Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .

 

Xuất Gia

Tác Giả:  Kiyohiro Miura

Chuyển Ngữ Tiếng Anh:  Jeff Shore

Chuyển Ngữ Tiếng Việt:  Diệu Liên Lý Thu Linh

He's Leaving Home:  My Young Son

Becomes A Zen Monk


 

Lời Giới Thiệu

    He's Leaving Home, quyển tự truyện của tác giả Kiyohiro Miura, đã được giải thưởng đặc biệt AKUTAGAMA của Nhật.  Quyển sách miêu tả về sự mâu thuẩn trong tình cảm của các bậc cha mẹ có con xuất gia:  Họ tự hào vì con đường cao quí con mình đã chọn, đồng thời đau khổ vì sự chia ly, vì quyết định quá sớm, quá đột ngột của con mình.

   Quyển sách này tôi dịch năm 1999, giờ hiệu đính lại để tái bản.  Do duyên lành, một lần tôi được tổ chức Thiện Nguyện Quốc Tế Nhật Bản - Niigata International Volunteer Centre (NVC) mời sang thăm Niigata, Nhật Bản.  Rồi một buổi lang thang trong nhà sách, tôi đã 'bắt gặp' quyển tự truyện này.  Dĩ nhiên phải cảm ơn Jeff Shore đã chuyển ngữ qua tiếng Anh. 

   Mỗi khi nhìn một bóng áo nâu, áo lam, áo vàng, tôi vẫn thường tự hỏi do duyên gì, hoàn cảnh nào, họ đã chọn con đường xuất gia.  Vì đối với tôi, đó là một sự chọn lựa cao cả, đáng ngưỡng vọng và đầy 'huyền bí'.  Tự truyện của Kiyohiro Miura, dầu cá biệt, cũng phần nào chia sẻ với độc giả về một cơ duyên của người xuất gia.  Một câu chuyện cảm động, chân thực.

Diệu Liên Lý Thu Linh
9/2007

 

VỀ TÁC GIẢ

 

    Tác giả Kiyohiro Miura, sinh năm 1930 tại Hokkaido.   Sau khi ghi danh học Sư phạm tại Đại Học Tokyo, ông lại sang Mỹ, tốt nghiệp ngành Sáng Tác (Creative Writing) ở Đai học Iowa.  Hiện là giáo sư ở Đại học Meiji, ngành kỹ sư. Ông cũng sáng tác nhạc, có một số tác phẩm như: Bài Ca California (California Song), Trong Sương Mù Anh quốc (Into the English Fog), Nước Mỹ Và Tôi (Literary Training for The Spirit: America and Me).

 

VỀ DỊCH GIẢ TIẾNG ANH

 

   Jeff Shore, sinh ra và lớn lên ở Philadelphia, đã nghiên cứu  và hành Thiền trong hai mươi lăm năm, mười lăm năm cuối là ở Nhật.  Hiện ông là Giáo sư Anh văn và Thiền Phật giáo ở Đại học Hanazono ở Kyoto.  Ong đã viết nhiều sách và thuyết giảng nhiều về Thiền.  Các bài dịch ra Anh ngữ của ông xuất hiện trên các tờ bào Phật giáo và văn hóa Nhật uy tín như tờ Chanoyu Quarterly và tờ The Eastern Buddhist.

 

 

Phần I

 

 

   Lần đầu tiên, khi con trai tôi nói muốn đi tu, tôi rất ngạc nhiên.  Đó là một buổi sáng chủ nhật, đầu xuân, khi chúng tôi như lệ thường đang trên đường đến thiền viện.  Năm học mới sắp khai giảng, và nó sửa soạn vào lớp Ba.  Khi đang đi với nhau, nó bỗng ngước lên nhìn tôi và nói: "Cha, làm ơn xin với Thầy dùm con".

   Đó là lần đầu tiên con trai tôi hỏi xin một điều gì giống như thế.  Thường nó chẳng nói gì, trừ khi được hỏi đến.  Mà hình như ý nghĩ muốn xuất gia không phải vừa chợt thoáng qua đầu nó.  Tôi có cảm tưởng như nó đã nghiền ngẫm về điều đó một thời gian, và bây giờ mới nói ra. 

   Tuy nhiên, tôi cũng không coi điều yêu cầu đó là nghiêm chỉnh.  Trước hết là vì tôi bất ngờ.  Dầu tôi vẫn dắt nó theo trong các buổi tọa thiền, nhưng tôi chưa bao giờ bắt nó ngồi thiền.  Tôi dẫn nó theo giống như là hai cha con đi chơi công viên nào đó.  Hai nữa là vì nó đang theo dõi chương trình "Ikkyu-san" trên truyền hình, một chương trình hoạt hình về một thiền sư Nhật.  Vì thế sau đó tôi quên khuấy đi lời yêu cầu của nó.

   Nhưng con trai tôi thì không.  "Thưa cha, cha đã thưa với Thầy về chuyện đó chưa?"

   Lần đó cũng vào một buổi sáng chủ nhật, hai hay ba tuần sau, cũng vào lúc chúng tôi đang trên đường đến chùa.  Tôi chợt nhận ra cũng cái nhìn van xin, lo lắng như lần trước.  Mỗi chủ nhật, sau giờ tọa thiền, chúng tôi hay ở lại, thọ trai, trò chuyện thân mật với vị trụ trì.  Những lúc như thế, gương mặt phụng phịu của con tôi như thúc giục, "Kìa cha.  Sao cha không hỏi Thầy đi?"

   Vì thế, hôm ấy ở bàn ăn, tôi nói, trong tiếng cười, "Hình như con trai con muốn xin xuất gia!".  Làm được vậy, tôi coi như đã tròn lời hứa với con.

   "Vậy sao?"  Vị trụ trì nói, rồi quay nhìn con tôi, nở nụ cười thân thiện, "Con sẽ là một tu sĩ tốt chứ?"

   "Dạ có," con trai tôi trả lời với cái gật đầu sốt sắng.

   Tôi hơi sững lại; không ngờ câu chuyện lại xoay theo chiều hướng đó.  Tôi ngỡ là vị trụ trì cũng coi đó là chuyện trẻ con, một câu nói đùa thôi.  Nhưng đối với Ni Sư trụ trì, chuyện đó không phải chuyện đùa.  Tôi đã quên là Sư trụ trì luôn nghiêm chỉnh trước mọi việc, kể cả những chuyện của trẻ con.  Tôi vội vàng nói đỡ:  "Thưa Thầy, nhưng nó còn đang học tiểu học, ai mà biết nó sẽ thay đổi lúc nào?  Chắc là vì nó đang xem chương trình hoạt hình gì đó mà.  Thôi, ta hãy bàn đến chuyện đó sau khi nó học xong tiểu học".

   "Có phải vì con đang coi phim hoạt hình Ikkyu-san không?", vị trụ trì hỏi, dịu dàng nhìn vào mắt đứa trẻ.  Nó lắc chiếc đầu nhỏ bé của mình, nói Không.

   "Hay! Hay lắm!  Nhưng con còn nhỏ lắm.  Hãy chờ khi con lớn hơn".  Rồi Ni Sư trụ trì nói với nó về các bổn phận của người tu trong chùa, nhưng trong cách nói của người, không phải là của một người lớn nói xuống với đứa trẻ.

 Từ đó, mỗi khi nói về con trai tôi, Ni Sư hay nhìn vào mắt con tôi, rồi trêu chọc, nói những lời như "Này Ryota, con chắc chắn sẽ làm tu sĩ chứ?" hay, "Nè, chú tiểu nhỏ!  Con có siêng học không?"

   Sau đó, tôi bắt đầu nói, "Phải đợi đến sau khi nó xong trung học, Thầy ạ".

  Nhưng tôi vẫn lo vì thấy Ni Sư trụ trì có vẻ nghiêm chỉnh quá về chuyện này.

  Một ngày kia trên đường từ thiền viện về, tôi nói: "Nếu con trở thành một tu sĩ, con phải làm hết mọi thứ trong chùa, từ quét dọn, lau chùi, cọ rửa -nhiều việc lắm đó.  Nếu phải làm những thứ đó, con còn muốn đi tu không?"

   Nhưng con trai tôi, thích làm các công việc nặng nhọc, thể thao, hay mỹ thuật hơn là học hành, gật đầu, mặt làm nghiêm, nói: "Dạ muốn".

   Khi nó lên lớp bốn, năm rồi sáu, tôi tiếp tục hỏi nó về việc đó.  Nhưng câu trả lời của nó không hề thay đổi.  Lúc nào cũng "Dạ muốn".  Không nói gì hơn.

   Sau khi nói muốn trở thành một tu sĩ, vào năm thứ ba bậc tiểu học, con trai tôi nói muốn bắt đầu ngồi thiền như các người lớn.  Chúng tôi thường ngồi thiền ba buổi, mỗi buổi bốn mươi lăm phút, nhưng chỉ sau vài phút là con tôi bắt đầu xoay trở không ngừng, sau nó bỏ đi ra ngoài. Nhưng rồi nó có thể ngồi lâu hơn: đầu tiên là một buổi, sau đó hơn lên, cho đến lớp sáu thì nó có thể ngồi hết các buổi lâu như người lớn.  Nó ngồi trong tư thế kiết già, và có thể xếp chân mà không cần dùng đến tay.  Có lẽ các vị thiền sư đầy kinh nghiệm cũng có thể ngồi như thế, nhưng với những người như tôi, bắt đầu tu thiền khi đã trung niên, không thể ngồi kéo chân lên mà không dùng đến tay, mà ngay cả khi dùng tay, chúng tôi cũng phải thường sửa đổi thế ngồi tới lui.

   Tôi nghĩ cơ thể con tôi dẻo dai vì nó còn quá nhỏ.  Nhưng ngoài chuyện làm sao nó có thể ngồi kiết già, chuyện lạ hơn cả là, làm sao đứa trẻ này -con trai tôi, đứa mà lúc nào cũng nhảy nhót, là đầu đảng của đám học trò phá phách ở trường, nhưng lúc ở chùa, nó lại có thể trở thành một người hoàn toàn khác như thế.

   "Thì cũng nhờ cha nó," mọi người nói.  Một người cô thường chăm sóc cho nó từ khi nó mới lọt lòng, nói với tôi giọng đầy trách móc, "Nó trở thành như thế cũng do em đi chùa hay dẫn nó theo!"

   Điều cô ấy nói cũng đúng, nhưng việc nó luôn vui vẻ đi theo tôi, cũng đúng.  Ngay chính việc đó cũng là lạ.  Chưa có bao giờ nó nói không muốn đi vì bận chơi với bạn bè.  Mỗi chủ nhật, nó đều cầm cái giỏ xách, trong đó có phần cơm trưa của nó, giống như một ngày đi học, rồi trong khi mẹ và em gái còn đang ngủ, nó ra đi với tôi.  Tôi nghĩ có lẽ vì nó thích được ngừng lại giữa đường ăn sáng ở tiệm McDonald (Một loại tiệm bán thức ăn nhanh, chuyên bán bánh mì hamburger nổi tiếng ở Mỹ) hay ở tiệm hủ tíu cạnh nhà ga, nơi chúng tôi 'hút' những cọng bún gạo tròn, nóng.  Dầu vậy, khi đã đến chùa, đối với một đứa trẻ cả ngày phải ở chùa như thế sẽ dài, và nhàm chán biết bao!

   Nó sẽ làm gì từ lúc đến chùa cho đến khoảng hai giờ, khi buổi tọa thiền chấm dứt để chúng thọ trai?  Lúc đầu, nó ngồi vẽ hình trên giấy bằng bút chì.  Có lần, nó bị rầy vì vẽ lên cửa kéo.  Đôi khi bác già phụ việc trong chùa dẫn nó đi chợ hay đi bắt các con ve sầu.  Nhưng phần lớn thời gian nó phải ở một mình.  Không lẽ nó chỉ chơi với con dế quẩn quanh chỗ ở của vị trụ trì, nơi có các ngôi mộ, các cây dại bao quanh mà không cảm thấy buồn, cô đơn sao?

   Nó cũng có lấy mấy đồng tiền kẽm trong hộp công quả ra chơi, hoặc đem giấu mấy tượng Phật nhỏ đâu đó, nhưng tôi nghĩ những việc đó xảy ra cũng vì nó buồn chán.  Nhưng dầu nó có buồn chán bao nhiêu, với tư cách người làm cha, tôi cũng chẳng giúp được gì.  Người cha chỉ có việc dẫn con đi về như một bổn phận.  Và mỗi chủ nhật, đứa con lại lẻo đẻo theo, không mảy may nghĩ ngợi gì.

 

 

 

   Trong một lần đi bách bộ, vợ tôi và tôi đã khám phá ra thiền viện Zenkaiji.  Sau gần mười năm lang thang ở Mỹ, tôi quay trở về Nhật ở lứa tuổi ba mươi, cưới vợ và bắt đầu sống trong khu chung cư mới được xây dựng ở ngoại ô Tokyo.  Sau khi dọn về chỗ mới, chúng tôi hay đi bách bộ để biết thêm về các khu vực quanh đó.

   Một lần, khi lang thang đến một vùng đồi đã được san bằng, chuẩn bị cho một công trình xây dựng nào đó, chúng tôi chợt nhận thấy mình đang đứng trong khuôn viên một ngôi chùa.  Đàng kia những bức tượng Jizo (Địa Tạng) nấp dưới những sườn hoa huệ thoai thoải.  Ở đấy, cũng có các bức tượng Địa Tạng mất đầu, gãy tay bị chôn lấp dưới đám cỏ dại.  Sau chúng tôi được biết là các bức tượng này đã bị đem vứt bỏ ở đây từ thời kỳ Nhật hoàng chống Phật giáo, thời đại Meiji (1868 - 1912).

   Dưới chân đồi có một cây chérie to.  Một túp lều nhỏ ở dưới cây chérie, và xa hơn nữa là cổng chính vào chùa, có lớn hơn, nhưng mái vẫn lợp bằng tranh.

   Ngôi chùa cổ dường như đã bị bỏ quên từ khi được xây đụng khoảng bảy trăm năm về trước vào thời Kamakura (1185-1333).  May nhờ có các công trình xây dựng đang phát triển, ngôi chùa như được làm mới lại.  Đồng thời cũng chính những mảnh đất mênh mông đang được khai phá để xây dựng nhà cửa lại làm cho ngôi chùa có nguy cơ bị "xóa sổ".  Thật là một quang cảnh lạ lùng.

   "My goodness! An old temple!" (Trời ơi! Một ngôi chùa cổ!) , tôi buột miệng kêu lên bằng tiếng Anh, vì những lúc ngạc nhiên hay thú vị bất ngờ hình như ngôn ngữ này lại dễ dàng bật ra ở cửa miệng tôi, hơn là tiếng Nhật.

   Vợ tôi chỉ một mảnh gỗ mỏng đóng ở cột vào chánh điện, nói: "Một thiền viện".

   "Look at it!" (Nhìn kìa!), tôi nói trong sự ngạc nhiên, vẫn dùng tiếng Anh.  Các nét chữ Hán trên mảnh gỗ gãy góc bạc màu, gần như lẫn trong các thớ gỗ, khắc chữ: "Thiền đường Zenkaiji".

   "Khó thể tưởng nổi !"  Tôi kêu lên, ghé mặt nhìn qua khe hở của cánh cửa đóng lỏng lẽo.  Sự tăm tối làm người ta nghĩ tới nơi ẩn náu của các giống chồn tinh.

   Lần khác chúng tôi trở lại, đi vào khu hậu đường của chùa, nơi chúng tôi tưởng là bỏ hoang, bỗng một trong những cánh cửa giấy rách bỗng vụt mở, và trước mắt chúng tôi, không phải là một con chồn, mà là hình dáng một người trong chiếc kimono cũ rách.  Như vợ tôi miêu tả là "Một vị Jizo hiện hình" -một sự mô tả rất chính xác cho khuôn mặt tròn trĩnh, bầu bĩnh như trẻ con, với đôi mắt nhỏ, dài.  Ngay chính nước da nâu đen cũng giống như của một vị Địa Tạng.

   "Các người định làm gì đó?", bóng người choàng chiếc áo cũ nói lớn.  Mới gặp lần đầu đã bị la, sau này chúng tôi biết đó không phải là chuyện lạ, vì "vị thần" này nổi tiếng hay la. 

   Bà (vị Jizo này là một vị sư nữ) nghĩ là chúng tôi đến phá cây cối hay gì đó. Thầy trụ trì (đáng lý tôi phải gọi là Ni sư, nhưng vì bà quá năng nổ, mạnh mẽ đến nỗi không có ai gọi bà như thế) rất quí cây kiểng, và đã sưu tầm rất nhiều loại, trồng quanh trong chùa.  Vì ai cũng có thể đi vào khuôn viên chùa bằng nhiều lối, nên dầu không phải để trộm cắp thứ gì, họ cũng thường dẫm đạp lên cây cỏ.  Những gã lang thang trên các xe gắn máy cũng đã đặt chân đến đây, Ni Sư kể khi đã mời chúng tôi bước vào khoảng sân đầy bóng nắng, nơi người pha trà, hút ống điếu khi tiếp chuyện với chúng tôi.

   Mấy phút trước đó, khi Ni Sư vừa mở cửa ra, người đã nhìn chúng tôi bằng cặp mắt nẩy lửa.  Nhưng giờ, khi nói cười với chúng tôi, khuôn mặt đó biến thành khuôn mặt của một Jizo hiền hòa, thân thiện.  Tôi không khỏi lo ngại cho việc một sư nữ sống ở nơi hẻo lánh như thế này một mình.

   Nhưng rồi tôi thấy khó thể tin đó là một vị sư nữ, khi bà kể: "Có một gã thanh niên vào đây trên xe gắn máy, ta la cho hắn một trận, đến nỗi hắn chạy bò càng, vứt cả xe mà chạy, chắc là hắn tưởng gặp ma quỷ gì đó! Hì hì," Ni sư cười thành tiếng, giọng đục, rổn rảng.

   Trước đây một ngôi chùa cổ kính, đã được xây dựng trên mảnh đất này từ thời Heian (794-1185) bởi Đại sư Bodhisattva Gyoki.  Diện tích chùa trước đây mênh mông bao gồm cả vùng đất này, nhưng nông dân cứ lấn đất làm ruộng.  Sau thế chiến thứ II, không có giấy đất hay sơ đồ đất chính thức, vì thế khi có cuộc cải cách ruộng đất, phạm vi đất chùa đã bị thu hẹp lại.  Không có người trụ trì, ngôi chùa dần đổ nát, vì thế dân trong vùng đã yêu cầu Ni sư đến trụ trì, chăm sóc chùa.  Ni sư đã thề quyết phải trùng tu lại chùa trước khi nhắm mắt.

   Trên bức tường nham nhở vì mưa nắng, treo một tấm biển gỗ với dòng Hán tự: "Hãy nhìn ngay dưới chân mình!".

   Chậm rãi, buông ra từng tiếng, Ni sư nói: "Hãy nhìn ngay dưới chân mình - đó là cốt lõi Thiền".  Rồi bà tiếp thêm: "Thời bây giờ, ai cũng chăm chăm nhìn tới phía trước, lúc nào cũng phía trước.  Nhưng phải nắm mũi họ lại, bắt họ phải chú tâm ngay dưới chân mình.  Đó là thiền định, chẳng có gì hơn".  Nói xong, Ni sư gõ gõ ống điếu của mình trên khay thuốc.

 

 

 

   "Thiền là gì?"

   Câu hỏi đó đã luôn ám ảnh trong đầu tôi kể từ khi tôi còn ở Mỹ.  Ở nước ngoài, người ta dễ cảm thấy hụt hẫng khi không hiểu biết về chính quê hương của mình.  Một lần tôi bị một người Mỹ hỏi thiền là gì, và tôi không thể trả lời.  Không, còn tệ hơn thế nữa, tôi đã chế nhạo ông ta.  Bởi thế câu hỏi đó đã đọng lại tâm trí tôi mãi mãi.

   Lúc đó, tôi đang làm phiên dịch ở thành phố New York.  Sống gần Greenwich Village, tôi có thói quen vào các cuối tuần lang thang từ các tiệm cà-phê nhạc jazz, đến các vũ trường, các hộp đêm thoát y, hay những chỗ đại loại như thế.  Sống một mình ở Manhattan dễ làm người ta thấy rất cô đơn.  Nếu người ta có thể đo lường sự cô đơn như thời tiết, thì ở Tokyo, nếu mặc áo quần dầy đủ, tôi có thể chịu đựng được nhiệt độ thấp dưới mức đông lạnh một chút.  Nhưng ở Manhattan, tôi cảm thấy nhiệt độ âm dưới số không rất nhiều. Đút tay túi quần để tìm chút hơi ấm truyền từ thân thể, tôi cảm thấy sức sống thoi thóp trong tôi.  Hình như người ta đã chôn giấu sự cô đơn ngay trong lòng thành phố, nên dù quanh tôi có bao nhiêu người, dù tôi đang ở đâu tôi luôn luôn cảm thấy lạnh lẽo từ trong xương tủy.  Và nếu tôi không giã từ nó, có lẽ những bức tường xám đó sẽ chôn vùi tôi không thương tiếc.  Tôi thường lang thang như thể người mộng du, đôi khi, cặp bồ với đám đàn bà.  Có lẽ tôi thèm hơi ấm của đồng loại.

   Một đêm kia, sau khi đã qua một vài hộp đêm, tôi khá say vì đã phải kêu rượu mạnh thay vì trả tiền vào cửa.  Bước ra đường, tôi gặp hai thanh niên Mỹ.

   "Thiền là gì?", một người hỏi.  Có lẽ vì tôi đang ngất ngưỡng đi với một vẻ cô đơn xa vắng, giống như hình ảnh thiền trong tâm trí họ.  Mệt mỏi vì đã lang thang qua những mê lộ ồn ào các hộp đêm, nơi da thịt được phơi bày lộ liễu, giờ tôi bước đi trên đường với cảm giác chán nản ngay cả cuộc đời. 

   Đáng lý ra tôi phải nói: "Tôi không biết," nhưng bỗng nhiên cái ý nghĩ muốn trêu đùa với họ nổi lên.  Lúc đó là thời kỳ Thiền đang phát triển mạnh trong giới thanh niên trẻ ở Mỹ.  Tôi biết thiền rất thịnh hành nhất là đối với các nghệ sĩ tụ họp ở Village, gần trường đại học.  Hai thanh niên trẻ này có vẻ như dân quê vừa từ ruộng đồng của họ ở Iowa hay Nebraska ra, và họ sốt sắng muốn hỏi về phong trào thiền này với bất cứ người Á đông nào họ chộp được đầu tiên.  Tôi muốn chọc phá họ một chút.  Vì ngay chính tôi cũng đang cô đơn, muốn có ai đó để chuyện trò.

  Giả bộ như vừa từ Nhật đến, bập bẹ chút ít tiếng Anh.  Tôi làm như đang nặn óc tìm chữ trong mớ từ ngữ giới hạn của mình, và với cách phát âm rất tồi tệ tôi nói với họ về Thiền.  Chỉ vào người hỏi, vào chính tôi, vào tất cả mọi thứ tôi nói: "Jis is Zen, Jis is Zen". (Đây là Thiền, đây là Thiền).  Người thanh niên thứ hai hình như cảm thấy điều gì không ổn.  Trong khi gã hỏi tôi thì đang ngóng cổ lên, nhìn tôi chăm chú.

   Cuối cùng bạn hắn nói: "Thôi đi, ông ấy đang chọc ghẹo mày đấy", và đẩy hắn đi.  Hắn nhìn lại tôi lần nữa, nói: "Ông đùa tôi sao?"

   "Đâu có", tôi nói, "Jis is Zen".

