Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .
Ký sự - Phần I:
Những nẻo đường của đức Phật Thích Ca
Phóng Viên Hương Giang (VTV)

  • “Lên chùa hái một cành sen

    Ăn cơm bằng đèn đi cấy sáng trăng”

    Câu hát này đã theo tôi suốt những năm tháng tuổi thơ, đặc biệt là vào những ngày mồng Một đầu năm theo bà lên chùa cúng Phật trong tiếng tụng kinh đều đều “Nam mô a di đà Phật”. Hình ảnh về đức Phật khi đó thật linh thiêng, huyền bí. Nó vẫn còn huyền bí với tôi ngay cả khi tham gia sản xuất các chương trình truyền hình về vẻ đẹp của chùa triền, văn hoá Phật giáo Việt Nam và các nước trên thế giới. Đạo Phật là một trong những tôn giáo lớn nhất  thế giới  hiện nay, và đức Phật Thích Ca là một bậc thầy đạo cao đức trọng đã xây dựng nền tảng hạnh phúc cho nhân loại với những tinh hoa của triết học Phật giáo.Trong tất cả những chương trình kiến trúc chùa triền và đạo Phật ở Việt Nam mà tôi đã làm, từ khắp các tỉnh miền Bắc, miền Trung , miền Nam, nơi đâu cũng có nhiều công trình kiến trúc nghệ thuật Phật giáo, và đặc biệt là có rất nhiều các tác phẩm nghệ thuật đặc sắc về hình ảnh của đức Phật Thích Ca. Trong các chương trình “Thế giới nghệ thuật” sản xuất tại Campuchia, Thái Lan vv, cũng về đề tài Phật giáo tôi làm và đã được phát sóng, tôi cũng nhận thấy hình ảnh của Đức Phật Thích Ca luôn hiện diện trong các công trình kiến trúc và đền đài ở nơi này. Vậy đức Phật Thích Ca, Người là ai mà linh thiêng và huyền bí đến vậy ? Tôi tham khảo nhiều sách báo và hy vọng sẽ được đến thăm Ấn Độ, quê hương của Ngài. Khi đến Thư viện của Giáo Hội Phật giáo Việt Nam, tôi tìm được cuốn sách “Phật tích Ấn Độ và Nepal” của Tiến sỹ, đại đức Thích Nhật Từ và chú Võ Văn Tường. Cuốn sách này có rất nhiều bức ảnh đẹp, khái quát lên những nét đẹp của kiến trúc, văn hoá Phật giáo tại Ấn Độ, Nepal, nơi khởi nguồn của đạo Phật trên thế giới và những câu chuyện kể về  cuộc đời của đức Phật. Trong cuốn sách này còn có cả số điện thoại của thầy Thích Nhật Từ….Cuốn sách của Thầy Nhật Từ cùng với nhiều tài liệu khác đã giúp tôi có thêm niềm tin và nguồn cảm hứng để  viết nên kịch bản cho chương trình hành hương đi thăm các thánh tích Phật giáo tại Ấn Độ với nội dung phục vụ cho chuyên mục “Thế giới nghệ thuật” phát sóng trên kênh VCTV1, Truyền hình Cáp và DTH của Đài truyền hình Việt Nam. Đại đức Thích Nhật từ cùng Công ty Cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang, Công ty cổ phần công nghệ- thiết kế Việt Nam đã giúp đỡ chúng tôi thực hiện chương trình này. Qua các di tích phật giáo và công trình kiến trúc còn lại ở Ấn Độ và Nepal hiện nay, chúng tôi có dự định kể lại câu chuyện về cuộc đời của đức Phật bằng một bộ phim tài liệu nhiều tập, với tựa đề “Cuộc đời đức Phật”, sau này được đạo diễn Nguyễn Nghiêm Nhan đổi tên thành “Thích Ca Phật ký”. Đại đức Thích Nhật Từ cũng đã đồng ý tham gia làm người dẫn chương trình, nhân vật chính của bộ phim ký sự dài tập này. Sau khi thăm các thánh tích ở Ấn Độ và thực hiện xong toàn bộ phần tiền kỳ, anh Nghiêm Nhan quyết định đổi tên phim thành “Những nẻo đường của đức Phật Thích Ca”. Cái tên này, theo chúng tôi nó chứa đựng những nội dung  sâu sắc nhất về cuộc đời của đức Phật, từ khi Người sinh ra, đến qúa trình tu luyện khổ hạnh, từ một vị thái tử, vượt qua mọi trầm luân khổ ải để trở thành một bậc thầy đạo cao đức trọng. Trong suốt hành trình làm việc tại Ấn Độ, nơi đức Phật Thích Ca đã từng rảo bước trên nhân gian từ hơn 2500 năm trước, chúng tôi nhận ra rằng, Ngài thật gần gũi và cũng thật huyền bí. Gần gũi bởi chính Ngài là nhân vật có thật trong lịch sử, bởi những việc Ngài đã làm thật hữu ích và gần gũi với đời sống của chúng sinh, đặc biệt là với những người dân nghèo. Cũng chính bởi đức tính giản dị và đạo đức cao siêu của Ngài, những câu chuyện sau khi Ngài  nhập cõi niết bàn đã trở nên thật huyền bí và linh thiêng.

