By Anne Hyland, New Zealand
Herald, Oct 23, 2007
Yangon, Myanmar
-- Từ Mandalay cho đến Yangon, đâu đâu cũng nghe người ta nói về
những cuộc biểu tình sắp tới. Từ giới chữ nghĩa cho đến giới đấu
tranh, giới lao động, tất cả đều nói với sự tin tưởng chắc chắn
rằng nó sẽ xảy ra trong vòng ba tháng.
"Đây mới chỉ là sự bắt đầu, chúng
ta phải đối diện với nó". Bà Lulu Daw Ahmar, 92 tuổi, một nhân
vật nổi tiếng trong giới văn học được ngưỡng mộ vì sự dám ăn dám
nói chỉ trích chính quyền, nói như trên, và Bà tiếp " Chúng ta
đang tranh đấu, nhưng chiến thắng sẽ về chúng ta".
Nhưng chiến thắng hình như vẫn
còn là một con đường dài từ những con đường của thành phố miền
bắc Mandalay, nơi Bà Ahmar sinh sống, và ngay cả những vùng hẻo
lánh cựu thủ đô Yangon, cho đến miền nam.
Trong cả hai thành phố, tình
trạng thiết quân luật vẫn còn duy trì từ 10 giờ tối đến 4 giờ
sáng. Dây kẽm gai và các chướng ngại vật vẫn còn bày bố chung
quanh các tu viện, các Đại Học Phật Giáo và hai ngôi chùa Sule,
Shwedagon.
Binh lính trang bị mặt nạ, súng
ống, đạn dược vẫn đang tiếp tục canh giữ các ngôi chùa.
Các tăng sĩ khả kính Miến Điện đã
gây được sự chú ý của thế giới hồi tháng 9 vừa qua khi tham gia
vào cuộc biểu tình chống chính quyền quân phiệt của dân chúng
lớn nhất trong vòng 20 năm qua. Nhưng hôm nay thì chỉ thấy được
có vài tu sĩ trong thành phố Yangon hoặc Mandalay.
Phóng viên của tờ báo Heral đã
thăm viếng hơn một chục tu viện và các Đại Học Phật Giáo trong
cả hai thành phố trong tuần lễ vừa qua, chỉ có một vài tu sĩ trú
ngụ trong các ngôi chùa. Nhiều vị đã trở về xóm làng của họ, số
khác còn bị giam giữ trong các trại giam.
Một tu sĩ, 24 tuổi, không muốn
tiết lộ danh tính vì sợ rắc rối với chính quyền, nói "Chúng tôi
đang bị nguy hiểm, nhưng tôi không nghĩ người ta có thể làm được
gì"
Nhưng ý nghĩ của Sư không giống
như "người ta" đã nghĩ.
Một nhà báo Miến Điện, cũng xin
được dấu tên, nói rằng các cuộc biểu tình sẽ xảy ra như các đợt
sóng. " Nó giống như biển cả vậy, đây là đợt sóng đầu tiên, và
không lâu sau đó sẽ được tiếp theo bởi các đợt sóng khác, có thể
là tháng 11, hoặc tháng 12. Dân chúng sẽ nổi dậy. Họ đã nổi giận
rồi, nhưng họ sẽ biểu tình một cách ôn hoà lần nữa. Quân đội sẽ
lại nã súng vào và dân chúng lại sẽ bị giết như trước kia. Người
ta ai cũng biết điều này"
Một tài xế xe lôi, tự xưng là Zaw,
ở Mandalay, nói "Bạn của tôi đang ở trong tù" "Tôi cũng ở trong
đám biểu tình ấy nhưng tôi bỏ chạy khi quân lính đến. Quân đội
chính phủ - không ai ưa họ hết - Họ thật tàn bạo, sát hại tu sĩ
là những bậc thánh thiện."
Bàn chân đạp xe của Zaw cũng
nhanh như ánh mắt của anh ta khi liếc nhìn chung quanh xem lời
nói của anh về các cuộc biểu tình sắp tới có bị nghe lén hay
chụp hình bởi các tay mật vụ của chính phủ không. Du khách hiện
nay cũng đang ở trong tình trạng bị giám sát chặt chẽ, bị nghi
ngờ có thể là giới báo chí ngoại quốc hoặc là kẻ thù của chính
quyền quân phiệt.
