- VÔ MÔN QUAN
-
無門関
- Chữ Vô của Phương Đông
- Nguyên tác Vô Môn Quan: Vô Môn Huệ Khai
Dẫn nhập và chú giải: Nishimura Eshin
Bình luận: Giáo sư Akizuki Ryômin
- Biên dịch: Nguyễn Nam Trân
- Bản Thảo - 2009 -
Tắc số 19:
Tâm bình thường là đạo (Bình thường
thị đạo)[1].
平常是道
Bản tắc:
Thiền sư Nam Tuyền[2],
nhân học trò là Triệu Châu[3]
hỏi:
-Đạo là gì vậy?
Mới trả lời:
-Đạo là cái tâm bình thường[4].
Triệu Châu hỏi tiếp:
-Như thế phải nỗ lực để tiến
gần đến nó hay sao[5]?
Nam Tuyền đáp:
-Không đâu. Tiến dần đến đó thì ngược
lại, mỗi ngày nó một xa.
Triệu Châu:
-Nhưng nếu không làm gì cả thì sao có
thể biết đạo là gì?
Lúc ấy, Nam Tuyền mới giảng:
-Đạo là cái vượt lên trên trình
độ của sự hiểu biết lẫn không hiểu biết. Bảo mình biết được đạo rồi thì
đó chỉ là ảo tưởng, còn như nói không biết thì tất cả không lẽ hoàn toàn
một trang giấy trắng[6]!.
Tuy nhiên, nếu thực sự sống được một cuộc đời bình thường, không thắc
mắc[7]
là có thể khoáng đãng như cõi thái hư rồi. Một khi được như thế rồi, còn
bận lòng đi tìm hiểu cái này cái nọ[8]
cho mất công!.
Nam Tuyền chưa dứt câu, Triệu Châu đà
tỉnh ngộ.
Bình Xướng:
Vô Môn nói rằng:
Hòa thượng Nam Tuyền bị Triệu Châu hỏi
sấn tới, lập cập sụm xuống như ngói vỡ băng tan, không biết lấy chi mà
trả lời. Còn về phần Triệu Châu, nghe nói lúc ấy đã giác ngộ nhưng, (cứ
theo ý Vô Môn tôi thì) để điều đó thấm được vào người, (ông ta còn phải)
phải công phu tham thiền thêm ba mươi năm nữa.
Tụng:
Bèn có bài tụng:
Xuân hữu bách hoa thu hữu nguyệt,
Hạ hữu lương phong đông hữu tuyết.
Nhược vô nhàn sự quải tâm đầu,
Tiện thị nhân gian hảo thời tiết.
春 有 百 花 秋 有
月
夏 有 涼 風 冬 有
雪
若 無 閑 事 掛 心
頭
便 是 人 間 好 時
節
(Xuân có trăm hoa, thu, ánh nguyệt,
Hạ thời gió mát, tuyết vào đông.
Người mà thư thái, tâm vô sự,
Thời tiết quanh năm đẹp giữa lòng)
Lược dịch lời bàn của Giáo sư
Akizuki Ryômin:
Lúc ấy thiền sư Triệu Châu Tùng Thẩm
tính ra mới có 18 tuổi mà đã có nhân duyên đại ngộ với hòa thượng Nam
Tuyền. Trong Phật Giáo, đạo có nghĩa là giác ngộ nhưng Trung Quốc thì
thường hiểu đạo là con đường. Đối với Tây Phương có lẽ Đạo là lý (ngôn
ngữ, pháp lý) chăng?
