Tranh
Chăn Trâu Đại Thừa và Thiền Tông
Thích Tuệ
Sỹ
MỤC NGƯU ĐỔ là tranh chăn trâu. Tranh ra đời
tự triều đại nào, dưới ngọn bút lông nào, khó mà tra cứu cho đích xác
được. Điều chắc chắn là tranh có từ xa xưa lắm, ban đầu chỉ có sáu bức,
sau thất lạc luôn. Mãi đến từ đời nhà Tống, thế kỷ XII, nhiều bộ tranh
mới bắt đầu xuất hiện từ các tòng lâm, thiền viện, phản ảnh nhiều khuynh
hướng khác nhau trong sự tu tập. Như vậy là không phải chỉ có một bộ, mà
nhiều bộ "mục ngưu đồ" khác nhau, tất cả đều đượm nhuần tinh thần Phật
giáo Bắc Tông. Trong số ấy hiện nay được truyền tụng nhất là tranh của
hai họa sĩ áo nâu THANH CƯ và QUÁCH AM.
Tuy có nhiều bộ tranh, nhưng bộ nào cũng như
bộ nào, đều có 10 bức, mỗi bức có một bài tụng bằng thơ tứ tuyệt, và một
bài chú giải bằng văn xuôi. Đó là về hình thức. Còn về tinh thần thì
tranh tuy có nhiều, nhưng có thể xếp thành hai loại : loại tranh theo
khuynh hướng Đại Thừa, và loại tranh theo khuynh hướng Thiền Tông. Trong
hai loại, tranh vẽ sai khác nhau hết, nhưng bài tụng và chú riêng cho
mỗi loại vẫn không thay đổi.
A. TRANH ĐẠI THỪA
I. TRANH
Tranh Đại Thừa vẽ con trâu đen. Lần lượt qua
từng bước họa, trâu đen trổ trắng lần lần, trắng từ trên đỉnh đầu, lan
dần xuống mình, rồi chót đuôi.
Đó là tượng trưng cho phép tu TIỆM. Theo phép
tu tiệm thì phải rất nhiều công phu mới tiến lên được từng nấc thang
giác ngộ ; nhờ công phu, cái tâm vọng lần hồi gạn lọc được trần cấu mà
sáng lần lên, cũng như nhờ được dìu dắt mà con trâu hoang lâu ngày chầy
tháng thuần thục lần, và trắng lần lớp da đen dơ dáy :
Nhật cửu công thâm thỉ chuyển đầu
Điên cuồng tâm lực TIỆM điều nhu
(Công phu chầy tháng mới quay đầu
Tâm loạn lần hồi chịu thuận nhu)
Còn về thứ lớp thì bộ tranh Đại Thừa nào cũng
mở đầu bằng bức họa vi mục (chưa chăn) vẽ con trâu hoang, và khép lại
bằng bức họa song dẫn, vẽ một vòng tròn tượng trưng cho Viên Giác. "Song
dẫn" là dứt hết cả hai : trâu và mục đồng, tâm và cảnh, dứt được hết là
hiển hiện ánh Chơn Như lung linh trong màu cỏ nội hoa ngàn:
Nhân ngưu bất kiến yểu vô tung
Minh nguyệt quang hàn vạn tượng không
Nhược vấn kỳ trung đoan đích ý
Dã hoa phương thảo tự tùng tùng
nghĩa :
Người trâu chẳng thấy biệt mù tăm
Trăng sáng soi trùm muôn tượng không
Ví hỏi vì sao đoan đích ấy
Um tùm cỏ nội với hoa đồng
Chúng ta có thể thưởng thức vài bộ tranh chăn
trâu loại Đại Thừa nầy trong cuốn Judo International của Liên Đoàn Nhu
Đạo Pháp quốc, do Jagarin sao lục lại và có dịch luôn các bài tụng và
chú; trong Phật Học Tinh Hoa của giáo sư Nguyễn Duy Cần (phần phụ lục) ;
trong pho sách cổ "Mục ngưu đồ" bằng chữ Hán tại thư viện chùa Xá Lợi ;
trong tập "Học làm Phật" của thầy Trường Lạc (chùa Linh Chưởng ấn hành,
1964) trong ấy có đủ mười bài thơ chăn trâu Đại Thừa, vừa nguyên tác vừa
bản dịch của Tuệ Nhuận.
II. NỘI DUNG
Đề tài chung của các loại tranh chăn trâu là
đường lối tu tập. Đường lối tuy nhiều, song không ngoài việc bắt tâm.
Nên thập mục ngưu đồ có thể coi như là lời giải đáp cho câu hỏi trong
kinh Kim Cương :
"Vân hà hàng phục kì tâm ?"
(Làm sao làm chủ được cái tâm?)
Tâm ở đây là con trâu. Vì có trâu nên có mục
đồng. Vì có tâm nên có cảnh. Tất cả cố gắng của Đại Thừa đều nhắm vào sự
"cột" trâu, tức là "điều tâm" vậy. Tâm là con trâu hoang. Muốn trị nó
phải dùng những biện pháp mạnh, như đánh bằng roi, xỏ mũi bằng giây lòi
tói v.v... Cũng vậy, muốn trị tâm, cần quy y, giữ giới cấm, phát tâm bồ
đề v.v... Lâu ngày chầy tháng, trâu trở nên thuần thục, tâm trở nên điều
hòa. Đó là bước đầu, diễn tả bằng năm bức họa đầu : "vị mục, sơ điều,
thọ chế, hồi thủ và tuần phục". Đó là giai đoạn của GIỚI vậy, mở đường
cho ĐỊNH phát sanh trong giai đoạn kế.
Trong giai đoạn nầy, tâm đã tuần phục, khỏi
phải chăn giữ. Tâm đã định, không gặp gì chướng ngại.
Tâm định là ngã chấp hết, song vẫn còn pháp
chấp.
Đó là bước tu chứng của hàng tiểu thừa (thanh
văn và duyên giác) diễn đạt bằng hai bức họa "vô ngại" và "nhiệm vận".
Cần đi thêm bước nữa, khai thác HUỆ giác đến
chỗ TÂM vô TÂM :
"Nhân vô tâm, ngưu diệc vô tâm".
Đến đây mới phá được pháp chấp : pháp cũng
không, mà ngã cũng không, trâu cũng mất mà người cũng mất, cảnh cũng
quên mà tâm cũng quên. Trước hết trâu mất còn người. Rồi người cũng mất
luôn. Đó là cảnh giới của Bồ tát, diễn tả bằng hai bức họa "tương vong"
và "độc chiếu" :
"Tâm cảnh song vong nãi thị chân pháp".
Từ đó, đi thêm bước nữa vào cảnh giới Như
Lai, không nói được nên lời, mà chỉ có thể hình dung bằng một vòng tròn
: Viên Giác. Đó là ý nghĩa của bức tranh chót (song dẫn) khép lại quá
trình tu chứng theo TIỆM GIÁO, đi từ giới đến định và huệ, từ thanh văn,
duyên giác đến bồ tát, Phật, từ hữu tâm đến tâm và vô tâm, từ chỗ tất cả
đều có đến chân pháp đều không v.v... Đó là vô dư Niết Bàn.
Tóm lại, "Thập mục ngưu đồ" vẽ lại quá trình
công phu của người học đạo, trước hết tự thắng bản năng mình, sau đến tự
tri, cuối cùng chỉ để tự tại thôi (être simplement). Cái vòng tròn cuối
cùng (tranh 10 : song dẫn) tượng trưng sự đoạn tuyệt với tất cả những
nếp suy tư của chúng ta, cắt đứt hẳn một trạng thái ý thức và hiện hữu
mà thường chúng ta không được biết".