   "Được, vậy thì để tôi cho ông biết thiền là cái gì".  Vừa nói, hắn vừa cung tay thủ thế.

   "Thôi đi", bạn hắn nói, kéo tay hắn lại.

   Tôi lại nói "Jis is Zen".

   Hắn dứ dứ nắm tay làm như sắp đấm vào mặt tôi.  Nhưng rồi hắn xuôi tay xuống, nói: "Thôi chào 'Jis is Zen'".  Khi họ quay đi, bạn hắn nói: "Cảm ơn đã chọc cười nhé, ông bạn!"

   Hoàn hồn, tôi cũng bỏ đi.  Trên đường về, tôi lại vào uống rượu, nhưng tôi cảm thấy hối hận, tôi muốn chạy theo họ để nói vài lời xin lỗi.  Hay là xin họ địa chỉ để sau này viết thư cho họ biết thật sự Thiền là gì.  Kể từ lúc đó, tôi cảm thấy như mình nợ hai người bạn ấy một điều gì.

 

  

   Cuối cùng tôi quyết định tham dự khóa tu Thiền vào mùa Đông, năm con trai tôi ra đời.  Sau này nghĩ lại, tôi thấy điều đó còn hơn là một bước ngoặc của định mệnh.  Mùa đông năm đó tuyết rơi nhiều.  Tuyết rơi ngày tôi bắt đầu tu Thiền.  Và tuyết trắng xóa ngày con trai tôi chào đời.  Ngắm những hạt tuyết rơi lả tả, tôi có cảm giác như con tôi đã theo tuyết, rơi xuống cuộc đời.  Gương mặt nó tỏa rạng vẻ im lặng thánh thiện ẩn giấu sau đôi mắt nhắm, giống như gương mặt của một vị Jizo.

   Ngắm nhìn nó nằm lặng im trong nôi, đôi mắt nhìn bâng quơ, đôi lúc tôi thấy nó bất chợt mỉm cười.  Tôi nghĩ không biết có phải vì nó nhớ lại ánh mắt thương yêu của ai đó nhìn nó từ trên bầu trời đầy tuyết cái ngày đầu tiên của đời nó.

   Vị trụ trì, Ni sư Gukai cho tôi một công án về "Không" (Mu) để suy gẫm.  Có lần một nhà sư hỏi thầy mình con chó có Phật tánh không?  Dầu trong các kinh tạng của Phật viết rằng tất cả chúng sinh đều có Phật tánh, vị thiền sư Trung Hoa tên Triệu Châu (778-897), dưới đời Đường, trả lời ngược lại.  Đó là, ông chỉ đơn giản nói "Không".

   "Bắt đầu từ bây giờ, con phải suy gẫm về công án Không", Ni sư nói.  Mình mặc y vàng, ngồi trên sàn nhà, với cây gậy thiền (kyosaku) để trên đùi, Ni sư có vẻ rất nghiêm trang, hoàn toàn khác với lần đầu tiên chúng tôi gặp.

   "Bất cứ lúc nào, dầu là con đang đi trên đường, ngồi tàu hỏa hay đang chơi đùa với con cái, cũng phải nghĩ đến Không.  Chỉ có Không.  Người nhìn, người được nhìn, cái nhìn, tất cả đều là Không.  Hãy nhớ lấy!"  Nói xong, Ni sư dùng gậy thiền đánh vào vai tôi.

   Vào một dịp khác Ni sư lại nói với tôi: "Con phải biết, thiền không chỉ là suy gẫm về cái Không.  Thiền không chú trọng vào những chuyện nhỏ nhặt như thế.  KHÔNG chỉ là một phương tiện.  Nếu con quá bám víu vào cái Không, đó là thiền chết.  Đi cũng là thiền, ngồi trên tàu hỏa cũng là thiền, chơi đùa với con cái cũng là thiền.  Cả vũ trụ này không có gì ngoài thiền, không có gì ngoài công án.  Đó là Genjo-koan, nghĩa là sự "Tĩnh thức ngay trong giờ phút hiện tại".

   Vợ tôi không mấy vui lòng khi tôi bắt đầu hành thiền.  Vì tôi bắt đầu tu tập mà không mời rủ cô ấy.  Một lần khi chuyện này được khơi ra, cô ấy nói: "Anh chỉ đi, làm theo ý mình.  Chưa bao giờ anh hỏi em có muốn theo không?"

   Lần đầu nghe như thế, tôi hoảng kinh.  Cô ấy đã sống ở Mỹ năm năm, và tôi chẳng bao giờ nghĩ người đàn bà thích sống trong các khách sạn, ăn ở các nhà hàng sang trọng, lại muốn hành thiền.  Lần khác, cô ấy bảo tôi: "Hãy nhìn lại xem anh là người thế nào.  Tám năm ở Mỹ, anh đã làm gì?  Luôn cặp kè với đàn bà con gái, la cà ở các hộp đêm, quán bar.  Nếu người như anh mà còn tu thiền được, thì có gì lạ nếu tôi cũng muốn học thiền?"

   "Không giống như học đánh tennis hay học nhảy đầm đâu đấy.  Mà đó cũng không phải là chuyện của đàn bà.  Đó là việc căn bản dành cho đàn ông".

   "Cái gì?  Vậy chứ Ni sư không phải là đàn bà sao?"

   Đó là một câu hỏi khó trả lời.  Ni sư, ừ, thật ra bà cũng không phải là một người đàn bà bình thường.  Hình như xương cốt bà không phải của đàn bà.  Mà cũng không phải của loại đàn ông bình thường, cuối tuần chỉ lo dắt vợ con đi chơi.  Bà đã thụ giáo Judo, và kiếm thuật Nhật Bản, trên trán bà còn hằn một vết sẹo kỷ niệm một lần đụng độ với đám du đảng.

   Khi bà sống ở vùng Hokuriku, bà nổi tiếng phá phách trong đám thiền sinh ở thiền đường, được mệnh danh là "Con quỷ ở Dojo", và quá khác thường đến nỗi sư phụ bà phải cho bà ra khỏi tu viện.  Riêng bà, coi đó là một cơ hội để đi hành hương chiêm bái khắp nơi, thăm viếng các vị cao tăng.  Vì quen thuộc với lối sống đó, bà chẳng ngại ngùng gì đến trụ trì ở ngôi chùa đã xuống cấp này.  Tôi tưởng tượng ban đêm bà lẻn ra ngoài, đi theo tiếng cười của lủ quỷ lùn, mũi dài trong các câu chuyện dân gian của Nhật.  (Bà chẳng bảo đã từng thấy chúng đi từng đàn qua thung lũng đó sao?)  Có lẽ bà đã tu luyện được các phép thuật, như ngồi thiền dưới thác nước, và tiếp tục thiền định dưới các gốc cây hay trên những mõm đá. 

   Có lẽ tất cả những thứ đó đã biến đổi giới tính của bà.  Tôi không thể nghĩ ra điều gì khác hơn thế.  Nhìn Ni sư, tôi thấy sự khác biệt giữa hai phái nam nữ rất nhỏ. 

   "Tôi không phải là đàn bà!", Ni sư cũng thường tự nói. Rồi bà kể chuyện đã làm náo động cả chúng khi bà đi vào nhà vệ sinh của một tu viện dành chỉ cho tăng.

   Bà thường tuyên bố: "Đàn bà vô tích sự.  Tôi hiểu điều đó, tôi hiểu họ không phù hợp cho việc tu hành.  Lúc đầu, tôi cũng nghĩ là phụ nữ cần được giải thoát, cứu rỗi, nên tôi rèn luyện cho họ rất nhiều.  Nhưng họ luôn luôn bỏ cuộc giữa chừng.  Dầu lúc đầu họ có mục đích, ý hướng rõ ràng, nhưng sau đó rồi nhạt đi.  Phụ nữ là như thế đó. Phụ nữ có rất nhiều tham vọng.  Tu thiền là phải buông bỏ tất cả.  Trong khi bản tính phụ nữ là bám víu, giống như khi họ thấy cái gì rơi rớt, họ không thể không lượm lên.  Và nỗi đam mê nhất của phụ nữ là con cái họ.  Nói tới con họ rồi, là họ hoàn toàn u mê, không biết phải quấy gì nữa".

   "Này Kimura," Ni sư quay sang tôi, "con là đàn ông mà lo cho con cái nhiều quá".  Với cái nhìn chán nản, Ni sư tiếp thêm :"Con cũng hơi khác thường đó".

 

 

 

   Tôi dẫn con trai theo đến chùa không phải vì tôi lo cho con quá như Ni sư đã nghĩ; ngược lại thì có.  Hay ít nhất đó cũng là điều suy nghĩ của vợ tôi.  Các ông chồng khác ở nhà ngày cuối tuần để chơi đùa hay đi câu với con cái.  Tôi thường bỏ thằng con trai đang học tiểu học và đứa con gái mới học mẫu giáo của tôi ở nhà, và ra đi trước khi mọi người thức dậy.  Tệ hơn nữa, đêm trước đó, tôi còn nhờ vợ tôi làm bánh mì đủ cho năm người ăn.  (Cô ấy phải làm thế vì chúng tôi, các thiền sinh thọ trai chung với nhau).

   Chẳng bao lâu có sự phản kháng trong gia đình.  Nhưng không phải là từ vợ tôi, mà là từ con trai tôi.  Nó chun vô nhà hàng xóm, ăn bánh kẹo của người ta hay đi với bạn bè vào các shopping ăn cắp đồ.  Con trai tôi là loại người dám đâm đầu xuống núi nếu như có ai bảo nó làm thế. 

   "Nó thiệt là một đứa trẻ nghịch ngợm.  Ôi, nó phá bằng ba đứa con trai tuổi nó.  Một mình em không thể coi nó nỗi đâu.  Mà em còn phải lo cho Rie nữa".  Khi vợ tôi báo cho tôi biết về các hành động ngang bướng của con trai, tôi rất giận.

   Trong buổi ngồi thiền sau đó, tôi tuyên bố phải vắng mặt một khoảng thời gian để lo cho con trai tôi.  Ni sư đề nghị ngay rằng:  "Đem nó theo con.  Nó muốn phá phách thế nào cũng được ở chùa này.  Trẻ con thường ngang bướng vì cứ bị la rầy: 'Đừng sờ thứ này, đừng mó thứ kia'.  Con còn cấm nó ăn thứ này, thứ khác nữa có phải không?  Lúc nào cũng bắt nó ăn ba thứ đồ ăn kiêng như thể con đang nuôi thỏ.  Nếu con không nuôi con nít đang lớn bằng thứ đồ ăn nó thích, thì nó sẽ qua hàng xóm ăn chực thôi.  Nếu nó đến đây, thầy sẽ để nó muốn ăn gì thì ăn.  Ở đây này, thầy có bao nhiêu kẹo bánh để đến hư luôn.  Nếu trẻ con được ăn bao nhiêu tùy thích, chúng sẽ không còn thèm thuồng nữa".

   Tôi không thể làm gì khác hơn là cúi đầu, lúng búng nói: "Cảm ơn thầy".

   Khi tôi hỏi ý con trai xem nó có muốn đi chùa với tôi, nó vui lắm.  Có lẽ nó đang tò mò không biết tôi đến chỗ vui thú nào mà mỗi chủ nhật đều đi.  Tôi nghĩ là không lâu sau nó sẽ chán thôi, nhưng thay vì thế, nó bắt đầu đánh thức tôi dậy vào những ngày chủ nhật.

   Chẳng bao lâu lại có chuyện.  Một trong các vị thâm niên ở thiền đường phàn nàn: "Đây không phải là nhà trẻ.  Thằng bé phá rối việc tham thiền của chúng tôi".

   Ni sư gọi người cư sĩ đại diện của khóa tu thiền, giám đốc của một công ty hải sản bán sỉ.  Bà chất vấn: "Ở đây ai là thầy, ai là đệ tử?  Thầy đã cho phép mà.  Thầy đã có tính toán cho nó rồi.  Hành thiền kiểu gì như thế, chỉ có một đứa trẻ cũng bị phân tâm?"  Tôi nghe được những lời này từ người đàn bà phụ việc trong chùa cho Ni sư. 

   Tôi đã có tính toán cho nó rồi.  Không biết Ni sư nói vậy với ý gì?  Tôi hơi thắc mắc, nhưng không hỏi Ni sư.  Nếu Ni sư đã nhìn thấy được nó sẽ trở thành một tu sĩ, thì quả bà có đôi mắt tinh đời.  Nhưng cũng có thể Ni sư nghĩ điều gì khác nữa, vì bà chẳng bao giờ bảo tôi bắt nó ngồi thiền.  Nhiều lúc Ni sư làm chúng tôi ngạc nhiên với những ước đoán chính xác của bà, có lẽ đó là do công lao tu thiền của bà.

   Đôi khi lúc kết thúc các buổi tham vấn giữa Ni sư và tôi, bà thường nói đại khái như: "Gần đây con hay lo ra.  Đó là lý do tại sao con không thấy tiến bộ", hay "Khi ngồi thiền, đừng để tâm con đi lang thang".  Rồi Ni sư gõ gõ cây gậy thiền xuống mặt chiếu. 

   Và Ni sư đã nói đúng.  Đáng lý ra khi ngồi thiền, phải chú tâm, thì tôi mơ mộng về việc tậu một dàn máy nghe nhạc mới, hay nghĩ về những nơi chốn tôi sẽ đi chơi với gia đình lúc nghỉ phép.  Để bù đắp lại, trong các buổi tham vấn, tôi ráng lạy rất nghiêm trang hay la hét hết mình.  Nhưng chẳng ích lợi gì.

 

  

    Lúc đầu khi con trai tôi nói muốn đi tu, tôi đã suy nghĩ về những diễn biến lạ lùng của mọi việc.  Tôi chỉ tình cờ khám phá ra ngôi chùa trong một lần đi dạo, sau đó tôi lại học Thiền.  Rồi con trai tôi, lúc đầu bị bỏ ở nhà, sau theo tôi đến chùa và dần dần nó đòi đến chùa ở luôn.  Tất cả mọi việc xảy ra một cách bình thường thôi.  Nhưng ngẫm lại câu chuyện từ đầu tới cuối, tôi không thể nghĩ được điều gì khác hơn để diễn tả là do bàn tay của định mệnh đã xếp đặt trước. 

   Một điều nữa tôi cần phải nói thêm về Ni sư trụ trì Gukai -mà nhiều người dưới phố coi là khác thường là Ni sư rất yêu thú vật.  Nhưng không có nghĩa là Ni sư nuông chiều chúng quá.  Đúng ra thì vì các loài vật hay quấn quít quanh Ni sư nên bà cũng sinh lòng quyến luyến chúng.  Đó là cách Ni sư thương loài vật.  Hay nói đơn giản hơn, Ni sư rất 'hiểu' chúng.

   Đủ loại súc vật lang thang trong chùa, lẩn quẩn bên Ni sư một lát, rồi lại đi: gà vịt, chim chóc, sóc thỏ, dê không kể chó và mèo.  Phần đông là do các Phật tử của chùa, hay các gia đình nông dân trong vùng mang đến.  Họ nói không thích nuôi chúng nữa hay nhờ Ni sư nuôi hộ dùm một thời gian. 

   Ni sư không bao giờ nuông chiều chúng giống như kiểu người đời thương thú vật, coi chúng hơn con người.  Đối với Ni sư, thú vật là thú vật.  Chúng muốn đến hay đi tùy ý.  Ni sư chỉ việc chuyện trò với chúng.

   Và hình như chúng cũng hiểu được Ni sư.  Vài năm trước đây, một đàn vịt xuất hiện, chúng ồn ào ỏm tỏi.  Khi có con mèo nào lại gần, chúng càng quạt quạt to hơn để báo hiệu cho nhau và xua đuổi gã mèo đi.  Rồi bỗng đàn vịt biến mất, Ni sư trụ trì la gã mèo một trận, nghĩ rằng nó đã trả thù đám vịt.  Gã mèo hình như rất buồn lòng và sau đó cũng đi mất.  Ni sư trụ trì bảo chúng tôi có lẽ là gã mèo đi lang thang ra khỏi chùa đã bị con chó hoang nào cắn chết rồi.

   Bỗng một ngày kia, Ni sư trụ trì có việc ra khỏi chùa, trên đường đi, Ni sư bỗng nghe tiếng mèo kêu.  Ni sư nhìn quanh quất cũng chẳng thấy gì.  Nhưng khi Ni sư định cất bước, thì tiếng kêu lại trổi lên.  Lúc ấy Ni sư nhận ra đó là tiếng kêu của chú mèo đã thất lạc.  Tìm kiếm trong các bụi cây gần đó, Ni sư thấy cái xác thối rữa của một chú mèo.  Bà đào hố chôn xác mèo và tụng kinh Trái tim cho nó.

   Ni sư là như thế đó.  Tôi cảm thấy rằng việc con trai tôi không thấy chán chơi đùa ở chùa, mà còn muốn đến sống ở đấy, có lẽ phần nào cũng do cá tính của Ni sư.  Điều tôi lo sợ nhất là không biết con tôi có trở thành một vị tu sĩ được không.  Theo tôi, người tu phải là người có tấm lòng đại từ bi đối với người khác, không màng đến những tiện nghi vật chất hay của cải, không ngại cúi xuống lau chùi sàn nhà.  Và khi rảnh rỗi, họ phải đọc bao nhiêu kinh sách của Đức Phật.  Về lòng từ bi, có thể con trai tôi sẽ phát từ tâm khi nó lớn lên.  Nhưng tôi cũng không thể nói là nó thờ ơ với việc ham muốn của cải vật chất; nó muốn có tất cả những thứ bạn bè nó có: xe đạp, giày lăn, radio Walkman, vân vân.  Gần đây, nó còn để mắt đến các chiếc xe máy kiểu cọ.  Khi tôi lái xe, nó ngồi kế bên và bắt chước tôi lái.  Nó nói: "Con muốn học lái xe quá cha".

   Tôi không lo ngại mấy việc một vị tu sĩ phải lau chùi, quét dọn vì con tôi cũng thích hoạt động.  Tôi mà biểu nó quét dọn gì đó thì nó còn làm, chứ biểu cầm quyển sách lên học thì đừng hòng.  Tôi lo sợ rằng nó sẽ chẳng bao giờ đụng tới các kinh sách của Đức Phật, chứ đừng nghĩ tới việc nó sẽ là một nhà sư uyên thâm qua tận An độ để nghiên cứu kinh điển hay thuyết giảng về thiền.

   Nhìn nó ngồi kế bên tôi làm điệu bộ như đang lái xe, tai thì gắn chặt vào cái Walkman, tôi nghĩ không biết cái quỷ gì đã xui khiến nó nói muốn xuất gia.  Tôi chỉ biết nhìn nó sợ hãi.  Chắc nó tưởng khi làm nhà sư rồi nó còn có thể vừa lái xe vừa nghe nhạc như thế à?  Ni sư trụ trì sẽ không bao giờ cho phép nó làm như vậy, vì thế tôi thấy thương cho nó quá.

   "Trẻ con đòi hỏi thứ này, thứ kia, cũng là tự nhiên thôi", Ni sư trụ trì nói.  "Nhưng đầu tiên cũng là do cha mẹ mà ra.  Một đứa trẻ lớn lên ham muốn được có mọi thứ.  Còn bổn phận của cha mẹ là phải dạy cho con cái biết cái gì là cần thiết và cái gì không".

   Một người bạn nói với tôi: "Bộ các người tu không có lòng tham sao? Còn việc chẳng kể đến tánh mạng vẫn đi đến tận An độ thỉnh kinh -thì chắc chỉ có một nhà sư trong mười ngàn nhà sư và chỉ có một trong cả trăm năm.  Anh bạn thật quá lý tưởng. Thêm nữa, có ham muốn cũng tốt chứ. Vì có lòng ham muốn, con người mới đạt được Giác Ngộ. Nếu không có lòng ham muốn, khó mà thành thầy tu giỏi được".

   Vợ tôi nói: "Anh muốn thứ gì là thằng Ryota muốn thứ đó".

   Tôi nói: "Anh đã suy nghĩ nhiều về việc thằng Ryota sẽ làm gì khi nó lớn lên. Lúc đầu anh nghĩ nó sẽ là một kịch sĩ hay một tay trống jazz. Nó hay diễn tả mọi thứ bằng cử chỉ, thích nhún nhảy theo điệu nhạc. Lần nhà trường tổ chức lễ hội, nó đã chơi trống thật xuất sắc, dầu đó chỉ là một sinh hoạt phụ.  Nhưng anh cũng đã nghĩ là nó sẽ làm việc trong một ngân hàng hay công ty kinh doanh, làm chủ một cửa hàng hay làm công nhân viên, nhưng hình như không có gì hợp với nó cả.  Anh có một người bạn, một nhà kinh doanh rất thành công với các cửa tiệm sang trọng ở Tokyo và New York, vợ ông ta là Á hậu kỳ thi Hoa Hậu Nhật. 

   Vậy đó, mà rồi giữa khi cuộc đời đang phất lên như thế, một ngày kia anh ấy bỗng bỏ hết mọi thứ, đi tìm cái chết".

   "Anh lúc nào cũng bi quan quá.  Làm cho các công ty thương mại hay ngân hàng không phải là việc tầm thường đâu. Tất cả các bà vợ trong khu chung cư  đang được xây cất đều rất tự hào về các ông chồng của họ. Anh lúc nào cũng bóp méo sự thật hết".

   "Anh còn nhìn sự việc qua ống kính lịch sử nữa.  Có bao nhiêu triệu, bao nhiêu tỉ người đã có mặt trên quả địa cầu, rồi cũng biến mất.  Mọi người đều có thời là đứa trẻ con như Ryota, suy nghĩ, lo lắng không biết mình sẽ làm gì khi cha mẹ họ cũng lo lắng.  Cuối cùng rất ít người có thể sống cuộc đời họ đã chọn, trong khi phần lớn không có sự lựa chọn nào. Và trong con số ít, rất ít đó, có mấy ai còn để lại dấu vết gì trong lịch sử. Nhưng có phải họ mới là những người đáng kể không?  Nếu Ryota có chọn lựa sai lầm đi nữa, thì cũng chỉ có nó hay chúng ta là kẻ phải lãnh hậu quả thôi".

   Dầu vợ tôi tỏ vẻ khó chịu ra mặt, tôi vẫn tiếp tục nói: "Tóm lại, làm sao ai có thể thật sự biết con đường nào đúng để chọn lựa?  Chừng nào họ đã đi qua con đường rồi, họ mới biết. Và cũng chỉ có họ phải đi con đường đó thôi.

   Dựa vào lịch sử, anh chắc rằng sự cường thịnh của nước Nhật rồi cũng đi đến đường cùng.  Hãy nhìn nước Mỹ đó; nước Nhật rồi cũng giống như thế.  Trong lúc các tệ nạn về tình dục, hút sách tăng lên, ở các vùng núi California vẫn có những thiền viện được tạo dựng lên và rất nhiều người trẻ tuổi đã tìm đến đó . . . .  Mà cũng không chỉ những người trẻ tuổi.  Em có biết là cựu thống đốc tiểu bang California bỏ làm thống đốc, đi đến một ngôi chùa ở Kyoto để tu thiền không?"

   "Thì ra vì các người Mỹ tu thiền, rồi con trai em cũng phải trở thành thiền sư, có phải vậy không?", vợ tôi cắt ngang.

   "Không, điều anh muốn nói là chúng ta đang ở thời đại của tôn giáo.  Khoa học, kinh tế, chính trị không thể tiếp tục bỏ qua tôn giáo.  Ong Fritzof Capra, một nhà vật lý ở Mỹ đã nói những gì bây giờ các nhà vật lý đang nghiên cứu, những điều đó đã có trong các tôn giáo ở Á châu.  Khi anh trao đổi với Ni sư trụ trì về vấn đề này, Ni sư nói đã biết điều đó từ lâu".

