- VÔ MÔN QUAN
-
無門関
- Chữ Vô của Phương Đông
- Nguyên tác Vô Môn Quan: Vô Môn Huệ Khai
Dẫn nhập và chú giải: Nishimura Eshin
Bình luận: Giáo sư Akizuki Ryômin
- Biên dịch: Nguyễn Nam Trân
- Bản Thảo - 2009 -
Tắc số 27:
Chẳng phải tâm chẳng phải Phật (Bất
thị tâm Phật)[1].
不是心仏
Bản tắc:
Hòa thượng Nam Tuyền[2]
nhân có tăng đến hỏi:
-Thầy còn pháp nào chưa truyền cho
người đời không?
Bèn trả lời:
-Có chứ!
Lúc đó, tăng lại tiếp:
-Dám hỏi pháp đó là pháp nào?
Nam Tuyền đáp:
-Chẳng phải tâm, chẳng phải
Phật, chẳng phải vật[3].
Bình Xướng:
Vô Môn nói rằng:
Việc làm của Hòa Thượng Nam Tuyền
giống như người bị hành hung phải dốc tuốt tuột gia tư điền sản mà đưa
cho. Khổ thân (mệt nhọc)[4]
như thế, (ích gì)?
Tụng:
Bèn có bài tụng:
Đinh ninh[5]
tổn quân đức,
Vô ngôn chân hữu công.
Nhiệm tùng thương hải biến,
Chung bất vị quân thông.
叮 嚀 損 君 德
無 言 真 有 功
任 從 滄 海 變
終 不 為 君 通
(Tận tụy giảng hao đức,
Im lời mới có công.
Mai dù đời dâu biển[6],
Cũng đếch mách cho ông!).
Lược dịch lời bàn của Giáo sư
Akizuki Ryômin:
Theo Bích Nham Lục thì vị tăng đến hỏi
đạo ngài Nam Tuyền trong công án này là Thiền sư Bách Trượng Hoài Chính.
Pháp mà chưa nói cho ai nghe là yếu
quyết hãy còn để dành. Nói là nói vậy nhưng hỏi thử cái diệu cảnh mình
thể nghiệm được thì làm sao giảng lại cho ai vì biểu hiện bằng ngôn ngữ
không bao giờ đạt đến chỗ đó (ngôn thuyên bất cập). Lại có câu “Như Lai
không giữ gì trong nắm tay cả” (Như Lai vô ác chưởng) nghĩa là Phật vốn
không có điều nào là không thế giảng cho chúng sinh.
Còn nguyên lý “Bất thị vật”? (Không
phải là chúng sinh). Vật phải hiểu là chúng sinh. Trong kinh Hoa Nghiêm,
Dạ Ma Tiên Cung Bồ Tát Thuyết Yết Vị Đệ Thập Lục, có câu: “Tâm, Phật cập
chúng sinh. Thị tam vô sai biệt” (Tâm, Phật và muôn loài. Là ba
cái không khác). Lời phát ngôn của Nam Tuyền khẳng định ý kiến này.
Nếu chúng ta xem lại nguyên điển của công án này chép
trong Truyền Đăng Lục thì chính Nam Tuyền đã nói như thế này: “Mã Tổ ở
Giang Tây dạy Tức tâm tức Phật, thế nhưng lão Vương (Nam Tuyền tục danh
họ Vương) không nghĩ như vậy. Phải là “Bất thị tâm, bất thị Phật, bất
thị vật” mới được! Sao, ta nói có sai không?”. Lúc ấy, (hòa thượng)
Triệu Châu, (học trò ông), sụp lễ rồi im lặng bỏ ra ngoài.
Nam Tuyền lúc ấy nói: “Hắn là người đã hiểu được ý
chỉ của lão tăng!”.
“Chẳng phải tâm, chẳng phải Phật,
chẳng phải vật”. Ý nghĩa của công án này cũng giống như công án 34 Trí
bất thị đạo (Trí không phải là đạo) và cũng có thể xếp vào loại công án
luận về “tức phi”. A tức phi A thị danh A = A tức là phi A nên mới có
tên là A. Bằng môi giới của sự phủ định, ta có thể khẳng định một vật là
cái gì. Để hiểu rõ, xin xem thêm lời bàn của tắc ấy.
[1]
Thoại này thấy chép trong Nam Tuyền Ngữ Yếu cũng như các sách Tổ
Đường Tập quyển 16, Ngũ Đăng Hội Nguyên quyển 3, ở chương Nam Tuyền
Phổ Nguyện. Nói chung, nó thường được dùng để đối lại câu Tức Tâm
tức Phật của Mã Tổ Đạo Nhất (709-788).
[2]
Xem chú thích của tắc 14.
[3]
Vật ám chỉ chúng sinh chứ không phải đồ vật. Theo Đại Tạng Kinh 9 –
465 hạ, vật hay chúng sinh ý nói những “kẻ có thể mê lầm”.
[4]
Nguyên văn : lang đang (lếch thếch, uể oải, mệt mỏi).
[5]
Đinh ninh tức làm gì với cả tấm lòng. Ở đây ý nói tận tụy rao giảng.
Câu “Đinh ninh tổn quân đức” có trong Cổ Tôn Túc Ngữ Lục quyển 19,
lược từ Đàm Châu Đạo Ngô Chân Hòa Thượng Ngữ Yếu (xem Vạn Tập Tạng
118-405 thượng).
[6]
Thương hải biến vi tang điền (đời bể dâu, thay đổi lớn)
http://www.buddhismtoday.com/viet/thien/vomonquan_30.htm