(J. L. Jagarin : Le Judo International)
B. TRANH THIỀN TÔNG
I. TRANH
Tranh Thiền Tông có loại vẽ con trâu đen, có
loại vẽ con trâu trắng. Trâu trắng là ý nói "bạch ngưu xa", xe trâu
trắng, tức là Phật thừa. Đạo Phật có ba thừa - ba cỗ xe - là xe dê, xe
nai và xe trâu (thường) chở các hàng thanh văn, duyên giác và bồ tát ra
khỏi nhà lửa mà thành đạo. Tuy nhiên, ba thừa chỉ là phương tiện giả lập
lên, những hóa thành, những pháp môn tiếp dẫn dùng cho người kém khí
lực. Đối với hạng thượng căn thì chỉ một thừa thôi - Phật thừa - trực
tiếp đưa người vào cảnh giác. Phật thừa là "bạch ngưu xa". Bạch ngưu xa,
chính là cái tâm đại giác viên mãn của Phật. Thiền Tông chủ trương trực
tiếp thành Phật là vậy.
Tuy nhiên, lý thuyết là lý thuyết, loại tranh
vẽ trâu trắng vẫn hiếm hoi, ít thưởng thức bằng loại tranh vẽ trâu đen,
rắn rỏi, mộc mạc, gần cuộc sống hơn.
Dầu trắng hay đen, con trâu Thiền đều giữ
nguyên vẹn một màu lông qua các giai đoạn biến chuyển. Đó là phép tu
ĐỐN. Đốn giáo dạy rằng người ta thành Phật là thành ở nội tâm, "hoát
nhiên" mà thành, không phải thành lần hồi, theo cấp bực ; xưa nay chưa
hề có Phật cấp bực bao giờ (Bổn lai vô thứ đệ Phật - Hy Vận), nên người
ta hoặc là Phật, hoặc không là Phật, chớ không thể suýt thành Phật, Phật
chút chút, lai rai được.
Còn về thứ lớp thì tranh Thiền Tông nào cũng
mở đầu bằng bức họa tầm ngưu, vẽ một chú mục đồng đi tìm trâu (trâu
không có trong hình) và khép lại bằng bức họa nhập triền thùy thủ (buông
tay vào chợ) vẽ một nhà sư trộn lẫn cùng thế tục.
Riêng về cái vòng tròn Viên Giác nằm ở bức
họa thứ 10 của Đại Thừa, qua bên Thiền Tông lại thụt lùi về hàng thứ 8,
mà đề là nhân ngưu câu vong, nghĩa là trâu và người đều quên. Bảng đối
chiếu sau đây cho ta thấy sự sai khác nhau giữa hai loại tranh, về hình
thức cũng như về nội dung :
TRANH ĐẠI THỪA TRANH
THIỀN TÔNG
1. Vị mục : chưa chăn 1. Tầm
ngưu : tìm trâu
2. Sơ điều : mới chăn 2. Kiến tích : thấy dấu
3. Thọ chế : chịu phép 3. Kiến ngưu : thấy trâu
4. Hồi thủ : quày đầu 4. Đắc ngưu : được trâu
5. Tuần phục : vâng chịu 5. Mục ngưu : chăn trâu
6. Vô ngại : không ngại 6. Kỵ ngưu qui gia : cỡi trâu về
nhà
7. Nhiệm vận : tha hồ 7. Vong ngưu tồn nhân : quên trâu
còn người
8. Tương vong : cùng quên 8. Nhân ngưu câu vong : người trâu đều
quên
(vẽ vòng tròn)
9. Độc chiếu : soi riêng 9. Phản bổn hoàn nguyên : trở về
nguồn cội
10. Song dẫn : dứt cả hai 10. Nhập triều thùy thủ : thõng tay
vào chợ
(vẽ vòng tròn)
Chúng ta có thể thưởng thức loại tranh này
tại chùa Tam Tông Miếu, đường Cao Thắng Sài Gòn ; tranh vẽ lớn trên
tường bằng sơn dầu, tại chánh điện ; tuy nét bút thiếu cổ kính, tranh
cũng phản ảnh phần nào cái thiền phong ngày trước.
Ngoài ra, chúng ta có thể tìm xem nhiều loại
khác trong các tác phẩm sau đây của hội Phật học Luân Đôn, do giáo sư
Thiền học Suzuki biên soạn :
- The Ten Oxherding Pictures,
- Manual of Zen Buddhism,
- Essays in Zen Buddhism, First Series.
Còn một loại tranh khác, rất cổ kính, in bằng
mộc bản, do Paul Reps sưu tập trong tác phẩm Zenflesh Zen bones (Thiền
cốt Thiền nhục), xuất bản tại Nhật (Ed. Charles E. Tuttle Co - Rutland
Vermont - Tokyo Japan - 1957). Chính từ tác phẩm này chúng tôi trích in
lại mười bức họa sau đây.
II. NỘI DUNG
Cũng như ở hầu hết các pháp môn khác, vấn đề
đặt ra cho Thiền vẫn là sự "hàng phục kỳ tâm". Tâm của Đại Thừa là ngã
tướng. Đến Thiền thì cái ngã được thâu hẹp thành cái niệm. "Tôi tư duy,
tức có tôi". Niệm là ý nghĩ, là tư duy, là intellect, được coi là phần
tử cốt cán của cái "tôi". Nên Thiền dạy vô niệm, dạy cắt đứt suy tư, bất
cứ suy tư gì :
vô niệm : niệm tức chánh
hữu niệm : niệm thành tà
(Pháp bửu đàn kinh)
Do đó Thiền kỵ hý luận, không giảng dạy,
thường chỉ ngậm miệng quên lời, thảng hoặc có nói thì thường chỉ nói
bằng lối phi lý luận. Trong quá trình phân phái của đạo Phật, Thiền quả
là nhát búa cuối cùng của Đại Thừa đập vào óc thông minh ưa lý luận mà
loài người chúng ta hằng tự phụ.
***
Trong hệ thống các pháp môn, Thiền là đốn
giáo, chủ trương thấy được tánh là tức khắc thành Phật, tại đây và ngay
ở phút giây này.
Tuy nhiên, pháp môn nào cũng có tu và có
chứng. Chứng là một biến cố đột ngột, ngoài thời gian. Đó là một sự thật
quá ư thật, như tiểu sử nhiều thiền tổ đã chứng rõ. Tuy nhiên, cũng vẫn
những tiểu sử ấy còn cho ta thấy trước khi được đốn ngộ, hầu hết các tổ,
và trước hết là Phật Tổ, đều trải qua nhiều đoạn đường dọ dẫm rất gay
go. Như vậy là sự tu tập vẫn phải đặt trong chiều thời gian mà đi đến
lần hồi vậy, hay nói một cách khác : tu thì tiệm mà chứng thì đồn.
***
THẬP MỤC NGƯU ĐỔ của Thiền Tông cũng ghi lại
bước tiến từng bực ấy trong thời gian và không gian.
Chúng tôi xin trình bày bước tiến ấy theo ba
đoạn đường : sai tâm bắt tâm - tâm vô tâm - bình thường tâm.
1. SAI TÂM BẮT TÂM
Chú mục đồng đi tìm trâu (tranh 1). Tìm ở đâu
? Đâu cũng là hoang vu, là rừng rậm, là nẻo dọc đường ngang, chỉ có
tiếng ve kêu rộn rã đầu cành.
Rồi chú thấy dấu chân trâu (tranh 2), thấy
thân trâu (tranh 3). Thì ra trâu có mất đi đâu, tại chú không thấy đó
thôi. Trâu vẫn đứng đó một mình, tự thuở nào, đôi sừng lẫm liệt, mũi
đụng mây xanh.
Rồi chú chụp lấy trâu (tranh 4), rồi xỏ mũi,
cột cổ, đập đánh, canh chừng không rời mắt, quyết dõng mãnh để mà chiến
thắng. Lần lần trâu thuần tánh ngoan ngoãn theo chú như bóng theo hình
(tranh 5). Rồi chú cỡi trâu về nhà, miệng thổi sáo, hát líu lo, lòng vui
không nói được (tranh 6 : kỵ ngưu quy gia).
Cỡi trâu về nhà là cỡi tâm về chỗ ban sơ.
Người ta đi tìm trâu vì trong đôi giây phút
khác thường nào đó, người ta đâm ngờ bản thân mình, cũng như ngờ những
điều mắt thấy tai nghe. Có nghi mới có tìm. Có tìm ắt gặp dấu. Gặp dấu
trong kinh sách, và nhất là trong những phút trống trải, cảnh vắng, đêm
tàn, trí óc nhẹ suy tư, con người bỗng dưng như đối diện với chính mình
trong một niềm đau thương và kỳ thú khó nói.
