Vấn đề "Vô Ngã" trong
Đạo Phật
Nguyên Thảo
"Vô Ngã" là vấn
đề tương đối hơi khó và khiến cho nhiều người nghiên cứu về Đạo Phật
phải tốn nhiều công sức để truy cứu, tìm hiểu. Nhưng Vô Ngã lại là vấn
đề quan trọng trong giáo lý của Đạo Phật. Tại sao Đạo Phật lại chủ
trương "Vô Ngã"?
Nếu nói Đức Phật
chủ trương "Vô ngã" thì quả thật tội nghiệp cho Đức Phật không biết là
ngần nào! Đã nhiều lần trong các Kinh điển Đức Phật thường nhắc đến "các
Đức Phật trong ba đời cũng đều hộ trì như vậy". Đức Phật nói điều đó là
muốn cho chúng sinh biết rằng con đường tiến đến quả vị Phật là con
đường tự nhiên và tất yếu phải đi qua những giai đoạn như thế. Con đường
tu và giác ngộ nó không khác trên căn bản, nhưng tùy theo tâm tính, cơ
thể "bẩm sinh" mà mỗi con người thực hành một cách có khác, cho nên mỗi
con người, mỗi chúng sinh gần như có mỗi một pháp môn khác nhau.
Chúng ta cũng
cần lưu ý rằng Đức Phật chỉ tự xưng là "Đạo sư" mà không là Giáo chủ,
cũng không bắt người khác phải theo ta, ngay cả giáo hội cũng không có
một điều lệ, lời răn nào để o ép một ai. Tất cả tin và theo chỉ là "tự
nguyện". Tại sao như vậy? Đức Phật đã từng là một con người như bao
nhiêu người khác. Ngài có nhiều tư lự, suy nghĩ về cuộc sống trần thế
với sanh, lão, bệnh, tử; và Ngài đã từ bỏ ngôi vị giàu sang phú quý, vợ
đẹp con thơ để đi tìm đạo. Ngài cũng đã không thỏa mãn với những gì mà
Ngài học được từ những vị danh sư; Ngài cũng thực hành pháp khổ hạnh.
Nhưng cuối cùng do quyết tâm của chính mình, Ngài đã ngộ được đạo dưới
cội Bồ đề. Và từ đó, Ngài nói về những chân lý, phương pháp mà Ngài đã
cảm nhận được để hướng dẫn cho con người làm theo cách đúng hầu tìm đến
được sự Giác ngộ, tìm về với Chơn tâm của chính mình; cho nên Ngài chỉ
là một Đạo sư, người chỉ đường cho người khác chứ không là một giáo chủ
đầy quyền uy và ban phép cho người khác. Còn cái "Chân lý" mà Ngài
truyền đạt qua "cái biết" của tri thức, "cái thấy" của Phật nhãn sau khi
thành đạo Ngài gọi đó là chân lý của giác ngộ. Đạo của Ngài truyền bá
cho chúng sinh, con người là Đạo Giác Ngộ (Phật).
Nếu thông thường
chúng ta cứ gọi là Đạo Phật thì chúng ta không thể nhận thức được trọn
vẹn cái ý nghĩa của đạo; mà khi chúng ta gọi là Đạo Giác Ngộ để thay thế
chữ Phật thì chúng ta mới thấy được cái ý trọn vẹn: Vì với Giác ngộ ta
mới thấy là ta không bị mê muội tin theo một tín điều; với giác ngộ ta
mới thấy cái sáng suốt của lý trí chúng ta khi chúng ta đến với giáo lý
đạo Phật; và ta tin theo cũng từ trong nhận thức của lý trí. Cho nên,
những ai tin theo giáo lý đạo Phật một cách thiếu nhận thức của lý trí
thì hãy còn thiếu sót khá nhiều. Đó là tính chất rất khoa học trong đạo
Phật hay nói một cách khác "Giáo lý đạo Phật không làm cho tín đồ phải
mê muội tin theo, hoặc làm cho tín đồ phải mù quáng mà đâm ra cuồng tín
hoặc tin mà thiếu nhận thức".
