Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .
Hội Ngộ Bóng Trăng Xưa
Truyện ngắn - Lam Khê

 

Đêm trăng sáng. Khu vườn xoài rậm rạp như lọt thỏm ngay dưới ánh trăng vàng lung linh huyền ảo. Trời đêm lạnh giá. Cuối khu vườn, có bóng người dõi theo bóng trăng ngập ngừng chân bước, làm rung lay mấy hạt sương đêm mờ ảo rơi trên đầu ngọn cỏ.

 “Một thời, Phật du hóa khắp các vùng trung Ấn Độ. Có nhà đại thí chủ dâng cúng khu vườn xoài để Phật cùng chư Thánh Tăng có chỗ lưu trú. Đức Thế Tôn thường lui tới nơi này thuyết pháp. Một ngàn hai trăm chúng tỳ kheo cũng theo Phật về đây tịnh dưỡng tu niệm… Khu rừng xoài từ đó đi vào các bài thuyết pháp của Phật…”

 Đang lúc thiền hành bắt nhịp theo ánh trăng, tư tưởng tôi chợt suy diễn ra vài dòng kinh sử... Cái anh chàng ý thức thích rong ruổi của tôi thường hay nghĩ ngợi lắm điều là vậy. Tôi đang cư ngụ trong khu vườn xoài râm mát. Chủ nhân khu vườn ắt cũng thấu hiểu tâm lý lòng người nên tha thiết mời tôi về tu niệm tịnh dưỡng…  kiêm luôn công việc trông nom nhà cửa vườn tược khi họ có việc phải đi vắng lâu ngày.

Trong kinh điển hay nhắc đến khu vườn xoài, một nơi có thâm niên lịch sử, gắn liền với thời kỳ phôi thai trụ thế của chánh pháp. Một khu điền trang rộng lớn và thật nghiêm cẩn, dù không có được kỳ tích trải vàng cúng đất như vườn cây của trưởng giả Cấp Cô Độc cùng Thái tử Kỳ Đà, nhưng lại mang đậm dấu ấn vì Phật và chúng Tỳ kheo thường lui tới nghỉ ngơi thuyết giảng… Khu vườn xoài năm xưa đã đi vào sử tích tôn nghiêm là thế. Còn mảnh vườn nơi đây chỉ có ánh trăng đêm cùng kẻ độc hành lạc bước bao năm …

 

Ngôi chùa nằm giữa cánh rừng cao su bạt ngàn sương gió, quanh năm vắng lặng cả tiếng người tiếng xe. Dân quanh xóm cũng hiếm khi chịu khó băng qua còn đường lầy lội này để tìm đến chùa, trừ phi nhà họ có chuyện tang chế ma chay. Một ngôi chùa không có chúng điệu, còn Hòa thượng trụ trì thì già yếu bệnh đau suốt năm. Một vài người làm công quả đến rồi đi. Cảnh chùa quạnh quẽ đến cả tiếng chuông đánh lên cũng nghe dìu dặt một âm sắc trầm buồn u khuất.

Một buổi chiều, Hòa thượng thấy người hơi khỏe mới bảo chú Duy cư sĩ dìu ra hiên ngoài hóng mát.

- Bạch Hòa thượng, ngoài sân gió lắm. Người đang bịnh sợ rằng không tốt…

- Không sao. Hôm nay ta thấy khỏe lắm, cũng phải ra ngoài một chút cho thư thả.

Duy đỡ Hòa thượng lên chiếc xe lăn, rồi chậm rãi đẩy ra con đường lớn. Không gian thơm nồng mùi hương hoa bưởi như muốn đánh thức mọi giác quan bị quên lãng lâu nay. Cảnh sắc buổi chiều tàn yên ả làm tâm hồn Duy man mác đượm buồn. Đã quen với đời sống phong trần, từng qua lại nhiều nơi, vậy mà không hiểu sao khi đến đây lòng anh lại dấy lên nỗi niềm nôn nao hoài cảm.

Những người dân cạo mủ cao su đang trên đường trở về nhà. Họ ngạc nhiên khi thấy Hòa thượng tươi tắn hồng hào trở lại sau nhiều tháng qua. Vài người cúi đầu chào. Người phụ nữ dắt đứa con nhỏ tiến đến gần khẽ bảo nhỏ:-  Con chắp tay xá Hòa thượng đi.

