Trang tiếng Anh

    Đạo Phật Ngày Nay

Trang tiếng Việt

   

...... ... ..  . ..  .  .
Câu chuyện của một tu sĩ "Chúng tôi không thể quay trở lại"

Như Quang lược dịch


 

Rosalind Russel, The Independent, 1 tháng 10, 2007.

Rangoon, Burma -- "Chúng tôi không thể quay lui được nữa. Mặc dù phải mất một tháng, một năm hay lâu hơn, chúng tôi sẽ không dừng lại." Với chiếc y màu sét đỏ kéo cao ngang gối, lắc tới, lắc lui trên chiếc ghế gỗ thấp, vị trưởng lão nói nhỏ nhẹ nhưng kiên quyết.

Trong mấy ngày vừa qua, ngài đã thấy nhiều tăng sĩ bị bao vây và dẫn đi khi quân đội Miến Điện dã man đàn áp cuộc biểu tình chống chính quyền, cố gắng thở chút dưỡng khí thoát ra từ ngọn lửa cách mạng. Các vết máu loang đầy nơi của vào tự viện, lưu dấu vết người sa di mới mười lăm tuổi đầu bị bổ tới tấp bằng dùi cui và báng súng.

Nhưng trong sự yên tĩnh tạm thời, trong khoảng sân đầy bóng cây, những sự hung bạo này không phải là điều mà vị sư - khoảng sáu mươi không muốn nêu danh tánh - muốn nói đến. Ngài muốn nói đến điều mà toàn thể nhân dân Miến Điện đang chịu đựng. Nhân dân đang sống dưới những lãnh tụ cầm quyền đang bận rộn làm giàu với nguyên liệu thiên nhiên, lâm sản, kim cương và đá quý trong lúc họ chi phí rất ít oi vào vấn đề sức khoẻ cho người dân. Những người dân đang sống trong sự nghèo khó tương tợ như Saharan, Phi Châu.

"Là tu sĩ, chúng tôi thấy tất cả mọi điều trong xã hội. Chúng tôi đi khất thực ở khắp nơi và biết mọi người sống như thế nào. Chúng tôi hiểu họ dâng cúng đến chúng tôi trong khi họ không có đủ ăn bởi vì không có việc làm và giá sinh hoạt rất cao. Chúng tôi cũng thấy người giàu có sống như thế nào. Chúng tôi thấy hết mọi điều và tất cả ngày càng trở nên tồi tệ hơn.” Đó là điều khiến ngài trở nên cứng rắn hơn và quyết định phải tiếp tục chiến đấu. "Chúng tôi đã mất mát quá nhiều và người dân không thể tiếp tục chịu đựng được nữa. Chúng tôi biết rõ sụ hiểm nguy trước khi chúng tôi bắt đầu. Chúng tôi phải thấy kết quả, dù tốt xấu thế nào đi nữa. 

Phía bên trong tự viện, tạm thời không bị khuấy động bởi những người lính, một nhóm tăng sĩ vây quanh một máy truyền hình chăm chú xem một chương trình thể dục. Nhưng nghiên cứu kỹ thì âm thanh phát ra không phải là những lời hướng dẫn thể dục mà là chương trình phát thanh Tiếng Nói Dân Chủ Miến Điện báo cáo từ những nhà báo lưu vong tại Oslo, Na Uy. Bằng cách này các tăng sĩ có thể theo dõi các sơ hở của chính quyền mà tìm cách chống lại hoặc ngưng ngay chương trình phát thanh nếu các cặp mắt cú vọ của nhà cầm quyền theo dõi.

Một số tăng sĩ tạm trú tại chùa này vì chùa của họ nay đã bị bao bọc bởi kẻm gai và phong tỏa không cho cầu nguyện. Những khu vực tôn giáo thiêng liêng này giờ đây mang đầy không khí của các căn cứ quân đội. Không còn mùi trầm hương đốt khi lễ bái mà chỉ còn mùi tàn thuốc lá các binh lính vất bừa bãi trước cổng chùa.

Tin Shwe Maung (không phải tên thật), là một tu sĩ ở lứa tuổi hai mươi, hồi tưởng lại giây phút các binh sĩ xông vào đền Shwedagon Pagoda vào hôm thứ năm . Nhà cầm quyền xác nhận có 9 người chết nhưng các nhà ngoại giao Tây phương cho con số đó cao hơn nhiều.

"Tôi đang ngồi với khoảng  30 vị sư đang cầu nguyện trước tượng Đức Phật bằng đồng cổ. Thình lình cảnh sát ập vào. Chắc chắn phải có hơn 100 người, có lẽ đến 200 người. Họ mang mặt nạ, dùi cui, và lưỡi lê, phân tán mỏng trước chúng tôi, một số gõ vào tấm khiêng, một số nhắm vào nòng súng. Không một sự thông báo nào, họ tấn công vào chúng tôi, bắn vào đầu chúng tôi với những viên đạn thật. Một số chúng tôi đứng dậy và bỏ chạy nhưng họ bắt lại và đánh các vị này bằng dùi cui, báng súng. Một vị bị đánh nát đầu. Vị này mới mười lăm tuổi và vừa mới gia nhập tự viện.

Cuộc đột kích khác xảy ra vào giữa đêm và có thêm nhiều tu sĩ bị bắt đi bằng các xe cảnh sát. Họ không bị đưa vào các trại giam bình thường mà bị đưa vào các trại giam quân đội. Chúng tôi nghe rằng các tu sĩ bị bỏ đói và không được liên lạc với bên ngoài. Tôi trở thành tăng sĩ vì lòng yêu hòa bình và lòng yêu mến Đức Thế Tôn. Trái tim tôi đầy phiền não.

 

 

http://www.buddhismtoday.com/viet/tintuc/no_1574_NhuQuang.htm 

 


Vào mạng: 03-10-2007

Trở về thư mục "Tin Tức Phật giáo"

Đầu trang