   Vợ tôi trả lời: "Em không biết gì về thiền, vật lý hay những thứ rắc rối khác.  Chúng không ảnh hưởng gì tới em cả.  Không thành vấn đề với em nếu con trai mình sẽ trở thành một nhà kinh doanh hay một vị tăng sĩ.  Nếu nó có thể sống theo ý nó muốn mà không làm hại gì ai, em đủ thấy hạnh phúc rồi.  Trước sau gì nó cũng phải rời bỏ gia đình để sống tự lập.  Nếu mỗi tuần nó ghé thăm mình cũng được rồi.  Ở chùa, nó vẫn làm được chuyện đó, có phải không?  Hoặc là dịp năm mới, nó có thể về thăm.  Rồi hè nữa.  Em sẽ giữ phòng nó nguyên như vậy, ghế bàn gì cũng giữ y nguyên, để những khi nó về thăm nhà có mà sử dụng.  Nó sẽ buồn nếu đồ vật của nó bị mất mát, hay nó không còn có phòng riêng".

 

 

   Tôi tưởng tượng ra con trai tôi trở về nhà trong mùa hè ngắn ngủi hay dịp lễ đầu năm, đi dọc hành lang nhà, mặc áo tu sĩ với cái đầu đã cạo.  Điều đó gợi tôi nhớ đến yabu-iri, một từ ngữ tôi thường nghe lúc còn trẻ để chỉ thời gian nghỉ phép của người đi học nghề ở xa về.  Tôi không biết từ ngữ đó có áp dụng cho các chú điệu học tu không.  Nếu có bà nội trợ nào trong chung cư gặp nó, chắc là bà sẽ xoe tròn mắt vì kinh ngạc.  Rồi người ta sẽ xì xào: "Tại sao đứa con trai phải bỏ nhà đi tu, trong khi cha nó không phải là trụ trì.  Cha mẹ nó còn bắt nó phải đi vòng quanh phố, mặc chiếc quần đen cổ lổ ấy.  Trước đây  nó đâu có gì khác lạ trong chiếc áo thể thao màu tươi rói, quần trắng và giày thể thao.  Có lẽ do ác nghiệp gì đó, mà cha mẹ nó bắt nó phải xuất gia".

   Nó sẽ đứng ở cửa phòng, cúi chào như một người khách.  Nó sẽ thưa lớn lên, giống như Ni Sư trụ trì đã dạy: "Cha mẹ, xin thứ lỗi cho sự phiền rộn này". 

   Và nếu chúng tôi có hỏi han về sức khỏe nó hay về tu viện, tôi biết cũng chỉ được nó trả lời một cách bài bản như "Dạ", và "Dạ, đúng".

   Tôi cũng hình dung ra cảnh gia đình bốn người -Mẹ, cha, con trai và đứa con gái nhỏ Rie ngồi trước bàn thờ Phật ở nhà, và nó sẽ hướng dẫn chúng tôi tụng kinh.  (Thật ra, 'chánh điện' ở nhà chúng tôi gồm một tượng nhỏ của ngài Jizo -quà của Ni sư trụ trì- để trên kệ cao nhất, một chén trà nhỏ dùng làm bát hương và một bình hoa không đẹp lắm với đủ loại hoa).  Hình ảnh chúng tôi quần tụ như thế vừa có vẻ buồn bã, vừa có vẻ hấp dẫn lạ kỳ.

   Còn về đời sống khắc khổ với những luật lệ khắc khe thì sao?  Tôi đã có lần xem một chương trình truyền hình về sinh hoạt ở tu viện Eiheiji:  Trước khi mặt trời lên, một chú tiểu chạy qua những dãy hành lang dài, và tối, tay rung một cái chuông nhỏ để đánh thức mọi người dậy.  Rồi mọi người cùng ngồi thiền trong buổi bình minh giá lạnh, với hơi sương như tỏa ra từ các đỉnh đầu trọc.  Những đôi chân trần, lau nhà với các mảnh giẻ ướt.  Một thế giới hoàn toàn biệt lập với thế giới bên ngoài, và khổ hạnh không tưởng được.  Nhưng Ni sư trụ trì bảo một khi con là người ở trong chúng rồi, con sẽ không thấy giống như thế.  Bao nhiêu việc tưởng chừng như khó khăn đều có thể thực hiện được với chúng tu đông đảo.  Không biết đó có phải là nơi con tôi nên sống không, vì nó dễ kết bạn, nhưng cũng hay bị bạn bè ảnh hưởng dễ dàng?

   Một khi người ta đã bước vào thế giới đó, có dùng cây thước đo của thế giới bên ngoài để đo lường cũng chỉ là vô ích.  Có lẽ rồi nó cũng thôi đòi hỏi phải có dàn máy stereo hay xe gắn máy.

   Trong chương trình truyền hình, một trong các tu sĩ ở tu viện Eiheiji được hỏi: "Thầy thích gì về đời sống ở đây?"  Người phỏng vấn hỏi với giọng đầy nghi ngờ như thể muốn hỏi tại sao mà người ta có thể từ bỏ thế giời đầy lạc thú để chui vào đây, sống khổ như thế nầy.  Tôi vẫn còn nhớ câu trả lời của tu sĩ trẻ, lúc đó đang đảm nhiệm công việc ở nhà bếp từ sáng tới tối, chuẩn bị bữa ăn cho các huynh đệ khác.  Hơi nghiêng chiềc đầu không tóc một tí, tu sĩ trả lời: "Có lẽ là niềm vui được làm tốt hơn những điều hôm qua chưa làm tốt".

   Như không để ý đến câu trả lời đó, chương trình quay qua một cảnh khác.  Nhưng câu trả lời đó gây ấn tượng mạnh mẽ trong tôi.  Con người có thể tìm thấy niềm vui trong mọi hoàn cảnh.  Và chính những niềm vui nhỏ bé đó truyền sức để ta tiếp tục vươn lên.  Có lẽ, hơn cả "niềm vui", chúng ta nên gọi đó là "sự cảm nhận" -lòng biết ơn.  So sánh với những niềm vui này, ta thấy niềm vui của dục lạc hay được trúng số trở nên phù du, thoảng chốc biết bao.  Niềm vui càng lớn, càng chóng qua. Tóm lại, mọi niềm vui đều thoáng qua, vì thế chúng ta không nên bám víu vào chúng.  Một ngày kia, có lẽ con trai tôi sẽ hiểu ra điều đó.

   Niềm vui được làm tốt hơn những điều hôm qua chưa làm tốt.

   Khi con trai tôi hiểu được như thế, có lẽ nó sẽ thực sự trở nên một người tu.  Khi tôi suy gẫm về tất cả những chuyện như thế này, tôi bắt đầu thấy việc con trai tôi muốn xuất gia trở nên có lý hơn.

 

   Tuy nhiên khi lên trung học, con trai tôi bắt đầu có những hành vi khác thường.  Tôi tìm thấy các điếu thuốc hút dở trong hộp viết chì, các  tạp chí nhảm nhí trong cặp sách của nó.  Nó bắt đầu đến trường với áo thì dựng cổ lên, không cài nút, đầu dây nịt để vắt vẻo, thay vì cài vào lưng.  Nó mang giày bít như thể giày sandals -nghĩa là phần gót không xỏ vào mà đi đạp lên và thay vì mang cặp sách, nó vác cái túi đi chợ màu sắc lòe loẹt đến trường.

   Tôi tưởng đó chỉ là những thay đổi tạm thời để thích ứng với trường mới hay gì đó, nhưng rồi thầy giáo chủ nhiệm đến thăm để báo cho chúng tôi biết là nó la cà với đám học trò phá phách nổi tiếng ở trường.  Khi tôi vừa hiểu ra sự nghiêm trọng của vấn đề thì có cuộc ấu đả giữa học sinh của hai trường.  Vợ tôi được mời đến và nhà trường thông báo kẻ cầm đầu của cuộc ấu đả: đó là con trai tôi.

   Suốt thời gian đó, nó vẫn tiếp tục đi theo tôi đến chùa để tọa thiền mỗi chủ nhật, mang theo hộp đồ ăn trưa khá to trong một cái túi, và đi theo tôi với cái vẻ bất cần bình thường như thể đã chẳng có gì xảy ra.  Nó ít khi chuyện trò với tôi trong suốt thời gian chúng tôi ở chùa làm cỏ, hành thiền, thọ trai rồi trở về nhà.  Nhưng theo luật lệ ở Thiền viện thì trong suốt thời gian này dù là người trong gia đình cũng không được nói những chuyện không cần thiết, nên tôi cũng chẳng quan tâm lắm.

   Chỉ có một điều thay đổi là bây giờ nó muốn về nhà sớm hơn để đi chơi với bạn bè.  Thỉnh thoảng nó thọ trai sớm, rồi lấy tàu hỏa về trước một mình.  Suốt những năm tiểu học, chưa có chủ nhật nào nó bỏ đi chơi banh, đi câu hay cặp kè chúng bạn dù bị rủ rê.  Khi nó bắt đầu vào trung học đệ nhất cấp, tôi nghĩ là nó cũng cần đi chơi với chúng bạn, nên tôi vui vẻ tiễn nó ra khỏi chùa, còn bảo nó đi chơi vui vẻ.  Vậy mà rồi nó đi đánh lộn.

   "Sao mà con có thể đi đánh lộn sau khi ngồi thiền?", tôi rầy nó.  Thiệt là vô tâm.  Tôi đoán có lẽ sau buổi tọa thiền, nó trở về đi hút thuốc, coi sách báo nhảm nhí với chúng bạn.

   Thứ hạng của nó tụt xuống hẳn, bây giờ nó đứng thứ hai hay thứ ba cuối sổ.  Thầy chủ nhiệm bảo là trong lớp nó hay làm trò để chọc cả lớp cười.  Tôi tra vấn nó: "Tại sao con không ngồi yên được trong lớp?  Nếu tụi bạn có cười, cũng chỉ vì họ nghĩ con là đứa  ngốc nghếch".  

   Nó có thể ngồi thiền cả hai giờ không động đậy, tại sao không thể ngồi yên ở lớp học.  "Con không thể", nó trả lời.

   Bữa nọ, tôi răn đe nó về việc lười học "Làm nhà sư, không phải chỉ có lau chùi, dọn dẹp không thôi, con có biết không?  Con còn phải học kinh nữa".

   Cuối cùng nó bắt đầu nói: "Con không thành nhà sư đâu".

   "Vậy con sẽ trở thành gì?", tôi hỏi.

   Nó có vẻ không tìm ra câu trả lời.  "Con sẽ tìm cái gì đó thích hợp với con".

   Tôi hét lên, "Đồ ngốc!  Con còn dám nói sẽ tìm 'cái gì thích hợp' khi con không muốn học hành".

   Đêm đó tôi trăn trở trong giường, lo lắng về việc bây giờ nó không muốn đi tu nữa.  Không thể ngờ là tôi đã đặt quá nhiều hy vọng vào việc đó, đã trông mong việc đó xảy ra đến thế nào.  Giờ nhận ra rằng có thể nó sẽ không xuất gia, làm tôi thấy được làm một nhà sư thật là tuyệt vời.  Đó là một việc chỉ số ít người phát nguyện, và chỉ số ít người có thể thực hiện được.  Một kẻ tầm thường như con trai tôi còn ước mong gì hơn thế nữa.  Hình như có ai đó đã đưa lối cho nó đi vào con đường đó.  Có lẽ nó đã có căn tu từ lúc sinh ra, có lẽ vị Jizo trên bàn thờ nhà tôi đã dẫn dắt nó.  Không biết có phải vị thần Jizo đó đã hết linh nghiệm, hay vì các ảnh hưởng xấu quanh nó quá mạnh?  Tôi nghĩ là bằng mọi cách, tôi phải đưa nó ra khỏi vòng vây của lũ quỷ.  Điều đó phải làm trước tiên, rồi mới tính tới việc nó có thành một tu sĩ hay không?  Nếu cuối cùng nó có bỏ ý định đi tu, để theo con đường của người thế gian, thì cũng đành thôi.  Nhưng nếu nó cứ tiếp tục sống như hiện giờ, thì nó sẽ chiến bại trước các ảnh hưởng xấu xa.

 

 

   Tôi bàn với vợ chuyển con trai tôi qua trường khác học.  Chúng tôi định đổi nó sang một trường tư với luật lệ nghiêm khắc hơn trường công nó đang học.  Là học sinh chuyển trường, nó phải qua một kỳ thi tuyển, nhưng gay go nhất là bảng xếp hạng của nó.  Trường tư loại nào lại nhận học sinh đứng thứ hai, thứ ba cuối lớp?  Nếu có trường nào nhận nó, trường đó chắc phải vào loại thứ ba, thứ tư, nên không có đủ học sinh.  Trường hợp đó có thể nó còn trở nên tệ hơn nữa.  Dầu sao cũng còn hy vọng, nó có thể theo học ở các trường tôn giáo.  Nó có thể  có hy vọng được vào học trường Phật giáo.

   Vợ tôi và tôi đến gặp Ni sư trụ trì.  "Chao ôi.  Cả hai người!  Hẳn phải có việc gì hệ trọng lắm", Ni sư  nói vẻ chế nhạo khi chúng tôi cúi chào Ni sư . 

   Tôi kể cho Ni sư  nghe mọi chuyện, kể cả chuyện con trai tôi nói bây giờ nó không muốn xuất gia nữa.

   "Nó đã sống trong một thế giới quá trong sạch.  Giờ thì đủ loại vi trùng muốn bám vào nó, nhưng thầy không lo gì những chuyện đó.  Nó sẽ thay đổi ngay thôi", Ni sư trụ trì thản nhiên nói, một nụ cười chợt nở trên khuôn mặt đầy nét trẻ thơ của bà. 

   Tôi nói ý định chuyển trường học cho nó.  Ni sư trụ trì tán đồng:  "Ý kiến hay lắm.  Con phải tách nó ra xa các ảnh hưởng xấu càng xa càng tốt".

   Rồi tôi hỏi về trường Sendan, Ni sư  nói "Đó là trường Phật học, dầu có nhiều con cái của các cư sĩ cũng theo học.  Con cái của các vị trụ trì chùa có thể được nhập học không phải thi, nhưng thầy nghe hình như bây giờ điều đó cũng thay đổi".

   Tôi nói tôi nghĩ là nếu nó có trở thành tu sĩ cũng được.  Đó là điều nó muốn thực hiện ngay khi vừa lên tiểu học.  Nhưng vì cha mẹ nó chần chừ, nên giờ nó cũng đổi ý.  Tôi nhấn mạnh rằng nếu nó được đổi đến trường này học, và trở lại muốn đi tu thì cũng được. 

   "Thế à," Ni sư  nói, đôi mắt sáng lên nhìn tôi.  Rồi quay sang vợ tôi: "Con có đồng ý như thế không?"

   "Dạ", vợ tôi cúi đầu xuống nói.

   "Quyết định thế nhé!",  Ni sư trụ trì nói lớn, bằng giọng nói tôi chưa bao giờ nghe Ni sư  dùng.  "Giờ, để mọi chuyện cho thầy lo".

   Tôi nghĩ mọi việc xảy ra nhanh chóng quá.  Cách Ni sư  giải quyết vấn đề thật bất ngờ.  Tôi quen nhìn Ni sư  ngồi uống trà tiếp khách hằng giờ, tưởng chừng như Ni sư  đã mọc rễ trên chiếc thảm tatami.

   Tôi nghe kể là chủ nhật sau đó, khi con trai tôi vào phòng tham vấn, Ni sư  đã hỏi nó: "Con có còn muốn xuất gia không?"

   Con trai tôi trả lời: "Dạ con...nhưng...", nó ngập ngừng.

   "Chuyện gì vậy", Ni sư  hỏi.

   "Con không có tự tin".

   "Tại sao?"

   "Vì cha con nói là người như con không bao giờ có thể trở thành tu sĩ".  (Tôi thật đau lòng nghe con tôi nói thế, vì tôi biết rất rõ lý do ngại ngùng của nó).

   Rồi Ni sư trụ trì nói với nó: "Thầy sẽ giúp con trở thành một vị tu sĩ đức hạnh".

   Giờ thọ trai, Ni sư  nói: "Thầy có một việc quan trọng cần tuyên bố", rồi Ni sư  tuyên bố thẳng luôn với mọi người đang có mặt ở thiền viện việc Ryota sẽ trở thành một tu sĩ.  Ni sư trụ trì nhấn mạnh: "Đó là quyết định riêng của nó".

   "Ồ", mọi người kêu lên thán phục.

   "Và nó phải chịu trách nhiệm về việc đó", Ni sư  nói, hướng về con trai tôi đang nhấp nhỏm trên ghế ngồi, nó rụt rè gật đầu.

 

 

   Ni sư trụ trì gọi điện cho trường Sendan, xin cái hẹn gặp thầy hiệu trưởng, rồi cùng đến trường với tôi.  Học sinh mặc đồng phục túa ra cổng trường, đi dọc theo con đường đầy bóng cây ginkgo.  Khi chúng thấy Ni sư trụ trì mặc y vàng, chúng dở nón chào.  Trường con tôi đang học đâu có thế, tôi vui mừng nhận ra sự khác biệt đó.

   Thầy hiệu trưởng bước vào phòng tiếp khách mặc đồ vest, nhưng có áo tràng choàng ngoài.  Ong chấp tay lại và cúi đầu chào Ni sư trụ trì.  Ni sư trụ trì giới thiệu tôi: "Đây là cha của Kimura Ryota, đứa học trò phải thi chuyển trường".  Rồi Ni sư  tiếp: "Tôi đã quyết định nhận nó vào chùa, và sau này sẽ để nó thay tôi trụ trì chùa Zenkaiji.  Đó là lý do chúng tôi có mặt ở đây hôm nay".

   Thầy hiệu trưởng có vẻ thích thú với việc một đứa trẻ từ gia đình cư sĩ lại muốn trở thành tu sĩ.  Ông hỏi Ni sư trụ trì: "Thưa, nó có liên hệ với thầy không?"

   "Không, chúng tôi không làm như thế để giữ chùa cho gia tộc mình.  Đó là ý nguyện của đứa trẻ.  Nó đã đến chùa tôi từ ngày mới vào lớp một, đến khi lên lớp ba, nó nói muốn trở thành tu sĩ.  Chúng tôi đã bảo nó còn quá nhỏ, phải chờ đến lên trung học.  Trong thời gian đó, chúng tôi chờ xem thằng bé có đổi ý không, nhưng nó không thay đổi.  Cuối cùng chúng tôi đồng ý", Ni sư  nói, nụ cười Thiền không kiềm hãm nở rộng trên khuôn mặt người.

   "Vậy à, vậy à", thầy hiệu trưởng nói vẻ thích thú.  "Nó có ngồi thiền không?"

   "Y như người lớn. Tâm nguyện của nó rất thành khẩn.  Không giống như người lớn.  Nó quá trong trắng, nó hành thiền với tất cả tấm lòng.  Thật là đặc biệt".

   "Vậy sao?  Ngày nay khó mà tìm được ai ngồi thiền với tấm lòng thành như thế, kể cả các vị tu sĩ", thầy hiệu trưởng than thở.  Rồi ông đổi đề tài "Nhưng nó đã làm lễ xuất gia chưa?  Nếu nó được nhận, nó phải tham gia vào các sinh hoạt tăng đoàn, mà muốn thế nó phải làm lễ thọ giới", ông nói nhìn Ni sư  trụ trì, rồi nhìn tôi.  "Quí vị có thể không tin, nhưng gần đây càng ngày càng nhiều các gia đình Phật tử nhờ các chùa giới thiệu đến trường chúng tôi, hầu tách con cái họ ra khỏi các trường trung học công lập đầy dẫy các thanh thiếu niên tội phạm.  Tuy nhiên việc này tôi chỉ nói riêng với quí vị thôi đấy... "

   "Nó sẽ thọ giới xuất gia ngay", Ni sư trụ trì bình tĩnh trả lời.

   Ni sư  quay qua tôi mỉm cười nói: "Thầy định làm chuyện đó sau, nhưng giờ thì càng sớm càng tốt".  Ni sư  chưa nói gì với tôi về chuyện đó, thành thử tôi chỉ có thể ậm ừ  theo bà.

   "Vậy thì, sau lễ xuân phân của chùa được không?"

   "Không cần phải vội vã thế", thầy hiệu trưởng đỡ lời.  Rồi thầy tiếp thêm: "Nếu nó đã quyết định thọ giới xuất gia thì lúc nào cũng được, miễn là trước kỳ nghĩ hè.  Trong khóa hè, các học sinh sẽ được huấn luyện cùng lúc với nhau, miễn là tới lúc đó nó đã xuống tóc...."

   "Trước sau gì cũng phải làm, thôi làm sớm tốt hơn.  Kimura, con nghĩ sao?"

   "Dạ, sao cũng được", tôi chỉ có thể trả lời như thế, vì tôi chẳng biết gì về các thủ tục xuất gia.

   Thầy hiệu trưởng dẫn chúng tôi đi dọc hành lang ra cửa.  Không giống như ở các trường công lập, ở đây các mặt sàn bằng gỗ được đánh bóng loáng đến nỗi tôi sợ mình sẽ trượt ngã.  Thầy hiệu trưởng tán thán việc Ryota xuất thân từ gia đình cư sĩ nhưng lại xin vào học trường này và lại có ý muốn xuất gia.

   Tôi cảm thấy lo lắng quá, nên bày tỏ sự lo lắng không biết con trai tôi có thể hoà hợp được với con cái của các gia đình tu sĩ không, nhưng thầy hiệu trưởng lại bảo thầy sợ ngược lại thì có.  Tôi hỏi ý thầy nghĩa là sao, với vẻ mặt đầy âu lo thầy nói có vài đứa trẻ của gia đình tu sĩ rất hư, thầy sợ chúng sẽ làm cản trở chí nguyện cao cả của con trai tôi.  Tôi định nói thầy không cần phải lo âu nhu thế, nhưng kiềm lại kịp.

   "Thôi, thầy nghĩ mọi chuyện đã dàn xếp xong," Ni sư  trụ trì nói khi tôi quay xe trở về.

   Tôi trả lời: "Nhưng vẫn còn kỳ thi nhập học, sợ rằng kết quả kỳ thi sẽ làm thầy hiệu trưởng vỡ mộng về hình ảnh của Ryota trong ông".

   Ni sư  trụ trì có vẻ không để ý gì đến chuyện đó.  Hình như Ni sư  còn đang lo nghĩ đến chuyện bỗng nhiên được có kẻ thừa kế mình.  Bỏ giày ra, Ni sư  xếp chân ngồi, nói không ngừng trong khi hút thuốc cũng không dứt, luôn gạt tàn thuốc vào cái gạt Ni sư  cầm để trên đùi.  Cứ như thế suốt đoạn đường trở về chùa, một đoạn đường dài chín mươi phút.  Ni sư  quả thật là người lưu loát.  Thỉnh thoảng tôi mới nói chèn được vài câu, ngoãi việc lo quay cửa xe lên xuống để cho khói thuốc bay ra ngoài.

   "Thầy định buông bỏ hết mọi việc, nhưng giờ thì đã có việc cho thầy phải lo đây, phải không Kimura?  Có lẽ Đức Phật đã sắp bày mọi thứ.  Thầy có ít tiền dành để dưỡng già, với số tiền đó có thể để lo cho nó đến xong đại học.  Đó có lẽ cũng là sự sắp bày của Đức Phật nữa.  Chuyện gì sẽ xảy ra sau này, sau này hãy lo". 

