Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .
Hành hương Nhật, Ấn, Lào
Thích-Hạnh-Thức 

Tôi vừa có một cuộc hành hương qua 3 nước: Nhật, Ấn-Độ, Lào. Mỗi nước một sắc thái riêng. Nhật-Bản cằn cỗi, sâu sắc; Ấn-Độ tự nhiên, buông thả; Lào thanh bình, chất phát. Xin ghi lại để những ai chưa có duyên qua các nước nầy tham cứu thêm

             

 (Tượng Địa Tạng cụt đầu)                                  (Lễ đặt viên đá xây chùa Việt-Nam)

I. Nhật:

 

“Án Ha Ha Ha Vỹ Sa Ma Lý Ta Bà Ha”. Đó là câu thần chú để chữa bệnh. Và người ta tin là pho tượng Địa Tạng nầy rất linh thiêng, có thể chữa lành mọi bệnh tật....

Khởi nguồn cho chuyến đi phát xuất từ câu nói nầy của Sư phụ.

Phái đoàn hành hương tổng cộng 32 người, (Đức, Pháp, Đan Mạch, Na Uy, Thuy Dien,...), trong đó có 2 vị chống gậy và 1 vị đi xe lăng, do Hòa Thượng Phương Trượng chùa Viên Giác Đức quốc hướng dẫn, ngang qua 3 nước: Nhật (10 ngày), Ấn Độ (10 ngày), và Lào (5 ngày). Khởi hành ngày 6-10-2008, gồm 2 nhóm, một nhóm đi từ Franfurt Đức, một nhóm đi cùng ngày từ Amsterdam Hòa Lan.

 

Ngày 6-10: Phi cơ ghé Đài Loan để chuyển tiếp đi Nhật. Trời đầy mây, những sợi mây nhỏ như bông lướt qua cánh bay có để lại chút ưu tư nào chăng? Tôi thở dài, nhìn xuống dưới. Đây đó có rất nhiều ao hồ rải rác. Phi trường Đài Loan rộng lớn, lộng lẫy với nhiều gian hàng tráng lệ, được trang bị hiện đại, có phòng dịch vụ Internet miễn phí (chỉ ở đây mới miễn phí thôi, còn ngoài ra Thái Lan, Nhật-Bản, Đức, Mỹ... đều phải trả lệ phí), có máy nước sôi (cho dân ghiền cafe hoặc mì gói), có phòng hút thuốc, phòng triển lãm mỹ thuật... Lác đác thấy vài Ni cô qua lại. Ở Đài Loan Ni giới nỗi tiếng là giỏi và đông, vì mấy Thầy còn phải qua chặng nghĩa vụ quân sự nữa.

 

Ngày 7-10: Tới phi trường Narita Tokyo lúc 13g30´ (bị trễ hết ½ tiếng). Có 4 xe Phật tử đón. Hòa Thượng Minh Tuyền, trụ trì chùa Việt-Nam ở đây, đã về trước với phái đoàn Thầy Đồng Văn, vì chờ lâu quá. Xe chạy về chùa mất 2g30´. Trên đường đi, tôi thấy toàn là nhà cửa phố xá, chẳng thấy thôn quê đâu cả (!). Gần tới chùa, cảnh vật rất đẹp. Đường đi ngoằn ngoèo uốn lượn quanh núi. Có một dòng sông nhỏ bên đường. Tôi liên tưởng tới vần thơ Haiku:

Bên dòng Sumida
chú chuột kia uống nước
mưa mùa xuân pha
                     (Issa)

Ngôi chùa vuông vức nằm sâu trong xóm, gần sát núi, kế bên một dòng suối. “Chùa” chỉ là một căn nhà nhỏ có gác. Hòa-Thượng ở trên, còn phía dưới ngăn làm chánh điện, nhà bếp, phòng ăn. Có một khoảnh sân rộng phía trước, mới vừa được dựng lều dã chiến nhưng chắc chắn, dùng để làm lễ, ăn uống, đón tiếp phái đoàn. Năm vừa qua, Hòa-Thượng Minh Tuyền đã đi Mỹ vận động, và đã mua được miếng đất với căn nhà nầy. Năm nay, Hòa-Thượng cũng vừa mới qua Đức 3 tháng về. Ăn chiều xong, phái đoàn được đưa về phòng trọ, nơi sẽ tạm trú 5 ngày. Bốn người được xếp chung vào một phòng “8 chiếu”. (Ở Nhật, nhà cửa được tính bằng đơn vị “chiếu”. Một chiếu rộng 1m, dài 2m, nghĩa là 2m²). Sư phụ nói, khi ngài mới qua Nhật, chỉ có thể thuê được phòng 3 chiếu thôi. Đắc lắm! Sau đây là một vài so sánh:

 

Việt-Nam

Thái Lan

Nhật-Bản

Diện tích :

331.690 km2

513.000 km2

377.834 km2

Dân số     :