Một người đàn ông vô tư nói lớn: - Trông sắc diện Trư Hòa thượng hôm nay khỏe hẳn, chắc là người hết bịnh rồi.

 Hòa thượng mỉm cười gật đầu chào lại. Duy để ý thấy gương mặt Người ánh lên nét sáng rỡ tươi vui. Mặt trời xế bóng tỏa ra chút sắc vàng dịu mát. Chú Thị giả bất đắc dĩ vừa định quay xe trở vào thì Hòa thượng giữ lại:

- Khoan đã con. Ta còn muốn ngắm cảnh trời chiều mà.

Duy nhỏ nhẹ thưa:- Dạ, cảnh chiều ở đây thì tuyệt lắm thưa Hòa Thượng. Nhưng quả thật là không tốt lắm khi người đang bệnh.

- Ờ! Mà ta đã khỏe nhiều rồi. Con người ta đến lúc nào đó cũng phải ngoi ra tìm chút ánh sáng con ạ! Đốm sáng chiều tàn đôi khi cũng đem lại chút sức sống tươi trẻ. Một đời tu hành của ta đã từng trải qua những tháng ngày như thể không nhìn thấy được ánh mặt trời vậy… chỉ đến lúc gần cuối đời ta mới kịp nhận ra.

- Bạch Hòa Thượng- Duy cất tiếng hỏi khi mấy người kia vừa khuất dạng sau khúc đường quanh- Sao những người ở đây lại gọi ngài là Trư Hòa thượng. Như vậy chẳng phải là quá phạm thượng…?

Hòa thượng cười: - Đó là cách gọi theo thói quen của mọi người thôi. Nghe như thân tình vậy mà hàm nghĩa sâu xa được bắt nguồn từ nhiều sự kiện. Rồi ta sẽ kể cho con nghe về lão Trư Hòa thượng. Ta chỉ mang lấy danh nghĩa về một nhân vật từng len lỏi vào tiềm thức để nhắc nhở cảnh tỉnh kẻ tu hành còn vương đầy nghiệp chướng trầm mê…

                        *  *   *

Một buổi chiều có vị khách tăng lỡ đường ghé chùa xin nghỉ lại qua đêm. Hòa thượng trụ trì tiếp đón niềm nở tuy có chút e dè gượng gạo. Chùa đơn chiếc, không có lấy một chú tiểu nên người phải lo cơm nước chỗ nghỉ cho khách. Tối đến khách chủ cùng trải chiếu ngồi giữa sân hàn huyên chuyện vãn. Một đêm trăng tuyệt sáng mà Hòa thượng trụ trì lâu rồi chưa từng biết thưởng ngoạn. Trông Hòa thượng chưa đến độ tuổi cao niên, nhưng ai ai cũng gọi như vậy, nên khách tăng cũng xưng hô theo với sự kính cẩn pha chút khách khí lấy lòng:

 - Cảm niệm ân đức Hòa thượng cho bần đạo tá túc qua đêm. Thật là làm phiền chùa không ít.

Hòa thượng khiêm tốn giữ ý: - Sư huynh đừng nói vậy mà bần đạo tổn phước. Chúng ta là con nhà Phật thì phiền hà chi chuyện đi ở tiếp rước. Vả lại Tăng đáo Phật lai mà. Có điều cảnh chùa vắng vẻ thiếu thốn…

Khách tăng ngước nhìn bóng trăng rồi bâng quơ nói:- Cảnh trí ở đây thật thanh tịnh, chỉ sợ lòng người không chịu yên tu. Mà này, Hòa thượng có muốn đi gặp một vị cao tăng không. Một nhân vật có hành tung khá bí ẩn…

Vị thầy trụ trì ngạc nhiên hỏi:-  Đi vào lúc này à? Mà vị cao tăng đó là ai?  Ở đâu?

 - Ở gần đây. Trời sáng trăng. Chúng ta gặp ngài cũng dễ thôi.

Hòa thượng đứng lên bước theo khách tăng. Hai người băng qua mấy khu vườn rậm rạp mà cao ráo dưới bóng trăng đêm vằng vặc. Hòa thượng lấy làm lạ vì vườn chùa và những khu vườn quanh vùng không có những hàng cây thẳng tắp và cao lớn như vậy. Đi một đỗi thì đến trước một am thất nhỏ. Hòa thượng nhìn vào tự nghĩ:- Một mình ta chưa chắc đã vào lọt cái am này.

