Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .

KÍNH MỪNG ĐẠI LỄ PHẬT THÀNH ĐẠO PHẬT LỊCH 2552

    NGÀN LỜI CA TỪ CÁT SÔNG HẰNG

Cư sĩ Liên Hoa

 


Quảy gánh trăng tàn theo bến mộng
Sông Hằng ngày trước vẫn còn đây
Dòng sông chuyên chở bao mê nhiễm
từng hạt cát thầm, thắp hương cay
 
Dẫm bước nơi nầy, buổi sớm mai
sương rơi thấm lạnh ướt đôi vai
ngỡ rằng ban sáng, mai sẽ mọc
sương lại vô tình ủ bóng mai
 
Người bao năm trước, dư hương cũ
từng pháp hư tâm phủ giấc trần
rằng bao huyễn mộng, vòng sương gió
chạnh xót thương đời, mộng vẫn đi…..
                                             Minh Thanh

 

Buối sáng sớm tại thành phố Varanasi, một phái đoàn đi hành hương gồm tất cả 48 người, đang trực chỉ bến sông Hằng, để đón mặt trời mọc. Qua nhiều người đi trước kể lại, mặt trời mọc trên sông Hằng rất đẹp, nên thơ, tuyệt diệu. Vầng hồng sẽ sáng rực, khởi đầu là vòng tròn đỏ nhô lên ở bên kia chân trời, hướng Đông và từ từ cất mình lên khỏi đuờng ngang mặt đất, vươn mình lơ lửng trên bầu trời. Màn đêm sẽ vụt tan biến và …. Ồ, chỉ nghĩ đến mà lòng cũng thôi thúc muốn được nhìn thấy.

Nhưng tất cả mọi người, ai nấy đều chậm rãi bước, mắt luôn nhìn xuống đất, không dám đi mau hơn. Trên mặt đất mà đoàn người đi qua, biết bao nhiêu uế vật được vung vít bừa bãi, vô tinh sẽ đạp nhầm, không hay. Dọc theo đường xuống bến sông Hằng, những sạp, hàng quán hai bên của ngôi chợ còn ẩn mình trong bóng tối mờ mịt dưới ánh đèn vàng loe lét, nhạt, hiu hằt. Có những người nằm ngủ rải rác, co ro trong cái khăn choàng mỏng, dưới cơn lạnh. Bước xuống từng cấp bậc thang để đến chiếc thuyền đã thuê sẳn, lại có những người ngủ dưới sương khuya, rải rác, nằm trên bục xi măng, cuộn mình trong chiếc áo mõng, không biết còn sống hay đã chết. Bên cạnh, có những con vật như dê, bò, gà v.v..nằm kề, làm khó tưởng cuộc sống nơi nầy như thế nào!

Mọi người chia nhau lên 2 chiếc thuyền, tất cả máy hình đều thủ sẳn. Bên hướng Tây, nhiều nhà, lâu đài, đền thờ, tháp được xây cất dọc theo bờ sông, nhưng bên hướng Đông, trống không, hình như đó là mục đích của chính phủ Ấn độ muốn cho mọi người đến đây được ngắm bình minh trên sông Hằng.

Sông Hằng bắt nguồn từ dãy núi Hymalaya, dài 5575 km, chảy xuyên qua Tây tạng và Ấn độ. Cát và sông Hằng thường hay được nhắc trong nhiều Kinh của Phật giáo, như chứa đựng cả một quá khứ tâm linh, cổ kính, kỳ ảo, so sánh v.v..tiếp nối từ thời điểm xa xưa đến hiện nay.  Được thấy bằng chính mắt của mình là điều rất thú vị.

Thuyền chạy dọc theo bờ sông, ngoài 2 chiếc thuyền của đoàn, còn có những chiếc thuyền của du khách đến từ nhiều nước khác, đều thả trôi xuôi theo dòng sông, để đón bình minh hay tò mò, thú vị với những hoạt cảnh của người dân địa phương. Nhìn quang cảnh chung quanh. Có những chiếc thuyền của người địa phương cập gần sát thuyền của đoàn, mời gọi mua đồ kỷ niệm hoặc nước của sông. Đây là con sông mà người Ấn Độ tin tưởng rất linh thiêng, có thể tẩy rửa được nghiệp chướng xấu xa, làm thân thanh tịnh, tiêu tan tội lỗi, nên thường đến để tắm rửa và cầu kinh. Trên bờ, có những đạo sĩ đang ngồi trầm ngâm, nhìn hướng xa xăm hoặc nhắm mắt. Có một số người đang tắm, ngụp lặn đầu xuống nước, rồi lại ngẩng nhô lên, lầm bầm lời kinh.

