- VÔ MÔN QUAN
-
無門関
- Chữ Vô của Phương Đông
- Nguyên tác Vô Môn Quan: Vô Môn Huệ Khai
Dẫn nhập và chú giải: Nishimura Eshin
Bình luận: Giáo sư Akizuki Ryômin
- Biên dịch: Nguyễn Nam Trân
- Bản Thảo - 2009 -
Tắc số 23:
Mặt mũi chính mình (Bất tư thiện ác)[1]
不思善悪
Bản tắc:
Lục Tổ[2]
bị Minh Thượng Tọa[3]
đuổi theo sau cho đến rặng núi Đại Dữu[4].
Khi nhìn thấy bóng của Minh Thượng Tọa, Lục Tổ mới đem y bát[5]
(pháp y và trì bát) nhận từ Ngũ Tổ ném vứt lên một tảng đá:
-Đây là y bát tượng trưng cho việc
truyền thừa pháp tự, không phải là vật có thể dùng võ lực chiếm đoạt
được đâu. Nếu ông muốn, có thể lấy cả mang đi!
Lúc ấy, Minh Thượng Tọa mới cầm lấy
chúng nhưng không tài nào giở lên nổi vì nặng như quả núi. Ông ta chần
chừ, nén sự sợ hãi, thưa:
-Tôi đuổi theo ông là vì muốn
học Pháp (tìm chân lý) chứ đâu phải vì áo xống. Huệ Năng ơi, xin ông (hành
giả[6])
chỉ cho Minh tôi con đường để khai ngộ!
Lúc đó, Lục Tổ mới nói:
-Thế chứ khi nào bỏ qua một bên sự
phân biệt thiện, ác rồi, hỏi Minh Thượng Tọa có nhìn thấy con người thực
xưa nay của ông không?
Ngay lúc đó, Minh Thượng Tọa bèn đại
ngộ. Mình mẫy đẫm mồ hội, nước mắt đầm đìa, ông ta nằm phục xuống đất
làm lễ, và hỏi:
-Những bí quyết mà ông chỉ dạy cho
Minh tôi, ngoài ngôn ngữ và ý nghĩa nội dung của nó, chắc hãy còn có gì
cao sâu hơn nữa chứ ạ?
Lục Tổ mới nói:
-Ngay cả những điều tôi vừa bảo ông
cũng chẳng có gì gọi là bí mật cả. Nếu bản thân ông chịu khó tự thử tìm
cách nhìn lại con người thực xưa nay của ông, thì sẽ thấy được sự bí mật
vốn đã có sẵn trong ông rồi.
Minh Thượng Tọa bảo:
-Tôi cũng là học trò (vân thủy)
của Ngũ Tổ ở Hoàng Mai Sơn[7]
như các ông, tu hành cùng với chúng tăng, mà sao đến nay, vẫn chưa nhìn
thấy được hình ảnh con người thực sự của mình. Thế nhưng giờ đây, tôi đã
được ông chỉ dạy nó là cái gì. Lần đầu tiên, khi uống nước đã tự thể
nghiệm nóng lạnh thế nào. Bây giờ xin cho phép thờ ông làm thầy.
Lục Tổ nghe như thế, mới giải thích:
-Ông cũng thờ Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn Lão
Sư làm thầy (học hành như chúng tôi thôi) thì cứ thế mà giữ nguyên vẹn
tâm cảnh ấy đi!
Bình Xướng:
Vô Môn nói rằng:
Có thể phê bình nhân vật gọi là
Lục Tổ này như sau: Những lời ông ta dạy bảo Huệ Minh là do cái máy động
khi gặp bước đường cùng
[8]
không biết tính sao. Có thể gọi đây là lòng tốt thực thà của mấy bà lão.
Như thể lấy quả vải tươi, bóc vỏ từng cái, lại lấy cả hạt ra xong, bỏ
vào mồm trẻ con. Rồi nghĩ rằng từ đó, đứa bé chỉ có việc nuốt ực mà
thôi.
