Văn hóa là một tổng thể
những giá trị vật chất lẫn tinh thần của một cá nhân, một tập
thể, một quốc gia, một khu vực..
Tôn giáo có tính văn hóa của một tôn giáo.
“Trí tuệ và tự giác” là một trong những nét văn hóa đặc thù của
Đạo Phật. Đức “vâng lời” cũng là một nét văn hóa của Kitô giáo.
“Chính nhân quân tử” là nét riêng của Nho giáo…
Thể hiện nét văn hóa của một tôn giáo là thể
hiện cái chung của vật thể lẫn tinh thần. Vì thế nó mang tính
bao quát và bao biện! Trong phạm vi tổ chức hành chánh, Ban Văn
Hóa Trung Ương của GHPGVN có nhiệm vụ duy trì, phát huy nét văn
hóa chung của Phật giáo song hành với cơ chế hoạt động trong
Giáo Hội. Từ 1981, GHPGVN xuất hiện, Võ Đình Cường đảm trách mảng
Văn Hóa Phật giáo; do cơ chế và khả năng, Ban Văn Hóa Trung ương
chỉ xuất hiện tập san Văn Hóa Xuân Thu nhị kỳ; Nhiệm vụ trước
mắt, Ban văn hóa qua nhiều nhiệm kỳ, chưa tổng kết được những
loại Văn Hóa Vật thể của PGVN như Pháp khí, Ảnh tượng, sách báo,
các kiến trúc của am tự viện ba miền. Cũng chưa triển khai được
nét sáng tạo cập nhật thời đại mà tinh thần PGVN cần phải có để
xác định giá trị hiện hữu của một tôn giáo cần và đủ đáp ứng
khoảng trống khi nước nhà thống nhất. HT Trung Hậu kế nhiệm, tuy
chưa trọn vẹn trong khâu chuyên môn, cũng can đảm đứng ra tổ
chức Tuần văn Hóa Phật Giáo được sự kết hợp với BTS PG Khánh Hòa;
Ban Van Hóa không có ngân quỷ, chẳng có nhân sự, nhờ vào tinh
thần trách nhiệm và tính thuần hậu chơn chất, Hòa Thượng đã được
sự hổ trợ đắc lực từ các đồng môn, đồng đạo. Chọn Nha Trang làm
nơi diễn ra cuộc hội diễn là điều đắc địa, nó không những nằm
giữa ba miền, còn là một trong những thắng cảnh danh lam, non
nước hữu tình, có dịp để đại biểu thay đổi khí hậu.
Lần đầu tiên tổ chức, BTS PG Khánh Hòa cũng
như Ban Văn Hóa Trung Ương còn lúng túng bởi chưa có kinh
nghiệm. Và khi bắt đầu, chưa biết bắt đầu từ đâu, bắt đầu như
thế nào; Rất may, BTC đã được chư Tôn Đức cựu học Tăng Hải Đức
tiếp trợ những văn bản và sách báo thời cựu giáo học để minh hoạ
cho sự hành hoạt của Phật giáo Khánh Hoà trong quá khứ hầu cuộc
triển lãm hầu thêm phần ý nghĩa.
Về nội dung triển lãm, có lẽ vì Tuần Văn Hóa
Phật Giáo quá tầm tay của Ban tổ chức, nên chủ đề Văn Hóa Phật
giáo nói chung và Văn Hóa PGVN nói riêng chỉ thể hiện rất khiêm
tốn qua ảnh nghệ thuật Tây Đông Tuyết và Hoa của TT Minh Hiền,
một nét riêng của Phật giáo Bhutan, Nhật bản. Một vài hình ảnh
lưu niệm các bậc tiền bối PGVN vào thế kỷ XX mà Văn Hóa PGVN
cũng như Văn Hóa PG thế giới không chỉ có thế. Nét cổ kính xưa
và TP tân thời của Khánh Hòa nay cũng chưa đủ thể hiện hết qua
các tấm Panorama. Nếu xem Tuần Văn Hóa là một khái quát khởi đầu
cho sự phát triển tiếp theo để các tỉnh thành rút kinh nghiệm kế
tục, những bài thuyết trình của các giáo sư chuyên ngành liên
quan đến văn hóa Phật giáo là một gợi ý tư duy cho các chức sắc
thì đây là một khởi đầu mang nhiều ý nghĩa.
Về địa điểm, khá thuận lợi, nằm cạnh bãi
biển, không xa Hòn Tre, phương tiện đi lại thuận tiện.Nhất là
giao mùa Thu Đông, TP vắng khách du lịch, không khí tĩnh lặng,
trời không nắng, gió vi vu nhẹ thổi, tăng thêm sự dịu dàng cho
tuần văn hoá Phật giáo.