Tiếng ồn ào, tiếng mời gọi, âm thanh hổn độn. Xa xa, chỗ thiêu người chết, lửa vẫn còn âm ỉ cháy trên giàn hoả. Xác người nằm đó, co quắp lại. Trên sông, vài xác người chết, đen đúa, được đẩy xuống sông để thủy táng, sau khi đã hoả thiêu chưa rụi thành tro. Xác trôi bồng bềnh, theo dòng sông để ra biển cả. Xác của một đời người hay là sự tan hoại của bốn đại, không một tiếng khóc than, đưa tiễn, vật vã, buồn đau. 

Ồ, thuyền tứ đại trôi theo nước
rửa sạch oan khiên một bến đời
về đâu hởi, về đâu con sóng
đổi hình hài  tóc bạc trăm năm
 
đã bao năm, tìm đời theo vọng
ngỡ bên mình, thanh sắc vẫn xưa
cơn gió qua, thu tàn rời bến
con thuyền buông, bóng ngã xuôi dòng….
                                                             Minh Thanh

            Đời vẫn nô đùa theo từng cơn sóng, mênh mông, trôi chảy như theo dòng xuôi ngược. Bến cập nơi đâu, khi tâm lăn xăn bay nhảy, nhưng vẫn vang lên lời tự tinh năm nào. Đó là cuộc lữ trăm năm, đó là một đoạn đường hoang vắng, hay là dấu chấm xuống hàng, để rồi nối tiếp. Nhìn hoạt cảnh quanh đây, nhìn xác người trôi sông, xác không do chiến tranh hũy hoại, nhưng cái chết là bình đẳng của con người. Lúc đầu, ai nấy đều bở ngỡ, tò mò và suy nghĩ đến kiếp người. Thân phận con người từ dân giả, giàu sang, phú quí, sắc đẹp, danh vọng v.v…đều bị lột trần theo qui luật sinh già bệnh chết. Lòng ai nấy đều rộn ràng lên một thực tế, đây là tử hay sinh? Ít ai có thể nhìn thấy được xác chết trên sông, nói gì đến cuộc ra đi, vĩnh biệt ? Và mỗi người đều tự trả lời, dù là trốn tránh, mắt hướng xa xăm, nơi khác.

Dòng sông vẫn còn là tiếng cười, nói, ồn ào. Sương rơi nhiều hơn, dày đặc, nhìn nhau qua màn sương khói, như ảo ảnh. Ánh bình minh như e thẹn, chưa chịu cất cánh, vươn lên, để mọi người mong, chờ đợi. Ồ kìa, cũng có hình dáng của buổi sáng ban mai, một chấm đỏ nhỏ xíu của ánh mặt trời, nằm gác đầu lên khỏi chân trời, hướng đông. Biết đó là mặt trời, nhưng lại quá nhỏ bé, mờ nhạt sau màn sương lạnh, đã làm cho đoàn người đang chờ đợi cảm thấy chút gì tiếc nuối.

Trở lại xe du lịch, qua lại con đường cũ. Khu phố đã bắt đầu nhộn nhịp vào buổi sáng họp chợ, người là người, lẫn với đàn bò đang thong thả đi. Đó là một tín ngưỡng hay là một tình thương hy hũu, hiếm có, khó lòng giải thích. Nhiều cảnh khổ quá, nhìn thấy cầm lòng không đặng, chỉ biết quán chiếu đó là cuộc đời. Một thân phận người, nhiều người hay sự khổ tiếp nối, chuyền tay, trao hơi ấm. Có nhìn được những cảnh hiện hũu trước mắt, ý nghĩa đi hành hương lại càng mang những dấu ấn, nét đặc biệt, của cõi ta bà, của sự bừng tỉnh.

Trở về lại Khách sạn, dùng điểm tâm, sau đó, đoàn người lên 2 chiếc xe du lịch, tiếp tục lên đường đi đến Vườn Lộc Uyển ( Sanarth), một địa danh được nhắc nhiều trong các bộ Kinh của Phật giáo. Vườn nằm cách Thành phố Ba La Nại ở hướng Bắc, khoảng 10 km. Đây là một trong những thành phố lớn của của Tiểu bang Uttar Pradesh, thuộc Trung Bắc Ấn Đô, được biết đến là nơi có nền văn minh tâm linh rực rỡ.

Đại tháp Chuyển Pháp Luân (Dharmekha stupa ) cao 31,3m, đường kính 28,3m còn đó, được Vua Asoka ( A Dục )- vị Vua Phật tử xây vào khoảng 300 năm trước Tây lịch, đánh dấu nơi đầu tiên mà Đức Phật đã thuyết pháp cho năm anh em của Ngài Kiều Trần Như, sau khi Ngài đắc quả Chánh Giác.