Trong "Phật học
từ điển" của Đoàn Trung Còn đã ghi:
Phật: Bouddha
(scr).-L' Illuminé (fr.) Cũng đọc: Bụt. Đọc trọn: Phật đà (Bouddha).
Phật là
tiếng Phạn, dịch nghĩa: Giác giả (Người Sáng-suốt). Ấy là tiếng để xưng
bực Viên giác (Giác ngộ hoàn toàn). Phật, Phật đà, tức là người đã tự
giác, lại giác ngộ cho chúng sanh, và hai cái hạnh tự giác và giác tha
ấy ngài đã làm trọn vẹn rồi. (Tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn).
Con đường mà Đức
Phật Thích Ca đã chỉ trong Đạo Phật không phải là con đường tin để được
giải thoát mà là con đường thực hành để đến được "bờ giác", đến sự giác
ngộ. Sau khoảng hơn 45 năm hành đạo và tùy theo căn cơ của từng chúng
sinh hay từng nhóm mà Ngài đã thuyết khác nhau. Vì thế mà có nhiều bộ
Kinh được ra đời, nhưng chung quy lại "Vì trình độ của chúng sanh có sai
khác, nên có các quả thánh hiền sai khác, chứ không phải Phật pháp có
sai khác." (Kinh Kim Cang). Mặc dù vậy, Đức Phật cũng nhắc nhỡ rằng:
"Ta cũng như người dùng ngón tay chỉ mặt trăng, các ngươi phải nhơn
ngón tay mà xem mặt trăng. Nếu chấp ngón tay cho là mặt trăng, thì chẳng
những không thấy được mặt trăng, mà cũng không biết luôn ngón tay"
(Kinh Lăng Nghiêm) . Những kinh điển, giáo lý mà Ngài rao giảng hoặc đã
nói ra chẳng qua là phương tiện để chỉ đường, hướng dẫn cho chúng sinh
theo đó mà tu hành để đạt đến giải thoát, chứ không phải để nghiên cứu.
Nhưng thông thường vì kinh điển của Ngài nói quá cao xa, do đó mà chúng
sinh đã phải nghiên cứu thật nhiều hầu hiểu rõ hơn để tìm được con đường
tu tập cho đúng. Vô hình chung là chúng ta mãi mê nghiên cứu ngón tay
hơn là mục đích chính: Nhìn để thấy được mặt trăng. Và cũng do nơi
nghiên cứu và phương pháp tu có sai biệt từ hoàn cảnh, môi trường, thời
tiết, khí hậu... mà người ta đã phân biệt tiểu thừa, đại thừa; thiền với
tịnh; phương pháp của ta hay, của người thì dở...Người ta đã quên rằng
Đức Phật từng vạch rõ: Chính từ cái "ngã" và với "cái tâm phân biệt" ấy
mà chúng sinh đã rời cõi Chân như để đi vào cõi luân hồi; bây giờ người
ta lại hãy còn vẩn vơ về hai chữ "Vô minh".
Cõi Chơn như là
một tên gọi khác của Niết bàn, hay còn gọi là Không Như Lai Tạng, Đại
Viên Cảnh Trí, Yêm Ma La Thức, Bồ Đề, Pháp Tánh... Nhưng đó chỉ là những
danh xưng cùng chỉ về một cảnh giới của người giác ngộ đã đạt được tùy
theo khía cạnh của từng đối tượng tu tập, hoặc nghiên cứu.
Nói như vậy, tức
là Đức Phật không chủ trương "Vô ngã" mà chính trong tự thể của từng
chúng sinh nó đã là vô ngã. Mà chỉ với Vô ngã, chúng sinh mới có thể
nhập vào trong cùng một cảnh giới "Chỉ một không hai" (Bất Nhị) tức là
Niết Bàn hay bằng những danh từ khác như trên. Nơi đó không còn có "Tâm
Phân Biệt" và "Vọng Niệm ".
Đức Phật, trong
Kinh Lăng Nghiêm, có thuyết: "Từ nơi Chơn Tâm, vì hư vọng hiện ra các
cảm giác thấy, nghe, hay, biết. Do hòa hiệp vọng sanh ra, rồi cũng do
hòa hiệp vọng diệt đi", và trong Kinh Viên giác Ngài nói rõ hơn: "Nầy
Thiện nam, tất cả chúng sanh từ hồi nào đến giờ, bị nhiều món điên đảo
làm mê mờ tính "Viên giác", như người lạc đường, lầm lộn bốn phương.
