Trang tiếng Anh

    Đạo Phật Ngày Nay

Trang tiếng Việt

   

...... ... ..  . ..  .  .
MỘT THOÁNG THIÊN THU LUÔN TỎA SÁNG LUÂN LƯU

Trí Liên


Chiều nay ngồi trên gác nhỏ

Mưa tuôn ướt cả đường về

Ô hay tình người mẫn thế

Gánh thay đau khổ lầm mê

Tối nay ngồi đây hứng gió

Trên không vẫn đó bụi mờ

Trở thành bài thơ sâu lắng

Núi đồi bật tiếng hoan sơ

Sáng nay đất trời thanh vắng

Nghe sao tĩnh lặng không lường

Ô hay đời ta vui sướng

Vẫn còn muôn vạn niềm thương!!

 

Lời thơ mượt mà như lời nhạc. Nhạc quấn quít trong thơ thành tơ trời nhẹ tênh trong vắt. Không như nhạc vàng của một thời tuổi trẻ xa xưa giờ đã bạc màu trắng xoá vì lưỡi búa thời gian. Mà thơ của thi sĩ còn là lời kinh cầu trong thơ-Lời thơ kinh.

Thi sĩ T.K.Thiện Hữu đã thấy thơ trong mưa gió, đã thấy chân kinh trong mưa bụi cuộc đời và chia xẻ thân phận bọt bèo của chúng sinh đang trôi nổi theo dòng nước mắt của cuộc đời. Đôi vai người tu sĩ trẻ trỉu nặng vì gánh quá sức những khốn khổ mê lầm của sinh linh đang đổ dồn xuống vai người không ngơi.

Con người với bao khổ luỵ hoang mang trên những bước chân đời lúc nào cũng vội vã đuổi theo cuộc sống, đến nỗi con nắng cũng phải trốn vội về trời.

Con người với bao sầu thảm ngơ ngác, loay hoay mãi không tìm ra lối thoát trong sáu nẽo luân hồi, đến nổi gió cũng ái ngại muốn gánh dùm những hệ luỵ trần gian mà gánh gió lúc nào cũng không dính mắc nỗi. Không tìm ra ai và nơi nào có thể gánh vác thế ngoài cổng chùa từ bi, lúc nào cũng mở rộng cho thiên hạ tới tưới tẩm những gia vị cay đắng mặn chat của cuộc đời vào.

Nhà thơ lấy nước tịnh thuỷ giải oan khiên. Hứng gió ngàn bay về từ ngàn trùng thăm thẳm, quét sạch độc dược cuồng mê cho con người. Hiển nhiên, với tâm hồn trống rổng thì bao nhiêu phiền não cũng tan biến. Cõi lòng bình yên không lưu giữ điều gì nửa, ngoài những niềm vui tinh khiết tựa như núi rừng, tự nguyên thỉ luôn đơn sơ hoang vắng. Như vậy, thay vì gánh những tiêu cực của đời sống, nhà thơ đã chuyển hoá sang những khía cạnh đẹp đẽ mỹ miều. Điều mà chúng ta ai cũng biết nhưng ít khi làm được.

Quả thật, sau giông bão lạnh lùng, đất trời sẽ lại quang đản, vì đã rửa sạch bụi trần. Vì đó lá lẽ như thị, vì đó là lẽ tự nhiên. Nhà thơ như muốn dang tay ôm cả vũ trụ vì niềm vui sướng khi thấy chung quanh mình vẫn còn muôn vạn niềm thương. Vì tình thương đó thanh cao và tự nhiên như hơi thở của gió, như mưa báu của trời, như nhẫn nhục của đất, như nắng ấm xua tan giá băng của mặt trời hồng. Tình nhân thế!

