-
Tư Tưởng Kim Cang Thừa
Giảng Viên
Thích Lệ Thọ
Nhất
cú nhiễm thần hàm tư bỉ ngạn
Tam xa khai thị ngộ nhập Phật thừa.
I. Định nghĩa:
Kim cương thừa (zh.
金剛乘,
sa. vajrayāna) là tên gọi một trường phái Phật giáo xuất hiện
trong khoảng thế kỷ thứ 5 hay thứ 6 tại Bắc Ấn Độ. Kim cương thừa bắt
nguồn từ Đại thừa và được truyền đi các nước: Việt Nam, Tây Tạng, Trung
Quốc, Nhật Bản
Mông Cổ và Nga.
Xuất phát từ Phật giáo Đại thừa, nhưng trường phái
này lấy thêm những phương pháp tu học huyền bí, có tính chất mật truyền.
Kinh sách Kim Cang Thừa trình bày nhiều phép tu luyện được gọi là
Tantra.
Và hay sử dụng Chân ngôn
do đó có ảnh hưởng mạnh nhất tại Tây Tạng hiện nay.
Muốn lĩnh hội Kim cương thừa, người nghiên cứu hay
hành giả phải có một kiến thức uyên thâm về bộ kinh
Bát-nhã-ba-la-mật-đa, trên quan điểm luận giải của ngài Long Thọ và
Vô Trước. Vì vậy Bát-nhã-ba-la-mật-đa cũng được gọi là “Nhân”
và Kim cương thừa được gọi là “Quả”. Đó là định hướng của
Tông Kim Cang Thừa thể hiện mình trong giai đoạn phát triển thứ 3 của
tư tưởng Phật giáo Ðại thừa ở Ấn Ðộ. Ðứng về phương diện tư tưởng,
Kim Cang Thừa vượt trên mọi nhị nguyên bằng một lối hành trì mới để đáp
ứng cho con người Ấn Độ đương thời.
II. Sự Hình thành Mật Tông:
Theo quan niệm của người dân Ấn Độ ở giai đoạn thứ ba
phát triển của Đại Thừa cho rằng giáo pháp của đức Phật được chia làm ba
phần: Tiểu thừa, Đại thừa, Kim Cương Thừa.
Mật tông Phật giáo, tức Mật thừa hay Kim Cương
thừa, là một sáng tạo phối hợp giữa các phương pháp tu luyện cổ xưa của
nền văn minh tâm linh Ấn Độ với Triết lý Đại Thừa của Phật giáo.
Chữ “Mật Tông” để chỉ chung các giáo lý bí truyền Ấn Độ
giáo đã có từ trước khi Phật giáo xuất hiện. Những nhà nghiên cứu thấy
rằng Mật Tông Ấn Độ giáo dù không được phái Veda chính thống công nhận,
nhưng vẫn song hành, tồn tại và phát triển cùng Veda và Upanishad.
Thường thì các tôn giáo đều có phần công truyền và phần bí truyền, ngoài
Mật Tông Ấn giáo còn có mật Tông của đạo Jaina…với ý nghĩa “nối
tiếp, tương tục”. Vì vậy để phân biệt và chỉ rõ Mật Tông của
Phật giáo ta dùng chữ Mật Tông Phật giáo, Mật thừa (Tantrayana) hoặc Kim
Cương Thừa (Vajrayana) chủ trương nguyên lý Sự Sự vô ngại
thì mới chính xác.
Ngài Long Thọ (Nagarjuna) 600-650 được
coi là vị Tổ sư của Mật giáo. Ngài thuộc dòng Bà la môn, thọ giới tại
Nalanda, sau đó đến Vương Xá tu 12 năm đắc thánh quả Đại thủ ấn
tất địa (Mahamudràsiddhi). Đệ tử của Long Thọ là Long Trí (Nagarboddhi).