   Tôi nói với Ni sư  tôi sẽ lo chi phí ăn học của nó.

   "Không, không, con không được làm như thế.  Bổn phận của người tu là phải tự lo cho mình.  Một người tu mà nhận tiền của Phật tử để lo cho riêng mình thì thật không tốt.  Nhận đồ cúng dường hay cúng lễ - thì lại là việc khác, đó là cho việc làm lễ ở các đám tang hay các thứ khác.  Nghĩ đến chuyện đưa tiền cho một nhà sư là ngã mạn.  Hãy lập tức bỏ lối suy nghĩ đó đi".

   "Nếu Thầy đã dạy như thế", tôi đáp.

   "Này Kimura, ta muốn đứa trẻ đó trở thành một nhà sư giống như Dogen Zenji, người đã tạo lập nên dòng thiền Soto trong Phật giáo Thiền.  Con có thể cười, nhưng ta mong nó có thể lãnh hội được cái tối thượng của Ngài Dogen càng nhiều càng tốt.  Đó là ý nguyện của mỗi vị thiền sư Soto.  Thầy nghĩ là có hai loại thầy tu: loại chạy đuổi theo các cấp bậc trong giáo hội, và loại thầy chuyên tu.  Các vị thầy ở các chức vị cao trong giáo hội thường phải lo nhiều việc đời; các vị thầy chuyên tu chỉ chú tâm vào việc tu tập, để được giác ngộ sâu xa.  Con chọn loại thầy tu nào?"

   "Dĩ nhiên là các vị thầy chuyên tu".

   "Đúng vậy.  Nhưng các vị này thường nghèo!", Ni sư  cười to.  "Thầy quyết phải rèn luyện nó.  Không có chuyện nữa người nữa ngợm.  Trên thế giới ngày nay, con có thấy toàn là nửa người nửa ngợm.  Ngày nay, ngay các thầy, cũng không ít người là như thế.  Các thầy thường được chứng nhận giác ngộ dễ dàng.  Không thể tin vào các việc như thế.  Gần đây, hình như người ta cứ chịu khó ngồi thiền, rồi sẽ được giấy chứng nhận là đã giác ngộ.  Đó cũng là lỗi của các bậc sư phụ.  Riêng thầy, thầy sẽ rất nghiêm đó.  Này Kimura, hãy nghe đây, con phải giữ bình tĩnh và không được can thiệp ngay cả khi sự việc có vẻ như tàn nhẫn quá.  Con có làm thế được không?"

   "Dạ được".

   "Điều ta lo sợ nhất là sức khỏe của mình. Nó hãy còn trẻ.  Mà đâu chỉ có bảo nó làm là được, ta phải theo nó từng bước từ sáng sớm, bằng không, ta khó  thể  rèn luyện nó được. Ta đã già yếu và bịnh tật.  Không  biết khi nào đến lượt mình ra đi.  Nhưng cũng không sao. Ta coi đây như là Phật sự cuối cùng của mình".

   Ni sư  bập thuốc, rồi nói tiếp: "Cuộc đời còn lại của thầy sẽ dành trọn cho việc rèn luyện nó.  Nó sẽ không giúp gì được cho thầy, nhưng nó sẽ phục vụ nhà chùa.  Số tử vi của thầy nói thế.  Nhưng không sao.

   "Thầy đang chọn Pháp danh cho nó, thầy còn nhờ đến một ông thầy hay chữ để tên sao cho hợp với người.  Con nghĩ thế nào về tên Ryokai?  Hán tự Kai là từ tên thầy, Gukai, và Ryo thì từ tên Ryota của nó".

   "Dạ nghe cũng được".

   "Ryokai là một cái tên rất thanh nhã.  Rất hợp với cá tính của nó.  À, mà tên với họ Kimura Ryokai nghe không hay.  Bản chất của nó là ngỗ nghịch, đặt tên như thế có khác gì châm dầu vào lửa.  Tâm tánh nó thì tốt, nhưng hoang đàng quá.  Tử vi còn bảo là nó còn có thể trở nên một gã rù quyến đàn bà nữa đấy".

   Tôi không khỏi phì cười.  "Dạ, cũng có thể lắm chứ!".

   "Ừ.  Vị thầy bói số tử vi rất giỏi, đã hay đoán cho ta điều này, điều nọ.  Thầy đã hỏi có nên lấy họ thầy là Gyokusen để đặt cho nó không, thì ông bảo rất tốt, rất nên -điều đó sẽ giúp hãm dây cương nó lại.  Là con trai nó cần có nhiều bạn bè, nhưng cũng không nên bừa bãi quá.  Con thấy sao: Gyokusen Ryokai?"

   "Dạ cũng được".

   'Nếu con không bằng lòng, cứ nói ra, thì không thay đổi họ nó nữa.  Nhưng thầy thấy nó không đi với cái tên mới kia".

   Tôi nghĩ là dầu gì nó sẽ ở chùa thôi.  Tôi đâu thấy vị tăng sĩ nào sống ở nhà với cha mẹ.  Và nếu nó sẽ sống ở đó suốt đời, thì cũng nên chọn cho nó một Pháp danh.  Điều đó giúp nó dễ hòa nhập vào cuộc sống mới hơn.  Việc đổi tên đâu thể biến nó thành một con người khác.  Sao cũng được miễn là vì lợi ích của con tôi.

   Tay cầm lái, tôi cúi đầu nói: "Nhờ thầy chăm sóc cho nó".

   "Dầu có đổi tên, cha mẹ vẫn là cha mẹ.  Sự thật con là cha nó, có bao giờ thay đổi được.  Cái tên chỉ là tiếng gọi thôi.  Con có biết cái họ ta đang dùng, Gyokusen, đã được người khác đặt cho không?  Ta vốn là con gái của một người chủ trọ ở Hokurikudo, họ là Ichinoseki".

   Cuộc đời của Ni sư hình như đầy sóng gió.  Thỉnh thoảng Ni sư  cũng nói về chúng, nhưng sóng gió trong đời Ni sư có lẽ quá nhiều đến nỗi tôi không thể hình dung ra hết.  Hình như Ni sư  được đặt tên Gyokusen bởi những người có tranh chấp về việc ai sẽ làm chủ một gia đình tiếng tăm ở vùng Chugoku.  Khi Ni sư  hành hương qua đó, bà đã giúp họ hòa giải ổn thỏa.  Và họ đã yêu cầu Ni sư  mang dòng họ đó để ban phước lành cho họ, và Ni sư  đã nhận lời.  Ngay như nếu con tôi cũng mang họ đó, không có nghĩa là gia đình đó đã nhận nuôi nó.  Đó chỉ là tên gọi thôi mà.

 

 

 

   Có tám thí sinh dự kỳ thi chuyển trường đến trường trung học đệ nhất cấp Sendan, nhưng chỉ có hai được vào.  Con trai tôi là một trong hai trò đó.  Chúng tôi đợi trong một văn phòng ở trường khi các thí sinh lần lượt từ người một được gọi vào.  Tôi lo lắng tự hỏi, kế đến là chúng tôi chứ, hay kế đến là ai?  Cuồi cùng chỉ còn lại hai thí sinh, nên tôi nghĩ thôi chắc chẳng còn hy vọng gì.  Không ngờ hai em còn chót lại là thí sinh trúng tuyển.  Khi tôi đưa cho con trai tôi xem tấm giấy báo trúng tuyển, nó nhìn trân trối.

   "Con đã đậu", tôi nói.

   "Con đã đậu!" nó la lớn.

  Nhìn mặt nó, tôi nhận ra rằng dù nó đã học lết bết ở trường trung học trước, nó vẫn vui mừng được nhận vào trường học mới.  Còn tôi vui mừng vì sự thành công của nó còn hơn khi lần đầu tiên tôi nhìn thấy tấm giấy được nhận vào đại học của chính tôi. 

   Em học sinh trúng tuyển thứ hai mang kiếng dầy cộm, có vẻ là loại học sinh chăm chỉ, đón nhận tin mừng với vẻ bình thản.  Nhưng cha nó, người mập mạp, là nhân viên bưu điện trong tỉnh, thật sung sướng khi ông trao đổi danh thiếp với tôi.  Tôi có cảm tưởng là trong hai thí sinh trúng tuyển hôm nay, một người có điểm cao nhất, và người kia điểm thấp nhất.

   Sau đó đến lễ thọ giới xuất gia.

   Ni sư trụ trì muốn dành cho con tôi mọi thứ tốt nhất, nên khi không thể mua được áo tràng và các thứ vật dụng khác ở Tokyo. Ni sư  liền gửi mua tận Kyoto.   Ni sư  nhờ một huynh đệ ở chùa khác đến giúp lễ, mời hòa thượng chánh đại diện của giáo hội, tất cả thiền sinh trong khóa tu Thiền hằng tuần đến dự, và cố hết sức mình để buổi lễ được diễn ra theo truyền thống cổ truyền tốt đẹp nhất.  Con tôi ngủ lại chùa đêm trước buổi lễ.  Vị thầy phó chuẩn bị một lễ tắm gội để rửa sạch hết các bụi bậm của cuộc đời trần tục, cũng như mọi thứ phiền não đã tích tụ trong con tôi từ bấy lâu.  Ngày hôm đó, đã có một việc hệ trọng xảy ra, ít nhât là đối với chúng tôi, cha mẹ của nó.  Ông bà nội ngoại và chúng tôi sẽ tham dự buổi lễ, nhưng vợ tôi còn muốn mời cả người cô đã chăm sóc, nuôi nấng nó từ thuở nhỏ.  Vợ tôi đã gọi hỏi, và cô nó hứa chắc chắn sẽ đến.  Khi tôi hay tin này, tôi nói tốt hơn hết là chúng tôi phải gọi xin phép trên chùa trước.

   Ni sư trụ trì gạt ngang: "Đừng có đi mời đủ loại người như thế!  Thầy còn có bao nhiêu người khác nữa thầy muốn mời.  Con phải biết, đây đâu phải đám hát tuồng.  Đây là buổi lễ để đứa trẻ chính thức cắt đứt dây liên hệ với cha mẹ nó.  Nói đúng ra, ta còn không muốn con mời các ông bà của nó nữa, nhưng thôi lần này ta cũng ngó lơ cho.  Nhưng đâu có thể như thế với tất cả mọi thân bằng quyến thuộc" .

   Khi vợ tôi biết tin, cô ấy nói cô không thể nào báo lại cho người cô thân yêu tin ấy được. Tôi đành phải tự gọi để cắt nghĩa đây là buổi lễ để cắt đứt mọi ràng buộc.

   "Có phải em muốn nói là sợi dây ràng buộc với tôi nữa, đúng không?", người cô nói với giọng mai mỉa

   Đúng vậy, buổi lễ bắt đầu với việc con tôi nói lời từ biệt với chúng tôi, cha mẹ nó.  Con trai tôi, mặc đồ đồng phục, bước vào chánh điện, hai tay chắp lại, đi bên cạnh vị thầy phó.  Vợ tôi và tôi ngồi bên nhau, ở tuốt đằng sau. 

   Nó một mình tiến đến gần, ngồi trước mặt tôi.  Rồi đặt ngữa hai bàn tay ra trên tấm chiếu, nó nói: "Cha, người đã chăm sóc con từ thuở bé.  Con xin cảm tạ".

   Rồi nó đứng lên, đến ngồi trước mặt vợ tôi: "Mẹ, người đã chăm sóc cho con từ thuở bé.  Xin cảm tạ". 

   Nó cúi đầu lạy.

   Đoạn, nó tiến đến Ni sư trụ trì, quỳ gối xuống, hai tay chắp lại.  Ni sư trụ trì xướng từng giới một, và mỗi lần đều hỏi nó có giữ được không.  Bằng một giọng sang sảng, nó trả lời mỗi lần được hỏi: "Dạ, con xin giữ".

   Sau đó, Ni sư trụ trì đọc kinh, khi nó được phát từng thứ một: áo, mũ và các thứ vật dụng.  Nó đi ra khỏi phòng khi mọi  thứ đã xong xuôi.

   Khoảng mười lăm phút sau, nó trở lại, mặc áo trắng và đầu đã cạo.  Sự chuyển đổi từ tóc, áo quần đồng phục, đến đầu cạo láng, và y áo trắng thật khá bất ngờ, giống như trong xiếc 'úm ba la' đổi.

  Giờ thì mắt vợ tôi đỏ lên.  Nhìn nó trong quần áo trắng, tôi thật sự có cảm tưởng như nó đã bước vào một thế giới khác vượt khỏi tầm với của chúng tôi.  Nhưng tất cả dường như quá đột ngột, hình như không phải là sự thật.  Có thật sự là sợi dây ràng buộc cha mẹ và con cái đã bị cắt đứt?  Sự liên hệ ấy giờ chỉ là trống không?

   "Cảm ơn cha, cảm ơn mẹ" -chỉ nói vậy là đủ phủ nhận mọi thứ từ bấy lâu nay?  Sự liên hệ giữa cha mẹ, con cái là gì?  Hay sợi dây ràng buộc giữa cha mẹ và con cái chỉ là ảo tưởng?  Chỉ là một ý nghĩ sản sinh do thói quen?  Có phải cha mẹ và con cái chỉ là những vai trò giả tạo?

   Ngồi lắng nghe tiếng tụng kinh, tôi có cảm tưởng như mình vừa được trao cho một công án để suy gẫm.  Nhìn Ni sư trụ trì bước vào chánh điện, vừa tụng kinh, trên gương mặt Jizo này, hình như chỉ có đôi môi chuyển động như những sinh vật nhỏ bé.

   Đôi môi đó hình như đang nói: "Mu, M...u".

 

 

 

   Lễ thọ giới xuất gia đã qua, nhưng con trai tôi vẫn sống ở nhà.  Chúng tôi đã thỏa thuận với Ni sư trụ trì là nó sẽ sống ở nhà cho đến khi xong trung học đệ I cấp.  Điều đó cũng tốt cho nhà chùa nữa, vì thật sự phải trông coi một đứa trẻ ở tuổi đó tại chùa thật phiền toái.  Vì thế tất cả chúng tôi đều quyết định cho nó ở lại nhà trong lúc nầy. 

   Lễ thọ giới đã qua.  Giờ nó trở lại ngôi nhà nó vừa rời bỏ hôm qua nhưng nó đứng đợi ở trước cổng nhà.  Trước khi bỏ giày vào nhà, nó đứng thẳng lưng, chiếc đầu cạo hơi cúi xuống, "Con phải nhờ sự chăm lo của cha mẹ trong thời gian nầy".

   Chúng tôi không thể gọi nó là Ryota nữa.  "Phải gọi là Ryokai", Ni sư Gukai nhắc nhở.  Nếu chúng tôi lỡ quên gọi nó là Ryota, nó sẽ phản đối: "Xin gọi con là Ryokai".

   Nó có vẻ rất nghiêm túc về việc đó.  Và nó rất nghiêm túc về buổi lễ thọ giới xuất gia nữa.  Đối với chúng tôi, cha mẹ của nó, chúng tôi vẫn chưa hoàn toàn tin đó là sự thật.  Vì thế chúng tôi thường quên và cứ gọi nó là Ryota.

   Cách nó tự xưng là 'Ryokai' thật buồn cười đến nỗi đôi khi tôi cố ý gọi nó bằng tên cũ để chọc phá nó.  Nhưng dần dần khi tôi đã quen với tên gọi mới của nó, tôi cảm thấy có một sự thay đổi kỳ diệu.  Giống như khi tôi gọi nó là Ryokai thay vì Ryota thì trong nó có một con người khác hiện ra: Ryokai chẳng bao giờ nói với em nó những câu như: "Mày muốn gì?" hay "Đồ ngu, hãy để tao yên".

   Nó chẳng còn vứt giày ra nhà, thải cặp học lung tung, hay bỏ quần áo dơ trên sàn.  Khi đi học về đến nhà, Ryokai nói: "Thưa, con đã về đến".

   Lúc dùng bữa, nó chấp hai tay lại và nói: "Xin cảm tạ vì thức ăn nầy".

   Trước khi đi ngủ, nó tự giặt đồ lót nó bận trong ngày và phơi khô.  Tuy nhiên nó vẫn còn nằm trước truyền hình, chống cằm lên tay, coi phim hoạt hình "Doraemon", hay lắng nghe băng cassette của Off Course và Arabesque.  Theo Rie, em gái nó, thì nó còn nhảy theo điệu nhạc disco khi không có mặt chúng tôi ở đó.  Khi ngồi học bài, nó luôn gắn ống nghe của máy Walkman lên cái đầu đã cạo tóc của nó. 

   Những lúc nhìn thấy nó như thế, tôi thường tự hỏi không biết rằng nó có làm lễ thệ nguyện quá sớm chăng.  Nhưng mà rồi, nếu nó không làm như thế, biết đâu nó đã trở thành tệ hại hơn cả bây giờ.

   Lúc mà tôi cảm thấy rõ ràng rằng nó đã "bỏ nhà đi tu" là khi chúng tôi đi ra ngoài với nhau.  Cái đầu cạo tóc của nó nổi bật ở khắp mọi nơi.  Nghĩ rằng nó sẽ không còn ở nhà với chúng tôi bao lâu nữa, nên thỉnh thoảng chúng tôi lái xe đưa nó đi dạo chơi hay đi ăn nhà hàng -những thứ nó thích làm.  Nhưng thằng bé da trắng xanh với chiếc đầu cạo luôn làm mọi người chú ý.  Đôi khi những lời xì xào của bọn trẻ tiểu học đến tai chúng tôi: "Chắc là anh đó đang tập thi một môn thể thao nào đó".

   Vào những ngày chủ nhật, khi chúng tôi lên chùa hành Thiền, nó mặc áo tu màu đen, đội mũ.  Còn tôi vận y phục bình thường, nên khi tôi đi với nó, hình như nhiều người còn trố mắt nhìn hơn.  Tôi có cảm tưởng như tôi thì đi theo con đường dễ dãi, sung sướng, còn con tôi thì phải chọn sự khổ hạnh.  Tại sao những bộ đồ màu đen đó lại tạo cho người ta cảm giác khổ chứ?  Trong những trường hợp như thế, tôi cảm thấy thương cho nó quá, nhưng lạ thay, nó chẳng để ý gì.  Hãy nhớ rằng trước đây nó thường thích mặc áo pull hiệu và quần Jeans trắng.  Không biết có phải đây cũng là do sự đổi tên mà ra?

   Những đứa trẻ con các gia đình tu sĩ (LND - Ở Nhật, một số hệ phái cho phép người  tu sĩ được quyền lập gia đình, ăn mặn) không thích bị cạo tóc, nên chúng đi học để tóc dài.  Có đứa còn không ưa Pháp danh của mình, nên đổi thành các tên Nhật bình thường.  Nghe rằng con tôi đã bỏ trường học ngoài đời để học trở thành tu sĩ, chúng chọc nghẹo: "Thật là ngu!  Nếu mầy muốn có cái chùa đến vậy, mày có thể lấy chùa của tao". 

   Ryokai về nhà, kể lại với chúng tôi chuyện này với vẻ thú vị.

   Một lần, tôi đến dự lễ gì đó ở trường.  Các học sinh đang diễu hành, và kìa, giữa một biển đầu đen, có duy nhất một cái đầu trông giống như một quả trứng trồi lên, hụp xuống.  Có cái gì đó thôi thúc tôi kêu lên: "Ryokai!".

  

   Tuy nhiên cũng có nhiều điều bất tiện.  Thí dụ, bao vấn đề trong gia đình bỗng trở thành vấn đề của nhà chùa.  Chúng tôi quên rằng Ryokai giờ đã là con của chùa, và không có gì mà nó không nói lại với Ni sư.  Đó là một thói quen không thay đổi khác nữa của nó.

   "Kimura, hôm qua lại đi ăn ở nhà hàng đó nữa à?  Gia đình con thích đi ăn tiệm quá phải không?", Ni sư trụ trì nói với nụ cười cổ hủ trên môi.

   "Con mới mua xe à?  Sắm áo quần mới cho thích hợp với công việc có phải không?  Lại mượn tiền ngân hàng nữa à?  Các ngân hàng càng ngày càng cho vay nợ nhiều hơn, và thiên hạ đua nhau mượn tiền để mua sắm cả những thứ họ không cần đến.  Người có lợi nhất vẫn là mấy ông ngân hàng!

   "Lương tháng con bao  nhiêu?  Ba trăm ngàn, hay bốn trăm ngàn yen?  Con có tiền để dành trong ngân hàng không?  Không?  Mỗi tháng kiếm vô bốn trăm ngàn yen, mà không để dành được đồng nào?  Đang khó khăn lắm mới trả nổi tiền nhà hàng tháng.  Vậy mà đi mua xe mới.  Con thật chẳng biết giữ tiền.  Con sẽ không bao giờ sống nổi như người tu.  Còn làm ảnh hưởng xấu đến Ryokai nữa.

   "Con biết ở chùa mỗi tháng chúng tôi được bao nhiêu không?  Hai trăm ngàn yen một tháng.  Con có thể không tin, nhưng đó là sự thật.  Đôi khi có thể hơn, tùy tháng.  Với số tiền đó chúng tôi phải chi phi cho chùa và hơn mười ngàn mét vuông đất đai.  Không có đông người, nhưng nhiều chó, mèo, chim chóc.  Thầy phải mướn thợ làm vườn, mua hoa, nhang đèn, quần áo và các thứ vật dụng khác.  Các tu sĩ cũng cần tiền vậy.  Nhưng ở đây thầy không mua thực phẩm.  Các thầy chỉ ăn những gì bá tánh cúng dường.  Có nhiều tháng, thầy đã nghĩ là giá mà nhà chùa có được ba trăm ngàn yen, sẽ đỡ hơn nhiều".

   Vì thế, khi Ryota trở thành Ryokai, việc đầu tiên nó phải học không phải là kinh kệ, hay các nghi thức ma chay, mà là cân bằng sổ tiền của mình.  Nó phải ghi xuống từng đồng yen nó đã nhận được và chi tiêu, rồi Ni sư trụ trì sẽ xét lại.  Khi nó dọn đến ở chùa, Ni sư trụ trì sẽ bắt nó làm như thế mỗi đêm, và chỉ khi nào cuốn sổ cân bằng, nó mới được đi ngủ.  Nó sẽ không thể mua nước ngọt uống ở trường một cách bừa bãi.

   Thú thật, khi nói về sự tiết kiệm, tôi cũng tự hỏi không biết tiền sắm sửa cho chùa, bảo quản chùa, ở đâu mà ra.  Các công ty thuộc các tôn giáo như nhà chùa, tôi nghĩ, cũng được hưởng các đặc quyền về thuế má, và Ni Sư rất kỹ lưỡng về tiền đóng góp của các Phật tử, cũng như lệ phí cho việc giữ gìn mộ chí.  (Sự tương phản rõ rệt giữa sự  sung túc dần tăng lên của chùa và lối sống khổ hạnh của Ni sư là điều khó ai có thể lý giải.  Một vài Phật tử bảo là khi Ni Sư còn trẻ, trên đường đi tìm đạo, người đã dùng năng lực tâm linh để giúp đỡ một phú nông đang sống trong đau khổ, và giờ ông chu cấp cho chùa.  Nhưng đó chỉ là tin đồn.  Dầu gì, trong khoảng thời gian mười lăm năm tôi theo học Thiền tại đây, tôi đã chứng kiến một sự biến dạng thay hình.  Ngôi chùa không còn là một chỗ xác xơ, u tối để cho loài chồn lảng vảng đến nữa.  Không những trong chánh điện được tô điểm bằng các tầng hoa rực rỡ, mà Ni sư còn cho cất những khu nhà ở khang trang trên đồi chỗ ngày xưa những bức tượng Jizo từng bị cỏ dại chôn lấp.  Chỗ mà trước đây trẻ con thường chạy xe đạp lấn vào đất chùa, giờ là một con đường điểm dọc hai bên bằng nhiều tượng mới, vào mùa xuân hoa đào tưới bông xuống đó, và mùa hè tắm đẳm những màu xanh.  Cổng chính vào chùa, với tấm bản gỗ đề: "Núi Komyo: Thiền viện Zenkaiji" bằng mực xanh, giờ được cắm vào chỗ ngày xưa người ta có thể, nếu muốn, đi xuyên tắt qua.  Chỗ cỏ dại rậm rạp đã biến thành vườn "thực vật" của Ni sư Gukai: một rừng các loại cây và hoa không tên mà Ni sư đã thu nhặt được những ngày khai hoang trên các đồi lân cận, giờ rộ hoa, ra trái và dâu).

