Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .
VÔ MÔN QUAN  -  無門関
Chữ Vô của Phương Đông
Nguyên tác Vô Môn Quan: Vô Môn Huệ Khai
Dẫn nhập và chú giải: Nishimura Eshin
Bình luận: Giáo sư Akizuki Ryômin
Biên dịch: Nguyễn Nam Trân
Bản Thảo   - 2009 -

Tắc số 32: Kẻ ngoại đạo hỏi Phật (Ngoại đạo vấn Phật)[1].

外道問仏

Bản tắc:

Đức Thế Tôn[2] nhân có một kẻ ngoại đạo[3] hỏi:

-Không phải lời nói, cũng chẳng phải lặng thinh, đó là cái gì?

mới ngồi trầm ngâm một lúclâu. Kể ngoại đạo đó bèn nức nở khen ngợi:

-Nhờ lòng từ bi của Đức Thế Tôn mà mắt tôi như vén được lớp mây mù. Ngài đã hướng dẫn tôi đến chỗ giác ngộ.

Bái lạy xong lui ra.

Thấy thế, A Nan mới đặt câu hỏi:

-Kẻ ngoại đạo kia đã ngộ đạo ở chỗ nào mà lại ca ngợi xong rồi ra đi như thế!

Thế Tôn mới nói:

-Phàm tuấn mã chỉ cần nhìn thấy bóng roi đã biết cách phải chạy thế nào rồi.

 

Bình Xướng:

Vô Môn mới nói:

A Nan là đệ tử chính thức của Phật Đà. Thế mà thấy (trình độ) ông ta coi bộ kém thua kẻ ngoại đạo. Này, các bạn hãy nói tôi nghe, kẻ ngoại đạo và đệ tử ruột, họ khác nhau ở chỗ nào vậy?

 

Tụng:

Bèn có bài tụng:

Kiếm nhận thượng hành,
Băng lăng thượng tẩu
[4].
Bất thiệp giai thê
[5],
Huyền nhai tát t
hủ.[6]

劍 刃 上 行 
冰 稜 上 走 
不  階 梯 
懸 崖 撒 手

(Đi trên kiếm nhọn,
Chạy giữa băng sắc.
Thang bậc không nương,
Buông thân xuống vực.

 

Lược dịch lời bàn của Giáo sư Akizuki Ryômin:

Đức Thế Tôn được nói đến trong thoại này tức là Thích Tôn hay Phật Thích Ca như lối xưng hô của tín đồ Phật Giáo. Dĩ nhiên “Tôn” là chữ chỉ bậc tôn kính. Người phương Tây gọi ngài là Gotama Buddha hay Phật Cồ Đàm vì họ là người ngoại đạo.

Mặt khác, câu chuyện dẫn dụng ở đây về “tuấn mã” vốn có chép trong kinh Tạp A Hàm. Chuyện ấy ví các tì khưu với bốn loại ngựa. Cao nhất là hạng tuấn mã (hay lương mã), chỉ cần thấy bóng roi đã hiểu ý của người cưỡi mà chạy. Hạng ngựa thứ hai phải để roi chạm lông rồi mới hiểu. Hạng thứ ba đợi roi đụng vào thịt mới vỡ lẽ ra. Còn hạng thứ tư, thấp nhất, phải chờ lúc roi quật thấu xương tủy rồi mới bắt đầu hiểu mà chạy.     

Vào buổi đạo Phật mới ra đời, trong kinh sách thường có những ví dụ kiểu này. Ta có thể diễn dịch câu nói của Phật Thích Ca như sau: “ Kẻ ngoại đạo kia, giống như lời thế gian vẫn nói, là một con ngựa hay, mới thấy bóng roi đã hiểu ý người cưỡi. Khi ta ngồi yên không nói, ông ta đã thấy cái máy động của ngã vô-ngã nơi ta, và từ đó ông đã có thể tự giác được cái ngã vô-ngã của chính mình”.

Khi không che giấu cái tâm và dốc lòng cầu đạo, được duyên dẫn dắt, thì kẻ ngoại đạo cũng có thể đắc đạo. Nên nhớ cho tuy trong tiếng Nhật, chữ “ngoại đạo” vốn hàm ý coi thường, nhưng chỉ xin hiểu nó ở đây theo nghĩa người không có cùng một tôn giáo (dị giáo đồ) hay triết lý đối với Phật giáo mà thôi.

Câu hỏi Không phải lời nói, cũng chẳng phải lặng thinh, đó là cái gì? (Bất vấn hữu ngôn, bất vấn vô ngôn) theo nguyên văn, nếu dịch từng chữ, có nghĩa là: Không hỏi bằng lời, không hỏi bằng không lời. Trước câu hỏi đó, thái độ im lặng trầm tư của Đức Phật trước tiên như muốn gửi một thông điệp : “Kìa, ông vừa không dùng lời nói để hỏi tôi là gì à?” rồi sau một khoảng thời gian, đến câu: “Thái độ của tôi không phải là không lời hay sao?”, nghĩa là ngài đã có một câu trả lời với hai vế.