     Phật giáo được xem là một trong những tôn giáo có mặt sớm nhất trong thời văn minh Ấn Độ cổ đại, vào thế kỷ thứ 6 trước kỷ nguyên Tây lịch. Một điều đặc biệt là, Phật giáo không mang tính tôn giáo đơn thuần chỉ phục vụ tín ngưỡng lễ hội, mà ngoài tính triết lý siêu thế đạo Phật còn là một phương pháp sống hết sức thiết thực nhằm xóa đi nỗi khổ đau và giúp con người trong mỗi thời đại tìm được hạnh phúc an lạc cho chính bản thân mình ngay tại cõi đời này. Vì vậy, ngày nay đạo Phật ngày càng được nhiều người biết đến; sự quan tâm của các ngành khoa học, giới học giả và những nhà nghiên cứu  xem những lời dạy của đức Phật là một đề tài lớn, cần được tìm hiểu và thảo luận một cách kỹ càng để lấy những tinh hoa Phật giáo xây dựng nền tảng hạnh phúc cho nhân loại. 

    Câu chuyện về Phật giáo bắt đầu ở miền Đông Bắc Ấn và Nepal, vào thế kỷ thứ sáu trước Công nguyên, khi Ấn giáo đang là hệ thống tôn giáo xã hội chiếm ưu thế trong vùng- Nơi vương quốc Kapilavastu ( hiện nay ở Nepal) người lãnh đạo của bộ tộc Shakya, vua Shuddhodana và vợ ngài, hoàng hậu Maya sinh ra được một hoàng tử Siddhartha. Những gì chúng ta biết về cuộc đời của Siddhartha được đan xen nhau từ nhiều truyền thuyết Phật giáo được ghi lại sau khi Người mất khá lâu. Tuy nhiên, một vài yếu tố trong Phật tích vẫn có mặt thường xuyên trong mọi truyền thuyết.

    Ngay từ khi mới chào đời, dường như Siddhartha đã được dành cho một cuộc sống phi thường. Một thời gian ngắn sau khi Người sinh ra, vị hiền nhân nổi danh của Ấn Độ, Ashita, đã xem tướng cậu bé và tiên đoán rằng sau này cậu sẽ trở nên hoặc là một vị quân vương lừng lẫy hoặc là một bậc thầy tâm linh vĩ đại. Quyết định rằng người con mình phải trở thành một quân vương hùng mạnh, vua cha bèn bao bọc hoàng tử trong cung cấm, vây quanh chàng với mọi tiện nghi xa hoa và ngăn ngừa chàng khỏi phải chứng kiến mọi khổ đau trên đời. Siddhartha sống trong cung vàng điện ngọc với cuộc sống bọc trong những lụa là gấm vóc cho đến khi Ngài hai mươi chín tuổi. Ngài có một người vợ đẹp là Yasodhara và sinh được một người con, Rahula.

    Tuy nhiên, dù sống trong cung vàng điện ngọc với vợ đẹp con ngoan nhưng tâm hồn chàng hoàng tử trẻ vẫn luôn bất an, không biết vì đâu. Phụ vương ra lệnh xây cho chàng bốn lạc viên ở kế bên cung điện Hoàng gia. Một ngày nọ, trên đường đến 3 lạc viên đầu, Siddhartha gặp một ông già mặt mày nhăn nheo, méo mó vì tuổi tác, yếu đuối run rẩy, một người khác đau ốm rên la chờ chết, và một đám tang đi qua với những người khóc lóc tiếc thương. Ba cuộc gặp gỡ nọ đánh thức trong Ngài về nỗi khổ đau của kiếp người làm Ngài thấm nhuần quyết định tìm đường giải thoát khỏi đau khổ. Trên đường đến lạc viên thứ tư, Ngài gặp một tu sỹ khất thực đang xin của bố thí. Khuôn mặt này dường như mang vẻ bình an nội tâm mà Siddhartha chưa từng thấy bao giờ. Nghĩ rằng mình cũng nên đi vào con đường đạo hạnh, Siddhartha rời cung điện và bắt đầu cuộc sống mới của một du sỹ dưới cái tên Gautama ( Cồ Đàm).

