Có đôi lúc, tôi có cảm tưởng như Đức
Phật Thích Ca chỉ là nhân vật của huyền thoại, của trí tưởng tượng.
Kiến thức, sự hiểu biết và niềm tin của tôi chỉ có thể được xây dựng
trên nền tảng của thực tế và khoa học. Tôi đã từng có một buổi “tranh
luận nảy lửa” với một vị đại đức và đã “được đánh giá” là “Thiếu
niềm tin, ít kiến thức và hiểu biết”. Tôi cảm thấy hoang mang, và không
còn tự tin vào chính mình. Đọc sách, báo tài liệu trước khi
sang Ấn Độ, xem xét và nghiên cứu thực tế, rồi lại về đọc tài liệu,
sách vở, lúc đó tôi mới cảm thấy tạm yên tâm hơn với những gì mình đã
biết…
----------------------*--------------*-----------------------*---------------------------
NGHIÊN CỨU CUỘC
ĐỜI ĐỨC PHẬT
QUA CÁC YẾU TỐ
LỊCH SỬ VÀ KHẢO CỔ HỌC
---*----*---*---
Chuyến hành hương về quê hương của đức
Phật Thích Ca- Nơi khỏi nguồn của đạo Phật quả là bổ ích và ý nghĩa, bởi
chuyến đi này đã giúp cho chúng tôi có được một dung lượng kiến thức
không nhỏ về cuộc đời của Đức Phật Thích Ca, đặc biệt là những kiến thức
lịch sử và khảo cổ học quý giá mà không phải chỉ đọc sách, mà phải bằng
thực tế mới có thể hiểu sâu sắc được. Trước đó, trên sách báo, phim ảnh,
đối với tôi đức Phật Thích Ca thật huyền bí. Có đôi lúc, tôi có cảm
tưởng như Người chính là nhân vật của huyền thoại, của trí tưởng tượng.
Kiến thức, sự hiểu biết và niềm tin của tôi chỉ có thể được xây dựng
trên nền tảng của thực tế và khoa học. Tôi đã từng có một buổi “tranh
luận nảy lửa” với một vị đại đức và đã “được đánh giá” là “Thiếu
niềm tin, ít kiến thức và hiểu biết”. Tôi cảm thấy hoang mang, và không
còn tự tin vào chính mình. Đọc sách, báo tài liệu trước khi
sang Ấn Độ, xem xét và nghiên cứu thực tế, rồi lại về đọc tài liệu, sách
vở, lúc đó tôi mới cảm thấy tạm yên tâm hơn với những gì mình đã biết…
Nếu một lần đến thăm các Phật Tích ở Ấn
Độ và Nepal, bạn sẽ hết sức ngỡ ngàng. Tất cả mọi người trong đoàn hành
hương chiêm bái Phật tích Đạo Phật Ngày Nay đều rưng rưng xúc động khi
được đến thăm các thánh tích Ấn Độ. Cảnh trí và di tích ở những nơi này
vẫn còn nguyên sơ nhưng hoang tàn khiến cho chúng tôi thấy thấy nghẹn
ngào. Có một vị sư, có lẽ bà là người nhiều tuổi nhất trong Đoàn, khi đi
đến địa danh nào cũng ngồi lặng lẽ ở một chỗ và khóc rất lâu. Bà luôn
luôn mong ước được đến thăm quê hương Đức Phật, mà cho đến tận bây giờ
mới thực hiện được…
Còn tôi, đến lúc này mới cảm nhận rằng,
hoá ra bấy lâu nay, sách báo và phim ảnh mới chỉ cung cấp được một khối
lượng rất ít về cuộc đời đức Phật và nền văn hoá Phật giáo ở nơi này. Và
khi càng tìm hiểu, thì càng thấy bể kiến thức đó thật sâu, thật rộng.
Công việc quay phim đã có Doanh Trung và anh Nghiêm Nhan đảm nhận chính.
Còn tôi, đi đến nơi nào cũng cố gắng chụp được thật nhiều ảnh để có thể
lưu lại được nhiều tư liệu quý giá. Đâu phải lúc nào, chúng tôi cũng dễ
dàng có được chuyến đi này ?