Vị sư đi vòng ra phía sau, dừng lại dưới một tàng cây cổ thụ sum suê cành lá. Vị cao tăng mà nhà sư nói có hình dung hơi cổ quái ngồi dưới một bóng cây, nửa như ngủ gật, nửa đang hành thiền. Khách tăng khẽ khàng lên tiếng:- Chúng con kính chào Trư Hòa thượng.

Hòa thượng cao tăng mở mắt ra nhìn, giọng còn  ngái ngủ: - Mô Phật! Bần đạo xin chào… xin chào. Hai vị đến đây chắc có điều chi chỉ dạy?

- Dạ chúng con không dám. Con muốn giới thiệu vị sư huynh đây với ngài. Vị Hòa thượng này cho con tá túc đêm nay và cũng muốn biết rõ hành tung của Trư Hòa thượng, thưa ngài.

Trư Hòa thượng phá lên cười, âm thanh nghe vọng cả cánh rừng:

-A! Ra vậy. Quả là hữu duyên. Nơi xa xôi này mà được tao ngộ với khách trần thì còn gì bằng. Hai vị ngồi xuống đi, rồi thủng thẳng ta sẽ nói chuyện. Ôi! Thật đáng tiếc. Đêm trăng thanh gió mát gặp được bạn tâm đầu. Vậy mà chẳng có được chung rượu hồng đào đối ẩm…

Hòa thượng trụ trì nghe thế thì ngạc nhiên quá đỗi  bèn buột miệng hỏi:

- Hòa Thượng là bực tu hành, là vị cao tăng, cớ sao lại đòi uống rượu…?

Trư Hòa thượng gục gặc đầu: - Ờ phải. Làm nhà sư thì không được uống rượu. Nhưng ta thuộc trường hợp đặc biệt, là một thứ biệt nghiệp ấy mà. Ta có đủ mọi tật xấu mà thế nhân có, chứ đâu phải chỉ có món rượu. Tài sắc danh thực thùy, thứ nào ta cũng tham cả. Bởi vậy mà trải qua bao nhiêu kiếp rồi… Sư Phụ cùng mấy vị sư huynh sư đệ đã an nhiên giải thoát về cõi Lạc Bang. Còn ta thì mãi trầm luân chốn này mà ngậm ngùi ta thán cho thân phận bọt bèo mây nổi… 

 Nói xong thì Trư Hòa thượng ôm mặt khóc hu hu. Tiếng khóc giữa trời đêm nghe y hệt một tấu khúc bi hài thật thâm thiết. Khách tăng vội đưa tay lay khẽ nhà sư  và bảo nhỏ: - Hôm nay có bạn tương lân cùng hội ngộ, Hòa Thượng khóc quá e là không hay lắm.

Cao tăng lau vội vài giọt nước mắt, ngẩng đầu lên nhìn chăm chú Hòa thượng trụ trì: - A! Đúng là bạn tâm giao đây rồi. Từ bao nhiêu kiếp nay mới được hội ngộ. Người xưa bảo “Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu” chính là lúc này đây hẳn?

Hòa thượng trụ trì bối rối ngồi thừ ra. Trư Hòa thượng này hình dung thật là kỳ dị. Nhìn qua thì đích thị là một sơn tăng, áo vải nâu sồng xộc xệch, đầu tóc thì nửa cạo nửa không. Còn giọng nói nghe ồ ồ phảng phất như từ cõi trời xa vọng lại. Ngần ngừ một lúc, Hòa thượng trụ trì lên tiếng hỏi:

- Xin hỏi Trư Hòa thượng là ai mà bần đạo chưa từng biết? Người là vị cao tăng từ miền nào đến?

- Ai nói ta là cao Tăng vậy? - Trư Hòa thượng trừng mắt ngắt lời - Ông nhìn kỹ bộ dạng ta như thế nào. Nửa tăng nửa tục, nửa phàm nửa thánh. Nửa như tiêu dao giải thoát, nửa còn trói buộc trong cảnh phong trần mộng ảo. Vậy mà cũng được người đời xưng tụng vị nể. Mà xét ra thì có khác gì ông đâu. Sẵn đây, ta xin hỏi là ông có biết về hành trạng của Đường Tam Tạng Huyền Trang đi thỉnh kinh. Và có xem qua bộ sách Tây Du Ký viết về Ngài…?

