Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .
VÔ MÔN QUAN  -  無門関
Chữ Vô của Phương Đông
Nguyên tác Vô Môn Quan: Vô Môn Huệ Khai
Dẫn nhập và chú giải: Nishimura Eshin
Bình luận: Giáo sư Akizuki Ryômin
Biên dịch: Nguyễn Nam Trân
Bản Thảo   - 2009 -

Tắc số 42: Cô gái xuất thiền định (Nữ tử xuất định)[1].

女子出定

Bản tắc:

Khi xưa, có lần Bồ Tát Văn Thù[2] đến nơi chỗ chư Phật hội họp với Đức Thế Tôn[3] thì vừa vặn hội đã tan, các vị ấy đều trở về bản địa cả rồi. Chỉ còn một người con gái ngồi rất gần bên ngài, cứ như thế mà tiếp tục nhập định (tam muội) [4]. Bồ Tát Văn Thù thấy vậy bèn bạch với Thế Tôn:

-Cớ sao người thiếu nữ có thể ngồi sát bên Phật tòa mà đệ tử không được phép.

Nghe thế, Thế Tôn mới dạy:

-Nhà ngươi hãy thử làm cho người gái này xuất định rồi trực tiếp hỏi chắc hay hơn!

Do đó, Bồ Tát bèn đi quanh (tay mặt) người ấy ba vòng[5], búng ngón tay một cái thành tiếng[6] rồi đặt nàng lên tay đưa lên thượng giới (Phạm Thiên)[7], vận dụng hết sức thần thông để gọi nhưng vẫn không tài nào kéo cô ta ra khỏi trạng thái nhập định.Thế Tôn lại phán:

-Cho dù hàng trăm hàng nghìn Văn Thù hiệp sức lại cũng không làm cho người này xuất định được đâu. Phía dưới đây, ở một nơi xa thẳm qua khỏi cả thập nhị ức hà sa[8] quốc thổ, có một vị Bồ Tát tên là Võng Minh[9]. Chỉ có vị này may ra mới làm cho người con gái này xuất định được.

Ngay lúc ấy, Võng Minh Đại Sĩ[10] từ phía dưới bay vọt lên, sụp lạy ra mắt ĐứcThế Tôn. Rồi sau khi Thế Tôn ra lệnh cho Võng Minh, ông này mới đến trước mặt nàng búng tay một cái thành tiếng. Cuối cùng, lúc ấy, người con gái mới xuất định.

 

Bình Xướng:

Vô Môn nói rằng:

Cái lão Thích Ca khéo đóng trò kịch cỡm (tạp kịch)[11]. Nhưng hắn cũng có chút tài mọn[12] đấy chứ! Này, nói thử nghe coi! Người thầy của bảy vị Phật trong quá khứ là Bồ Tát Văn Thù vì cớ gì lại không thể kéo cô gái kia ra khỏi trạng thái thiền định? Chứ Bồ Tát Võng Minh chi chi đó, bất quá là một anh tu hành cấp bậc thấp kém nhất (sơ địa bồ tát), làm sao có thể kéo cô kia xuất định được nhỉ.Nhưng nếu ở đây ai có năng lực nhìn thấu suốt vấn đề thì sẽ thấy rằng con người đang bị túc nghiệp (nghiệp trong quá khứ) dẫn dắt (lúc quay phải lúc quay trái) cũng có thể đi đến chỗ đại thiền định[13].

 

Tụng:

Bèn có bài tụng:

Xuất đắc xuất bất đắc,
Cừ nùng
[14] đắc tự do.
Thần đầu tịnh quỉ diện,
Bại khuyết đáng phong lưu.

出 得 出 不 得 
渠 儂 得 自 由 
神 頭 並 鬼 面 
敗 闕 當 風 流

(Xuất ra khỏi định hay không xuất,
Người với ta đều được tự do.
Đầu thần, mặt quỉ đem ra diễn,
Dù cho thất bại vẫn ra trò)

 

Lược dịch lời bàn của Giáo sư Akizuki Ryômin:

Tại sao Bồ Tát Văn Thù, đức Phật của trí tuệ, tượng trưng cho Bát Nhã, ông thầy của 7 vị cổ Phật, là Phật Mẫu (người sinh ra Phật), mà thần thông lại kém cả một Bồ Tát sơ địa là hàng yếu kém nhất trong thập địa như Võng Minh?[15]

Công án này cũng có điểm trọng yếu (nhãn mục) của nó và mỗi người trong chúng ta sẽ tìm ra được bằng thể nghiệm bản thân. Chỉ xin đưa ra một gợi ý nho nhỏ. Trước đây, chúng ta có lần nói đến “nan thấu” nghĩa là “không cách chi đi suốt qua được”. Nó tương đương với hoàn cảnh “không cách chi xuất định được” ở đây. Nếu ta còn nghĩ “thấu suốt là tốt, không thấu suốt là xấu”, “xuất định là tốt, không xuất định là xấu” thì sẽ rơi vào sự phân biệt. Tóm lại, chuyện có phải như thế không ạ?