Có học trò là Thiện Vô Úy. Ở giai đoạn này phải phân biệt ngài Long Thọ
(thế kỷ thứ 7) xiển dương Mật giáo với ngài Long Thọ (thế kỷ thứ 2) đã
viết Trung Quán luận. Tuy nhiên người ta thường tin rằng Long Thọ đời
sau chính là hóa thân của Long Thọ đời trước.
Ngài Thiện Vô Úy (Subhākārasiṃha)
637-735 đã đưa Mật tông truyền sang Trung
Quốc. Ngài từng là vua xứ Orrissa và cũng là người dịch bộ kinh Đại Nhật
(Mahavairocana sutra) ra chữ Hán và đã được vua Trung Quốc Đường Huyền
Tông tôn làm quốc sư. Các đệ tử của ngài là Nhật Hạnh, Huyền Siêu, Minh
Trí, Nghĩa Lâm…
Theo sử liệu cho thấy giáo pháp này đến thế kỷ thứ 10
mới được hệ thống hóa và kết tập hoàn chỉnh. Các tác phẩm quan trọng
nhất của Kim cương thừa: Kinh Ðại Nhật, Kinh Kim Cương Ðỉnh, Bí
mật tập hội (sa. guhyasamājatantra) và Thời luân
(sa. kālacakratantra) Sau đó không lâu, các học thuyết được
phát triển thêm: Tantra, Chứng đạo ca,
Thành tựu giả
và Đại thủ ấn
(sa. mahāmudrā). Trên lập cước đó giáo lý Mật Tông chia làm hai
phần:
1/ Hiển Giáo: Thừa nhận toàn bộ hai hệ
thống giáo lý của Nam Truyền và Bắc truyền: Kinh, Luật và Luận. Ngoài ra
còn có hai nhận thức:
1.1 Kim Cang giới (Vaijradhàtu): là Pháp thân,
là lãnh vực của Trí tuệ bát nhã, là Tánh Không, là Chân Đế.
1.2 Thai Tạng giới (Garbhadhàtu): Là thế giới
hiện tượng, là phương tiện của sự tu chứng. Mọi vật, sự vật và hiện
tượng trong Thai Tạng giới đều vận động để phát triển và chuyển
hóa đến mức trưởng thành cuối cùng là Trí Huệ. Giống như tình trạng của
một thai đang phát triển, nghĩa là còn cần phải tu tập nuôi dưỡng để
hoàn chỉnh.
2/ Mật Giáo: Là tất cả các giáo lý
trong các kinh Mật Tông thí dụ như:
2.1 Thiền Quán Tưởng Đức Phật Bổn Tôn,
2.2 Chuyển Hoá Thân Thành Thân Bổn Tôn,
2.3 Mạn Đà La.
2.4 Tự Thọ Quán Đảnh.
2.5 Truyền Pháp Quán Đảnh.
2.6 Chuyển Di Thần Thức.
2.7 Cung Thỉnh Chư Bổn Tôn,
2.8 Câu Triệu và Hàng Phục Thiên Long Quỷ Thần.
2.9 Câu khẩu quyết Om MaNi PadMe Hum
III. Triết lý Mật tông:
Kim cương Thừa là sự tịnh hóa ba nghiệp thân,
khẩu, tâm để trở thành thân, khẩu, tâm của một vị Phật.
Khi ba sự tịnh hóa ấy thành tựu, gọi là ba nghiệp tương ưng, tức là ba
nghiệp tương ưng trọn vẹn với Phật tánh. Thân trở thành Hóa thân, khẩu
trở thành Báo thân và tâm trở thành Pháp thân của Phật. Mật thừa có 4
đặc tính:
1/ Pháp Du già tịnh hóa triệt để môi trường chung
quanh.
2/ Pháp Du già tịnh hóa triệt để thân xác.
3/ Tịnh hóa triệt để mọi cảm thọ.
4/ Pháp Du già tịnh hóa triệt để mọi hành vi.
Bất cứ giáo lý nào có chứa đựng bốn sự tịnh hóa ấy
đều là Mật thừa.