 

 

 

                                                              PHẦN  HAI

 

 

   Và giờ thì ngày Ryokai phải từ gia" gia đình cuối cùng cũng đến.

   "Nó chỉ cần mang bộ đồ mặc theo mình", Ni sư trụ trì đã căn dặn, nên chúng tôi chỉ mang theo cho con trai những thứ vật dụng nó vẫn dùng hằng ngày ra xe.  Vợ tôi nói ít nhất chúng tôi cũng nên mua cho nó bộ giường chiếu mới.  Nhưng nhớ lại Ni sư  đã nói: "Người tu ngủ ở đâu chẳng được", tôi đành đem cho nó bộ nệm của tôi.  Thứ duy nhất vị trụ trì đã bảo chúng tôi mang theo cho nó là cây đèn để bàn học cho nó học bài.

   Chiếc radio cassette Walkman mà nó luôn nghe khi ngồi học, và một lô các đĩa nhạc nó đã thâu, theo chúng tôi là cần thiết, nên tôi bỏ tất cả vào một bao giấy để mang theo.  Trong lúc đang xếp đồ đạc, tôi quyết định mang theo luôn cho nó dàn máy stereo.  Cũng may là vị trụ trì rất thích âm nhạc: Ni sư có cả bộ các đĩa nhạc cũ, băng thâu các buổi thuyết giảng và các thứ tương tự, Ni sư  đã có nói một ngày nào đó, Ni sư  sẽ nghe chúng.

   Tôi đã thưa với Ni sư : "Ryokai thích Bach.  Đó là một loại nhạc tôn giáo".

   Vì thế, tôi bỏ thêm bộ nhạc Bach của tôi, các đĩa nhạc cổ điển, và bộ nhạc Rock, rồi mang cả lô đó theo.  Tôi không biết nó sẽ nghe loại nhạc nào ở chùa, nhưng có lẽ Ni sư  sẽ nghĩ tất cả là nhạc Bach.  Thật thú vị khi nghĩ rằng dòng nhạc Bach sẽ tràn ngập cả chùa khi vị trụ trì vắng nhà.  Nhạc Bach đúng là được làm ra để nghe khi người ta ở chùa.

   Sau đó có một tranh cãi nhỏ xảy ra.  Cô em gái nhỏ Rie nhất quyết không chịu rời xa dàn máy stereo.  Hình như Rie, có thói quen hay bắt chước ông anh, cũng thích nghe nhạc với cái headphone trên đầu, và đã coi dàn máy stereo như một vật sở hữu chung.  Nó đã thường bực bội khi bị em gái bắt chước, nên sau đó cô em trở nên kình chống với ông anh.  Sự bực bội với anh càng như được tăng cường độ khi gần đây hình như cha mẹ càng như có vẻ chiều chuộng, cho ông anh đủ thứ. 

   Tôi giải thích: "Khi anh con đã đến chùa ở, anh con sẽ không thể có được những thứ nầy".

   Rie trả lời: "Nhưng cha mẹ vẫn có thể mua cho anh ấy chứ".

   "Không, không thể được.  Khi anh con đã đến ở chùa, anh ấy trở thành một chú tiểu nhỏ thôi.  Và các chú tiểu không được những thứ như dàn máy stereo".

   "Tại sao không?"

   Phải giải thích việc 'bỏ nhà đi theo tiếng gọi của tâm linh' với một cô bé lớp 5 không phải là dễ.  Tôi mang dàn máy stereo ra khỏi nhà khi cô bé nhìn theo mắt đẫm lệ.  Rồi cô bé thọc tay vào cái túi giấy Ryokai đang mang ra để chắc chắn là các đĩa nhạc của cô không có trong đó.  Trong khi tiếp tục than vãn, cô bé giựt mấy cái đĩa và đem giấu chúng đi. 

   Con trai tôi thay đồ, mặc áo tràng, mang theo các thứ vật dụng và cái túi đen của các thầy tu treo lủng lẳng ở cổ.  Trên người nó chỉ có đôi giày thể thao là hiện đại.  Sau đó, Ryokai đứng ở cửa ngõ, quay về phía vợ tôi nói: "Mẹ, cảm ơn đã chăm sóc con suốt thời gian qua".

   'Hãy ráng giữ gìn sức khỏe", vợ tôi nói, rồi chạy biến vào nhà.  Tôi nghĩ là cô ấy sẽ trở ra để tiễn nó lên đường, nhưng không.  Tôi để Ryokai ngồi vào băng kế bên, rồi lái xe đi.  Ryokai đã ra đi cũng như mọi lần khác khi chúng tôi ra đi, nó không một lần quay nhìn trở lại.

   Trong xe, tôi nói với nó rằng khi còn trẻ đã biết chịu cực khổ thì đáng quý làm sao.  Đêm trước khi đi tôi đã nói với nó về một chuyện mà tôi lặp lại ở đây lần nữa:  về việc khi tôi bằng tuổi nó, tôi đã mất người mẹ như thế nào, và tôi đã bỏ nhà đi học như thế nào.  Đó là lúc chiến tranh chống Mỹ.  Rồi sau chiến tranh, tôi qua Mỹ, và trong khi làm việc bán thời gian, tôi đã tranh thủ để học xong đại học.  Mặc dầu tôi đã vượt qua bao trở ngại, tôi vẫn không thể thành công vì tôi không có mục đích rõ ràng, không có thầy tốt, không có kỷ luật.  Khi lớn lên, tôi dần dần nhận ra những việc sau đây:  "Con người phải có mục đích rõ ràng, tìm được thầy tốt, và có thể sống một cuộc đời có quy luật.  Không có gì may mắn và can đảm  hơn thế nữa".

   Con trai tôi chỉ nhìn thẳng phiá trước, nên tôi không thể đoán được nó có lắng nghe tôi nói hay không.  Rồi, sau một lúc im lặng, bỗng nó hỏi:

   -Cha, tại sao cha không đi tu?

   "Con trai à...", tôi ghì mạnh tay lái, làm cái xe chao đảo gần đụng vào chiếc xe ở lằn bên cạnh.  Lẹ làng trở lại lằn xe của mình, tôi tiếp tục: "Cha chưa có đủ duyên lúc đó.  Thứ nhất là lúc đó rất khác bây giờ.  Lúc còn trẻ, cha luôn mơ tưởng về nước Mỹ, con biết không?  Nhưng giờ cha không còn lo lắng gì.  Giờ cha chỉ lo cho bản thân mình.  Ai cũng nghĩ cho mình và hành động như thế.  Nhưng người mà thực sự biết lo cho mình rất hiếm.  Trong Thiền, con chỉ lo cho chính con, con phải đối diện với chính mình.  Hãy nhìn ngay dưới chân mình là Thiền vậy."

   "Sư trụ trì cũng nói thế".

   "Khi còn trẻ, mắt cha hướng về nước Mỹ".  Tôi chìm đắm trong sự hồi tưởng.  "Đối với cha lúc đó, nước Mỹ dường như là nơi kỳ diệu nhất thế giới.  Cha đã nghĩ là nếu cha đi được đến đó, cha sẽ khám phá ra được một điều gì đó rất quan trọng.  Nhưng giờ,  mắt cha hướng vào bên trong, về nội tâm mình.  Cha cũng không thể nói cha đã tìm thấy được mình hay không, nhưng ít nhất cha cũng đang kiếm tìm.  Con và cả cha nữa.  Chúng ta là một và giống nhau.  Cha cũng không biết nữa -có lẽ vì cha đã đến Mỹ, nhưng cha nghĩ về nước Mỹ bây giờ cũng không khác xưa.  Nếu cha không đặt chân đến đó, ai biết được cuộc đời sẽ ra sao?"

   "Con nghĩ là con rất khác cha".

   "Đúng rồi, chúng ta khác nhau.  Hiểu được sự khác biệt đó cũng là một phần của Thiền.  Người ta đã nói là tự Ngã không phải là khác.  Nhưng cũng đúng là cái Ngã là khác".

   Tôi thấy mình bắt đầu nói chuyện giống như Ni sư trụ trì, và thật khó chú tâm đến con đường trước mắt khi nói những chuyện như thế, nên tôi đổi đề tài.  "Con đã thay đổi nhiều kể từ lễ thọ giới xuất gia có phải không?  Khi Sư trụ trì hỏi con có muốn trở thành một vị tu sĩ không, hình như con đã nói 'Con không thấy tự tin' ".  Có thật là con trai tôi đã tự quyết định đi tu?  Và nó có hài lòng với sự lựa chọn đó không?  Cuối cùng tôi đã nói được những điều tôi suy nghĩ trong đầu.

   "Cũng vậy thôi", nó trả lời thẳng thắn.  "Con vẫn không có tự tin.  Nhưng Sư trụ trì nói là lúc ban đầu ai cũng thế.  Thầy nói là với thời gian lòng tự tin sẽ đến". 

   "Đúng vậy.  Nó sẽ đến với thời gian", tôi trả lời, tay nắm chặt tay lái, và gật đầu sốt sắng.

   "Thầy bảo con cứ dốc lòng tu tập và đừng nghĩ gì đến những chuyện khác.  Cứ tu tập cho chính mình".

   "Đúng.  Đó là cốt lõi.  Đừng nghĩ về bất cứ chuyện gì.  Con là con: không cần phải nghĩ về cha, về mẹ.  Hãy trở nên một người tu xứng đáng, đó là tất cả."  Nước mắt ấm đầy cả mắt tôi.

   Tôi bắt gặp mình suy nghĩ:  tôi không cần phải quan tâm tới những chuyện đã xảy ra; cái gì qua đã qua; chắc chắn là mọi sự rồi sẽ tốt thôi.  Hình như tôi đang cố gằng đè nén những nổi hoài nghi và bất trắc còn lại trong tôi.  Con trai tôi vặn radio lên, và khi tiếng nhạc pop tràn đầy trong xe, nó bắt đầu gõ nhịp tay theo điệu nhạc.

   Khi chúng tôi đến chùa, con trai tôi đặt lòng bàn tay trên chiếu, cúi lạy Ni sư  trụ trì đang ngồi ở bàn uống trà.

   'Con vừa từ gia đình Kimura trở về", nó thưa.

   Ni sư cười, quay sang tôi nói: "Cảm ơn về sự vất vả của con".

 

           

   Tôi không biết gì về chuyện thay đổi họ tên.  Tóm lại, tôi chỉ tưởng là con tôi đổi tên, chứ không phải được gia đình đó nhận nuôi.  Tôi đã nghĩ là nó chỉ nhận một cái tên mới, tôi chẳng bao giờ ngờ là nó sẽ trở thành một thành viên trong gia đình ấy.

   Chỉ khi tôi nghe một người bạn nói là Ni sư trụ trì đã nộp đơn xin toà xoá tên con tôi ra khỏi sổ gia đình, tôi mới thấy được vấn đề nghiêm trọng thế nào.

   Khi trở về nhà, tôi tuôn ra với vợ: "Sư trụ trì đã đưa đơn xin xoá tên con ra khỏi sổ gia đình rồi".

   "Thế à?", vợ tôi trả lời.  Hình như cô ấy không có vẻ gì ngạc nhiên.  "Chuyện đã như thế thì còn làm gì khác hơn được chứ".

   Có lẽ tôi cũng đã quen với những câu trả lời cộc lốc như thế, nhưng giọng nói của cô ấy làm tôi bị sốc.  "Sao em dửng dưng quá vậy", tôi nói.

   Là người mẹ, có lẽ cô ấy đã biết trước chuyện này sẽ xảy ra từ khi có vụ đổi tên.  Có lẽ cô đã không mất bình tĩnh vì chúng tôi đã chứng kiến buổi lễ trong đó con tôi đã tuyên bố cắt đứt mọi liên hệ với cha mẹ nó.

   Về những chuyện này, tôi đều có hỏi qua ý kiến vợ tôi, nhưng cô ấy chưa bao giờ có ý kiến phản đối.  Khi buổi lễ thọ giới xuất gia chấm dứt, Ni sư trụ trì cúi xuống, nói nhỏ với tôi rằng trong những trường hợp như vầy, người mẹ thường là người dễ chống đối nhất.  "Nhưng tôi là người cả quyết, nên đã quyết định dứt khoát như thế", sau này khi nói với người khác về vấn đề này, vợ tôi đã nói như thế trong tiếng cười. 

   Khi con trai tôi chuẩn bị về chùa, cô ấy không ra đưa tiễn, tôi đã tưởng đó là do 'cá tính cả quyết' của cô.  Vì thế, tôi rất ngạc nhiên khi trở về nhà, thấy đôi mắt cô ấy sưng lên.  Nhiều ngày sau nữa, đôi mắt đó vẫn đỏ mọng, làm tăng thêm vẻ buồn thảm trong nhà.  Vờ như tin vào 'tính cách cương quyết' của cô, tôi tiếp tục làm như sự buồn rầu của cô ấy chỉ là tình cảm thoáng qua.  Tôi không quan tâm mấy.

   Giờ, cô ấy nói quay lưng về phía tôi, hướng mặt về sàn nước: "Em chỉ làm theo những gì anh sắp đặt.  Lúc nó đổi tên cũng vậy". 

   "Đừng có nói như thế!  Chúng ta đã chẳng trao đổi với nhau những chuyện ấy sao?"

   Cô ấy đang giận dữ về chuyện gì đó, mà tôi không biết là chuyện gì.  Có lẽ cô đã nhớ con nhiều hơn cô tưởng, và bứt rứt không biết phải làm sao với nỗi buồn trong lòng mình.  "Mọi chuyện anh đều tự quyết định!  Anh đâu có cần biết em suy nghĩ như thế nào".

   Lại như thế nữa.  Dầu khoảng cách giữa chúng tôi không lớn, nhưng lúc nào chúng tôi cũng kết thúc cãi nhau như thế nầy.  Tôi nói: "Anh không nói về chuyện đó.  Anh chỉ muốn nói về việc xoá tên con ra khỏi sổ gia đình".

   "Anh biết chuyện đó sẽ phải xảy ra, đúng không?  Bây giờ có nói gì cũng đã muộn.  Anh quá ngây thơ.  Không phải anh là người đã quyết định việc này sao?  Nếu anh không bằng lòng, anh đã có thể ngăn chặn nó xảy ra rồi".

   "Em nói đúng.  Nhưng không phải là anh ngây thơ.  Có điều là anh không biết chuyện gì sẽ xảy ra sau khi con mình đã thọ giới".

   Tôi nao cả lòng khi nghe cô ấy bảo rằng đánh lý ra tôi phải ngăn chặn việc ấy.  Và cô còn tiếp tục: "Anh muốn nói gì chứ?  Em ghét lắm khi anh thiếu cương quyết.  Em không màng nếu nó có phải bỏ tên Kimura.  Bộ anh không nói nó vẫn là con mình sao?  Vả, em cũng chẳng ưa cái tên Kimura mấy.  Những điều Sư trụ trì đã nói với anh đúng đó: Nếu nó giữ tên Kimura, lớn lên nó sẽ bay bướm với đàn bà, y như anh vậy".  

   "Này này!  Lúc đó tôi còn trẻ, lại sống ở Mỹ".

   "Giờ nó cũng khoảng tuổi đó vậy".

   Khi Ni sư trụ trì và tôi hàn huyên sau những buổi tọa thiền, Ni sư thường nói giọng vui vẻ:  "Ryokai hỏi thầy rằng: 'Chừng nào con mới trở thành Gyokusen?' Và nó cẩn thận viết trong các quyển tập học năm nay chữ 'Gyokusen Ryokai'.  Làm như nó không thể đợi được vậy."

   "Vâng, chúng ta phải lo chuyện giấy tờ ngay", tôi trả lời, cố gắng kéo dài quá trình hoàn tất thủ tục cho con thêm chút nữa. 

   "Khi con đến, nó thưa với thầy: 'Ông Kimura vừa đến'.  Thiệt buồn cười.  Đáng lý ra nó phải nói: 'Cha con vừa đến'.  Làm như nó nghĩ mình đã là một Gyokusen".

   Tôi hơi thất vọng khi nghe thế.  Nhưng tôi cũng phần nào biết nó sẽ như thế.  Nó lúc nào cũng cương quyết giống như mẹ nó.  Có lẽ như thế tốt hơn: có nhớ nhà cũng không ích lợi gì.

 

 

   "Trong trường hợp đó tôi sẽ cố gắng giải quyết cho ông càng sớm càng tốt", người nữ thư ký trung niên mặc áo tay ráp, tử tế nói với tôi.

   Tôi muốn nói không cần phải gấp gáp đâu, nhưng kiềm lại.

   "Chúng tôi mời cha mẹ ruột đến để chắc chắn là có sự bằng lòng của họ trong việc nầy.  Nhiều khi trẻ con bị bắt đưa đi làm việc trong các gia đình hay đâu đó.  Tệ hơn, nhiều khi chúng được dùng như một thứ thế chấp để mượn nợ.  Rất ít trường hợp cha mẹ cho con vì những lý do cao thượng như của ông bà".

   Tôi lắng nghe với lòng xốn xang.  Có lẽ bà ta đã chứng kiến hàng ngàn cảnh cho con.  Biết hết mọi mánh lưới.  Nhưng với tôi, đây là lần đầu, và tôi cảm thấy bất lực.  Tôi tự hỏi, có gì bảo đảm mọi việc sẽ xảy ra tốt đẹp không?

   Bỗng dưng người thư ký nói: "Ni sư trụ trì là người rất tốt.  Nếu không, chúng tôi đã không cho phép những chuyện như vầy đâu.  Cuộc đời ni sư rất cực khổ.  Bị mẹ ghẻ hành hạ, ni sư bỏ nhà đi lúc khoảng mười tuổi, và phải làm đủ thứ công việc: giữ trẻ, làm trong các xưởng gỗ, văn phòng, coi bói, giúp việc ở đền Shinto, phụ việc trong phim trường, biên kịch, công chức, bất cứ thứ gì người ta có thể nghĩ ra.  Ni sư biết cả hai mặt của cuộc đời.  Khi ni sư chỉ mua một tờ giấy, liếc mắt bà cũng biết giá bán đó là sĩ hay lẻ, giá trị làm sao.  Bà còn biết giá gỗ giỏi hơn các bác thợ mộc ngày nay, biết làm sao dựng cột, sơn tường.  Gần như việc gì bà cũng biết làm theo phương pháp cổ truyền: phơi trà, làm dưa cải, sửa soạn quà cáp và viết thiệp chúc mừng.  Thật đáng nể.  Khi người ta đến viếng thăm bà mà cứ nói lăng nhăng, không nói thẳng vào vấn đề, bà sẽ nói ngay: "Thôi, cứ vào thẳng vấn đề đi".  Bà là vị sư mà các Phật tử có thể tìm đến để tâm sự khi có vấn đề giống như thời xa xưa.  Và càng đáng khâm phục hơn khi ta nhớ rằng bà là một phụ nữ.  Bà giống như một người đàn ông, nhưng lại có nội tâm thậm sâu mà chỉ có một phụ nữ mới có thể có được.  Đôi khi ta cảm tưởng như bà không phải là người bình thường.  Không phải loại người ta muốn gây thù oán!  Nhưng riêng về phần ông, ông hãy yên tâm, Ni sư là người ông có thể tin cậy được".

   Tôi liếc nhìn người thư ký, cảm nhận một sự đồng cảm.

   "Ni sư năm nay bao nhiêu tuổi?" người thư ký hỏi nhỏ.

   "À, tôi cũng không rõ.  Có lẽ sáu mươi lăm hay sáu mươi sáu gì đó".

   "Còn sức khỏe bà ra sao?"

   "Sức khỏe của bà?", tôi lập lại, ngạc nhiên vì câu hỏi.   "Thực ra thì cũng không tốt lắm.  Bà đã giải phẫu gan.  Hình như bà sống bằng ý chí của mình.  Tôi cũng hy vọng là bà mạnh khỏe cho đến ngày con tôi ra trường".

   "Hình như những người có luyện tập từ nhỏ, thì họ dễ thích ứng với tuổi già hơn.  Bà ấy có bà con thân thích gì không?"

   "Tôi nghe nói có ai đó ở vùng Hokuriku.  Nhưng giờ thì bà đã đổi tên, và đã rời bỏ nơi đó nhiều năm về trước. . . ."

   "Trong trường hợp đó, con trai ông là người thân duy nhất, có phải thế không?"

   "Có lẽ vậy", tôi trả lời, lại thót người lần nữa.

   "Có lẽ ông cần suy nghĩ thêm về điều này, dầu tôi chắc ông cũng đã nghĩ đến rồi".

   "Về. . .điều gì?"

   "Người con nuôi phải chịu trách nhiệm nuôi dưỡng mẹ nuôi".

   "Đúng vậy", tôi nuốt nghẹn.  "Vâng, tôi có biết điều đó".

   "Quan trọng lắm đấy!".  Người thư ký tiếp tục.  "Vì sao?  Vì mới hôm qua hôm kia gì, cha mẹ ruột của một đứa bé được một nhà sư nhận nuôi đã giết chết nhà sư vì không làm theo giấy cam kết.  Đó là một trường hợp hiếm thấy, vì nhà sư đã giấu rằng mình có bịnh, và hình như đó là một trong những lý do gây ra án mạng.  Ông không thể biết chuyện gì sẽ xảy ra đâu, ngay cả với những người mạnh khỏe".

   "Điều đó cũng đúng.  Nhưng Ni sư  luôn đặt việc tu học lên trên mọi thứ.  Bà là loại người dầu cho cha mẹ ai đó có qua đời, bà  vẫn bắt người đó phải ngồi thiền trước đã".

   Người thư ký mỉm cười nói: "Ay là tôi chỉ nhắc ông những việc như thế có thể xảy ra, thế thôi".

 

 

   "Ba năm đầu nó sẽ không được về nhà", Ni sư trụ trì nói với tôi, ngay sau khi tên của Ryokai đã tách ra khỏi sổ gia đình.  "Nó cần phải bỏ các thói xấu ở thế tục và sự nuông chiều trong gia đình.  Gần đây con lại làm hư nó nữa, có phải không?  Sau ba năm rồi sẽ tính.  Có thể lâu hơn-ai nói trước được?"

   Trở về nhà, tôi báo tin này cho vợ tôi.

   "Thôi hết hy vọng rồi", cô ấy thở dài.  Rồi cô ấy nói: "Ngay đến sau ba năm, ni sư cũng sẽ không để nó trở về đâu.  Em biết mà.  Hồi đó ai nói rằng nó sẽ về mỗi thứ bảy:  Giờ thì năm mới nó cũng không được về.  Vậy mà em dự tính dẫn nó đi chơi suối nước nóng.  Nó rất thích suối nước nóng.  Các thú vui trong đời em càng ngày càng thu hẹp lại.  Khi em làm theo lời anh, là mọi việc hỏng hết.  Anh thì đâu có vấn đề gì-anh vẫn gặp nó vào những ngày chủ nhật mà".

