Nắng lên cao. Nắng chiếu ngút ngàn quanh các triền núi hoang vu, làm khô
ráo mấy hạt sương mai còn đọng lại trên những ngọn cây. Càng đi lên,
không khí càng thoáng đãng hơn; Nhưng đường núi dốc đứng hiểm trở cùng
với cái nắng nóng đã làm cho đoàn người hành hương bắt đầu thấm mệt. Từ
xa, họ đã nhìn thấy một mái am tranh bé nhỏ đứng chơ vơ giữa lưng chừng
núi. Cảnh trí tĩnh lặng, cũng khiến lòng người trở nên thanh thản dễ
chịu đôi chút. Từng bước chân nhanh nhẹn lại thoăn thoắt vượt qua những
tảng đá cheo leo nằm vắt vẻo ngang bên bờ suối lạnh .
Sư cô Tịnh Thuỷ chậm rải bước ra sân, đứng chần chừ giây lát, rồi ngồi
xuống nhổ cỏ quanh mấy bụi hoa kiểng. Sáng nay, Sư Cô định lên đỉnh núi
tìm hái một ít lá cây đem về làm thuốc cho bà con trong làng. Nguyên
ngày hôm qua và cả sáng nay, tiếng chim khách cứ hót vang bên hiên tịnh
thất. Sư Cô nghĩ… thế nào cũng có khách đến viếng thăm đây .Có thể là
mấy chú công an biên phòng. Vì đây là vùng núi chiến lược nằm gần biên
giới, nên Nhà Nước nghiêm cấm không cho dân đến làm nhà hay khai khẩn
trồng trọt. Ấy vậy mà…hơn mười năm trước có một vị Sư Cô còn rất trẻ,
một thân một mình dám lên đây lập am để ẩn tu. Mấy lần công an đã phải
lên mời và ép buộc Sư Cô xuống núi. Nhưng sau này vì Sư Cô cứ bướng bỉnh
trở lên và thấy cũng không di hại gì nên họ tảng lờ không làm khó dễ nữa.
Và cũng kể từ đó, không biết tiếng đồn như thế nào mà thỉnh thoảng lại
có đoàn du khách tìm đến vãng cảnh thăm chùa .
Ở chốn rừng hoang núi thẳm này, xưa nay ít có dấu chân người lai vãng.
Không hẳn là vùng trọng điểm nhạy bén của Quốc Gia. Mà do đây chẳng phải
là nơi danh lam thắng cảnh nổi tiếng gì. Làng mạc dân cư thưa thớt cũng
cách xa nơi này khoảng dăm ba cây số. Đường núi gập ghềnh. Ban ngày thì
nóng bức khô khan. Ban đêm thì lạnh buốt ẩm thấp. Nhưng ….đáng sợ hơn cả
vẫn là loài độc xà luôn quanh quẩn trong các lùm cây bụi cỏ. Có lần, vào
lúc đêm khuya trăng thanh gió mát, sư cô ngồi toạ thiền trên một tảng đá
ngoài sân thì một chú rắn Lục bò tới nằm khoanh tròn bên dưới. Khi xả
thiền Sư cô chợt nhìn thấy nó. Người chú nguyện …một lúc sau thì con rắn
bò đi. Có người hỏi:
_Sư Cô không sợ Rắn sao?
_Lúc đầu có sợ. Sau rồi cũng quen dần. Mình chú ý không đụng chạm gì đến
nó thì thôi. Mà dường như Rắn cũng biết nghe kinh đấy. Nhiều lần tôi
đang tụng kinh thì có con Rắn bò vào nằm ngay ngạch cửa. Thời kinh vừa
xong thì nó bò đi mất. Nghe cứ như chuyện từ thời các vị Thiền Sư ngày
xưa, nhưng đó là sự thật.
Cuộc sống thanh bần ẩn dật như cánh hoa rừng khiêm tốn đơn điệu, nhưng
tâm hồn của sư cô không rời xa hẳn với thế giới bên ngoài. Cánh hạc giữa
chốn đại ngàn thỉnh thoảng vẫn hoà nhập với những người dân lam lũ sống
rải rác dưới chân núi. Những người đau bịnh thường hay lên nhờ sư cô tìm
thuốc. Sư cô phải lặn lội leo lên đỉnh núi hái các loại cỏ thuốc đem về
phơi khô cho họ. Sư cô cũng hay giúp mọi người một vài chuyện vặt vảnh
khác. Có khi an ủi hoặc lắng nghe họ giải bày những điều buồn vui trong
đời sống. Một lần có người phật tử từ xa nghe nói liền tìm đến thăm.
Thấy thảo am đơn bạc không có gì, người ấy bèn cúng dường cho sư cô một
ít tiền để chi dụng. Hôm sau Sư Cô xuống chợ mua gạo nấm khoai về nấu
một nồi cháo lớn, rồi đi mời hết bà con trong xóm đến ăn. Gạo tiền còn
dư chút ít, Sư cô cũng phân phát hết cho người nghèo. “-Đời tu hành tri
túc đạm bạc cần chi phải giữ gạo tiền nhiều”.Sư cô bảo với mọi người
như vậy.