Ðức Ðạt lai Lạt ma thứ 13 nói: “Ðối với những
ai chưa thỏa mãn các pháp thực hành Hiển thừa, thì có 4 loại tantra:
krya, charya, yoga và yoga tantra tối thượng. Tinh túy của bốn loại này
là yoga tantra tối thượng. Qua đó, sự giác ngộ viên mãn về Phật tánh rốt
ráo có thể được hoàn thành chỉ trong một đời này. Ðể hoàn thành Phật
tánh tròn đủ, người ta cần một con đường kết hợp cả hai mặt: phương tiện
(năng lực) và trí tuệ (quán chiếu). Ðiều này tạo ra trạng thái đại hòa
hợp của thân và tâm đã được tịnh hóa, đây là sự đạt đạo tối hậu. Trong
các tantra tối thượng, “phương tiện” ám chỉ các yoga thân
huyễn (illusory body) và “trí tuệ” để chỉ các yoga tịnh
quang.
Sự tịnh hóa, thăng hoa, tương ưng ấy được thực
hiện qua nhiều phương tiện, phương pháp, kỹ thuật:
1/ Thần chú (mantra): Bình thường, câu
nói nào của chúng ta cũng tạo thành một tâm tương ứng. Như nói, tôi
thương A lắm, tôi ghét B lắm. Lập tức, câu nói ấy tạo thành một trạng
thái tâm thương và tâm ghét nơi ta. Thần chú cũng ảnh hưởng đến chúng ta
theo cách ấy. Thần chú là những âm thanh, những tần số mà vũ trụ này tạo
thành bằng những tần số rung động. Năng lượng là những rung động ở tần
số rất cao. Vật chất là những rung động ở tần số cấp thấp. Khi khoa học
nói: vật chất là năng lượng cô đặc, có nghĩa là tùy theo mức độ rung
động mà có những thế giới từ thô đến tế. Vì thần chú là những rung động,
nên nó có thể làm cho chúng ta tương ưng với những rung động vi tế,
những năng lượng vi tế, những thế giới vi tế. Ngôn ngữ có tính cách
thông tin, truyền đạt, khai mở, duy trì; cho nên âm thanh được phát ra
từ câu thần chú cũng truyền đạt, khai mở, duy trì tâm giác ngộ như thế.
2/ Ấn (mudra): Kim cương thừa quan niệm
thân tâm ta là một tiểu vũ trụ tương tự với đại vũ trụ bên ngoài. Nên sự
phối hợp 5 ngón tay tượng trưng cho 5 đại, để có được một sự điều hòa
đem lại một trạng thái an lạc. Vì vậy, các hóa thần ôm ấp nhau thường
thấy ở các hình ảnh của Kim Cang Thừa cũng là một loại ấn (karma
mudra). Ở đây chẳng có gì là dục tính. Sự ôm ấp âm dương ấy là sự kết
hợp của phương tiện “dương” và trí tuệ “âm”.
Sự kết hợp khách quan ấy còn phản ánh vào trong chính thân tâm của con
người: “khi quán tưởng các hình ảnh kết hợp âm dương ấy, những
năng lực âm dương, bên tả và bên hữu trong thân thể sẽ kết hợp với nhau,
tạo thành một sự bùng nổ năng lực rất cao”.
Nói chung, có rất nhiều khái niệm khác nhau
khi tiếp cận chân lý, nhưng có một điểm chung của Mật Tông là Từ
Bi,
Trí Tuệ, Phương Tiện Thiện Xảo.
Dựa trên Triết lý Sự Sự vô ngại của kinh Hoa Nghiêm,
Mật Tông đã phát huy đến đỉnh cao nhận thức. Tuy thế Mật Tông lại giữ
cho sự phát triển bay bổng của mình bằng một định hướng đúng đắn của Đạo
Phật, bằng cách giữ nguyên truyền thống Giới-Định-Huệ. Đồng thời diễn tả
bản thể nguyên thủy bằng năm vị Phật Thiền tức là năm Trí được chuyển
hóa từ năm thức của tâm thế gian khi giác ngộ.