83.127.700 người

63.000.000 người

127.400.000 người

 Ngày 8-10: 7g sáng, xe chở qua chùa điểm tâm rồi đi Yokohama thăm chùa Tổng Trì, là tổng bổn sơn của Tào Động Tông, do thiền sư Hành Cơ tạo dựng năm 1321. Vừa đến sân chùa, chúng tôi ngạc nhiên khi thấy một ngôi chùa quá nguy nga đồ sộ, ngói bằng đồng đen bao bọc trông rất vững chắc, chiếm cứ một diện tích rộng lớn, trong khi cả nước Nhật chen chúc nhau từng thước đất! Mới hay Đạo Phật đã có một vị trí rất quan trọng ở đây. Sư phụ nói, ở đây cái gì cũng nhỏ hết, chỉ có chùa là to. Phật-Giáo được truyền đầu tiên từ Triều Tiên vào thế kỷ thứ 5, và sau đó đã bị ảnh hưởng bởi Phật-Giáo Trung Quốc. Sáu tông phái chính ở Nhật đều được du nhập từ Trung Quốc: 1. Luật Tông (Ritsu), một tông phái rất quan trọng; 2. Câu Xá Tông (Kusha): bảo thủ, lấy Luận A Tỳ Đạt Ma (Abhidharma) làm chỗ nương tựa; 3. Thành Thật Tông (Jojitsu): dựa vào giáo lý tánh không (non-substantiality) của Luận Thành Thật (Satyasiddhi); 4. Tam Luận Tông (Sanron): phát xuất từ phái Trung Quán ở Ấn Độ, một trường phái phát triển của Đại sư Long Thọ (Nararjuna); 5. Pháp Tướng Tông (Hosso): bắt nguồn từ trường phái Yoga của Ấn Độ, một tông phái của PG phát triển có mặt từ năm 167 TL tại Ấn; 6. Hoa Nghiêm Tông (Kegon): dựa vào Kinh Hoa Nghiêm (Avatamsaka). Phật-Giáo đã một thời hùng cứ xứ Phù Tang. Dưới thời hoàng đế Thánh Võ (Shomu, 701-756, vị vua thứ bốn mươi lăm của Nhật) PG đã trở thành quốc giáo (1).... Nhưng ngày nay, sau hơn 1.200 năm được truyền đến Nhật, Phật giáo đang trong cơn khủng hoảng.... (2).

Khi đang đứng xem những chưng bày sản phẩm kỷ niệm tại phòng phát hành, bỗng có tiếng chạy rầm rập của nhiều người, chúng tôi ai nấy đều giật mình hoảng sợ, chẳng hiểu ất giáp mô tê gì cả. Động đất chăng? (có thể lắm, vì Nhật-Bản là xứ của động đất mà!) Nhưng không, những vị Thầy tu mặc áo đen đang nối đuôi nhau chạy trên hành lang bằng gỗ trước sự trố mắt nhìn của chúng tôi. Đó là một trong những truyền thống đặc thù của Phật-giáo Nhật-Bản. Thật là chỉ có đi đây đi đó mới biết được nhiều cái lạ. Mỗi nơi mỗi khác!

Buổi chiều đi tham quan Tượng Phật A Di Đà tại Kamakura cao 35m, được xây dựng năm 1225. Tượng đúc bằng đồng, nặng 93 tấn, nằm trong một vị trí trầm mặc, yên tĩnh. Nhiều người sắp hàng mua vé vào xem bên trong tượng. Có những dãy ghế ngồi ngắm cảnh.

 Buổi tối, phái đoàn được đạo hữu Diệu Minh, tức bà Hồng Hạnh, chủ nhà hàng Saigon Flavor tại Tokyo cùng với Phật tử Lệ Châu khoản đãi rất thịnh soạn, đặc biệt có món bánh nếp Nhật rất ngon. Xôi nếp ở Nhật thơm dẻo ít nơi nào sánh bằng và nước uống rất trong sạch (cũng giống như Na Uy/ vì là có nhiều đồi núi khe suối). Bà Hồng Hạnh là một trong những người Việt-Nam thành công ở Nhật. Bà nguyên là chủ chiếc tàu số MC 435, vượt biên năm 1989 qua đảo Paulo Biđông, Mã Lai. Ở đảo, bà mở tiệm may Thanh Quan, và đã giúp đỡ nhiều người Việt sinh sống tại đây. Chị Lệ Châu cũng là người đồng hương với Sư phụ, qua Nhật đầu năm 80, rất nhiệt tình trong việc ủng hộ chùa.

Trên đường về nhà trọ, Sư phụ hết lòng ca ngợi người Nhật: không nói dối, không ăn cắp,  trung thành, đúng giờ, thật thà ngay thẳng. Câu chuyện về con chó Hachikò: Có ông giáo sư nuôi một con chó, đặt tên là Hachikò. Mỗi ngày ông đi làm bằng xe lửa, đúng giờ là nó ra nhà ga đón ông về. Cho đến một hôm, vô thường đến, ông không về nữa. Nhưng con chó trung thành vẫn cứ đúng giờ là ra nhà ga đón người chủ như thường lệ, cho đến khi nó bệnh và chết. Về sau để tưởng nhớ nó, người ta đã tạc pho tượng con chó bằng đồng trước sân ga Shibuya...   