   "Nếu em muốn gặp con, sao em không đến chùa?  Hằng năm có bao nhiêu dịp lễ lộc, cúng kiếng".

   "Em không thể tự nhiên tham gia vào các thứ đó chỉ vì muốn được gặp con.  Em không thể hạ mình đến thế đâu!".

   Bàn ghế cô ấy đã dành để cho con trai tôi dùng, giờ để lại cho Rie, và tất cả những đồ đạc, sách vở của nó được xếp cả vào tủ.  Vợ tôi giờ dường như câm lặng ngay cả ở các bữa ăn; khi phơi đồ hay rửa chén, cô hát khe khẽ chỉ cho riêng mình nghe.  Đôi khi, cô ấy ra đứng ở hàng hiên, trân trối nhìn ra con đường dẫn ra ga.  Đó là con đường con trai chúng tôi vẫn thường đi đến trường.  Sửa cái mũ trệt xuống đầu, nó đạp xe dọc theo con đường đầy cây cho đến khi biến mất sau dãy đồi ở bên trái.

   Khi tôi đến gần, tôi nghe cô khe khẽ hát bài hát con trai tôi ưa thích.  Nó thường dùng hai ngón tay đánh lên các phím piano bài nhạc nầy.  Đĩa nhạc đó được cất đi ngay sau khi con trai tôi rời bỏ nhà; một lần, tôi định hát lại đĩa nhạc nhưng vợ tôi đòi tắt đi.

   Tôi đứng cạnh cô ấy, không nói lời nào.  Không quay lại nhìn tôi, cô tiếp tục  nhìn đăm chiêu vào khoảng không.  Đôi khi cô nói: "Có cảm tưởng như Ryota sẽ hiện ra bất cứ lúc nào từ đám rừng cây kia với cái đầu tròn như quả trứng, nhấp nhô lên xuống".

   Cô ấy không còn gọi nó là Ryokai nữa.  Ngay khi tôi nói Ryokai, cô cũng  bướng bỉnh trả lời là Ryota.  Ở bàn ăn, khi dọn món hamburger mà nó ưa thích, cô nói: "Nếu Ryota mà có ở đây, nó đã kêu lên 'Ồ, món con ưa đây'".

   Con trai tôi là một đứa trẻ dễ thương.  Có chuyện gì, là nó không thể giữ kín được.  Không biết nó sẽ trở thành một nhà sư như thế nào đây?  Tôi không thể không nghĩ rằng có thể nó sẽ trở thành một nhà sư chỉ giỏi rót trà tiếp khách.  Nó rất thích đùa giỡn.

   "Hôm nay ở trường con ngốn hết một cái hamburger.  Thầy giáo đã cho con".

   "Con vòi vĩnh thầy phải không?  Con không được làm vậy", vợ tôi phản ứng đầy vẻ nghiêm trọng.

   "Con đùa thôi!", nó cười ngất.

   Nó cũng hay chọc nghẹo Rie như thế, rồi phá ra cười.  Con bé cũng thế, lúc nào cũng tin anh, rồi khi biết mình bị lừa, cô bé sẽ rượt đánh anh bằng một cái gối hay con búp bê đang cầm trong tay.

   Ryota ít khi chơi với Rie, trừ khi cậu muốn chọc ghẹo em.  Trong khi Rie thích theo dõi, để bắt chước anh.  Cô bé vẽ cùng loại tranh, nghe cùng loại âm nhạc, coi cùng các chương trình truyền hình.  Tuy nhiên lòng thương đối với người anh của cô bé không được đáp trả lại.  Anh cô không nhường em viết màu hay các băng nhạc.  Hai đứa hình như cãi nhau luôn, chỉ ngừng lại khi cùng ngồi trước màn ảnh truyền hình hay dàn máy stereo.  Chỉ có lúc đó tôi mới thấy chúng đúng là anh em.

   Nhưng khi người 'bạn' của Rie đã đi, em buồn bực, chán nản và cô đơn.

   "Khi anh con ở nhà, nó toàn chọc ghẹo con thôi", tôi an ủi.

   "Nhưng con vẫn thích có anh ở nhà hơn", nó nói.

   Tôi thật sự đau lòng khi nhìn Rie có vẻ cô đơn như thế.  Tôi chợt nhận ra rằng tôi đã bỏ quên tình cảm của con gái.  Quá lo nghĩ cho Ryota, tôi không nhận ra hậu quả không hay cho các thành viên khác trong gia đình.  Chính Rie chứ không phải là Ryota là người có lòng thương người, thưong vật.  Nên nhìn trên một khía cạnh nào đó, có lẽ Rie xuất gia thích hợp hơn là Ryota.  Tôi trở nên lo sợ cho Rie bị tổn thương quá mức chính vì tính nhạy cảm của bé.

 

 

   Vào những ngày chủ nhật, khi cả gia đình ngồi quanh bàn ăn, tôi trở nên có thói quen kể những chuyện lặt vặt về Ryokai.  Nhưng ngay các tin tức này cũng không phải do tôi nắm được, mà do Ni sư trụ trì hay bà giúp việc trong chùa nói lại.  Ni sư đã cấm tôi không được trực tiếp gặp nó.

   "Cha mẹ hơn là ai hết làm cản trở sự tu học của con cái", Ni sư nói.

Tôi nghĩ, điều đó Ni sư nói đúng.  Cha mẹ khi có cơ hội là chạy đến dúi tiền xài vặt hay quà bánh cho con mình.

   "Tuyệt đối không được cho nó tiền xài vặt", Ni sư nói.  "Mọi thứ nó cần đã được nhà chùa chu cấp.  Mọi người đều có tiền lương, giống như trong một công ty.  Mỗi tháng thầy được hai mươi ngàn yen.  Chẳng lâu nữa, Ryokai cũng được tiền tháng.  Thành ra đừng cho nó tiền dễ dàng quá.  Nếu con có gì cần đưa cho nó, hãy báo cho thầy biết.  Không bao giờ được đưa thẳng cho nó thứ gì".

   Do đó mọi liên hệ trực tiếp đều ngưng lại.  Tôi chỉ có thể nhìn từ xa khi nó quét vườn, lau sàn hay ngồi Thiền.  Trong lúc thọ trai, tôi ngồi bên này, nó ngồi bên kia, và Ni sư trụ trì ngồi chính giữa.  Tôi có cảm tưởng như chúng tôi vừa được đưa đến một xứ sở nào khác, nơi đầy những luật lệ nghiêm khắc.

   Khi chúng tôi vô tình đi ngang qua nhau như lúc dọn dẹp sau bữa ăn hay làm chuyện gì đó, tôi sẽ thì thầm lén lút: "Nầy, thế nào rồi?"

   "Tốt", nó chỉ nói có thế với vẻ lo lắng trên nét mặt, mắt nhìn xuống.  Nó không còn giống như con trai của tôi nữa, điều đó làm tôi đau khổ và bực tức.  Tôi chẳng bao giờ thấy nó được vui chơi, ngang dọc như lúc ở nhà.  Không biết có chỗ nào để nó làm thế không?  Tôi lo âu không biết nó có có thể chịu đựng nổi bao áp lực đang đè trên vai nó.

   Vợ tôi làm mấy món ăn mà nó thích, bảo tôi mang đến cho nó, nhưng tôi nhắc cô ấy là chúng tôi đã được căn dặn rằng đừng có chọc con chó đang ngủ.  Nếu chúng tôi mang những thứ ấy đến thì phải cúng dường chùa, mà chúng tôi đâu có được quyền cúng thức ăn sớt, thừa cho chùa. 

   Ngay tiền lì xì Tết của ông bà cho nó hằng năm cũng bị trả lại.  "Con trả lại dùm đi, và bảo với họ đừng làm thế nữa".

   Ôi, tôi đã cố gắng, nhưng tiền lì xì không thể trả lại được.  Chúng tôi quyết định bỏ số tiền trong ngân hàng dưới tên nó, nhưng tôi tự hỏi không biết đến bao giờ chúng tôi mới có thể đưa cho nó.

   Ni sư trụ trì đã khuyên tôi phải chịu đựng dầu có cảm thấy bất nhẫn đến đâu, nhưng giờ tôi mới nhận ra làm vậy không vì đứa trẻ, mà vì các bậc cha mẹ.

   Cha mẹ ruột của Ryokai thì phải lánh xa nó, còn cha mẹ 'đỡ đầu' thì không.  Đó là những 'cha mẹ trong đạo tràng'.

   "Thầy đã suy nghĩ về chuyện đó, và với tư cách là trưởng đạo tràng", Ni sư trụ trì nói với tôi.  Ông ta là chủ cái chợ nhỏ trước ga xe lửa.  Khi vợ ông ta bị đau uốn váng gần chết, mỗi sáng trước khi đi làm, ông thanh tịnh hoá mình và đến chùa cầu nguyện.  Một buổi sáng, ta bắt gặp ông khóc trước tượng Phật Thích Ca Mâu Ni khi ông dâng cúng Ngài trong chánh điện.  Vợ ông thoát chết như một phép lạ.

   Trong cuộc họp mặt, sau lễ xuất gia của Ryokai, ông đã đưa ly lên chúc tụng, rồi mắt đầy lệ, ông ôm lấy tay tôi, bảo: "Giờ thì Thiền viện đã ổn rồi.  An toàn rồi".

   "À, ông ta mau nước mắt vậy chứ không có ai can đảm bằng đâu", một lần vị trụ trì đã nói với tôi như thế.

   "Cha mẹ đỡ đầu" là những người mà các chú tiểu đang học tu có thể đến thưa hỏi những chuyện mà các chú không thể thưa với Sư trụ trì.  Trong trường hợp vị trụ trì mất, cha mẹ đỡ đầu sẽ thay thầy chăm lo cho các chú tiểu.  "Trong trường hợp khẩn cấp, có cha mẹ ruột cũng vô ích thôi", Ni sư trụ trì nói. 

   Ngay như khi Ni sư trụ trì mất, lúc đó, chúng tôi cũng không phải là người được quyền chăm sóc nó.

   "Có lẽ con cũng biết rồi đó, con trai thường có khuynh  hướng chống đối lại cha mẹ mình và ít khi hỏi ý kiến cha mẹ điều gì.  DĨ nhiên là không kể trẻ nít hay những đứa quá yếu mềm."

   Cha mẹ đỡ đầu mang cho Ryokai đủ thứ đồ.  Và Ni sư trụ trì tỏ vẻ hài lòng vì chuyện đó.  "Lần sau con nên mang cho nó thứ gì?", ông hỏi Ni sư trụ trì.

   "Hãy coi xem.  Lâu rồi nó không được ăn thịt, đem cho nó ít thịt", Ni sư trả lời. 

   "Dạ", ông nói.  Rồi với một đĩa khổng lồ đầy thịt sukyaki ở chợ của ông, ông mang theo vợ con, ra chỗ cây chérie gần khu chánh điện ngồi nướng thịt.

   Vào những dịp lễ nghĩ hè hay năm mới, ông ấy mang áo, đồ lót, và các thứ đại loại như vậy, 'cho Ryokai'.

   "Ong ta mang đủ thứ cho Ryokai, nhưng không mang gì cho thầy cả", Ni sư trụ trì nói, nhưng Ni sư không có vẻ gì là phiền hà về chuyện đó cả.

 

 

   Ni sư trụ trì thích nói với mọi người về Ryokai.  Thường Ni sư cũng thích tán gẫu và bàn chuyện -một cá tính hình như khó dẹp bỏ của phái nữ-  dầu nhờ vậy mà chúng tôi được biết con trai mình sống ra sao.  Nhất là vấn đề học hành, chúng tôi không có cách gì biết được nếu không qua Ni sư trụ trì.  À, cũng có người đàn bà phụ việc trong chùa đôi khi thầm thì vào tai tôi, ở cửa nhà bếp.

   "Kỳ thi rồi nó làm bài tốt không thưa thầy?", khi tôi hỏi những điều như thế, Ni sư thường trở nên bực bội.  "Đừng bận tâm vào những chuyện nhỏ đó.  Nếu cứ để ý từng điểm nó được, hay nó mất, thì chịu sao nổi.  Tại sao mấy con số điểm lại quan trọng thế?  Thầy đã từng nói với Ryokai:  Miễn sao con đậu là được.  Thầy cũng không ưa mấy người học giỏi quá.  Nói điều này với con thì có lẽ không hay, chứ những người học rộng như con cũng chẳng ích chi mấy.  Lúc nào cũng nghĩ đến những việc nhỏ mọn.  Không đi tới đâu với những vọng tưởng trong đầu.  Ryokai cũng bị nhiễm tánh hay lo của con, và ta phải sửa đổi nó nhiều về việc nầy.  Ta không hỏi điểm của nó, sau mỗi kỳ thi".

   Đáng lý ra tôi phải biết rằng hỏi Ni sư về điểm của nó cũng giống như phải giải công án làm sau lấy chiếc chuông vàng ra khỏi cổ sư tử.

   Nhưng điểm con trai tôi đã tiến bộ hơn.  Người đàn bà phụ việc đã nói nhỏ vào tai tôi: "Lần này đứng hạng thứ 11, lên được ba hạng so với lần trước.  Học giỏi ngoại ngữ, nhưng toán và khoa học vẫn còn kém.  Còn lớp giáo lý điểm cao nhất".

   Lần khác, bà nói: "Giờ lên hạng tám trong lớp rồi.  Lại lên ba hạng so với lần trước.  Điểm toán lên được đến tám điểm.  Ryokai học chăm lắm".

   Bà phụ việc nói với tôi những việc này như thể nếu Ni sư trụ trì biết được Ni sư sẽ cho bà mấy cây thiền bản.

   Nếu ta nhớ rằng nó đã từng đứng thứ hai, thứ ba chót lớp ở trường học cũ, thì đây quả là một thay đổi lớn.  Ni sư trụ trì đã bảo Ryokai đừng quan tâm về thứ hạng, nhưng Ni sư cũng khuyên nó phải cố hết sức mình về toán và viết chữ.  Những kiến thức đó rất cần cho việc điều hành Thiền viện.  Đó là lý do tại sao Ni sư bắt nó phải ghi xuống từng xu  trong sổ chi tiêu.  Chữ viết quan trọng trong việc khắc chữ lên các bảng gỗ cho các ngôi mộ.  Vì Ryokai  viết tay trái, chữ viết của nó trông giống như mấy hình người bằng que diêm.  Đối với tôi, việc này coi bộ khó sửa đổi lắm.  Con trai tôi chẳng bao giờ quan tâm về chữ viết của nó, nhưng chỉ với một lời nói của Ni sư, nó đã gia nhập câu lạc bộ chữ viết ở trường, và chuyển qua viết chữ bằng tay mặt.  Những tác phẩm của nó dần dần không chỉ được trưng bày ở trường, mà còn ở các triển lãm khác, và có cái còn được tặng giải nữa.  Uy lực của Ni sư quả là to tát.

   Trong một lần nói chuyện với Ni sư lúc dùng trà, tôi hỏi: "Nó đã được giải thưỡng gì vậy, thưa Thầy?".

   "Gì? À, quà gì đó do giáo hội tặng.  Tốt hơn là đừng nên trúng giải gì cả, nếu không cái mũi nó lại phồng to lên".

   Rồi Ni sư đổi đề tài: "Nó cần thực hành toán nhiều hơn.  Nó vẫn chưa nắm được những cái căn bản".

   "Có lẽ vì chính con cũng ghét toán", tôi lý giải.

   "Nó giỏi tiếng Anh, giống như con là thầy dạy tiếng Anh, nhưng nó vẫn chưa nắm vững mẫu các câu căn bản.  Không biết cha mẹ nó lo làm gì?  Có thể nó có được điểm cao vì đã học thuộc lòng tiếng Anh, nhưng với toán không thể làm như thế được.  Nó còn phải biết cách áp dụng toán.  Nó quá cứng nhắc, giống như con vậy.  Khi nó làm việc này, nó quên hết mọi thứ khác.  Con nào, cha nấy mà.  Ừ, thì nó cũng cố gắng lắm.  Vả nó còn trẻ, nó sẽ tiến bộ hơn thôi.  Nhưng thầy đã bảo nó đừng lo cho tiếng Anh, mà chú tâm vào học toán mới đúng.  Ngày hôm kia, nó được chín mươi tám điểm trong bài kiểm Anh văn, thầy không nói gì, nên nó hỏi sao thầy không khen nó vậy.  Thầy bảo nó, con đừng có nói quàng xiêng.  Tiếng Anh có cần cho người tu không?  Con có muốn đi ngoại quốc học và thuyết giảng thiền không?  Dĩ nhiên một số thầy thích làm vậy, nhưng thầy không thích thế.  Tiếng Anh đâu có lợi ích gì cho người chỉ cốt chí tu thiền.  Thầy đã nói với nó như thế".

   Con tôi đã hiểu ý Ni sư.  Khi thầy giáo chủ nhiệm giới thiệu nó đi học một lớp Anh văn đặc biệt, nó đã từ chối.  (Để tạo nhiều cơ hội cho học sinh có thể được tuyển vào các trường đại học tốt, trường con tôi đã mở những lớp đặc biệt cho tiếng Anh và toán.  Được chọn vào các lớp này là một danh dự).

   "Hình như thầy giáo chủ nhiệm của nó ngạc nhiên đến há hóc mồm, khi Ryokai nói với ông là nó không thích học ở đó vì thầy dạy Thiền của nó đã dạy rằng nó chỉ cần được điểm đậu", Ni sư trụ trì cười ngất.

   Tôi cũng được biết là thầy giáo chủ nhiệm của nó còn đề nghị nó làm lớp trưởng, nhưng nó cũng đã từ chối, nói rằng thầy nó không ưa những chuyện như thế.

 

 

 

 

   Vợ tôi hỏi: "Tại sao mình không được coi điểm hạng của nó chứ?  Đâu có phải là mình sẽ cho nó tiền hay quà đâu.  Mình chỉ muốn coi nó học hành ra sao thôi.  Cha mẹ muốn coi điểm hạng của con thì có gì xấu đâu?"

   "Nhưng ta có còn là cha mẹ của nó nữa đâu", tôi nói, cảm thấy quá đau lòng vì những lời vừa thốt ra.

   "Anh nói cái gì?  Em đã sinh ra nó mà.  Em không bao giờ quên sự đau đớn khi sinh nó ra.  Làm sao người đàn bà đó có thể hiểu được những điều như thế".

   Đây là lần đầu tiên tôi mới nghe vợ tôi gọi Ni sư trụ trì là "người đàn bà đó".

   "Đó là một vấn đề khác nữa.  Đã gia nhập tăng đoàn Phật giáo.  Giờ nó nghe theo lời dạy của Đức Phật, đâu phải của chúng ta".

   "Có nghĩa là lời dạy của Sư trụ trì chứ gì.  Em biết điều đó chứ.  Từ lúc nó cạo đầu trong ngày lễ xuất gia, em biết rằng nó đã chọn đi con đường khác chúng ta.  Đó là lý do tại sao em chỉ ngồi nhìn mà không nói tiếng nào.  Em đã cố gắng không can thiệp cho đến giờ phút này và cũng có ý sẽ tiếp tục làm như thế.  Nhưng có gì sai đâu khi chúng ta chỉ muốn biết nó học ra làm sao?  Người khác cũng biết mà.  Đâu có phải là điều bí mật gì, có phải không?  Tại sao chỉ có cha mẹ của nó là không được biết?"

   Tôi không có câu trả lời cho cô ấy.  Với tư cách là cha mẹ, chúng tôi không có quyền ư?  Hình như đó là cách suy nghĩ của Ni sư.  Ni sư gọi đó là "lòng mù quáng của cha mẹ".  Suy nghĩ như thế, nên Ni sư có vẻ coi thường chúng tôi.  Vậy mà chúng tôi cũng phải xếp đặt mọi thứ theo Ni sư.  Chúng tôi đã xoá tên nó ra khỏi sổ gia đình để Ni sư được đỡ đầu nuôi dưỡng nó.  Giờ con trai chúng tôi ở trong tay Ni sư, với sự đồng ý của chúng tôi.  Ít nhất theo phép xã giao, Ni sư cũng phải cho chúng tôi biết về nó chứ.  Đâu có phải là chúng tôi sẽ nhảy dựng lên khi biết điều này, điều nọ về nó.  Chúng tôi không thể nào coi nó chỉ như một người xa lạ.  Ngày nào chúng tôi còn sống, tình cảm chúng tôi dành cho con sẽ không bao giờ thay đổi.  Dù chúng tôi đã từ bỏ hết mọi quyền làm cha mẹ, tình cảm dành cho con chúng tôi vẫn nguyên vẹn.  Đó là "lòng mù quáng của cha mẹ" sao?

   Còn Ni sư thì sao?  Ni sư không có điều mù quáng sao?  Khi Ni  sư đối xử với Ryokai bằng tình thương, trong đó không có 'tình cảm của cha mẹ" sao?  Chính vì nhìn thấy Ni  sư đối xử với Ryokai như thế mà chúng tôi đầy lòng biết ơn, chỉ biết chấp hai tay lại cảm ơn.  Chúng tôi chẳng bao giờ ganh ghét hay cay đắng đối với Ni  sư.  Tất cả các bậc cha mẹ ai không sung sướng khi thấy con mình được thương yêu, chăm sóc.  Như thế thì tại sao Ni  sư lại không hiểu tình cảm của chúng tôi, những cha mẹ ruột của nó?

   Việc Ryokai sẽ làm người thừa kế, rõ ràng là có liên quan với điều mong ước cả đời của Ni  sư là phải phục hồi lại Thiền viện Zenkaiji.  Trong thời kỳ bất ổn của cuộc cải cách đất đai, Ni  sư đã có hơn mười ngàn mét vuông đất chùa, và Ni  sư đã xây lại chánh điện, các thất từ những căn nhà dột nát, xuống cấp trầm trọng biến thành những công trình hoành tráng với mái bằng đồng hay ngói.  Không chỉ có thế, Ni  sư còn sửa lại các công trình xây cất khác như: nhà khách, tăng phòng, một phòng chứa đựng các kinh điển của Đức Phật.  Ni sư sửa sang lại các vườn cây cảnh quanh các lối đi, với đủ các loại bông hoa cho bốn mùa.  Nếu Ni  sư đã được sinh vào thời đại Kamakura chứ không phải thời hiện đại này, chắc là Ni  sư đã có một tu viện mênh mông với bao nhiêu chùa rải rác khắp nơi trên đất nước.

   Dù công việc xây dựng, trùng tu đã hoàn tất, công việc kế tiếp là phải có người kế thừa.  Sự xuất hiện của Ryokai, rõ ràng, là nét chấm phá cuối cùng trong bức tranh toàn cảnh.  Và điều đó cũng ỗn thôi đối với tôi.  Vợ tôi và tôi không có gì để phản đối điều đó.  Có lẽ Ni  sư sẽ bảo rằng đó chỉ vì công cuộc phát triển Phật giáo.  Nhưng không lẽ tất cả những điều đó không  liên quan gì đến những tham vọng cá nhân của Ni  sư?  Sự tương quan giữa việc xây cất chùa chiền nhộn nhịp và triết lý của kẻ tu hành là như thế nào?  Tại sao phải cần tu viện bề thế đến vậy?  Vậy ra sự 'học hỏi giáo Pháp' của Ryokai cuối cùng cũng chỉ là để gìn giữ và phát triển cơ ngơi tôn giáo này sao?  Tóm lại, nó có hơn gì là một con rối cho các tham vọng của Ni  sư?  Cũng không sao nếu như nó có khả năng gìn giữ, và phát triển cơ ngơi này, bằng không nó sẽ bị chìm đắm trong việc quản lý hơn mười ngàn mét vuông đất chùa.