Thế là bắt được dấu, con người phăn mối đi
tìm trâu. Đó là giai đoạn ngoại cầu. Ngoại cầu là "khiến Phật đi tìm
Phật, sai tâm đi bắt tâm" (Hy Vận). Tâm ở đâu mà bắt ? Thử coi : lần
lượt qua sáu bức họa, ta thấy khoảng cách giữa trâu và người chăn trâu
cứ thâu ngắn lại mãi cho đến rốt cuộc người chăn trâu ngồi hẳn trên lưng
trâu, trâu với người nhập làm một. Vậy nên hỏi rằng tâm ở đâu chẳng khác
nào hỏi trâu ở đâu trong khi chính ta đang cỡi trên lưng trâu. Ta đã
đuổi bắt tâm khắp đó đây, rốt cuộc mới nhận ra rằng tâm ở nơi ta ; ta
chỉ cần dừng bước lại là nó hiện liền trước mắt, và sự vật hiện nguyên
hình trong ánh sáng mới lạ.
Dừng bước lại : ai ngờ đâu cái việc làm hết
sức là vô vi ấy lại có một thần lực nhiệm mầu có thể thay đổi cả cuộc
diện của một kiếp người, cả một lớp người. Nếu thỉnh thoảng loài người
chúng ta biết dừng chân lại vài phút, ngồi im một chỗ vài phút - vài
phút thôi - thì khuôn mặt của thế gian nầy chắc không đến đỗi quá nhăn
nhíu như ngày nay.
2. TÂM VÔ TÂM
Tuy nhiên, còn tâm là còn cảnh. Còn cảnh thì
còn "xúc cảnh sanh tình". "Tình sanh thì trí cách". Tâm, cảnh, tình kết
dính vào nhau trong cái thế liên hoàn, cái vòng nhơn duyên gây ray rứt,
mâu thuẫn.
Đạo không có mâu thuẫn. Thiền là "bất nhị
pháp môn", không hai mà cũng không một.
Mâu thuẫn là do tâm, do niệm.
Ta niệm vì ta tưởng rằng mình thiếu một cái
gì, nên đi tìm ở ngoài mình để đắp vào. Thiền dạy rằng ta không thiếu gì
hết, tự đời thuở nào ta vốn là tròn đầy, ngàn trước, ngàn sau. Ta không
thiếu. Trái lại ta có dư : cái hại là ở đó. Ta dư đủ thứ do niệm đặt bày
ra, do suy tư vẽ vời thêm, đủ thứ. Những cái dư ấy, gọi chung là vô
minh. Vô minh vốn không thật, nên không ai hoài công mà trừ nó bao giờ,
mà chỉ cần tự tri tự giác thôi. Tự biết được "con người thật" của mình
thì vô minh tan mất, như bóng tối tan trước vừng dương. Phật dạy trong
kinh Viên Giác :
tri huyễn tức li
li huyễn tức giác
là vậy.
Cũng vậy, khi sư Huệ Khả ra mắt tổ Đạt Ma xin
pháp an tâm, Tổ dạy : Người đem "tâm" lại đây ta "an" cho. Sư lính
quýnh hồi lâu, sau đành thú thiệt : Con tìm mãi mà không thấy được tâm.
Tổ dạy : Thầy đã "an" rồi cái "tâm" của con đó.
Như vậy, cái việc mà ta quen gọi là phá vọng
không còn là một việc làm nữa - nếu không nói là một việc làm VÔ VI - mà
xét cùng ra chỉ là một sự nhận thức thôi, một prise de conscience - nhận
thức tánh Phật bổn lai ở trong ta.
Vậy, sau giai đoạn ngoại cầu, tiếp theo là
giai đoạn tự tri tự giác. Tự tri không phải bằng suy niệm mà bằng dứt
niệm; dứt niệm bằng những phép tu tập rất vô vi, như tịnh quán chẳng
hạn. Bằng tịnh quán, con người thấy, - xin nói rõ là thấy, là kiến, là
tri kiến, chớ không phải là học, là nghĩ, hay nghe nói, (tất cả bí quyết
của sự chứng ngộ đều nằm ở chữ thấy đó) - thấy tâm không thật, thấy
người không thật.
Thấy tâm không thật thì tâm dứt : trâu quên
(tranh 7 : vong ngưu tồn nhân).
Thấy người không thật thì người quên nốt (tranh 8 : nhân ngưu câu
vong).
Người và trâu đều quên, thì tự lòng đất dõng
mãnh vọt lên mặt trời huệ, tượng trưng bằng cái vòng tròn Viên Giác
(tranh 8). Đó là Tâm vô Tâm. "Biết cái tâm là không tâm, ấy là hiểu suốt
đạo Phật".
Sau đây, chúng tôi xin mượn lời giáo sư Thiền
học Suzuki đóng lại đoạn nầy :
"Đứng về mặt tâm lý, giác là vượt ra ngoài
vòng ràng buộc của bản ngã".
"Về mặt lý luận, giác là viên dung có và không".
"Về mặt siêu hình, giác là trực ngộ được cái lẽ tự tại là luân hồi,
luân hồi là tự tại".
3. BÌNH THƯỜNG TÂM
Thiền cho rằng vô tâm chưa phải là đạo, mà
còn phải qua một quan ải nữa:
Mạc vị vô tâm vân thị đạo
Vô tâm do cách nhất trùng quan.
(Trần Thái Tôn)
Thật vậy, trong đêm cuối cùng, khi đức Phật
ngồi ở cột bồ đề, Ngài lần lượt xuất gia và nhập ba từng cảnh giới tâm
linh (dục giới, sắc giới, vô sắc giới) tức là Ngài đang chứng được cái
tâm vô tâm. Song Ngài còn phải thức tỉnh dậy nữa, nhờ ánh sao mai, để mà
trở về ý thức bình thường. Từ trạng thái "nhân cảnh câu đoạt". Ngài phải
trở về trạng thái "nhân cảnh câu bất đoạn" (Cảnh và người đều giữ
nguyên.Chữ của Thiền Lâm Tế trong pháp "tứ liệu giản") để trả lại tất cả
cho cuộc sống thường nhiên.
Trở về là trở về với trời đất, với muôn sinh,
với nguồn sống vô tận ở trong ta và ở ngoài ta, trở về để, như mọi
người, "thấy núi chỉ là núi, thấy nước chỉ là nước".
Trở về với trời đất - Trở về với trời đất,
với Pháp giới : đó là ý nghĩa của bức họa số 9, đề "Phản bổn hoàn
nguyên", và vẽ cảnh lá rụng về cội, nước chảy về nguồn.
Tự đời thuở nào, con người vốn là thanh tịnh,
vốn là không, nên Thiền dạy khỏi phải làm hết, chỉ cần thấy tánh là được
trở về để mà nhập cuộc.
Nhập cuộc là nhập vào cái trật tự tự nhiên,
không thỉ không chung của trời đất.
Trong trật tự ấy, chúng sanh là một pháp vô
tâm nên vô sự. Viên sỏi bên đường là một pháp vô sự nên vô vi. Muôn pháp
đều vô vi mà bình đẳng nhau trong pháp giới vô ngại : nước chảy, hoa
trôi, trăng lên, gió mát. Muôn vật đều vô ngại nên tự tại, không phải tự
tại ở Niết Bàn, không phải tự tại trong phiền não mà tự tại trong KHÔNG
: Niết Bàn và phiền não chỉ là trò ảo thuật của tâm. Trong trạng thái
KHÔNG ấy, những danh từ thánh phàm phải trái, tỉnh mê, đều mất nghĩa,
tất cả đều là đại đồng, ứng hóa từ một giác tánh, nên :
Nhất thiết không Niết Bàn
Không có Niết Bàn Phật
Không có Phật Niết Bàn
(Lăng Già)
TẤT CẢ là MỘT. MỘT là TẤT CẢ
Một hột bụi chứ đủ ba ngàn thế giới. Bà ngàn
thế giới là một hột bụi: đều là KHÔNG.
"Có thì có tự mảy may,
Không thì cả thế gian này cũng không.
Nhìn xem bóng nguyệt giòng sông,
Ai hay không có có không là vầy".