Tụng:
Bèn có bài tụng:
Miêu bất thành hề, họa bất tựu,
Tán bất cập hề, hưu sinh thọ[9].
Sinh lai diện mục một xứ tàng,
Thế giới hoại thì cừ[10]
bất hủ.
描 不 成 兮 畫 不
就
讚 不 及 兮 休 生
壽
本 來 面 目 沒 處
藏
世 界 壞 時 渠 不
朽
(Tả không tả được, họa nên chi,
Tụng chẳng thành câu, bút vứt đi .
Trời cho “bản mặt” làm sao giấu,
Thế giới tiêu tan, “hắn” vẫn ì).
Truyền lai nhất bát kỷ đa nàn...
Thơ đề trên Lục Tổ Đồ của Hòa thượng Vô Học Tổ Nguyên
(1226-1286)
Lược dịch lời bàn của Giáo sư
Akizuki Ryômin:
Lục Tổ Huệ Năng chỉ là một người thế tục
cho đến khi được thầy cho lên địa vị tổ sư. Trong Phật giáo có “phật
vị”, Thiền tông có “tổ sư vị”. Thế nhưng trong Thiền tông, để phong chức
vị, họ không phân biệt người thế tục với tăng sĩ, miễn là kẻ đó ngộ đạo.
Lúc Lục Tổ bỏ đi rồi, Ngũ Tổ không giảng Pháp nữa và khi có nhiều người
hỏi tại sao, ông cho biết: “Đạo của ta đã dời xuống phương Nam”.Hành giả
Huệ Năng như vậy đã nhận y bát truyền từ đời thứ nhất ở Đông Độ là Tổ Sư
Đạt Ma. Vì một người thế tục đem y bát, vật báu làm tin, của tông môn ra
đi nên các học trò khác mới tất tả đuổi theo.
Nhiều người cùng đuổi nhưng chỉ có
Thượng tọa Huệ Minh, kẻ xuất thân võ tướng, chân cẳng cứng cáp hơn cả,
một mình bắt kịp Huệ Năng ở Đại Dữu Lĩnh. Tôi nghĩ dĩ nhiên Huệ Minh có
đủ sức mạnh để nhặt y bát để trên tảng đá nhưng có lẽ trước khi đưa tay
ra, ông đã bị trấn áp bởi nhân cách và đạo lực của Huệ Năng, đâm ra do
dự, khiếp hãi, không làm chủ được mình đó thôi. Sau khi thất bại, ông
mới trở về với con người chân thực, vô ngã, trình bày tấm lòng cầu đạo
của mình. Huệ Năng đã chỉ ông phải biết vứt bỏ khái niệm đạo đức cũng
như cái tâm phân biệt để tìm về bộ mặt xưa nay (bản lai diện mục) của
mình. Bản lai diện mục có nghĩa cách “tự kỷ bản lai” tồn tại.
Trong đạo Phật, điều quan trọng vẫn là
việc nhìn thấy rõ chính mình (tự kỷ cứu minh).Trước câu hỏi tiếp đến:
“Cái tự kỷ đó là gì?” thì công án này đã trả lời: “Bản lai diện mục!”.
Nói cách khác, đó là “bản lai tự kỷ” mà điều quan trọng của mỗi chúng ta
là tự giác về nó vậy. Có lẽ nhờ đó Huệ Minh khám phá ra sự giác ngộ được
Phật Pháp là như thế, và chính mình cũng là một vị Phật (chúng sinh bản
lai Phật), nên sung sướng như được giải thoát, đầm đìa mồ hôi nước mắt,
sụp xuống lễ Huệ Năng.
