Trang tiếng Anh

      Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt

   

...... ... .  . .  .  .

Hội Nghị Ni Giới và Nữ Cư Sĩ Phật Giáo

Minh Mẫn


 

Chiều ngày 27/12/09, tại chùa Phổ Quang, quận Tân Bình, nhộn nhịp chuẩn bị ra mắt Hội Nghị nữ giới Phật giáo Thế giới lấn thứ 11, được Phân ban đặc trách ni giới Việt Nam đăng cai tổ chức.

 

Khuôn viên chùa Phổ Quang còn bề bộn vôi hồ vữa trong công trình xây dựng một góc sân, phần còn lại vẫn tiến hành theo chương trình hoạch định mà 12 tháng qua đã chấp nhận cho Ni sư Tsomo, chủ tịch hội Phụ nữ Phật giáo Thế giới (Sakyadhita), được phép luân phiên tổ chức hai năm một lần trong những quốc gia có Phật giáo.

 

Đại hội Nữ giới Phật giáo Thế giới lần đầu tiên ra mắt tại Bodhgaya, Ấn độ, năm 1986, do Ni sư Tsomo, Tiến sĩ Triết kiêm phó giáo sư phân khoa tôn giáo học và Thần học của đại học San Diego, làm chủ tịch, mục đích xiển dương gương sáng đạo hạnh và tài năng của những người nữ tại gia cũng như xuất gia, được gọi là những người con gái lỗi lạc của Đức Phật; Để từ đó, những người con Phật thuộc giới nữ lưu gắn bó, liên kết đến sự phát triển xã hội.

 

Kiều Đàm Di Mẫu, một tấm gương của Ni giới trong Phật giáo, thể hiện trọn vẹn Tài Đức và Hạnh, vượt qua nhiều chướng ngại của cổ tục xã hội giai cấp kỳ thị mà Ấn Độ trãi qua hàng ngàn năm, để trở thành một nữ tu đầu tiên chứng tỏ khả năng chuyển hóa tự thân và trí tuệ bình đẳng không bị hạn chế bởi giới tính. Làm rạng danh Ni giới song song với các bậc Thánh Tăng đương thời, từ đó, giành cho Phật giáo một vị thế có một không hai trong xã hội Ấn  độ. Dĩ nhiên, sau Kiều Đàm Di Mẫu, vẫn còn những thế hệ kế thừa mà kinh tạng Nikaya lẫn Bắc truyền thường nhắc đến.

 

Trong những quốc gia Phật giáo mà Ni giới được một vị trí tương xứng, hẳn phải có một sự truyền thừa chính thống để từ đó, hạt giống ưu việt có môi trường sanh sôi nẩy nở. Nhất là các quốc gia Phật giáo Bắc Truyền, ni giới không là chiếc bóng của chư Tăng, mà họ là con đường song hành chứng tỏ ánh sáng mặt trăng có một giá trị chuyên biệt như ánh sáng mặt trời. Tại H àn Quốc, Ni giới từng đóng vai trò truyền bá Phật pháp trong giai đoạn khởi nguyên. Sunim Sa Morye là Tỳ kheo ni đầu tiên hổ trợ cho HT Ado truyền bá Phật Pháp vào kinh đo Silla. Hoàng hậu vua Jingheung cũng xuất gia làm tỳ kheo ni hiệu Bopun, bà độ cho nhiều  phu nhân cùng theo xuất gia tu tập.Cũng có Tỳ kheo ni là lương y từng chữa bệnh cho quốc sư trong triều đại Sin Mun. Năm thứ 12, triều vua Jinheung đã ban sắc cho Tỳ kheo ni Ani làm ni trưởng Ni bộ. Trong các thời đại Tam kinh, Goryeo, joseon , ni giới đã đóng góp cho xã hội đương đại không những về hạnh đức, kiến thức mà còn y học và từ thiện. Ngày nay, ni giới Hàn quốc đã hòa nhập xã hội qua con đường giáo dục, từ thiện, hoằng pháp. Ni giới có một thành tích lớn truyền bá và phát triển Phật giáo vào Hàn Quốc cũng như truyền sang Nhật Bản. Trình độ ni chúng Hàn quốc hiện nay đại học hoặc trên đại học, tham gia vào các chương trình giảng dạy Phật pháp và thế học. Ni giới cũng quản lý 30 trung tâm thiền học hiện nay tại Hàn quốc. Ni bộ Hàn quốc được biết đến ba ni sư danh tiếng, đạo cao đức trọng  như sư bà Guemryong,Hyeoak và Sueak. Năm 2003, ni viện Beob Ryong Sa được thành lập giúp ni giới có điều kiện tham cứu Phật pháp áp dụng vào xã hội bằng tinh thần từ bi.

 

Tại Hoa kỳ, một sự lý thú, cô Joyce Adele Pettingill, một gia đình Tin Lành ngoan đạo, nhân dịp ghi danh phân khoa Phật học, cô được HT Thiên Ân, viện trưởng viện Đại Học Đông Phương khai thị thâm hiểu Phật pháp, sau đó cô đã hợp tác cùng HT sáng lập Thiền viện quốc tế và trở thành nữ viện trưởng sau khi HT viên tịch. Cô xuất gia năm 1976, pháp danh là Ni sư Karuna; được HT Thiên Ân đặt cho pháp tự là Thích nữ Ân Từ. Ni sư cũng từng tham dự Hội nghị Ni giới quốc tế tại Kulalampur.Malaysia, và cùng được mời làm hội trưởng với Ni sư Tsomo cùng thời điểm 1986 tại Bodhgaya, cô đóng góp không nhỏ trong việc phổ biến giáo lý trong xã hội Mỹ.