(Huyền Quang tôn giả)
Đó là cái thấy của hàng bồ tát "quán tự tại",
nghĩa là quán đến chỗ cùng tột và tuyệt đối của sự vật.
Trở về với thế tục -... Dưới lớp áo của thế
tục, đạo sĩ trộn lẫn vào cát bụi của tình đời. Vả, cát bụi cũng không
thấy là bợn dơ nữa, mà chỉ còn là một diệu dụng, như hằng sa diệu dụng
khác, của Giác Tánh Bồ Đề. Đạo sĩ không phải là Phật, là Bồ Tát, mà chỉ
là một người thường, rất thường, một người vô tâm vô sự, vô tích sự, một
người không là gì hết, một "vô vị chân nhân".
"vào rừng không khua ua lá
vào nước không quậy sóng"
(nhập lâm bất động thảo
nhập thủy bất lập ba)
Trở về với thế tục là trở về với cái tâm bình
thường. Thiền dạy : "Bình thường tâm thị đạo".
Quốc sư Phù Vân đời nhà Trần nói :
"Lấy cái muốn của thiên hạ làm cái muốn của
mình.
Lấy cái tâm của thiên hạ làm cái tâm của mình".
Cái muốn ấy chính là cái muốn mà đức Khổng Tử
phải chờ đến bảy mươi tuổi mới dám muốn, sau khi chứng lý "vô ngã" :
"Thất thập tòng tâm chi sở dục".
Chứng được đạo lý ấy thì làm gì cũng hiệp
đạo, "không theo không lìa, không dừng không dính, tung hoành tự tại,
đâu phải là đạo tràng" pháp nào là Phật pháp, đi đứng nằm ngồi cũng là
Phật pháp, chém rắn giết mèo cũng là Phật pháp, đói ăn khát uống cũng là
Phật pháp.
Cho nên Tổ Huệ Trung Trần Quốc Tảng, mới ung
dung ngồi ăn thịt cá, khiến bà em là hoàng hậu Khâm Từ lấy làm lạ hỏi :
- Anh đi tu mà lại ăn cá thịt sao thành Phật
được?
Ngài cười đáp :
- Phật là Phật, anh là anh. Anh chẳng cần
làm ra Phật, cũng như Phật chẳng cần làm ra anh. Hoàng hậu chẳng nghe Cổ
Đức nói "Văn Thù là Văn Thù, mà giải thoát là giải thoát" đó ư ?
Cho nên vị sư trong THẬP MỤC NGƯU ĐỔ thõng
tay đi vào chợ, tay ôm bầu nước, tay chống gậy tre, đánh bạn với bợm
nhậu và phường thọc huyết heo - "tụi nó và thầy đều là Phật cả mà"
(tranh 10). Đó là vô trụ Niết Bàn.
KẾT LUẬN
Để gom hết yếu lý chung của mười bức tranh
chăn trâu, chúng tôi xin chép lại bài kệ sau đây thay lời kết luận :
Tầm ngưu tu phóng tích
Học đạo quí vô tâm
Tích tại, ngưu hoàn tại
Vô tâm đạo dị tầm
Nghĩa :
Tìm trâu cần phăn dấu
Học đạo cốt vô tâm
Dấu đâu thì trâu đó
Vô tâm đạo dễ tâm
Phước Châu Đại An hỏi :
- Tôi khao khát hiểu pháp Phật, đó như cái
gì ? Bách Trượng đáp : Hệt như cỡi trâu tìm trâu.
Hỏi : Hiểu rồi thì như thế nào ?
Đáp : Như người cỡi trâu về nhà.
Hỏi : Rồi làm sao giữ cho trước sau khế hợp ?
Đáp : Như người chăn trâu cầm roi giữ trâu mình đừng phạm đến lúa mạ của
người.
______________
PHỤ LỤC
Thi tụng và Họa của các Thiền Sư về Tranh
Chăn Trâu .
TUỆ SỸ soạn tập
Giới thiệu
Theo chỗ tôi biết, tác phẩm này đã được soạn
từ lâu, nhưng một số các bài thi tụng chưa được tìm thấy đầy đủ, nên tác
giả có ý để dành lại. Bây giờ, sửa chữa hay thêm thắt không còn là vấn
đề nữa. Nó là một di cảo.
Thuở sinh tiền, tác giả có nói chuyện với tôi
về các bài thi tụng, nhưng tôi chưa kịp mang đến tác giả tiện bề tham
khảo. Nay, tôi cố gắng sưu tập chúng, in vào phần phụ lục này, gọi là
một chút tưởng nhớ.
Tài liệu này, tôi rút ra từ Tục Tạng Kinh
bản chữ Vạn, quyển 113, phần "Thiền tông trước thuật bộ". Trong đó, có
ba bản cùng một tiêu đề chung là Thập ngưu đồ tụng.
Bản thứ nhất, gồm mười hai thi tụng của Quách
Am, luôn cả những bài họa của Thạch Cổ hòa thượng và Hoại Nạp Liễn hòa
thượng, với một bài tựa do chính Quách Am viết, và những lời dẫn về các
bức tranh, cũng của Quách Am (Quách Am ; Pháp hiệu Sư Viễn, phủ Thường
Đức, Lương Sơn, dòng Lâm Tế, đời thứ 15 kể từ Nam Nhạc trở xuống, Sư là
đệ tử của Đại Tùy Tĩnh thiền sư).
Bản thứ hai, tiêu đề riêng là Tân khắc Thiền
tông Thập ngưu đồ, do Hồ Văn Hoán soạn tập. Bản này chép những bài vịnh
của Phổ Minh thiền sư, và các bài họa của Vân Cái. Ngoài các bức tranh
chăn trâu, Hồ Văn Hoán còn cho in cả các bức tranh về "Khổ lạc nhân
duyên", mà theo lời ông, ghi trong bài tựa, cả hai loại tranh hình như
cùng có một ý nghĩa như nhau, là thuật luyện Tâm. Cuối cùng là một bài
thơ "Tổng Đề" của Hồ Văn Hoán. Bài thơ ấy như sau :
Quán bãi ngưu đồ diệc liễu nhiên
Tái quan khổ lạc hữu nhân duyên
Giả nhiêu bán tánh phi Không hậu
Tất cánh viên quang bất hiện tiền
Đả phá Thiền cơ Tam hữu Phật
Thoát ly ác thú phục tàng thiên
Yếu tri thử diệc phi nan sự
Thí bả công phu trước nhất tiên.
Bản thứ ba, gồm các bài họa tụng của 15 thiền
sư về vịnh chăn trâu của Phổ Minh thiền sư. Bản này có một bài tựa của
Chu Hoằng, một bài tựa của Đô Lịch đạo nhân, một bài tựa và danh sách
các thiền sư hoa tụng của Như Niệm Không. Cuối cùng còn in riêng mười
bài về tranh trâu trắng của Cự Triệt thiền sư. Điều đáng để ý là, trong
bản này, có nhiều chữ bị mất, mà Hội Phật giáo Trung Quốc in lại năm
1957 đành bỏ trống.
Trong phụ lục này, tôi dịch tất cả các bài đã
được kể trên. Trừ bài tựa của Hồ Văn Hoán, chỉ dịch một nửa, lược bỏ
đoạn đề cập về tranh "Khổ lạc Nhân duyên". Độc giả sẽ thấy các bài tựa
này cung cấp khá nhiều chi tiết liên quan đến tranh chăn trâu. Do đó,
tôi chỉ dịch mà không dẫn giải. Ngoài ra, tôi dịch trọn mười bài tụng
của Quách Am, mười bài vịnh của Phổ Minh, và mười bài về tranh trâu
trắng của Cự Triệt. Những bài khác lược bỏ.
Dịch mà không dẫn giải, còn một lý do khác.
Ngoài lý do, những gì cần nói, đã được tác giả của tập sách nói rất đầy
đủ, về hình thức, nội dung cũng như gốc gác của các loại tranh chăn trâu
; và tài liệu của các bài tựa được dịch cũng nói rất nhiều ; ở đây, lý
do riêng của tôi là tránh làm rối loạn một di cảo, khiến cho sai lạc bản
ý của tác giả. Vả lại, đến bây giờ, tôi vẫn không rõ những tài liệu mà
tôi dịch ở đây có phải những gì mà tác giả cần có hay không. Vì tôi chưa
có thời gian để học lại tác giả, nay thì không bao giờ có thể hỏi được
nữa.
