Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .
VÔ MÔN QUAN  -  無門関
Chữ Vô của Phương Đông
Nguyên tác Vô Môn Quan: Vô Môn Huệ Khai
Dẫn nhập và chú giải: Nishimura Eshin
Bình luận: Giáo sư Akizuki Ryômin
Biên dịch: Nguyễn Nam Trân
Bản Thảo   - 2009 -

Tắc số 46: Người leo đầu sào (Can đầu tiến bộ)[1].

竿頭進歩

Bản tắc:

Hòa thượng Thạch Sương[2] nói rằng:

- Khi đã leo lên tới đầu cây sao cao trăm thước rồi, hỏi làm cách nào để tiến thêm một bước nữa?

Lại có một vị cổ đức[3] dạy:

Bách xích can đầu tọa để nhân,
Tuy nhiên đắc nhập vi vi chân.
Bách xích can đầu, tu tiến bộ,
Thập phương
[4] thế giới hiện toàn thân[5].

百 尺 竿 頭 坐 底 人 
雖 然 得 入 未 為 真  
百 尺 竿 頭須 進  
十 方 世 界 現 全 身

(Sào cao trăm thước đã ngồi đây,
Tuy vững nhưng chưa thấu đạo dày.
Muốn thế, đầu sào nên bước tiếp,
Mười phương thế giới hiện cho ngay)
[6].

 

Bình Xướng:

Vô Môn nói rằng:

Nếu như chỉ cần tiến thêm một bước nữa thôi mà mười phương thế giới đều hiện ra được trên thân mình (tiến đắc bộ, phiên đắc thân) thì ngại gì không leo lên cái chỗ (Thế) ấy để được tôn quí (Tôn)! Nói vậy chứ, biết thì thử nói nghe coi, người đã đứng trên đầu ngọn sào trăm thước rồi, làm sao tiến thêm một bước nữa đây. Hà![7]

 

Tụng:

Bèn có bài tụng:

Hạt khước đính môn nhãn[8],
Thác nhận Định Bàn Tinh
[9].
Phan
[10] thân năng xả mệnh,
Nhất manh dẫn chúng manh
[11].

瞎 卻 頂 門 眼 
錯 認 定 盤 星 
拌 身 能 捨 命 
一 肓 引 眾 肓

(Nếu như tâm nhãn đã lòa,
Nhòm sao nào cũng nhầm cả.
Thiệt thân táng mạng mà thôi,
Như mù dắt mù kiếm lối).

 

Lược dịch lời bàn của Giáo sư Akizuki Ryômin:

Thiền sư Thạch Sương Sở Viên (986-1039) là tăng đời thứ 7 dòng Lâm Tế. Môn đồ của ông có người lỗi lạc như Từ Minh, người đã mở đường cho hai phái Hoàng Long và Dương Kỳ và cũng là tổ sư của thiền tăng đời thứ 9 là Vô Môn Huệ Khai. Người ở đầu sào trong công án của Sở Viên là người đang trong tâm cảnh thiền định tam muội, đả thành nhất phiến. Tâm cảnh ấy đã được thiền sư Hakuin ví von là “tứ phương bát diện bế băng sơn” (bốn bên tám mặt bị núi như bức tường băng giam kín). Có được cái tâm cảnh này đã là thể nghiệm được một thế giới tuyệt vời rồi nhưng nếu dừng lại đó thì vẫn chưa gọi là khai ngộ. Ví dụ của Sở Viên nếu đem phối hợp với 4 câu kệ của bậc cổ đức Trường Sa Cảnh Sầm (đệ tử của Nam Tuyền) sẽ giúp ta hiểu rõ hơn.

Khi có được tâm cảnh trong vắt của trạng thái “đả thành nhất phiến”, ta dễ rơi vào cái sai lầm là đem khẳng định mình đã hoàn toàn có được cảnh “tâm thân thoát lạc”. Do đó, chưa thể gọi là người đã ngộ đạo (Tuy nhiên đắc nhập vị vi chân, LND). Chỉ là lúc bước thêm bước nữa (tiến nhất bộ) thì mới tự giác, thể nhận được “toàn thân” (cái tự kỷ vô thức hòa hợp với vũ trụ mà thiên địa đồng căn, vạn vật nhất thể, nói cách khác, cái tự kỷ vô tướng). Trong ngôn ngữ của Hòa thượng Vô Môn, “tiến nhất bộ” đồng nghĩa với “mạc nhiên đả phát”.

