Globe and Mail, 13 tháng 11, 2007 (Như Quang chuyển
ngữ) -- Đừng bị đánh lạc hướng bởi sự xuất hiện của bà Aung
San Suu Kyi. Quân đội vẫn còn nắm quyền, một nhà bình luận nói
như thế. Aung San Suu Kyi, nhà lảnh đạo dân chủ đã bị giam giữ
trong gần mười tám năm qua đột nhiên nổi tiếng trong một lãnh
vực mà bà không hề ngờ tới: làm phương tiện tuyên truyền cho chế
độ cầm quyền quân đội.
Bức ảnh của bà Suu Kyi tươi cười bắt tay với một viên chức chính
quyền đã được đưa lên đầu trang của cơ quan tuyên truyền nhà
nước là tờ Ánh Sáng Mới cho Miến Điện. Đây là lần thứ ba cơ quan
tuyên truyền nhà nước đăng hình nhà lảnh đạo cuộc tranh đấu cho
dân chủ trong gần hai thập niên qua.
Nhưng sự nổi danh bất ngờ của bà chưa phải là dấu hiệu của sự
tiến triển mà đây chỉ là một chiến thuật khôn ngoan của chính
quyền quân đội nhằm trì hoãn sự thay đổi và duy trì quyền bính.
Sáu tuần lễ sau khi quân đội hạ lệnh cho binh sĩ đàn áp chư tăng
biểu tình trên đường phố Rangoon, chính quyền quân đội tỏ ra
mạnh mẽ và tự tin hơn bao giờ.
Một sự xáo trộn về ngoại giao mới đây ở Miến Điện -- gồm cả sự
gặp gỡ giữa bà Suu Kyi và một bộ trưởng nhà nước đã tạo nên
những ánh sáng lạc quan về sự thay đổi chính thể nhưng niềm hy
vọng này hầu như khó có thể thực hiện. Đa số các nhà bình luận
cho rằng chế độ không có dấu hiệu nào sẽ chấp nhận sự thay đổi
chính thể trong khi đó quốc tế đang chuyển sự chú tâm vào đối
tượng khác nóng bỏng hơn là Pakistan.
Sau 45 năm cầm quyền, quân đội vẫn sử dụng bà Suu Kyi để làm lợi
cho họ, chỉ cho bà xuất hiện trước mắt công chúng để làm dịu sự
bình phẩm của quốc tế. Mỗi khi nhà nước bị dồn đến đường cùng họ
lại sử dụng lá bài Suu Kyi một cách khôn ngoan và cẩn trọng, một
người Miến lưu vong nói như thế.
Trong vài tuần lễ gần đây quân đội đã làm dịu các cuộc phản
kháng về sự giam giữ chư tăng. Họ đã chỉ định một tướng lãnh
thương thuyết với bà Suu Kyi và vào ngày thứ sáu bà Suu Kyi đã
được phép gặp các lãnh tụ của đảng dân chủ lần đầu tiên trong 3
năm qua. Phát ngôn viên của bà Suu Kyi nói rằng bà rất lạc quan
về các buổi đàm luận nhưng các nhóm nhân quyền cho biết cuộc hội
thảo giữa bà và các vị lãnh tụ đảng dân chủ được tổ chức tại một
nhà khách đầy máy móc thu âm. Bà Suu Kyi vẫn bị giam giữ tại nhà
và chính quyền quân đội nhấn mạnh họ sẽ không thương thuyết với
bà trừ khi bà ngưng ủng hộ các đạo luật quốc tế ban hành để
chống lại Miến Điện.
Chính quyền vẫn giữ thái độ thù nghịch đối với các sự cố gắng về
ngoại giao. Đại diện Liên Hiệp Quốc, ông Ibrahim Gambari, không
được phép gặp gỡ các nhân vật đầu não của quân đội trong chuyến
viếng thăm Miến Điện mới đây. Chính quyền đã giận dữ từ chối lời
đề nghị thương thuyết giữa bà Suu Kyi và nhà cầm quyền qua sự
trung gian của ông. Bộ trưởng Bộ Thông tin thông báo ông Gambari
lơ là và thiên vị. Đồng thời họ cũng ra lệnh cho nhân viên hàng
đầu của Liên Hiệp Quốc phải rời khỏi Miến Điện cuối tháng này vì
ông đã nghi vấn về tình trạng kinh tế của quốc gia.
“Các tướng lãnh sẽ không trao quyền bất kể do ý muốn của người
nào,” Ian Storey, một thành viên của Viện Nghiên Cứu Đông Nam Á
ở Singapore nói như thế. Quyết định cho bà Suu Kyi gặp gỡ các
trung gian và các lảnh tụ đảng dân chủ chỉ là việc thực hiện mối
quan hệ với công chúng và điều này sẽ không đi đến đâu cả.
Miến Điện vẫn chưa cảm thấy chút áp lực nào từ các nước láng
giềng Á châu.
http://www.buddhismtoday.com/viet/tintuc/no_1641_NhuQuang.htm
|