by Htet Aung, The Irrawaddy, January 16, 2008
Bangkok, Thailand
-"Năm 2008 phải là năm thay đổi tại Burma", Sư Uttara, thư ký
của Tổ Chức Tu Sĩ Miến Điện Thế Giới - International Burmese
Monks Organization, viết tắt IBMO, tại một phiên họp với các
nhóm hoạt động xã hội dân sự tại Trung Tâm Sinh Viên Cơ Đốc ở
Bangkok, Thái Lan hôm 15 tháng 01, 2008.
Phiên họp, chủ đề "Cuộc Cách Mạng
Tăng Lữ: Sự Nghiệp chưa hoàn thành" được chủ toạ bởi hai tu sĩ
Miến Điện, chủ tịch tổ chức IBMO, Sư Pannya Vamsa, cư trú tại
Penang, Mã Lai, và thư ký tổ chức IBMO, Sư Uttara, lãnh đạo tổ
chức Phật Giáo tại Luân Đôn, Tu Viện Sasana Ramsi.
Chuyến du hành của hai nhà lãnh đạo
đến Thái Lan là một phần trong chiến dịch quốc tế vận động các
chính phủ và xã hội dân sự đưa lên vấn đề thay đổi tại Burma.
Trong bài phát biểu trên diễn đàn "Làm
cách nào để thiết lập hòa bình và an ninh tại Burma", Sư Pannya
Vamsa nói " Vấn đề quan trọng nhất là đoàn kết- tất cả mọi người
- chư tăng và tín chúng cũng vậy, bất cứ trong hay ngoài nước
Burma, trong hiện tình chưa thật sự là đoàn kết. Nếu chúng ta có
đoàn kết, chúng ta sẽ vững mạnh"
Sư Uttara thúc đẩy cộng đồng Miến
Điện tại Thái Lan hãy đoàn kết. "Nếu chúng ta không thể chứng tỏ
sức mạnh của chúng ta, những người khác không thể nào giúp chúng
ta được", Sư nói "Để nhận được sự yểm trợ và chú ý từ cộng đồng
quốc tế, chúng ta phải bắt tay hành động. Chỉ khi nào chúng ta
chứng tỏ được sức mạnh của chúng ta thì quốc gia chúng ta mới
thấy được sự thay đổi".
Hai vị
tu sĩ nhấn mạnh đến sự quan trọng của áp lực quốc tế trên chế độ
quân phiệt "Chúng tôi có kế hoạch điều trần trước các quốc hội,
các chính phủ và các tổ chức tu sĩ Phật Giáo trên thế giới" Sư
Uttara nói như trên và thêm rằng không có dự tính nào về việc
gặp gỡ các viên chức chính phủ Thái trong cơ hội này vì tình
trạng quân đội tham chính của họ.
Được
hỏi về vai trò của tổ chức Tăng Già Quốc Gia "The State Sangha
Maha Nayaka- một tổ chức giáo hội Phật Giáo do chính phủ thành
lập tại Burma", trong tiến trình chính trị tương lai của quốc
gia, Sư Uttara nói với tờ Irrawaddy rằng "Nếu tổ chức Tăng Già
Quốc Gia thực sự có quyền hạn thì đã không có một tu sĩ nào bị
sát hại trên đường phố, họ không biết họ nên nói gì với chính
phủ, bởi vì họ đã không thể quan sát và phân tích hiện tình quốc
gia một cách trung thực, họ ích kỷ và bất lực"
Phát
động chiến dịch úp bát “patam nikkujjana kamma”, chư tăng từ
chối tiếp nhận cúng dường từ chế độ quân phiệt và những người
ủng hộ họ, chiến dịch trải rộng bao gồm cả các sứ quán Miến Điện
ở nước ngoài, Sư Uttara nói "Hôm lễ Độc Lập -04 tháng 01, 2008,
nhân viên toà đại sứ Miến Điện tại Luân Đôn dự tính sắp xếp một
buổi để bát cúng dường nhưng chúng tôi từ chối không tiếp nhận".
Cuộc
gặp gỡ với các nhóm hoạt động xã hội tại Bangkok được tổ chức
vào ngày hôm sau ngày mà hai vị tu sĩ đã đi một vòng Mae Sot
quan sát tình trạng những tu sĩ đã lánh nạn đến Thái Lan sau khi
chính phủ quân phiệt thẳng tay đàn áp các cuộc biểu tình hôm
tháng Chín năm ngoái.
Sư
Pannya Vamsa nói "Có rất nhiều ngôi chùa Miến Điện dọc theo biên
giới Thái-Miến, nhưng không ai dám bỏ đi, bởi vì họ sợ nhà cầm
quyền Thái Lan và chính phủ Miến Điện".
Hai
nhà lãnh đạo đã kêu gọi dân chúng Thái Lan hãy xem vấn đề Burma
không như là vấn đề của môt quốc gia, mà là một vấn đề thuộc về
nhân bản xã hội "Nếu một quốc gia có được nền hoà bình, tất cả
các quốc gia lân cận cũng sẽ có hoà bình" Sư Uttara nói như trên
và thêm "Đây không phải chỉ là vấn dề khó khăn của Burma, bạn
hãy xem nó như là một vấn đề nhân bản"..
Tổ
chức IBMO- Tu Sĩ Miến Điện Quốc Tế được thành lập tại Hoa Kỳ
hôm 27 tháng Mười, 2007 sau khi những lời kêu gọi bởi chư tăng
và tín chúng hãy bảo vệ Phật Giáo tại Burma được phát ra tiếp
theo cuộc đàn áp đẫm máu của chế độ trên "Cuộc Cách Mạng Tăng Lữ"
hồi tháng Chín.
Tổ
chức này hiện nay dự định thành lập các chi nhánh tại nhiều quốc
gia khác để đẩy mạnh các hoạt động của họ "Chúng tôi đã có chi
nhánh tại Ấn Độ và Bangladesh", Sư Uttara nói "Cuối cùng, tôi
tin tưởng rằng chế độ quân phiệt sẽ phải đàm phán nếu chúng tôi
có thể tổ chức các áp lực quốc tế từ bên ngoài quốc gia và đồng
thời làm việc trong sự hài hoà với quần chúng trong nước. Đấy
là những điều tại sao chúng tôi cần phải chứng tỏ sự đoàn kết và
sự vững mạnh".
http://www.buddhismtoday.com/viet/tintuc/no_1735_HatCat.htm
|