1/ Nhãn nhĩ tỉ thiệt thân thức sau khi giác ngộ sẽ
biến thành Thành sở tác trí, được biểu tượng bằng Phật Bất Không
Thành Tựu (Amoghasiddhi)
2/ Ý thức sau khi giác ngộ sẽ biến thành Diệu Quang Sát trí, được biểu tượng bằng Phật Vô Lượng Quang (Amitabha)
3/ Mạt-na thức khi giác ngộ sẽ biến thành Bình
Đẳng Tánh trí, được biểu tượng bằng Phật Bảo Sanh (Ratnasambhava)
4/ Alaya thức khi giác ngộ sẽ biến thành Đại Viên
Cảnh trí, biểu tượng bằng Phật Bất Động (Akshobyha).
5/ Trí Huệ toàn mãn gọi là Pháp Giới Thể Tánh trí, được
biểu tượng bằng Phật Đại Nhật (Mahavairocana).
*
Mật tông có bốn bậc khác nhau từ cao xuống thấp là:
1/ Tối Thượng Mật Tông: Hành giả hoàn
thiện đầy đủ các pháp quán tưởng chuyển hoá thân thành vị Phật Bổn Tôn
được thành tựu Tam Mật tức là Thân Mật, Ngữ Mật, Ý Mật.
2/ Thiền Quán Mật Tông: Hành giả phải
biết rõ pháp tu quán tưởng chuyển hoá thân thành Đức Phật Bổn Tôn. Biết
phương pháp tạo đồ hình Mạn Đà La, biết các Chân Ngôn…
3/ Nghi Thức Mật Tông: Hành giả phải
biết rõ phương pháp tu Quán Tưởng Đức Phật Bổn Tôn, biết rõ các Chân
Ngôn, biết rõ các Thủ Ấn.
4/ Lễ Bái Mật Tông: Là hành giả phải tu hành đầy
đủ các pháp lạy sám hối, trì tụng.
IV.
Mạn Đà La: (Mandala):
Mật Tông xem con người và vũ trụ có cùng một cấu trúc và
cùng một lý vận hành. Mạn Đà La là một “sơ đồ” có tính biểu tượng
của vũ trụ, của các thành phần của vũ trụ, hoặc chính của bản tâm con
người. Mật Tông nhìn bản thể của vũ trụ như tập hợp các thành phần tâm
thức (tức trí huệ sau khi chứng ngộ). Trong Mạn Đà La, trí huệ được biểu
tượng bằng các vị Phật. Hoạt dụng và hành trạng của các vị Phật được
biểu tượng bởi các vật dụng mà các vị Phật cầm nắm hoặc đi kèm.
Khi quán tưởng một Man Đà La, người thực hành có thể
trực nhận những nguyên lý sâu kín nhất của vũ trụ và cũng có nghĩa là
những nguyên lý sâu kín nhất trong nội tâm của mình.
Mandala, Hán dịch là luân viên cụ túc, nghĩa là vòng
tròn đầy đủ. Đây là biểu tượng của vũ trụ và năng lực trong vũ trụ được
trình bày bằng các hình vẽ. Mandala, về mặt triết lý, là cơ sở hợp nhất
thế giới hiện tượng và thế giới bản thể, là đối tượng của thiền quán.
Trong ý nghĩa thực tiễn thì Mandala là đàn tràng bằng đất để hành giả
bày biện các lễ vật hay pháp khí phục vụ cho nghi thức hành lễ, cầu
nguyện, tu luyện...
Xuất phát từ tư tưởng của hai bộ kinh Đại Nhật và Kim
Cương Đỉnh, Mật giáo thiết lập hai Mandala:
1/ Thai tạng giới Mandala (Garbhadhàtu
mandala) là yếu tố thụ động tâm linh, cũng có nghĩa chỉ cho vũ trụ về
mặt tĩnh, mặt lý tánh. Tác dụng lý tánh như thai mẹ chứa đựng đứa con,
từ lý tánh thai tạng mà xuất sinh mọi công đức.