Tôi chỉ mong việc làm này, nếu không cần
thiết theo bản ý của tác giả, thì cũng không đến nỗi làm lạc ý của tác
giả. Như thế gọi là có thể tưởng nhớ được một chút tình tri ngộ của tôi
đối với tác giả, kể từ khi cộng tác cho tạp chí Vạn Hạnh, và trong những
năm cùng dạy học tại Viện Đại Học Vạn Hạnh. Vậy, mong độc giả dành cho
Phụ lục này một vị trí khiêm nhượng trong tập sách, để khỏi phụ lòng tác
giả.
Tu Viện Quảng Hương, VII, 1972
_______________
MƯỜI BÀI TỤNG CHĂN TRÂU
Của Hòa Thượng Quách Am
TỰA
Chúng sanh vốn đã có sẵn cái nguồn suối Chân
tánh của chư Phật : nếu mê, phải chịu trôi lăn trong tam giới, nếu ngộ,
tức khắc vượt ngay ra ngoài cõi tứ sinh. Do đó, có kẻ thì thành Phật, có
hạng thì làm chúng sinh.
Các bậc hiền triết xưa, với tấm lòng thương
yêu, đã bằng mọi cách dựng lên lắm đường đi. Về Lý, thì vượt những méo
mó hay tròn đầy ; về Giáo nêu cao Đốn hoặc Tiệm. Từ thô sơ cho đến tinh
tế, từ cạn cợt cho đến sâu sắc, cuối cùng, trong một chớp mắt, đóa sen
xanh đã gợi lên nụ cười chúm chím của Đầu đà (Ca Diếp). Chánh pháp nhãn
tạng từ đó chảy cùng khắp thiên thượng nhân gian, cõi này và cõi khác.
Ai nắm được Lý của nó, thi siêu tông vượt cách, như đường chim không vết
tích. Ai chỉ nắm được Sự của nó, tất lặn lội trong vũng ngôn từ, như con
linh qui lết đuôi trong bùn lầy vậy.
Gần đây, có Thanh Cư thiền sư, ngài quán sát
căn khí của chúng sinh, theo bệnh mà cho thuốc, soạn những bức tranh
chăn trâu, tùy cơ trình bày giáo nghĩa. Từ buổi đầu, dần dần trắng, nêu
rõ lực lượng còn yếu kém. Lần hồi, đến chỗ thuần chân, biểu trưng cho
căn cơ đang tỏa dần. Cho tới lúc, người và trâu không còn thấy nữa, đó
là tiêu biểu cho yếu lý rằng Tâm và Pháp thảy đều quên hết và cũng tiêu
biểu cho giáo pháp nói rằng đã thấu suốt căn nguyên rồi vậy. Còn để lại
cái nón lá, do đó, khiến cho kẻ căn khi thấp kém ngờ vực, bậc trung và
bậc hạ phân vân. Hoặc ngờ nó rơi vào cõi hư vô, hoặc cho là nó rớt vào
cái chấp thường hữu.
Nay xét ra, ngài thiền sư phỏng theo mô phạm
của các đấng tiền hiền, rút ra từ lưng túi của mình làm mười bài thi
tụng tuyệt tác, những luồng sáng giao nhau phản ảnh. Bắt đầu từ chỗ lạc
mất, cuối cùng đến chỗ hoàn nguyên ; khéo léo phù hợp với mọi lớp căn
cơ, lòng từ xa rộng cứu cơn đói khát. Do đó, tìm tòi diệu nghĩa, lượm
lặt huyền vi, như kiếm đồ ăn cho sứa, làm mắt sáng cho loài cua biển.
Bắt đầu từ việc tìm trâu, cho đến lúc đi vào chợ, thật như là đất bằng
sóng dậy, đầu bỗng mọc thêm sừng. Tâm còn chẳng có để mà mò, thì làm gì
có trâu để phải kiếm. Đậu lại nơi chỗ vào chợ, sao mà quỷ quái thế ? Thế
là còn làm cho các ông không biết tai vạ, con cháu chẳng biết đâu mà
lường. Đây, tôi thử hoang đường soạn ra đề xướng.
I.- MẤT TRÂU
DẪN - Xưa nay đâu có mất, săn tìm chi ? Bởi,
quay lưng với Giác mà thành ra lỏng lẻo ; sấn bước vào Trần nên mới bị
mất đi. Từ đó, quê hương càng lúc càng diệu vợi, mà đường sá lại gập
ghềnh. Cái lẽ được và mất đã cháy bừng bừng ; phải và quấy mọc lên tua
tủa.
TỤNG
Mang mang bát thảo khứ truy tầm
Thủy thoát sơn diêu lộ cánh thâm
Lực tận thần bì vô mịch xứ
Đản văn phong thụ vãn thiền ngâm
Nức lòng vạch cỏ rong tìm
Non xa nước rộng đường chim mịt mù
Sức cùng dạ mỏi tìm mô ?
Rừng phong bóng ngả nghe hồ ve ngâm.
II.- TÌM TRÂU
DẪN - Mò kinh để thấy nghĩa, học giáo để tìm
ra tung tích. Rõ, bao khí dụng chỉ một chất vàng, hết thảy tạo vật là
chính ta cả. Chính tà khỏi lựa, chân ngụy khỏi phân. Bởi chưa vào được
cửa đó, nên mượn tiếng kêu là "thấy dấu".
TỤNG
Thủy biên lâm hạ tích thiên đa
Phương thảo li phi kiến dã ma
Túng thị sơn thâm cánh thâm sứ
Liêu thiêu khổng tị tạc tàng tha
Dấu chân dọc bến ven rừng
Cỏ non chằng chịt biết chừng đâu đây ?
Non kia cứ vẫn xa dầy
Trời cao mũi hẹp dấu mày được ư ?
III. - THẤY TRÂU
DẪN - Theo tiếng mà vào, ghé mắt là thấy. Cửa
sáu căn tỏ rõ không nhầm ; ngay nơi động dụng rành rành hiển lộ. Chất
mặn trong nước, chất xanh trong màu. Vén lông mày lên, là nó chứ ai !
TỤNG
Hoàng li chi thượng nhất thanh thanh
Nhật noản phong hòa ngạn liễu thanh
Chỉ thử cánh vô hồi thị xứ
Sâm sâm đầu giác họa nan thành
Vàng anh trên ngọn líu lo
Gió reo nắng ấm bên bờ cỏ xanh
Chỗ này thôi hết chạy quanh
Đầu sừng rối rắm khó thành vẽ lên.
IV.- ĐƯỢC TRÂU
DẪN - Từ lâu, vùi lấp ngoài đồng hoang, hôm
nay đã gặp mi. Bởi cảnh đẹp nên khó lòng đuổi, đắm say cỏ non hoài mãi
không thôi. Cứng đầu còn quá lắm, tính buông lung chưa hết. Muốn cho
chịu khép mọi bề, cần cho roi vọt.
TỤNG
Kiệt tận thần thông hoạch đắc cừ
Tâm cường lực tráng tốt nan trừ
Hữu thời tài đáo cao nguyên thượng
Hựu nhập yên vân thâm xứ cư
Trăm đường mới chộp được mi
Cứng đầu hăng tiết chưa qui thuận nào
Thoảng khi dắt đến gò cao
Lại trông mây nổi dạt dào buông lung.
V.- CHĂN TRÂU
DẪN - Niệm trước vừa khởi, niệm sau tiếp
theo. Bởi đã Giác nên thành Chân. Bởi tại mê, hóa ra vọng. Chẳng phải lo
cảnh mà có, nhưng chính do tâm mà sinh. Xỏ mũi, cùm đầu, không chần chờ
gì nữa.
TỤNG
Tiên sách thời thời bất li thán
Khủng y túng bộ nhập ai trần
Tương tương mục đắc thuần hòa dã
Cơ tỏa vô ức tự trục nhân
Cây roi mang sẵn kè
Ngại y tung vó theo bè trần ai
Sửa lưng, mày đó ta đây
Trói chân cho kỹ, mày quây đường nào ?