Điên đảo vọng hiện ra thân và tâm, rồi lầm nhận thân tứ đại giả hợp nầy
làm thân mình, chấp cái vọng niệm sanh diệt duyên theo bóng dáng của sáu
trần cho là thật tâm của mình" (Phật học phổ thông- khóa VIII- trang
16). Chính vì vọng niệm, phân biệt mà chúng sinh đã rời cõi Chơn Như và
mượn tứ đại: Đất, Lửa, Gió, Nước tạo nên thân xác của mình. Ngoài ra,
tâm còn mượn đến Kiến đại để thành hình sáu giác quan: Mắt, tai, mũi,
lưỡi, thân, ý cùng các thức; và nó cũng mượn đến hư không để thân xác
được tăng trưởng và lớn lên.
Theo như vậy,
chúng ta thấy rằng trong thân xác con người hay của chúng sinh chỉ là
những vay mượn từ tứ đại cho đến thức đại cùng hư không; thì thân xác ấy
chẳng phải là thân thật của mọi loài, vì khi chết đi thân tứ đại lại
hoàn trả về cho tứ đại; giác quan, các thức lại trả về cho kiến đại, hư
không lại trả về cho hư không. Thế thì sao được gọi là "Thường"? Cho nên
cái thân xác ấy là Vô Thường; cái "Ngã" của chúng sinh cũng chẳng là cái
"Thật Ngã" của chúng sinh. Thế cho nên cái "Ngã" ấy chỉ là cái "Giả Tạm"
mà thôi!
Trong thế gian,
người Duy vật thì cho rằng con người được sinh ra và lớn lên chỉ một
lần, chết là hết; cũng giống như những người chủ trương đoạn diệt. Nhưng
ý niệm đó không đơn giản! Vì từ xưa đến nay đều có những hiện tượng xảy
ra trong đời sống, khiến người ta phải nghĩ đến vấn đề siêu hình và tái
sinh: Một con người kể chuyện thời xa xưa ở một địa điểm nào đó mà họ
chưa từng tới, sau khi truy tìm thì quả thật có như vậy. Điều ấy cho
chúng ta suy nghĩ như thế nào? Những con người chết đi sống lại kể
chuyện ở cõi khác, hoặc những hiện tượng kỳ lạ, ta phải suy nghĩ ra sao?
Ngày nay những câu chuyện tương tự như thế được sưu tập lại khá nhiều từ
Đông sang Tây và được in thành sách hay đăng tãi trong những tạp chí về
khoa học huyền bí, như vậy, giữa những kiếp người nó phải có một sự liên
kết nào đó; mà trong đạo Phật gọi cái chủ thể ấy là "Tâm", cái tâm của
chúng sinh. Cái Tâm ấy vì "Vô minh" do nơi có "vọng niệm" và "phân biệt"
mà rời cõi Chơn Tâm, rồi trầm luân vào cõi Luân hồi. Rồi với nghiệp báo
khi còn sống trong những kiếp trước đã tạo nên, chúng sinh lại càng chìm
sâu vào luân hồi và biển khổ mênh mông: Các nghiệp báo ấy "nhận chìm"
chúng sinh vào trong bể khổ.
Cái "ngã" về
thân xác đã chỉ là giả tạm. Cái ngã "Tâm" lại là "vọng tâm", cái vọng
tâm ấy cần lau chùi, gột rửa để tìm về "chơn tâm" trong sáng theo tự thể
của nó, giống như tấm gương, hay viên ngọc bị bùn nhơ, bụi bám làm lu mờ
u tối phải được lau chùi: Lau chùi để được trở lại trong sáng, sáng soi.
