- VÔ MÔN QUAN
-
無門関
- Chữ Vô của Phương Đông
- Nguyên tác Vô Môn Quan: Vô Môn Huệ Khai
Dẫn nhập và chú giải: Nishimura Eshin
Bình luận: Giáo sư Akizuki Ryômin
- Biên dịch: Nguyễn Nam Trân
- Bản Thảo - 2009 -
Tắc số 15:
Ba hèo đòn của Động Sơn (Động Sơn
tam đốn)[1].
洞山三頓
Bản tắc:
Động Sơn Thủ Sơ[2]
đến học đạo hòa thượng Vân Môn[3].
Nhân đấy, hòa thượng hỏi:
-Vừa ở đâu đến đấy?
Động Sơn đáp:
-Thưa từ Tra Độ.
Vân Môn lại hỏi:
-Mùa hạ, an cư[4]
ở vùng nào?
Động Sơn đáp:
-Thưa chùa Báo Từ tỉnh Hồ Nam.
Vân Môn:
-Rời nơi đó hồi nào?
Động Sơn:
-Hôm 25 tháng 8 ạ!
Vân Môn mới nói:
-Thế thì chú đáng ăn ba hèo đòn.
Nhưng thôi, tha cho!
Ngày hôm sau, Động Sơn đến chỗ hòa
thượng vái chào và hỏi:
-Hôm qua mong ơn lão sư tha cho
ba hèo đòn[5].
Nhưng dám hỏi tiểu tăng thất thố chỗ nào?
Vân Môn bảo:
-Cái túi cơm[6]
kia! Cứ kiểu đó mà (uổng công) đi hết Giang Tây đến Hồ Nam[7]
(loanh quanh khắp các đạo tràng trong thiên hạ) như thế sao?
Lúc ấy, Động Sơn bèn đại ngộ.
Bình Xướng:
Vô Môn nói rằng:
Lúc đó Vân Môn đã dọn bó rơm xưa
nay ngon tuyệt[8]
cho anh chàng chẳng ra chi là Động Sơn nhơi[9],
là muốn đưa cả tông môn Động Sơn thoát khỏi cảnh u ám đó chứ. Mặc anh
chàng khổ sở nghĩ tới nghĩ lui đủ chuyện suốt một đêm, đợi đến sáng hôm
sau ông mới thân tình triệt để giải thích, phá mê cho. Dù lúc đó Động
Sơn có khai ngộ nhưng khó nói anh ta là người nhanh nhẩu được[10].
Chắc lúc này các bạn muốn đặt câu hỏi, xem thử Động Sơn có đáng ăn ba
hèo đòn (60 bổng) hay không. Nếu anh ta đáng ăn đòn thì có lẽ tất cả mọi
người tu hành trên đời này (thảo mộc tùng lâm) đều đáng ăn đòn, còn như
không đáng ăn thì lời của hòa thượng Vân Môn quả là xằng bậy. Vậy thì,
nếu muốn làm cho ra lẽ ở đây và cũng là để giúp Động Sơn, ta có nên lấy
hơi thổi phù một cái (cho hòa thượngVân Môn mất biến đi) không?
Tụng:
Bèn có bài tụng:
Sư tử giáo nhi mê tử quyết,
Nghĩ tiền khiêu trịch tảo phiên thân.
Vô đoan tái tự đương đầu trước,
Tiền tiễn do khinh hậu tiễn thâm.
獅 子 教 兒
迷 子 訣
儗 前 跳 躑
早 翻 身
無 端 再 敘
當 頭 著
前 箭 猶 輕
後 箭 深
(Sư tử dạy con cho lọt hố,
Vừa chồm tới trước, đã quay đầu.
Ngờ đâu tên trúng ngay hai phát,
Mũi trước còn nông, sau mới sâu)
Huề đằng bát thảo chiêm phong, Vị miễn đăng sơn thiệp
thủy...
Thơ đề trên Động Sơn Thiệp Thủy Đồ của Mã Viễn
Lược dịch lời bàn của Giáo sư
Akizuki Ryômin:
- “Ngươi từ đâu đến?”
Hòa thượng Vân Môn đã đặt câu hỏi đầu
tiên rất quan trọng cho Động Sơn. Cái “từ đâu” đây là nghi vấn rất lớn
bởi vì có chữ “chân Phật tại xứ” hay “ Phật là chỗ tự giác chân thực của
con người”. Động Sơn lúc ấy chưa hiểu nên có sao cứ trả lời thực thà (trực
hạ vô tâm) hết cái này đến cái khác. Điều ấy (đưa ra được cái “chân Phật”
tức “con người thực”) cũng là điều tốt nhưng đã làm cho cuộc đối thoại
trở thành thế gian thường tình. Và nếu thế thì không có vẻ gì là thiền
cả và chẳng giúp Động Sơn lĩnh hội được điều gì. Thế nhưng, nếu ông
không làm gì quấy cả cớ sao hòa thượng lại đòi đánh cho ba hèo đòn?
Người xưa có khuyên: “Cho dầu đa
mang cũng phải làm như vô sự. Cứ xử sự nhiều lần như thế, trong cái đa
mang sẽ sinh ra vô sự”[11].