Ngày 9-10, phái đoàn thăm Bổn Lập tự, nơi Sư phụ cư ngụ trước đây. Chùa thuộc phái  Nhật Liên Tông. Vị sư trẻ trụ trì, khoảng 30 ngoài, ra chào hỏi, đón tiếp. Trong khi chúng tôi đi dạo quanh sân chùa thì gặp một cặp vợ chồng già, ông độ 70 ngoài, mặc áo vest, bà trẻ hơn, trông còn khỏe mạnh. Sư Phụ chắp tay chào, ông chắp tay cuối đầu chào lại rất lâu. Đó là Hòa Thượng Phương Trượng và Hòa-Thượng Phương Trượng phu nhơn! Khi chúng tôi chắp tay chào ngài, thì các Phật tử Việt-Nam trố mắt nhìn! Vâng, chuyện nầy lạ quá phải không? Ở Việt-Nam mình làm gì có! Hòa-Thượng là trụ trì chùa nầy hồi Sư phụ còn ở đây, bây giờ đã lên chức Phương Trượng, nhường “ngôi” lại cho con, là vị sư trẻ đón tiếp phái đoàn khi nãy! Trong câu chuyện hàn huyên, ngài kể lại những việc hồi xưa; như là việc Sư phụ học tiếng Nhật rất nhanh, làm ngài phải ngạc nhiên; việc Sư phụ đi cúng để lấy tiền ăn học; việc làm phục dịch, lau dọn trong chùa..v.v... Xong, ngài vào chùa để Sư phụ dẫn phái đoàn đi tham quan một tua. Đầu tiên là thăm phòng thờ Vong. Ngăn nắp trật tự. Đặc biệt có những hộc riêng rất trang trọng, đẹp đẻ thờ những Phật tử đã có công với chùa. Rời phòng Linh, chúng tôi đi thăm nghĩa địa phía sau chùa. Tất cả đều làm bằng đá mài bóng loáng, gọn gàng, sạch sẽ (ở Nhật chỗ nào cũng ngăn nắp sạch sẽ!). Mỗi ngôi mộ chừng 0,5m x 1m, dùng chung cho cả gia đình. Người mất được đem thiêu, cho vô họp, rồi để vô hộc trong khoảnh đất của gia đình đó.... Sau khi tụng một thời kinh Bát Nhã ở chánh điện, chúng tôi qua phòng khách dự lễ tiếp tân với trà, bánh ngọt, trái cây do vợ chồng Hòa-Thượng khoảng đãi... Trong buổi lễ, Sư phụ và các Phật tử cúng dường Ngài. Ngài cũng tặng Sư phụ một hồng bao rất là “nặng ký”. Sau buổi tiếp tân, chúng tôi lấy đồ ăn mang theo để dùng cơm trưa tại đây. Dùng cơm xong, Sư phụ hỏi ý kiến, cảm tưởng mỗi người, TT Đồng Văn, Hạnh Bảo, cô Như Quang, cùng các Phật tử... Mỗi người nói lên cảm tưởng riêng của mình. Đặc biệt, tất cả đều xoáy quanh vấn-đề Hòa-Thượng có vợ! thật là một chuyện “lạ lùng” quá!...

Buổi chiều phái đoàn đến thăm trường đại học Đế Kinh (Teikyo), nơi trước đây Sư phụ đã theo học. Đến nơi, bị kiểm soát rất kỹ, không cho vào vì chưa được thông báo trước. Sau khi điều tra, lấy tin tức (năm học, học môn gì...) và điện thoại hỏi nơi phòng lưu trữ hồ sơ tài liệu, họ mới cho vào. Đi dạo quanh một vòng. Đang là giờ nghỉ trưa. Một nhóm đá banh, nhóm chơi vũ cầu. Nhóm khác ngồi quây quần trò chuyện. Vài người ăn cơm tay cầm... Có những sinh viên nôm rất trẻ, mặt mày còn non choẹt... Đi ngang qua một dãy nhà cao 4, 5 tầng, Sư phụ chỉ chỗ đó người đã từng ngồi học... Vào phòng sinh hoạt, tấp nập người, có nhiều toilett và hàng quán, nhiều tờ báo trình bày những kiểu áo Kimono nhiều màu sắc, dùng cho ngày ra trường của các nữ sinh viên. Tạm biệt sau khi chụp hình, trao đổi quà lưu niệm, chúng tôi mỗi người nhận được một cây bút nguyên tử và một con mèo Hallokitti nhỏ xíu (các trẻ em rất thích).