Việc phục vụ đi lại cho các đại biểu, ngoài
giờ quy định giữa hai nơi cư trú, đại biểu phải tự túc. Suốt
tuần Văn Hóa, chương trình không có thưởng lãm tham quan Thành
Phố Nha Trang cho các đại biểu.
Trong chương trình sinh hoạt cũng như khai
mạc, Ban Văn Hóa Phật giáo tỉnh Khánh Hòa không có mục phát
biểu những nét đặc thù của Văn Hóa Phật giáo địa phương trong
thời gian hình thành Ban Trị sự và sinh hoạt hiện tại. Phòng
trưng bày chỉ cho đại biểu và quan khách thấy được một vài văn
bản vào thập niên 50 của Phật học Viện Hải Đức khi chuyển giao
cơ sở vật chất mà người xem không hình dung được sự phong phú
của Phật giáo Khánh Hòa non một thế kỷ qua đã phát triển tại
mãnh đất nầy. Đáng ra, Tuần văn hoá Phật Giáo được PG Khánh Hoà
tổ chức, dịp nầy, BTS nên cho các Đại biểu và quan khách hiểu về
tầm vóc và khả năng sinh hoạt của PG Khánh Hoà. Ngoài hình ảnh
cố HT Thiện Minh, HT Trí Quang, cố HT T. Trí Thủ, cố HT T. Phước
Huệ…còn nhiều giáo thọ sư và danh Tăng một thời làm rạng danh
PGVN, cũng chưa xuất hiện đầy đủ! Nếu những hình ảnh chư tổ
truyền thừa, công cuộc vận động chấn hưng Phật giáo vào thập
niên 1930, quá trình đấu tranh của Tăng tín đồ Phật Giáo Việt
Nam thập niên 1963; Sự vận dụng hoà nhập PG vào xã hội trong
thời chiến của GHPGVNTN; các Tông phái Phật giáo tồn tại một
thời như Thiền Phái Trúc Lâm, Lâm Tế,Thiên Thai, Tịnh Độ…được
trưng bày bằng hình ảnh hoặc tư liệu, chắc chắn Tuần Văn Hoá sẽ
phong phú và ý nghĩa hơn.
Suốt những cuộc đại hội, hội thảo hay những
tổ chức quy tụ đông người của GHPGVN, chưa từng có những bữa ăn
do chính quý thầy làm tiếp viên như Tuần Văn hoá PG như thế nầy.
Những Phật tử tham dự các bữa như vậy cảm thấy ái ngại được chư
Tăng phục vụ. Nhưng thật dễ thương, biết rằng trong số Tăng sinh
của Trung cấp Phật Học Long Sơn, tương lai cũng sẽ có những danh
Tăng kỳ tài như Phật học viện Hải Đức, cũng đã là tiếp viên chạy
bàn cho một sự kiện lớn của ngành Văn hoá Phật giáo hiện nay,
quý Tăng sinh vui vẻ, nhiệt tình phục vụ như thế, mai đây họ
cũng sẽ phục vụ nhiệt tình cho một PGVN phát triển bền vững.
Chư Tăng trẻ từ vùng quê trầm lắng của đất
Thần kinh, cũng vượt hàng trăm cây số trước nửa tháng để bám
trụ, tiếp sức cùng Khánh Hoà làm nên kỳ tích; Những anh em Phật
tử biến thành group chuyên nghiệp, thiết kế những tấm panorama
to kềnh, một cách thiện nghệ, nhanh gọn. Nhìn hoạt động của quý
thầy và Phật tử như thế mới thấy tinh thần phụng sự Phật giáo
của cộng đoàn PGVN thật đáng quý kính.
Ban Thông tin báo chí chưa đến chục người,
tính rất văn nghệ, làm việc thoải mái cũng như thoải mái xả
những luồng khói độc hại vào căn phòng chật chội mà có những
người không quen hút thuốc; công việc trôi chảy khi được giao
phó, vì thế, 5 bản tin liên tục xuất hiện với bài vở và hình ảnh
phản ánh được nội dung sinh hoạt của Tuần văn Hoá PG.Rất mừng,
những Tăng sinh trẻ đã được trang bị kiến thức và khả năng làm
việc mà qua những Bản tin được minh chứng. Nếu Giáo Hội nói
chung và Ban Văn Hoá nói riêng có kinh phí, sẳn máy móc thì việc
in ấn sẽ chủ động hơn là đem ra bên ngoài thực hiện, vừa mất
thời gian, vừa tốn kém lại khó quản lý sát sao.Quý thầy trẻ khá
giỏi về phần mềm tin học, nên máy móc tại phòng được điều chỉnh
kịp thời khi có sự cố.
