- VÔ MÔN QUAN
-
無門関
- Chữ Vô của Phương Đông
- Nguyên tác Vô Môn Quan: Vô Môn Huệ Khai
Dẫn nhập và chú giải: Nishimura Eshin
Bình luận: Giáo sư Akizuki Ryômin
- Biên dịch: Nguyễn Nam Trân
- Bản Thảo - 2009 -
Tắc số 48:
Một đường của Càn Phong (Càn Phong nhất lộ)[1].
乾峰一路
Bản tắc:
Có hôm, một tăng sĩ hỏi Hòa
thượng Càn Phong
[2]:
-Theo kinh sách thì “Thập vạn
chư Phật
[3]
đều đi theo một con đường để được vào cửa Niết Bàn thanh tịnh”. Bây giờ
tôi vẫn chưa biết con đường đó bắt đầu ở đâu?
Càn Phong mới cầm cây trụ trượng giơ
lên, vạch một đường trên không trung và nói:
-Nó ở đây nầy!
Sau đó, vị tăng đó lại đến hỏi
thêm
[4]
với Hòa thượng Vân Môn, và xin được dạy bảo cùng một chuyện. Vân Môn bèn
đưa cây quạt mình vẫn nắm trên tay lên, trả lời:
-Quạt này bay lên Tam Thập Tam
Thiên[5],
đâm thốc vào lỗ mũi của Đế Thích[6].
Đánh xong một gậy vào con lý ngư ở Đông Hải thì mưa to giáng xuống như
cầm chỉnh đổ.
Bình Xướng:
Vô Môn nói rằng:
Một người xuống tận đáy bể sâu mà
đi, cát tung bụi bốc, một người đứng trên núi cao, dậy sóng bạc ngàn
trùng, ngập lụt đất trời.[7]
Kẻ nắm chặt chẽ, người lại buông lơi, thế mà cùng nhau mỗi bên đưa một
cánh tay, hợp sức đỡ nhà Thiền được vững! Thoạt tưởng (chuyện nguy hiểm
như) hai thớt lạc đà đâm vào nhau mà trên đời này không ai can thiệp
nổi. Nếu mà giương chính nhãn nhìn thật tỏ tường, mới thấy Càn Phong lẫn
Vân Môn, cả hai ông vẫn chưa biết đường lên Niết Bàn bắt đầu từ điểm
nào!
Tụng:
Bèn có bài tụng:
Vị cử bộ thời tiên dĩ đáo,
Vị động thiệt thời tiên thuyết liễu.
Trực nhiêu[8]
trước trước tại cơ tiên,
Cánh tu tri hữu hướng thượng khiếu[9].
未 舉
步
時 先 已 到
未 動 舌 時 先
說
了
直 饒 著 著 在 機
先
更 須 知 有 向 上
竅
(Chân bước chưa ra, tới trước rồi,
Lưỡi toan ngọ ngoạy, đã xong lời.
Nhớ cho trăm sự dù mau mắn,
Đích ấy đường lên vạn dặm khơi).
Lược dịch lời bàn của Giáo sư
Akizuki Ryômin:
“Thập phương Bạc Già Phạm. Nhất lộ
Niết Bàn môn”
Niết Bàn[10]
trong câu nói mà Hòa thượng Việt Châu Càn Phong dẫn ra ở đây là một ý
niệm (idea) mà Thích Tôn khi đi tìm đường giải thoát bằng tôn giáo, đã
dựng nên để gọi một thế giới vĩnh viễn bình an, nơi chúng sinh không còn
phải gặp khổ cảnh sinh tử luân hồi không dứt trong cõi lục đạo . Thế
nhưng lúc Thích Tôn đang trên đường tu hành để tìm về Niết Bàn, ngài
bỗng chứng ngộ được tâm Bồ Đề. Sau khi chứng ngộ thì ý niệm Niết Bàn đặt
ra từ lúc bắt đầu tu hành với nội dung tiêu cực đã được dùng để chỉ
trạng thái ngộ, tức mang một nội dung tích cực hơn. Thế rồi Thích Tôn
đem cái ngộ của mình để giảng dạy đạo pháp qua 4 pháp môn gọi là “Tứ Đế”
và cho rằng nguyên nhân của mọi sự đau khổ là lòng “khát ái” (dục vọng
quá mạnh mẽ). Dập tắt được ngọn lửa dục vọng đó là đạt dược trạng thái
Niết Bàn vậy. Tóm lại, chữ Niết Bàn bây giờ nên hiểu theo nghĩa “tâm
cảnh của người đã ngộ đạo”.
Thập phương chư Phật khi muốn vào Niết
Bàn môn tức là cửa vào cõi ngộ cho đến nay đều theo “nhất lộ” tức là một
con đường. Trước câu hỏi xem con đường ấy nằm ở đâu, Hòa thượng Càn
Phong chỉ lấy trụ trượng để vạch một đường trong không gian và bảo “Nó ở
đây này!”. Việc khám phá ra cái “chỗ” (trường sở) là một việc trọng đại
của Thiền đạo Phật pháp mà những chữ như “Ở đâu?” (thậm ma) và “Ở đây!”