Đoàn đã quỳ lạy, tụng kinh, thiền định trước Đại Tháp, rồi đi kinh hành chung quanh Tháp, từng bước đi thong thả trong chánh niệm. Mỗi người đều cảm thấy an lạc, tuy trong lòng nhiều nổi niềm cảm xúc dâng lên. Chung quanh, rải rác còn nhiều nền móng của Chùa Tháp ngày xưa sót lại, lưu dấu thuở cực thịnh của Phật giáo vào những ngàn năm trước. Nhưng với vô minh, với ác tâm, cuồng tín của đoàn quân Hồi giáo, biết bao nhiêu Tự viện, Tháp v.v..bị phá hũy, các tăng sĩ đều bị thảm sát.

Ở nơi khu nền Tháp Dharmarajika mà các nhà khảo cổ tìm thấy Xá Lợi của Đức Phật. Cạnh đó, còn Trụ Đá của Vua A Dục. Trên mình trụ đá, có ghi lại hàng chữ khuyên Tăng đoàn sống hoà hợp thanh tịnh. Trụ đá nguyên thủy cao 21,33 m, trên đỉnh có tạc tượng sư tử bốn đầu, nhưng phần nầy đã bị gãy và hiện được lưu giữ trong Viên Bảo Tàng Khảo Cổ. Phần dưới còn lại, được bao bọc chung quanh bởi hàng rào sắt.

           Có Tháp Chaukhandi ở gần khuôn viên Vườn Lộc Uyển ghi dấu chỗ Đức Cồ Đàm gặp lại năm anh em Kiều Trần Như- những người bạn đồng tu thưở trước. Đi ra cổng trước, có Tịnh xá Mulgandha Kuti, cao 30,48 m. Bên phải có Tượng Đức Phật và 5 anh em Ngài Kiều Trần Như. Sau lưng có Cây Bồ Đề rợp bóng mát, lá rì rào. Cây Bồ Đề nầy được chiết từ cây Bồ Đề ở Tích Lan, cùng nguồn gốc với cây Bồ Đề tại Bồ Đề Đạo Tràng.

Từng đọc những lời Kinh, từng sống trong suối nguồn tâm linh của Đạo Phật và được biết rằng sẽ gặt hái nhiều thù thắng như khi đi Hành Hương chiêm bái các Thánh tích, với tâm thành, với tinh tấn tu học, như đoạn Kinh sau đề cập đến:

         “- Này Ananda, có bốn Thánh tích kẻ thiện tín cần phải chiêm ngưỡng và tôn kính. Thế nào là bốn?

         - "Ðây là chỗ Như Lai đản sanh". Này Ananda, đó là Thánh tích, kẻ thiện tín cần phải chiêm ngưỡng và tôn kính.

         - "Ðây là chỗ Như Lai chứng ngộ vô thượng Chánh Ðẳng Giác", này Ananda, đó là Thánh tích, kẻ thiện tín cần phải chiêm ngưỡng và tôn kính.

         - "Ðây là chỗ Như Lai chuyển Pháp luân vô thượng", này Ananda, đó là Thánh tích, kẻ thiện tín cần phải chiêm ngưỡng và tôn kính.

         - "Ðây là chỗ Như Lai diệt độ, nhập Vô dư y Niết-bàn", này Ananda, đó là Thánh tích, kẻ thiện tín cần phải chiêm ngưỡng và tôn kính.

         Này Ananda, đó là bốn Thánh tích, kẻ thiện tín cư sĩ cần phải chiêm ngưỡng và tôn kính. Này Ananda, các thiện tín Tỳ-kheo, Tỳ-kheo ni, cư sĩ nam, cư sĩ nữ sẽ đến với niềm suy tư: "Ðây là chỗ Như Lai đản sanh", "Ðây là chỗ Như Lai chứng ngộ vô thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác", "Ðây là chỗ Như Lai chuyển Pháp luân vô thượng", "Ðây là chỗ Như Lai diệt độ, nhập Vô dư y Niết-bàn".

         Này Ananda, những ai, trong khi chiêm bái những Thánh tích mà từ trần với tâm thâm tín hoan hỷ, thời những vị ấy, sau khi thân hoại mạng chung sẽ được sanh cõi thiện thú, cảnh giới chư Thiên. -- (Kinh Ðại Bát-Niết-Bàn, Mahàparinibbàna sutta - Trường Bộ 16)

Nhìn những cảnh cũ, Chùa, Tháp, Tăng phòng, Tịnh xá v.v…dù đã hoang tàn theo năm tháng, nhưng dấu vết xưa vẫn còn đây. Bao hưng vong, thịnh suy, biến hoại như phủ hết toàn cảnh. Trong tâm thức của người con Phật bỗng thấy lòng chùng xuống, như chứng kiến những điêu tàn, đổ nát của tâm linh. Bài học nầy thật đáng giá, cao quý, làm cho mỗi người đều lặng nhìn, suy tư, quán chiếu lại vòng sanh diệt diệt sanh.

