Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .
VÔ MÔN QUAN  -  無門関
Chữ Vô của Phương Đông
Nguyên tác Vô Môn Quan: Vô Môn Huệ Khai
Dẫn nhập và chú giải: Nishimura Eshin
Bình luận: Giáo sư Akizuki Ryômin
Biên dịch: Nguyễn Nam Trân
Bản Thảo   - 2009 -

Tắc số 10: Sư Thanh Thoát nghèo khó (Thanh Thoát cô bần)[1].

清税孤貧

 

Bản tắc:

Hòa thượng Tào Sơn[2] nhân có một tăng sĩ hỏi:

-Thanh Thoát [3]tôi nghèo khó cô đơn. Dám xin đại sư có gì chẩn tế cho.

Tào Sơn bèn gọi:

-Nầy thầy Thanh Thoát![4]

Thoát bèn thưa:

-Vâng!

Tào Sơn lúc đó mới bảo:

-Rượu ngon Thanh Nguyên[5] của họ Bạch, đã uống cạn ba bát lớn rồi mà thầy vẫn chưa thấy môi mình ướt hay sao![6]

 

Bình Xướng:

Vô Môn nói rằng:

Thanh Thoát thoạt nhìn ra vẻ nghiêm trang nhưng đang vụng về mánh mung thử thách chi đây. Tào Sơn lại là kẻ có con mắt soi thấu gan ruột kẻ đứng trước mặt. Đành vậy, nhưng thử hỏi Thanh Thoát đã uống được thứ mỹ tửu đó ở đâu cơ!

Tụng:

Bèn có bài tụng:

Bần tự Phạm Đan[7],
Khí như Hạng Vũ.
Hoạt kế tuy vô,
Cảm dữ đấu phú
[8].

貧 似  笵  丹 
氣 如  項  羽
活 計  雖  無 
敢 與  闘  富

(Nghèo tựa Phạm Đan,
Hăng như Hạng Võ.
Không cách kiếm ăn,
Cũng dám đọ của)

 

Lược dịch lời bàn của Giáo sư Akizuki Ryômin:

Thanh Thoát đến gặp Tào Sơn, có vẻ hết sức tự hào về cái nghèo khó của mình, nghĩa là muốn khoe rằng lòng mình trống không (chân không vô tướng), mảy may không có gì (vô nhất vật), tự mãn vì mình đã đạt được chữ Không, nghĩa là đã giác ngộ.

Tào Sơn bèn đột ngột gọi “Thoát xà-lê!” và Thanh Thoát bất chợt “Vâng!” theo phản xạ. Xà-lê xưa có nghĩa là tiên sinh, dùng để xưng hô với lòng tôn kính các bậc cao tăng nhưng giữa người tu thiền, nó chỉ có nghĩa thường là thầy, ông, mà thôi.

Kinh Thánh Tân Ước chép rằng: “Phước thay cho người nghèo khó vì họ sẽ được thấy mặt Chúa!”Lại có chuyện một vị giáo sư đại học nọ đến thăm Bạch Sơn đạo tràng của cụ Nan.in (Nam Ẩn), phát biểu dông dài về tôn giáo.Lão tăng lắng nghe không nói gì và chỉ lên tiếng mời ông ta uống chén trà. Dầu tách trà đã tràn đầy mà nhà sư già vẫn không ngừng rót. Trà đã tràn ngập mặt chiếu, cụ không chịu thôi cho. Lúc đó, cầm lòng không đậu, vị giáo sư kia yêu cầu cụ ngừng rót. Cụ mới cười bảo: “Thì nó cũng giống như trường hợp của giáo sư. Bên trong đã đầy rồi thì bên ngoài có đưa gì vào nữa cũng chỉ là vô ích”.   

Nơi một chén trà, cái gì là quan trọng? Có phải hình thức, kiểu cọ, cách nung, hay là vì nó là di phẩm truyền lại từ một đại trà sư cỡ Sen no Rikyuu[9]? Không đâu, cái quan trọng nhất trong chén trà là khoảng trống không của nó. Chén không trống thì trà, vật quan trọng hơn cả, không thể đổ vào. Vì thế kẻ có con tim thanh bần mới là kẻ hạnh phúc hơn cả.

