Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .
VÔ MÔN QUAN  -  無門関
Chữ Vô của Phương Đông
Nguyên tác Vô Môn Quan: Vô Môn Huệ Khai
Dẫn nhập và chú giải: Nishimura Eshin
Bình luận: Giáo sư Akizuki Ryômin
Biên dịch: Nguyễn Nam Trân
Bản Thảo   - 2009 -

Tắc số 8: Hề Trọng chế xe (Hề Trọng tạo xa)[1].

奚仲造車

Bản tắc:

Có bữa, hòa thượng Nguyệt Am hỏi một tăng sĩ:

- Hề Trọng[2] là người chế một trăm cỗ xe[3] nhưng ông lại đem tháo bánh lẫn trục xe ra mất. Thử hỏi, qua điều đó, ông ta muốn chứng minh chân lý nào?

 

Bình Xướng:

Vô Môn nói rằng:

Nếu ai hiểu rõ được chuyện này cái một, thì con mắt của hắn phải sáng như sao sa, cơ trí [4] của hắn phải nhanh như điện chớp.

 

Tụng:

Bèn có bài tụng:

Cơ luân chuyển xứ,
Đạt giả do mê.
Tứ duy
[5] thượng hạ,
Nam bắc đông tê.

機 輪  轉 
達 者  猶   
四 維  上 
南 北  東  西

(Bánh máy chuyển động,
Kẻ đạt còn mê.
Bốn phương tám hướng,
Tưởng trúng, ai dè!)

 

Lược dịch lời bàn của Giáo sư Akizuki Ryômin:

Thiền sư Nguyệt Am Thiện Quả (1079-1152, học trò đàn cháu của ngũ tổ Pháp Diễn), tức là pháp tổ ba đời trước của hòa thượng Vô Môn đã đặt câu hỏi trên cho một tăng sĩ vân du. Ý nói người chế tạo xe đời thượng cổ là Hề Trọng, đã từng làm ra không biết bao nhiêu là cỗ xe thế nhưng lại đem phá bánh, tháo trục xe thành từng bộ phận.Thế thì ông ấy muốn chứng tỏ điều chi vậy.

Công án là như thế. Nó có thể hiểu như thế nào? Theo tôi, có thể nói đó là công án giúp cho người tu hành thể nghiệm được một cách rõ ràng chữ Không (cũng có thể gọi bằng chữ Vô), trung tâm tư tưởng của Phật Giáo Đại Thừa. Nếu mở bánh, rút căm xe ra, thì hỏi còn gì là xe nữa. Không còn gì cả, chỉ còn cái Không. Lão Tử có nói “Nếu đếm được xe thì không có xe”.Cũng như lời Nguyệt Am đã nói, tháo từng bộ phận của xe ra mà đếm đây là bánh xe, đây là trục xe... thì xe không tồn tại nữa. Rốt cuộc, tất cả trở về thời điểm khi không có gì hết.

Cổ nhân có bài đạo ca ý nói: “Đem mấy thanh củi kết lại thì cất được cái am, còn gỡ chúng ra thì chỉ còn cánh đồng không”. Chặt cây trên cánh đồng Musashino (Tôkyô ngày nay, LND) làm trụ, trải tranh làm mái, trét bùn làm tường, tụ họp đủ mọi thứ thì sẽ dựng được một cái am. Cũng cái am đó, nếu không còn ai ở, thì với năm tháng, gió mưa, nó sẽ tan rã rồi không biết lúc nào, chẳng còn thấy gì nữa, ngoài cánh đồng hoang từng có trước đó.

Chư hành vô thường”. Cuộc đời này đâu có gì vĩnh viễn bất biến. Tất cả mọi sự vật đều trôi chảy, không có gì đứng lại một chỗ. Kinh Thánh cũng thấy chép: “Ôi, hư không lại trở thành hư không!” Cách nhìn cái không có tính phủ định này, Phật Giáo Tiểu Thừa gọi là Tích Không Quán. Nó khác với Thể Không Quán trong Đại Thừa.     

