Hạt giống Làng Mai gieo trên đất
người đâm chồi nẩy lộc. Nhưng gieo trên đất nhà lại bị lung lay
hay bị trốc gốc nhổ đi. Tại sao Việt Nam lại trở thành vùng đất
khó cho hạt giống lành như thế?!
Hạt giống Làng Mai ngỡ như sinh ra do
thầy Nhất Hạnh. Nhưng thật ra, đó là hạt giống của muôn phương.
Hạt giống chung của những tấm lòng có hồn, có phách. Hồn để
chiêm nghiệm và phách để đối mặt giữa cuộc đời.
Một giọt nước còn mang nguyên thể của
đại dương. Mỗi hạt bụi trần vẫn ẩn chứa bản chất của ba nghìn
thế giới. Những sự dính mắc và tách rời tác động lên nhau, liên
tu bất tận; từng khắc, từng sao như ta với người, như hình với
bóng. Nguyên sinh của hạt giống Làng Mai không phải từ đấng sáng
thế, từ thiền sư Nhất Hạnh, từ ta hay người, từ một cõi hữu sinh
hay vô sinh nào đó. Nó là hợp thể của muôn vàn tố chất biến
dịch không ngừng và bỗng một khắc hay một thời nào đó tạm biến
thành hạt giống Làng Mai.
Một hạt giống mang biểu tượng Làng
Mai có duyên với thầy Nhất Hạnh được gieo trồng và tưới tẩm tại
Pháp từ năm 1982. Mấy chục năm sau, hạt giống Làng Mai đã trở
thành một ngành tu riêng có bản sắc và đầy sức sống trong đời
sống tâm linh.
Đầu tháng 12 năm 2005, thầy Nhất Hạnh
về nước với 100 tăng thân Làng Mai đã làm dậy lên luồng dư luận
chống và ủng hộ từ nhiều phía. Riêng tôi chưa hề được trực tiếp
gặp hay quen biết với thầy Nhất Hạnh, nhưng mến mộ Thầy qua
những tác phẩm văn chương.
Cũng trong thời kỳ nầy, thầy Đức Nghi
sang Làng Mai tu tập và được ủy thác cho việc xây tu viện Bát
Nhã trên mảnh đất sẵn có của thầy tại Lâm Đồng có quy mô đủ cho
500 người tu học. Dĩ nhiên là thầy Đức Nghi được quỹ Làng Mai
tài trợ những khoản tiền xây dựng rất lớn tương xứng với công
trình xây dựng.
Ngày 7 tháng 7 năm 2006, qua công văn
số 525-TGCP-PG, ban tôn giáo chính phủ đã chấp nhận cho tăng ni
tu viện Bát Nhã tu tập theo pháp môn Làng Mai. Sau đó, gần 400
tu sĩ, hầu hết là trẻ tuổi đã đến tu học tại đây.
Ngày 10 tháng 9 năm 2008, trưởng ban
tôn giáo chính phủ tố cáo tăng ni Làng Mai vi phạm luật pháp và
vài ngày sau đó thì công an Lâm Đồng chỉ thị trục xuất 400 tu sĩ
Làng Mai ra khỏi tu viện Bát Nhã. Thế nhưng lệnh trục xuất được
hoãn lại khi một phiên họp khẩn cấp được tổ chức tại Sài Gòn với
đầy đủ đại diện chính quyền các ban ngành liên hệ nhưng lại
không có đại diện Làng Mai. Quyết định đưa ra là: Tăng ni
có thể tiếp tục tu học. Ai chưa đủ thủ tục giấy tờ thì bổ túc.
Ai gây bất ổn sẽ bị xử lý. Về tài sản và cơ sở vật chất thì hai
phía Làng Mai và Bát Nhã tự giải quyết hay nhờ pháp luật.
Thời gian tiếp theo, 400 tăng ni vẫn
ẩn nhẫn nghiêm trì tu học. Nhưng đến ngày 27, 28 và 29 tháng 6
năm 2009 thì có khoảng vài trăm người tuổi trẻ, hành động theo
kiểu xã hội đen đến tu viện Bát Nhã, xông vào đập phá đồ đạc,
vứt bỏ đồ ăn và vật dụng của tu sĩ, khóa cửa ra vào và cúp hết
điện nước. Theo hình ảnh và thông tin của các thông tấn xã nước
ngoài, đám người tấn công tu viện Bát Nhã bằng lời lẽ nhục mạ
qua loa phóng thanh và biểu ngữ “đả đảo Làng Mai…” Tu viện hoàn
toàn bị cô lập. Tăng ni lên mạng lưới vi tính kêu cứu khắp toàn
cầu. Thầy Đức Nghi lên tiếng kêu gọi tăng ni phải rời khỏi tu
viện càng sớm càng tốt.
