩ khám bệnh viết toa thuốc và dược sĩ bán thuốc theo toa cho thật tốt. Những tệ nạn như mánh khóe gian lận, lạm dụng tình trạng trợ cấp an sinh xã hôi và bảo hiểm y tế càng làm cho giới này thêm sung túc phát đạt. Người viết đã từng bị các bác sĩ ép phải thường xuyên đến khám bệnh lấy toa thuốc, dù không cần thiết, xong mua thuốc ngay ở tiệm dược trước văn phòng qúi ngài.

Các loại thuốc tây thường chỉ có hiệu nghiệm nhất thời với bệnh trạng. Ngoài những phản ứng phụ (side effects) khi dùng thuốc, mấy ai có thể lường trước được những hệ lụy về lâu về dài của thuốc gây tác hại cho cơ thể như thế nào. Lại nữa một loại thuốc có công năng cho bộ phận này có thể gây nguy hại cho bộ phận khác, nhất là ảnh hưởng tiềm tàng của những loại thuốc tổng hợp biến chế (synthesized), không thuộc dạng dược thảo thiên nhiên. Thuốc tây là những hóa chất, nếu bị lạm dụng sẽ tồn đọng lâu dài gây ô nhiễm trong cơ thể. Những ảnh hưởng của thuốc có thể làm suy yếu, phá hủy sự quân bình và phòng vệ tự nhiên của hệ miễn nhiễm, lót đường cho các loại vi khuẩn đột nhập và gây bệnh. Uống thuốc nhiều khi chỉ có tác dụng tâm lý, như các thí nghiệm trên những bệnh nhân uống thuốc giả tưởng (placebo) cho thấy vẫn có thể lành bệnh.

Trái lại, sử dụng thiền định và những phương pháp dưỡng dinh tự nhiên, vừa giản dị, an toàn, không mấy tốn kém, giờ giấc uyển chuyển, tiện lợi, vừa đem lại những bổ ích sức khỏe thiết thực và lâu bền cho thân tâm.

 

 

THAM KHẢO

 

1/  Buddhist Religion, Buddhist Meditation

http://www.buddhist-temples.com/buddhist-religion.html

2/  Psychological mechanism of Meditation - Meditation & Mental Health

http://www.mediomedia.org/shopcontent.asp?type=faqs&template=tmp_content.htm

3/  Therapies: meditation therapy, 9/2008

http://library.thinkquest.org/24206/meditation-therapy.html

4/  Physiological aspects of meditation

http://www.wholefitness.com/meditation.html

5/  Anapanasati: meditation on breathing

http://departments.colgate.edu/greatreligions/pages/buddhanet/meditation/bodhis/anapana115.tx

6/  Regression of cancer after intensive meditation – Meares Ainslie, 8/1976 Australia

www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/790122

7/  Rheumatoic Arthritis Patients Benefit from Meditation Therapy – 10/2007

http://www.medicalnewstoday.com/articles/84125.php

8/  Meditation as cancer therapy – Dr. Swami Karmananda  Sydney- A. Meares

http://www.yogamag.net/archives/1979/isep79/medcan.shtml

9/  Meditation May Cut Heart Disease Death – 2/2005

http://www.webmd.com/balance/news/20050502/meditation-may-cut-heart-disease-death

10/  TM lowers blood pressure 3/2008

www.newsmax.com/health/Meditation_Lowers_Blood/2008/03/17/80943.html

11/  Does compassion medition prevent heart disease? 1/ 2008.

http://meditationforthemasses.com/does-compassion-meditation-prevent-heart-disease/

12/  Meditation & Heart Disease: Scientific Evidence & Effects..Dr. Vermon Barnes

http://www.meditation-techniques-for-happiness.com/meditation-and-heart-disease.html

13/  Aid Allergy Treatment Using Meditation

http://ezinearticles.com/?Aid-Allergy-Treatment-Using-Meditation&id=1317836

14/  Meditation is good for your health..09/2003..Kabat-Zinn found MM .. 1979

http://allergyasthma.wordpress.com/category/meditation/

15/  Meditation to cure Insomnia

http://www.project-meditation.org/bom/meditation_to_cure_insomnia.html

16/  Thiền Định – Pháp Lý Vô Vi Khoa Học Huyền Bí Phật Pháp (Thiền Xuất Hồn)

http://www.vovi.org/method/meditation.htm#4

17/  Midfulness Meditation slows progression of HIV ..4/2008

http://www.eurekalert.org/pub_releases/2008-07/uoc--mms072408.php

18/  Managing Stress through Mindfulness Meditation, Linda Nguyen et  al, Faculty of Nursing, University of Toronto, 12/2008

http://www.library.utoronto.ca/event/healthfair/speaker1-presentation.ppt   

19/  Cancer news & information – cancerwise .. 3/ 2005.. Jon KabtZinn

http://www.cancerwise.org/march_2005/display.cfm?id=42F070C2-129A-44E3-8DAE0A1BA923C864&method=displayFull&color=green

20/  New research meditation changes brain physical structure…Dalai Lama.. 7/2007

http://www.clearharmony.net/articles/200707/40499.html

21/  Meditation for Hypertension

http://www.altmd.com/Articles/Meditation-for-Hypertension

22/  Mindful Meditation helps Rheumatoic Arthritis

http://www.inneridea.com/library/mindful-meditation-helps-rheumatoid-arthritis

23/  Meditation & the art of diabetes management

http://www.diabetesselfmanagement.com/articles/Alternative_Medicine_Complementary_Therapies/Meditation_and_the_Art_of_Diabetes_Management

24/  Transcendental Meditation & Asthma  Wilson AF- Respiration - 1975

http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/1118672?dopt=Abstract

25/  Mediation May Cool hot Flashes…9/2006

http://www.webmd.com/menopause/news/20060913/meditation-may-cool-hot-flashes

26/  Meditation may reduce - help hepatitis c flare-ups

http://www.medkb.com/Uwe/Forum.aspx/hepatitis-c/6283/Meditation-may-reduce-hep-c- flare-ups

27/  Mindfulness-Based  Art Therapy For Cancer Patients..12/2008

http://www.clinicaltrialssearch.org/mindfulnessbased_art_therapy_for_cancer_patients.html

28/ Arthritis: osteoarthritis, Fibromyalagia & Rheumatoic Arthritis..12/2006

http://www.zimmer-canada.com/z/ctl/op/global/action/1/id/379/template/PC

29/ Meditation Changes the Brain, Richard Davidson ..1/2005

http://meditation-health.suite101.com/article.cfm/meditation_changes_the_brain

 

                                          

***

 

  http://www.buddhismtoday.com/viet/phatphap/thiendinhvatrilieu.htm

 


Vào mạng: 12-01-2009

Trở về mục "Đức Phật và Phật pháp"

Đầu trang