Về điều nói trên, trong Bát Nhã Tâm Kinh có viết “Sắc tức thị không” (Cái có hình tướng đều là hư không), nhưng lại viết thêm ngay “Không tức thị sắc” (Cái Không tự thể cũng có hình tướng). Nếu chỉ thấy cái không ở chỗ hoa rơi thì đó chỉ thấy cái “thiên không”, nghĩa là mang một cách nhìn thiên lệch, thiếu sót. Cái “chân không” (cái Không thực sự) là cái Không phải thấy được trong hình tướng của hoa khi nở rộ cũng như khi hoa tàn rụng. Nhà thơ Ogasawara Nagao viết “Này xá lợi tử! Hãy nhìn hoa chưng (bày). Không tức thị sắc”. Chuyện hoa nở cũng là thường trụ mà hoa rơi rụng cũng là thường trụ.

Chấp nhận “Chư hành vô thường” nhưng xin đừng tìm cách tách rời “vô thường” với “thường trụ”. Nói cách khác, ngay chính giữa cái vô thường ấy đã có sự thường trụ, không lưu chuyển, ở mãi một chỗ rồi.Đó là quan điểm “thể không” của Đại Thừa, khác với cái nhìn “tích[6] không” trong triết lý Tiểu Thừa đã nhắc đến.

Bảo rằng công án nào cũng chứa một kiến giải riêng (nhất tắc nhất tắc biệt kiến giải), mỗi công án nhất định có đưa ra một phương pháp, thế nhưng, phương pháp ấy mới chỉ có dưới dạng tư tưởng, cho nên dù có nghiên cứu nó, vẫn chưa có thể gọi là tham cứu. Thiền là tôn giáo của sự thể nghiệm. Phải tự đem mình làm vật thí nghiệm (thể nghiệm để). Thể hiện nó trước mặt thầy như thế nào là vấn đề của người tu thiền.

Xin Phật xá tội để làm một chuyện quấy là tiết lộ đôi chút những gì xãy ra trong mật thất:

Có công án gọi là: “Hãy thử làm tắt ngọn đèn ở xa ngàn dặm bên kia” .

Khi nào còn phân biệt bản thân mình (chủ quan) và ngọn đèn (khách quan) như hai vật khác nhau, sẽ không bao giờ thành công.Thế nhưng nếu đứng ở chỗ chưa sinh ra (bất sinh chi trường, theo Bankei) lúc chủ thể và khách thể chưa phân biệt được (chủ khách vị phân, theo Nishida Sunshin) thì giải quyết được ngay. Ngặt lúc đó ông thầy nói: “Hãy còn là tích không quán đấy nhé!”. Người tu thiền lại nhập thất, ngồi xuống đất, chấp hai tay đặt trên đầu, biến mình thành “nhất đại đăng minh”, bừng bừng bốc cháy. Trời đất nhập một thành ngọn lửa. Không còn cần phải dập tắt hay không dập tắt nữa. Thầy lúc đó sẽ mỉm cười nhẹ nhàng.


 


[1] Truyện thấy chép trong Ngũ Đăng Hội Nguyên, phần nói về Nguyệt Am.

[2] Theo sách “Vạn Tục Tạng” thì “Hề Trọng người nhà Hạ, bề tôi vua Đại Vũ, người đầu tiên biết thắng ngựa vào xe, được cử làm chức xa chính”. Mặc Tử, quyển thứ 9 có nhắc đến việc ông chế xe trong phần Phi Nho hạ 39: “Hề Trọng chế xe. Xảo Thùy đóng thuyền”. Lục Nghệ Luận của Trịnh Huyền cho biết: “ Hề Trọng là một trong bảy người phù tá Hoàng Đế. Biết chế ra xe”.

[3] Nguyên văn “Hề Trọng tạo xa nhất bách bức” mà bức (phúc) có nghĩa là nhíp xe hoặc căm bánh xe. Các dịch giả dịch theo nhiều lối khác nhau, có khi là “trăm cỗ xe” (hàng loạt xe) hay chỉ là “bánh xe có trăm cây căm”. Trong khi chờ đợi một kiến giải có tính thuyết phục hơn cả, xin theo lối dịch của Akizuki Ryômin.

[4] Nguyên văn là cơ tức cơ căn, cơ phong, thiền cơ. Ý nói có phản ứng hiểu đạo nhanh chóng.

[5] Bốn góc (tứ duy): càn (tây bắc), khôn (tây nam), cấn (đông bắc), tốn (đông nam). Cùng với thượng hạ và tứ phương làm thành toàn thể vũ trụ.

[6] Tích= tách ra, phân tích. Thể =bản thể, bản chất.

 


http://www.buddhismtoday.com/viet/thien/vomonquan_11.htm

 


Vào mạng: 10-4-2009

Trở về thư mục "Thiền Phật giáo"

Đầu trang