Nguồn gốc Kapilavastu và vương
tộc SHAKYA
Với tôi, việ cdung nạp kiến thức về cuộc
đời Đức Phật có thể bắt đầu từ dòng họ Thích Ca. Đức Phật được sinh ra
vào ngày trăng tròn tháng năm, năm 623 trước dương lịch tại thành
Ca-Tỳ-La- Vệ , nằm bên cạnh biên giới Ấn Độ và Nepal ngày nay.Ngài là
Hoàng tử của dòng họ Thích Ca, sau này đã trở thành vị giáo chủ vĩ đại
nhất trên thế gian. Cồ Đàm (Gautama) là họ và Thích Ca (Shakya) là tên
tộc của đức Phật. Nguồn gốc nguyên thủy của vương tộc Shakya bắt nguồn
từ Kosala, một vương tộc thuộc dòng Aryan cai trị vùng đất ở chân dãy
Terai. Câu chuyện bắt đầu từ vua Okkaka. Vua Okkaka thuộc dòng dõi mặt
trời, tông tộc Ikshanku. Sau khi người vợ đầu tiên chết, nhà vua cưới
một người vợ khác.Theo lệnh của bà mẹ kế, các vương tử: Ulkamukha,
Karandu, Hastinika, Sinisura, và các công chúa: Priya, Supriya, Ananda,
Vijita, Vijitasena được lệnh nhà vua phải rời khỏi vương quốc Kosala vào
sống nơi rừng sâu.Những vương tử và công chúa cành vàng lá ngọc rời khỏi
kinh đô Saketa tiến về phía dãy Himalaya. Trải qua bao vất vả, cực nhọc
họ đến một vùng đất là nơi ẩn tu của vị ẩn sĩ Kapilamuni. Được ẩn sĩ cưu
mang và cho phép, họ đã kiến lập nên một vương quốc và đặt tên là
Kapilavastu (hoặc Kapilanagara) để vinh danh ẩn sĩ Kapilamuni.
Thời gian cứ trôi, những hoàng tử và công
chúa của xứ Kosala đi đày đã đến tuổi lập gia đình. Bởi tập tục kết hôn
với người cùng dòng máu là bình thường thời bấy giờ, tám anh em kết hôn
với nhau và tạo ra tông tộc Shakya (tập tục này ngày nay một số gia đình
họ Shakya vẫn còn giữ, tức là chỉ kết hôn với người mang họ Shakya). Vị
công chúa lớn tuổi nhất là Priya được bổ nhiệm làm mẫu hậu, còn hoàng tử
Ulkamukha được bổ nhiệm là quốc vương đầu tiên của vương quốc non trẻ
Kapilavastu. Một ngày nọ, Okkaka -nhà vua xứ Kosala, nghe kể về cuộc
phiêu lưu của những đứa con của mình. Ông quá kích động và kêu lên rằng:
“Sakya-Vata-bho-Kumara”(nghĩa là: những đứa trẻ phiêu lưu đã có kết thúc
tốt đẹp). Từ câu nói này, về sau, người ta thường dùng tên Sakya
(Shakya) để chỉ vương quốc hoặc dòng tộc này, còn Kapilavastu là kinh đô
của vương quốc đó.
Qua những cứ liệu khảo cổ thu thập được
về địa danh này của giáo sư Oldenberg, Kapilavastu - vương quốc của
những người Shakya, là một tiểu quốc cộng hòa thuộc phạm vi cai quản của
một nhà vua lớn hơn ở Ấn Độ, cụ thể là Kosala. Như ta đã thấy từ quá
trình hình thành của nó, Kapilavastu đã bầu chọn người cai trị một từ
trong các thành viên hoàng gia và sự thần phục Kosala là tất nhiên vì đó
là vương quốc tổ tiên của họ.
Vương tộc Koliya - Bên ngoại thái
tử Siddhartha
Nguồn gốc của vương tộc Koliya bắt đầu
gần như cùng thời điểm và con người với vương tộc Shakya. Chúng ta đã
biết Priya là mẫu hậu đầu tiên của Kapilavastu. Bà đã kết hôn với Rama
- vua của vương quốc Banaras (Ba La Nại), sinh hạ 32 người con và tạo
lập nên thành phố Devadaha ở phía Đông biên giới Kapilavastu. Từ đấy đã
hình thành nên họ tộc Koliya. Vương quốc này được biết đến với nhiều tên
gọi như: Devadaha, Vyaghrapura, Kolinagara, Ramagrama. Mỗi cái tên gắn
liền với một sự tích tạo lập nên vương quốc. Devadaha (Thành phố thần
thánh) là để tôn vinh các vị thần nơi họ tạo lập nên vương quốc mới.