Chúng ta đến nơi đây tựa như những cơn gió, vực dậy, như làm sống lại một quá khứ nào đó. Đem hơi thở của chính mình, của tâm tìm cầu, mong ước, bới tìm vĩnh cửu, làm trời đất đầy vọng tưởng. Lầu đài, tường vách, thánh tích bị vực dậy, tạo nên những âm hưởng sống.  Đã bao năm, đắm chìm trong tơ tưởng, nhiều như suối tóc rủ chảy mênh mông. Đã bao đêm trường dệt mộng thiên thu, đem từng niệm đổ vào hơi thở. Gió vẫn vui đùa cùng không sắc, chuông vẫn im lặng vô thinh như lúc nào. Âm thanh còn hay mất, tại vì quên tánh nghe hay tại vì vọng niệm, chạy theo hương sắc, bỏ quên tâm mở rộng lúc vô sinh. Thời gian nào có, không gian nào đâu, sương vẫn còn đọng, lung linh trên cành liễu. Ngôi tháp của Phật Đa Bảo, ngôi tháp của Pháp Thân vẫn còn đây, dù đã sụp đổ, dù đã hoang tàn, vẫn còn huyền mặc trong buổi sương mai, trong tâm hồn lúc tỉnh thức, buông vọng rời mê. Trong trời không sắc, trong tâm diệu huyền, bảo tháp của quá khứ, của vị lai, của vô lượng vô biên a tăng kỳ kiếp, của một sát na, của một niệm buông, Bảo Tháp kỳ diệu của Chân Tâm vẫn cười, nở hoa, làm ấn chứng của cuộc hành trình trở về.

Sương còn vương, đọng trên từng cánh liễu
Ngôi tháp trầm, huyền mặc buổi sương mai
Gió về đây vực dậy khối linh tuyền
Đem hơi thở thời gian vào vĩnh củu
 
Tiếng chuông khuya thinh lặng bốn phương trời
gió cô tịch chở thanh đùa không sắc
trời có thở khi trời còn vọng tưởng
lòng vô sinh nên tâm mở vô cùng
 
ai đã thấy tóc mây trời tơ tưởng
ai đã từng say dệt mộng đêm trường
hãy về đây, ngắm lại trời không sắc
tận hoa lòng nở bảo tháp vô biên…
                                  Minh Thanh

            Một thực tế của lịch sử, chứ không phải là huyền sử, của trên 2500 năm trước, có một con người đã đi ngược dòng sanh tử và tìm ra chân lý giải thoát. Sự chứng đạo của Đức Phật, một vị Độc Giác, là một sự kỳ vĩ, hy hũu trên thế gian nầy, đều do sự nổ lực không ngừng của một tấm lòng vì đại nguyện tìm sinh lộ giải thoát cho muôn loài. Nếu không có tấm lòng lớn, nguyện lớn, một tâm hồn bao la …thì sẽ không bao giờ thực hiện được.

Đó là bước đi của Tinh Tấn ( Viriya ), bước đi không mệt mỏi, không thoái tâm, dù bị biết bao nhiêu sự ngăn trở. Đối với chúng ta, có thể nói rất dễ khi mình chưa có gì hết, nhưng khi đã có danh vọng, tiền tài, sắc đẹp, sung túc, đầy đủ đời sống vật chất, mới cảm nhận đủ hết sự khó khăn tột cùng, cũng như phải quả quyết và dũng mãnh để rời xa, từ bỏ như thế nào…khi đối diện, vượt qua những réo gọi, ghì kéo của dục lạc, vật chất, vượt qua những đòi hỏi của thân và tâm v.v…Sự tinh tấn là cây cầu để bắt qua vực thẳm của tham chấp, vị ngã và đó cũng chính là sự nhẫn nhục vi diệu, tu sửa, chuyển hoá những vọng tưởng, những bất thiện của tâm, làm cho những thiện pháp chưa sanh được sanh khởi, phát triển và để vượt thoát qua màn lưới vô minh ( avijja ) đã chi phối, kéo dẫn con người qua mọi phương hướng, để phục vụ cho nhu cầu dục lạc, khát ái của ngã.