- Dạ có biết.

- Trư Bát Giới là một trong các môn đệ của Tam Tạng, đi theo ngài trong suốt chặng đường sang Tây Vực thỉnh kinh. Với thế gian đó chỉ là một nhân vật dã sử, vừa hư vừa thực lại có tính cách khôi hài sống động đời thường. Với người xuất gia thì hình tượng đó nhằm để biểu trưng cho tâm ý thức. Hình ảnh lão Trư  có đầy đủ mọi tố chất tham sân si phiền não trong mỗi con người. Khi Tam Tạng còn tại thế, ngài đã hết lòng dạy bảo uốn nắn, nên Trư Bát Giới trở thành một đồ đệ trung thành và khá mẫn tuệ. Nhưng rồi trải bao năm tháng, sư phụ về cõi Tây Thiên, còn Trư Hòa Thượng ta mãi lênh đênh bên dòng sanh tử… ngập lặn trong biển ái sông mê, thân tâm nhiễm đầy chất bụi trần tham đắm.

Hòa thượng trụ trì như đang bước vào cõi mộng, chỉ nghe tới chừng đó đã thảng thốt kêu lên:

- Ngài là Trư Bát Giới. Là Trư Hòa thượng đây sao? Thảo nào bần đạo thấy quen quen như có gặp qua trong bộ phim Tây Du Ký. Mà sao ngài lại ở đây vậy?

- Vậy ông đã nhận ra bạn cũ rồi à?

 - Nhưng bần đạo là bạn của ngài từ bao giờ?

- Từ vô lượng kiếp trước. Và có thể đến vô số kiếp về sau. Cứ gọi ta là lão Trư chứ Hòa thượng cái nỗi gì. Lão Trư này chỉ chung sống với những ai còn tham sân mạn chấp, bất kể là tăng hay tục. Nhưng thường trực hơn vẫn là người xuất gia…

Sắc mặt Hòa Thượng trụ trì cứ ngớ ngẩn ra:

- Ngài nói vậy nghĩa là sao? Vậy ra bần đạo gặp ngài cũng là đang đối diện với tham sân phiền não của mình à? Bần đạo là người xuất gia còn đang trên bước đường chuyển hóa, làm sao tránh khỏi những lúc buông lung theo tình chấp thế gian. Ngài có thầy lành bạn tốt chỉ dạy nhắc nhở mà bao nhiêu kiếp còn chưa dứt được. Còn kẻ hậu sinh này vô phước sanh nhằm đời pháp mạt. Ngài chắc biết rõ điều này…

- Ta biết hay không thì giúp gì được cho ông nào. Ai ăn nấy no. Ai tu nấy chứng. Ta còn chưa lo nổi được cho thân mình nữa đây. Kể ra ông cũng thông minh lắm. Ta mới nói vậy ông đã hiểu ngay. Quả là đồng bệnh tương lân. Từ bao đời nay ta nhiễm đầy những thói hư tật xấu của người đời. Ở vào thời Tượng Pháp ta còn có duyên may theo thầy bạn thỉnh kinh, vượt qua bao thử thách chông gai mới có ngày viên mãn, đem giáo pháp về đông độ truyền lưu cho bá tánh hậu lai. Công đức ấy quả là vô lượng. Nhưng vì tập khí nhiều đời còn rơi rớt. Dù tu hành mà ta vẫn còn ham vui thế sự. Có vậy ta mới có duyên gặp được ông đêm nay.

- Bạch Hòa thượng, bần đạo vẫn chưa hiểu ý ngài muốn nói gì ạ?

