- VÔ MÔN QUAN
-
無門関
- Chữ Vô của Phương Đông
- Nguyên tác Vô Môn Quan: Vô Môn Huệ Khai
Dẫn nhập và chú giải: Nishimura Eshin
Bình luận: Giáo sư Akizuki Ryômin
- Biên dịch: Nguyễn Nam Trân
- Bản Thảo - 2009 -
Tắc số 28: Xa
mến thầy Đàm (Cửu hướng Long Đàm)[1].
久嚮竜潭
Bản tắc:
Một hôm, Đức Sơn[2]
đến thỉnh giáo[3]
Hòa Thượng Long Đàm[4].
Đến tối, hòa thượng mới bảo:
-Trời đã khá khuya, ngươi cũng liệu
xuống núi mà về.
Đức Sơn không biết làm sao bèn
chào từ biệt[5],
cuốn rèm lên định ra ngoài. Nào ngờ bên ngoài đen kịt nên phải quày lại.
Ông giải thích:
-Thưa, tại chung quanh trời tối quá!
Hòa Thượng Long Đàm mới thắp
ngọn đề đăng (ngọn đèn cầm tay[6],
Ryômin dịch là đuốc chứ không phải đèn) rồi trao cho. Lúc Đức Sơn chực
cầm lấy đèn, hòa thượng bỗng thổi tắt cái phụt. Lúc đó, Đức Sơn bèn ngộ
đạo, kính cẩn cúi rạp chào Long Đàm. Hòa thượng mới hỏi:
- Nhà ngươi ngộ được điều gì nào?
Đức Sơn đáp:
Từ ngày hôm nay trở đi, tôi sẽ không
còn lạc lối trong những lời bàn (thiệt đầu) của các bậc hòa thượng thiền
sư trong thiên hạ nữa.
Đến sáng hôm sau, khi lên bục
giảng[7]
thuyết pháp, Hòa Thượng Long Đàm mói nói:
-Giả sử
[8]
có một anh chàng răng như rừng chông sắc, miệng như chậu máu, nhỡ ai
quật một gậy cũng chẳng thèm quay nhìn, thì kẻ ấy sẽ có ngày nào đó. một
thân trên đỉnh cô phong (không cần nương tựa vào lời chỉ bảo của ai và
không ai có thể đuổi kịp), dấy lên được mối đạo của chính mình (quân
đạo).
Đức Sơn bèn đem bộ chú thích (sớ sao)
kinh Kim Cương tùy thân và một bó đuốc lớn đến trước phòng giảng pháp,
huơ qua huơ lại:
-Nghiên cứu giáo nghĩa (chư huyền
biện) của đạo Phật nhiều bao nhiêu, khác gì khác gì ném một sợi lông vào
trong không gian bao la. Dù nắm hết bí quyết (khu cơ) để sống sao cho
khôn khéo ở đời, chẳng qua nhểu một giọt nước xuống vực núi sâu mà thôi.
Nói xong, đốt hết sách chú thích, cáo
từ thầy rồi xuống núi.
Bình Xướng:
Vô Môn nói rằng:
Khi Đức Sơn còn ở quê nhà, trong
tâm trí nghĩ rất nhiều chuyện mà không làm sao nói được thành lời. Tự
cho mình là kẻ sẽ đập tan được cái đám tu thiền theo lối “dạy thiền ở
ngoài giáo nghĩa” (giáo ngoại biệt truyền) nên mới đem lòng phẫn khái,
đi xuống phương Nam. Tuy nhiên, đến Lễ Châu[9],
vào trong quán nước chè bên đường định ăn mấy thứ điểm tâm thì bà lão
bán quán mới hỏi:
-Cái xe nhà thầy đang kéo, trong đó chứa
kinh sách gì vậy?.
Mới trả lời:
-Đó là những sách chú thích kinh Kim
Cương.
Nghe thế, bà lão lại hỏi:
-Trong cuốn kinh đó thế nào cũng có câu:
Quá khứ tâm bất khả đắc. Hiện tại tâm bất khả đắc. Vị lai tâm bất khả
đắc”.(Tâm có ba, tâm quá khứ, tâm hiện tại và tâm vị lai, đều không thể
kiếm ra). Vậy nhà thầy điểm tâm là điểm cho cái tâm nào?”
Đức Sơn nghe mỗi câu đó mà cứng họng,
miệng câm như hến. Dù xụi lơ, Đức Sơn vẫn chưa tâm phục câu nói của bà
lão, nên mới hỏi lại:
-Hình như chung quanh vùng này có nhiều
vị cao tăng?
-Cách đây năm dặm có vị hòa thượng tên
gọi Long Đàm.
Nghe bà ấy nói thế, Đức Sơn mới tìm gặp
Long Đàm, trong tư thế của một người thua trận. Rõ ràng tiền ngôn (câu
trước = thái độ dương dương tự đắc muốn tiêu diệt người ta lúc ở cố
hương) hậu ngữ (câu sau = đối đáp nhũn nhặn với Long Đàm) của ông hoàn
toàn không tương xứng.Còn Hòa Thượng Long Đàm vì quá yêu trẻ con (người
trẻ và hăng hái học đạo như Đức Sơn) nên cũng không ý thức được hành vi
xấu xa của mình. Biết Đức Sơn có chút mồi lửa (căn cơ để trở thành
Phật), hấp tấp lấy nước bùn bẩn dội từ trên đầu xuống, làm cho lửa kia
tắt ngấm. Bình tĩnh mà quan sát, mới thấy cả hai ông đều đáng đem ra làm
trò cười.