Ngày 10-10: Thăm tượng Phật A Di Đà cao nhất thế giới hiện nay ở Ushiku thuộc Ibaraki, một tỉnh nằm về phía đông bắc Tokyo. Tượng cao 120m, được xây dựng vào năm 1996 với chi phí tổng cộng là 30 triệu đô la. Từ xa, chúng tôi đã thấy nhô lên một tượng Phật to lớn, ẩn hiện sau những lùm cây. Mọi người lấy máy hình ra chụp. Đến nơi, một cảnh quang hùng tráng hiện ra, với những cánh đồng trồng hoa, công viên ao hồ, rộng mênh mông. Đại tượng Phật Ushiku nầy được ghép từ 6.000 phiến đồng thiếc (seido, thanh đồng) có độ bền cao. Trong lòng bức tượng được trang trí rất hiện đại, có thang máy từ mặt đất lên đến độ cao 85mét. Tượng Phật có 5 tầng bên trong với tên gọi như sau: Tầng 1: Thế giới ánh sáng. Tầng 2: Thế giới đền ơn báo đức. Tầng 3: Thế giới đài hoa sen (vào đây, khách như lạc vào “miền cực lạc”). Tầng 4, 5: Không gian núi Linh Ứng (tại đây, ta có thể quan sát 4 phía qua các khung cửa kính). Hôm nay cũng là ngày giỗ 10 năm Sư ông Long Trí, nên chúng tôi ngồi tụng một thời kinh ở tầng 3 để hồi hướng công đức cho Sư ông. Cũng trong ý nghĩa nầy, Sư phụ đã bao phái đoàn vé vào cửa. Hôm nay có Hòa-Thượng Minh Tuyền đi theo. Ngài đã trổ tài viết chữ Nho trên những tấm thiệp tại phòng phát hành để tặng các Phật tử (ông đồ vẫn còn đấy, qua đường nhiều người hay... (3)). Chúng tôi xuống dưới, ra ngoài bãi cỏ ăn trưa theo kiểu tay cầm, thức ăn từ chùa Việt-Nam mang theo. Trên đường trở lại Tokyo để thăm hoàng cung, bài hát Ông Lái Đò được cất lên, để tỏ lòng tri ân Sư phụ, với câu thơ được nháy lại từ một tác giả nào đó, ý nói cuộc đời là một giòng sông, đi qua nhiều bến đổ và ông lái đò đã  đưa những người (đệ tử) từ bến mê qua bờ giác:

                   “Cuộc đời, bến nước, dòng sông,                                                                                               Đón đưa bao kẻ vẫn ông chèo đò!”

Xe dừng lại bãi đậu. Hoàng Cung nằm phía xa, sau công trường rộng. Cũng thành quách, hào lũy như Trung Quốc nhưng nhỏ hơn. Kế bên kia, là tòa nhà Quốc Hội. Sư phụ nói, phía bên trong tường thành có đầy đủ tất cả: chợ búa, nhà thương, trường học... Có một giai thoại: một hôm, công chúa vì chán cảnh tù túng vương thành, nên đã trốn ra ngoài sinh hoạt với dân chúng: đi shopping, dạo phố, nghe nhạc... bị cảnh vệ biết được, bắt “khiêng” về lại hoàng cung! Mới hay ở đâu cũng có những buồn chán riêng, dù là thứ dân hay vương giả... Vòng vòng bên ngoài chụp hình. Trời âm u. Những cây liễu rủ quanh hồ, những cây tùng được chăm sóc cắt xén kỹ lưỡng, bãi cỏ công viên bóng lộn... Trời bắt đầu mưa. Chỉ vài hạt lát đát, nhưng cũng đủ làm nản lòng du khách. Mọi người lục tục kéo nhau về chỗ đậu xe, sớm hơn dự định, làm bác tài cũng ngạc nhiên! Về đến chùa Việt-Nam sớm hơn 1 tiếng. Nhà bếp lại hối hả chuẩn bị bữa ăn chiều...

11-10: Tối hôm qua, được tin bác Diệu Hải, mẹ cô Phật tử Diệu Hạnh ở München, Đức mất, nên sáng nay trên xe buýt, thay vì tụng Lăng Nghiêm như thường lệ, Sư phụ hướng dẫn thời kinh Cầu Siêu. Thời kinh vừa dứt đúng lúc xe dừng tại cổng chùa. Ăn sáng xong đi dạo quanh chùa một vòng. Chùa nằm gần bên ngọn núi và sát bên một dòng suối nước chảy xiết, hai bờ suối được xây xi măng bê tông kiên cố để tránh mùa nước lũ. Tới 10g về dự lễ cầu an, sái tịnh để ngày mai làm lễ đặt viên đá xây dựng chùa Việt-Nam. Sau khi ngọ trai, phái đoàn chia làm nhiều toán, toán Thầy Đồng Văn đưa đệ tử Diệu Hạnh về lại München để lo tang lễ cho mẹ, toán của Sư phụ đi thăm viếng những người Nhật quen, toán đi thăm Tokyo.