2/ Kim cương giới Mandala (Vajradhatu
mandala) Gồm bốn vị Phật thiền xung quanh một Pháp tánh Phật. Ý nghĩa
này ám chỉ khi các Thức của người thực hành Thiền đã chuyển thành bốn
Trí của một vị giác ngộ, thì sự phối hợp của bốn trí sẽ tạo thành thực
thể thứ năm: đó là Trí Huệ Bát Nhã tức pháp thân của Phật (Tathagata).
Mạn Đà La Kim Cang giới cũng gọi là Man Đà La Ngũ Trí Như Lai. Bí tạng
ký nói: “Thai tạng là lý, Kim cương là trí”.
Theo thời gian hình thành và phát triển Phật giáo Tây
Tạng và các nghệ nhân đã sáng tác rất nhiều Mạn Đà La Kim Cang Giới theo
nguyên tắc bố trí này. Mặc dù hiện nay có rất nhiều hình dáng nhưng vẫn
xoay quanh bốn hình thức chính của Mạn-đà-la:
1/ Đại Mạn đà la (Maha mandala): vòng
tròn hội tụ các Đức Phật và Bồ tát, trình bày bằng hình vẽ hoặc điêu
khắc. Mạn đà la này biểu tượng cho tự thân của Phật và mối quan hệ giữa
tự thân Phật với toàn thể vũ trụ nên gọi là Đại.
2/ Tam muội gia Mạn đà la (Samaya
mandala): vòng tròn hội chúng với những pháp khí trong tay tùy theo bản
nguyện của mỗi vị. Samaya dịch là bổn thệ, tức là xu hướng và khả năng
hóa hiện độ sanh của mỗi vị Phật, Bồ tát.
3/ Pháp Mạn đà la (Dharma mandala): là
Mạn đà la của văn tự lý giải chân lý. Tất cả những lời Phật dạy, những
chân ngôn của Phật và Bồ tát đều bao hàm trong đó.
4/ Yết ma Mạn đà la (Karma mandala): là
Mạn đà la bằng điêu khắc chạm trổ biểu hiện các động tác, các hành trạng
độ sanh của Phật và Bồ tát.
* Các chất liệu để làm Mạn-đà-la:
Trong truyền thống Mật Giáo Tây Tạng thì các
mạn-đà-la có thể được làm từ các loại: đá quý, hoa, gạo, bột, gỗ, đá màu
hay cát màu… Trường hợp cát, thường được tạo ra từ việc nghiền các viên
đá quý và được xem như là vật liệu có hiệu lực nhất bởi vì có các chất
liệu quý đòi hỏi kỹ năng rất khéo léo để tạo nên các mạn-đà-la có các
chi tiết tuyệt hảo. Do mỗi hạt cát được nạp bởi các phúc lành của tiến
trình lễ nên toàn thể mạn-đà-la cát biểu hiện một kho chứa khổng lồ của
năng lực tinh thần.
* Thời gian làm Mạn-đà-la và xóa:
Có các Mạn Đà La cần phải 49 ngày mới hoàn thành bởi
vì cứ mỗi 7 ngày thì chư tăng hoàn thành một phần và làm lễ chú nguyện
gia trì.
Mạn Đà La như là một thế giới hải mà mỗi một hạt cát
là một hệ thống thế giới. Mạn Đà La tượng trưng cho lý Hoa Nghiêm Pháp
Giới Trùng Trùng Duyên Khởi Vô Tận.
Lễ Xóa Mạn Đà La cũng là tượng trưng cho Lý
Tánh Không Duyên Khởi đó là các Pháp Không Có Tự Tánh Đều Do Duyên Biến
Hiện.
V. Mật Tông trong lịch sử Phật giáo Việt nam:
Mật Tông cũng đã được đưa vào Việt Nam từ rất lâu.
Theo sử liệu, pháp sư Tinidaruci (Tì Ni Đa Lưu Chi) từ Ấn Độ sang Việt
Nam năm 580. Sư trù trì chùa Pháp Vân, Hà Đông truyền dạy cả Thiền lẫn
Mật.
