LHASA, Tibet
-- Khách hành hương đã được phép trở lại cung điện Phổ Đà La tại
Lhasa, Tây Tạng ngày hôm qua, xoay bánh xe pháp và phủ phục
trước cung điện cổ xưa vốn từng là nơi trú ngụ của Đức Đạt Lai
Lạt Ma trên một đỉnh núi tại thủ đô Lhasa.
Trong vòng
hai ngày, những Phật tử hành hương đã bị đẩy sang một bên để
dành chỗ cho lễ rước đuốc Thế Vận tại Lhasa. Con đường hành
hương truyền thống tại cung điện Potala bị đóng cửa không báo
trước, một trong nhiều giải pháp an ninh của nhà cầm quyền Trung
cộng, ngay cả một tháng lễ hội Phật giáo thu hút hàng ngàn Phật
tử hành hương tại thủ đô Tây Tạng cũng bị dẹp bỏ.
Khách hành
hương đã trở lại nhưng một bí mật vẫn còn hiện diện:"Chư tăng
tại Lhasa đi đâu mất hết". Một du khách viếng thăm ngôi chùa
Sera ngày hôm qua, ngôi chùa lớn thứ nhì tại Tây Tạng, phát giác
rằng 550 tu sĩ sống tại chùa không còn thấy bóng dáng. Đa số
các tòa nhà và các khu hoạt động lộ thiên hầu như trống rỗng, và
chỉ có khoảng 10 tu sĩ ra vào.
Ba ngày du
lịch vòng quanh Lhasa, nhà báo Canada đầu tiên được phép thăm
viếng Lhasa kể từ khi dân Tây Tạng nổi dậy hồi tháng Ba, phát
hiện rằng toàn bộ chư tăng hầu như biến mất trên đường phố, ngay
cả ở các khu lịch sử chung quanh chùa Jokhang, ngôi chùa thiêng
liêng nhất của Phật Giáo Tây Tạng.
Lưu dân Tây
Tạng, những người có mối liên lạc với Lhasa, nói chư tăng từng
là đối tượng bị cấm đoán nghiêm nhặt nhất trong ba tháng qua, kể
từ khi làn sóng biểu tình chống nhà cầm quyền nổi lên hồi tháng
Ba.
"Có nhiều
trạm kiểm soát được thiết lập và việc kiểm tra giấy tờ tùy
thân diễn ra ở khắp nơi trong thành phố Lhasa",Tsering
Shakya, một tác gia và là một giáo sư tại Đại Học British
Columbia nói như trên.
"Trạm cảnh
sát được dựng lên ở lối ra của các ngôi chùa viện, những người
ra vào đều phải ghi danh và bị kiểm tra giấy tờ. Điều này làm
nản lòng nhiều tu sĩ.
Cư dân Lhasa
gặp rất nhiều khó khăn hoặc không thể liên lạc điện thọai đến
chùa Sera để gặp chư tăng là thân nhân của họ", ông Shakya nói
tiếp " Đó là những giải pháp an ninh. Chư tăng hầu như là tiếng
nói của các cuộc biểu tình, và họ là những mục tiêu của chiến
dịch hiện thời. Họ đang ở dưới sự giám sát chặt chẽ của nhà cầm
quyền"
Lobsang Choepel, một nhà sư 77 tuổi
là chủ tịch ban điều hành tu viện Sera dưới sự kiểm soát
của nhà cầm quyền, phủ nhận việc cấm
đoán trên chư tăng, nói "Họ có thể xuống phố để mua sắm và đi ra
chợ để mua thực phẩm", nhưng sư không giải thích được tại sao có
rất ít tu sĩ được trông thấy trên đường phố và ngay cả tại các
tu viện.
Sau khi đáp
lời 5 câu hỏi chớp nhoáng của nhà báo nước ngoài, nhà sư bị các
viên chức Trung cộng đẩy đi, những viên chức từ chối cho phép
hỏi thêm những câu hỏi xa hơn. Các viên chức thúc hối những nhà
báo ngoại quốc hãy nhanh chóng tiếp tục chương trình viếng thăm
do nhà cầm quyền bảo trợ.
Tu viện
Sera, nơi chư tăng dẫn đầu các cuộc biểu tình hồi tháng Ba tại
Lhasa, vẫn còn dưới sự kiểm soát an ninh chặt chẽ của nhà cầm
quyền kể từ đó. Một số cảnh sát đồng phục đã canh gát tại cổng
vào của tu viện trong ngày hôm qua, mang theo máy truyền tin.
Trung cộng
đã điều động một khối lượng lớn các lực lượng an ninh tại Lhasa
vào hồi cuối tuần để bảo đàm an ninh cho cuộc rước đuốc
Olympic kéo dài khoảng 2 giờ qua thành phố. Chỉ có khách mời
mới được phép tham dự các buổi lễ khai trương và lễ bế mạc,
nhưng hầu hết những người Tây Tạng thường dân đều bị giữ tránh
xa ngọn đuốc khi nó được rước qua một đoạn đường ngắn trong
thành phố thủ đô Tây Tạng vào sáng ngày thứ bảy vừa qua.
Hàng ngàn
cảnh sát bán quân đội và cảnh sát thường đã chú mục vào sự kiện
rước đuôc, ngọn đuốc đã đi qua một cách êm thắm, mặc dù nhà cầm
quyền cáo buộc rằng các nhà Tây Tạng ly khai đã cố gắng phá hoại.
Phần lớn
thành phố, bên cạnh con đường ngọn đuốc đi qua, hầu như là sa
mạc. Cư dân được khuyến cáo nên ở trong nhà, hoặc ít nhất là
phải có giấy tờ cho phép tham gia ủng hộ ngọn đuốc. Hàng trăm
cửa tiệm dọc theo tuyến đường ngọn đuốc phải đóng cửa trong ngày.
Những người Tây Tạng buôn bán ngoài đường được giữ lại bên trong
các lớp hàng rào sắt bên lề đường.
Một nhóm nhỏ
phóng viên ngoại quốc được mời tham gia lễ rước đuốc nhưng đã
không được phép quan sát bất cứ điều gì trên đoạn đường dài 9
km, chỉ trừ lúc bắt đầu và lúc kết thúc.
Các nhà phê
bình nói nhà cầm quyền Trung cộng đã đẩy Lhasa vào tình trạnfg
thiết quân luật. "Với cung cách mà họ đã quân đội hóa thủ đô Tây
Tạng, Trung cộng đã có thể diễn hành cuộc rước đuốc qua Lhasa
trên một chiêc xe tăng"Han San, một nhà hoạt động dân chủ cùng
một nhóm lưu vong, Sinh Viên cho một Tây Tạng Tự Do.
http://www.buddhismtoday.com/viet/tintuc/no_1905_HatCat.htm