Trước câu hỏi của Triệu Châu, Nam Tuyền
đã trả lời, nhưng không bằng lời của chính mình. Ông mượn lời của thiền
sư Mã Tổ, thầy mình. Triệu Châu cứ tưởng đạo là một ý tưởng (idea) hay
lý tưởng (ideal) cho nên định đặt nó như một mục tiêu để tìm tới. Thế
nhưng Nam Tuyền đã khẳng định rằng nó không phải là một dị vật đứng bên
ngoài ta, nếu muốn thực hiện nó thì sẽ rơi vào chủ nghĩa lý tưởng
(idealism). Nói vậy thì nói, cũng đừng xoi mói nhìn vào bên trong để tìm
vì sẽ trở thành kẻ đi theo chủ nghĩa thần bí (mysterism).Phật giáo không
dính dáng gì đến siêu việt luận (transcendentalism) hay nội tại luận
(immanentism), hữu thần luận (theism) cũng như phàm thần luận
(pantheism). Nếu muốn đặt một cái tên thì may ra có thể dùng chữ vạn hữu
tại thần luận (panentheism) mà thôi..
Nhân vì Triệu Châu vẫn còn đứng ở lập
trường phân biệt tự ngã nên lại đặt câu hỏi tiếp. Nam Tuyền đã trả lời
ngay là đạo không liên hệ gì đến sự phân biệt bằng tri thức (tri/bất
tri).Nếu bảo biết được đạo, ấy là vọng tưởng, ngộ ngộ (có cái ngộ sai
lầm). Còn nói không biết tức là vô ký, bạch chỉ (giấy trắng không ghi
chép).Con đường đạo đúng đắn là con đường “không cần nhắm tới” mà đạt
được. Cũng như hư không, thái hư, nó trống rỗng. Nó không thể lấy cái
tâm phân biệt mà cố hiểu cho ra.
Triệu Châu lúc đó mới ngộ được điều thầy
dạy: Đạo là trạng thái ngộ khi tự ngã trở thành trống không. Tự ngã lúc
đó ở trạng thái vô ngã, nhận ra được cái bản lai tự kỷ (ngã của vô ngã)
của mình. Bản chất của tự ngã là phân biệt, cho nên khi nào sự phân biệt
chưa chết đi thì chưa thể thể đắc cái bản lai tự kỷ (vô vị chân nhân,
Phật Đà) dược.
Bài tụng của Vô Môn nhằm ca ngợi cái
chết của tự ngã (ego) để cho tự kỷ (self) của con người chân thực (chân
nhân) sống lại với cái tâm bình thường mọi ngày. Thiền sư Dôgen có bài
thơ waka như thế này:
Haru wa hana
Natsu hototogisu
Aki wa tsuki
Fuyu yuki saete Suzushikari keri
(Xuân sang ta có hoa kề,
Hạ thì tiếng cuốc, thu về trăng trong,
Đông tuyết lạnh. Mát trong lòng)
[1]
Thoại này có chép trong Triệu Châu Lục quyển thượng cũng như Ngũ
Đăng Hội Nguyên quyển 4 chương nói về Triệu Châu Tùng Thẩm.
[4]
Câu nói bất hủ về chủ trương “Bình thường thiền” có trong Mã Tổ Ngữ
Lục: Bình thường tâm thị đạo.
[5]
Nguyên văn “thú hướng”, lối học đạo bằng cách đặt mục đích rồi hướng
tự kỷ tiến về phía nó “tiệm tu tiệm ngộ”. Vì vẫn còn có sự phân biệt
mục đích và tự kỷ nên lối này bị Nam Tôn Thiền phê phán.
[6]
Nguyên văn “vô ký” dịch tiếng Phạn avyakrta ý nói trầm mặc,
không trả lời. Đó là thái độ của Phật Đà khi bị những kẻ ngoại đạo
hỏi ngài 14 câu có tính siêu hình học. Còn gọi là “thập tứ vô ký”.
Đây chỉ trạng thái “để giấy trắng, không ghi chép gì lên”.
[7]
Nguyên văn “bất nghi” (Tổ Đường Tập lại chép là bất nghĩ). Tuy nhiên
“bất nghi chi đạo” ở đây cũng như bất nghĩ đều cùng một ý nói là
thông suốt, không do dự trước điều gì.
[8]
Nguyên văn “phân sơ bất hạ”: có giải thích không thể nào rõ ràng
được.
http://www.buddhismtoday.com/viet/thien/vomonquan_22.htm