Các thiền sư thuộc Thiền phái Tì Ni Đa Lưu Chi không
chỉ uyên thâm về Phật pháp, mà nhiều vị còn rất có uy tín với triều đình
và biểu thị rõ ý thức độc lập tự chủ của đất nước. Các thiền sư Pháp
Thuận, Ma Ha (thế kỉ thứ 10), Sùng Phạm (thế kỉ 12), … đều làm cố vấn
cho nhà vua không chỉ việc đạo mà cả việc đời, việc ngoại giao. Dòng Tì
Ni Đa Lưu Chi còn kéo dài mãi đến thế kỉ 19. Đặc biệt, các thiền sư dòng
Tì Ni Đa Lưu Chi thường có hình thức tu tập “Tổng Trì Tam Muội” (Dharani
samadhi), một hình thức tu tập phổ biến của Mật giáo (Tantrism),
dùng chân ngôn kết hợp với ấn quyết trong trạng thái đại định để giữ
tương ưng thân, khẩu, ý.
Năm
1963 tại Hoa Lư, Ninh Bình, đã phát hiện một cột kinh Phật bằng đá vào
thế kỉ thứ 10. Cột kinh này do Đinh Liễn, con của Đinh Tiên Hoàng, dựng
năm 973. Trên cột có khắc bài thần chú Phật Đỉnh Tối Thắng Đà La Ni (Usnisavijaya
dharani), một thần chú phổ biến của Mật tông. Năm 1964, phát hiện
được cột kinh thứ hai. Năm 1978, lại phát hiện thêm 14 cột kinh tương tự
ở Hoa Lư.
Vạn Hạnh (?- 1025)
Chùa Lục Tổ, làng Dịch Bảng, phủ Thiên Đức. Người Cổ Pháp, họ Nguyễn.
Gia đình đời đời thờ Phật. Thuở nhỏ Sư đã khác thường, gồm thông ba học
nghiên cứu trăm luận, xem thường công danh. Năm 21 tuổi xuất gia, cùng
với Định Huệ thờ Thiền Ông chùa Lục Tổ làm thầy. Ngoài lúc hầu hạ, Sư
học tập quên cả mỏi mệt. Sau khi Thiền, Ông viên tịch, Sư chuyên tập
pháp môn Tổng trì tam ma địa, lấy đó làm việc riêng mình. Bấy giờ Sư nói
ra lời nào thiên hạ đều cho là phù sấm. Hoàng đế Lê Đại Hành hết lòng
tôn kính Sư.
Từ Đạo Hạnh
(?-1117): Ông họ Từ tên Lộ, tự là Đạo Hạnh, ở chùa Thiên Phúc, núi Phật
Tích… Lộ nghĩ việc báo thù cho cha nhưng chưa nghĩ ra mưu kế. Một hôm,
rình Đại Điền ra ngoài muốn gây sự đánh, bỗng nghe thấy trên không trung
có tiếng thét ngăn lại. Lộ sợ hãi quăng gậy mà đi. Muốn sang chùa bên
nước Ấn Độ cầu phép lạ để đánh Điên, đường đi qua đất rợ Kim Xỉ (răng
vàng) thấy hiểm trở bèn quay về, ẩn cư ở núi Phật Tích, thường ngày đọc
kinh Đại-bi-đà-la, đọc trọn mười vạn tám nghìn lần.
Nguyễn Minh Không
(1066-1141): Đạo Hạnh đã hóa, Minh Không trở về chùa cũ cày ruộng. Hơn
hai mươi năm, ẩn hơi kín tiếng. Khi đó Lý Thần Tông bỗng mắc bệnh lạ,
tâm thần rối loạn, tiếng kêu đau đớn gầm rú đáng sợ. Các lương y trong
thiên hạ vâng chiếu mà đến, kể hàng ngàn hàng vạn, đều chịu bó tay. Khi
ấy có đứa trẻ hát rằng:
“Dục
trị thiên tử bệnh, tu đắc Nguyễn Minh Không” (nghĩa là: muốn chữa khỏi
bệnh nhà vua tất phải tìm được Nguyễn Minh Không).