Tấm gương, viên ngọc thì cần đến người khác lau chùi. Còn nghiệp báo của
con người, chúng sinh do chúng sinh ấy tạo ra bằng từ hành động, lời
nói, ý nghĩ của chính mình qua lòng tham lam, sân hận và si mê mê muội;
thì chỉ có chúng sinh ấy tự gột rửa lấy mà thôi. Không một ai có thể
thay thế hay làm hộ. Cho nên chúng sinh, con người cần phải tu sửa cho
đúng hơn, thiện hơn và đẹp hơn. Đức Phật đã từ là một con người, một
chúng sinh bình thường tìm được con đường Giác ngộ Chơn lý; và Ngài chỉ
lại con đường ấy cho mọi người, chúng sinh. Ngài khẳng định trong các
Kinh: Các Đức Phật trong quá khứ, hiện tại hay trong tương lai cũng phải
nương vào con đường ấy mà về đến Niết bàn hay đạt đạo Vô Thượng Bồ Đề.
Ngài đã đạt được thì mọi chúng sinh cũng sẽ đạt được: "Ta là Phật đã
thành, chúng sinh là Phật sẽ thành".
Nhưng sao phải
Vô Ngã?
Đi tìm lại cái
"Thật Tâm" của mình chưa đủ, chúng sinh còn phải đoạn trừ mọi sát, đạo,
dâm vọng. Vì tất cả các món đó đều tạo nên nghiệp: Giết hại thì tất phải
chịu bị giết trở lại, nên còn phải có kiếp sau; như vậy vẫn phải bị luân
hồi sinh tử. Trộm cắp, gây ân oán, đau khổ cho người khác; lừa đảo, dối
trá, gạt người thì cũng phải trả món nợ mà mình đã vay, cho nên cũng
không tránh được sự luân hồi. Những đam mê về sắc dục, khiến người ta,
chúng sinh lưu luyến không từ bỏ cõi dục, thì cũng không thể rời cõi dục
để đạt được đạo. Cho nên, trong Kinh Lăng Nghiêm, Đức Phật đã dặn dò
cùng A Nan: Nếu không đoạn trừ dâm dục sẽ đọa vào ma đạo; không dứt sát
hại sẽ đọa vào thần đạo; không bỏ trộm cướp thì đọa vào tà đạo và không
trừ vọng ngữ thì thành ma ái kiến, mặc dù chúng sinh đó có tâm trí diệu
ngộ, thanh tịnh đến đâu; và như thế tất cũng không đạt được đạo Bồ Đề.
Đó là những điều
liên hệ đến cái "Ngã" thân xác. Còn đối với cái "Ngã" của "Tâm" thì sao?
Trong các Kinh
Viên Giác, Kinh Kim Cang Đức Phật nói đến các tướng Nhân, Ngã, Chúng
sinh và Thọ Mạng tức là nói đến cái "Tâm phân biệt" Ta, Người, Chúng
sinh và cái "Tâm giới hạn" Thọ mạng tướng. Đó là những "Vọng tâm" đã
khiến chúng sinh tách rời khỏi "Chơn Tâm" đi vào cõi Luân Hồi. Vì sao?
Vì trong cõi Chơn Tâm mọi Tâm thức của chúng sinh đều "Viên dung" (hoàn
toàn dung hợp, hòa lẫn với nhau, không loại trừ); và Chơn Tâm ấy lại
Viên Dung cùng sáu đại khác là Đất, Lửa, Gió, Nước, Kiến đại và Hư Không
thành một thể. Thể ấy tuy chung nhưng vẫn có cái riêng, trong mỗi cái
riêng vẫn có cái chung theo đúng như câu "Tất cả là một, một là tất cả".
Đức Phật đã đưa ra một ví dụ tương đối dễ hiểu là Tâm của mỗi chúng sinh
trong vũ trụ vô biên giống như ánh sáng của một ngọn đèn trong căn nhà,
tâm của những chúng sinh khác cũng là ánh sáng của những ngọn đèn khác
cùng đặt trong cùng căn nhà đó. Tất cả ánh sáng của những ngọn đèn đều
chiếu sáng khắp căn nhà, nhưng những ánh sáng từng ngọn đèn không bị lộn
lạo lẫn nhau. Điều này được ghi lại trong Kinh Viên Giác như sau:
"Thí như trăm
ngàn ngọn đèn, đồng đốt trong một căn nhà, ánh sáng của mỗi ngọn đèn tuy
đều chiếu khắp cả nhà, nhưng không có lộn lạo hay lấn diệt lẫn nhau"
(Phật Học Phổ
Thông- Khóa VIII- trang 51, 52).