   Suy nghĩ về những chuyện như thế làm tôi đâm bực bội, vợ tôi bèn nói:  "Anh đâu có dám nói gì khi có mặt Ni  sư.  Em nói đúng quá, có phải không?"

   "Anh nói gì bây giờ?"

   "Anh phải hỏi con trai mình ra sao.  Thật sự là anh không biết hỏi làm sao phải không?  Những điều anh nói với em thì trái ngược với những gì đã xảy ra.  Em đã tưởng là nó sẽ về nhà mỗi thứ bảy, hay ít nhất là mổi năm một lần nó có thể đi nghỉ hè với mình.  Giờ thì cho đến thứ hạng của nó mình cũng không được biết.  Tại sao từ ban đầu mình không biết nó sẽ như thế này nhỉ?"

   "Đúng!  Đúng!  Nhưng làm sao anh biết được.  Anh chưa từng là nhà sư mà".

   "Anh có biết người ta đang nói gì không?"  Vợ tôi ngước lên nhìn tôi nói: "Bạn bè của em và những người biết anh.  Tất cả mọi người đều nói rằng chúng ta đang bị người khác lợi dụng.  Họ nói chúng ta không hiểu đời gì ráo".

   "Chắc là họ nói đúng đó- chúng ta đúng là chẳng hiểu đời".

   "Họ nói tất cả các chùa chiền đều gặp khó khăn vì không có người thừa kế.  Em còn nghe nói rằng có vị trụ trì kia đăng báo rằng ông sẽ gả con gái và lo mọi chi phí học hành cho kẻ kế thừa.  Khi em nói cho họ nghe mình đã cho con, và giờ ba năm nữa nó mới được về thăm nhà, họ hết sức kinh ngạc".

   "Nhưng chính Ryota muốn bỏ nhà ra đi theo con đường đạo mà".  Tôi buột miệng nói Ryota hồi nào không biết.

   "Em tự hỏi không biết đó có phải thực sự là điều nó muốn?"

   Tôi lặng thinh.

   "Khi nào có dịp gặp nó, em sẽ hỏi.  Không ai cho em biết gì cả.  Hình như chỉ có anh và Sư trụ trì bàn về chuyện đó, rồi Ryota biến mất khỏi cuộc đời em trước khi em kịp biết chuyện gì".

   Tôi nói: "Chính nó là người đầu tiên nói về chuyện ấy.  Chắc chắn là vậy.  Anh còn nhớ vẻ nghiêm trọng trong đôi mắt của con.  Có thể nó cũng hơi ngần ngừ, nhưng chưa bao giờ nó bỏ ý định trở thành một nhà sư.  Có thể nếu chúng ta cứ để mặc, rồi nó sẽ quên đi.  Có lẽ đó là điều chúng ta nên làm.  Ai biết được?  Nhưng không thể, nó không thể nào quên.  Ước muốn đó có thể sẽ được chôn kín bên trong.  Rồi một ngày, khi nó lớn lên, già đi, biết đâu nó không hối hận vì đã không dứt khoát trở thành người tu.  Anh chắc một điều: đó là duyên nghiệp của nó.  Có một số người như thế trong nhóm tu thiền của anh.  Có người bị gia đình cản trở, nên không thể trở thành tu sĩ.  Giờ ông ấy làm việc rất vất vả để khi con trai ông ấy lớn rồi, ông ấy sẽ đóng cửa tiệm, đi tu mặc cho ai nói gì thì nói.  Không có gì là trễ, nhưng nếu trước sau gì mình cũng làm thế, thì làm càng sớm càng tốt.  Một nhà sư thật thụ phải nghiền ngẫm hằng trăm công án.  Nhưng, nếu ta bắt đầu trễ quá, thì có lẽ ta sẽ chết trước khi thấy được mười hay hai mươi cái".

   "Lúc nào anh cũng thuyết phục được em bằng những chuyện viễn vông.  Dầu gì, cuối cùng rồi em cũng phải đồng ý với anh.  Đó là lý do tại sao em muốn anh phải có thái độ.  Nếu Ni  sư không nói với anh những điều đó, tại sao anh không hỏi thẳng Ryota?", vợ tôi nói, nhìn thẳng vào mắt tôi.  "Bộ mình không được quyền nói chuyện với con đẻ của mình sao?"

   "Đúng rồi, như thế là không được", tôi nói, nhưng cảm thấy quai hàm như cứng lại khi tôi ráng tạo một nụ cười trên môi.

 

 

   Lần đầu tiên vợ tôi gặp lại con trai kể từ khi nó rời xa gia đình là vào dịp lễ hội ở trường.  Người đàn bà phụ việc ở chùa đã báo cho tôi biết đó là ngày nào.  Giờ đây con trai chúng tôi đang học trung học đệ II cấp ở trường học đạo cũ.  Vì chúng tôi luôn dự các ngày lễ khi nó còn học ở trung học đệ I cấp, việc được tiếp tục truyền thống này rõ ràng là một an ủi lớn đối với vợ tôi.  Chúng tôi dẫn theo con gái cùng đi.  Chúng tôi đến lớp học, con trai chúng tôi không có ở đó.  Khi hỏi bạn nó, chúng tôi được biết là nó đang ở Thiền đường của trường, nơi có cuộc trưng bày triển lãm tranh và chữ viết.

   Khi chúng tôi tiến đến Thiền đường, cửa phòng đang mở, và kìa, ở cuối phòng là con trai của chúng tôi.  Nó đang đứng trước những cuộn lụa treo trên tường, tiếp chuyện một thanh niên tóc ngắn, đeo cà-vạt.  Vợ tôi dừng lại ở ngưỡng cửa, không muốn bước vào.  Tôi có cảm tưởng như chúng tôi đang đợi sự cho phép trước khi bước vào nơi chứa kho báu quốc gia.

   "Mẹ còn chờ gì nữa?  Nhanh lên, đi vào đi", Rie níu kéo cho đến khi người mẹ đặt những bước chân nhút nhát vào bên trong.

   Con trai tôi vẫn tiếp tục câu chuyện, nhưng sau đó nhận ra chúng tôi, nó cúi đầu chào, mặt không lộ nhiều biến đổi.  Nó vẫn tiếp tục chuyện trò với người bạn.

   Chúng tôi đi dạo quanh một lúc, ngắm nhìn cuộc triển lãm.  Dù không thích thú với những thứ này, vợ tôi cũng cố tỏ ra lịch sự.

   "Hãy lại đằng đó đi", Rie nói, kéo tay áo của mẹ.

   "Chưa được.  Con không thấy anh đang tiếp khách sao?", cô ấy trả lời, chậm rãi bước.

   Không lâu sau, xong câu chuyện, con trai tôi cúi đầu chào người khách trẻ, rồi biến mất.

   "Mẹ, anh ấy đi rồi", Rie nói.

   "Vậy sao?", vợ tôi trả lời, rồi như có vẻ vừa trút xong gánh nặng, cô nói: "Chắc là nó bận lắm".

   "Con thấy là anh ấy không muốn tiếp chúng ta", Rie nói, giọng hờn dổi.  "Đáng lý ra anh ấy phải đến nói chuyện vơí mình chứ".

   "À", vợ tôi nói vẻ buồn rầu, "có lẽ vì nó không còn tha thiết gì về chúng ta nữa".

   Tôi nói để an ủi vợ: "Con trai là như thế.  Chúng không bao giờ nghĩ nhiều về cha mẹ như lòng cha mẹ mong muốn.  Nhưng nếu chúng làm khác thế thì cha mẹ lại không biết phản ứng làm sao.  Anh biết mà -anh cũng như thế lúc nhỏ".

   Nhưng vợ tôi đã quay trở ra không nói lời nào.

 

   Lần thứ hai vợ tôi gặp lại con là vào ngày lễ cúng cô hồn, một ngày lễ vào giữa mùa hè ở chùa.  Vì đây là dịp lễ hằng năm chúng tôi luôn dự trước đó, vợ tôi cảm thấy cũng tự nhiên để đi dự lần nầy.

   Bốn mươi chín những mảnh giấy lớn, màu sắc để tưởng nhớ người chết được treo rũ quanh chánh điện, và các cây tre tô điểm cho hai cây cột chánh.  Tiếng giấy loạt xoạt và tiếng lá tre xào xạt trong gió hè, tạo ra một thoáng sáng sủa trong chánh điện tối tăm, và phát ra một thứ âm thanh như là một làn gió thoảng mát.

   Buổi lễ bắt đầu bằng các bài tụng kinh.  Ni sư trụ trì choàng y vàng rực rỡ, kín mít hình như chỉ thấy đầu Ni sư.  Ni sư xướng tụng với cái nhìn bình thản.  Vị tu sĩ đi theo sau Ni sư là Ryokai.  Rồi đến ngồi khuất một góc dưới bàn thờ Phật, nó gõ lên một miếng gỗ tròn có hình thù con cá, thỉnh thoảng đánh cái chuông có hình dạng như cái tô.  Mắt vợ tôi đỏ lên, cô chậm mắt khi nhìn thấy nó trong bộ y vàng và vẻ mặt ngượng nghịu, cứng ngắc.  Rie ngồi xếp bằng bên mẹ, thỉnh thoảng lại cựa quậy.

   "Mẹ, anh Ryota ngó bộ không ổn lắm, phải không?"  Rie nói, ngước lên nhìn mẹ, nhưng người mẹ đang chìm đắm trong suy tưởng, không trả lời cô bé. 

   Tôi cũng đang nghĩ hình như nó đáng chuông không chỉnh.  Lúc mạnh quá, lúc yếu, lại còn sai nhịp nữa.  Lúc đầu, tôi nghĩ có lẽ vì nó còn mới, nhưng hình như còn có cái gì khác nữa.  Rồi tôi bỗng nhận ra: nó đánh nhịp giống như đang chơi trống trong ban nhạc ở trường.  Nghĩ thế, một nụ cười thoáng nở trên môi tôi.

   Sau phần kinh tụng, Ni sư trụ trì lên ngồi ở chiếc ghế màu lá vàng, ngồi xếp chân tròn, và bắt đầu bài giảng của ngày lễ cô hồn về Ngài Mục Kiền Liên và mẹ.  Vị Bồ tát này có nhiều thần thông và muốn cứu mẹ đang bị đoạ dưới địa ngục đói khát.

   "Ra, cũng có các nhà sư lo lắng cho mẹ  vậy," vợ tôi nói nhỏ với tôi.

   Tôi giữ im lặng, nhìn Ni sư trụ trì lau mồ hôi trên trán bằng chiếc khăn tay.  Chắc Ni sư cũng đang rất nóng, vì những khăn áo trên người.  Lối trình bày thẳng thắng của Ni sư có sức thuyết phục, nhưng khi Ni  sư hơi ra ngoài đề thì cũng phải ít lâu Ni  sư mới trở lại được.  Mỗi năm, câu chuyện thay đổi một ít; lần này Ni  sư thêm vào phần về những tội lỗi sâu dày của phái nữ.

   "Người nữ sinh ra đã mang bảy tội nghiệp lớn.  Do đó để được giải thóat người phụ nữ phải cố gắng nhiều hơn.  Mẹ của Ngài Mục Kiền Liên là người rất tham lam, nhưng bà không phải là người duy nhất bị đọa  đói khát.  Làm sao biết khi nào có người trong chúng ta đây cũng bị đọa đày.  Mà không chừng đã bị đọa rồi mà không biết".

   Nói xong, Ni  sư trụ trì nhìn quanh khắp phòng.  Một số là các phụ nữ trung niên, và rất nhiều người già.  Một bà chắc bị đau, ngồi đưa chân ra một bên, quay qua nói chuyện với người ngồi bên cạnh.

   "Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã nói, trong một ngày, con người đi qua sáu cửa địa ngục.  Quí vị có biết sáu cửa đó là gì không?  Đó là đau khổ, đói khát, súc sanh, ngạ quỷ, người và trời. Con người luân hồi trong sáu cõi đó.  Trong một ngày, biết bao lần ta rơi vào cửa địa ngục của khổ đau, của đói khát, của ngạ quỷ.

   "Và con người phải rơi vào các cửa này chỉ vì họ đã làm điều ác.  Mỗi khi ta nghi ngờ, ghen ghét, vọng tưởng, sân si, là ta đã rơi vào địa ngục đói khát, đau khổ.  Này, bà bán tàu hủ ơi", Ni  sư gọi lớn bà lão đang nói chuyện.

   "Bà có im lặng được không?  Nếu bà muốn nói, ra ngoài mà nói nhé?  Nói lang bang như thế là phạm giới vọng ngữ, bà có biết không.  Làm vậy là chắc chắn đọa địa ngục đói khát đó".

   Bà lão bán tàu hủ quay qua người bên cạnh hỏi: "Thầy nói gì đó", đầu nghểnh lên vì lảng tai.

   "Đầu óc và trái tim con người là những thứ đồ ô uế", Ni  sư nói, tiếp tục bài thuyết giảng "Các vị có nghe câu 'Cái đầu của con ngựa và trái tim con khỉ' không?  Tất cả những gì quí vị nghĩ về sự thay đổi cũng giống như thế.  Tất cả qúi vị, hãy nhìn lại mình đi, sẽ thấy.  Lúc nào cũng thay đổi.  Nhất là các bà.  Đó là lý do tại sao người ta nói đàn bà khó tu.  Tệ hơn nữa, là họ tìm cách che dấu lỗi của mình.

   "Thầy có thể nhìn thấu trong lòng mọi người.  Thầy không còn làm vậy nhiều nữa, nhưng trước đây thầy thường nhìn thẳng vào tim người ta.  Một lần, có đôi bà đến chùa gặp thầy, và nói họ đã nói chuyện này, chuyện kia trên đường đến đây.  Thầy bảo họ nói không đúng sự thật, họ đã nói về những chuyện khác kìa.  Oi, họ ngạc nhiên quá.  Họ không biết làm cách nào mà thầy biết.  Dần dần khả năng này trở thành một điều khó chịu, nên thầy bỏ đi.  Thầy không cần phải làm vậy, vì Đức Phật có thể nhìn thấy hết mọi việc.  Tốt hơn hết là đừng quên nhớ tới Đức Phật.  Đó là bài giảng của thầy hôm nay", Ni  sư trụ trì bỗng như chìm đắm trong bài kinh hồi hướng khi Ni  sư chấp hai tay lại.

   Sau đó, những chiếc bàn xếp dài được mang ra chánh điện, và các món hủ tiếu, rau cải và trái cây do các bà làm được mang ra.  Chúng đạo tràng này gồm những người trồng rau cải, làm tàu hủ, chủ tiệm bánh phở , vân vân, nên mọi thứ đều tươi ngon và ê hề.

 

   Ryokai cột tay áo lên và đi quanh các bàn ăn.  Các bà lo dọn đồ ăn, nhưng khi có gì cần, họ luôn hỏi nó, nên nó có vẻ rất bận rộn.  Ngoài ra, nó có vẻ quen biết nhiều, người ta thường mời nó ngồi xuống bàn, ăn ít miếng.

   Ba chúng tôi ngồi ở một góc phòng, đưa đũa lên miệng và quan sát từ xa.

   Chằng lâu, Rie đã ăn xong, và chạy đi chơi; khi vợ tôi và tôi vừa dùng xong, chúng tôi nghe ai đó gọi từ bàn bên kia: "Ông Kimura, ông Kimura".

   Đó là ông Ota, chủ chợ, trưởng lão đạo tràng, và là cha đỡ đầu của Ryokai.  Ông gọi chúng tôi đến.  "Đừng có ngồi trong góc kia.  Hãy đến ngồi đây.  Ryokai cũng ở đây.  Sao không đến nói chuyện với chúng tôi?"

   Ryokai đã được ông Ota mời, và đang ngồi kế bên ông, ăn món gì đó mà cha mẹ đỡ đầu đã đưa cho nó, mỉm cười khi trả lời điều gì.  Ong Ota có lẽ tự nghĩ là vô phép khi giữ nó cho riêng mình, trước mặt cha mẹ ruột của nó.  Ông lòm khòm đứng dậy, đon đả chạy đến chỗ chúng tôi.  "Đi mà, không có sao đâu.  Sao không đến ngồi với chúng tôi?  Ryokai đã tiến bộ lắm.  Nó sẽ thành một nhà sư giỏi.  Oi, nó làm tôi tự hào và sung sướng lắm.  Không giống chút nào với đứa con vô dụng, ngỗ nghịch của tôi.  Lúc nào tôi cũng bảo nó phải như Ryokai kìa.  Tôi thật lòng coi nó như con ruột của mình.  Đó là một điều danh dự, thật vậy.  Đó là Phật trời xui khiến.  Đi, lại đó đi!  Ong bà là cha mẹ ruột của nó phải không?  Đâu có gì phải ngần ngại_". 

   "Sao ông không im dùm đi !"- Giọng của Ni  sư  thình  lình nổi lên ngay sau lưng ông Ota.

   Ni sư đang ngồi ở một bàn khác, nói chuyện với một bà trong đạo tràng.  Hình như lúc nào Ni  sư cũng trông chừng Ryokai, và giọng ông Ota lớn quá.  Ni su tiếp tục, "Cứ để tự nhiên.  Ông nằn nì mãi làm tôi điên cả đầu.  Chỉ có ông là cha nó.  Ông và tôi giờ là cha mẹ duy nhất của Ryokai".

   Ông Ota có vẻ bối rối, không biết phải phản ứng như thế nào, khó xử, ngượng ngùng.  Với nụ cười vô nghĩa, ông lẩm bẩm: "Thôi, tôi trở lại đó đây... Ừ, gặp ông sau nhé..."  Khom lưng, ông quay ra trở lại chỗ ngồi cũ.

   Uống một ngụm trà đã trở nên đắng ngắt, tôi quay sang vợ tôi nói: "Thôi ta về đi".

   Không trả lời, vợ tôi nhìn quanh và nói lớn: "Con Rie chạy đâu mất rồi?".

   Vừa ngay lúc đó, Rie hiện ra từ đàng xa, dấm dúi thứ gì đó trong tay, mắt láu liên.  "Con đi đâu vậy?  Đi toilet hả?" vợ tôi nói, có vẻ hoàn hồn.

   "Con đến phòng của anh con.  Đầu máy stereo, mọi thứ trong đó". "Đồ ngốc", tôi la.  "Con không được làm vậy".

   "Nhưng đó cũng là máy của con vậy", nó phụng phịu.  "Coi nầy!".  Nó xòe tay cho chúng tôi coi.  "Đây là đĩa của con.  Con tưởng là mất đâu.  Ryota đã lấy đó". 

   "Sao con có thể lấy lại những thứ đó", tôi nói.

   "Vì đó là của con, và con sẽ nói với anh ấy như thế".

   "Không, con không cần phải nói như vậy".

   "Em nghĩ là anh phải nói với nó", vợ tôi nói, đứng về phía con gái tôi.  "Nó sẽ thắc mắc khi bị mất đồ".

   "Nhưng . . ."

   Rồi, tôi nhìn thấy Ni  sư đang tiễn một bà trong đạo tràng.  Vợ tôi nói: "Sao không để con bé nói với anh nó?  Rie có được tiếp xúc với nó không?  Đâu có gì sai phải không?  Chúng ta đâu có bịnh truyền nhiễm?  Đây có phải là phần thưởng dành cho em vì đã sinh ra nó trên đời?  Đây là cách chúng ta được đối xử vì đã mang nó đến đây sao?"

   Rie đứng lên ngạc nhiên vì vẻ giận dữ của mẹ.

   "Đi.  Đi nói với anh con là mình mang những thứ này về nhà".

   Rie chạy thoắt qua mấy dãy bàn ăn đến chỗ anh nó đang ngồi.  Đứng ngay đó, cô bé đưa cho anh mấy đĩa cassette và nói gì đó.  Ryokai chìa tay ra và đứng dậy như thể để giựt lại.

   "Của em!", Rie thét lên.

   "Không, không phải.  Anh vừa thâu chúng mấy ngày trước đây.  Anh đã xoá mấy thứ trước rồi".

   "Sao anh dám!  Anh đã xoá mấy cái băng của em.  Của em mà".

   Ryokai không có tiền mua đĩa mới, nên đã dùng đĩa của Rie.

   "Có chuyện gì thế!", Ni  sư trụ trì la lên.  "Đây không phải là chỗ làm loạn".

   Ryokai giải thích với Ni  sư việc Rie lấy lại những băng nó đã thâu các chương trình âm nhạc trong radio.

   Ni sư trụ trì lại la lên: "Đưa cho nó!  Đưa cho nó mọi thứ nó đòi.  Nếu một người tu mà bám víu vào những thứ như thế, người tu đó sẽ trở thành gì?  Âm nhạc của người tu là tiếng tụng kinh.  Con không hiểu những điều ta đã nói rồi sao?"

   Ryokai ngồi xuống với gương mặt tái  xanh.

   Chúng tôi bỏ vài cái bánh với trái cây vào túi nylon để mang về nhà, đứng dậy, đi ra cửa chánh điện, cúi chào và sửa soạn bước ra khi Ni  sư tiến đến.

   "Thầy có ít điều muốn nói với các con".  Ni sư đứng ngay đó.  "Thầy hiểu tình cảm của các con đối với Ryokai, nhưng điều đó chỉ làm phiền cho nó.  Tình cảm của cha mẹ hơn mọi thứ hết làm sự tu học khó khăn hơn, sợi dây tình cảm giữa cha mẹ và đứa con là thứ khó dứt bỏ nhất.  Thầy không muốn nó trở thành nửa người nửa ngợm như con.  Nếu tiếng 'nửa ngợm' không phải cách nói, thì gọi đó là sự thiếu ổn định, thiếu chín chắn.

   "Thuở xa xưa, dưới triều nhà Đường ở Trung Quốc, có một nhà sư tên gọi Tozan Ryokai (Động Sơn Lương Giới 807-869), một trong những ông tổ của dòng Thiền Tào động của Phật giáo Thiền.  Ong rất có tình máu mủ thân tộc, nên thường gửi nhiều thứ thực phẩm ở chùa về cho cha mẹ ông ở quê.  Ong không đi thăm họ, nhưng cha mẹ ông thỉnh thoảng đến chùa để thăm ông và nghe ông thuyết pháp.  Rồi một ngày kia, cha ông mất đi.  Mẹ ông, giờ chỉ có một mình, thu xếp đồ đạc lên chùa, nghĩ rằng bà có thể ở đó để lo cho con trai, nhà sư trụ trì.  Khi người mẹ đến nơi và cho con biết ý định của mình, đại sư Tozan từ chối.  Ong cố gắng giải thích cho mẹ hiểu tại sao ông không thể làm vậy, nhưng người mẹ không thể nào hiểu được. Cuối cùng ông phải nhờ đệ tử dẫn mẹ và mang hành lý của bà ra khỏi chùa. Người mẹ van xin được ở lại, nhưng cổng chùa đã đóng kín và bà không thể nào bước chân trở vào.  Mặt đẫm đầy nước mắt, bà mẹ đi trở về quê.  Sau đó, bà nhiều lần trở lại chùa, nhưng đại sư Tozan từ chối tiếp bà.

   "Các con thấy không?  Đạo luật của ta phải nghiêm ngặt như thế.  Hãy nhớ câu chuyện đó và suy ngẫm về nó".

 

 

  

    "Nếu con trai chúng ta được trở thành người tốt, đó mới là điều quan trọng.  Tình cảm của chúng ta không quan trọng", tôi nói với vợ  khi chúng tôi đã trở về nhà, và không có mặt con gái tôi.

   Vợ tôi trả lời: "Em đã chấp nhận chuyện đó.  Nó sẽ không trở về nhà nữa.  Giờ em chỉ còn có Rie, mong là anh không tước đoạt nó khỏi tay em.  Làm vợ anh, những thú vui trong đời của em dần dần tiêu mòn hết".