VI.- CƯỠI TRÂU VỀ NHÀ
DẪN - Đã hết cuộc can qua, đã rồi câu được
mất. Hát bài ca đồng của anh đốn củi, thổi điệu khúc quê của chú bé con.
Vắt mình trên trâu, mắt mở nhìn mây vời vợi. Kêu réo, không quay đầu ;
kéo lôi, cũng chẳng dừng bước.
TỤNG
Kỵ ngưu đà lê dục hoàn gia
Khương địch thanh thanh tống vãn hà
Nhất phách nhất ca vô hạn ý
Tri âm hà tất cổ thần nha
Lưng trâu bước chậm ta về
Sáo lên vi vút ngoài tê ráng chiều
Vừa ca vừa nhịp hiêu hiêu
Tri âm rồi khỏi ra điều nọ kia
VII. - QUÊN TRÂU CÒN NGƯỜI
DẪN - Pháp không là pháp phân hai, mắt trâu
là tông chỉ. Mượn tiếng "bẩy thỏ" để dụ cho dị danh; lấy chữ "dò cá" để
nêu cái sai biệt. Như vàng ròng rút ra từ đống quặng ; như trăng tỏ vén
khỏi cụm mây. Một đạo hàn quang qua khỏi kiếp Uy Âm vô thủy.
TỤNG
Kỵ ngưu dĩ đắc đáo gia sơn
Ngưu dã không hề nhân dã nhàn
Hồng nhật tam can do tác mộng
Tiên thằng thông độn thảo đường gian
Lưng trâu thoắt đã quê mình
Buông trâu mất hút mặc tình thong dong
Nắng cao còn đượm giấc nồng
Quăng roi nhà cỏ hết dùng nữa thôi
VIII. - NGƯỜI TRÂU ĐỀU QUÊN
DẪN - Buông bỏ tình phàm, thì ý Thánh cũng
không. Chỗ có Phật cũng không thèm rong chơi, chỗ không Phật cũng không
thèm ngó lại. Không vướng đầu này hay đầu nọ, không liếc xéo nơi này hay
nơi kia. Hàng trăm con chim ngậm hoa, thẹn sao là thẹn !
TỤNG
Tiên sách nhân ngưu tận thuộc không
Bích thiên liêu quách tín nan thông
Hồng lô diệm thượng tranh dung tuyệt
Đáo thử phương năng hiệp tổ tông
Người, Trâu, roi vọt đều không
Trời xanh vời vợi mù trông chốc mòng
Tuyết khoe trắng giữa than hồng
Cội nguồn quê quán tao phùng một phen
IX.- PHẢN BẢN HOÀN NGUYÊN
DẪN - Bản lai thanh tịnh, không vướng một mảy
trần. Quán sát vẽ tươi và héo của những gì là hữu tướng, an thân trong
cảnh ngưng tịch của đạo vô vi. Không đồng với huyễn hóa, cần gì phải tu,
phải trị. Nước biếc, non xanh, ngồi mà xem cuộc thành bại.
TỤNG
Phản bản hoàn nguyên dĩ phí công
Tịnh như trực hạ nhược manh lung
Am trung bất kiến am tiền vật
Thủy tự mang mang hoa tự hồng
Mắt công mò lại cội nguồn
Trắng trong một dải ra tuồng điếc đui
Trong am không thấy cõi nào
Ngoài kia hoa thắm nước trào mênh mông
X.- VÀO CHỢ BUÔNG TAY
DẪN - Khép cánh cửa sài, một mình một bóng,
dù Thánh Hiền vạn cổ cũng không hay. Chôn vùi cái văn vẻ của riêng ta,
bỏ lại lối mòn của cổ đức. Mang bầu vào chợ, chống gậy về nhà, hàng rượu
hàng cá, dạy cho thành Phật hết.
TỤNG
Lộ hung tiễn túc nhập triền lai
Phù thổ đồ hôi thiếu mãn tai
Bất dụng thần tiên chân bí quyết
Trực giao khô mộc phóng hoa khai
Lưng trần chân đất chợ người
Cát lầm bụi vẫn ta cười say sưa
Thần tiên bí quyết cũng thừa
Cây khô thoắt đã đong đưa nhụy vàng.
____________
ĐỀ TỤNG CỦA PHỒ MINH THIỀN SƯ
TỰA của Phật tử Hồ Văn Hoán.
Tân khắc Thiền tông thập ngưu đồ
Tranh chăn trâu, vốn được Thiền tông dùng để
thí dụ cho sự tu tâm chứng đạo. Mục đồng, tức là Người ; Trâu chỉ cho
Tâm. Vòng ánh sáng tròn tức là Người và Tâm đã đến chỗ thuần nhất, chứng
được đạo Bản Nhiên.
Tâm, là cái ai mà chẳng có. Có thì phải biết
cách sửa trị. Đạo, người nào lại không sẵn. Đã sẵn, tất phải làm sao để
chứng. Nhưng, lẽ đó đâu phải riêng nơi Thiền tông mới có, để thí dụ. Bọn
ta dù là theo Nho, cũng đồng với lẽ ấy. Cũng chẳng phải riêng gì bọn Nho
chúng ta mới đồng với lẽ ấy, mà mọi người trong thiên hạ thảy đều đồng.
Nói gọn lại, từ đầu đền cuối không khác nhau. Lẽ này quá rõ. Nhưng lần
hồi ta bị vật dục che lấp mất, cho nên cam phận trâu bò cũng chẳng bằng
vậy. Trâu mà còn có thể dạy nho thuần, trong khi, Tâm mà bảo rằng không
thể sửa, quả là điều chưa từng có.
TỰA của Chu Hoằng
Kinh Di giáo nói: "Y như chăn trâu, cầm gậy
canh chừng, không để nó buông lung phạm vào lúa mạ của người ta". Thế
thì, thuyết chăn trâu bắt nguồn từ đó.
Kế tiếp theo, có Mã Tổ. Ngài hỏi Thạch Củng:
"Chú làm gì đây?" Đáp "Chăn trâu". Lại hỏi: "Chăn như thế nào?" Đáp:
"Mỗi khi nó chạy a vào đồng cỏ, thì xỏ mũi kéo lui lại, thế là người
chăn giỏi".
Lại nữa, ngài Đại Qui An, vốn ở tại Qui Sơn,
có nói: "Tôi nương nơi Qui Sơn, nhưng không học Thiền Qui Sơn, mà chỉ
chăn một con trâu".
Lại nữa, ngài Bạch Vân Nghĩa Đoan hỏi vặn
Quách Công Phu rằng ? "Trâu thuần chưa?"
Tự mình chăn, hay dạy kẻ khác chăn, đã thấy
lũ lượt có, xưa nay cũng khá nhiều, thật là rành rõi. Về sau mới có
người vẽ thành tranh. Bắt đầu từ lúc chưa chăn, cho đến lúc cả hai đều
mất hút, trình bày thành mười chặng, và trâu cũng theo thứ tự, từ đen
đến trắng, cuối cùng không còn màu trắng tinh ròng nào để mà tả nổi.
Ngài Phổ Minh lại kèm theo mỗi chặng một bài tụng.
Phổ Minh, chưa rõ gốc gác là ai. Tranh và
tụng cũng chưa rõ có phải do tay của một người hay không. Nay không bàn
chuyện đó. Chỉ xét các bức tranh, biểu tượng thì rất rõ mà ý chỉ lại sâu
sắc. Còn các bài tụng, lời gần gũi nhưng ý xa xôi. Người học cầm lấy mà
làm bản đồ, để xét lại đức của mình hầu thành đạt sự nghiệp. Cúi xuống,
xét chỗ thành tựu của mình ; ngửa lên, trông vào chỗ chưa đến để đến.
Khỏi mắc chừng được ít đã cho là đủ, sa đọa vào tính kiêu mạn tự phụ.