Trong khi thiền, ta ngồi trên tấm bồ đoàn, để cho tâm thân thống nhất và an định, trước tiên phải phủ định ngoại cảm. Chăm chỉ ngồi thiền được lúc lâu thì ngoại giới tuy không mất hẳn nhưng tan biến dần, như thể có đó mà không có đó. Chẳng khác nào khi tập trung xem một đoạn phim, ta quên cả tiếng quạt máy đang quay vù vù trên đầu. Đối với người ngồi thiền, nó tương đương với chữ Vô. Tiếp theo, ta sẽ phủ định nội cảm.Đây là chuyện khó thực hiện bởi vì vọng tưởng muốn xóa vọng tưởng lại là một vọng tưởng cũng như “dùng máu để rửa máu” cho nên vọng tưởng sẽ không bao giờ hết tuyệt. Phải dùng “nước để rửa máu”. Nước ấy chính là Sổ Tức Quán (quán pháp đếm số hơi thở xuất nhập trong lúc ngồi thiền). Nếu tinh tiến được trong phép ấy, nội giới cũng như ngoại giới đều tan rã và người tu thiền đến gần trạng thái “thuần nhất vô tạp”. Lúc đó, trong tâm, một cái lông thỏ cũng không còn, sẽ nhập vào cảnh “chân không vô tướng”. Đó là tâm cảnh thanh bần, trong lòng không có mảy may gì. Hòa thượng Thanh Thoát đã mang theo tâm cảnh đó đến đứng trước Thiền sư Tào Sơn, như thể một thách thức.

Khi Tào Sơn lên tiếng hỏi và Thanh Thoát trả lời “Vâng!” thì Tào Sơn xem như Thanh Thoát không thấy cái “diệu dụng” của “chân không” mà chỉ ràng buộc mình vào với cái “đản không” (chỉ là không mà thôi). Tào Sơn mới trách đã uống được ba bát rượu ngon rồi còn nói không là thế nào?

Truyện trên cũng cùng ý nghĩa với câu chuyện về một tăng sĩ đến gặp Hòa thượng Triệu Châu và hỏi:

-Khi không mang một vật (vô nhất vật) nào đến thì phải làm sao?

Triệu Châu trả lời:

-Phải đặt nó xuống! (Phóng hạ trước!)

Rồi lúc khách hỏi:

-Không mang vật gì đến mà sao lại bắt hạ nó xuống?

Thì hòa thượng mới trả lời:

-À ra thế! Nếu vật ấy quí giá đến cỡ đó thì vác nó đem đi đi!

Như thế, Triệu Châu đã phủ định chữ Không trong “vô nhất vật” của tăng sĩ cũng như Tào Sơn đã phủ định cái Không trong sự “cô bần” của Thanh Thoát.

Người học thiền bắt buộc phải qua giai đoạn thể nghiệm cái “cô bần” của Thanh Thoát. Tọa thiền vì thế không dễ dàng. Thế nhưng “chân không” là “vô tướng” cũng là “diệu dụng” (cái máy động tuyệt diệu), và phải “diệu dụng” mới được. Người thầy dẫn đến chân không (ông thầy thiền) đôi lúc còn phải lột mất đi cái không đơn thuần (đản không) trong tâm cảnh của người học thiền.


 


[1] Thoại này chép trong Cảnh Đức Truyền Đăng Lục quyển 17, chương nói về Tào Sơn.

[2] Thiền sư đời Đường, tên gọi Tào Sơn Bản Tịch (840-901).Nhận pháp tự của Động Sơn Lương Giới, giúp ông gây dựng phái Tào Động. Có viết Phủ Châu Tào Sơn Bản Tịch Thiền Sư Ngữ Lục 2 quyển. Tiểu sử có trong Tào Sơn Lục (xem Vạn Tục Tạng), Tổ Đường Lục quyển 8 và Tống Cao Tăng Truyện quyển 13, Cảnh Đức Truyền Đăng Lục quyển 17.

[3] Không rõ là ai. Có khi viết Thanh Thoát (một cách đọc của chữ Thuế), có khi viết là Thanh Nhuệ.

[4] Thoát xà lê! Xà lê nguyên văn Phạn ngữ là A xà lê (Acarya) dịch là “chính hành” hay “qui phạm”. Tiếng xưng hô đối với các tăng lữ.

[5] Thanh Nguyên là tên đất nơi làm rượu ngon. Họ Bạch là tên người cất rượu, chú thích xưa cho biết Bạch gia còn có thể là Bách hiên gia (nhà trăm hiên).

[6] Đã uống xong mà cứ kêu ầm là mình chưa uống.

[7] Còn gọi là Phạm Nhiễm, tự là Tử Vân, thụy hiệu Trinh Tiết tiên sinh.Truyện có chép trong Hậu Hán Thư Liệt Truyện. Người nghèo kiết xác nhưng biết sống an nhiên tự tại. Có bài hát về ông như sau: “Trong chum bụi đóng. Trong nồi cá lội”.

[8] Thi đua xem ai giàu hơn như Vương Khải đấu của với Thạch Sùng.

[9] Thiên, Lợi Hưu (1522-1591). Trà đạo gia nổi tiếng thời Azuchi Momoyama.Được coi như một nhà văn hóa lớn.

 


http://www.buddhismtoday.com/viet/thien/vomonquan_13.htm

 


Vào mạng: 10-4-2009

Trở về thư mục "Thiền Phật giáo"

Đầu trang