 

Tại Việt Nam, từ thế kỷ đầu du nhập, Phật giáo cũng xuất hiện những bậc anh lưu kiệt xuất, cho đến  Hai bà Trưng từng là Phật tử, nhiều nữ tu và nữ tín đồ từng tham gia chống giặc ngoại xâm. Trong lúc ổn định xã hội, ,Việt Nam từng có một Sư bà Diệu Không, sư bà Như Chí, Sư bà Như Thanh..ni sư Huỳnh liên một thời vang danh trong ni giới. Nữ tu gần đây nhất, thuộc giòng dỏi trâm anh thế phiệt, có một trình độ phật pháp uyên thâm và kiến thức thế học ưu lãm, đóng góp cho kho tàng văn học VN qua nhiều dịch phẩm, đó là Ni sư Trí Hải. Sau 1990, phong trào du học đã đào tạo rất nhiều ni cô có bằng Tiến sĩ, Thạc sĩ cả hai hệ phái Bắc tông và Khất sĩ tạo một sắc thái mới cho ni giới Việt Nam. Nhất là phía Nam, ni giới chứng tỏ khả năng qua  đại lễ Vesak, và bây giờ là Hội nghị ni giới, do chư ni đứng ra tổ chức, điều hành.

 

Cái thao lược về trí tuệ như một Trí Hải, cái dung nạp về trí thức như các ni trẻ  đã và đang bảo vệ tiền sĩ, đều nói lên khả năng của nữ lưu tương phùng với nam giới mà không vì giới tính bị hạn chế.

Ngày xưa, qua Trưởng lão Ni kệ cho ta thấy một Mahàpajàpàti Gotami đã dùng nội chứng để chuyển hóa các học nữ xuất gia, các bậc xuất sĩ ni giới từng tuyên xưng những kệ tán của tâm chứng, thì ngày nay, thay vì hướng nội chuyển hóa nhân cách, các nữ lưu lỗi lạc của đức Thế Tôn góp tay đem lại an lành cho xã hội mà một số sư cô, hoặc là bác sĩ, hoặc là điều dưỡng, thâm thậm chí là bảo mẫu trong các viện mồ côi giúp cho người dân an lòng trước bệnh tật đói nghèo.

 

Tuy gần 30 năm, Ni chúng không có một vị trí chính thức trong cơ cấu hành chánh giáo hội, nhưng truyền thống sinh hoạt bình đẳng ni giới của các quốc gia Bắc truyền, giúp chư ni có một quyền hạn nhất định trong phạm vi chuyên biệt, làm giềng mối tồn tại và phát triển mà chỉ có các ni chúng Bắc truyền mới nuôi dưỡng được sinh lực đó. Tuy Bát kỉnh pháp có là tấm bình phong xác định vị trí lưỡng cực, nhưng không là rào cản tiến bộ tâm linh và trí thức; Ngược lại một số nữ tu của Nam truyền, tự an phận với vị thế cách biệt, đã không làm nổi bậc được khả năng tiềm ẩn của một người con gái Phật trong các thời đại.

 

Chính vì thế, Hội nghị nữ giới Phật giáo Thế giới không chỉ nêu lên tấm gương sáng của quần lưu, khả năng sẵn có của thân nữ, còn muốn gắn kết tất cả những người con gái đức Phật có một ý thức tự tồn, đoàn kết và tiến hóa để giúp cho xã hội nhiều hoàn thiện hơn cả lĩnh vực xã hội lẫn văn học và đạo đức.

 

Phân Ban  Đặc trách Ni giới Việt Nam, tuy vừa hình thành chưa tới nửa năm, do nhu cầu Hội nghị quốc tế, cũng đã chứng tỏ khả năng tiềm ẩn từ lâu chưa có dịp phát tiết. Qua chuẩn bị Hội nghị,, các khâu triển lãm, họp báo và điều hành, phải xác nhận các ni trẻ tạo được niềm tin cho một ni giới Việt Nam trong tương lai. Giá mà, Ni giới được sớm xác lập là một trong những thành phần cốt lỏi trong ngôi nhà PGVN để phát triển từ khi thành lập Giáo Hội, san sẻ bớt gánh nặng cho chư tôn đức Tăng đang kiêm nhiệm quá nhiều Phật sự, thì guồng máy Giáo Hội sẽ sinh hoạt nhẹ nhàng hơn, khởi sắc hơn. Gần 30 năm mà Hiến chương PGVN vẫn chưa có một điều khoản xứng đáng để ni giới là một cơ phận quan yếu trong Phật giáo ngày nay. Qua Hội Nghị Nữ Giới Phật Giáo thế Giới lần thứ 11 nầy, liệu PGVN rút ra được một quan tâm về vai trò nữ giới nói chung và ni giới nói riêng trong cơ chế PGVN, khả dĩ đóng góp cho xã hội cũng như Giáo hội một sắc thái hòa hợp mà Phật giáo từng đồng hành cùng dân tộc???

                                                                                        27/12/09

 

http://www.buddhismtoday.com/viet/pgvn/tintuc/hoinghinigioi.htm

 

 


Cập nhật: 28-12-2009

Trở về thư mục "Tin Tức Phật giáo"

Đầu trang