Trước sự việc nầy, hẳn nhiên ban Tôn
giáo và thầy Đức Nghi đều hiểu rõ rằng, một khi đã phát nguyện
xuất gia, người tu sĩ đã vứt bỏ lại tất cả mọi tiện nghi vật
chất, nhà cửa, gia đình lại đằng sau. Mái chùa là nơi duy nhất
để một nhà tu nương thân. Xưa nay, kẻ xuất gia chỉ chuyển chùa
chứ không có trường hợp bị đuổi ra khỏi chùa không nơi trú ngụ.
Đẩy nhà tu ra khỏi mái chùa duy nhất là một hình thức hủy diệt
môi trường sinh hoạt của họ. Các tăng ni không còn sự lựa chọn
nào hơn là tiếp tục khiêm nhẫn tu hành dưới áp lực nặng nề của
một hoàn cảnh đầy đe dọa.
Giữa tháng 8 năm 2009, giới thẩm
quyền nhà nước Việt Nam xác nhận là sẽ trục xuất các tăng sinh
và giáo thọ Làng Mai ra khỏi tu viện Bát Nhã sau ngày 2 tháng 9
năm 2009 nếu họ không chịu tự động bỏ chùa ra đi. Lý do trục
xuất được nêu ra là: Các tu sĩ Làng Mai có những vấn đề “nội bộ
bất ổn” như thầy Đức Nghi với tư cách chủ chùa, từ chối tiếp tục
bảo lãnh cho các tăng ni ở lại tu học trong phạm vi nhà chùa.
Lý do trục xuất khác được nêu lên rằng, nội dung các bài giảng
theo tinh thần thiền sư Nhất Hạnh là “bất hợp pháp” và không
được giáo hội cho phép!
Nguồn tin 400 tăng ni tu viện Bát Nhã
bị đuổi ra khỏi chùa đã làm chấn động môi trường truyền thông
đại chúng ở hải ngoại. Nhiều câu hỏi được đặt ra liên quan tới
vấn đề đâu là nguyên nhân và động cơ chủ yếu của sự việc xuất
hiện tấp nập trên mạng lưới truyền thông. Những câu hỏi và câu
trả lời mang nặng tính giả định không làm ai thỏa mãn. Tuy
nhiên, vai trò của thiền sư Nhất Hạnh trong nội tình Làng Mai
Bát Nhã và hướng giải quyết của Thầy như thế nào vẫn là câu hỏi
xuất hiện hàng đầu trong chuỗi thắc mắc, trao đổi và luận đàm
càng ngày càng dồn dập.
Sáng Chủ nhật (27 tháng 9 năm 2009)
tin tăng ni Làng Mai ở tu viện Bát Nhã bị những toán người bạo
động mang xe và gậy gộc tới cưỡng bức tăng ni lên xe và vứt ra
khỏi chùa. Giữa cảnh ban ngày ban mặt, các tu sĩ bị những toán
người hành hung đánh đập thô bạo và hốt lên xe trước sự chứng
kiến dửng dưng, gần như đồng lõa của các lực lượng an ninh và
nhân viên công lực. Cảnh bất nhẫn ấy đã làm dấy lên nhiều câu
hỏi và những phản ứng lương tri sâu xa về vai trò chính quyền,
giá trị đạo lý, sự hành xử pháp lý và quyền sống căn bản nhất
của con người là sự an toàn về mạng sống tại Việt Nam hiện nay.
Trưa Chủ nhật cùng ngày, phóng viên
Gia Minh của đài Á Châu Tự Do RFA (Radio Free Asia) đã gọi tôi
đang ở Sacramento, Bắc California cho biết về cuộc trục xuất đầy
bạo động đã diễn ra vài giờ trước đó tại tu viện Bát Nhã ở Lâm
Đồng và yêu cầu được phỏng vấn. Thật tình là tôi rất ngại phát
biểu công khai ý kiến riêng của mình trước hàng thức giả và đại
chúng. Lý do để dè dặt là vì mình đang ở một nơi quá cách trở
với hiện trường xảy ra sự cố nên không nắm vững mọi chi tiết
thực tế đang thật sự diễn biến như thế nào. Các tin tức và dữ
kiện đều phải dựa vào môi trường truyền thông đại chúng. Các bài
tường thuật trực tiếp qua điện thoại về cuộc khủng hoảng Làng
Mai Bát Nhã ghi trên website của RFA, có đoạn như sau:
“Nó đang đánh mấy thầy, mấy cô. Nó
núm (nắm) cổ mấy thầy, nó kéo ra, nó dộng cổ mấy thầy, nó kéo ra
mấy xe.
