The Irrawaddy, December 13, 2007
Kyoto, Japan - Với sự kiện chư
Tăng Miến Điện và những
người biểu tình bị đàn áp dã man vào tháng 9 đang bi lu mờ dần
trên thế giới, các tu sĩ trong tăng đoàn Miến Điện ở nước ngoài
đã đẩy mạnh nỗ lực duy trì sự chú ý của thế giới vào tình trạng
khủng hoảng đang còn tiếp diễn trên quê hương của họ.
Các tu sĩ nổi tiếng của Tổ chức Tăng
đoàn Miến Điện thế giới, còn gọi là Sasana Moli, sẽ bắt đầu
chuyến tuần du trên khắp nước Nhật vào ngày thứ Bảy, khởi hành
tại Nagoya và kết thúc tại Tokyo ngày 16 tháng 12. Dẫn đầu
nhóm là ngài Pannavamsa, một cao tăng Miến Điện được kính ngưỡng
đã xây dựng chùa chiền trên khắp thế giới. Ngài cũng là chủ
nhiệm của tổ chức Sasana Moli, được thành lập tại Los Angeles
vào ngày 27 tháng 10 để ‘hợp sức với cộng đồng Phật giáo toàn
cầu trong việc che chở và bảo vệ Phật giáo.’
Nhóm tu sĩ sẽ kêu gọi chính quyền
Miến Điện hãy ‘lập tức chấm dứt mọi hành động thù địch trong sự
đàn áp và bắt đầu cuộc cải tổ chính trị thật sự qua các cuộc đàm
phán toàn bộ.’
Hôm Chủ Nhật, ngài Pannavamsa và
ngài Ashin Sujana, một cao tăng khác trú xứ tại California, đã
nói chuyện với một chúng hội khoảng 50 người tại Kyoto, một
trung tâm quan trọng của Phật giáo Nhật. Thính chúng bao gồm số
đông thành viên của nhiều hệ phái hoặc tổ chức Phật giáo khác
nhau.
Phản ứng của cộng đồng Phật giáo Nhật
đã tỏ ra mạnh mẽ một cách khác thường về sự đàn áp của chính
quyền đối với chư tăng vào cuối tháng 9. Ngày 28 tháng 9, Liên
đoàn Phật giáo Nhật (JBF), đại diện cho hầu hết các hệ phái Phật
giáo lớn tại Nhật, đã đưa ra một lời phát biểu, trình bày ‘sự
phẫn nộ cũng như rất lấy làm tiếc’ về cách chính quyền Miến Điện
giải quyết các cuộc biểu tình bất bạo động.
Lời phát biểu này đã ‘gây không ít
ngạc nhiên cho những ai biết về tổ chức này, bởi vì rất ít khi
JBF đề cập đến các vấn đề mà Tăng đoàn Phật giáo Nhật truyền
thống cho rằng có liên quan đến chính trị,’ theo lời của Tetsu
Hakoda, người điều hành trang web Japanese-language
BurmaInfo.org.
Khi nói chuyện với thính chúng Nhật,
ngài Pannavamsa đã tránh đề cập đến cách xử sự của chính quyền
Tokyo đối với chính quyền Miến Điện, mà nhiều người theo dõi vấn
đề Miến Điện cho rằng quá yếu mềm.
Thông điệp của quý ngài đã được hoan
hỷ đón nhận tại Kyoto, nơi mà các thính chúng nêu lên thắc mắc
và bày tỏ sự ủng hộ. Trong số thính chúng có một mục sư Cơ Đốc
giáo, đã bày tỏ tình đoàn kết với những người đồng sự Phật giáo
của ông, đã cảm thấy cần thiết phải vượt quá vai trò tâm linh
của mình để chú tâm vào những vấn đề thế tục.
Ngài
Pannavamsa đã biểu lộ sự đồng tình với vị mục sư rằng ‘các tăng
lữ, bất luận tín ngưỡng nào, cũng phải quan tâm đến quần chúng
đang cần.’
http://www.buddhismtoday.com/viet/tintuc/no_1690_MinhChau.htm
|