Cái thuở các đại
còn viên dung thì Thức Tâm của mọi chúng sinh cũng viên dung trong cõi
Chơn Tâm, nhưng do vì si mê, không biết lý lẽ và sự việc (Vô minh) mà
tâm của từng chúng sinh sinh ra có vọng niệm, phân biệt mà tách rời nhau
để rồi mượn tứ đại, kiến đại và hư không cấu thành thân xác giả tạm, vay
mượn nên mới có sinh, lão, bệnh, tử và có luân hồi. Mỗi chúng sinh trở
nên riêng biệt, sống theo bản năng sinh tồn từng loài mà tranh đấu, chém
giết, giành giựt, lừa gạt...lẫn nhau bằng đủ mọi cách. Chính vì vậy mà
tạo nên nghiệp để rồi phải chịu theo luật nhân quả trong vòng luân hồi
triền miên.
Muốn thoát ra,
chúng sinh phải tự mình phấn đấu với mọi dục vọng, tham ái; phải dứt bỏ
những nhân xấu, phát triển nhân thiện bằng thực hiện con đường Đạo đế
hay áp dụng những con đường trong 37 phẩm trợ đạo, tức là những phương
cách giúp đỡ người tu thực hiện để đạt được đạo như: Tứ niệm xứ- Tứ
chánh cần- Tứ như ý túc- Ngũ căn- Ngũ lực- Thất bồ đề phần- Bát chánh
đạo để tạo cho mình được sự dũng mãnh, tinh tấn, cương quyết thoát khỏi
vòng trầm luân, khổ ải hoàn tất được con đường giải thoát, đạt đến Niết
Bàn (Diệt đế).
Theo như vậy,
chúng ta cũng có thể hiểu rằng vì cái "Ngã" khởi đầu mà "Vọng niệm" và
"Tâm phân biệt" khởi sinh, cho nên muốn trở về với lúc ban đầu ta cần
phải từ bỏ Tâm phân biệt và vọng niệm, tức là chúng ta không thể thấy
cái Ta của mình hơn Người mà thấy cái Ta cũng như Người. Ta, Người cũng
như mọi Chúng sinh và Ta, Người, Chúng sinh mãi mãi hòa hợp, viên dung
chứ không phải trong một khoảng thời gian ngắn hay thật dài, hoặc trong
một thời gian giới hạn nào đó tức là Thọ mạng tướng vậy.
Trong Kinh Viên
Giác, Đức Phật đã nói về bốn tướng Ngã, Nhân, Chúng sinh và Thọ mạng như
sau:
-Nầy Thiện nam!
Các chúng sanh đời sau, bởi không rời được bốn tướng, nên tuy trải qua
nhiều kiếp, siêng năng tu hành khổ hạnh, nhưng chỉ thành hữu vi mà thôi,
chớ không thể chứng được Thánh quả" (Phật Học Phổ Thông- Khóa VIII-
trang167).
Thấy "Cái Ta"
(Ngã) hòa hợp chung với Người (Nhân) và Chúng sinh (Chúng sinh) mãi mãi,
vô cùng tận (Thọ mạng tướng) tức là đã dứt bỏ đi cái Ngã hay nói đúng
hơn là "Vô Ngã". Diệt cái Ngã cá nhân để biến cái Ngã ấy viên dung cùng
tất cả mọi cái Ngã của chúng sinh và chung với các đại khác: Đó là một
điều cần phải có trong Đạo Phật để người tu hành đạt được đạo Vô Thượng
Bồ Đề.
Trong Kinh Kim
Cang (Phật Học Phổ Thông- khóa XII), Đức Phật đã thuyết như sau:
-"Phải xa lìa
tất cả các chấp tướng, mới gọi là chư Phật". (Trang 109).
-"Phật dạy: "Tu
Bồ Đề! Nếu có người phát tâm Bồ Đề, thì phải dụng tâm như vầy: Ta hóa độ
tất cả chúng sanh, nhưng không thấy có mình độ và chúng sanh được độ.