Em đang xuống xe. Em đang xuống xe.
Nó đang đánh mấy thầy mấy cô, tội lắm, chảy máu chảy me đầy.
Còn Ban Giáo Thọ, quý thầy Pháp Trụ, thầy Pháp Danh, thầy Pháp
Trị thì bị nó bắt đi đâu rồi, không biết nữa. Còn mấy thầy nhỏ
thì nó bắt, nó đánh, nó dẫn ra ngoài đường đó. Nó bỏ cho một đám
côn đồ đánh mấy thầy, rồi nó chở xe taxi đi một khúc, 5 người nó
bỏ một khúc, 5 người nó bỏ một khúc, nó không bỏ dồn người một
chỗ đâu”. (Lời cô Khanh qua điện thoại trực tuyến. Phóng
viên Thanh Trúc RFA)…
Những tin tức đại loại như thế từ quê
nhà làm cho nhiều người xót xa và thất vọng về một viễn ảnh hóa
giải xung đột giữa chính trị và tôn giáo.
Vụ Làng Mai Bát Nhã không phải là một trường hợp tình cờ đột
biến. Đây là một diễn tiến kéo dài, xảy ra từng bước theo trình
tự thời gian và kéo theo sự quan sát, theo dõi rộng rãi của
người Việt ở nước ngoài và cộng đồng quốc tế. Đây cũng không
phải đơn thuần là một sự việc mang tính nội bộ xung đột giữa
Làng Mai và Bát Nhã; giữa thầy Đức Nghi và tu sĩ theo pháp môn
Làng Mai của thầy Nhất Hạnh; giữa ban tôn giáo nhà nước và nhóm
“dị giáo”. Nhưng đây chính là uy tín, là bộ mặt, là biểu tượng
nói lên bản chất và bản lĩnh của sự lãnh đạo nhà nước Việt Nam
thông qua các thành viên ban bệ như Ban tôn giáo, Mặt trận Tổ
quốc và Giáo hội Phật giáo được chính quyền ủng hộ. Tính nhân
bản trong cách giải quyết vấn đề nói lên bản chất; và tính tổ
chức trong cách giải quyết vấn đề nói lên bản lĩnh của thế lực
lãnh đạo. Đáng tiếc thay, tính nhân bản và tính tổ chức hầu như
đã vắng bóng trong sự cố Làng Mai Bát Nhã khi sự trục xuất biến
thành cuộc trấn áp và bạo hành.
Trả lời cuộc phỏng vấn của đài phát thanh Á Châu Tự Do, RFA, tôi
đã nêu lên ba ý chính như sau:
Thứ nhất, là về mặt pháp lý. Một chính quyền lành
mạnh trong một quốc gia độc lập, có chủ quyền, có hiến pháp là
phải đem luật pháp làm chỗ dựa. Tôn trọng luật pháp để bảo vệ
người dân là tiêu chí hàng đầu trong vai trò lãnh đạo. Tu viện
Bát Nhã và 400 tăng ni tu theo pháp môn Làng Mai là cơ sở vật
chất và tổ chức nhân sự hợp pháp được chính quyền Việt Nam cho
phép xây dựng và sinh hoạt. Khi có hiện tượng được xem là bất
thường hay phi pháp xảy ra trong một tổ chức hợp pháp, vấn đề
cần phải được giải quyết thông qua các cơ chế luật pháp phân
minh và văn hóa như thảo luận, hội nghị, tòa án… để xử lý rạch
ròi những sự chông chênh, sai trái theo luật định. Trường hợp
Làng Mai Bát Nhã, nếu có chăng những biểu hiện sai lệnh từ phía
tăng sinh và giáo thọ theo quan điểm của chính quyền, tại sao họ
không được phép giải thích và biện minh công khai trước khi nhận
những chỉ thị trục xuất mang tính cách áp đặt một chiều từ phía
giới chức có thẩm quyền? Thầy Đức Nghi đã nhận tiền Làng Mai (trước
sau gần cả triệu đô la) để xây tu viện Bát Nhã và quy tụ 400
tăng sinh cùng giáo thọ về tu học theo pháp môn Làng Mai, Thầy
phải có trách nhiệm pháp lý và lương tâm chức trách về việc làm
của mình. Nếu Thầy nhất định đuổi các tăng ni tu theo môn
phái Làng Mai ra khỏi ngôi chùa được xây dựng bằng tiền bạc của
Làng Mai mà không có một phương án đền bù thay thế là một hình
thức chiếm đoạt tài sản bất hợp pháp. Trường hợp công
dân bị cưỡng đoạt tài sản công khai và bạo ngược, cơ quan luật
pháp nhà nước hành động như thế nào để bảo vệ kẻ thế cô oan ức?