Khi từ một địa vị trên đỉnh cao trong một quốc gia, trong xã hội, đời sống đầy đủ, tuổi trẻ, tài cao, sức khoẻ đang thời sung mãn, vợ đẹp, con ngoan và một tương lai huy hoàng chờ đợi, nhưng Ngài đã từ bỏ, vượt qua trên lộ trình của tinh tấn.  Không phải cố ghép cho sự tinh tấn là duy nhất để khoả lấp cho mọi yếu tố khác, nhưng chính thực tinh tấn là bưóc đường đi đến giải thoát. Không tinh tấn, chúng ta sẽ dậm chân tại chỗ do dã dượi, làm biếng, tâm buông lung và đánh mất cơ hội khám phá, khai phá và sống với Chân Tâm. Tinh tấn không có nghĩa là vùi đầu trong một mục đích, một cứu cánh và bỏ quên tất cả mọi pháp chung quanh, nhưng là chuyên cần, tiến bước, vì qua đó, qua sự tinh cần, vùng trời trí tuệ sẽ phát sinh, lòng từ khai mở và nhận thức rõ đâu là yếu tố đưa đến thực chứng và đâu là con đường đưa mình trôi theo dòng sanh tử, đâu là nguyện lớn và đâu là tha hoá, buông lung, mất dấu đi về. Sự tinh tấn đến từ sự nhẫn nhục, quyết tâm đó… toát ra nét hoan hỷ, từ bi, an lạc, tươi mát trên gương mặt của người đang thực hiện, dấn thân.

Và cuối cùng, Ngài đã đắc đạo quả Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.                    

Bài pháp đầu tiên tại Vườn Lộc Uyển, Ngài đề cập đến Bốn Sự Thật Vi Diêu, đó là Tứ Diệu Đế: Khổ Tập Diệt Đạo. Đề tài nầy, trong nhiều bài viết, chúng tôi cũng có trình bày theo sở học khiêm tốn của mình, nên nơi đây, chỉ nói khái quát.

Bài Pháp đã được tuyên giảng cùng năm anh em Ngài Kiều Trần Như, đều bắt nguồn từ cái thấy, sống và sự chứng đắc của Ngài, bao gồm và dung hoá tất cả mọi học thuyết, nhưng siêu việt vì đến từ vùng trời bao la của một tâm thức Giác Ngộ, nhìn thấy rõ thực tướng của bản thể. Giác ngô về sự thật của các Pháp từ hữu đến vô, đều rỗng không. Giác ngộ về những cấu trúc tương duyên tương sinh của vạn pháp và từ đó, nhìn rõ căn nhà được xây cất bởi vô minh, cái hệ lụy làm điên đảo, vọng tưởng nơi con người, kéo theo những sai lầm, lạc lối.

Đức Phật không bao giờ tuyên xưng mình là một Đấng Tối Cao, một thần linh, một nhân vật có thể cứu rỗi hoặc ban phước giáng họa, toàn năng, toàn trí v.v..Ngài đơn thuần là một vị Thầy dẫn đường và chỉ rõ mỗi người đều có sẳn Tánh Phật Sáng Suốt trong tâm, và cần khai phá để đạt Giác Ngộ như Ngài. Con đường mà Ngài vạch ra là con đường mà Ngài đã đi qua, đã chứng và giải thoát. Phật Tánh chỉ có thể thể nhập và chứng đắc do tâm định và tuệ giác sáng soi, đó không phải là một pháp mầu do một ai ban cho, mà chính do tự mỗi người dấn thân, thực hiện ra pháp mầu đó. Qua sự tinh tấn, người hành giả đi vào sâu để tìm hiểu cặn kẽ cái “bất sanh bất diệt” để thể chứng.  

Con người chính là chủ nhân ông, có quyền tự đo cho tất cả mọi tác động, hành vi thiện hoặc ác, thiên đàng hay địa ngục v.v..đều do mình gây ra và hoàn toàn chịu trách nhiệm những hành nghiệp đó.

Theo Đạo Phật không đòi hỏi một đức tin mù quáng, thần quyền, mê tín, chỉ tin đi rồi sẽ được tất cả v.v..mà chỉ nói rằng: Hãy tìm hiểu (Văn), suy nghĩ (Tư), thực hành (Tu) và sau khi thực hành, nếu những gì có thể đem lại cho mình sự an lạc, lợi ích cho mình, cho người và ảnh hưởng tốt cho môi trường, xã hội, quốc gia v.v…thì hãy tin.

Con người bao gồm danh sắc: tâm và thân, liên hệ tự bản thân cũng như đến con người, xã hội, theo lý duyên khởi. Sự khổ đau của một con người cũng là sự đau khổ, bất lực của xã hội, ảnh hưởng môi trường sống. Có ai không được cấu tạo bằng thân ngũ uần và dĩ nhiên sẽ bị chi phối. Không có một pháp nào trong vũ trụ tự đơn thuần có, không có một cái ngã duy nhất mà tất cả đều do nhân duyên chằng chịt, chi phối lẫn nhau. Tách lẻ ra và tự cho mình là một pháp duy nhất, đơn độc, đó là một ảo tưởng, không logic.

            Cuộc khủng hoảng trên toàn thế giới, buộc con người phải tìm đến tôn giáo. Đó không phải là liều thuốc phiện để ru ngủ con người như một số nhà xã hội của Tây phương đã phê phán đối với những tôn giáo ở địa phương đó.