Thứ tình được che chở và bảo bọc dưới tàng lọng của cây cổ thụ bác ái luôn được minh sát và quán chiếu qua ánh sáng minh mẩn sáng suốt ngọt ngào. Nếu chúng ta luôn quan sát Tứ niệm xứ-Thân thọ tâm pháp, trong minh trí là chúng ta đã nhìn thấy pháp và có được những giây phút sống bình yên an lạc. Chúng ta lên bờ an lạc rong chơi vui sướng trong một khoảng thời gian ngắn xong là chúng ta lại lội trở lại bờ bên này, tiếp tục những khổ luỵ của hồng trần, vì chúng ta vẫn là con người trần thế. Vẫn vô tư bận rộn trong những chen đua, tranh chấp của một đời sống không thể nào ngừng lại được. Vì ngừng lại cũng có nghĩa là bị đào thải, bị bỏ lại sau lưng mà hiếm có ai có can đảm đứng lại, trụ lại giữa thinh không sừng sững như núi đá giữa tư nghì.

Thôi thì, mỗi một ngày sống chỉ cần dành cho trái tim sự an lạc trong một bài tâm kinh, một bài thơ kinh, một bài nhạc kinh là chúng ta có đủ sức ngồi trên thuyền từ vượt qua ngàn trùng sóng gió phong ba bão táp, và sẽ như du sĩ hát giữa tự tình pháp âm-Ô hay đời ta vui sướng, vẫn còn muôn vạn niềm thương.

Dĩ nhiên, trạng thái nào dù vui sướng buồn phiền đến đâu cũng không thể kéo dài mãi theo lý vô thường. Chúng ta nên chấp nhận và nhận biết những cảm xúc trong nhận thức của mình. Khi vui biết đó là niềm vui và đón nhận niềm vui với tâm ý thức sáng lạn, và khi niềm vui giả từ bay sang chốn khác thì cũng chỉ tâm niệm niềm vui đã hết. Vui buồn cứ theo nhau tiếp nối trong vòng quay của chiếc đèn kéo quân.

Hành giả thực nghiệm được những trạng thái và phân biệt được sự đến và đi của những cảm thọ một cách nhuần nhuyễn chính xác thì sẽ vượt qua được mọi khổ đau. Vì chúng ta chỉ muốn được vui chư không chấp nhận sự buồn, nến chúng ta bị kẹt và băn khoăn khi rơi vào trạng thái buồn phiền tuyệt vọng. Trong khi thực chất, những cảm giác vui buồn gì cũng đều không thật. Gặp duyên thì chúng ta vui buồn, hết duyên không còn vui cũng không còn buồn nữa.

Hành giả luyện tập cho được ý thức biết rằng hạnh phúc và đau khổ cũng đồng nghĩa với phiền não, vì khi hạnh phúc bay mất rồi, chúng ta rơi vào cơn khủng hoảng còn tệ hại hơn khi chưa có chúng.

Tôi chỉ là một người bình thường lại thừa hưởng một nửa tinh huyết của cha từ sự can cường và một nửa noản châu của Mẹ từ sự yếu đuối pha trộn. Nên cứ bị rơi vào trạng thái mất quân bình giữa khổ đau và hạnh phúc. trải qua một thời gian chiêm nghiệm đau khổ ‘dưới cùng đáy vực hứng bao bùn đất gian nan’, tôi mới chợt tìm ra được sự cứu rỗi từ chính kinh nghiệm cảm xúc của mình, đó là truy tầm nguyên nhân của buồn phiền để tự mình chặt đứt. Giáo lý và phương pháp của Đức giáo chủ vĩ đại của chúng ta đã dạy rõ, nhưng với trình độ hạn hẹp tôi đã không tiếp thu hết được. Nên nếu hành giả chỉ biết về lý thuyết mà không thực hành thì vẫn còn bị dậm chân tại chỗ mãi, như tôi vẫn còn đó với những bước chân lúc nặng lúc nhẹ.

Thôi thì, nhà thơ của chúng ta với những lời thơ dịu dàng Bát nhã vừa tặng chúng ta tâm thơ, vừa tặng chúng ta tâm pháp và ý nghĩa cuộc sống tiêu dao ngày tháng há không đủ sao?