Zaw tin chắc là các cuộc biểu
tình sẽ tái diễn vào đầu năm tới. Nhưng giới ngoại giao tại
Yangon thì không chắc chắn lắm "Giới có thẩm quyền vẫn còn chưa
quyết định sẽ có thực hiện các cuộc biểu tình nữa hay không
Chính quyền quân đội bị hầu hết
47 triệu dân, sống dưới chế độ quân phiệt từ năm 1962, sợ hãi
và chán ghét. Áp dụng chính sách kinh tế sai lầm và sự trừng
phạt kinh tế của thế giới đã làm cho nền kinh tế của Miến Điện
trở thành tơi tả. Mức thu nhập trung bình của một người dân Miến
Điện ít hơn 220.00 USD trong một năm. Một ký gạo giá 1200 kyat,
đối với đa số người dân Miến là quá đắt đỏ.
Xe cộ cũ kỷ già nua đã sử dụng
qua 20 năm bò chung quanh các con đường hư hỏng đầy hang ổ trong
thành phố, các toà nhà trong tình trạng mục nát khắp nơi là
những dấu thiệu dễ thấy nhất của một nền kinh tế xuống dốc. Thu
nhập bởi xăng dầu có thể thay đổi điều này ( trong năm nay,
Miến Điện đã thu vào khoảng 2 tỷ Mỹ Kim từ việc xuất cảng xăng
và dầu) nhưng nó chỉ làm cho quyền hành của chính phủ quân phiệt
được tăng thêm trong khi dân chúng ngày càng cơ cực. Sự trừng
phạt kinh tế của các nước Tây Phương không ảnh hưởng gì nhiều
đến bề thế của các tướng lãnh quân phiệt.
Cuộc trấn áp tàn bạo những người
biểu tình đã đem đến kết quả xuống dốc thảm hại trong ngành du
lịch, một khách sạn năm sao ở Yangon đã phải nêu giá chỉ $20.00
USD cho một đêm.
Quân đội tiếp tục kềm kẹp chặt
chẽ nếp sống của người dân trong thành phố Yangon, nơi mà các
nhà hoạt động dân chủ sinh sống nhiều nhất. Điện thoại di động,
được sử dụng rộng rãi ở các vùng gần biên giới Lào và Cam Bốt
trước kia hiện nay rất hiếm hoi vì nhà cầm quyền nêu giá
$2000.00 USD cho một SIM card.
Các cuộc biểu tình bởi chư Tăng
Phật Giáo và dân chúng đưa đến kết thúc bằng sự nổ súng vào ngày
26 và 27 tháng 9.
Giữa những người đã bị bắt đi là
diễn viên hài Par Par Lay, 60 tuổi, người bị bắt đi trong đêm 25
tháng 9. Đây là lần thứ ba diễn viên này bị bắt trong vòng 20
năm. Ông có hai người anh em khác cũng là diễn viên hài đã bị
chính quyền cấm đoán các chương trình biểu diễn vì họ dám đem
chính quyền quân phiệt ra làm trò cười không chút e dè. Thân
nhân của ông Par Par Lay nói rằng mặc dù ông không có tham gia
vào các cuộc biểu tình mới đây nhưng vẫn bị bắt đi. Lu Maw,
người em trai của ông nói "Anh tôi rất nổi tiếng nên họ nghĩ là
anh tôi có thể tụ tập được một số đông người, chúng tôi không
biết anh ấy hiện giờ đang ở đâu, còn sống hay đã chết"
Lu Maw có lý do để lo ngại vì
trước đó Hiệp Hội Yểm Trợ Tù Nhân Chính Trị cơ sở Thái Lan đã
loan báo thông tin về cái chết của một thành viên Liên Minh Dân
Chủ bị bắt đi ngày 26 tháng 9.
Ông Lu Maw nói "Chúng tôi cần sự
giúp đỡ của mọi người, cần quốc tế can thiệp cho trường hợp của
anh tôi."
Lời kêu gọi của anh đã được tiếng
vang của Bà Ahmar lập lại "Xin hãy gíup chúng tôi bằng bất cứ
cách nào mà bạn có thể"
Bà Ahmar đã từng trông thấy chính
phủ thực dân Anh và Nhật Bản rút khỏi Miến Điện, nhưng trong
những năm còn lại cuối đời của Bà, có thể Bà sẽ không có cơ hội
để vẫy chào goodbye với các tướng lãnh quân phiệt.
http://www.buddhismtoday.com/viet/tintuc/no_1606_HatCat.htm
|