. . . Khi đoàn hành hương lên đến nơi thì ánh nắng đã chan hoà khắp cả
núi rừng. Mọi người tản ra đến bên những gốc cây ngồi nghỉ mệt và nhìn
ngắm những mảng cây xanh đang trải dài trước mắt. Sư cô đem ấm nước lá
vối và vài món cây nhà lá vườn ra đãi khách. Chủ khách sau vài tách trà
ấm bụng đã trở nên cởi mở.
Mọi người ngồi xung quanh cùng nói chuyện với Sư cô. Một vị cao niên và
có vẻ am hiểu Đạo Pháp cất tiếng hỏi :_Đức Phật từng dạy :-Phật pháp là
bất ly thế gian pháp. Sư cô quả thật là người có đầy đủ dõng lực, xa
lánh duyên đời. Thế nhưng lại sống quá tách biệt thế này thì sao gọi là
làm lợi lạc quần sanh. Như vậy chẳng phải là trái lời Phật dạy mà cũng
trái với tâm nguyện của người xuất gia sao ?
-
Dạvâng !_Sư cô từ tốn trả lời_Theo lý thì như vậy. Nhưng Phật Pháp vô
lượng. Mỗi người đều có tâm niệm và hạnh nguyện khác nhau. Khi Phật còn
tại thế cũng đâu cấm chúng đệ tử vào trong rừng sâu tu tham thiền nhập
định. Thời xưa và cả thời nay, các bậc cao minh thạc đức trong Phật pháp
không phải ít. Người có năng lực trí huệ cũng nhiều. Chư vị đều vì tiền
đồ của đạo Pháp, vì hạnh phúc an vui cho chúng sanh mà xả thân bất vụ
lợi. Như vậy thì đâu hẳn là nơi phố thị đông đúc hay phải làm điều gì to
tát mới gọi là báo Phật độ sanh. Tâm nguyện của tôi là thích chuyên tu,
hơn nữa đã quen sống nơi thôn dã bình yên tĩnh lặng này, chứ nào phải
muốn làm kẻ lập dị khác đời.Với nhân sinh tôi vẫn mong làm điều gì lợi
ích theo năng lực của mình. Thân tuy sống xa cách nhưng lòng tôi không
hề xa cách….
-Thưa sư cô!Các tỉnh thành bây giờ đều có mở trường Phật Học.
Những vị tăng ni sinh trẻ thích tìm về các ngôi trường lớn trong thành
phố hoặc có vị sang tận nước ngoài du học. Ai cũng vì mục đích phụng sự
đạo pháp, nhân sinh mà cần cầu sự tiến đạt trong sự nghiệp tu học. Sư cô
sống ẩn dật như vậy chẳng hoá ra là người chán đời trốn đời sao ?.
Sư cô mỉm cười :_Với tâm nguyện xuất gia ban đầu,
tôi cũng muốn theo học một ngôi trường Phật học nào đó. Nhưng rồi nhân
duyên đưa đẩy, tôi về đây và cũng tìm thấy niềm an lạc trong đời sống tu
hành. Phật cũng dạy:“Tuỳ theo trụ xứ thường an lạc”.Tuỳ theo hoàn cảnh
mà hoàn thiện pháp môn tu học cùng phẩm hạnh của người xuất gia, thì đó
cũng vừa là tự lợi và góp phần làm lợi ích cho xã hội rồi ….
Những lời hỏi han gần như chất vấn, nhưng ai nấy đều bày tỏ
lòng cảm kích và ngưỡng mộ trước ý chí và nghị lực của Sư Cô. Họ đến
đây không chỉ để tham quan. Không hẳn vì lòng hiếu kỳ. Mà phát xuất từ
một niềm tin; vì sự kính phục trước một con người đã lìa xa chốn bụi
hồng lại không màng tìm kiếm chút danh tiếng theo cái học vị đương thời.
Một đời an bần lạc đạo, sống thanh cao giữa chốn núi rừng, mà không rời
tâm niệm vị tha, làm lợi ích cho nhân quần.
íííííí
Sau buổi toạ đàm, đoàn hành hương được sư cô thết
đãi một bữa cơm chay đạm bạc và ngồi nghe người nói chuyện. Suốt buổi
trưa, Sư Cô dẫn đoàn đi tham quan một vài cảnh trí quanh thiền thất. Rồi
sau đó tất cả vội từ giả Sư Cô xuống núi khi nắng chiều dần buông.
Một chuyến đi xa. Một cuộc hành trình nhiều thú vị,
ít ra họ cũng tận mắt nhìn thấy bao cảnh quan sông núi hữu tình. Rừng
núi luôn bao trùm những điều kỳ diệu mà chỉ những ai từng chung sống,
từng trải lòng mình với muôn sinh nơi này mới cảm nhận hết được. Nắng
chiều vừa lịm tắt sau chân núi, thì đoàn viễn khách cũng vội vả trở về
xuôi, mang theo cả niềm tin tưởng lạc quan vào cuộc sống, với những gì
nình đã thấy đã nghe.
Tiển khách xong, Sư cô Tịnh Thuỷ lại bước lên một
trụ đá ngồi thiền. Một ngày nữa lại trôi qua. Nhưng mọi sự việc và khái
niệm thời gian ở đây nào có nghĩa gì …khi lòng người đã thật sự tìm
thấy niềm an lạc vô biên trong ánh đạo.