- VÔ MÔN QUAN
-
無門関
- Chữ Vô của Phương Đông
- Nguyên tác Vô Môn Quan: Vô Môn Huệ Khai
Dẫn nhập và chú giải: Nishimura Eshin
Bình luận: Giáo sư Akizuki Ryômin
- Biên dịch: Nguyễn Nam Trân
- Bản Thảo - 2009 -
Tắc số 37:
Cây bách trước sân (Đình tiền bách thụ)[1].
庭前柏樹
Bản tắc:
Hòa Thượng Triệu Châu[2]
nhân có tăng hỏi:
-Tố Sư Đạt Ma từ phương Tây xa
xôi đến, ý là gì vậy?[3]
bèn chỉ ra ngoài sân và đáp:
-Là cây bách đó!
Bình Xướng:
Vô Môn nói rằng:
Nếu thấu hiểu một cách chính xác câu trả
lời của Triệu Châu thì coi như cả Phật Thích Ca Mâu Ni trong quá khứ lẫn
Di Lặc Bồ Tát trong tương lai đều không hề tồn tại.
Tụng:
Bèn có bài tụng:
Ngôn vô triển thị,
Ngữ bất đầu cơ.
Thừa ngôn giả táng,
Trệ cú giả mê[4].
言 無 展 事
語 不 投 機
承 言 者 喪
滞 句 者 迷
(Nói không giải thích nổi,
Lời chẳng động cơ thiền.
Kẻ hiểu lời toi mạng,
Người bám chữ ngu thêm).
Lược dịch lời bàn của Giáo sư
Akizuki Ryômin:
Công án chỉ ngắn gọn.Hỏi “Tổ sư Tây lai
ý” tức hỏi “Thiền đạo Phật Pháp chân túy” là cái gì. Triệu Châu đã cho
biết cực ý của Thiền là cây bách trước sân!
Là những kẻ tu theo Thiền sư Hakuin,
chúng tôi thường tham học công án này cùng với các công án Triệu Châu vô
tự (tức Con chó của Triệu Châu), Chích thủ âm thanh (Tiếng vỗ của một
bàn tay), Bản lai diện mục (tức Lục Tổ dạy Huệ Minh). Tất cả mang chung
tên Tứ đại Cam Lồ môn (Bốn cửa lớn Cam Lồ). Trong cách phân loại công án
của trường phái Hakuin, công án này được liệt vào lọai “pháp thân”. Pháp
thân là tiếng để đối lại với “sắc tướng” (thân thể). Ý nói Phật là thân
của pháp, pháp tức tự, tự kỷ vô tướng, chân nhân, chân như, chân thực
tại của vũ trụ.
Trong Vô Môn Quan ta chỉ thấy có một
phần chứ thực ra toàn thể công án trong Triệu Châu Lục vốn ghi lại một
cuộc vấn đáp như thế này:
Tăng: Xin thầy đừng dùng những vật thuộc
ngoại cảnh (khách quan) để dạy cho người!
Sư: Ta không hề dùng ngoại cảnh để dạy
cho người.
Tăng: Tổ Đạt Ma khi ở Ấn Độ qua, chẳng
hay bản ý người muốn truyền gì ạ?
Sư: Đó là cây bách trước sân.
Nhìn đây mới thấy Triệu Châu khi nói đến
cây bách, ông không đề cập cây bách như một khách thể (ngoại cảnh) đã
được phân biệt với chủ thể là con người. Ta hiểu rằng cây bách ông trình
bày vốn có trước sự phân biệt ấy nghĩa là khi còn ở trong trạng thái
“chủ khách vị phân” hay “vật ngã nhất như, thiên địa nhất mai” (mọi vật
và ta như một, trời đất cùng chung mối).
Đức Phật Thích Ca khi thiền định sâu
lắng dưới gốc cây bồ đề, đã làm trống không được tự ngã, đạt đến cảnh
địa của vô ngã, đả thành nhất phiến, mới thoáng nhìn thấy sao Mai trên
trời mọc vào buổi sáng, đã phá vỡ được cái vô ngã của thiền định để nhập
vào cái ngã vô-ngã, tự mình giác ngộ được tự kỷ bản lai (mặc nhiên đả
phát). Lão sư Yamada Mumon (Sơn Điền, Vô Văn) tưởng tượng lúc đó ngài
chắc đã phải thốt ra một câu như: “Ôi chao, ta đang chiếu sáng lấp
lánh!”. Đó là hình ảnh của trạng thái “vật ngã nhất như, ngã tha bất
nhị” trong cái tôi vậy.
Vị dụ lúc sấm nổ ì ầm thường kèm
theo ánh chớp loang loáng. Nói một cách cực đoan thì cái ngã (chủ quan)
chẳng có mà thế giới (khách quan) cũng chẳng có, họa chăng cái “loang
loáng, ì ầm”. Đó là thể nghiệm trực tiếp mà việc “phân biệt” tự với tha
không thể xen vào giữa. Chỉ là sự phá vỡ của thể nghiệm trực tiếp về
“bình đẳng”. Một bên là tôi, chủ thể, một bên là hai dòng điện dương và
âm, khách thể, không biết làm cách nào mà sự phân biệt giữa chủ thể và
khách thể chỉ có thể là chuyện xảy ra sau đó. Như vậy, thiền là cái đạo
dẫn đến sự tự giác về cái ngã vô-ngã qua thể nghiệm thuần túy có vào
thời điểm “chủ khách vị phân dĩ tiền” (trước khi chủ thể và khách thể
tách
ra khỏi nhau).
Chữ 無 (Vô)
qua thư pháp của Thiền sư Hakuin
[1]
Thoại thấy chép trong Triệu Châu Lục.
[3]
Nguyên văn: Như hà thị tổ sư Tây lai ý? Một sáo ngữ hay dùng giữa
thiền gia, không có tính cách lịch sử mà chỉ có ý nói: Xin giải
thích đâu là cốt lõi của tinh thần Thiền tông?”
[4]
Ryômin hiểu như sau: “Người tiếp thu ngôn ngữ như nó là, sẽ đánh mất
sự thực đầu tiên. Còn người bám chặt vào câu cú là kẻ hãy còn mê
muội lầm lạc.”
http://www.buddhismtoday.com/viet/thien/vomonquan_40.htm