Trong Kinh Thánh cũng có chép lại câu chuyện một người đàn bà dâm đãng bị đám đông bắt. Bọn người Pharisee[7] muốn dùng bà ta để gài bẫy chúa Jesus mới kéo bà ấy đến trước mặt Chúa và nói: “ Theo luật lệ của tổ tiên ta từ đời Moises[8], kẻ phạm tội tà dâm như thế này phải bị ném đá. Thầy hay rao giảng về lòng nhân ái, nhưng gặp trường hợp này thì tính sao đây?” Nếu Jesus vì lòng nhân ái mà thả người ấy ra, bọn người này sẽ kết tội Chúa đã vi phạm luật lệ của tổ tiên dân Do Thái. Lúc đó, Jesus chỉ lặng thinh, cúi nhìn xuống đất và viết một câu gì. Đám đông bị chấn động trước thái độ của Jesus, mỗi người bắt đầu phản tỉnh, tự đặt câu hỏi xem mình có đủ tư cách trong sạch, chưa hề lầm lỗi, để có quyền ném đá người đàn bà ấy không. Một lúc sau, những người già bắt đầu quay lưng bỏ đi, rồi cuối cùng đám đông cũng từ từ tự động giải tán.Lúc chỉ còn một mình Jesus đứng trước người đàn bà bị kết tội, Chúa mới nói: “Riêng ta, ta không có gì để xét đoán ngươi. Hãy đi đi và đừng tái phạm nữa.” .

 

Trong câu chuyện nói trên, Jesus lặng thinh, cúi xuống viết gì trên mặt đất. Thích Ca làm như thế nào trong công án? Thích Ca chỉ ngồi đó lặng thinh, và kẻ ngoại đạo ca ngợi thái độ của ngài. Ông ta gọi Phật là Đức Thế Tôn. Chứng cứ ấy cho thấy ông đã nhìn nhận sự tôn quí của Phật và trở thành một tín đồ Phật giáo.

Việc Phật cứ ngồi không nói năng chi được gọi là “cứ tòa”, tức ngồi vững chân thẳng lưng một chỗ. Bích Nham Lục dùng chữ “lương cửu” để miêu tả. Nó cũng hàm ý “ngồi yên một lúc không nói năng chi”.

Hữu ngôn hay vô ngôn, cả hai đều tượng trưng cho một thế giới hãy còn phân biệt. Nguyên nhân khiến ta phân biệt mọi sự chính là cái tự ngã, trong khi, như tăng Nhật Bản Rennyo (Liên Như) nói: “Phật Pháp biểu hiện bằng vô ngã”. Thích Ca đã dạy phải làm cho cái tự ngã đó trống rỗng (ở trạng thái không) để sống với cái ngã vô-ngã. Trong khi “cứ tòa” hay “lương cửu”(dịch từng chữ : hơi lâu một chút), không có cái máy động của sự phân biệt do tự ngã. Qua “cứ tòa” và “lương cửu”, Thích Ca đã dạy cách làm cho mình buông thả và bước ra khỏi thể xác lẫn tâm hồn (tâm thân thoát lạc), biết tự giác để thể nhận (xác nhận bằng chính mình) cái tâm thân đã được thoát lạc hay cái ngã vô-ngã.

Chúng sinh tất cả đều có Phật tính”, cho dù là kẻ ngoại đạo hay đệ tử thân cận như A Nan. Khi nhờ một mối duyên nào mà đạt đạo thì giữa kẻ ngoại đạo và đệ tử Phật, hoàn toàn không có gì khác nhau. Ai cũng có thể thành Phật (giác giả). “Đại tử nhất ban, tuyệt hậu tô tức”. Phải chết một cái chết lớn để thành con người mới!


 


[1] Thoại có chép trong Tổ Đường Lục quyển 1, Cảnh Đức Truyền Đăng Lục quyển 27. Được biết là lấy ra từ kinh Thủ Lăng Nghiêm quyển 4. Trong Tổ Đường Lục, Phật Đà Truyện và Bích Nham Lục tắc 65 thì thay vì “Thế Tôn cứ tòa” lại viết là “Thế Tôn lương cửu”.

[2] Một trong 10 danh hiệu của Phật. Nguyên văn tiếng Phạn là Bhagavat hay Kẻ có phúc đức. Ý nói “bậc tôn quí nhất trên đời”.

[3] Ngoại đạo có nơi gọi là người theo Bà la môn. Kỳ thực ở Ấn Độ có rất nhiều hạng tín đồ như vậy (lục sư ngoại đạo, cửu thập ngũ chủng ngoại đạo vv…).

[4] Hai câu 1 và 2 ý nói sống một cách nguy hiểm.

[5] Câu 3 ý nói nhờ đốn ngộ mà đạt được Phật vị chứ không phải tu hành rồi từ từ leo lên từng bậc mới tới như thập địa chư bồ tát.

[6] Câu 4: từ trên ghềnh đá buông tay rơi xuống vực để chết một cái chết lớn (đại tử nhất ban). Có nghĩa là giác ngộ tức khắc.

[7] Tên gọi một nhóm người Do Thái theo chủ nghĩa nguyên lý, cho là mình công chính hơn mọi người và ép tất cả phải giữ giới luật thành văn truyền thống. Sau chữ này dùng ám chỉ nhưng kẻ ngụy thiện, giả dối.

[8] Nhà lãnh đạo dân Do Thái, sinh vào thế kỷ 14 TCN. Đã đặt ra Mười Điều Giáo Lệnh mà ông bảo đã được Đức Chúa Trời ký thác.

 


http://www.buddhismtoday.com/viet/thien/vomonquan_35.htm

 


Vào mạng: 10-4-2009

Trở về thư mục "Thiền Phật giáo"

Đầu trang