- VÔ MÔN QUAN
-
無門関
- Chữ Vô của Phương Đông
- Nguyên tác Vô Môn Quan: Vô Môn Huệ Khai
Dẫn nhập và chú giải: Nishimura Eshin
Bình luận: Giáo sư Akizuki Ryômin
- Biên dịch: Nguyễn Nam Trân
- Bản Thảo - 2009 -
Tắc số 38:
Đuôi trâu không lọt song cửa (Ngưu
quá song linh)[1].
牛過窓櫺
Bản tắc:
Ngũ Tổ Pháp Diễn[2]
nói rằng:
-Ví dụ nhìn một con trâu đang đi
ngang qua song cửa sổ để ra ngoài đường, thấy nó lọt được cả đầu, sừng,
chân trước lẫn chân sau. Hỏi thử vì cớ gì chỉ còn mỗi cái đuôi lại không
lọt qua nốt vậy nhỉ?
Bình Xướng:
Vô Môn nói rằng:
Đứng trước sự thể như thế, nếu có
con mắt nhìn thấu suốt (nhất chích nhãn) sự chân thực và thốt ra một câu
nói chuyển mê khai ngộ thì đã báo đáp ơn nghĩa xã hội mình mang (báo tứ
ân)
[3],
lại có thể cứu độ sinh linh đang sống trong phiền não khổ đau của cõi
đời (tư tam hữu)[4]
này. Còn như nếu chưa làm được thì điều tiên quyết là phải nhìn sao để
thấy được cái đuôi trâu đó.
Tụng:
Bèn có bài tụng:
Quá khứ đọa khanh tiệm,
Hồi lai khước bị hoại.
Giả ta[5]
vĩ ba tử,
Trực thị
[6]thậm
kỳ quái.
過 去 墮 坑 塹
回 來 卻 被 壞
者 些 尾 巴 子
直 是 甚 奇 怪
(Qua được thì rơi xuống hố thôi,
Giật lùi lại cũng nát tan đời.
Rồi đây một cái đuôi con đó,
Kỳ quái sinh bao chuyện động trời!)
Lược dịch lời bàn của Giáo sư
Akizuki Ryômin:
Tại sao con trâu đã lọt qua hết những bộ
phận lớn, chỉ còn cái đuôi không sao lọt nốt?
Vì công án khúc mắc này, tôi đã
cất công đi dọ hỏi nhiều vị thầy. Trong quyển “Công án- nhập môn thiền
thực tiển” do Chikuma Thư Phòng xuất bản, tôi đã trình bày ý kiến của
mình. Xin quí độc giả đọc hộ cho[7].
Ở đây, tôi chỉ xin thông báo là dưới trướng Thiền sư Hakuin, công án
Ngưu Quá Song Linh nói trên là một trong những công án xếp vào loại “nan
thấu” (those difficult to pass through).
Lúc đưa ra Bát nan thấu tức 8 công án thuộc vào loại
khó hiểu thông suốt này, Thiền sư Hakuin có bảo: “Ở chỗ cuối cùng, cửa
lại đóng nghìn trùng. Đây là cái bệnh trong tim phổi gan ruột của người
tu thiền. Nếu không có ải có khóa, mệnh của Thiền tông sẽ tuyệt. Cho dầu
bị khóa, xin mọi người hãy cố vượt qua. Không vượt qua được thì không
phải là thiền. Cá lý ngư còn vượt được cửa Long Môn Vạn Lý. Con chồn
hoang còn vượt được cổng đền Inari[8].
Đã ăn cơm thiền, không thể không vượt qua ải lẫn khóa”. Bát nan thấu là
những tắc sau: Sơ sơn thọ tháp, Ngưu quá song linh, Càn Phong tam chủng,
Tây ngưu phiến tử, Bạch Vân vị tại, Nam Tuyền thiên hóa, Thanh nữ ly hồn,
Bà tử thiêu am[9].
Người ta gọi nó là móng vuốt để đào bới nguồn pháp hay những thần phù
đoạt mệnh”. Khác với lão sư Hakuin, tôi đặt Thanh nữ ly hồn vào loại
Pháp thân và xem Bạch Vân tự tại thuộc về loại hướng thượng.
[1]
Thoại này có chép trong Ngũ Tổ Pháp Diễn Thiền Sư Ngữ Lục. Theo
Tưởng Sơn Lục ghi lại trong Ứng Am Đàm Hoa Thiền Sư Ngữ Lục noi đây
là một ví dụ mà Ứng Am đã đưa ra cho Phật Nhãn (tức Vô Môn Huệ Khai)
(theo Vạn Tục Tạng, 120-841 hạ). Eshin trong nghiên cứu về Phật Giáo
Cấp Cô Trưởng Giả Nữ Đắc Độ Nhân Duyên Kinh, có nhắc đến chuyện “Con
voi qua song cửa” trong Đại Chính Kinh 2-853 trung.
[3]
Tứ ân. Theo Đại Chính Kinh 3-297 thượng cho biết, Tâm Địa Quan Kinh
có nói con người ai nấy đều phải chịu 4 ân (phụ mẫu ân, chúng sinh
ân, quốc vương ân, tam bảo ân).
[4]
Ba khu vực sinh tồn: tam giới. Có nghĩa là dục giới, sắc giới và vô
sắc giới, nơi còn người ta còn phải luẩn quẩn trong vòng sinh tử..
[5]
Giả ta, hiểu như già ta: từ đây trở đi. Ta là tiếp vĩ ngữ chỉ số
nhiều.
[7]
Rất tiếc cho đến hôm nay, người dịch chưa có trong tay quyển sách
này để ghi lại luận điểm của Ryômin. Hẹn sẽ bổ sung trong tương lai.
[8]
Đền Inari thờ thần nông nghiệp, kho lẫm. Thành ngữ Nhật Bản chỉ sự
khó khăn.
[9]
Xin xem thêm lời giải thích về Hệ thống công án của Thiền sư Hakuin
trong phần phụ lục.
http://www.buddhismtoday.com/viet/thien/vomonquan_41.htm