Do có cùng nguồn gốc nên vương tộc Shakya
ở Kapilavastu và vương tộc Koliya ở Devadaha đã có những mối quan hệ hôn
nhân mật thiết. Nhiều đời giữa hai vương tộc đã thành thông gia. Đến
thời Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, phụ vương Ngài đã cưới cả hai chị em công
chúa Mayadevi và Prajapati, còn chính Ngài cũng đã kết hôn với công chúa
Yasodhara xinh đẹp của vương tộc Koliya. Việc cai trị ở Devadaha cũng
theo mô hình của Kapilavastu, nhưng Koliya có đến hai trung tâm quyền
lực - một ở Devadaha, một ở Ramagama. Chúng ta đều biết rằng sau khi Đức
Phập nhập Niết bàn tại Kusinaga, xá lợi của Ngài được chia làm tám phần
cho tám vị quốc vương. Vương quốc Ramagrama cũng được một phần trong số
ấy và đem về lập tháp thờ tại Devadaha.
Năm 1898, Tiến sĩ Hoey căn cứ theo kinh
sách đã tìm lại được kinh thành Devadaha. Nó nằm ở chân núi Terai, phía
Tây Nepal. Năm 1964, Tiến sĩ S.B Deo xác định được vị trí tháp Ramagrama
bên bờ sông Jharai. Nơi đó có một gò đất cao chừng 9m và đường kính chân
gò là 21m, với chân móng bằng gạch nung. Các học giả và nhà khảo cổ đã
đo đạc và so sánh những khoảng cách đã được nêu trong các tài liệu của
các ngài Pháp Hiển và Huyền Trang và công nhận tính chính xác của các
nghiên cứu của Tiến sĩ S.B Deo.
NHỮNG ĐẠI THÍ CHỦ TRONG HÀNG VUA
CHÚA
Đối với tôi, khi tìm hiểu con người lịch
sử Đức Phật Thích Ca luôn luôn được gắn liền với việc tìm hiểu các yếu
tố lịch sử. Và có lẽ các vị vua là những nhân vật lịch sử gắn chặt với
cuộc đời đức Phật sẽ cung cấp cho chúng ta những kiến thức chân thật
nhất về con người lịch sử của đức Phật.
1/ Đức vua Bình Sa Vương (
Bimbasara)
Tần-bà-sa-la, còn gọi là Bình-sa vương
(558 TCN - 491 TCN) (sa. bimbisāra) là Vua xứ Ma-Kiệt-Đà (sa.,
pi. magadha) từ năm 543 TCN tới khi băng hà và là một thành viên
của hoàng tộc Hariyanka. Ông lên ngôi năm 15 tuổi và gặp Phật Thích Ca
Mâu Ni khi 25 tuổi. Tần-bà-sa-la là đệ tử đầu tiên của Phật trong hàng
quân vương, ông đã tặng cho Phật và Tăng đoàn một tu viện gần kinh đô
Vương- Xá (sa. rājagḱha).
Đức vua Bình Sa Vương trị vì Vương Quốc Magadha (Ma Kiệt Đà), đóng đô
tại kinh thành Rajagaha (Vương Xá), là vị thí chủ đầu tiên của Đức Phật
trong hàng vua chúa. Ông vua này lên ngôi lúc mười lăm tuổi, làm vua
được năm mươi hai năm.
Vua Bình Sa Vương đã gặp đức Phật trong
một lần Ngài khất thực trên đường phố của kinh thành Rajagaha và rất cảm
kích trước tướng mạo oai nghi và tư cách trang nghiêm sang trọng của
Ngài. Thực hiện lời hứa, sau khi chứng ngộ Đạo Quả, Đức Phật đã trở lại
viếng thăm Vương Quốc Ma-Kiệt- Đà. Sau khi nghe đức Phật thuyết giảng,
đức vua xin được quy y Tam Bảo và xin dâng tặng lên đức Phật khu vườn
Trúc Lâm của mình.Đây là nơi được dâng cúng đầu tiên đến Đức Phật và chư
tăng. Có thể nói vai trò của vua Tần- Bà- Sa-La rất lớn đối với việc
truyền bá chánh pháp, làm chỗ dựa vững chắc để làm nền tảng phát triển
Phật giáo, khi đạo Phật còn quá non trẻ so với những tôn giáo truyền
thống đương thời của Ấn Độ.