Như thế, giúp ích được rất nhiều. Tôi liền sao lục, cho đúc lại các bản
gỗ. Ngoài ra, có bộ tranh vẽ, từ chỗ "tìm trâu" đến chỗ "vào chợ" gồm
mười bức, đại đồng tiểu dị với bộ tranh này. Thêm nữa, cứ theo sự phân
biệt của giáo điển về thứ lớp tiến tu, có thể so sánh mà biết. Tôi cho
in phụ vào cuốn sách để tiện tham khảo. Nếu là kẻ một phen vượt lên là
vào thẳng, không mất công roi rọt, mà trâu đã trắng rõ thiên nhiên,
không phải theo thứ bậc, trong khoảnh khắc năng và sở cùng tuyệt hết,
với người đó, tranh hóa ra đồ bỏ, và tụng cũng thành lời thừa, xem qua
chắc chẳng khỏi một trận cười. Tôi không ép.
Niên hiệu Vạn lịch, năm Kỷ dậu, ngày Như Lai
khánh đản, kẻ hậu học, CHU HOẰNG, kính cẩn viết TỰA.
TỰA của Độ Lịch
Ôi chao! Trọn cả trái đất là một con trâu của
Phổ Minh, chỗ nào còn có Phật và chúng sinh nữa? Không cách biệt mảy
may, vốn là Như Như. Nếu nói rằng, trâu này có đen có trắng, có đực có
cái, có đói có no, chỉ là một Thể mà được phân làm hai, thì, khi đức Thế
Tôn mới sinh, chỉ trời chỉ đất, đi một vòng, mắt dòm dõ, phạm vào lúa mạ
người ta không phải ít. Tổ sư Tây đến, chỉ thẳng Tâm người, thấy tánh
thành Phật, đã ăn cỏ uống nước của người ta quá nhiều. Ba huyền yếu, bốn
liệu giản, năm vị quân thần, chín mươi sáu viên tướng, chịu hết roi vọt,
cho đến dộng chày dựng phất, hươi gậy la hét, đủ mọi cách dùng, lông lá
rụng cả, bốn vó lún dấu, để cho một cổ trâu trốn chỗ nào chả biết. Đến
chỗ này thì, lớp quan ải dày đã bị phá, thử nói, bên trên kia còn có sự
gì chăng ? Cầm phất tử vẽ viên tướng, bảo rằng: "Trong lửa trâu gỗ cày
mây trắng, trong mây ngựa đá dỡn gió xuân". Hiểu hay không hiểu? Xin xem
các bài tụng chăn trâu, và các vần họa của chư phương ; rút lại, có chỗ
nào hơn kém hay không?
Lâm Tế chánh tông, đời thứ 32, Độ Lịch đạo
nhân Nghiêm Đại Tham kính cẩn đề tựa.
TỰA của Như Niệm Không
(Viết cho các bài tụng tranh chăn trâu của
Phổ Minh và phụ họa tụng của các Đại Thiền sư).
Ngài Vân Thê Liên Trì đại sư (Chu Hoằng),
soạn bản gỗ cho các bài tụng gốc của Phổ Minh, có viết Tựa nói : "chưa
biết Phổ Minh là ai". Thế thì, cũng không rõ đạo tràng của sư ở đâu vậy.
Năm tân sửu (1661), mùa đông, tôi về làng làm
việc. Năm Nhâm Dần (1662), mùa hạ, cư sĩ Đạc Lịch mang đầu mối của Phổ
Minh và các bức tranh trong chùa cũ ra cho xem, mới biết nhân duyên ở
đây. Cư sĩ đã khôi phục lại nền móng của chùa, ban đầu mời Huyền Vi
thiền sư, kế đến mời Ngài Minh Nham, chùa chiền sáng rỡ, phòng liêu dẫy
đầy, tương lai có cơ thành hang sư tử. Tôi tìm thấy các bài tụng của chư
phương, vui mừng không thể tả, bắt chước cũng họa theo, và đem tranh
cùng các bài họa tụng hiệp thành một quyển để lưu thông.
MỤC LỤC các bài họa tụng
Văn Cốc đại sư
Thiên Ẩn thiền sư
Phá Sơn thiền sư
Vạn Như thiền sư
Phù Thạch thiền sư
Ngọc Lâm thiền sư
Nhược Am thiền sư
Sơn Tỳ thiền sư
Huyền Vi thiền sư
Hương Tràng pháp chủ
Đạc Lịch cư sĩ
Như Niệm đạo nhân què
Vô Y đạo nhân
Mục Công đạo nhân
Cự Triệt thiền sư (phụ các bài tụng trâu trắng)
Khang Hy nguyên niên (1662), tháng mạnh thu, ngụ Bát Nhã đưng, Như Niệm
Không, kính tường.
_____________
THI TỤNG của PhỒ MINH THIỀN SƯ
I.- CHƯA CHĂN
Sanh nanh đầu giác tứ bào hao
Bôn tẩu khê sơn lộ chuyển dao
Nhất phiến hắc vân hành cốc khẩu
Thùy tri bộ bộ phạm gia miêu
Đầu sừng hung bạo kêu la
Ngược xuôi rừng suối đường xa dặm ngàn
Mây đen một dải ngoài hang
Lân la từng bước gậm càn mạ non
II.- MỚI DẮT
Ngã hữu mang thằng mạch tị xuyên
Nhất hồi bôn cạnh thống gia tiên
Tùng lai liệt tánh (khuyết ba chữ)
Do đắc sơn đồng tận lực khiên
Dây thừng xỏ mũi ta lôi
Một phen bứt chạy, lằn roi nặng nề
Vốn xưa dở tánh (.......)
Bây giờ chú mục sẵn kề một bên
III.- CHỊU KHÉP
Tiệm điều tiệm phục tức bôn trì
Đồ thủy xuyên vân bộ bộ tùy
Thủ bả mang thằng vô thiểu hoãn
Mục đồng chung nhật tự vong bì
Dần dà chịu khép mọi đường
Băng mây vượt nước dặm trường có nhau
Nắm dây ta giữ lấy đầu
Một ngày mệt lả ra mầu nhởn nhơ
IV.- QUAY ĐẦU
Nhật cửu công thâm thủy chuyển đầu
Điên cuồng tâm lực tiệm điều nhu
Sơn đồng vị khẳng toàn tương hứa
Do bả mang thằng thả hệ lưu
Ngày qua tháng lại lần khân
Hung hăng cuồng dại mấy phần chịu buông
Chú chăn ghé mắt trông chừng
Trong tay còn vững dây thừng chưa lơi
V. NGOAN NGOÃN
Lục dương âm hạ cổ khê biên
Phóng khứ thâu lai đắc tự nhiên
Nhật mộ bích vân phương thảo địa
Mục đồng quy khứ bất tu khiên
Dương xanh rủ bóng bên nguồn
Buông đi kéo lại ra tuồng thảnh thơi
Cỏ non, nắng quái, mây trời
Chú chăn thả bước tay lơi sợi thừng
VI.- KHÔNG NGẠI
Lô địa an niêm ý tự như
Bất lao tiên sách vĩnh vô câu
Sơn đồng ổn tọa thanh tùng hạ
Nhất khúc thăng bình lạc hữu dư
Giữa trời ru giấc thong dong
Khỏi công roi vọt, nhọc lòng kéo lôi
Cội từng chú mục ngồi chơi
Sáo lên vi vút nối lời vu vơ
VII. - BỎ MẶC
Liễu ngạn xuân ba tịch chiếu trung
Đạm yên phương thảo lục nhung nhung
Cơ xan khát ẩm tùy thời quá
Thạch thượng sơn đồng thùy chánh nồng
Làn xuân, nét liễu tà dương
Khói un cỏ biếc trông chừng dặm xa
Đói ăn khát uống la đà
Gối tay trên đá người ru giấc nồng
VIII. QUÊN NHAU
Bạch ngưu thường tại bạch vân trung
Nhân tự vô tâm ngưu diệc đồng
Nguyệt thấu bạch vân vân ảnh bạch
Bạch vân minh nguyệt nhiệm tây đông
Mây trời, trâu trắng một màu
Lòng người thơ thẩn, lòng trâu hững hờ
Bóng trăng qua lớp mây đưa
Mây treo cõi bắc, trăng tà cõi đông
IX. MỘT BÓNG
Ngưu nhi vô xứ mục đồng nhàn
Nhất phiến cô vân bích chướng gian
Phách thủ cao ca minh nguyệt hạ
Qui lai do hữu nhất trùng quan
Chú chăn thư thả không trâu
Làn mây vời vợi trên mầu non xanh
Vỗ tay ca, bóng trăng ngàn
Nẻo về quê cũ tấc giang ngại gì
X.- VẮNG HẾT
Nhân ngưu bất kiến yểu vô tung
Minh nguyệt quan hàn vạn tượng không
Nhược vấn kỳ trung đoan đích ý
Dã hoa phương thảo tự tòng tòng
Người, trâu vết tích là đâu ?
