Trang tiếng Anh

      Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt

   

...... ... .  . .  .  .

Thiền sư, dũng tướng và những người phụ nữ

Hoàng Kim


Mạnh Hùng (Lý Thường Kiệt) và Hồng Hạnh (Ỷ Lan) trong vở Trọn đời trung hiếu với Thăng Long

Ảnh: M.Châu

Năm 2007, chân dung thiền sư Huyền Quang chợt sáng bừng trên sân khấu TP.HCM qua vở Cung phi Điểm Bích. Và năm nay, vai dũng tướng Lý Thường Kiệt trong vở Trọn đời trung hiếu với Thăng Long tham dự Hội diễn cải lương toàn quốc 2009 gây ấn tượng mạnh với khán giả. Huy chương vàng cá nhân dành cho Mạnh Hùng - Lý Thường Kiệt quả là xứng đáng.

Từ thiền sư...

Mạnh Hùng sinh năm 1974 tại Hà Nội, con của NSƯT Thanh Tùng (Nhà hát Cải lương Hà Nội), biết ca cải lương từ bé. Tốt nghiệp diễn viên trường Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội (1997), công tác tại Nhà hát Cải lương VN.

Mạnh Hùng còn rất trẻ. Tên anh đã rất quen thuộc với miền Bắc, nhưng với khán giả phương Nam thì còn lạ lẫm. Nhưng từ dạo Cung phi Điểm Bích được giải vàng trong Liên hoan sân khấu dành cho đạo diễn trẻ 2007 thì người ta cứ gọi Mạnh Hùng là Huyền Quang cho… gọn. Tên nhân vật đã gắn liền với diễn viên, đó là một hạnh phúc. 

Tôi cứ nhớ mãi gương mặt thiền sư Huyền Quang - Mạnh Hùng ẩn hiện mờ mờ trong khói sương bảng lảng của núi rừng heo hút, vừa khắc khổ, vừa quyến rũ.  Đạo diễn Hoàng Quỳnh Mai chọn người cho vai sao mà thích hợp. Mạnh Hùng ngoài đời cũng gầy gầy, như là khắc khổ, trầm tính. Nhưng không, anh vốn cầm tinh tuổi con cọp, nên ẩn chứa sự mạnh mẽ, bản lĩnh, có thế mới đúng chất của Huyền Quang, cũng là tuổi Dần. Tiếng suối chảy róc rách, tiếng chuông chùa thanh thoát, tiếng ngâm thơ dịu dàng, chỉ như làm nhòa bớt đi cái mạnh mẽ của Huyền Quang trước cõi đời sắc dục. Không mạnh mẽ mà dám từ quan lui về am cỏ, dám đối diện với hồng nhan tri kỷ.

Gọi Điểm Bích là tri kỷ của ông cũng không ngoa, vì nàng có thể họa đàn, họa thơ với ông, đồng cảm từ tâm hồn tới nghệ thuật.  Cho nên, sức cám dỗ còn hơn gấp nhiều lần những sắc dục tầm thường. Chỉ một chút buông lơi, niết bàn bỗng xa diệu vợi… Cái giây phút Huyền Quang đấu tranh với chính mình sao mà thương quá đỗi! Và cũng khâm phục quá đỗi! Choàng tỉnh dậy, như cơn mộng mà thôi. Lý tưởng giải thoát vẫn là đây, tâm người bất động. Khán giả thở phào, rồi vỗ tay không ngớt. Sân khấu quá đẹp, nghệ sĩ diễn xuất thần…

Mạnh Hùng bảo: “Để vào vai này, tôi phải leo lên tận núi Yên Tử, nơi có thờ tượng ngài Huyền Quang, mà nghiên cứu, và khấn ngài phù hộ. Tôi còn vào chùa nói chuyện với sư, quan sát từng cách nói năng, đi đứng, tụng kinh, ngồi thiền…”   

... tới dũng tướng

Trong Hội diễn cải lương toàn quốc 2009, Mạnh Hùng lại xuất hiện với vở Trọn đời trung hiếu với Thăng Long. Lý Thường Kiệt lần này gần giống hình dung của người dân Việt trước nay. Oai dũng, tận tụy, vừa phá Tống bình Chiêm, vừa an dân an nước. Đó là một “tượng đài” trong lòng công chúng, nên diễn vừa dễ lại vừa khó. Mạnh Hùng đã vượt qua được thử thách ấy, từ ngoại hình tới ca diễn. Nhưng chi tiết ông tự “yểm mình” thì nhiều người chưa biết, ngay cả Mạnh Hùng khi nhận vai mới ngạc nhiên, thấu hiểu. Vậy là, phải thể hiện cho được nỗi đau của một người đàn ông khi từ bỏ “sức mạnh” của mình. Và cả nỗi đau tình yêu với nàng Thuần Khanh suốt mấy chục năm.

Mạnh Hùng đã đến đền thờ Lý Thường Kiệt ở Hà Nội, ngồi gần nửa ngày trong đó để thẩm thấu nỗi niềm của tiền nhân. Anh tâm sự: “Nói không phải duy tâm, mỗi lần bước vào chốn linh thiêng tôi đều cảm nhận một cái gì đó lan truyền vào người. Ngay cả đạo diễn và anh em trong đoàn cũng đến thắp hương”.

Và những người phụ nữ...

Hình như Mạnh Hùng và Hoàng Quỳnh Mai “có duyên” với nhau hay sao ấy!

Cả hai vở này đều do Hoàng Quỳnh Mai dàn dựng. Thật ra, khi Mai còn là đào chánh của nhà hát thì Mạnh Hùng đóng kép chánh. Khi Mai đi học đạo diễn về, thì Mạnh Hùng lại là người được Mai tin cậy giao vai. Anh nói: “Chắc Mai là phụ nữ nên dàn dựng tinh tế, chi tiết, kỹ lưỡng. Lên sàn tập với Mai rất thú vị, cô ấy nghiên cứu sâu sắc, hỗ trợ cho chúng tôi rất nhiều”. Nhưng còn một người phụ nữ nữa cũng hỗ trợ cho anh là NSƯT Thanh Thanh Hiền. Anh cười: “Chị đóng vai cung phi Điểm Bích quá hay. Tôi là đàn em, đứng bên cạnh chị bỗng thấy tự tin, vững vàng hơn”.

Và người phụ nữ chưa bao giờ xuất hiện trên sân khấu nhưng lại theo Mạnh Hùng trên khắp nẻo đường nghệ thuật, chính là vợ anh. Chị làm kinh tế để chồng yên tâm mà “đắm đuối” với cải lương. Lần hội diễn nào chị cũng theo chồng vô tận Sài Gòn. 

Mạnh Hùng trầm ngâm: “Tôi chỉ ước cải lương có nhiều khán giả. Chúng tôi chấp nhận khó khăn, không kiếm nhiều tiền, nhưng nếu không có khán giả thì buồn lắm!”. Gần đây, nhà hát thường đi diễn ở những lễ hội và những buổi phục vụ với cả ngàn khán giả nghiêm túc, họ xem vở mà mặt “căng” như… ban giám khảo, cuối cùng lại vỗ tay như pháo. Có ai biết người nghệ sĩ mừng muốn rơi nước mắt. Cải lương tuy còn khó khăn nhưng đâu phải đã hết bạn tri âm.  

 

Nguồn: http://www.thanhnien.com.vn/News/Pages/200949/20091205153238.aspx

 

http://www.buddhismtoday.com/viet/pgvn/tintuc/thiensu.htm

 

 


Cập nhật: 14-12-2009

Trở về thư mục "Tin Tức Phật giáo"

Đầu trang