…Khi
gặp Thần Tông, Minh Không lớn tiếng nói:
“Kẻ
đại trượng phu được tôn lên ngôi thiên tử, giàu có khắp bốn bể, cớ sao
còn phát bệnh cuồng loạn như vậy?”
Vua nghe nói rất run sợ. Minh Không bèn lấy một cái
vạc lớn đựng dầu, đun lên sôi sùng sục, rồi lấy tay khoắng vào bốn lần,
rắc vẩy lên khắp mình vua, bệnh tức thì khỏi hết. Vua bèn phong Minh
Không làm quốc sư, ban lộc mấy trăm hộ để thưởng công.
Dương Không Lộ (?-
1119): Thiền sư Không Lộ ở chùa Nghiêm Quang, huyện Hải Thanh là người
họ Dương ở Hải Thanh vậy, mấy đời làm nghề câu cá, bỏ nghề ấy mà đi tu,
thường hay đọc kinh Đà-la-ni-môn.
Nguyễn Giác Hải:
Thiền sư Giác Hải họ Nguyễn, người Hải Thanh, ở tại chùa Diên Phúc quận
nhà. Thưở nhỏ thích câu cá, thường lấy thuyền con làm nhà, lênh đênh
trên mặt nước. Năm hai mươi lăm tuổi bỏ nghề ấy, cắt tóc đi tu, lúc đầu
cùng thiền sư Không Lộ thờ một thầy ở chùa Hà Trạch. Thời Lý Nhân Tông,
sư thường cùng Thông Huyền chân nhân được triệu vào ngồi hầu trong chùa
Lương Thạch ở Liên Mộng. Bỗng có đôi tắc kè gọi nhau, nhức tai điếc óc.
Vua truyền Thông Huyền ngăn nó lại, Huyền lặng nhẩm thần chú, một con
rơi xuống trước. Vua cười bảo: “Hãy còn một con xin để nhường nhà sư”.
Sư đọc thần chú, trong nháy mắt con còn lại cũng rơi xuống nốt. Thiền
Uyển Tập Anh cho chúng ta thấy rất nhiều Thiền sư hành trì Mật giáo.
VI. Kết Luận:
Mật giáo là giai đoạn phát triển thứ 3 của tư tưởng
Phật giáo Ðại thừa ở Ấn Ðộ. Ðứng về phương diện tư tưởng, Mật giáo là
một phản ứng đối với khuynh hướng quá thiên trọng về trí thức và nghiên
cứu của các hệ thống Bát nhã và Duy thức. Theo Mật giáo, trong vũ trụ có
ẩn tàng những thế lực siêu nhiên; nếu ta biết sử dụng những thế lực siêu
nhiên kia thì ta có thể đi rất mau trên con đường giác ngộ, thành đạo.
Kim Cương Thừa còn có nghĩa là con đường Bất
Hoại-Giáo lý tư tưởng của Kim Cương Thừa chính là sự trở về với bản chất
của chính mình. Sự an lạc vốn có và thường hằng kiên cố bất hoại. Đây là
thừa tiếp nối của hai thừa trên và không thể nào đi thẳng vào Kim Cương
Thừa mà không hiểu về giáo lý căn bản của Tiểu Thừa và Đại Thừa Phật
giáo. Thực hành Kim Cương Thừa hàm chứa một sự nguy hiểm lớn lao mà ngay
cả những vị đại sư cũng phải e dè và cho rằng những ai không thông suốt
những giáo lý căn bản của đức Phật mà thực hành Kim Cương Thừa sẽ là một
việc làm tai hại nhất. Bởi các pháp phương tiện Thiện Xảo làm đầu nhằm
dùng mọi năng lượng ham muốn của con người như một chất xúc tác để khai
mở Từ Bi,
Trí Tuệ
trong mỗi con người không ngoài mục đích đạt được giải thoát Niết bàn.