Tại sao vậy? Nếu Bồ Tát còn thấy mình độ và chúng sanh được độ, thì Bồ
Tát còn tướng ngã, tướng nhơn, tướng chúng sanh và tướng thọ giả, tức
nhiên không phải là Bồ Tát".
(Trang
134-135). Và:
-"Phật dạy: "Tu
Bồ Đề! Ông chớ lầm tưởng: Như Lai nghĩ rằng: "Ta độ chúng sanh". Tại sao
vậy? Nếu Như Lai có nghĩ: "Ta độ chúng sanh", thì Như Lai còn chấp bốn
tướng Ngã, Nhơn, Chúng sanh và Thọ giả, tức nhiên không phải Như Lai.
Bởi thế nên, Như Lai thật không có độ chúng sanh nào cả". (Trang 168).
Nói tóm lại, sau
khi thành Phật hay đúng hơn trở thành Bậc Giác Ngộ, Đức Phật mới nói lại
những Chân Lý đã có không biết tự bao giờ và chỉ dẫn con đường để trở
thành người giác ngộ mà Ngài cũng như vô số Phật đã thành đạo trong thời
quá khứ, hiện tại đang thành cũng như những vị Phật trong tương lai sẽ
thành phải trải qua. Con đường đó không khác nhưng tùy theo mỗi con
người, chúng sinh vì trình độ có sai khác nên họ sử dụng phương pháp có
khác nhau, nhưng chung qui cũng đi đến mục đích giải thoát. Sự ra đời
của Đức Phật có hai mục đích chính: Một là chỉ rõ cho chúng sinh để
chúng sinh được: Khai (mở ra, biết)- Thị (thấy)- Ngộ (gặp, hiểu biết,
nhận thức)- Nhập (thấm vào, hiểu và thực hành) Phật Tri Kiến (những điều
mà Bậc giác Ngộ thấy, biết) như mục đích rõ ràng khi Phật thuyết về Kinh
Diệu Pháp Liên Hoa. Hai là hướng dẫn con đường, lối tu (Đạo sư) sao cho
đúng và tùy theo từng trình độ để chúng sinh có thể thực hành con đường
giải thoát đi đến kết quả và thoát được vòng sinh tử, luân hồi tìm về
nơi an vui, hạnh phúc, thường hằng. Thực ra con người, chúng sinh tu
hành để thành Phật chỉ là tìm con đường trở về nơi chốn cũ mà trước kia
mình đã ra đi như Đức Phật đã nói "chúng sinh vốn đã thành Phật từ xưa
tới giờ" hay khi thành Phật cũng như là thoát khỏi "giấc mộng ngày
hôm qua". Sở dĩ như vậy vì do Vô minh mà con người, chúng sinh mới
đi vào cõi mộng. Giấc mộng ấy không thật có cho nên những pháp để thoát
khỏi giấc mộng mới được xem là "huyễn ảo" mà thôi.
Chúng sinh bị
rơi vào vòng trầm luân, luân hồi vì do sự Vô minh, nhưng đó cũng là điều
kiện để tôi luyện cho chúng sinh thành bậc giác ngộ hiểu thấu rõ sự và
lý để không bao giờ bị Vô minh một lần nữa, giống như Đức Phật đã tỉ dụ:
"Quặng vàng đã được tôi luyện thành vàng thì không bao giờ trở thành
quặng nữa".
Cuối cùng, điều
kiện "Vô ngã" là điều kiện tất có để chúng sinh có thể hòa nhập vào
trong đại thể (sự viên dung của Chơn Tâm cá nhân trong Thức Tâm, cũng
như thức Tâm cùng với sáu đại khác) của vũ trụ khi đã thành đạo Vô
Thượng. Nếu không, "cái Ta ngã mạn" sẽ tự đào thải mình nằm ngoài vòng
đai của Đại thể, đôi khi Cái Ta ngã mạn ấy biến chúng sinh thành một "nhân
vật" đem nhiều tai họa đến cho không biết bao nhiêu người bởi vì sự "Tẩu
hỏa nhập ma" của chính mình.
- Bởi
thế cho nên đi tìm Chân lý cũng thật là khó lắm thay!
-
Nguyên Thảo,
-
14-06-07.
***