12-10: Lễ đặt đá xây chùa Việt-Nam. Buổi lễ quy tụ rất đông người Việt ở đây, chật cả khuôn viên. Có một vị sư Nhật Bản tham dự. Sư phụ làm thông dịch viên. Trong lễ Trai Tăng sau đó, có những phát biểu rất hay, chân tình, nhiều ý nghĩa. Trong đó có anh Mẫu, là một cựu Huynh Trưởng GĐPT, nói rất súc tích, cảm động: cuộc sống ở Nhật đã khó, Phật sự lại càng khó hơn. Bao nhiêu vị tôn túc đã đến và đã ra đi. Để lại trong lòng Phật tử bao nỗi xót xa, ngỡ ngàng, luyến tiếc... Một phút im lặng sau đó. 13g, đi thăm tượng đài Quan Thế Âm bán thân cao 25m. Tượng bằng đá, sơn màu trắng thanh nhã, dịu dàng, đã để lại trong lòng mọi người cảm giác êm ái, nhẹ nhàng, an lạc. 18g dùng cơm tối tại chùa. Hôm nay là ngày cuối cùng tại đây, Hòa-Thượng Minh Tuyền đã đứng lên ngỏ lời nhiệt tình tri ân Sư phụ và phái đoàn đã đến Nhật Bản để hổ trợ chương trình kiến tạo ngôi già lam nầy. Sư phụ đáp lời, cũng cám ơn Ngài đã giúp đỡ phái đoàn trong những ngày ở xứ Nhật xa lạ. (Kỳ này, ngoài số tiền vé đã ấn định, mỗi chúng tôi còn đóng thêm 1.000€ cho riêng 10 ngày ở Nhật. Bao gồm việc ăn, ở, thuê bao một chiếc xe buýt với tài xế để di chuyển trong suốt chuyến, mỗi ngày từ 7g sáng đến 9 giờ tối. Ở Nhật cái gì cũng đắt đỏ. So ra, số tiền đó còn quá rẻ. Nếu đi riêng lẻ, số tiền sẽ cao hơn nhiều. Bác tài làm việc chăm chỉ, đứng đắn...). Số tiền nầy nếu còn dư, xin được cúng dường vô quỹ xây chùa, Sư phụ nói thế. HT Minh Tuyền báo cáo: tổng số tiền Phật tử cúng dường thu được trong mấy ngày lễ nầy là 100.000$US. Như vậy là chắc chắn ngôi chùa ở đây sẽ thành tựu. Ai nấy đều hoan hỉ.... Chúng tôi về khách sạn sớm hơn mọi khi để chuẩn bị hành lý ngày mai lên đường.

