- VÔ MÔN QUAN
-
無門関
- Chữ Vô của Phương Đông
- Nguyên tác Vô Môn Quan: Vô Môn Huệ Khai
Dẫn nhập và chú giải: Nishimura Eshin
Bình luận: Giáo sư Akizuki Ryômin
- Biên dịch: Nguyễn Nam Trân
- Bản Thảo - 2009 -
Tắc số 45:
Người đó là ai? (Tha[1]
thị a[2]
thùy)[3]
他是阿誰
Bản tắc:
Thiền sư Đông Sơn Pháp Diễn[4]
nói:
-Dù cho Thích Ca hay Di lặc đi chăng
nữa, cũng chỉ là đầy tớ cho người đó. Vậy thử hỏi tên họ người đó là
chi?
Bình Xướng:
Vô Môn nói rằng:
Nếu như có năng lực nhìn rõ ràng được
nhân vật này là ai thì cũng giống như nhận ra được ông bố của mình giữa
phố phường đông đúc vậy. Bây giờ lại còn đem việc bố mình là ai mà hỏi
thiên hạ thì có phải chuyện cần thiết hay không?
Tụng:
Bèn có bài tụng:
Tha cung mạc vãn,
Tha mã mạc kỵ.
Tha phi mạc biện,
Tha sự mạc tri.
他 弓 莫 挽
他 馬 莫 騎
他 非 莫 辯
他 事 莫 知
(Cung người đừng giương nhé,
Ngựa người chớ đòi phi.
Người sai đừng thèm cãi,
Chuyện người biết để chi!).
Lược dịch lời bàn của Giáo sư
Akizuki Ryômin:
“Phật giáo” là lời dạy của Phật.
Đồng thời nó cũng có nghĩa là lời dạy để mỗi người trong chúng ta có thể
trở thành Phật. Cho nên dù có sự phân biệt Phật trong quá khứ như Thích
Ca, Phật trong tương lai như Di Lặc, tất cả các Phật đều bình đẳng, đều
là những kẻ đã giác ngộ (giác giả). Trước nhận xét “Thích Ca Di Lặc do
thị tha nô” (Thích Ca Di Lặc đều là đầy tớ của người ấy) thì “tha” hay
“người ấy” (đệ tam nhân xưng) là ai, đàn ông hay đàn bà, mà khiến cho
những vị “nhất thiết thành Phật” phải làm đầy tớ vậy?
Khi thành Phật, Thích Ca có nói: “Thiên
thượng địa hạ, duy ngã độc tôn” để bày tỏ tâm cảnh của mình. Quý độc giả
đều biết trong truyện ký, người ta chép Phật đã nói câu này sau khi ngài
vừa đản sanh. Do đó Thiền sư Vân Môn mới lớn tiếng: “Nếu lúc đó có mặt
tại chỗ thì ta sẽ đập chết cái thằng nhóc con ăn nói quàng xiên đó, rồi
vứt xác nó cho chó ăn!” Đối với Đại Ân Giáo Chủ Thích Ca Mâu Ni Phật,
Vân Môn không dám hỗn hào như vậy đâu! Thực ra, ông chỉ muốn, qua câu
nói này, chứng tỏ cái tâm cảnh “duy ngã độc tôn”, cho phép mình hoàn
toàn bình đẳng với Đức Thế Tôn. Cũng như tôi đã thưa bao lần, lời
của Vân Môn ở đây chỉ qua là biểu hiện thủ pháp tu từ “niêm lộng” đặc
sắc của thiền gia.
Người đã thành Phật, có được tâm cảnh
“thiên thượng địa hạ duy ngã độc tôn” là kẻ đã xác định được mình như
một chủ thể tuyệt đối, là một “chân nhân” (con người chân thực) cho nên
dầu là Thích Ca hay Di Lặc cũng chỉ đáng đóng vai đầy tớ (nô) cho họ.
Người có tham thiền chút ít, đều có thể hiểu điểm này khá dễ dàng.
Hiểu thì hiểu mà có khi chưa “thấu” được
công án đấy nhé! Theo lối học hỏi của chúng tôi, đọc tắc này xong rồi,
cùng một lúc, ta phải ngẫm nghĩ về tự nhãn của chữ “nô” ở đây lẫn chữ
“lộ” trong Tắc 36 Lộ phùng đạt đạo nữa kia!
Riêng về lời bình xướng của Thiền sư Vô Môn ở trên,
tôi thấy tự nó đã quá đủ, không cần phải thêm bớt. Bài tụng của ông thì
không được hay lắm, xin phép tạm hiểu nội dung là hãy quên tự ngã, cũng
đừng để ý đến cái tha mà hãy nhìn xuống chân mình (cước hạ chiếu cố).
[1]
Tha: người đó, đại danh từ chỉ ngôi thứ ba cả nam lẫn nữ, cả số
nhiều lẫn số ít. Cũng dùng giống như “Cừ”. Nhờ hiểu về nó mà người
tu thiền được giác ngộ.
[2]
A: tiếp đầu ngữ ý nghi vấn: a thùy, a ná, a ná cá. Cũng để chỉ sự
thân mật: a bà, a lang, a gia.
[3]
Thoại này có trong Pháp Diễn Thiền Sư Ngữ Lục, quyển trung phần
Thượng Đường (xem Đại Chính Tạng, 47-657 thượng) nhắc lại một câu
nói của cổ nhân.
http://www.buddhismtoday.com/viet/thien/vomonquan_48.htm