 


[1] Thoại này phỏng theo truyện có chép trong Chư Phật Yếu Tập Kinh quyển hạ (xem Đại Chính Tạng 17-763 trở xuống). Người thiếu nữ trong truyện tên là Ly Ý. Cũng có thấy trong Cảnh Đức Truyền Đăng Lục quyển 27. Trong làng thiền, hay dùng nó như công án.

[2] Văn Thù, lược từ chữ Văn Thù Sư Lợi, dịch âm tiếng Phạn Manjusri. Còn được dịch ý là Diệu Cát Tường, Diệu Đức, Diệu Thủ, vị bồ tát ngồi bên tay tả của Phật Thích Ca và tượng trưng cho trí tuệ.

[3] Xem chú của tắc 6.

[4] Tam Muội, dịch âm Phạn ngữ Samandhi. Còn có thể gọi là Tam Ma Địa, Tam Ma Đề, Tam Muội Địa. Dịch theo ý là Định, Chính Thụ, Định Tuệ, Đẳng Trì…Chỉ trạng thái tinh thần chuyên chú về một mối (tâm cảnh).

[5] Nguyên văn “hữu nhiễu tam táp”: đi vòng bên tay mặt ba lần. Cử chỉ này là theo lễ nghi Ấn Độ khi đến thăm bậc trưởng giả.

[6] Búng tay, khẩy tay (thiền chỉ) có hai cách: kinh giác thiền chỉ (làm cho kinh động để đánh thức) và khứ uế thiền chỉ (để tẩy trừ uế trược)..

[7] Phạm Thiên (Phạn Thiên) là 3 tầng trời đầu tiên của 18 tầng trời trong sắc giới: Phạm Chúng Thiên, Phạm Phụ Thiên, Đại Phạm Thiên. Đây là chỗ xa rời tục giới, thường được để chỉ Đại Phạm Thiên không thôi. Cùng với Thích Ca Thiên, Phạm Thiên được coi như thần hộ pháp của Phật giáo.

[8] Hằng Hà sa số: cát sông Hằng, ý nói rất rất nhiều.

[9] Võng Minh, Võng cũng hiểu như Vô nên còn gọi là Vô Minh. Bồ tát bậc thấp kém nhất.

[10] Một cách gọi Bồ Tát.

[11] Loại kịch bình dân diễn vào thời Tống-Nguyên, có tiết mục đeo mặt nạ thần hay quỉ làm trò (xem câu 3, 4 trong bài tụng)

[12] Bất thông tiểu tiểu: không phải nho nhỏ, không đến nỗi tầm thường.

[13] Nguyên văn “nghiệp thức mang mang, na già đại định”. Na già (Phạn ngữ Naga) có nghĩa là đại long, con rồng lớn. “Đại long tam muội” có nghĩa là tâm cảnh an định như con rồng lớn cho dù đang chìm đắm ở trong thế gian đầy đau khổ.

[14] Cừ: hắn, nông (nùng): ta. Tiếng xưng hô của người bình dân. Hắn và ta để chỉ Văn Thù và Võng Minh, cả hai chỉ là một dù mang mặt nạ khác nhau.

[15] Ryômin hơi ít lời, trong phần bình luận ông chỉ tập trung vào chủ đề về sự phân biệt. Có thể hiểu thêm như Thánh Tham (dẫn bởi DĐH) là Văn Thù, tượng trưng cho trí huệ, còn vướng mắc vào sự chấp trước nam nữ, còn cậy vào thần thông để làm cho thiếu nữ xuất định..trong khi Võng Minh là phần sâu thẳm của tâm hồn (vô minh). Muốn xuất định, thiếu nữ phải tự mình giác ngộ từ chỗ sâu xa ấy (LND).

 


http://www.buddhismtoday.com/viet/thien/vomonquan_45.htm

 


Vào mạng: 10-4-2009

Trở về thư mục "Thiền Phật giáo"

Đầu trang