Kinh nghiệm va chạm với nhiều tôn giáo, triết thuyết v.v..qua suốt dòng lịch sử sinh tồn của loài người, mỗi tôn giáo đã và đang trả lời cho con người về những vấn nạn xảy ra, do chính con người, do tôn giáo làm ra. Từ đó, đức tin bị giao động, phủ nhận những giá trị tinh thần giả tạo, bởi vì sự sai lầm, cuồng tín, tha hoá của tôn giáo đã ảnh hưởng, đe dọa đến sự tồn vong của con người, như đã từng xảy ra trên nhiều địa phương ở thế giới, có khi cục bộ, có khi lan rộng và cuồng tín, bảo vệ những niềm tin ảo vọng, hảo huyền.

Thật là ảo tưởng, mơ mộng khi đòi hỏi, cầu mong có nền hoà bình thực trên toàn thế giới, khi tâm con người đang chứa đầy mưu mô, áp đặt, sân hận, bè phái….Ái ngã, cái ngã tự cao tự đại, vẫn còn ngự trị, đầy đủ, đã làm cho con người đau khổ, và còn khổ đau hơn khi bị chỉ huy, điều khiển dưới tâm vọng đọng.

Tư tưởng an lạc, hoà bình, bao dung, giải thoát của Đạo Phật sẽ trả lời ra sao trước những vấn nạn của con người và do tâm con người tạo ra, để giải quyết tận gốc rễ khổ đau, mù quáng, cuồng tín và đưa nhân loại vượt qua những thử thách thời đại, nếu không muốn tuyệt vong.

Chúng tôi đã đi trên bờ cát sông Hằng, lắng nghe tiếng hát, tiếng gọi. Có phải đó là những tiếng nói tâm linh tiếp nối từ xa xưa nào đó dẫn đến hôm nay.

Đứng lặng nhìn dòng sông dĩ vãng
nghe từ tâm, cất tiếng bao đời
hồn xưa ơi, chút tình còn lại
mà muôn người còn ấm áp bên nhau….
                                                             Minh Thanh

            Đó không những là chút tình còn lại, nhưng là tiếng nói của người xưa, tiếng nói vang vọng đến hôm nay, tiếng nói của tâm con người. Nếu tâm chúng ta vọng đọng, còn đầy dẫy, che lấp bời những mâu thuẫn, vị kỹ, ganh ghét v.v…tiếng nói đó sẽ im lặng, không thể nghe đặng, trôi vào dĩ vãng. Nhưng với chút tâm thanh tịnh, tiếng nói đó sẽ cất lên như tiếng sóng gầm, như tiếng vỗ của bàn tay, như tấm lòng cần có bên nhau, trong an vui, trong giải thoát.

            Trên bờ cát nầy, tôi đã nhìn thấy dấu chân, dù thời gian đã làm phôi pha, dù bao cát bụi xoá nhoà, nhưng dấu chân vẫn in đậm trên bờ cát, trong tâm của mỗi người, của người con Phật. Dấu chân của bậc Đại Tỉnh Thức với những bước chậm rãi, toát ra nét hiền diệu, thanh thoát,

            Qua nơi chốn còn in hình bóng của Đấng Cha Lành nơi Vườn Lộc Uyển. Đâu đây, tiếng gió vẫn còn thổi, hương trầm xưa vẫn còn hoà quyện vào không khí, tiếng nhạc của các cõi trời còn réo rắc cúng dường, tiếng của từng lớp người triền nhiễu, tiếng của pháp âm vẫn còn vang lên, đưa người về sống thực với chính mình.

            Chúng ta nhận thấy Đạo Phật sao quá thực tế, đơn giản. Không thể có giải thoát khi chỉ nói và không chuyên cần tu tập. Không thể nói hạnh phúc ban cho người, khi mình chưa có. Không thể nói hoà bình, khi tâm còn đầy sân hận.

            Từ nơi suối nguồn thanh thoát, an lạc nầy, chúng ta dấn thân vào đời với hành trang là từ là bi là chia xẻ, là bao dung, rỗng không, vô ngã. Chúng ta không thể sống và chia xẻ với mọi người về những gì mình nêu ra, khi mà mình không có. Tất cả đều đến từ sự chuyển tâm, tu học và chuyển hoá.

            Trong Giáo Pháp của Đạo Phật, không có pháp nào cao hay pháp nào thấp “Phật pháp bình đẳng, vô hũu cao hạ”, mà chỉ là phương tiện thiện xảo nhằm đưa con người đến bờ giải thoát. Đó là những lương dược để trị tâm bệnh và mỗi người tùy theo “khế cơ, khế lý” mà áp dụng.

