Mỗi khi bước chân vào vườn thơ của T.K.Thiện
Hữu, tôi thường tần ngần e ngại, không biết đầu óc nhỏ bé của
mình có dung chứa nổi sự uyên thâm diệu kỳ của những đoá thơ vừa
hương sắc, vừa dập dờn những mây khói huyền nhiệm thâm trầm.
Thôi thì cứ tự nhiên như mây gió, không dính
mắc ưu tư. Tâm hồn cố được như những áng thơ bay như mây, đến đi,
đi đến trong lòng, ẩn hiện mênh mông như sóng nước mênh mông.
Chọn vài bài thơ lạ, không hẳn là tiêu biểu
cho chủ đề Một Thoáng Thiên Thu, mà vì tôi thấy thấp thoáng hình
ảnh thân phận của kiếp nhân sinh, được chuyển hoá tốt đẹp trong
khu vườn địa đàng xanh cây nhân ái. Có phải con người là những
đoá hoa, đã từng nở trong chính vườn đời của mình? Cơn mê sinh
tử gần tàn, bóng mát thời gian sắp vỡ, con người vẫn còn loay
hoay góp nhặt tàn hương dĩ vãng để dành cho ánh sương mai. Hoa
rụng thôi mơ màng. Ngày mai không còn tàn hoa ru đất, nhưng sẽ
có nụ tâm hoa mới nhú lên giữa đất trời, e ấp hương phấn trinh
thành. Xin chấp tay tạ ơn đời đã cưu mang và cho con người bao
điều mới lạ như nhà thơ đã ca ngợi:
Ơn đời quỳ bái tạ
Cuộc hồng trần xa
khơi
Ôi trăm lời mới lạ
Ngàn năm vẫn tuyệt
vời… (Trăng Sáng Ngàn Năm)
Hư không bao la bất động, bình thản nhìn mây
đến rồi đi ơ hờ. Không gian từ bi bát ngát đón nhận con người
hiện hữu, rồi giã từ ra đi không chút luyến lưu, dù hoàn thành
hay dở dang sứ mạng đời mình. Hiếm khi chúng ta tạ ơn đời như
người thi sĩ đã tạ ơn. T.K.Thiện Hữu đã rãi thơ bay trên khắp
nẽo đường sinh tử, làm cánh dù che các sinh linh nhỏ bé trong
kiếp phù sinh ngắn ngủi. Những cánh thơ sáng dịu ánh trăng tròn,
không những ngàn năm mà tận cõi xa xăm, đã toả chiếu vào phút
giây hiện tại và trở thành một thoáng thiên thu vô quái ngại tâm
hồn.
Hơn nữa, người thơ còn gởi một thông điệp cho
cuộc đời, một lòng chỉ bày cho thế nhân thấy rõ, trong cuộc tử
sinh huyễn mộng, chỉ cần ngước mắt lên, ánh sáng chân lý sẽ rạng
ngời xoá tan đêm đen đày đoạ và con người thật của chính mình sẽ
hiển lộ toàn chân:
Đêm mộng dài đã
dứt
Chân diện mục
tương phùng
Ung dung bao ngày
tháng
Ánh sáng từ không
trung…..(Trăng Sáng Ngàn Năm)
Mọi đớn đau buồn phiền tan vỡ dưới những bước
chân nhẹ nhàng của giải thoát từ bi. Thơ của T.K.Thiện
Hữu hiện lên những nét êm dịu hiền lành, đầy lòng nhiệt thành,
mong muốn trao tặng cho đời một phần sự sống của mình từ vô
lượng kiếp:
Thênh thang trên
đường bụi cát
Nghe sao tịnh lạc
trong lòng
Ta đi trao đời
nhựa sống
Ngọt ngào vào tận
tâm không….(Trên Đường Bụi Cát)
Tâm hồn luôn thực hành bốn tâm cao thượng
trong giáo lý Phật đà, thi sĩ sẽ cho tất cả yêu thương của mình
một cách hồn nhiên, không e dè, không tính toán và vui sướng
nhận lại những quả ngọt mọng chứa nước cam lồ của trần gian:
Thênh thang những
nơi được mất
Nghe câu diệu mật
diễm kiều
Trần gian trăm
điều thượng diệu
Giờ cùng chấp cánh
thương yêu….(Trên Đường Bụi Cát)
Bước chân thênh thang do sức mạnh nội tại
nâng đỡ, tâm Bồ đề trăng tròn thắp sáng đêm đen, đi mà sỏi đá
không đau, đất cát khát khao nhớ dấu. Vì những bước chân được
thiên chúng nâng đỡ bảo hộ sẽ làm cho cuộc đời trở nên nhẹ nhàng,
thanh cao thánh thiện. Còn những bước chân nặng nề của vô minh
toan tính sẽ để lại dấu vết khổ luỵ, nghiệp báo oan gia và những
dục vọng vô minh được dịp phát sinh. Nhưng may thay, gió thơ của
T.K.Thiện Hữu phần nào thổi tung những hệ luỵ đớn đau của thế
trần, hơi thở thương yêu bàng bạc từ vạn kiếp xa xưa trở về. Với
tâm thức mênh mông như mây ngàn núi bạt, người thơ đã ban phát
cho mọi loài những chân phúc an bình.