   "Tước đoạt- em nói gì vậy?  Bộ chúng ta không từng thảo luận, hành động nhất trí với nhau à?  Nhưng em nghĩ lại coi, tất cả hình như là do duyên nghiệp định sẵn nên từ ban đầu mọi chuyện đã dẫn dắt để xảy ra như ngày hôm nay.  Anh nhận xét như thế.  Đó là định mạng.  Không phải là chuyện mình có thể sắp đặt được.  Mà do bàn tay của định mệnh, tất cả bắt đầu bằng việc anh dẫn nó đi chùa.  Nhưng đó cũng không phải là ý kiến của anh; chính em là người biểu anh dẫn nó đi theo lên chùa vì em bận quá nhiều chuyện ở nhà".

   "Cái gì!" vợ tôi cao giọng.  "Anh đổ mọi thứ cho người khác -đó là thói xấu của anh, anh biết không.  Chuyện gì anh cũng đổ thừa tại số mệnh, nhưng em nghĩ mọi chuyện là do anh làm ra chứ không do gì hết.  Sao anh dám nói như là em luôn muốn đuổi nó đi cho khuất mắt.  Đó là điều ác độc nhất mà anh nói được.  Anh đâu có biết em nghĩ gì.  Từ ngày Ryota ra đi, em đau khổ biết mấy, nhưng anh có bao giờ nói lời nào an ủi em đâu.  Rie nó còn biết em buồn, và an ủi: 'Mẹ, đừng khóc.'  Còn anh, anh chẳng bao giờ để ý, phải không?  Anh chỉ nghĩ là em muốn xua đuổi nó, phải không?".

   "Không.  Anh chỉ nghĩ là dần dần em sẽ hiểu, chỉ có vậy".  (Thì ra thế.  Đáng lý tôi phải nói vài lời với cô ấy lúc đó.)

   "Anh là như thế đó.  Chỉ cần biết anh hiểu là đủ.  Còn người khác? À, họ sẽ dần hiểu thôi.  Anh nói đi, em phải hiểu điều gì?"

   "Sự tu tập của con!  Nếu con làm được vậy và trở nên một vị tu sĩ tốt, thì mọi chuyện đều ổn.  Đó là điều ta phải quan tâm nhất".

   "Anh lúc nào cũng nói về chuyện tu tập của con, nhưng tại sao anh lại muốn con phaỉ làm chuyện đó chứ?  Anh nói như là nó sanh ra để đi tu, chứ không phải chính anh, mới là người muốn nó đi tu?  Con nó muốn chơi trong băng nhạc nhà trường, nhưng anh bắt nó phải tụng kinh gõ mõ.  Em nghĩ người cần tu tập chính là anh, chứ không phải là nó".

   À, đây là thứ người ta gọi là trực giác của đàn bà.  Quá sốc, tôi chỉ có thể nhìn trân trối vào khuôn mặt đỏ gay vì giận của vợ.

   "Một ngày nào đó, em sẽ nói với nó: chính cha con mới cần đi tu.  Thật là giả đạo đức, anh ăn chơi thả láng, nhưng sau đó bắt con phải đi tu".

   "Nhưng em không thấy sao, đó cũng là một cách tu tập.  Đi nước ngoài khi còn trẻ cũng là một hình thức tu tập.  Không có gì trong cuộc đời này không là một bài học cho chúng ta.  Đó là điều anh biết được sau khi bắt đầu học khoá thiền.  Tất cả mọi thứ ta làm đều là thiền: đi, đứng, nằm ngồi, ăn uống".

   Tôi chợt nín bặt. Tôi vừa nói với vợ tôi những điều tôi đã nói với hai thanh niên Mỹ ở New York, hai mươi năm về trước, chỉ trừ không có hoa tay múa chân.  Điều khác biệt duy nhất là lúc đó tôi đùa giỡn, giờ tôi rất nghiêm túc.  Dầu vậy, tôi vẫn tiếp tục.

   "Ngay cả khi vui chơi, anh cũng rất nghiêm chỉnh.  Anh không biết những chuyện mình làm chỉ để cho vui hay bị dẫn dắt.  Anh không cưỡng lại được.  Giờ cũng không khác xưa.  Có người dù họ làm việc hay vui chơi, mọi việc trong đời đối với họ đều dễ dãi.  Anh không có cái may mắn đó.  Anh không có một người thầy tốt để dẫn dắt mình.  Sánh với anh,  thì Ryokao..."

   "Thôi đừng đổ mọi thứ cho việc anh không có được người thầy tốt.  Bất cứ khi nào anh thất bại, anh đều đổ lỗi cho kẻ khác hay số mệnh.  Đó là lý do tại sao Ni  sư trụ trì gọi anh là nửa ngợm".

   Nhớ lại lúc Ni  sư gọi tôi như thế, vợ tôi phì cười, rồi dịu xuống một ít.  "Em nghĩ nếu Ryota chịu khó tu học để trở nên một nhà sư giỏi, thì cũng tốt.  Em đâu có ý đeo theo Ryota cho đến ngày em chết, như bà mẹ của ông thánh gì đó.  Ni sư có lẽ nghĩ người mẹ nào cũng giống như thế, nhưng em không phải vậy.  Đó là lý do tại sao em không hạ mình xuống để chỉ được gặp nó".

   Vợ tôi dần bình tỉnh lại.  "Nhưng em không có mơ mộng như anh.  Em đã bị vỡ mộng quá nhiều lần -hình như điều đó đã thành lệ kể từ khi mình lấy nhau đến giờ.  Nó đâu còn là con trai của mình nữa, thành ra em có bám víu vào những ước vọng về nó cũng chẳng ích lợi gì.  Nếu nó chịu tu tập và thành được một nhà sư giỏi thì cũng được.  Bằng như nó có chán, bỏ cuộc, và làm thứ gì khác thì cũng xong.  Nhưng lúc đó em muốn được giúp đở nó.  Giờ thì em chỉ nghĩ có vậy.  Em không nghĩ là bằng mọi giá nó bắt buộc phải trở thành nhà sư".

   Tôi nói: "Không, chúng ta phải có những ước vọng.  Nếu không, chúng ta không có mục đích để tranh đấu và vượt qua khổ đau.  Anh không nói đến những ước mơ viễn vong như trở thành nhà phi hành vũ trụ hay dùng ý chí để bẻ cong cái muỗng.  Anh muốn nói tới những ước vọng làm phong phú thêm hiện thực, thúc đẩy ta có thể thực hiện được trong ngày mai những gì ta chưa làm được hôm nay.  Nhân loại tiến bộ bằng cách đó, từng bước từng bước một".

   Vợ tôi trả lời: "Nhưng em không biết ngày mai sẽ mang đến cho ta những gì.  Em đã trông chờ bao nhiêu việc trong tương lai, nhưng rồi mọi việc xảy ra không như em mong đợi.  Nên em không nghĩ nhiều về tương lai nữa.  Chuyện gì sẽ xảy ra cho con trai chúng ta, cho Thiền viện, chúng tôi càng ít biết hơn nữa?  Rồi Ni  sư nữa, bà đã già yếu.  Nếu Ni  sư mất, chuyện gì sẽ xảy ra?  Em đoán, chắc là con ta sẽ phải lo quản lý Thiền viện, thời giờ đâu tu học.  Nó làm sao chăm sóc nổi một Thiền viện to lớn như thế?  Ni sư đã tạo ra thiền viện.  Ni sư gánh vác được.  Chừng tới tay Ryota, chắc là nó phải chia đất ra, bán bớt".

 

 

   Chủ nhật đó, sau buổi tọa thiền, khi tôi sửa soạn ra về, Ni  sư trụ trì xuất hiện ở cửa chánh điện, trao cho tôi một gói ny-lông trông quen thuộc, và nói: "Hôm nọ hình như con đã để quên gói nầy".  Đó là cái túi đựng bánh và mấy quả táo.

   Khi Ni  sư chặn tôi lại để giảng cho một bài học, tôi đã quên phứt nó đi.  Cái túi hình như đầy hơn hôm trước.  "Thầy bỏ thêm mấy thứ còn lại", Ni  sư nói.

   "Gần đây thời tiết khó chịu quá, và bữa hôm đó thầy cũng nóng, nói năng quá cứng rắn, dầu thầy không nghĩ mình có nói điều gì sai.  Câu chuyện về đại sư Tozan, con có hiểu không?  Con có thể coi đó là một công án cho mình.  Trong thế giới bao la, tận cùng mặt đất, không có gì không là một công án.  Sự khổ đau của một đứa con cũng là một công án cho bậc cha mẹ.  Vấn đề của con trai con là một công án lớn dành cho con.  Con phải biết ơn những điều đó".

   "Dạ, con biết", tôi vui vẻ trả lời, rồi lợi dụng câu chuyện nói thêm:

   "Con hoàn toàn hiểu là hiện giờ con trai con đang sống trong một thế giới khác; con sẽ kiềm giữ mình không quên điều đó.  Từ bây giờ, ước vọng duy nhất của chúng con là nó được chuyên tâm tu hành.  Giờ nó đã thành một người tu, con mong muốn nó được học hành tu tập, dầu có chuyện gì xảy ra.  Nhưng nếu nó chỉ chăm lo cho nhà chùa và các đạo tràng, thì con không hiểu tại sao nó phải có mặt ở đây".  Tôi nhấn mạnh câu cuối cùng.

   "Đúng," gương mặt Ni  sư thoáng hơi rắn lại, nhưng rồi Ni  sư trả lời: "Thầy biết con muốn nói gì.  Thầy hiểu ngay ý con muốn nói gì, vì thầy đã suy nghĩ về việc này còn nhiều hơn con.  Chắc là con tự hỏi không biết việc quản lý nhà chùa đối với thầy quan trọng tới đâu.  Và con lo sợ rằng Ryokai bị bó buộc phải làm những việc ấy, không còn thì giờ tu tập chứ gì.  Con nghe thầy nói đây: Đối với một người tu hành, việc gìn giữ chùa, chăm sóc cho chúng cũng rất quan trọng.  Đó cũng là Phật sự của họ.  Hoàn toàn quên hẳn thế giới bên ngoài không phải là cách tu hành chân chính đâu.  Một nhà ẩn dật bên Trung quốc xưa đã từng bị chỉ trích vì ở trong tình trạng mà như ông đã tả: 'Một cành liễu đeo trên ngọn thạch băng, không chút ấm lòng dẫu giữa mùa đông'.  Tu tập như thế là 'Thiền nhành liễu', chứ không phải sống.  Con hiểu ít nhất được đến vậy chứ?

   "Điều thầy quan tâm về việc quản lý chùa không có gì quá đáng.  Nếu không, thầy đã xây một chổ đậu xe để cho mướn, hay một nhà trẻ.  Thầy đã tìm đến chùa này vì sư phụ của thầy dạy như thế.  Sư phụ bảo thầy phải nhận ngôi chùa đổ nát này và trùng tu nó lại.  Cũng không phải chỉ vì lời dạy của sư phụ.  Trước hết là vì Đức Phật.  Chùa càng đẹp, ngọn nến trên bàn thờ Đức Phật Thích Ca Mâu Ni càng sáng hơn.  Thầy đâu thể làm được thế này nếu không có sự gia hộ của Đức Phật.

   "Tuy nhiên, chùa là chùa.  Chỉ là một cơ sở.  Với riêng con, thầy mới nói điều này, điều thầy chưa tiết lộ với ai bao giờ: rồi thầy sẽ bỏ ngôi chùa này ra đi, ý thầy là sau khi Ryokai đã ra trường, đã hoàn thành việc tu học và trở về đây.  Lúc đó, thầy sẽ một lần nữa trở thành một nhà sư tay trắng, lang thang đó đây.  Dỉ nhiên, giờ thầy đã quá già để đi hoằng pháp, nhưng thầy sẽ kiếm một nơi yên tĩnh ở vùng quê để sống.  Khi sư phụ của thầy truyền giao  cho thầy ngôi chùa này, hy vọng của thầy là được ở đây hành đạo cho đến ngày cuối đời.  Nhưng đến lúc từ giã cõi đời, thầy muốn ra đi nhẹ nhàng.

   "Thầy đã nghĩ đến Ryokai, và thầy cũng không có ý buộc nó vào ngôi chùa này đâu.  Tuy nhiên nếu một nhà sư mà có được chùa riêng của mình, người đó sẽ cảm thấy yên tâm hơn, được thuận tiện rất nhiều bề.  Còn nếu việc gìn giữ ngôi chùa này làm cản trở đến việc hành đạo của nó, nó có thể buông bỏ ra đi.  Thầy đã có ý định nói với nó như thế.  Nếu nó chỉ chuyên tâm tu hành, thì có chùa sẽ làm cản trở nó.  Tùy nó thôi".

   Tôi cúi đầu xuống.

   "Nhưng", Ni  sư trụ trì đổi giọng, "ở đâu cũng vậy.  Không có gì hơn là những tính toán nhỏ nhen của con người.  Làm sao thoát ra được những suy nghĩ đó là tốt hơn cả.  Tất cả hãy tùy theo ý của Đức Phật".

   Tôi tự hỏi không biết Ni  sư có bỏ hết để trở thành một nhà sư lang bạt dễ dàng đến như thế không.  Lưng và chân của Ni  sư đã yếu vì tuổi tác.  Và nếu Ni  sư ngã bịnh, cần phải có người chăm sóc bà.  Không biết thật sự Ni  sư có trở về làm một người tu rày đây mai đó không hay Ni  sư chỉ nói thế?

   Tuy nhiên tôi giữ những nghi ngờ này cho chỉ riêng tôi.  "Đây có phải là một khía cạnh khác của Không?", tôi hỏi.

   "Đúng, nhưng không chỉ là Không.  Đó là cái Không của Đại sư Triệu Châu khi một nhà sư hỏi Ngài con chó có Phật tánh không.  Cả vũ trụ này không có gì nằm ngoài cái Không đó.  Người nhìn, người được nhìn, cái nhìn, tất cả đều là Không".

 

 

   Rời chánh điện, đi ra cổng chánh, tôi gặp Ryokai, đang thu gom những đống lá được quét buổi sáng.  Trên đầu quấn một cái khăn để che nắng hè.  Bộ đồ mặc làm việc đã quá chật, ngắn để lộ đôi chân thon nhỏ, trắng trong đôi giày sandals đã cũ mòn.  Hình như nó đang chìm đắm trong suy tư khi đưa chổi quét.  Như lệ thường, gương mặt của nó không thay đổi khi có người đi ngang qua.  Đó là cách thiền sinh phải làm, nên tôi cũng không ngạc nhiên, nhưng khoảng khắc đó làm tôi xúc động, và tôi ngừng lại bên nó. 

 

   Trong bao giấy tôi đang cầm có mấy cái băng cassette mới.  Sáng nay, sau nhiều đắn đo, tôi quyết định mang cho nó.  Rie đã lấy lại mấy cái băng cũ, và có lẽ là nó không có tiền để mua cái mới.  Tôi cũng không biết là có được gặp nó không, nhưng tôi nghĩ nếu không gặp, thì tôi chỉ lại mang chúng về.  Mãi lo nói chuyện với ni sư, tôi đã quên khuấy mất, nhưng giờ cơ may của tôi đã đến.

   Tôi quay lại nhìn phía sau.  Qua những cành thông, thấp thoáng hai cánh cửa chánh điện đóng kín.  Dưới ánh mặt trời chiều, chánh điện đứng cô đơn trong bóng tối và sự tĩnh lặng, như thể bên trong đang chất chứa bao điều bí mật kinh hoàng.

   "Ryokai", tôi thận trọng gọi.

   "Dạ?"  Nó nhìn tôi nghi ngờ, rồi đảo mắt nhanh lên chánh điện.

   "Đây nầy", tôi lấy bịch băng cassette ra khỏi bao giấy.  "Con không còn cái nào, phải không?"

   Ryokai cầm chổi tre đứng yên, mắt nhìn mẫu mã tân kỳ trên bịch băng lấp lánh dưới ánh mặt trời.  Hình như nó hơi bị choáng trước vẻ sáng chói đó, nhưng rồi nó nhìn tôi và nói: "Con không cần nữa".

   Tôi đã có cảm giác là nó sẽ nói như thế, nên tôi không ngạc nhiên.  Nhưng giờ tôi không thể thoái lui, nên tôi đứng đó với bịch cassette trong tay.

   Rồi nó hỏi tôi: "Thầy không nói gì sao?"

   "Về chuyện gì?"

   "Bữa đó, sau buổi lễ cúng cô hồn, thầy bảo con ngồi lại ở chánh điện.  Thầy cũng thế.  Không ăn uống gì; thầy và con đã ngồi đến sáng".

   "Thầy cũng thế sao?"

   "Dạ.  Thầy và con chỉ ngồi.  Thầy không nói gì, nhưng con cảm thấy hiểu thầy rất nhiều.  Ngồi đó, con như nghe được những lời thầy nói bên trong lòng con".

   "Thật sao?"

   Tôi bỏ bịch băng cassette trở vào túi giấy, Ryokai tiếp tục, "Con nhận ra rằng: Con thực sự không đủ nghiêm chỉnh.  Con đã quên rằng chính con là người quyết định đi xuất gia.  Vậy mà con hành động như thể ai bó buộc con làm chuyện đó".

   Tôi gật đầu.

   "Con không nghe nhạc ở đây.  Nếu con muốn nghe nhạc, con sẽ tụng kinh lớn lên.  Sáng nay, thầy nói con đánh chuông khi tụng kinh đã tiến bộ hơn.  Con không ngờ như thế, và điều đó làm con thật hạnh phúc".

   "Tốt quá.  Thiệt là tốt".  Đúng là ni sư có để ý; chắc là bà đã chờ đợi đúng lúc để khen nó.

   "Đừng lo cho con," nó quay nhìn tôi với đôi mắt thiết tha.  "Nhắn lại với mẹ đừng lo cho con".

   "Được".

   Câu chuyện của Đại sư Tozan hiện ra trong đầu tôi.  Chắc Ryokai đã nghe kể.  Chắc câu chuyện đó nằm trong bụng nó khi nó tọa thiền.  Tôi bỗng nhận ra giờ thì tôi đã sẵn sàng đóng cánh cửa ở trước mặt tôi.  Tôi cảm thấy vui, dầu có phần lạc lõng. Nhìn chiếc đầu cạo của nó, khi nó quay trở về với việc quét lá, giờ tôi có thể thấy rõ ràng nó là Gyokusen Ryokai.

 

 

   Khi tôi trở về nhà, vợ tôi đang đứng ngoài hiên nhìn xa xăm.  Tôi tiến gần đến bên, định nói bao nhiêu điều, nhưng bỗng tôi khựng lại:  dầu tôi đã tiến đến gần, cô ấy không quay mặt về phía tôi.  Tôi không nghe được gì bài hát cô đang hát nho nhỏ.

   "Anh đã yêu cầu Ni  sư dạy dỗ nó cẩn thận", tôi nói cố giữ giọng bình thường.  "Ni sư đã hứa sẽ để nó tiếp tục tu tập, dầu bất cứ chuyện gì xảy ra.  Anh tin là Ni  sư sẽ giữ lời hứa dầu có chết", tôi nói, khi hình ảnh của Ni  sư ngồi suốt đêm với Ryokai hiện ra trong đầu.  Gần bảy mươi, cơ thể bịnh hoạn, đó quả là một việc khó nhọc cho Ni  sư. 

   Im lặng, vợ tôi đặt hai cánh tay lên thành lan can, cong lưng lại, và chống cằm lên tay.  Lúc trẻ, mặt cô trông rất dễ thương khi đội nón kiểu màu đỏ, đôi mắt dịu dàng nhìn xa xăm.  Giờ cô có vẻ vàng úa.  Tôi tự hỏi không biết cái nón đó giờ ở đâu.  Lúc đó lâu lắm rồi, trước khi Ryokai được sinh ra, trước khi tôi tu Thiền.  À, mà tại sao tôi bắt đầu tu Thiền nhỉ?

   Tôi cũng nhìn ra xa xăm, rồi choàng tỉnh, đặt tay lên thành lan can cạnh nàng, tôi nói: "Giờ chúng ta chỉ có thể đặt niềm tin vào Ni  sư".

   "Đâu có ai biểu anh phải làm thế," cô bỗng  nói, mắt vẫn nhìn xa xăm.  "Em không quan tâm về việc tu học của con.  Anh cứ nói mãi điều đó, nhưng đó không phải là vấn đề em quan tâm.  Em đâu có bao giờ nghi ngờ Ni  sư.  Nếu Ni  sư đã nói sẽ dạy dổ để nó trở thành một nhà sư đức hạnh, thì em tin là bà sẽ làm được.  Em không có vấn đề gì.  Em đã ủy thác nó cho Ni  sư, em không còn vấn đề gì.  Còn chuyện chúng ta có thể tin tưởng ở Ni  sư không? --đó là vấn đề của anh".

   Tôi lại thất bại nữa rồi.  Tôi đứng đó như thể tay tôi đã bị dính vào lan can.  Gió buổi chiều mùa hè từ trên đồi thổi xuống, ve vuốt mặt tôi.  Một cảm giác cô đơn choáng ngợp lòng tôi.  Con trai tôi, rồi vợ tôi đã vuột khỏi tầm tay, làm tôi có cảm tưởng một lần nữa mình là một kẻ lang thang, lạc lỏng ở xứ sớ xa lạ.  Hay là từ trước đến giờ, tôi vẫn là người lữ hành cô độc.

   Trong tiếng gió, tôi như nghe thấy lời của Ni  sư: "Chỉ là Không.  Người nhìn, kẻ được nhìn, cái nhìn, tất cả đều là Không".

   "Không hề chi", vợ tôi nói, như thể phần nào an ủi tôi, phần nào tự nhủ mình.  Cô nói thêm: "Lẩn quẫn mãi cũng không ích gì.  Em phải nghĩ đến cuộc đời em.  Em quyết sẽ nhìn về tương lai như anh đã khuyên. Giờ thì ai nói gì, em cũng tin nghe theo".

   Ưỡn người, dựa vào lan can, cô vẫy vẫy tay.  Tôi tự hỏi không biết có phải nàng đang vẫy chào tương lai.  Rồi nhìn xuống đồi, tôi thấy một bóng người ẩn hiện giữa những hàng cây.  Đó là Rie, mặc áo thun xanh, váy xếp trắng, vớ cũng trắng.  Hình ảnh linh hoạt đó chắc chắn là điệu vũ của tương lai.  Có lẽ cô bé vừa đi học về, lưng mang bị đầy sách.  Vợ tôi đứng đây ngoài hàng hiên không phải để hoài niệm về con trai tôi, nàng đang đợi con gái đi học về.  Gần đây nàng đổ hết tâm trí vào việc chăm sóc cho Rie.

   Con gái chúng tôi vừa đi tới vừa ngước lên nhìn chúng tôi.  Cô bé có nhiều nét giống vợ tôi ngày còn trẻ.  Với đôi mắt, lông mày đậm đen, từ đàng xa, khuôn mặt đã hiện rõ những nét nầy. Biết đang được để ý, cô bé ngượng ngập vẫy tay lại, tôi có thể thấy là nó đã lớn.  Lớn gần bằng cậu con trai khi thằng bé bắt đầu đi chùa.

   Đứng bên cạnh vợ, vẫy tay chào Rie, tôi bắt gặp mình đang suy nghĩ không biết có phải là lúc nên cho con gái  chúng tôi bắt đầu chuyện tu học./.

 

HẾT

***

 

  http://www.buddhismtoday.com/viet/phatphap/xuatgia.htm

 


Vào mạng: 01-10-2007

Trở về mục "Đức Phật và Phật pháp"

Đầu trang