Chúng ta hãy lắng sâu tâm hồn tìm hiểu thêm bài thơ sau đây sẽ cho chúng ta thấy rõ tấm lòng hiền lành dịu dàng của nhà thơ. Có lúc cũng mềm mại như nước uyển chuyển xuôi dòng, mặc cho sóng lượn lờ êm ả hay phẩn nộ xoáy tung vũ bão. Nước vẫn là nước không tan không vỡ. Cũng có khi cứng cỏi như hoa đá, bướm bay hoa vờn vẫn trang nghiêm thân đá vàng. Nên mới có đủ thần công lực phá tan mọi chướng ngại, dẫm nát vô thường, tắt lịm đam mê:

Ai đi dẫm nát vô thường

Bổng nghe tiếng của ngàn thương vọng về

Xôn xao giờ hết đam mê

Trong đêm lạnh giá vẫn ê ẩm cười…

 

Mang thân ngũ uẩn nên chúng ta dĩ nhiên vẫn phải chịu đựng cảm thọ.

Tuy nó vô hình nhưng có một sức mạnh lấn áp lý trí vì thọ cũng là một mắc xích hoành hành của nghiệp chướng sinh tử luân hồi trong thập nhị nhân duyên mà chúng ta phải giải quyết để thoát khỏi sự đau khổ trong cuộc sống. Nói thì dễ nhưng có đủ sức mạnh để làm thật không dễ dàng chút nào. Bởi tâm chúng ta sống là nhờ vào cảm thọ. Mà trái tim chúng ta vốn yếu đuối dễ rung động trước cảnh đẹp, con người đẹp huống chi là những tài hoa, tài năng đức độ, là những cái đẹp tuyệt mỹ dễ chinh phục và chiến thắng lòng người nhất.

Thơ của T.K.Thiện Hữu là thơ kinh, là đạo lý tâm kinh nên thơ của nhà thơ chúng ta dù trong lãnh vực văn chương thi phú, vẫn vang rền lời kinh trong tâm trí người thưởng thơ. Cách chơi chữ trong thơ của Người rất lạ lùng. Đêm đông giá buốt, thân thể lạnh băng, cả tâm hồn cũng muốn đóng băng lạnh lẽo, vậy mà nhà thơ vẫn nhếch môi cười được. “Trong đêm lạnh giá vẫn ê ẩm cười”. Chúng ta có thể thấy nụ cười ê ẩm đó đã thổi ra hơi ấm xua tan lạnh giá tình người.

Như vậy, chỉ có đường gươm của người dũng sĩ mới chặt đứt những khổ đau vướng bận. Và chỉ có bước theo dấu chân của Như lai trên con đường giải thoát đại từ đại bi của Đức Phật mới là nguồn hạnh phúc vĩnh viễn mang lại nguồn vui cho chính mình và chúng sanh. Vì chúng sinh cũng chính là chúng ta, là ta:

Bổng đâu tiếng gọi niềm vui

Thành nguồn hạnh phúc đẩy lùi khổ đau

Đường gươm trí tuệ dâng cao

Não phiền khổ luỵ vẫn ngào ngạt bay…

Khổ đau đã tự tay mình chém tan, đành đoạn cắt đứt rồi, nhưng sao nhìn quanh vẫn thấy “não phiền khổ luỵ vẫn ngào ngạt bay”. Tại sao? Có phải mấu chốt là ở chổ này? Người thơ đã sạch hết ưu phiền nhưng những người chung quanh mình còn khổ thì làm sao mình thật sự an vui hạnh phúc được. Tâm từ bi không cho nhà thơ yên tâm đóng cửa thiền tự lánh xa cuộc đời. Thôi thì cứ xông vào cuộc đời, thấy phiền não tức bồ đề vậy. Mây mù đen tối không che phủ hết cả bầu trời được. Mây rồi sẽ tan, ánh sáng chân lý vẫn sáng rực huy hoàng. Mây lành mây độc lúc nào cũng chen nhau mát tâm hồng, che chở khổ đau thì nơi kia mây xám vần vũ đàn áp làm ủ rủ hồn hoang. Nhưng nếu không có mây đen thì làm sao có mưa tưới mát vườn hoa đời, vườn hoa người? Phải có cái này để làm hiển lộ cái kia. Có cái xấu để tôn vinh cái đẹp hoàn mỹ. Và con đường tu tập thiền định tư duy bẻ gẫy phiền luỵ mới mang lại sự yên ổn giữa những xáo động mệt mỏi được che lấp bởi những hào nhoáng phấn sáp bên ngoài, được tôi điểm bởi những danh từ trừu tượng danh lợi, quyền thế, vinh quang.