     

    Trong sáu năm, Gautama học tập và quán triệt giáo huấn của nhiều bậc thầy tâm linh và thực hành khổ hạnh nghiêm ngặt, nhịn đói cho đến khi chỉ còn trơ gầy bộ xương. Tuy nhiên, ngay lúc đó Ngài nhận thức rằng không thể đạt được giác ngộ qua những kiểu hành xử cực đoan, nên Ngài bắt đầu ăn uống trở lại và tái tạo sức khoẻ. Một khi hồi phục sinh lực, Ngài bắt đầu cảm thấy rằng sự giác ngộ của mình sắp sửa xảy ra, chẳng còn xa vời nữa.  Ngài đi đến Bodh Gaya và ngồi kiết già dưới một gốc cây bồ đề. Ngài ngồi dưới tàn cây, mặt quay về phía Đông và trầm tư trong bốn mươi chín ngày. Vào ngày thứ bốn mươi chín, Ngài đạt quả vị “ Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác”. Tình trạng giác ngộ đó, tín đồ Phật giáo gọi là nirvana- Cốt yếu là sự hiểu biết sâu xa bản chất của đời sống và con đường thoát khỏi vòng luân hồi sinh tử bất tận. .

    Giờ đây, là một người giác ngộ, Gautama trở thành Phật hay Đấng Giác Ngộ. Người cũng được suy tôn là Shakyamuni, Bậc hiền nhân của dòng họ Shakya, là Đấng Thế Tôn. Người gọi triết lý của mình là Trung Đạo, bác khước mọi ứng xử cực đoan như sống đời khổ hạnh khắc nghiệt hay ngược lại xa hoa quá đáng, mà đề xướng sự điều độ trong mọi phương diện của đời sống. Lời dạy của Ngài nhấn mạnh vào lòng từ bi đối với chúng sinh như là một phương tiện vun trồng an lạc nội tâm và hướng đến giải thoát. Phật đã chu du khắp Ấn Độ để giảng thuyết triết lý của Ngài- Theo thuật ngữ nhà Phật gọi là “Hoằng pháp”- Cho người thường cũng như vua chúa và lôi cuốn được nhiều môn đồ. Ngài viên tịch ở tuổi tám mươi nốt- Nhà Phật gọi là nhập đại niết bàn (parinirvana)- ở Kushinagara, miền Bắc Ấn Độ.

    Trong hành trình đến thăm quê hương của đức Phật Thích Ca, đoàn làm phim đã ghi lại được nhiều hình ảnh tuyệt đẹp của các công trình kiến trúc cổ kính Sanchi, niềm tự hào của Phật giáo và các tác phẩm điêu khắc đẹp nhất của đạo Phật được  gắn liền với các truyền thuyết Phật giáo trong các tạo tích điêu khắc ở hang động Ellora và Ajanta, thuộc quận Aurangabat,  tỉnh Maharashtra – Nơi được coi là di sản thế giới của UNESCO. Cùng hành hương với đoàn chiêm bái Phật tích của Đạo Phật Ngày nay, chúng tôi có dịp được ghi nhận nhiều nét đẹp của lễ hội văn hoá, tôn giáo và đời sống của người dân Ấn Độ và ghi nhận những tấm lòng hảo tâm cũng như nhiều hoạt động  giàu lòng nhân ái của các tăng ni phật tử Việt Nam tại đất nước này. Chúng tôi sẽ chuyển tải đến quý vị và các bạn những thông tin này qua bộ phim tài liệu nhiều tập “Những nẻo đường của đức Phật Thích Ca” và các bài viết đăng trên các số báo tiếp theo.

    Nguồn: http://www.giacngo.vn/vanhoa/phatgiao/2009/04/09/7A5052/

  •  

     


    Vào mạng: 20-05-2009

    Trở về mục "Phật tích và Danh thắng"

    Đầu trang