2/ Đức vua Pasenadi Kosala (
Ba-Tư-Nặc)
Một đại thí chủ khác của đức Phật trong
hàng vua chúa là vua Ba-Tư-Nặc Kosala, con vua Maha Kosala, trị vì vương
quốc Kosala, đóng đô tại thành Savathi. Ông cùng trang tuổi với đức Phật
và nhờ tài đức lỗi lạc, ông may mắn được nối ngôi vàng. Ông quy y trong
những năm đầu tiên sau khi đức Phật hoằng dương giáo pháp. Bên cạnh
những đại thí chủ ủng hộ Phật pháp thì vai trò của vua Ba-Tư- Nặc cũng
không kém phần quan trọng trong việc truyền bá Phật giáo. Được sự hướng
dẫn khéo léo của Hoàng hậu Phật tử Mặc-lị (Mallika), người rất tin và
thâm hiểu Phật giáo, vua Ba-Tư-Nặc trở thành một vị minh quân, cai trị
dân chúng theo con đường của Phật giáo, vì vậy đất nước càng trở nên
thịnh trị, thái bình, dân chúng an cư, lạc nghiệp. Nhờ sự bảo hộ của vua
chúa, nên đạo Phật phát triển rất mạnh mẽ, cơ sở Phật giáo được xây cất
lên nhiều, từ vua quan cho đến thứ dân đều thấm nhuần giáo lý Phật đà.
Những lời vàng ngọc của đức Phật dạy cho vua Ba- Tư- Nặc về cách trị
dân được ghi tóm tắt lại như sau:
“Những hành động thiện hay ác của chúng
ta mãi theo chúng ta như bóng theo hình. Điều cần thiết mà chúng ta phải
có là tình thương. Hãy xem thần dân như con ruột của mình, đừng áp bức
họ, đừng tổn hại họ, trái lại hãy bảo vệ họ như gìn giữ tay chân của
mình. Hãy sống với chánh pháp và đi mãi trên con đường lành. Đừng nâng
mình lên bằng cách đạp kẻ khác xuống. Hãy gần gũi và thương yêu những kẻ
nghèo khổ. “
Đây chính là đạo đức căn bản của người có
nhiệm vụ cai trị muôn dân mà suốt đời vua Ba- Tư- Nặc ứng dụng để đem
lại sự phồn vinh và thịnh trị cho đất nước Kosala.
3/ Đức vua Ashoka và sự phát triển của
buổi đầu Phật giáo
Đức Phật không viết ra một dòng
nào trong những lời giảng dạy của Ngài. Qua những thế kỷ tiếp theo, chư
vị la hán, trưởng lão hoà thượng, thượng toạ lãnh đạo các nhóm tín đồ
Phật giáo trên khắp Ấn Độ, mở những cuộc Giáo nghị hội để kết tập và bảo
lưu những lời giảng pháp của Đấng Thế Tôn và điển chế những giới luật
của tổ chức tự viện (sangha). Phật pháp- Những lời dạy của Phật - được
kết tập, giảng nghĩa và hoằng pháp bởi các phái bộ tăng già qua khắp Ấn
Độ, Srilanka và mọi miền Đông-Nam Á. Chỉ đến khoảng thế kỷ thứ nhất của
công nguyên thì cốt tuỷ của đạo Phật mới được ghi chép hẳn vào các văn
bản, gọi là Kinh ( sutras). Một khuôn mặt lớn trong công cuộc hoằng
dương Phật pháp qua khắp tiểu lục địa Ấn Độ, là vua Ashoka (trị vì từ
272 đến 231 trước công nguyên). Ashoka đang ngự trị trên Đế quốc Maurya
vàot hời Đại hội Phật giáo lần thứ ba diễn ra khoảng 250 năm trước công
nguyên. Quyết tâm hoằng dương Phật pháp, Ashoka gửi những phái bộ truyền
giáo đi khắp nơi trên đế quốc của ông, dựng lên những thạch trụ cao lớn
với đầu chạm hình sư tử , khắc những sắc dụ của Hoàng đế xiển dương
Phật giáo và các bảo tháp (stupas) chứa các thánh tích của Phật giáo tại
những địa điểm hành hương lớn. Ashoka có công lớn với đạo Phật khi
ông dựng lên ở những nơi in dấu chân đức Phật những chỉ dụ khắc trên đá,
nêu rõ đó là nơi đức Phật ra đời ( Lumbini), nơi Phật được khai minh
(Boddhgaya), nơi Người giảng bài kinh đầu tiên (Sarnath), nơi Người qua
đời (Kushinagar) và nhiều nơi khác. Những pho lịch sử khắc trên đá này
khi được khai quật lên rải rác vào cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX đã
trở thành những văn bản quý, chứng minh rằng đức Phật là nhân vật có
thật, không phải do người đời tưởng tượng và thần thánh hoá. Ashoka trở
thành kiểu mẫu điển hình cho nhiều nhà lãnh đạo Phật giáo khác ở Trung Á
và Đông Á đã thống nhất các đế quốc của họ dưới ánh sáng Phật pháp. Ông
cũng là nhà bảo trợ vương giả đầu tiên cho nghệ thuật Phật giáo.
