OCTOBER 4, 2008
Tôi là một tu sĩ Phật Giáo Miến
Điện, và tôi đang sống lưu vong. Một năm trước vào tháng Chín,
nhà cầm quyền Miến Điện đã trấn áp các cuộc biểu tình ôn hòa một
cách dã man tại đất nước tôi. Tôi là một trong số những tu sĩ
đã thực hiện hướng dẫn những cuộc biểu tình được biết đến với
danh xưng "Cuộc Cách Mạng Tăng Lữ" này. Thế giới đã chú ý đến
đất nước tôi , nhưng một năm sau, sự chú ý đó đã phai nhạt dần.
Là tu sĩ, chúng tôi dành trọn
cuộc đời cho đức tin, nhưng cũng là cho cả nhân loại nữa. Chúng
tôi không thể giữ im lặng trước sự đàn áp của những "ông bạn dân"
Miến Điện chúng tôi. Chúng tôi sống giữa quần chúng, và chúng
tôi biết họ phải tranh đấu vật vã. Giá cả nhiên liệu và thực
phẩm quá đắc đỏ cho nhiều người phải cưu mang. Một số gửi con em
đến các tu viện chúng tôi chỉ để được sống còn. Chúng tôi biết
rằng hàng triệu dollars đang chạy vào Miến Điện từ doanh thu của
tài nguyên thiên nhiên quốc gia.
Danh mộc, bảo thạch, dầu khí
v.v.. đã làm cho chế độ giàu sụ trong khi những người bình
thường thì...đói meo"
Chế độ quân phiệt Miến Điện đã
giam giữ tôi một thời gian tổng cộng 10 năm bởi vì tôi đã lên
tiếng phản đối bất công tại đất nước tôi. Hồi tháng Giêng năm
nay, tôi nghĩ rằng tôi sẽ phải bị đi tù lần nữa, tôi đã chạy
trốn đến Thái Lan và tôi đã đến Mỹ chỉ một tháng về trước. Hồi
cuối tháng Chín, tôi đọc báo thấy nói nhà cầm quyền đã trả tự do
cho khoảng 9,000 tù nhân. Cơ quan truyền thông nhà nước ca tụng
rằng đây là một dấu hiệu cho thấy sự "tử tế, ân cần" của nhà
cầm quyền. Nhưng chế độ biết rõ đó chẳng phải tử tế cũng chẳng
phải ân cần gì hết. Tại Miến Điện, bất cứ ai cũng có thể bị bắt
bớ vì bất cứ lý do gì. bất cứ giờ nào và bất cứ nơi đâu.
Trong số 9,000 tù nhân được trả
tự do, chỉ có 7 người là tù nhân lương tri. Vô số những người
khác vẫn còn ở trong tù. Nhà văn, nhà thơ U Win Tin, người cuối
cùng cũng đã được trả tự do ở cái tuổi 79, đã trải qua 19 năm tù
đày vì chỉ trích chính phủ. Chúng tôi vui mừng rằng ông ta và 6
tù nhân chính trị khác đã được phóng thích, nhưng về việc này,
nhà cầm quyền không tạo được chút uy tín nào. Những người này lẽ
ra không phải bị tù đày như thế.
Trên thực tế, nhà cầm quyền đã
bắt lại một trong bảy tù nhân chính trị đó chỉ trong vòng vài
giờ sau khi được phóng thích. Câu chuyện tiếp theo sau này đã
không được ghi nhận trong truyền thông quốc tế. Nếu nhà cầm
quyền thành tâm, họ nên phóng thích hết tất cả những tù nhân
chính trị, kể cả nhà lãnh đạo ủng hộ dân chủ Aung San Suu Kyi,
sinh viên hoạt động dân chủ Min Ko Naing, lãnh đạo U Tin Oo và
tất cả những người bị gông cùm trong lao tù gần 20 năm nay bởi
vì họ đã cùng nhau diễn hành trong các cuộc biểu tình hồi năm
1988.
Là một cựu tù nhân chính trị,
người mà nhiều thân hữu và cộng sự viên vẫn còn bị giam giữ ở
ngục tù Miến Điện, tôi muốn cảnh báo các nhà lãnh đạo thế giới,
những ai nghĩ rằng nhà cầm quyền miến Điện đã có sự thay đổi.
Đừng có khờ dại vậy. Là một cựu tù nhân chính trị, tôi phản đối
sự vô luân lợi dụng việc phóng thích các tù nhân chính trị như
một chiến thuật để lấy lòng cộng đồng quốc tế.
Thời điểm mà tâm thư này được
công bố, đồng thời với việc các lãnh đạo thế giới đang tụ họp
tại Liên Hiệp Quốc ở New York, không phải là một sự tình cờ. Chế
độ quân phiệt ước ao được xem là hợp lý trước những con mắt của
thế giiới, và họ cũng mong muốn làm cho thế giới quên lãng đi
những hành động tàn ác của họ vẫn còn tiêp tục từ hồi năm ngoái
cho đến nay. Họ mong muốn nhận được những lời ca tụng của quần
chúng. Tôi xin cảnh báo quần chúng và cộng đồng quốc tế chớ rơi
vào cái bẫy sập!
Cộng đồng thế giới xin hãy tiếp
tục gây áp lực cho việc phóng thích tất cả tù nhân chính trị tại
Miến Điện, đòi hỏi một sự thay đổi thực sự. Cuộc Cách Mạng
Tăng Lữ vẫn chưa chấm dứt!
Sư Pyuinar Zawtya, đồng sáng
lập khối Liên Minh Tu Sĩ Toàn Miến Điện, cho đến gần đây vẫn
còn là phó trụ trì Tu Viện Maggin tại Rangoon, ngôi chùa từng
yểm trợ tổ chức các cuộc biểu tình hồi tháng Chín năm rồi. Hiện
nay ông đang sống lưu vong tại Hoa Kỳ.
http://www.buddhismtoday.com/viet/tintuc/no_2051_HatCat.htm