13-10: Rời chùa Việt-Nam tại Kanagawa-ken đi Fuchuu lúc 5g20´sáng. Fuchuu là nơi có tượng Đức Địa Tạng cụt đầu linh thiêng. Trên đường đi có ghé ngang qua Osaka, Kyoto.... Phái đoàn sẽ ở tại Fuchuu vài ngày để lễ bái, và sẽ đi thăm Hiroshima, nơi Mỹ thả quả bôm nguyên tử đầu tiên. Từ Kanagawa-ken đi Hiroshima (điểm xa nhất) là 818km. Đoàn gồm 1 xe buýt lớn và 3 xe nhỏ vì có thêm phái đoàn chùa Việt-Nam, Hòa-Thượng Minh Tuyền và các Phật tử Diệu Minh, Lệ Châu, anh Thanh, anh Bưởi, anh Xuân..v.v... đi theo tháp tùng. Khi đi ngang qua địa phận tỉnh Shizuoka, chúng tôi thấy núi Phú Sĩ lấp lánh đằng xa (còn có tên là Vạn Niên Tuyết Sơn). Ai cũng trầm trồ thích thú, ước ao được đến tận nơi để diện kiến “biểu tượng của Nhật Bản” nầy. Nhưng không được, xe chỉ dừng lại tại một trạm nghỉ gần đó nhất để mọi người chụp hình lưu niệm thôi. Mọi người đổ xô vào một bệ đá trống, nơi có thể nhìn núi Phú Sĩ rõ ràng nhất, để chụp ảnh. Núi Phú Sĩ và hoa Anh đào là hai biểu tượng của Nhật-Bản. Đi mùa nầy đã không thấy hoa nở và cũng không được tới thăm núi Phú sĩ, mặc dù có đi ngang qua! Nhưng mọi người đều hoan hỉ, vì đây là đoàn hành hương mà. Hoa Đào nở vào đầu tháng 4 báo hiệu mùa xuân đến, và giữa tháng 4 có lễ hội hoa anh đào được tổ chức khắp nơi, mọi người tụ tập trong các buổi tiệc ngắm hoa ''Ohanami'. Đến phố cảng Osaka, thành phố lớn thứ ba và là cửa ngỏ của Nhật-Bản, có Chi Hội Phật tử tại đây -đã liên lạc trước- mời phái đoàn dùng cơm trưa. Những người Việt tha phương gặp nhau trên xứ người, lòng tràn đầy thương cảm! Dùng cơm xong, chúng tôi đi dạo vô Supermark coi đồ, còn Hòa-Thượng Minh Tuyền và Sư phụ ở lại nói chuyện với bà con Phật tử. Rời Osaka tiếp tục đi Kyoto. Tới Kyoto có Thầy Giác Dũng -thủ khoa khóa 2 Phật học viện- hiện đang làm luận án tiến sĩ tại Nhật đón. Kyoto là cố đô (từ 794 đến 1868), có rất nhiều chùa chiền. Trước tiên, chúng tôi đi thăm Đông Bổn Nguyện tự, là Tổ đình của phái Ðại Cốc, một trong 2 tông phái lớn của Tịnh độ Chân tông Nhật-Bản, do tổ Pháp Nhiên sáng lập. Ngài Thân Loan (J.Shinran, 1173-1262), đệ tử ngài Pháp Nhiên, chủ trương lập gia đình, đã kết hôn với một cô tên Huệ Tín. Thân Loan là vị Tăng công khai lập gia đình đầu tiên, khởi nguyên cho tục lệ lập gia đình của các Tăng sĩ phái Tịnh Độ Chân tông... (4) (và sau nầy Minh Trị thiên hoàng Meiji, vị vua canh tân Nhật-Bản, ra sắc lệnh vào năm 1872 cho phép các tu sĩ Phật giáo ăn thịt, lập gia đình một cách chính thức!). Chùa đang trùng tu dở dang. Ngôi chùa to lớn nầy đặc biệt có một cuộn tóc thật to. Nguyên lúc xây chùa, vì trụ cột to, cao nặng quá, không biết làm sao dựng lên, người ta mới kêu gọi phái nữ hiến mái tóc dài của mình để quấn thành cuộn dây thừng thật to và chắc mới kéo được những cây cột kia lên. Hiện nay, dây thừng đó vẫn còn được bảo tồn tại đây.  Rời Đông Bổn Nguyện, chúng tôi đi tiếp sang Tri Ân Viện -cũng không xa-, ngang qua tháp thờ ngài Thân Loan. Chùa có cổng tam quan to lớn đồ sộ. Tại cổng tam quan nầy, có tượng thờ 2 người thợ xây cổng. Nguyên 2 vị nầy, vì chi tiêu quá ngân khoản dự trù, bị tướng quân khiển trách, đã mổ bụng tự vận (ở Nhật hay có tục lệ nầy lắm!). Từ cổng vào chùa rất sâu, xe chạy 5´ mới tới. Chùa có đại hồng chung thật lớn, phải 17 người mới đánh chuông được. Chuông đúc năm 1636, nặng 80 tấn. Vào thế chiến thứ hai, người ta định lấy đúc làm súng, nhưng không thể khiêng ra khỏi núi được, vì thế nay vẫn còn. Đi tiếp sang thăm Thanh Thủy Tự. Đây là ngôi chùa do Phật tử dựng nên (còn các chùa khác như Đông Bổn tự, Tri Ân viện... đều do các tướng quân dựng nên). Từ bãi đậu xe đến cổng chùa, ngang qua khu phố hàng quán đông đúc bán vật lưu niệm, tượng Phật. Người qua lại tấp nập... Khung cảnh núi non hùng vĩ, chiếm cứ nguyên một dãy đồi. Khi xuống núi, gần ra đến cổng, có 3 dòng suối chảy qua 3 máng xối trên cao. Một dòng suối cho tình duyên, một cho tiền tài, và một cho danh vọng (tình, tiền, tài). Thiên hạ sắp hàng rất đông để được leo lên cầu gỗ uống thử bụm nước suối trong lành, không quên khấn thầm trong bụng ước nguyện của mình. Trên xe buýt, Sư phụ nói về những đặc điểm của Kyoto và Nara. Là hai cố đô, Nara và Kyoto có rất nhiều chùa chiền, thắng cảnh và trong trận chiến vừa qua, không bị Mỹ dội bôm. Chùa Đông Bổn Nguyện và Tri Ân Viện đều có trường đại học. Tại Kyoto đã có nhiều người được giải Nobel. Hầu như tất cả các tông phái lớn Nhật-Bản đều có tổ đình ở đây. Sư phụ kể tiếp, các du học tăng Việt-Nam tại Nhật tính đến nay, gồm tất cả là 54 vị, ra đời 5, còn lại 49 vị, trong đó có Hòa-Thượng Thiên Ân, Hòa-Thượng Chơn Thành, Hòa-Thượng Minh Tâm (Pháp), Hòa-Thượng Trí Quảng (Việt-Nam)... Thầy Giác Dũng cũng nói lời chia tay với phái đoàn. Để tri ân, và ủng hộ Thầy trong việc học, đoàn đã quyên góp tại chỗ được 25.000 Yen và 222$US. Tối đó chúng tôi ngủ tại 1 khách sạn gần đó để sáng mai tiếp tục lên đường đi đến Fuchuu. Đây là khách sạn đầu tiên và cũng là cuối cùng chúng tôi được ngủ trên nước Nhật trong chuyến đi nầy, còn 9 ngày kia thì chỉ được ở phòng trọ. Ba người vô một phòng. Cũng còn sang quá! Ở Nhật mà! Cái gì cũng mắc. Một quả táo giá 5 đô, một cân Anh thịt bò Kobe giá là 300 USD (1 cân Anh, tức 1 pound = 454g). Khiếp! Buổi sáng xuống khách sạn ăn sáng theo kiểu Buffet, nhưng lại phải đứng sắp hàng, chờ khoảng 15´, 20´ mới được gọi vào. Món ăn của Nhật rất sạch sẽ, sang trọng kĩ lưỡng. Mỗi thức ăn được xắc gọt cẩn thận, vuông vức, khéo léo, không có kiểu “đại tràng” như Việt-Nam hoặc Trung-Quốc. Điều nầy nói lên tính tình kĩ lưỡng, chu đáo của người Nhật, cái gì cũng kín đáo, cô đọng như những vần thơ Haiku vậy.