Bồ đề hỷ lạc viên niên

Vượt lên ngũ uẩn của miền Có-Không

Lặng yên trinh khiết tâm hồng

Toàn chân hiển lộ hết lòng hát ca.

 

Thể tánh của chân như là tịnh. Tướng thì lăng xăng loạn động. Có động tỉnh là có vô thường. Hạnh phúc đến rồi hạnh phúc đi. Đau khổ đến rồi đau khổ đi. Vậy đó, vượt qua được ngũ uẩn giai không thì mọi sắc tướng hình thức đều là chân như, có duyên thì tụ lại thành tướng, hết duyên thì tướng tan rã. Có đó rồi không có gì nữa, không còn gì nữa.

Khi chúng ta bỏ hết mọi chấp trước, định kiến gạn lọc thân tâm trong sạch thì bao nhiêu uế trược nặng nề lặn xuống đáy nước, đáy tâm hồn. Chỉ còn thể nước trong suốt tinh tuyền nổi bật. Cái đẹp tuyệt diệu của chân như, của Như lai giải thoát vượt lên cả hai miền Có-Không. Không có nặng nề bên dưới mà cũng không có nhẹ nhàng bên trên. Không có người cũng không có ta. Tất cả là một hoà tan vào hư không. Là giọt sương ủ trên cánh hồng, là dòng nước lững lờ đang trôi trên sông vắng, là hạt bụi bay phiêu du bốn phương tám hướng tìm về cội nguồn, là tiếng hát thiên thu để lại cho đời những dòng thơ kinh tuyệt tác, là tất cả và không là gì cả.

Nhà thơ đã nhắn nhủ chúng ta sự thật tuyệt đối là chân lý vĩnh hằng, là chân kinh vô tự, là chân đế bất diệt như pháp thân Tỳ lô giá na Phật mà chúng ta được hưởng ngay trong thể xác sinh lão bệnh tử này:

Cõi trần thế trao nhau lời nhắn nhủ

Bóng chân như luôn ấp ủ chơn thường

Mỗi tình thương chấn động cả mười phương

Vầng Nhật Nguyệt suốt đêm trường cúng tế

Cõi trần thế toả từ bi trí tuệ

Xoá đau thương không vướng bận sầu vương

Vững niềm tin dù cách trở dặm trường

Trong điên đảo hạt Kim cương phụng hiến…

 

Tình thương của chúng ta thường là tình thương cá thể nhỏ nhoi bao quát trong phạm vi gia đình thân thuộc, hơn chút nữa là tới quốc gia dân tộc. Nếu chúng ta biết được tâm chúng ta có thể nhỏ xíu như hạt bụi, chiếc lá…, mà cũng có thể bao la trong cả tam thiên đại thiên thế giới thì có lẽ, chúng ta đã không sợ hãi dấn thân trên con đường giải thoát.

