Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .
VÔ MÔN QUAN  -  無門関
Chữ Vô của Phương Đông
Nguyên tác Vô Môn Quan: Vô Môn Huệ Khai
Dẫn nhập và chú giải: Nishimura Eshin
Bình luận: Giáo sư Akizuki Ryômin
Biên dịch: Nguyễn Nam Trân
Bản Thảo   - 2009 -

Tắc số 29: Không phải gió không phải phướn (Phi phong phi phan)[1].

非風非幡

Bản tắc:

Nhân một hôm cây sát phan (cây cờ hiệu) ở ngôi chùa nơi Lục Tổ[2] dự pháp tòa (nghe giảng kinh) bay tung trong gió, có hai vị tăng thấy thế, một người mới bảo:

-Phướn động.

Người kia cãi:

-Gió động chứ!

Llời qua tiếng lại, không ai chịu ai. Thấy thế, Lục Tổ mới bảo:

-Xem kìa, không phải gió động, Cũng không phải phướn động. Chỉ có con tâm của hai thầy (nhân giả)[3] động mà thôi.

Nghe thế, hai tăng run sợ, da nổi gai ốc[4].

 

Bình Xướng:

Vô môn nói rằng:

Không phải gió động, không phải phướn động. Ngay cả cái tâm (của Lục Tổvà những ai ngộ đạo, LND) cũng chẳng động nốt. Thế thì, Lục Tổ nhìn ở đâu vậy? (Phải nhìn ở đâu để rõ diện mục của Lục Tổ?) Nếu có người nào nghĩ được thấu suốt điểm này, hợp nhất với ý kiến của Lục Tổ, thì có lẽ sẽ hiểu rằng hai vị tăng như người đi mua sắt mà bắt được vàng. Dù vậy vì Lục Tổ (quá tử tế nên) không nhịn cười được[5] làm ông thành ra một kẻ đang diễn màn kịch vụng về [6].

 

Tụng:

Bèn có bài tụng:

Phong phan tâm động,
Nhất trạng
[7] lãnh quá,
Chỉ tri khai khẩu,
Bất giác thoại đọa.

風 幡 心 動 
領 過 
只 知 開 口 
不 覺 話 墮

(Gió, phướn, tâm đều động,
Tội ấy của cả bầy.
Lục Tổ nói chi vậy?
Bỗng dưng bị lộ tẩy!).

 

Lược dịch lời bàn của Giáo sư Akizuki Ryômin:

Lục Tổ Huệ Năng sau khi dạy dỗ Huệ Minh ở Đại Dữu Lĩnh bèn trở về nam, sống một thời gian gọi là “thánh thai trường dưỡng”, nói cách khác nghĩa là tu hành sau khi đã ngộ đạo. Đến khi nghĩ rằng thiền cơ của mình đã chín chắn, nhân ở chỗ của Ấn Tông Pháp Sư gần đó có mở giảng tòa về Niết Bàn Kinh, Tổ bèn tham gia.

Lúc đó có hai tăng sĩ tranh cãi về gió hay lá phướn trên cây sát can, xem cái nào mới lay động. Khi Lục Tổ xen vào câu chuyện, hai tăng sợ hãi đến ớn lạnh chỉ vì thấy một tục nhân mà nói năng cao siêu như vậy. Câu chuyện đó sau đến tai Ấn Tông Pháp Sư, ông mới truyền giới để Lục Tổ trở thành tăng và từ đó Tổ hoằng dương Phật Pháp.

Hai vị tăng tranh cãi những chuyện không đâu (giống như đi mua sắt) mà tìm thấy được Pháp (chân lý) qua câu nói của Lục Tổ (thì có khác nào bắt được vàng). Thế nhưng cũng vì câu nói đầy lòng từ bi ấy mà Lục Tổ đã lộ chân tướng trước mặt Ân Tông chẳng khác chi người đóng một màn kịch vụng về. Chỉ vì ông không nhịn cười được trước cuộc tranh cãi giữa hai tăng sĩ kia! Rốt cục, theo Vô Môn, cả ba đều đáng xấu hổ.

Tuy nhiên, lời bình ấy cũng là cách Vô Môn dùng để bày tỏ lòng biết ơn với Lục Tổ. Khi Lục Tổ bảo “tâm động” (tâm động đậy) và Vô Môn lại bảo “bất thị tâm động” (không phải tâm động đậy) thì thực ra, họ nói về hai chữ Tâm khác nhau. Cái tâm thứ hai (trong câu nói của Vô Môn) là “sự phân biệt của tự ngã”. Nó hãy còn đặt tương quan đối lập giữa gió và phướn. Cái Tâm thứ nhất (trong câu nói của Lục Tổ và cũng là cái Tâm của ông) là cái tâm lay động cùng gió phướn, cái tâm “vật ngã nhất như”. Tâm đã biến ngay thành gió phướn và khi gió phướn động thì tâm cũng động theo.


 


[1] Thoại này có chép trong Tào Khê Đại Sư Truyện, Lục Tổ Đàn Kinh cũng như Cảnh Đức Truyền Đăng Lục quyển 5, Ngũ Đăng Hội Nguyên quyển 1 chương Lục Tổ Huệ Năng. Sau khi Lục Tổ nhận pháp tự của Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn, về cố hương ở miền nam, 5 năm trời náu mình trong phường săn. Câu chuyện trên đây tương truyền xãy ra khi Lục Tổ đến giảng kinh Niết Bàn ở Pháp Tính Tự tỉnh Quảng Châu. Theo Tào Khê Đại Sư Truyện thì chùa ấy là Chế Chỉ Tự. Tào Khê Đại Sư Truyện kể rằng có đến 4 vị tăng tranh luận.

[2] Xem chú thích của tắc 23.

[3] Nhân giả: tiếng gọi tôn kính dùng cho ngôi thứ hai.

[4] Nguyên văn: tủng nhiên = sợ hãi, rỡn tóc gáy, nỗi da gà (hàn mao trác thụ)

[5] Nguyên văn: nhẫn tuấn bất cấm = bất giác mĩm cười.

[6] Nguyên văn: lậu đậu = để lộ sự thất bại. Lục Tổ diễn một màn kịch diễn vụng về vì là người đạo pháp cao siêu như vậy mà đi đóng vai tục nhân để cho ý kiến (LND).

[7] Lệnh trạng. Ba chủ trương (phong, phướn, tâm) cùng là bị cáo.

 


http://www.buddhismtoday.com/viet/thien/vomonquan_32.htm

 


Vào mạng: 10-4-2009

Trở về thư mục "Thiền Phật giáo"

Đầu trang