14-10: Khởi hành sớm đi tiếp Fuchuu, nơi có đức Địa Tạng thị hiện. Trời mưa lâm râm suốt ngày. Lộ trình dự trù dài 3g30´. Ở Nhật, xa lộ chỉ được phép chạy tối đa 80km/giờ. Hòa-Thượng Minh Tuyền đã đặt sẵn cho buổi cơm trưa. Hàng được giao tại một địa điểm trước khi ra xa lộ. Xe vừa ghé vô bãi đậu thì đã thấy xe kia xuất hiện. Thật đúng giờ! Hai Hòa-Thượng và một vài người nữa ngồi gần cửa đội mưa phùn xuống lấy hàng lên. Đồ ăn được đựng trong họp mủ mỏng, vuông vức, sạch sẽ, gồm 9 ô nhỏ, mỗi ô đựng một món. Riêng cơm được viên thành 2 cục tròn, đựng trong 2 ô nhỏ. Giá mỗi họp như thế là 10$US! Đồ ăn Nhật không giống Việt-Nam. Nhạt nhạt và có mùi hơi tanh tanh của cá biển, mặc dầu là thức ăn chay. Họ ít khi dùng muỗng. Bửa ăn thường có một tô canh nhỏ, nhưng không có muỗng. Họ bưng húp. Lúc đầu tôi cũng hơi bở ngỡ, nhưng sau rồi cũng quen. Xe dừng nghỉ lại một trạm xăng trên xa lộ. Vào toillet lúc nào cũng có người lau dọn sạch sẽ. Toillet của Nhật rất đặc biệt, độc đáo ở chỗ có vòi rửa! Đi cầu xong, chỉ cần bấm nút là tự động nước xịt lên đúng chỗ rửa sạch sẽ. Muốn nóng có nóng, lạnh có lạnh. Ai đi qua Nhật, cũng “thích” được vào toillet... Đồ ăn bán trong siêu thị cũng vậy, từng hộp vuông vức bóng lộn đẹp đẽ. Dọc đường xe chui qua rất nhiều hầm núi. Nước Nhật 80% là núi non, có 4 hòn đảo lớn và 4.000 đảo nhỏ, trong đó đảo Honshu -nơi chúng tôi đi thăm đây- là lớn nhất. Dân Nhật đã đông, lại còn tập trung về đảo lớn nhất Honshu nầy (vì là đầu não, thủ đô và các cơ quan hành chánh đều nằm đây), nên đất đai đã thiếu rồi, lại càng thiếu hơn! Đi một khúc lại chui vô hầm (nhưng cũng chưa bằng Thụy Sĩ!). Ở Nhật vì thiếu đất, cư dân ở dọc theo 2 bên lộ, nên đường xá phải có tường cao để ngăn bớt âm thanh. Ngồi trên xe rất ít khi được thấy cảnh vật thiên nhiên bên ngoài, chỉ toàn là tường vách. Tới Fuchuu vào buổi chiều, chúng tôi được chia 6 người một phòng ở một nhà trọ cũng khá đầy đủ tiện nghi. Ở đây cho đến ngày rời Nhật. Một đặc điểm nữa ở Nhật, là phòng tắm công cộng trong khách sạn. Một cái riêng cho đàn ông và một cho đàn bà. Vào đó cởi hết đồ ra, gội đầu và tắm sơ qua, rồi nhảy vào hồ nước nóng có những vòi phun massage rất mạnh, ngâm mình cho đến khi chán rồi lên.

15-10: Buổi sáng, phái đoàn đi bộ ra tháp Địa Tạng tụng kinh, lễ lạy. Nguyên vào năm 1977, ông Đông Thọ Dũng ở Fuchuu nằm mơ thấy Đức Địa Tạng bị chôn dưới đất. Khi đào lên thấy tượng cao 0,6m, không có đầu, bèn để bên bờ ruộng, ban đêm thấy phát quang. Người qua lại lễ lạy, cầu khấn đều được linh ứng. Sau đó người ta dựng bệ tháp để tượng lên thờ. Nhiều người bị bệnh tới lễ lạy cũng được lành. Ngày 18-5 hằng năm, và ngày 18 mỗi tháng (dương lịch) người ta đến lễ lạy rất đông. Đã có khoảng 100.000 người Nhật đến đây và độ 80.000 người lành bệnh. Người nào có bệnh, đến vừa rờ tay lên tượng rồi xoa lên chỗ đau, vừa đọc câu thần chú: “Án Ha Ha Ha Vỹ Sa Ma Lý Ta Bà Ha”, hoặc lấy một cái khăn thoa lên tượng, đồng thời đọc câu chú nầy, rồi đem khăn về nhà để lên chỗ đau thì bệnh sẽ lành (5). Chúng tôi, có người thỉnh 4, 5 cái khăn (mỗi cái giá 2 đô), có người thỉnh vài chục cái, đem về làm quà biếu cho người thân, bà con, bạn bè. Đây là món quà rất có ý nghĩa....