Trăng buông lạnh lẽo một bầu hư không
Hỏi thăm một lẽ tơ lòng
Kìa xem cỏ nội hoa đồng, chăng nhe ?
______________
CỰ TRIỆT THIỀN SƯ HỌA TRANH TRÂU TRẮNG
I.- MẤT TRÂU
Trâu ở phía tây, mặt hướng về tây.
Mục đồng ở phía đông, mặt hướng về đông.
Ngưu thượng ngưu hề, đồng thượng đồng
Ngưu đồng bối hướng các tây đông
Tiêm trần bất cách hà tiêu nhưỡng
Khoáng kiếp lai kim uổng tự hoăng
Chú, trâu, này chú nọ trâu
Chú, trâu hai ngả hai đầu đông tây
Bụi hồng cách một rèm mây
Thiên thu lơ láo những ngày lang thang
II.- TÌM TRÂU
Chủ nhân hỏi trâu ở đâu?
Mục đồng lơ láo.
Lại có một người từ phía tây đi đến, đưa tay chỉ về xa.
Hốt hương sơn đồng vấn bạch ngưu
Sơn đồng võng thác bất tri cầu
Bàng nhân thức đắc ngưu tung tích
Chỉ điểm sơn đồng cấp chuyển đầu
Thoắt đâu gạn hỏi sơn đồng
Mặt trơ mày dạn biết chừng là đâu
Có người hay được vết trâu
Đưa tay chỉ chú quay đầu về tây
III.- THẤY TRÂU
Chú nhắm phía tây mà chạy ;
thấy có nhiều dấu chân trâu trong đồng ruộng.
Đê hối mạch chuyển hướng khê tây (tê)
Nhất lộ thâm đề gián thiển đề
Đoan đích tân tri tầm cựu thức
Nhân ngư đáo thử lưỡng vô mê
Quanh co đèo suối về tây
Dấu chân rải rác thưa dày chen nhau
Đường kia nỗi nọ cơ cầu
Lần theo vết cũ đã hầu gặp nhau
IV.- THẤY TRÂU
Trâu trắng nằm yên trong đồng ruộng,
đồng tử nôm thấy, vui mừng.
Hạnh tận sơn thôn quá thủy thôn
Hảo trung hốt kiến bạch ngưu tôn
Hân hân ổn bộ phương khinh khoái
Suyễn tức sơ điều dữ tế luân (luận)
Trải bao xóm nước làn mây
Thoắt trông một cổ ở ngoài đồng hoang
Nhẹ chân cất bước vội vàng
Nén hơi kéo lại, nỗi mừng thấp cao
V.- ĐƯỢC TRÂU
Trâu trắng từ từ đứng dậy.
Đồng tử vui vẻ, vuốt ve lưng nó.
Bạt thiệp khê sơn khởi đạn lao
Bạch ngưu đốn hoặch giá di cao
Khoái tâm cửu biệt trùng tương khế
Thiện phủ thung dung hỉ phục thao
Rừng khe bao quản lội trèo
Đã may gặp gỡ già nào trọng hơn
Xa nhau mấy nổi nguồn cơn
Thong dong tay ướm tay nâng vỗ về
VI.- GIỮ TRÂU
Đồng tử rỗi rãi ngồi trên tảng đá.
Trâu trắng uống nước suối bằng thích.
Ngư thích nhân nhàn khước sấu phì
Phong thanh nguyệt bạch cửu vong ki
Ư hương dã lục doanh sơn cốc
Kỉ độ triêu huy ánh tịch huy
Mặc trâu không nại béo gầy
Trăng trong gió mát quên ngày đói no
Hương rừng cỏ núi mịt mù
Buâng khuâng nắng sớm đong đưa bóng chiều
VII.- CƯỠI TRÂU
Bóng chiều gác núi,
trâu trắng về ràng,
mục đầu vắt vẻo trên lưng,
thổi sáo làm vui.
Phóng khoảng kị qui thế sở hi
Liễu ti tiên ảnh nhiệm phong huy
Sơn đồng suy triệt vô sinh khúc
Địch vận như huy nhập cấm vi
Nghêu ngao lưng gối ai tày
Liễu tơ nghiên gió thoáng đầy bóng roi
Sơn đồng thổi khúc vui đời
Tà dương ruổi vận vào nơi cấm đình
VIII.- QUÊN TRÂU
Trăng sáng trên trời,
mục đồng vỗ tay ca hát một mình.
Bạch cổ hồn vong vô thặng trung
Sơ cuồng mục thụ khiếu cô phong
Sơn hà đáo ảnh thiềm thừ chuyển
Ngọc lộ linh linh quang ảnh trùng
Bóng trâu vắng bặt am hao
Mục đồng cao hứng lên gào đỉnh xa
Nước non nghiêng, ánh trăng tà
Mà khuya điểm trắng sương pha lạnh lùng
IX.- VẮNG HẾT
Người và trâu đều không thấy,
chỉ có một vòng tròn.
Lâu các trùng trùng đạn chỉ khai
Bổn vô dư khiếm thất ban tài
Không truyền ngủ thập tam gia xú
Dẫn khước nhân ngưu đại mộng hồi
Khảy tay Lầu các chập chùng
Giàu sang bảy báu chưa từng thiếu dư
Hỏi chi thói Đáo hồ đồ
Giấc mơ Nhân Ngã bây giờ hoàn không
Phụ chú:
Thiện tài Đồng tử theo lời dạy của Bồ tát Văn Thù, đã đi hỏi Đạo trải
qua năm mươi ba chỗ. Khi đến hỏi Đạo với ngài Di Lặc, trong một thoáng
gặp gỡ, Thiện Tài nhớ lại hết cả con đường dài đã trải qua, bất giác
nhìn lại hai tay đầy cả hoa trời. Sau đó, ngài Di Lặc dẫn Thiện Tài vào
lầu các Vairocona (Quang minh biến chiếu), vừa khảy móng tay, tức thì
cánh cửa mở rộng, Thiện Tài thấy mình bước vào một thế giới giao ánh
nhau trùng trùng vô tận. Thiện Tài, có nghĩa là người sinh ra cùng lúc
với bảy báu cao quí nhất, và người đó từ khi mới sinh đã là bậc sang cả
như một hoàng đế của thiên hạ.
Người chăn trâu đến lúc này như đã bước vào
Pháp giới vô tận. Từ đây trở xuống, chỉ còn là hiện thần thông du hí tam
muội mà rong chơi trong các cõi luân hồi, như đi vào chợ mà ngao du.
Ngao du là chỗ rốt ráo của Bồ tát hạnh, vì nó tượng trưng cho ý nghĩa Vô
Sở Trụ : Bồ tát không trụ sinh tử, cũng không trụ Niết Bàn. Chúng sinh
lang thang như mục đồng tìm trâu mà không thấy vết tích. Bồ tát cũng
lang thang trong trầm luân khổ hải, nhưng thong dong như mục đồng buông
tay vào chợ.
X.- VÀO CHỢ
Đồng tử đi trước, hướng về phía Đông
(vì là đang đi vào cõi sinh tử) ;
trâu trắng lẽo đẽo theo sau.
Mại lộng nhàn nhàn bạch cổ ngưu
Nhập triền thùy thủ tứ ngao du
Đồng lưu cửu giới cừu phong độ
Tâm Phật chúng sinh vô biệt cầu
Trâu theo đủng đỉnh mua vui
Buông tay vào chợ dạo chơi phố phường
Gió lành chín cõi đưa sang
Này Tâm, này Phật, này hàng Tử sinh.
Nguồn:
www.quangduc.com
***