- Ta mới khen ông thông minh đó mà, sao còn vờ hỏi? Ông không hiểu. Vậy thì để ta nói ra luôn. Ông về hành đạo ở một phương cũng làm nhiều việc lợi lạc quần sanh, công đức ấy có thể nói là không nhỏ. Nhưng rồi dần dần tâm ý ông bắt đầu chuyển hướng quên mất tâm hạnh xuất gia ban đầu. Ông khởi niệm tham cầu danh vọng lợi dưỡng, lúc nào cũng lo tích góp tiền tài không biết nhàm chán hổ thẹn. Ngày chẳng tụng niệm, đêm chẳng hành thiền. Không có nội lực chuyên tu mà chỉ muốn làm một ông giảng sư thao thao bất tuyệt để được người đời kính bái cúng dường. Giới phẩm đức độ chưa hoàn hảo, ông lại tự xưng mình là Hòa thượng để cầu sự tôn vinh ngưỡng mộ. Làm người tu hành thì phải biết nhẫn nhục, nêu cao đời sống thanh bần lạc đạo. Ông không giữ được như vậy, mà chỉ thích buông lung theo tình cảnh. Gặp việc trái ý thì sân si nổi dậy. Có bạn hữu khuyên bảo thì nặng lời oán trách cho là người ta ganh  tỵ dèm pha...

Hòa thượng cao tăng nói một hơi mà chẳng buồn nhìn đến gương mặt đỏ ửng ngại ngần của người đối diện. Nói xong Hòa thượng nhắm nghiền mắt rồi dựa lưng sát vào thân cây. Người muốn nhập định. Và trước khi bước vào cảnh thiền tịch lặng, Hòa thượng còn tha thiết nói vài lời với bạn đạo:

- Ta nói vậy là để cho ông kịp nhìn lại chính mình. Con đường xuất gia không chỉ có chong gai thử thách và cũng lắm sự mật ngọt cám dỗ. Không nỗ lực tiến tu cầu giải thoát thì nhân sanh tử luân hồi khó mà dứt ra được. Lại còn món nợ cơm áo của đàn na thí chủ… biết bao giờ đền trả cho xong. Đêm sắp tàn rồi, thôi ông trở về nghỉ ngơi. Sau này biết đâu chúng ta lại có duyên gặp gỡ trên bước đường vân du hành đạo.

¯¯¯

- Câu chuyện vẫn chưa đến hồi kết thúc mà, thưa Hòa thượng. Vị khách tăng và Trư Hòa thượng đó, người đã từng gặp hay chỉ tồn tại trong giấc mơ. Và vì sao những người ở đây lại gọi người là Trư Hòa thượng?

 Duy hỏi một hơi vì xem chừng Hòa thượng không muốn tiếp tục câu chuyện có phần kỳ bí liêu trai này.

Hòa thượng cười: - Chuyện của Trư Hòa thượng cũng sắp đến hồi kết thúc rồi con ạ! Một khi xác thân ta không còn thì duyên kỳ ngộ với Lão Trư cũng hết. Ta không nhớ rõ vị khách tăng có ghé lại chùa đêm ấy hay không? Nhưng Trư Hòa thượng hẳn nhiên đã từng hiện hữu, ít nhất ngài từng đi qua tiềm thức ta. Còn cái tên Trư Hòa thượng hiện thời thì… ta không tự xưng, nhưng mọi người thích gọi như thế khi nghe ta kể lại câu chuyện. Ta mặc nhiên chấp nhận cũng là để nhắc nhở sách tấn cho mình cùng hậu thế.

 

Trải qua bao năm tháng, tôi - cái anh chàng tên Duy ngày nào vẫn ưa thích làm một kẻ lữ hành lang thang đơn độc. Thỉnh thoảng chàng lãng tử cũng chạnh lòng nhớ đến ngôi chùa nằm cuối khu rừng cao su tịt mù mây khói. Và thế là tôi lại khăn gói ghé về thăm ngôi mộ tháp của vị Hòa thượng khả kính, thắp cho người nén hương để bày tỏ tất lòng tri ân tưởng niệm. Được hầu bệnh người trong mấy tháng cuối đời, âu cũng là phước duyên mà tôi có được qua một lần gặp gỡ sơ giao.

Đêm nay tôi lại làm khách trong khu rừng xoài nhà người. Cuộc hội ngộ cùng bóng trăng hay niềm tri ân cuộc sống… Bỗng thấy mình như đang đối diện với người xưa qua tâm thức trở về./.

 

                                                                                        

 

http://www.buddhismtoday.com/viet/truyen/hoingo.htm

 


Vào mạng: 14-07-2009

Trở về mục "Truyện Phật giáo"

Đầu trang