1g trưa, đoàn đi thăm Hiroshima, cách đó khoảng 1,30´giờ xe. Xe đi ngang thành phố Hiroshima tráng lệ trước khi vào bãi đậu. Từ xa, chúng tôi đã nhìn thấy ngôi biệt thự bê tông cao lớn A-bomb Dome (Vòm bom nguyên tử), có nóc tròn và tường, ngói bị hư nát vì sức ép của quả bôm, còn lưu lại để làm chứng tích, nằm trơ trụi bên dòng sông thơ mộng. Chúng tôi đi ngang qua những công viên rộng lớn với nhiều đoàn học sinh mặc đồng phục tươm tất, được hướng dẫn đến đây chiêm bái di tích của cuộc tương tàn. Băng qua cầu đầy xe cộ là đến ngôi biệt thự hư nát kia. Chụp hình lưu niệm xong, chúng tôi đến một công viên nhỏ có tượng đài bồ câu trắng gần đó, thắp nhang tụng kinh cầu siêu cho những oan hồn đã chết trong cuộc chiến. Viện bảo tàng tại đây chưng bày những chứng tích của cuộc tàn sát. Những viên đá, những tượng đồng, cái lon, cái mũ... tất cả đều bị nóng chảy, đen sì, méo mó. Hình ảnh những người dị tật, những xác chết nằm la liệt,... Tất cả đều được lưu giữ để chứng minh cho sự tàn ác, ngu si dại dột của con người. Tôi thấy đất trời đang rung động. Tháng 8 năm 1945, trước sức tấn công vũ bảo của đế quốc Nhật, Mỹ đã phải ném hai quả bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki để buộc Nhật đầu hàng, làm thiệt mạng hơn 250.000 người. Cho đến tận nay vẫn còn nhiều người mang dị chứng từ 2 vụ ném bom nầy. Nhìn thấy những hình ảnh đó, lòng chúng tôi không khỏi ngậm ngùi, ngơ ngẩn trước sự đổ nát, hoang tàn, hung bạo của chiến tranh! 

      16-10: Phái đoàn có 1 ngày tự do lễ bái tại tượng Địa Tạng. Buổi sáng, có phóng viên tờ báo địa phương đến phỏng vấn Sư phụ về sự có mặt của phái đoàn tại đây. Buổi tối, có chương trình giao lưu văn nghệ. Những bài hát, ngâm thơ, vọng cổ, trong đó có 2 bài ca nói về 2 anh thương binh trong 2 thời kỳ chiến tranh vừa qua, “Ngày trở về” và “Kỷ vật cho em” để nhắc nhở về một giai đoạn chia ly tang tóc của đất nước. Đặc biệt màn biểu diễn thời trang Kimônô do 2 “diễn viên” sồn sồn trình diễn, làm mọi người cười bể bụng.

Sáng sớm hôm sau, 2g đã phải thức dậy! Phái đoàn chia làm 2 nhóm ra phi trường: một nhóm về lại Châu-Âu và một nhóm đi Ấn-Độ để tiếp nối cuộc hành trình còn dở dang...

Sau 10 ngày trên nước Nhật, đi suốt một chặng đường dài, nhìn thấy lối sống, cảnh vật, thiên nhiên, tôi có một cái nhìn về nước Nhật: bảo thủ, chuyên cần, kỹ lưỡng, đúng giờ, đất đai thiếu thốn. Đặc biệt nhà cửa không có treo số trước nhà, khách lạ tìm rất khó ... (Vì là phái đoàn hành hương, không ở lâu thăm viếng những nơi phố xá đông người, nên những  nhận xét nầy rất là hạn chế)...

            

(phái đoàn chụp chung)                                               (nhà hàng Saigon Flavor)

II. Ấn Độ: (còn tiếp)

-----------------------------------------------------------------------------------------------------------------

(1). “Phật giáo tại Nhật Bản” Thích Nguyên Tạng

(2). “Phật-Giáo Nhật Bản trăn trở vượt qua khủng hoảng” Trần Trọng Hoàng

(3). Nhái lại bài thơ Ông Đồ của Vũ Đình Liên:  (... ông đồ vẫn ngồi đấy, qua đường không ai hay, lá vàng rơi trên giấy, ngoài trời mưa bụi bay...)

(4). Trang nhà Quảng Đức

(5). Sách “Những Chuyện Linh Ứng về Đức Địa Tạng Vương Bồ Tát”, Thích Như Điển dịch.

    

 

 


Vào mạng: 05-02-2009

Trở về mục "Phật tích và Danh thắng"

Đầu trang