Thứ hai, là về mặt tâm lý. Chất keo gắn kết có
hiệu quả lớn nhất giữa hai phía lãnh đạo và quần chúng là niềm
tin và sự tôn trọng lẫn nhau. Sự việc các tăng ni Bát Nhã bị
những thành phần xã hội đen hành hung thô bạo theo kiểu giang hồ,
gầm cầu, hè phố như đã xảy ra trước sự chứng kiến không can
thiệp của lực lượng an ninh công cộng đã hạ thấp giá trị vai trò
lãnh đạo của giới có thẩm quyền. Xưa nay trong tiến trình xã
hội từ dã man đến văn minh, cách giải quyết xung đột bằng hành
động thảo khấu của xã hội đen là một hạ sách của những thế lực
bị đặt ra ngoài vòng pháp luật. Trước ống kính của dư luận quốc
tế, một phương thức giải quyết như thế sẽ bị phê phán và liệt
ngang hàng với hành động ném đá dị giáo thời Trung cổ. Ai là kẻ
chịu trách nhiệm trực tiếp về việc hạ thấp vai trò lãnh đạo, gây
tâm lý bi phẫn và làm mất niềm tin vào khả năng bảo vệ an sinh
xã hội cho người dân trong trường hợp Làng Mai Bát Nhã ở Lâm
Đồng?
Thứ ba, là về mặt đạo lý. Đạo Phật là một tôn
giáo an hòa, bất bạo động. Ban tôn giáo đã thừa hiểu là đạo
Phật có đến tám vạn bốn ngàn pháp môn làm phương tiện. Nay thêm
một pháp môn Làng Mai hiện diện trên đất nước là một sự đóng góp
khiêm tốn làm phong phú thêm cho lĩnh vực tâm linh trong đời
sống văn hóa Việt Nam. Sự giới hạn mang tính chất “bế quan tỏa
cảng” tinh thần là đi ngược lại quyền lợi chung của dân tộc
trong giai đoạn chính quyền và cả nước đang cố hội nhập vào thị
trường kinh tế và văn hóa toàn cầu. Ai là người chịu trách
nhiệm nghiên cứu và tham khảo nghiêm túc những trào lưu tư tưởng
và tâm linh mới từ xã hội phương Tây và bên ngoài đang du nhập
thường xuyên và mạnh mẽ vào xã hội Việt Nam qua môi trường
truyền thông đại chúng quá ồ ạt mở đầu thế kỷ 21 nầy. Trước khi
chấp nhận hay bác bỏ sự hiện diện của môn phái Làng Mai du nhập
trên đất nước mình, cần phải có sự đánh giá đúng đắn nội dung và
tác dụng của hạt giống Làng Mai trong hoàn cảnh đất nước như
hiện nay. Chấp nhận hay bác bỏ một khuynh hướng tôn giáo mà chỉ
dựa trên cảm tính nhất thời và ý kiến chủ quan dẫu xuất phát từ
cá nhân hay tập thể đều là biên kiến, bất công.
Đạo Phật Việt Nam là một sự kết hợp nhu hòa giữa nhiều khuynh
hướng và bộ phái. Bước vào các chùa chiền tự viện Việt Nam
trong cũng như ngoài nước, biên giới phân biệt giữa thiền tông,
tịnh độ tông và mật tông hầu như biến mất. Xa hơn thế nữa, có
dịp vãng cảnh chùa chiền xứ Bắc, thiền khách sẽ thấy rõ là tôn
giáo dân gian hòa quyện với Phật giáo một cách tự nhiên. Những
dao động giới hạn, bề mặt và nhất thời qua một số sinh hoạt Phật
giáo trong những năm qua chỉ làm nghèo nguồn suối tâm linh cho
những cá nhân hay nhóm phái dấn thân vọng động mà thôi. Trong
lúc Phật giáo nói chung vẫn êm xuôi theo dòng chảy thái hòa và
an lạc thường hằng. Ước mong sẽ không có ai quên sự khác nhau
giữa nhất thời và vĩnh cửu.
Trần Kiêm Đoàn
Sacramento, Cali. Vào Thu 2009
Nguồn:
http://www.thuvienhoasen.org/batnha-hatgionglangmai-trankiemdoan.htm