Vào những ngày cuối, chuẩn bị cho chương
trình bế mạc, có lẽ hoành tráng hơn cả lúc khai mạc, công sức
không nhỏ do Gia Đình Phật Tử Khánh Hoà kết hợp cùng Nhạc Viện
Huế qua những tiết mục: Đạo ca Phật giáo Việt Nam, được dàn dựng
kỷ lưỡng trước một tháng tại các chùa ở Huế, Nha Trang và miền
Duyên Hải. Anh em trẻ bán chuyên nghiệp nhưng cộng sự khá đắc
lực, nên đạt nhiều hiệu quả. Mặc dù chương trình của nhạc viện
Huế trong thời gian cuối năm khá tất bật, nhưng tinh thần của
anh em và giáo viên nhạc viện vẫn ưu ái cho Tuần Văn Hoá Phật
Giáo thật trọn vẹn. “Trái tim Bồ Tát Quảng Đức” cũng như “Nha
Trang, mùa Thu lại về”… đều gây nhiều xúc động cho quần chúng.
Một số ấn phẩm chào mừng Tuần Văn hoá, tương
đối kỷ lưỡng và đẹp. Mỗi đại biểu ra về đều có phần quà gồm
sách báo, lịch block, cái cặp làm kỷ niệm.
*
* *
Bảo rằng “Tuần Văn hoá Phật giáo” thì nội
dung chưa đủ tầm thể hiện đúng mức, nếu chỉ là “Tuần Văn Hoá
Phật giáo Việt Nam” thôi, thì vẫn còn quá ư nghèo nàn về dưỡng
chất để người xem có một hình dung về sự phong phú mà lịch sử đã
minh chứng Phật giáo từng đồng hành cùng dân tộc. Nhưng dẫu sao,
thời gian cấp bách, kinh phí không sẵn và hạn chế, Tuần văn hoá
Phật Giáo đã nói lên sự nổ lực và nhiệt thành của Ban Tổ chức để
gióng lên tiếng nói trách nhiệm của mình, mà một thời gian khá
dài chưa từng thể hiện được.
Tổ chức của Phật giáo, cho dù tổ chức Giáo
Hội, tổ chức hành chánh cũng mang bản sắc đặc thù của Phật giáo,
một loại tổ chức ảnh hưởng văn hoá Tự Tại của nhà Phật, vì thế,
không thể đòi hỏi như những tổ chức chuyên nghiệp khác.
Văn hoá là kết tinh của quá trình thu nhập và
phát tiết, do cuộc sống xã hội, do giáo dục học đường, do tập
quán từ môi trường sống…nhiều yếu tố cấu thành một hình thái
văn hoá, rồi văn hoá tác động lại ý thức, học thuật…Văn hoá của
Phật giáo nói chung và Phật Giáo Việt Nam nói riêng là một mảng
lớn văn học, kiến trúc, nghi lễ, kinh tạng, pháp khí, thậm chí
pháp môn luôn được sáng tạo theo từng thời đại. Nghi lễ ba miền
khác nhau, nghi lễ Việt Nam khác với Tàu, không giống Tibet,
Nhật bản…Thế nhưng, chúng cũng bổ trợ cho nhau, ví dụ nghi lễ
cung nghinh chư tôn đức, đại biểu về tham quan Trúc Lâm Tịnh
viện tại Hòn Tre, ban dẫn lễ dùng tiếng ốc của Tây Tạng, tiếng
trống bản của Nhật để làm phong phú thêm văn Hoá Phật Việt.
Hy vọng Ban Văn Hoá Phật Giáo trung ương sẽ
nỗ lực sáng tạo nhiều sắc thái sinh hoạt để góp phần khởi sắc
cho PGVN mà trách nhiệm đang gánh vác.
Dẫu sao, một Tuần văn hoá như thế, khởi đầu
không tránh khỏi những khiếm khuyết, nhưng đã làm nổi bật những
thiện chí và nổ lực trong tầm tay, một bài học cho những bước
tiếp theo để các BTS tỉnh Thành hàng năm cần phải vượt khỏi
thói quen trùm chăn chờ thời, một cố tật hầu hết tu sĩ nắm các
chức vụ đều vấp phải.
Ban Văn Hoá cũng như các Ban khác cần có
những văn bản và mở lớp hướng dẫn, đào tạo cho các BTS chuyên
ngành, kích hoạt cho guồng máy giáo hội chuyển bánh trong thiên
niên kỷ hoà nhập hiện nay. Đó là niềm hy vọng của toàn thể Tăng
tín đồ PGVN muốn Đạo Phật vượt khỏi trì trệ và song hành cùng
dân tộc.
6/12/09