Chúng ta đã nhận những tặng phẩm trong lành,
hào phóng của đất trời, nhưng thường trả lại bằng những độc tố
Tham-Sân-Si. Trong khi đó, T.K.Thiện Hữu lại biết nương theo gió
để trở về cõi yên bình, cõi tâm thức mênh mông ngay trong kiếp
sống hiện tại. Hiện tại quý giá nhưng hiện tại không đứng yên
chờ. Bởi từng giây từng phút thời gian trôi qua vùn vụt không
thôi. Nơi đây, chất thơ của T.K.Thiện Hữu không những hết sức
tinh tế, thực tế, mà còn có ánh mắt sáng ngời, quan sát, thu
nhận mọi sự việc xung quanh một cách sống động và trung thực:
Ai lên mây ngàn
tột đỉnh
Kết thêm hoa bướm
mộng vàng
Tôi ngồi dưới cùng
đáy vực
Hứng bao bùn đất
gian nan
………………………….
Ai về những nơi
thành thị
Đắp xây mộng đẹp
trang đài
Còn tôi tìm nơi
hoang vắng
Xoay vào diện mục
bản lai…. (Dâng Hiến)
Hai đường Đạo-Đời tưởng chừng chia ra hai
hướng, nhưng lại cùng một nét đẹp diễm kiều của cách nhìn Thiền
học.
Lên cao thì nhẹ nhàng, chấp cánh an vui bềnh
bồng nhẹ êm trên mây trắng xoá. Xuống thấp thì nặng nề u uất tối
tăm, khổ đau im lặng. Nhưng với đại hạnh Bồ tát trên vai, thẩm
thấu viên âm nhỉ căn, nhà thơ đã nghe những tiếng kêu đau thương
của trần thế. Vì vậy, T.K.Thiện Hữu đã quyết định dâng hiến tuổi
thanh xuân của mình, phụng sự chúng sanh trên con đường trở về
quê hương tâm thức. Nơi đây, cái ta tiểu ngã không còn, mà hoà
chung trong một đại ngã mênh mông. Thể tánh thanh tịnh ngời sáng
của đại ngã như pha lê hiễn bày, cõi lòng tự phản quang vào diện
mục bản lai. Ngoài ra, nhà thơ mở tâm đón nhận những cảm xúc
thiên nhiên tuôn chảy toàn thân. Những hạt nước long lanh trong
veo, những tia nắng rực rỡ óng vàng, những vầng mây trắng bềnh
bồng trong hư không huyền ảo…, tất cả đều đượm thắm chân tình
của người xuất thế. Hơn nữa, T.K.Thiện Hữu cũng đã cảm nhận từng
nỗi trăn trở của ánh ban mai, từng giấc mơ đêm sau lúc trầm tư
và từng hơi ấm thiêng liêng của không khí trong lành nơi cõi Già
lam thanh tịnh:
Sáng nay ngoài
trời nắng ấm
Chim non hót điệu
Từ bi
…………………………
Cành cây phủ đầy
dương thế
Chạm vào trào mật
Tào khê…. (Vui Thú Nhân Ông)
Nơi cõi Ta bà vừa tuyệt thế vừa tang thương
này, khổ đau là một trong những yếu tố quyết định, dẫn đến tiến
trình tu tập, giải thoát giác ngộ và yên bình thân tâm. Chân lý
Tứ diệu đế như hồi chuông thức tỉnh vạn kiếp luân hồi, như dòng
nước thanh lương tắm mát, rữa sạch bao nỗi oan khiên, để có lúc
trở về. Trở về Vui Thú Nhân Ông giữa đất trời lồng lộng, là sống
trong đạo lý vi diệu nhiệm mầu của trí tuệ Bát nhã, là thấy rõ
mọi thành-bại, có-không trong cuộc đời chỉ là giấc mộng Nam Kha:
………………………………
Ngoài vườn hoa vờn
trên gió
Trong đây không có,
không không
Nơi đây đất trời
lồng lộng
Trở về vui thú
Nhân ông! (Vui Thú Nhân Ông)
Chân lý tối thượng của vũ trụ trước sau vẫn
là như vậy. Chu kỳ sanh trụ, hoại diệt của kiếp người vẫn tiếp
diễn không ngừng. Sự hiện hữu của con người ngay giữa cuộc đời
này, luôn ẩn chứa những mật ngọt thiên thu. Hành giả đi từ vô
thỉ để gặp nhau tại cuộc đời này và tiếp tục lên đường trở về
cõi vô chung tịch lặng. Hãy cùng nhau đi vào cuộc đời để ban
phát tình thương vô lượng. Làm được vậy, sự sống con người mới
có ý nghĩa, cuộc trùng phùng sẽ phác hoạ thêm nét chấm phá diễm
kiều trong kiếp phong trần.