            Qua những năm dài kinh nghiệm tu tập, qua những tiếp xúc với nhiều hành giả Phật Giáo, và với sự nghiên cứu, tìm hiểu v.v.., chúng tôi nhận chân rằng, có nhiều pháp môn rất đơn giản, nhưng bao người thực hành đều được ân triêm, lợi lạc. Thật mầu nhiệm, thật cao cả thay tấm lòng của Đức Phật đã mở nhiều phương tiện để độ sinh, nhất là thời hiện đại.

            Chỉ cần thực sự tu tập, chắc chắn tâm sẽ có chuyển hoá. Nhân đã gieo, dĩ nhiên sẽ trổ quả theo nhân, theo tâm. Tuy nhiên, vì thời bây giờ tâm người luôn xáo trộn, tâm không tinh tấn, chấp thường, chấp ngã, chấp pháp, nên đã, đang và sẽ có biết bao nhiêu sự xáo trộn xẩy ra.

            Có nhiều phương tiện hay pháp môn tu tập mới ra đời, nhiều pháp môn thời thượng, có người áp dụng và vội cho đó là cứu cánh, là pháp môn siêu việt, lại còn được sự cổ võ, ca tụng bởi những tâm thức giới hạn, lấy phưong tiện làm cứu cánh và vô tình lại còn phỉ báng tất cả các tông phái khác, cho là của tà ma ngoại đạo. Có nhiều người không hiểu giáo lý căn bản, dù là Tam Qui Ngũ Giới, nhưng vì những sự cố như nêu trên, cho rằng mình đã đạt được nầy hay nọ, đã đến một cảnh giới nào đó? Trong khi, có nhiều vị dù tu đã lâu, dù đã được tâm thanh tịnh, nhưng bề ngoài hay giao tiếp với ai, thì họ chỉ thể hiện là một con người đơn giản, bình thường, thanh thoát.  Có những pháp môn của Phật giáo bị hũy báng, vì họ cho là đơn giản, không chiều sâu v.v…nhưng không biết rằng đã có biết bao nhiêu người nương tu theo đó mà đắc quả. Khi dùng một pháp môn phương tiện nào mà mình thấy hợp và đi sâu, thể nhập vào chân tánh, người hành giả lại càng khiêm cung, vô ngã và có cái nhìn chánh kiến về tất cả các pháp môn khác và trân quí. Có những pháp môn phương tiện mà chỉ có Phật với Phật mới hiểu rõ, vì nó có giá trị đưa tâm người giải thoát. Sự khiêm cung, vô ngã là tư cách của người con Phật, là hạnh của nguời hành giả tu và áp dụng giáo lý của Đạo Phật.

            Trong thời buổi nhiẽu nhương xáo trộn, lộng giả thành chơn, như Kinh thường nói:” Các vị chứng đạo thì không ai biết họ, vì khi biết được họ, thì họ đã không còn…” và chúng ta nhận thấy, có nhiều con người rất bình dị, đôi khi chữ nghĩa kém, ăn mặc lôi thôi, ngôn từ thô thiển…nhưng qua họ, có sức lực của từ bi, hỷ xã, tuệ giác sáng suốt và càng gần gủi, càng cảm thấy được nhiều an lạc, học được hạnh khiêm nhuờng, khiêm cung, thấy ta mất dấu, thấy pháp vô ngã.

            Qua những dữ kiện nhỏ được trình bày trên về phương diện tu tập, đi đến những vấn đề lớn hơn như sự cung ứng giá trị tâm linh của Đạo Phật cho những vấn nạn của thời nay.

            Thực sự, nói chung, Đạo Phật đang trở mình, bén rể và phát triển rất mạnh ở các nước Tây phương về phẩm cũng như về lượng. Qua sự cọ sát của lịch sử con người với tôn giáo, ai nấy đều thấy giá trị đích thực của Đạo Phật có thể đóng góp, hoà đồng với các tôn giáo, và đưa nhân loại đến bờ hạnh phúc an lạc thật sự.

            Khi làn sóng người tị nạn Việt Nam có mặt tại các nước tự do, họ đã đem theo tôn giáo và văn hoá của mình, cung cấp chất liệu tưoi mát, an lành đến với quốc gia mới. Tuy những năm qua, Phật giáo Việt Nam có nhiều xáo trộn, quậy phá, chia rẻ v.v.. do những tâm hồn vô minh, do thế lực, thần quyền, do những người vì mình mà quên đại cuộc, quên người đồng đạo, quên Thầy Tổ, quên Phật Pháp, quên nhân quả và họ vì danh vọng lợi dưỡng mà quên sứ mạng, tâm nguyện cao cả của đạo Phật, là đóng góp chất liệu giải thoát, bao dung, an lạc cho con người.

            Đừng ai mất niềm tin, mà hãy tin rằng, tất cả rồi sẽ trôi qua như áng mây mờ trên bầu trời sẽ bị gió cuốn đi, như bát phong đến dù có bị ảnh huởng, nhưng chất vàng ròng, tinh túy của tâm lực của những con người vì Thầy Tổ, vì Phật Pháp, vì lý tưởng cao cả giải thoát của mình, sẽ vẫn tiến bước.