Tình thương của Đức Phật vĩ đại, ban phát cho mọi loài chúng sinh chấn động cả mười phương. Ánh sáng chân lý mầu nhiệm của Ngài đã xua tan bóng đêm vô minh tăm tối của nhân loại. Từ bi phải đi cạnh trí tuệ mới mang lại lợi ích lớn lao trong công cuộc hoằng pháp, nhằm cứu thoát chúng sinh thoát ly luân hồi sanh tử tiến về miền cực lạc. Chúng ta sẽ thấy rõ mục đích của nhà thơ khi Người luôn nhắc đến ý nghĩa của tình thương sẽ chiến thắng những thế lực hắc ám nhất cũng như chân lý Phật pháp sẽ mang lại an lành cho cõi trần thế:

Cõi trần thế dẫu hợp tan trời biển

Nhưng thiên thu vẫn hi hiến nụ cười

Mỗi vi trần là mỗi cánh hoa tươi

Không phai sắc bởi bao lời bỉ thử

Cõi trần thế viết chân kinh vô tự

Nét long lanh như tia nắng mong manh

Mỗi đớn đau làm mát cả bại thành

Nhưng chân lý vẫn an lành pháp giới.

 

Tôi không đi sâu vào sự phân tích những sở trường cũng như những đặc điểm trong thơ của T.K.Thiện Hữu vì trình độ của mình quá thấp, chỉ cảm nhận được lời hay ý đẹp nào thì ca ngợi được phần đó. Thơ hay đã đành mà nhịp thơ cũng nhẹ thoảng nhịp điệu quê hương. Nhẹ lắm. Nghe văng vẳng như từ một tâm thức xa xăm mà gần sát nhịp đập của trái tim hồng:

Ta thấy rõ cuộc tử sinh lên xuống

Như bọt bèo của tan hợp vô thường

Ta thấy rõ những tình thương tươi thắm

Vẫn tâm này dệt nhung gấm mười phương

Ta thấy rõ con đường xưa đổ lá

Đất khô cằn khe đá vẫn đơm hoa

Ta khẽ gọi tiếng quê nhà muôn thuở

Trong chân như có hơi thở bình yên

Ta thấy rõ những triền miên khói lửa

Ngày tháng trôi qua không chọn lựa bao giờ

Ta góp lại những lời thơ thân ái

Tặng cho người vô quái ngại nguyên sơ!

 

 Chúng ta đã từng đi qua cuộc tử sinh luân hồi bao nhiêu kiếp rồi. Những bước chân để lại trong tang thức A lại da đã khắc sâu trên từng miền ký ức. Cho nên dù đã thay hình đổi dạng bao phen, chúng ta vẫn thấy rõ những ngấn lệ hợp tan, vẫn nhớ về con đường xưa đổ lá và hơi thở bình yên của quê nhà Chân như. Hành giả sẽ về thôi, về khi thân xác chưa điêu tàn rã mục. Về khi chiến tranh hận thù vô minh trả lại cho vô thường, chấm dứt khổ đau. Có còn lại gì sau cuộc sinh tử lê thê bất tận đó? Còn nguyên vẹn bóng dáng từ bi của vị đại giáo chủ vĩ đại nhất của trời người chỉ ra đạo dứt khổ cho chúng ta. Còn những môn đồ của ngài thị hiện ở khắp mười phương chỉ dẫn lối về quê xưa, cội nguồn của yên lành cực lạc, cõi tâm thức nguyên sơ chưa một lần điên đảo mộng huyển.

Để kết thúc bài này, chúng ta hãy lắng nghe sự tuyệt vời của miền tâm thức vắng lặng hiện hữu trong mỗi chúng ta. Pháp thân Như lai không từ nơi nào đến và không đi về một nơi nào. Bất sinh bất diệt. Mỗi lần cởi bỏ lớp thân cũ chúng ta sẽ được lớp áo thân mới đẹp đẽ hơn, tuyệt vời hơn, cho đến ngày làm hiển lộ ánh sáng của pháp thân Tỳ lô giá na Phật giữa đất trời mênh mông băng giá:

Có một miền mênh mông băng giá

Là nơi giao hợp của đất trời

Có một miền chân không tỉnh lặng

Pháp thân chiếu diệu mọi nơi

Tuyệt Vời.

 

Viết xong tại Tịnh Gia Trang

Mùa Đông năm 2007

 

 

 

http://www.buddhismtoday.com/viet/tho/nhungbaithohay.htm 

 

 

 


Vào mạng: 10-4-2008

Trở về thư mục "Thơ Phật giáo"

Đầu trang