Ở bất cứ bài thơ nào, chất liệu từ bi và ánh
sáng trí tuệ vẫn là linh hồn của T.K.Thiện Hữu. Nó được nuôi
dưỡng và thẩm thấu từ càn khôn đại địa. Bởi vì, túi càn
khôn chứa bao điều vi diệu thì túi thơ ca cũng chứa biết bao
diễm tình siêu thoát. Hình như T.K.Thiện Hữu từ nhiều kiếp xa
xưa đã từng khoác lên chiếc áo nâu sòng, nên chẳng những có thể
độc thoại với chính mình mà còn tâm tình với phiếm đá nhỏ bên
đường:
Tay nâng viên đá
xinh xinh
Hỏi em mấy tuổi
kết tình hay chưa
Thưa rằng em có
thượng thừa
Ngàn muôn cát bụi
cũng vừa lớn lên…. (Sỏi Đá Tự Tình)
Bao kiếp người trở thành bụi cát, dòng thời
gian chồng chất lên cõi hồng trần những mảnh đá xanh. Muôn ngàn
tâm tình đã in đậm dấu ấn và phủ kín trong lớp đá lạ lùng. Viên
sỏi nhỏ lắm khi lăn trôi theo dòng đời định mệnh, nhưng cũng có
lúc lại khoác lên đời những diễm lệ gấm hoa. Rồi đá lặng im lắng
nghe và chia xẻ với kiếp trôi nổi, chờ một ngày tươi đẹp, cây
đời đủ đầy duyên phận sẽ tạo thành một thể sắc dung thông. Viên
đá định mệnh tưởng chừng không có quyền chọn lựa một định hướng
cho riêng mình, nhưng tinh thể của chúng hữu tình và vô tình vẫn
luôn toả sáng trong nguyên chất kim cương rực rỡ:
Tấm thân dầu lắm
gập ghềnh
Nhưng lòng ấm áp
như bên lửa hồng
Rảnh rang về cõi
sắc không
Đoá kim cương sáng
cả trong lẫn ngoài… (Sỏi Đá Tự
Tình)
Thể tánh Như lai không dơ không sạch, tròn
đầy viên diệu. Đoá kim cương chân tâm đã chuyển hoá vô lượng đau
thương thành muôn ngàn hạnh phúc ngọt ngào. Đoá kim cương chân
tánh đã làm rung chuyển cả sơn hà đại địa, mở cửa mọi ngục tù
kiến chấp, vỡ tan những lớp ích kỷ nhỏ nhoi, để biến thành gấm
hoa diễm lệ. Bùng đất hay phiếm đá vô tình đã đến lúc trở thành
những tượng Phật linh thiêng, đủ đầy uy đức và chất liệu từ bi,
để lòng người nhất tâm chiêm bái ngưỡng vọng, bật thành tiếng
hát niềm vui Thiện thệ:
Vui niềm Thiện thệ
Như lai
Trinh thành sống
với trần ai tuyệt vời
Trao nhau trao cả
cuộc đời
Toàn thân sỏi đá
nở lời gấm hoa! (Sỏi Đá Tự Tình)
Tóm lại, cõi thơ của T.K.Thiện Hữu rất lạ
lùng, lạ lùng hơn sức sống nội tâm của thi sĩ. Chính những lạ
lùng này đã biến thi phẩm trở thành nguồn năng lực vô biên, phủ
vào cuộc sống những thương yêu tha thứ. Nguồn năng lực này vẫn
tuôn trào bất tận, hoà lẫn với nguồn năng lực siêu thế, tạo
thành suối mát từ bi, rửa sạch những cấu uế của kiếp nhân sinh.
Bởi lẽ, mỗi bài thơ của T.K.Thiện Hữu đã được kết tụ từ những
phương trời vô trụ, luôn toả sáng, luôn luân lưu thiên thu.
- Kỷ
niệm Mùa Phật Đản
- Phật
lịch: 2551; Dương lịch: 2007.
-
http://www.buddhismtoday.com/viet/tho/loigioithieu.htm
|