Giống như nội dung hai tắc đã đề cập tới (Tắc 5 Hương Nghiêm thượng thụ và Tắc 43 Thủ Sơn trúc bề), ở đây, người tu học cũng bị du vào đường cùng, ngõ cụt “nói đã chẳng được, làm cũng không xong”, vừa khi “đả thành nhất phiến” thì mối “đại nghi” đã hiện ra lồ lộ (đại nghi hiện tiền). Bấy giờ, người tu hành tuyệt đối không còn được nhờ vào cái tâm phân biệt để xét đoán nữa. Chỉ còn trông cậy vào một điều. Đó là cái chết của chủ thể đã tạo ra cái tâm phân biệt kia, nó vốn có tên là tự ngã. Lúc đạt đến trạng thái thiền định, ta mới chỉ là ngồi trên đầu ngọn sào trăm thước (bách xích can đầu). Phải “tiến nhất bộ” để cho tự ngã chết đi và tự kỷ sống dậy (tự ngã tử, tự kỷ hoạt). Thể nghiệm đó, như đã trình bày trong những công án khác, được tóm tắt trong câu nói: “Đại tử nhất ban, tuyệt hậu tô tức” (Chết một cái chết lớn, để phục sinh với con người mới). Để mệnh danh nó, Hòa thượng Vô Môn đã lần lượt sử dụng những câu chữ như “mạc nhiên đả phát”, tự giác bản lai tự kỷ” hay “ngộ”. Chết đi để sống lại là đạo của Thiền vậy.

Yếu quyết của thành đạo nằm trong 3 chữ Giới, Định, Tuệ. Nhờ ở sự cam kết trì giới, ta có thể tự mình đặt qui luật cho mình trong đời sống hàng ngày. Như vậy ta sẽ điều lý, chỉnh đốn được tâm thân. Thế rồi, ta mới đem tâm thân đã được chỉnh đốn ấy ra, tập trung toàn thân toàn linh chiêm nghiệm công án. Đó là lối vào trạng thái đại nghi, thiền định, vô ngã tam muội. Chính vì muốn hội đủ điều kiện để đi đến trạng thái đó mà những người tu hành phải phủ định cái tâm phân biệt và tự ngã. Mục đích họ tìm đến là thể nghiệm vô ngã trong thiền định. Rồi khi từ đầu sào bước được thêm bước nữa, thiền định sẽ bị phá vỡ, người tu hành thể đắc được trí tuệ Bát Nhã (trực giác của tính linh) và tự giác tự kỷ vô tướng.  


 


[1] Thoại này có chép trong Cảnh Đức Truyền Đăng Lục quyển 10 và Ngũ Đăng Hội Nguyên quyển 4 trong chương về Trường Sa Cảnh Sầm, thế nhưng không thấy trong các ngữ lục của Thạch Sương Khánh Chư lẫn Thạch Sương Sở Viên.

[2] Có hai vị cùng tên Thạch Sương. Đó là Thạch Sương Khánh Chư (đời thứ 5 dòng Thanh Nguyên, 807-888) và Thạch Sương Sở Viên (đời thứ 7 dòng Lâm Tế, 987-1040). Theo Eshin, Hòa Thượng Thạch Sương ở đây chỉ có thể là Sở Viên.

[3] Một người xưa đáng kính, ý nói Trường Sa Cảnh Sầm.

[4] Thập phương: đông tây nam bắc tứ duy thượng hạ. Ý nói thế giới bao la rộng lớn nơi chúng sinh tồn tại.

[5] Một người coi như đã ngồi vững vàng trên ngọn sào cao trăm thước, cho dù đã leo lên được tới nơi đó nhưng vẫn chưa có thể nói đã đạt đến sự chân thực.Từ đầu ngọn sao trăm thước đó phải bước thêm lên nữa để cho tất cả mười phương thế giới bộc lộ trên khắp thân mình.

[6] Chết con người cũ để sinh ra làm con người mới

[7] Nguyên văn A! một tán thán từ, nói ra trong trạng thái đã đình chỉ mọi phán đoán.

[8] Con mắt thứ ba nằm dọc, khác vói hai nhục nhãn nằm ngang, có thể nhìn thấy thế giới. Giống như trực giác, còn gọi là đệ tam nhãn, tâm nhãn.

[9] Xem chú của tắc 30.

[10] Phan :lật (thủ+ biện, theo Ryômin), Eshin viết là Phan (thủ+bán): vứt bỏ.

[11] Lời trong kinh Đại Ban Niết Bàn, quyển 29 (xem Đại Chính Tạng 17-793 trung).

 


http://www.buddhismtoday.com/viet/thien/vomonquan_49.htm

 


Vào mạng: 10-4-2009

Trở về thư mục "Thiền Phật giáo"

Đầu trang