Lanka Daily News
Ngày 20 tháng 8, 2007
Colombo, Tích lan - Học viện
Goethe tại Tích Lan với
sự cộng tác của Sri Sambodhi Vihara đã mở một cuộc triển lãm với
chủ đề ‘Chân lý tuyệt vời ‘, là cuộc triển lãm nghệ thuật với
những bức tranh nguyên tác, phim ảnh và sự trình bày các tác
phẩm trong cuộc đời của Tỳ khưu Sumeđha, do hoạ sĩ Cora de Lang
đảm trách, bắt đầu từ thứ ba, 21 tháng 8 vào lúc 6 giờ chiều tại
Sri Sambodhi Vihara (đối diện với Học viện Goethe). Cuộc triển
lãm sẽ kéo dài cho tới ngày 21 tháng 9. Giờ mở cửa: Chủ nhật
đến thứ sáu, từ 10 giờ sáng đến 5 giờ chiều.
Vị tu sĩ Phật giáo, Sư Sumedha sinh
năm 1932 tại Basel, Thuỵ sĩ. Thân phụ Sư là người Ai Cập, thân
mẫu là người Đức. Do luật lệ riêng của Thuỵ sĩ, Sư phải mang hộ
chiếu Đức mặc dù chưa lần nào Sư đặt chân đến Đức quốc.
Sư đã bắt đầu sự nghiệp hội hoạ khi
còn rất trẻ tại Art Academy, Geneva, và sau đó tiếp tục tại
Paris. Từ năm 1952 đến 1974, Sư sinh sống tại Zurich, và từ năm
1968, Sư cùng lúc mở một xưởng vẽ thứ hai tại Luân Đôn.
Năm 1970, Sư đến Tích Lan lần đầu
tiên, và liên tiếp mỗi năm vài tháng trong 3 năm sau đó. Năm
1974, Sư đến định cư tại đây và chưa bao giờ rời khỏi hòn đảo
này. Ngày 5 tháng 12 năm 1975, Sư xuất gia thọ giới sa di. Năm
1981, Sư thọ giới cụ túc tại thành phố thiêng liêng
Anuradrapura. Sư đã sống mấy mươi năm cuối đời tại Tích lan,
hơn 25 năm cuối cùng trong động Manapadassana Lena tại Dulvala,
gần Kandy. Ngày 21 tháng 12, Sư đã viên tịch, hưởng thọ 75 tuổi
.
Aja Iskander Schmidlin là tên của
Sư trong hộ chiếu, nhưng Sư không muốn được nhớ đến như một
người Đức hay Thuỵ sĩ, chỉ đơn thuần là một tu sĩ Tích Lan, Sư
cũng đã viết thư yêu cầu điều này với tổng thống Tích Lan. Như
Sư được biết trong thời gian sau đó, tên ‘Aja’ của Sư theo tiếng
Pali và Sanskrit có nghĩa là ‘Vô sanh’, đồng nghĩa với Niết Bàn.
Suốt khoảng thời gian làm tu sĩ, Sư
vẫn không rời bỏ nghệ thuật, nhưng đã đưa nó sang một hướng đi
mới: dùng hội hoạ để chuyển tải đạo lý, để diễn bày những lời
dạy của Đức Thế Tôn bằng hình ảnh qua những bức tranh sơn màu,
nhất là tranh vẽ bằng màu nước, những bức hoạ v.v...
Trong những ngày cuối của Sư,
Thượng Toạ Mettavihari, hoạ sĩ Cora de Lang (người mà Sư muốn sẽ
đảm trách cuộc triển lãm) và Richard Lang đã đến thăm Sư trong
hang động của ngài. Họ đã phỏng vấn , thu hình ảnh và âm thanh,
xem qua những tác phẩm của Sư được trưng bày trong hang động, và
họ hứa với Sư sẽ tổ chức một cuộc triển lãm về Tỳ Khưu Sumedha -
một nghệ nhân, người họa sĩ đã khiến cho người ta hình dung được
đạo lý, nhưng chính Sư cũng đã hiểu thấu đáo về giáo lý
Theravada.
Khi
được biết sẽ có cuộc triển lãm sắp tới, Sư đã gợi ý rất nhiều
ngay cả chủ đề của cuộc triển lãm - và Sư cũng biết rất rõ là Sư
sẽ không còn có mặt trong ngày khai mạc.
http://www.buddhismtoday.com/viet/tintuc/no_1526_MinhChau.htm
|