18/11/2009
Sách Tham khảo
1/
The Two Truths, Guy Newland, Snow Lion Publications
(1992) Bản Việt dịch của Lê Công Đa nhan đề “Nhị đế”.
2/
The Changless Nature, Ken, Katia Holmes, Karma Drubgyud
Darjay Ling, UK 1985.
3/
The Meaning of Life from a Buddhist Perspective của His Holiness
the Dalai Lama, Jeffrey Hopkins, Wisdom Publications, 1992.
4/
Consciousness at the Crossroads: Conversations with the
Dalai Lama on Brainscience and Buddhism. Ithaca, NY: Snow Lion, 1999
5/
Con đường đến tự do vô thượng, Đạt-lai Lạt-ma.
(http://www.thuvienhoasen.org/conduongdentudovothuong-07.htm)
truy cập 18/11/2009.
6/
A-tì-đạt-ma Câu-xá luận, bản dịch
của Tuệ Sĩ.
Nhập Bồ Tát hạnh,
dịch Việt ngữ -Thích Nữ Trí Hải. 1994.
8/ Mind and Life,
đức Dalai Lama, 1993.
9/ Kinh Kim Cương, HT Trí Quang
dịch, 1994.
10/ Ðạo Phật ngày nay. Trần Tuấn
Mẫn dịch, 1997.
11/ Ðại cương triết học Đông Phương,
Minh Chi; Hà Thúc Minh. 1993
12/ Kinh Ánh Sáng Hoàng Kim, H.T
Thích Trí Quang, 1994.
13/ Việt Nam Phật giáo sử luận I,
Nguyễn Lang, 1974.
14/ Lịch sử Phật giáo Việt Nam từ khởi nguyên đến thời kỳ Lý Nam Đế.
Lê Mạnh Thát. Tập 1. Nxb Thuận Hóa 1999.
Thuật ngữ Tantra trong tiếng Phạn, có nghĩa là “tấm
lưới dệt”, “mối liên hệ”, “sự nối
tiếp”, “liên tục thống nhất thể” và cũng
đồng nghĩa với thành tựu pháp.
Chân ngôn (真言,
sa. mantra) hoặc Chân âm, phiên âm sang tiếng Hán
là Mạn-đát-la (曼怛羅),
các cách dịch ý khác là Chú (咒),
Minh (明),
Thần chú (神咒),
Mật ngôn (密言),
Mật ngữ (密語),
Mật hiệu (密號),
cũng được đọc thẳng Phạn âm là Mantra, có nghĩa là “lời
nói chân thật”, là biểu hiện của chân như.
“bài ca về sự trực nhận chân lý”, hoặc Chân như
của các Thánh nhân khi thành đạo, đặc biệt là những vị Đại
thành tựu.
Danh hiệu chỉ những vị tu khổ hạnh, đã đạt cốt tuỷ của giáo pháp
Tantra một cách siêu việt. Người ta nhắc đến nhiều nhất 84 vị
Đại thành tựu của thế kỷ thứ 8 đến thế kỷ thứ 12 tại Ấn Độ.
Đại thủ ấn (zh.
大手印, sa.
mahāmudrā) là một trong những giáo pháp tối thượng của Kim
cương thừa, được truyền dạy trong tông phái Kagyupa.
của Tây Tạng. Đại thủ ấn được hiểu là tâm ấn của sự chứng ngộ
được tính Không (sa. śūnyatā), của việc giải thoát khỏi
Luân hồi.
“Mầu nhiệm thay là âm thanh siêu việt thần chú của ngài
Quán Thế Âm. Đấy là âm thanh tối sơ của vũ trụ… Đó là tiếng thì
thầm âm ỉ của thủy triều trầm lắng. Tiếng mầu nhiệm ấy đem lại
giải thoát bình an cho tất cả hữu tình đang kêu cứu trong cơn
đau khổ, và đem lại một sự an trú thanh tịnh cho tất cả những ai
đang tìm sự thanh tịnh vô biên của niết bàn”.
The practice of Kalachakra, Ðạt lai Lạt ma thứ 13.
Click vào đây để download file word