Nói là yên ổn vô sự, coi như không có chuyện gì tất nhưng thật ra, khi
nghĩ kỹ, vô sự phải chăng là thái độ của người đứng trước sự việc chồng
chất nhưng không để ý đến chúng. Người dạy thiền lúc đó phải thử một
phen lay động cái tâm cảnh bình thản “yên ổn vô sự” của kẻ tu học, bức
bách, đẩy họ vào đường cùng, rồi từ đó giúp họ vượt qua để tới chỗ vô sự
thực sự (vô sự thị quí nhân).
Sau hôm bị thầy mắng nhẹ, qua một đêm
dài không ngủ, thở than áo não, Đông Sơn lại đến hỏi duyên do tại sao
mình đáng ăn đòn. Ấy là lần đầu tiên, Động Sơn đi vào đúng cánh cửa đạo.
Lúc đó hòa thượng Vân Môn mới to tiếng mắng nhiếc ông ta đã uổng công (đa
mang, LND) vác cái thân vô tích sự đi loanh quanh khắp nơi không mục
đích, không định hướng (cho nên khó lòng tìm ra chân lý, LND). Lạ lùng
thay, nhờ mỗi một câu nói đó mà Động Sơn tỉnh ngộ ra.
Theo tôi, cách thức của hòa thượng Vân Môn còn chứng tỏ một điều khác.
Điều mà công án này muốn nêu lên ở đây – không còn nghi ngờ gì nữa – là
tính cách “hướng thượng” của nó. Bởi vì trong thiền môn, nhất là tông
Lâm Tế, thường có lối hành thiền mạnh bạo kiểu đánh đòn quát tháo, nhưng
qua câu nói “Ta tha cho ngươi ba hèo đòn”, xin bái phục Vân Môn
đã biết đưa thiền cảnh của Động Sơn lên cao đến chỗ lão luyện, chín chắn.
[1]
Thoại này có chép trong Cảnh Đức Truyền Đăng Lục và Ngũ Đăng Hội
Nguyên, chương nói về Động Sơn Thủ Sơ.
[2]
Động Sơn Thủ Sơ (910-990), thiền tăng đời Đường, nhận pháp tự của
Vân Môn Văn Yển, tu ở Tương Châu Động Sơn. Không nên nhầm với Động
Sơn Lương Giới, tổ của tông Tào Động. Lý do là tên các thiền sư
thường bắt đầu bằng tên đất (chùa nơi họ tu) rồi sao mới tới đạo
hiệu (có ít nhất 3 ông Động Sơn). Động Sơn Thủ Sơ nổi tiếng với công
án về Ba Cân Tơ (Ma Tam Cân). Tiểu sử có trong Cảnh Đức Truyền Đăng
Lục quyển 23 và Ngũ Đăng Hội Nguyên quyển 5.
[3]
Vân Môn Văn Yển (864-949), thiền tăng đời Đường, nhận pháp tự của
Tuyết Phong Nghĩa Tồn (822-908). Tổ của tông Vân Môn. Xem tiểu sử ở
Tổ Đường Tập quyển 11, Cảnh Đức Truyền Đăng Lục quyển 19 và Ngũ Đăng
Hội Nguyên quyển 7. Trứ tác có Vân Môn Khuông Chân Thiền Sư Quảng
Lục 3 quyển.
[4]
Hạ an cư tức là qui chuẩn nhà Phật đòi hỏi người đi tu dừng chân ba
tháng (cấm túc an cư) ở một chùa thiền (tùng lâm) giữa mùa hạ từ
giữa tháng tư đến giữa tháng bảy để nhiếp tâm (tập trung tinh thần
tu hành). Ngoài hạ an cư, ở Nhật còn có thêm tuyết an cư vào mùa
đông.
[5]
Chính ra “tam đốn bổng” có nghĩa là 60 hèo chứ không phải chỉ có 3.
Đây là cách nói tượng trưng.
[6]
Phạn đại tử. Phường giá áo túi cơm. Tiếng mạ lỵ người vô tích sự.
[7]
Gộp chung là “giang hồ”, phía tây sông Dương Tử và phía nam hồ Động
Đình, tức các đạo tràng trong thiên hạ. Giang Tây có ngài Mã Tổ, Hồ
Nam có ngài Thạch Đầu, vào đời Đường là những nơi thiền học thịnh
vượng.
[8]
Nguyên văn “thảo liệu” có nghĩa là rơm rạ dùng làm đồ ăn cho ngựa (mã
thảo). Ở đây ám chỉ ba hèo đòn (đại phủ định), món ăn thông dụng xưa
nay của người học thiền. Nó tương xứng với ba câu trả lời của Động
Sơn, vị chi mỗi câu một đòn.
[9]
Tức là muốn chỉ cho anh ta một con đường học thiền linh động (sinh
cơ nhất lộ).
[10]
Người đời trong các ngữ lục thường ca tụng cái đại ngộ của Động Sơn
( qua câu nói kết thúc trong bản tắc:
Lúc ấy, Động Sơn bèn đại ngộ) nhưng Vô Môn
thấy ông ta chậm lụt, không hiểu ngay ý thầy.
[11]
Mang trung nhàn (LND).
http://www.buddhismtoday.com/viet/thien/vomonquan_18.htm