Thế nhưng vừa mới ngộ đạo, Huệ Minh muốn
hỏi thêm vì nghĩ rằng hãy còn ý nghĩa thâm sâu gì mà mình chưa nắm. Huệ
Năng đã vạch ra cho ông thấy không có gì là bí mật cả. Cái bí mật ấy,
nếu có, chỉ một mình đương sự Huệ Minh thể nghiệm được mà thôi vì nó ở
trong chính ông.
[1]
Thoại này năm ở trong Tào Khê Đại Sư Biệt Truyện và Lục Tổ Đàn Kinh.
Đã là một trong những công án nói về sự truyền thừa Thiền tông.
[2]
Lục Tổ tức ngài Đại Giám Huệ Năng (638-713), nhận pháp tự của Ngũ Tổ
Hoằng Nhẫn (602-675), và trở thành tổ đời thứ 6 của dòng thiền Trung
Quốc. Ông đã sáng xướng ra kiểu tu thiền theo phương pháp đốn ngộ
dựa trên trí tuệ Bát Nhã, xác định được chỗ đứng của thiền Trung
Quốc, và như thế, phủ nhận tọa thiền chủ nghĩa theo truyền thống đến
từ Ấn Độ. Tiểu sử xin xem Tào Khê Đại Sư Biệt Truyện, Tổ Đường Tập
quyển 2, Cảnh Đức Truyền Đăng Lục quyển 5. Tư tưởng của ông gói ghém
trong Lục Tổ Đàn Kinh.
[3]
Minh Thượng Tọa tức Mông Sơn Huệ Minh (còn gọi là Đạo Minh, không rõ
năm sinh năm mất). Thiền sư đời Đường, tiểu sử có chép trong Cảnh
Đức Truyền Đăng Lục. Cũng được nhận pháp tự từ Hoằng Nhẫn.
[4]
Đại Dữu Lĩnh, rặng núi bắc ngang qua hai tỉnh Quảng Đông và Giang
Tây. Vùng phía bắc của nó gọi là Lĩnh Bắc, phía Nam gọi là Lĩnh Nam.
Trên núi nhiều mai cho nên còn gọi là Mai Lĩnh. Lại có tên khác là
Đài Lĩnh.
[5]
Lược chữ “tam y nhất bát”, đồ dùng tối thiểu của một nhà tu. Tam y
là đại y, thất điều y và ngũ điều y. Bát là bát vu, thực khí đựng
cơm. Y bát tượng trưng cho Phật Pháp. Truyền y bát cũng là truyền
pháp cho học trò ruột.
[6]
Hành giả là người không thành tăng sĩ, chỉ sống, tu hành và làm tạp
dịch trong chùa. Vai trò tục nhân khiêm tốn của Lục Tổ khi chưa được
Hoằng Nhẫn truyền pháp tự)
[7]
Ngọn núi nằm ở nơi tiếp giáp hai tỉnh Giang Tây và An Huy, thuộc
vùng trung lưu sông Dương Tử. Nơi đây là cứ điểm của Đông Sơn pháp
môn do Tứ Tổ Đạo Tín (580-651) và sau đó là Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn lãnh
đạo. Khi gọi Hoàng Mai không thôi tức là trỏ Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn.
[8]
Nguyên văn “sự xuất cấp gia”, bấn quá làm vội làm vàng.
[9]
Sinh thụ là lao khổ, bỏ công khó. Nói cách khác, ở đây “hưu sinh
thụ” có nghĩa cảm ơn (ai) đã giúp đỡ, nhưng không dùng tới nữa.
[10]
Cừ: đại danh từ chỉ ngôi thứ ba, như chữ “y”, “hắn”. Thiền gia
thường dùng để tự nói về con người chân thực của mình. Cảnh Đức
Truyền Đăng Lục quyển 15, chương về Động Sơn Lương Giới có câu:
Cừ kim chính thị ngã. Ngã kim bất thị cừ (“Hắn” bây giờ
chính là ta nhưng ta không phải là “hắn”).
http://www.buddhismtoday.com/viet/thien/vomonquan_26.htm