            Bởi vì Đạo Phật chú trọng đến sự tu tập, chuyển hoá, đưa những vọng tưởng, ác nghiệp v.v..về cõi Niết bàn. Sự chuyên cần tu tập, là sự tinh tấn, là con đường duy nhất đưa đến bờ giải thoát.

            Đạo Phật với vô số kinh điển dày đặc, triết lý uyên thâm, dung chứa tất cả mọi học thuyết của nhân loại, bởi vì tất cả do tâm. Tâm an, thế giới an. Tâm bình, mọi vọng đọng sẽ là cơn mưa rào, nhẹ nhàng đi qua. Đạo Phật chú trọng đến sự tu tập, không triết thuyết viễn vông, không hý luận, bởi vì sự sanh, sự tử là quan trọng.

            Nếu không tinh tấn tu tập, triết thuyết, đức tin suông, thì tất cả chỉ là ảo tưởng.

Khi nhận thức được nhân tố tạo ra sự khổ đau, con thuyền của cuộc đời, của nhân loại bị chao đảo, thì sự nổ lực tu tập của con người ngày hôm nay càng bức thiết hơn nữa. Có sự thực hành pháp, có sự tinh tấn thì mới mở rộng được tâm hồn, mở được cánh cữa giải thoát cho cá nhân, từ đó mở thoát cho mọi vấn nạn của con người. Nếu không, chúng ta sẽ luôn luôn vuớng mắc trong vô minh, thành kiến, vị kỷ và sẽ không giải quyết được vấn đề của chính mình, huống gì là những vấn nạn khác. Chính vì tâm còn chứa đầy vị kỷ, tham chấp, sân si tham; chúng ta không còn nhìn nhau bằng ánh mắt bao dung, thân thiện, chia xẻ nổi khổ đau của kiếp người. Như Đức Phật, trong tâm của chúng ta có đủ cả mọi đức tánh như: Từ Bi Hỷ Xả, Sáng Suốt, Bao dung, An Lạc v.v…nhưng vì chúng ta cứ ôm lấy, giữ chặt và không khai triển, còn Đức Phật là người đã khai triển tất cả những đức tánh đó, nên đạt Giác Ngộ và chia xẻ đến khắp mọi người, mọi loài..

Đó là đạo đức Hoà bình, An lạc, Giải thoát và Hạnh phúc mà Đạo Phật muốn trao cho con người, và đó cũng chính là một trong bài pháp nhỏ uyên thâm, được trích ra từ Bốn Thánh Đế mà Đức Phật đề cập tới tại Vuờn Lộc Uyển.

Con người có quyền căn bản tự do, đó là tinh thần nhân bản. Đạo Phật không chèn ép, áp đặt tư tưởng, thành kiến, đòi hỏi con người phải tin tưởng và làm theo một cách mù quáng, viễn vông. Đạo Phật trao cho con người xữ dụng quyền tối thượng của mình là tự do để định đoạt đời sống hạnh phúc cho mình và cho nhân loại trên hành tinh nầy, qua sự tinh tấn thực hành pháp chuyển hoá tâm. Hãy cùng nắm tay nhau trên con đường làm người. Chúng tôi nghĩ- đó phải chăng là tinh thần Dân chủ, Văn minh, An lạc và Hạnh phúc mà Đạo Phật đem lại cho con người.

 
Xin đừng ôm hết mặt trời
Hãy để bình minh soi tỏ
Xin đừng chuyển hoá đêm ngày
Làm cho nhân sinh xáo trộn
Xin đừng hớp hồn trăng
Hãy để trăng ngời sáng
Xin đừng gom hết muôn vàn tinh tú
Hãy để sao trời lấp lánh
Chúng ta cần không khí thở
cần tự do chuyển hoá thân tâm
Hãy nắm tay nhau, cùng dìu nhau
Cho trọn kiếp làm người
Có anh có em có chị có muôn loài
Cùng đều an lạc
Hành tinh chúng ta ở
phải chăng là cõi an lạc trên trần
Phật vẫn vào đời,
tay ôm bình bát
bước chân chậm rải,
 y vàng thanh thoát
loài người hạnh phúc,
Đức Phật mỉm cười….
                                     Minh Thanh

Mong lắm thay!

Kỷ niệm Ngày Phật Thành Đạo 2552
( Ngày mùng 8 tháng Chạp năm Đinh Hợi )
 
Viết xong ngày 12.01.2008

 

***

 

  http://www.buddhismtoday.com/viet/phattich/nganloica.htm

 


Vào mạng: 26-04-2008

Trở về thư mục "Phật tích và Danh thắng"

Đầu trang