4/ Các thông tin và kiến thức khác:
Cùng với các kiến thức lịch sử về các đời
vua chúa trong thời đại Đức Phật, nhiều di tích về quê hương và thân
quyến của Người, di tích tại các nơi đức Phật sinh ra và nhập niết bàn,
đã có thể chứng minh rằng, người là nhân vật lịch sử, không phải là nhân
vật huyền thoại. Đặc biệt hơn cả, là tháng 2 năm 1996, một đội các nhà
khảo cổ quốc tế cho biết họ đã tìm được bằng chứng cuối cùng cho thấy
đức Phật được sinh ra tại Lumbini thuộc miền Tây Nam nước Nepal. Hoang
tàn và đổ nát, ngôi đền Maya Devi ở Lumbini - được xây dựng cách nay gần
2600 năm, cách Kathmandu thủ đô vương quốc Nepal khoảng 240 Km - là cái
nôi của Phật giáo. Hầu hết các Phật tử từ lâu đã tin rằng đây là nơi đức
Phật ra đi. Ngày nay các nhà khảo cổ đã khẳng định điều này và nói rằng
họ đã phát hiện một mảnh chứng cớ còn thiếu, nhưng cực kỳ quan trọng -
một "tảng đá hoàn hảo" được đặt trên nền của ngôi đền Maya Devi và năm
249 trước Công nguyên, đánh dấu vị trí chính xác nơi đức Phật được sinh
ra. Tảng đá này, cỡ 45 cm x 15 cm, được tìm thấy sâu bên dưới, cách bề
mặt đống đổ nát gần 5m.
Trên đây là khám phá của nhà khảo cổ Babu
Khrisna Rijal của Nepal và Satoru Uessaka của Nhật Bản vào ngày
18-2-1995. Tuy nhiên mãi cho đến gần một năm sau đó, họ mới công bố nó -
sau khi các chuyên gia Ấn Ðộ, Pakistan và Sri Lanka đã xác nhận những
vật này.
Một số ngôi đền đã được xây dựng ngay
trên vị trí này. Nhưng hàng nghìn năm sau đó, Lumbini đã suy tàn đến nỗi
vị trí của nó đã bị xóa đi trong hàng trăm năm. Sau nhiều cuộc tìm kiếm
của các Phật tử, vào năm 1895, cây trụ đá Ashoka đã được tìm thấy. Mãi
đến năm 1993, công việc khai quật mới bắt đầu được tiến hành với 200
công nhân. Họ đã khám phá một cấu trúc bao gồm 15 phòng. Tại trung tâm
cấu trúc này, họ đã mở được một căn hầm, bên trong là tảng đá mà người
ta tin là do Ashoka đặt. Các quan chức Nepal khẳng định rằng nó cách cái
ao mà Hoàng hậu đã tắm đúng 25 bước chân.
Hai ngày sau lệnh công bố trên, đức Vua
Birenda của Nepal cùng Hoàng hậu Aishwarya và Thủ tướng Sher Bahadur
Deuba đã đến Lumbini để xem tảng đá và trụ đá lớn Ashoka. Rijal và
Satoru đã giải thích với nhà Vua rằng đây là một tảng đá khối không có ở
vùng này. Nó đã được mang đến đây và đặt vào trung tâm của ngôi đền. Và
họ tiếp tục khẳng định đây chính là tảng đá được nhắc đến trong lịnh
khắc ghi trên trụ đá lớn Ashoka. Việc phát hiện chính xác nơi sinh của
đức Phật có một tầm quan trọng to lớn đối với khoảng 350 triệu Phật tử
trên khắp thế giới. Hàng thế kỷ qua, những người hành hương từ các nơi
trên thế giới đã lùng sục khắp các chân đồi của dãy Hy Mã Lạp Sơn với hy
vọng tìm ra vị trí chính xác nơi sinh của đức Phật. Và như vậy lòng kiên
nhẫn của họ đã được đền bù.
Trong các chương trình tiếp theo, chúng
tôi sẽ cung cấp đến quý vị và các bạn những khám phá của đoàn hành hương
chiêm bái Phật tích Đạo Phật Ngày Nay tại những thánh tích này.
Thiền định
dưới cội bồ đề ở Lumbini
Thăm trụ đá
của vua Ashoka tại Vesali
Đoàn tăng ni,
phật tử Đạo Phật Ngày Nay tặng quà cho những người nghèo Ấn Độ
Nguồn: http://www.phatgiao.vn/newsdetail.asp?menu=detail&id=1663