(giá lý) đều có chiều sâu triết học của nó. Càn Phong khi dùng trụ
trượng để vạch một vạch và nói “Ở đây!” thì qua cái máy động thiền cơ
đó, ông như muốn nhắn bảo “Ở đây, bây giờ và chính mình!” (Thử xứ, tức
kim, tự kỷ). Ngoài “chỗ” đó ra, không một nơi nào có thể tu Phật (Phật
hành) được. Do đó, người tu thiền chỉ sống cuộc đời “bình thường” thì
cũng có thể tìm thấy “nhất lộ” mà thập phương chư Phật đã đi qua để vào
“Niết Bàn môn”.
Đến khi vị tăng sĩ đem thắc mắc của ông
hỏi thêm nơi Hòa Thượng Vân Môn Văn Yển (864-949) thì người lại đưa lá
quạt lên để trả lời. Lá quạt của Vân Môn cũng như cây trụ trượng của Càn
Phong không có gì đặc biệt, chúng chỉ là những dụng cụ. Có chăng là khí
thế trong cái máy động nơi Vân Môn và lá quạt ấy tượng trưng cho con
người “vô vị chân nhân” của ông. Còn con cá chép (lý ngư) ở Đông Hải có
lẽ là cái tự ngã (ego), sau khi nhận một hèo đòn đã hóa rồng, biến thành
tự kỷ (self) và phun nước, đổ mưa xuống chan hòa.
Trước đây tôi đã dịch nghĩa “Nhất
lộ Niết Bàn môn” là “Một con đường để đi đến Niết Bàn”, bây giờ có lẽ
phải hiểu thêm với một nghĩa khác, ấy là “Một con đường từ Niết Bàn ra
đi” nữa kia. Tôi không luận về nó với cái nhìn ngôn ngữ học mà nhìn nó
dưới khía cạnh tôn giáo. Trong lối nhìn thứ hai, sự hướng thượng hay từ
ra đi từ “tự ngã” (ego) để tiến lên tự kỷ (self) (còn gọi là hướng
thượng môn) nếu cứ như thế mà không có hướng hạ môn[11]
tức quá trình từ tự kỷ đi xuống tự ngã thì cũng không dược.
Nghĩa là phải có hai người, kẻ lên đỉnh núi, người
xuống đáy biển, kẻ giữ chịt (bả định), người buông lơi (phóng hành), mỗi
bên đưa một tay để xây dựng Thiền tông. Tuy cái “giữ chịt” của Càn Phong
và cái “buông lơi” của Vân Môn trái ngược như hai con lạc đà chạy đến từ
hai phía đối diện, đâm bổ vào nhau với sức mạnh kinh khủng mà
không ai dám đương đầu, nhưng nếu lấy chính nhãn mà nhìn thì hai đại lão
thiền sư, theo như Vân Môn, vẫn chưa ai thấy lối lên Niết Bàn cả.
[1]
Thoại này có trong Vân Môn Quảng Lục quyển trung,
cũng như ở Ngũ Đăng Hội Nguyên quyển 13 chương về Càn Phong.
[2]
Việt Châu Càn Phong (năm sinh và mất không rõ) là
một thiền sư cuối đời Đường. Ông thuộc tông Tào Động, nhận pháp tự
của Động Sơn Lương Giới (807-869). Ông có bài thuyết pháp nổi tiếng,
đại ý: “Pháp thân có 3 bệnh và hai thứ ánh sáng. Nên hiểu thấu được
từng cái thì sau đó mới có thể về nhà ngồi yên (qui gia ổn
tọa)”.Truyện có trong Cảnh Đức Truyền Đăng Lục quyển 17 và Ngũ Đăng
Hội Nguyên quyển 13.
[3]
Nguyên văn :Thập phương Bạc Già Phạm. Nhất lộ
Niết Bàn môn là chữ trong kinh Thủ Lăng Nghiêm quyển 5. Bạc Già Phạm
là 1 trong 10 danh hiệu của Thích Ca. Phạn ngữ Bhagavan, biến
âm của Bhagavat tức Đức Thế Tôn.Nói chung là thập phương chư
Phật.
[4]
Nguyên văn : thỉnh ích. Hỏi thêm cho rõ nghĩa.
[5]
Một từng trời trong Lục Dục Thiên trên núi Tu Di,
có Đế Thích cai quản ở trung ương và các vị thiên tiên khác họp
thành 33 vị.
[6]
Đế Thích là chủ của Tam Thập Tam Thiên, hợp sức
với Phạm Thiên bảo về Phật pháp.
[7]
Câu nói trong Cảnh Đức Truyền Đăng Lục quyển 14:
Trực tu hướng cao cao sơn đính tọa, thâm thâm hải để hành.
[8]
Trực nhiêu: giả sử, dù cho.
[9]
Theo Eshin, đây toàn là chữ dùng trong khi chơi
cờ vây, đặt từng quân lấn nước thì dễ nhưng thắng được bàn thì còn
cần cố gắng nhiều. Khiếu: điểm then chốt.
[10]
Nguyên văn Phạn ngữ Nirvana là trạng thái
mà ngọn lửa mê đã bị thổi tắt.
[11]
Ý nói hạ mình xuống , giúp đỡ tha nhân để họ cũng
được giác ngộ.
http://www.buddhismtoday.com/viet/thien/vomonquan_51.htm