Tụng:
Bèn có bài tụng:
Văn danh bất như kiến diện,
Kiến diện bất như văn danh.
Duy nhiên cứu đắc tỵ khổng,
Tranh nại hạt khước nhãn tình.[10]
聞 名 不 如 見 面
見 面 不 如 聞 名
雖 然 救 得 鼻 孔
爭 奈 瞎 卻 眼 睛
(Nghe tên đâu bằng gặp mặt,
Gặp mặt sao bằng nghe tên.
Dù thầy cứu mũi kia được,
Ngươi trò bị bóc, sao nhìn?)
Lược dịch lời bàn của Giáo sư
Akizuki Ryômin:
Việc đọc trước lời bình xướng của Vô Môn
là điều hay vì giúp ta dễ hiểu công án này.
Thiền sư Đức Sơn Tuyên Giám lúc chưa từ
đất Thục xuất quan (ra cửa ải), coi Thiền Nam Tông như một nhóm Phật
Giáo mới hưng thịnh và cung cách “giáo ngoại biệt truyền” của họ là một
tà thuyết không hơn không kém. Do đó, ông ôm lòng căm phẫn, muốn ra tay
tiêu diệt, hăm hở lặn lội xuống phương Nam. Thế rồi dọc đường qua đất Lễ
Châu, chưa chi đã gặp lão bà, bị đập ngay một câu, choáng váng không trả
lời được. Nhưng cũng nhờ lão bà dẫn lối, Đức Sơn đã đến gặp Hòa thượng
Long Đàm và ở khúc này, ta mới thực sự bước vào bản tắc.
Có lẽ hôm ấy Đức Sơn đã bàn luận với
Long Đàm không ngớt về kinh Kim Cương mà ông có kiến thức quảng bác vì
đã đọc quá nhiều chú giải (sớ sao). Như thế cho đến thật khuya, lúc Long
Đàm thấy nghe đã quá đủ, mời khéo ông ra về. Ông không về được vì trời
tối như bưng, Long Đàm cho đèn nhưng lại thổi phụt. Tối lại hoàn tối. Và
lúc đó, Đức Sơn bỗng ngộ đạo (muốn tìm đường, phải tự mò mẫm mà đi, chớ
đừng dựa vào đèn của ai, LND). Khi ông nói sẽ không còn lạc lối giữa
những lời bàn trên đầu lưỡi của các bậc học giả trong thiên hạ nữa là
lúc ông đã rõ “Tức tâm tức Phật” nghĩa là chân lý nằm trong bản thân chứ
không phải vay mượn ở đâu cả. Như thế, ông đã chấp nhận đường lối “giáo
ngoại biệt truyền” mà xưa nay ông chống đối.
Hành động dùng ngọn đuốc lớn đốt các chú
sớ kinh Kim Cương trước giảng đường vào sáng hôm sau của ông chứng tỏ sự
ngộ đạo nhưng cũng là sự thất bại của cá nhân Đức Sơn. Lời nói tiền hậu
bất nhất cho nên ông chẳng dẹp được tà thuyết nào cả. Hòa thượng Vô Môn
lại đánh cụm Long Đàm vào với Đức Sơn, cho rằng cả hai đều thất bại.
Riêng Long Đàm vì quá yêu con trẻ cho nên dập tắt căn cơ thành Phật của
Đức Sơn.
Tuy nhiên xin độc giả đừng tin vào lời chê bai ấy vì Vô Môn chỉ đạp hai
thầy trò xuống để sau đó nâng họ lên (áp hạ thác thượng như mọi lần) mà
thôi. Đó là phương pháp tu từ đặc sắc của Thiền tông.
[1]
Thoại này có chép trong Cảnh Đức Truyền Đăng Lục quyển 14, chương
nói về Long Đàm Sùng Tín, cũng như trong Ngũ Đăng Hội Nguyên quyển
7, chương Đức Sơn Tuyên Giám. Cửu hướng: ái mộ từ lâu. Có vẻ hơi có
ý mĩa mai Đức Sơn không thống nhất trong tư tưởng. Có nơi chép là
Hưởng như âm hưởng.
[2]
Xem chú thích tắc 13.
[3]
Thỉnh ích, chữ trong Lễ Ký chương Khúc Lễ và Luận Ngữ chương Tử Lộ.
Trong làng thiền, đó là việc xin phép hỏi thăm tôn sư về các cổ tắc
công án để mình được tiến bộ.
[4]
Long Đàm Sùng Tín (không rõ năm sinh năm mất), thiền gia đời
Đường.Thuộc dòng của Thanh Nguyên, nhận pháp tự từ Thiên Hoàng Đạo
Ngô (748-807). Tiểu sử có trong Cảnh Đức Truyền Đăng Lục quyển 14 và
Ngũ Đăng Hội Nguyên, quyển 7.
[5]
Nguyên văn: trân trọng (lời chào từ biệt)
[6]
Nguyên văn: chỉ đăng (đèn làm bằng giấy, bản Eshin) hay chỉ chúc (đuốc
giấy, bản Ryômin).
[7]
Gọi là Tu Di Đàn trong pháp đường (chỗ giảng pháp).
[8]
Theo Eshin, tuy viết “nãi trung” nhưng phải hiểu là “nếu phải nói
đằng nào thì…” chứ không phải “trong đám các ngươi).
[9]
Địa danh nay thuộc Hồ Nam. Có từ điển dạy cách đọc là Phong nhưng
chỗ đó thuộc Tứ Xuyên.
[10]
Mặt, mắt, mũi …nhằm chỉ bản lai diện mục.
http://www.buddhismtoday.com/viet/thien/vomonquan_31.htm